Tỉnh có công tác tiêm chủng vững mạnh
Từ những năm đầu thực hiện công tác TCMR, Thái Bình thực hiện mô hình tiêm chủng vào một ngày cố định hàng tháng mà sau này được đặt tên là “Ngày Hội của trẻ thơ”, sau đó lồng ghép trong “Ngày Sức khỏe toàn dân”. Hiện nay, ngày tiêm chủng hàng tháng đã trở nên quen thuộc với các bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng. Phần lớn các gia đình đã chủ động đưa con đi tiêm chủng trong ngày này.
Nhiều năm qua, tại Thái Bình, các chỉ tiêu TCMR luôn được đặt lên hàng đầu trong số các chỉ tiêu hoạt động y tế. Trong mỗi đợt tiêm chủng hàng tháng, ngành Y tế tỉnh huy động sự tham gia của hàng trăm cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện; hàng ngàn cán bộ y tế xã, y tế thôn; hàng ngàn cộng tác viên, tổ trưởng dân phố. Không chỉ tiêm chủng ở cộng đồng mà các cơ sở y tế từ trạm y tế đến bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh đều được tập huấn đầy đủ và luôn sẵn sàng hỗ trợ, xử lý kịp thời các phản ứng sau tiêm để đảm bảo tối đa cho an toàn trong TCMR. Cán bộ y tế tuyến cơ sở nắm chắc danh sách trẻ em, phụ nữ cần tiêm chủng hàng tháng. Bên cạnh đó, công tác truyền thông qua các phương tiện báo, đài, vận động cộng đồng đưa con trẻ đi tiêm chủng luôn được thực hiện đều đặn.
Thái Bình là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao đồng đều, duy trì liên tục trong nhiều năm với tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hàng năm đạt trên 95%, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi mũi 2 và DPT mũi 4 cho trẻ 18 tháng tuổi, tỷ lệ tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai và nữ tuổi sinh đẻ luôn đạt trên 90%. Bên cạnh đó, công tác giám sát dịch bệnh được đề cao, có sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ dự phòng và hệ điều trị, sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế, đã giúp cho cán bộ y tế nắm bắt nhanh tình hình bệnh. Bệnh dịch tại Thái Bình được khống chế và đẩy lùi, góp phần đảm bảo cuộc sống bình yên của cộng đồng.
Trong vài năm gần đây, trước những thay đổi lớn của đời sống xã hội, sự đáp ứng của các dịch vụ y tế trong đó có TCMR mà đặc biệt ở tuyến cơ sở còn những bất cập, một số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng tại các địa phương khác đã tạo ra những phản ứng nhiều chiều của dư luận xã hội, ảnh hưởng đến TCMR. Vì vậy, Thái Bình đã liên tục cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ phục vụ của cán bộ y tế với các đối tượng trong TCMR. Đồng thời, ngành Y tế đã tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh và đề xuất Bộ Y tế những biện pháp tích cực, chủ động, phù hợp, khả thi để triển khai thực hiện chương trình có hiệu quả cao trong thời gian vừa qua.
Địa phương đầu tiên tổ chức Hội thi tiêm chủng giỏi
“Hội thi kỹ thuật viên tiêm chủng giỏi” đã được Thái Bình tổ chức ngay từ những năm đầu triển khai TCMR, khi mà tiêm chủng còn gặp khá nhiều khó khăn và chưa thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của người dân. Hội thi có sự tham gia nhiệt tình của tất cả cán bộ làm TCMR trên toàn tỉnh và đã thu hút được sự quan tâm của lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt góp phần quan trọng tạo niềm tin của nhân dân với công tác TCMR.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu về nâng cao chất lượng công tác TCMR, việc liên tục luyện tập kỹ năng tuyên truyền, tư vấn và thực hành tiêm chủng là một nhu cầu thiết thực cần thực hiện. “Hội thi tuyên truyền, tư vấn và thực hành tiêm chủng giỏi ngành Y tế năm 2015” được Sở Y tế Thái Bình tổ chức ngày 24/10/2015 tại Trạm Y tế xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư nhằm nâng cao kiến thức kỹ năng tuyên truyền, tư vấn, thực hành tiêm chủng cho nhân viên y tế làm công tác TCMR. Đồng thời thu hút sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng với Chương trình TCMR. Cuộc thi cũng là dịp tuyên truyền và nâng cao kiến thức của các bậc cha mẹ về lợi ích, tính an toàn của vắc xin từ đó đưa con đi tiêm chủng đầy đủ.
Tham gia Hội thi có 56 thí sinh của 8 đội, đại diện cho 8 huyện, thành phố của tỉnh Thái Bình, với 3 phần thi: kiến thức về tiêm chủng mở rộng (có thể trả lời dạng diễn thuyết, hùng biện hoặc sân khấu hóa), kỹ năng tư vấn (tư vấn theo hình thức đóng vai) và thực hành tiêm chủng an toàn (thực hiện trực tiếp trên đối tượng). Xen kẽ các phần thi, người dân tham dự cuộc thi trả lời câu hỏi liên quan đến TCMR. Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao 3 giải nhất, 3 giải nhì, 3 giải 3 cá nhân; trao 1 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải 3 cho tập thể huyện, thành phố.
Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình, công tác tiêm chủng mở rộng từng giai đoạn có những vấn đề này, vấn đề khác. Một số rủi ro xảy ra trong quá trình tiêm chủng, tuy tỷ lệ rất thấp nhưng làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của người dân về công tác tiêm chủng. Để phòng ngừa và khắc phục tình trạng này và đạt tỷ lệ tiêm từ 95% trở lên, Thái Bình tổ chức hội thi về tiêm chủng, muốn gửi thông điệp tới người dân về lợi ích của tiêm chủng: Tiêm chủng là biện pháp can thiệp duy nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm hiện nay và rất cần sự tham gia tự giác của người dân trong việc nhận thức về Chương trình tiêm chủng, đưa con cháu mình đi tiêm chủng. Nhờ đó, con em sẽ được hưởng lợi từ Chương trình TCMR đem lại, ngăn ngừa, khống chế bệnh dịch.
GS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, Thái Bình là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ cao nhất cả nước, duy trì liên tục trong nhiều năm đạt trên 95%. Tỉ lệ tiêm vắc xin sởi mũi 2 và vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ luôn đạt trên 90%. Địa phương này cũng coi trọng công tác giám sát dịch bệnh và có sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ dự phòng với hệ điều trị.
Sau Thái Bình, Hội thi tuyên truyền, tư vấn và thực hành tiêm chủng giỏi sẽ được nhân rộng ra cả nước trong thời gian tới, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Chương trình có mục tiêu ban đầu là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao. Sau một thời gian thí điểm, Chương trình từng bước được mở rộng dần cả về địa bàn và đối tượng tiêm chủng. Từ năm 1985 tới nay toàn bộ trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc đã có cơ hội được tiếp cận với Chương trình TCMR. Đến năm 2010, đã có 11 vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào Chương trình bao gồm vắc xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib. |