Vaccine COVID-19 vẫn đang làm tốt vai trò bảo vệ con người trước dịch bệnh
14/09/2022 | 15:57 PM
|
Vaccine COVID-19 đã và đang làm giảm dần số ca nhiễm COVID-19 cũng như số lượng bệnh nhân chuyển nặng, giảm số lượng người phải nhập viện điều trị và giảm nguy cơ tử vong. Dù càng ngày càng có thêm nhiều biến thể xuất hiện nhưng vaccine COVID-19 vẫn đang làm tốt vai trò bảo vệ con người trước dịch bệnh.
Liên quan đến công tác tiêm chủng vacccine phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, PV Báo Sức khoẻ & Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết, hiện nay công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang được triển khai như thế nào?
PGS.TS Trần Kiêm Hảo: Trong thời gian qua, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại cho người từ 12 tuổi trở lên và liều cơ bản cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành giáo dục để đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mùa tựu trường năm học 2022-2023 cho các học sinh từ 12 - 17 tuổi và đặc biệt nhóm tuổi từ 5 - dưới 12 tuổi với nhiều hình thức như tiêm chủng thường xuyên tại các trạm Y tế, tiêm chủng lưu động tại các trường học, nhà văn hóa.
Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai tiêm chủng cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động trên địa bàn tiếp tục tiêm các mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tính đến ngày 11/9, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai 41 đợt tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và đã thực hiện hơn 2,8 triệu liều vaccine cho người từ 5 tuổi trở lên. Đối với người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cơ bản đạt 98,9%, tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) đạt 62,7% và mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) đạt 73,8%.
Trẻ em từ 12-17 tuổi có tỷ lệ tiêm 2 mũi cơ bản đạt 99,6% và mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) đạt 45%. Trẻ em từ 5 – dưới 12 tuổi có tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 75,2% và mũi 2 đạt 47,6%.
PV: Ông có đánh giá như thế nào về tác dụng của vaccine COVID-19 cho các đối tượng trong bối cảnh hiện nay?
PGS.TS Trần Kiêm Hảo: Hiện nay, dịch COVID-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của những biến chủng mới. Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, chiến lược tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn hết sức quan trọng trong bối cảnh các biến thể lây lan nhanh hơn, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Theo Bộ Y tế, vaccine phòng COVID-19 vẫn có hiệu lực phòng chống các biến chứng nặng và tử vong do các biến thể mới gây ra, tiêm vaccine giúp giảm các triệu chứng, giảm nguy cơ nhập viện giảm gánh nặng quá tải cho ngành y tế.
Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới khẳng định lượng kháng thể từ việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 không duy trì lâu dài và sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại sẽ làm tăng hiệu quả bảo vệ, tăng cường miễn dịch để chống lại các biến thể mới.
PV: Ông đánh giá thế nào về nhận thức của các bậc phụ huynh hiện nay đối với việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em, nhất là lứa tuổi 5-dưới 12 tuổi?
PGS.TS Trần Kiêm Hảo: Hiện nay, ngành y tế và ngành giáo dục của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh công tác tuyên truyền lợi ích của tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, vận động phụ huynh cho con, em tham gia tiêm chủng.
Một số phụ huynh đã có những nhận thức đúng và hiểu được tình hình diễn biến dịch phức tạp nên đã chủ động đăng ký cho con, em tham gia tiêm chủng. Tuy nhiên, do xuất hiện một số thông tin không đúng về vaccine phòng COVID-19 vẫn còn xuất hiện nhiều trên mạng xã hội gây ra những lo ngại không đáng có, khiến phụ huynh trì hoãn việc tiêm chủng cho trẻ.
Bên cạnh đó, tình trạng đã mắc COVID-19 của trẻ có triệu chứng hoặc không có triệu chứng cũng ảnh hưởng đến quyết định đưa trẻ đến tiêm chủng của nhiều bậc phụ huynh.
PV: Các loại vaccine COVID-19 tiêm cho trẻ em hiện nay đang sử dụng là gì, có điều gì cần lưu ý không?
PGS.TS Trần Kiêm Hảo: Đối với trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, vacccine Pfizer được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện do nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Quyết định số 457/QĐ-BYT ngày 01/3/2022. Liều tiêm 0,2 ml chứa 10 mcg vaccine mRNA COVID-19. Lịch tiêm khoảng cách 2 mũi cách nhau 28 ngày.
Vaccine Moderna được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho trẻ em từ 6 - dưới 12 tuổi do nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Vaccine Moderna sử dụng cho trẻ em từ 6 - dưới 12 tuổi cùng loại vaccine sử dụng cho người lớn, tuy nhiên liều sử dụng cho trẻ em bằng 1/2 liều cơ bản sử dụng cho người lớn. Liều tiêm 0,25 ml chứa 50 mcg vaccine mRNA COVID-19. Lịch tiêm: khoảng cách 2 mũi cách nhau 28 ngày.
