Điều trị tích cực cứu sống người đàn ông nguy kịch do nhiễm liên cầu lợn
06/12/2024 | 11:48 AM
|
Ngày 3/12, theo tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, khoa Hồi sức tích cực và chống độc của bệnh viện vừa tiếp nhận nam bệnh nhân (32 tuổi ở huyện Chương Mỹ Hà Nội), chuyển từ tuyến y tế cơ sở đến bệnh viện với chẩn đoán theo dõi sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.
Bệnh nhân được điều trị tích cực tại bệnh viện.
Trước đó, bệnh nhân có giết mổ một con lợn chết không rõ nguyên nhân. Sau 5 giờ mổ lợn, bệnh nhân có xuất hiện sốt rét run, mệt mỏi, kèm theo đau bụng, nôn nhiều.
Tiếp đến, bệnh nhân xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử trên da tăng nhanh kèm theo suy hô hấp, tụt huyết áp và được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng nguy kịch.
Tại đây, bệnh nhân xuất hiện phù toàn thân, nhiều ban xuất huyết hoại tử toàn thân và ở mặt, suy đa phủ tạng, tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu…
Bệnh nhân được chẩn đoán, sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn, được chỉ định lọc máu liên tục, kháng sinh phổ rộng liều cao và can thiệp nhiều thủ thuật chuyên sâu khác. Kết quả cấy máu cũng cho thấy, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus Suis).
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tán huyết, hoại tử da… Bệnh nhân được điều trị tích cực trong 21 ngày, tình trạng sức khỏe đã cải thiện tốt. Hiện tại, bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện.
Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Bình Tĩnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho hay, gần đây, bệnh viện tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh nhiễm liên cầu lợn. Điều đáng nói là nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch, suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu nghiêm trọng.
Thậm chí, đã ghi nhận trường hợp tử vong do đưa đến viện muộn trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn suy đa tạng nặng không hồi phục. Có những bệnh nhân được chữa khỏi nhưng phải cắt bỏ những đầu ngón tay hoặc ngón chân bị hoại tử, di chứng thần kinh...
Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Bình Tĩnh khuyến cáo, người dân cần nấu chín thịt lợn. Ngoài ra, không giết mổ lợn bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân và không ăn các món ăn tái, sống, đặc biệt là tiết canh lợn. Mặt khác, khi giết mổ, chế biến thịt lợn sống, người dân cầnsử dụng các trang bị bảo hộ (găng tay).
Khi tiếp xúc với nguồn lây như lợn bệnh và sau ăn thức ăn có nguồn gốc từ lợn không bảo đảm vệ sinh mà xuất hiện các triệu chứng bệnh thì cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên sâu gần nhất để được điều trị, hạn chế các biến chứng và giảm thiểu tỷ lệ tử vong.
Phòng Truyền thông Y tế
Related news
- Bệnh viện Bình Dân lần đầu tiên phẫu thuật robot trong tái tạo cơ hoành
- Phẫu thuật, tái lưu thông ruột cho bệnh nhân tắc ruột dính
- Cặp vợ chồng đón tin vui sau 11 năm hiếm muộn
- Phẫu thuật nội soi đặt mảnh ghép nhân tạo vào trong thành bụng điều trị thoát vị rốn
- Điều trị cho bé gái 2 tháng tuổi mắc giang mai bẩm sinh
- Chìa khóa vàng giúp bệnh nhân ung thư sống thêm 10-20 năm
- Người đàn ông được phẫu thuật cắt bỏ khối u từ dấu hiệu đau không ngờ