Đối với trẻ từ 12 - dưới 17 tuổi, vaccine Pfizer đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho nhóm tuổi này tại Quyết định 2908/QĐ-BYT ngày 12/6/2021 và đã triển khai tiêm 2 mũi cơ bản cho nhóm tuổi này bắt đầu từ cuối năm 2021. Liều tiêm 0,3 ml chứa 30 mcg vaccine mRNA COVID-19. Lịch tiêm: khoảng cách 2 mũi cơ bản là 21-28 ngày, mũi nhắc lại cách mũi 2 là 5 tháng.
Một số điều cần lưu ý: Không sử dụng vaccine Pfizer của người từ 12 tuổi trở lên (lọ vaccine có nắp màu tím) cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Để tránh nhầm lẫn, lọ vaccine Pfizer dành cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi có nắp màu cam. Đối với trẻ em từ 12 - dưới 17 tuổi, người đã mắc COVID-19 thì tiêm mũi ngay sau khi khỏi bệnh 3 tháng và đảm bảo khoảng cách giữa các mũi tiêm. Các phản ứng thường gặp sau khi tiêm: đau đầu, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt, sưng tại chỗ tiêm.
PV: Ông có khuyến cáo gì tới mọi người dân về tác dụng của vaccine COVID-19 nhằm giúp người dân tích cực tham gia tiêm chủng theo quy định, đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch?
PGS.TS Trần Kiêm Hảo: Vaccine COVID-19 đã và đang làm giảm dần số ca nhiễm COVID-19 cũng như số lượng bệnh nhân chuyển nặng, giảm số lượng người phải nhập viện điều trị và giảm nguy cơ tử vong. Dù càng ngày càng có thêm nhiều biến thể xuất hiện nhưng vaccine COVID-19 vẫn đang làm tốt vai trò bảo vệ con người trước dịch bệnh.
Đối với các biến chủng mới, hiệu quả bảo vệ từ việc tiêm mũi cơ bản giảm dần theo thời gian, do đó những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc lại có nguy cơ mắc hoặc tái nhiễm ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, hậu COVID-19 có biểu hiện triệu chứng đa dạng, phức tạp và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu trên thế giới. Hậu COVID-19 trong thời gian dài có thể khiến sức khỏe suy giảm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, tiêm mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên sẽ làm tăng nồng độ kháng thể qua đó giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm triệu chứng nặng và tử vong do COVID-19.
Ngoài ra, đối tượng trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi là nhóm đối tượng cũng có đầy đủ các nguy cơ tiến triển bệnh nặng, biến chứng nguy hiểm, nguy cơ mắc hậu COVID-19, đặc biệt là những trẻ có bệnh lý nền. Ngoài ra, biến chủng Omicron cũng có tỷ lệ lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em.
Vì vậy, việc đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi hết sức quan trọng, không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm sự lây nhiễm đối với cộng đồng.
Theo các chuyên gia y tế, vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là an toàn, không có tác dụng phụ nào đáng kể ngoài các dấu hiệu thường gặp sau khi tiêm vaccine. Một số tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 như đau tại chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi, nhức đau, đau cơ, ớn lạnh, tiêu chảy,… các tác dụng phụ này hầu hết đều ở mức độ nhẹ đến trung bình và chỉ kéo dài vài ngày.
Do đó, người dân nên tích cực tham gia tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) và mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người từ 18 tuổi trở lên; tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi và tiêm đầy đủ 2 mũi cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi để góp phần đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh.
Theo Sở Y tế Thừa Thiên Huế, kể từ đợt dịch thứ 4 đến nay (từ 27/4/2021 đến 11/9/2022), toàn tỉnh đã ghi nhận 177.596 F0, trong đó có 47.442 F0 có triệu chứng được cấp mã bệnh và 170 trường hợp tử vong (tỷ lệ chết/số ca mắc: 0,096%). Hiện có 79 F0 đang cách ly, điều trị trong đó 58 F0 được cách ly, theo dõi tại nhà tại 60 xã/phường/thị trấn và 21 F0 đang điều trị tại các bệnh viện.
Số ca mắc COVID-19 tăng cao và đạt đỉnh dịch vào tháng 3/2022 (phát hiện 78.441 ca, trung bình 2.530 F0/ngày), sau đó số ca mắc giảm mạnh kể từ tháng 4/2022 và thấp nhất vào tháng 6/2022 (phát hiện 95 ca, trung bình 3-5 F0/ngày). Ngoài ra, kể từ giữa tháng 4/2022 đến nay không ghi nhận trường hợp chuyển nặng và tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, số ca mắc có xu hướng gia tăng trở lại kể từ tháng 7/2022 đến nay, trung bình có 20-30 F0/ngày, có thời điểm đã ghi nhận > 50 F0/ngày. Dịch bệnh COVID-19 đã ổn định và đang được kiểm soát tốt trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch trở lại.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Related news
- Tìm các giải pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả
- Giảm thiểu rủi ro ngộ độc thực phẩm nhờ truy xuất nguồn gốc
- Chú trọng khâu hậu kiểm trong quản lý an toàn thực phẩm
- Sáu quan điểm cơ bản xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế
- Số ca mắc sởi của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục gia tăng
- Xây dựng mạng lưới cơ sở y tế đủ năng lực đáp ứng nhu cầu bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân
- Bệnh nhân suy gan cấp hồi phục kỳ diệu sau 5 tháng điều trị, chưa cần ghép gan