Ngày Sức khỏe Thế giới 2024: Quyền con người về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ
07/04/2024 | 17:16 PM
|
Hôm nay, 7/4 - Ngày Sức khỏe Thế giới. Chủ đề của Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay là "Sức khỏe của tôi, quyền của tôi" nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của mọi người được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin có chất lượng, được cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp...
Ngày nay, quyền về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như dịch bệnh, thiên tai, xung đột chiến tranh, ô nhiễm không khí và nguồn nước,… Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2021, có ít nhất 4,5 tỷ người (hơn một nửa dân số thế giới) không được cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu.Chủ đề của Ngày sức khỏe thế giới năm 2024 "Sức khỏe của tôi, quyền của tôi" (My health, my right) được chọn nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của mọi người được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin có chất lượng, được sử dụng nguồn nước an toàn, không khí sạch, được cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp, nhà ở chất lượng, điều kiện môi trường làm việc tốt và đặc biệt là không bị phân biệt đối xử.
Hình ảnh các y bác sĩ khám bệnh miễn phí cho bà con trên đảo Lý Sơn- Quảng Ngãi).
Theo thống kê, hiện nay có ít nhất 140 quốc gia công nhận sức khỏe là quyền con người trong hiến pháp trong đó có Việt Nam. Điều 38 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng".
Lịch sử và tầm quan trọng của Ngày Sức khỏe Thế giới
Ngày 7/4 hàng năm được chọn là Ngày Sức khỏe Thế giới bắt đầu vào năm 1950. Mỗi năm có một chủ đề khác nhau, nhằm thúc đẩy các mối quan tâm về sức khỏe toàn cầu; tạo động lực cho các dự án y tế ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế; tập trung sự chú ý đến những rủi ro sức khỏe mới nổi; thúc đẩy sửa đổi luật pháp và thu thập nguồn lực cho các vấn đề y tế khẩn cấp.
Ngoài ra, Ngày Sức khỏe Thế giới đóng vai trò như một lời nhắc nhở về mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe với các khía cạnh khác của sự tiến bộ của con người như tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và công tác giáo dục. Công tác phòng chống bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, nâng cao sức khỏe tâm thần và hạnh phúc là một vài mục tiêu quan trọng liên quan đến sức khỏe mà Ngày Sức khỏe Thế giới đã giúp thúc đẩy trong suốt những năm qua.
Bên cạnh những mối quan tâm khác liên quan đến sức khỏe, Ngày Sức khỏe Thế giới 2024 còn là một diễn đàn để các bên thảo luận về những vấn đề sau:
- Tiếp cận chăm sóc sức khỏe: Giảm khoảng cách trong tiếp cận chăm sóc sức khỏe và tăng cường bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC).
- Bệnh truyền nhiễm: Có giải pháp ứng phó với các đại dịch như COVID-19 cũng như bảo vệ, điều trị và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, bao gồm HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét.
- Sức khỏe bà mẹ và trẻ em: Tăng cường sức khỏe bà mẹ và trẻ em bằng các chương trình được thiết kế nhằm giảm tỷ lệ tử vong, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc tiền sản và trẻ sơ sinh, đồng thời đảm bảo bao phủ tiêm chủng.
- Nhận thức về sức khỏe tâm thần: Thúc đẩy tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ và hỗ trợ sức khỏe tâm thần, giảm bớt sự kỳ thị liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần và nâng cao kiến thức về những vấn đề này.
- Các bệnh không lây nhiễm: Ứng dụng công nghệ để tăng phòng ngừa, phát hiện sớm để giảm gánh nặng ngày càng tăng của các bệnh không lây nhiễm (NCD), như tiểu đường, ung thư, bệnh tim mạch và các bệnh về đường hô hấp.
- Công bằng trong chăm sóc sức khỏe: Thúc đẩy khả năng tiếp cận công bằng với điều trị y tế theo địa lý, giới tính, dân tộc và giai cấp.
- Sức khỏe môi trường: Nêu bật các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, tăng cường các hoạt động thân thiện với môi trường và giảm thiểu rủi ro cho môi trường sống.
Quyền con người về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe
Theo WHO, quyền con người về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe về thể chất và tinh thần được quy định trong một số văn kiện pháp lý quốc tế, bao gồm Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, bao gồm các quyền tự do và quyền lợi. Các quyền tự do bao gồm quyền kiểm soát sức khỏe và cơ thể của một người và không bị can thiệp. Các quyền lợi bao gồm quyền tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
Cách tiếp cận bảo vệ, chăm sóc sức khỏe dựa trên quyền con người thúc đẩy các quốc gia phải đảm bảo luật pháp, các chính sách và chương trình y tế công cộng phù hợp như:
- Chăm sóc sức khỏe chất lượng cao: Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe không chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ đó mà cần phải hiệu quả, an toàn, giá cả hợp lý và phù hợp với văn hóa.
- Bao phủ y tế toàn dân: Đảm bảo mọi người đều có quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi cần thiết mà không phải lo lắng về việc chi phí.
- Trao quyền cho cá nhân: Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận kiến thức đầy đủ và giáo dục cho từng cá nhân để họ có thể đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe và hạnh phúc của mình.
- Tạo ra hệ thống Y tế bình đẳng: Thúc đẩy việc giải quyết các nguyên nhân cơ bản gây ra sự bất bình đẳng về sức khỏe.
Quan điểm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam
Theo Hiến pháp năm 2013 Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. "Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình".
Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW "về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới" (Nghị quyết số 20-NQ/TW). Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu 05 quan điểm, 09 nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.
Công tác chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc sức khỏe ban đầu/y tế cơ sở cần được coi là ưu tiên hàng đầu...
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của Đảng. Theo đó, nhiệm vụ trong thời gian tới là: "Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe cho người dân cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Chăm lo phát triển về chất lượng, đảm bảo quy mô, cơ cấu dân số hợp lý. Tổ chức cung cấp dịch vụ y tế công, đảm bảo các dịch vụ cơ bản, người dân được quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh… Thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân".
Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, công tác y tế cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng, mạng lưới y tế cơ sở bao phủ rộng khắp cả nước, từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và được vận hành với hiệu quả ngày càng cao, ngày 25/10/2023, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về "Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới" (Chỉ thị 25).
Chỉ thị 25 xác định công tác chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc sức khỏe ban đầu/y tế cơ sở cần được coi là ưu tiên hàng đầu. Đây vừa là ưu tiên dài hạn vừa là ưu tiên bức thiết cần giải quyết ngay. Chuyển từ trọng tâm giải quyết bệnh tật sang chăm sóc sức khỏe toàn diện, lồng ghép và liên tục suốt đời, chú trọng giải quyết các vấn đề nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe (kinh tế, xã hội, môi trường).
Chỉ thị nhấn mạnh đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu đòi hỏi kinh phí đầu tư tương xứng nhưng là phương thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất tới sức khỏe người dân. Bên cạnh đó chú trọng sự cân bằng tổng thể của hệ thống y tế cũng như sự tương tác của hệ thống y tế với những ngành, lĩnh vực khác cũng như với cộng đồng.
Bênh cạnh đó, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung năm 2014, Luật Dược năm 2016,… mà mới đây nhất, ngày 23/01/2024, Chính phủ ban hành Quyết định 89/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu chung mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như vậy, cùng với việc đảm bảo tuân thủ các Công ước quốc tế về quyền bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, Việt Nam đã và đang hoàn thiện thể chế, chính sách, coi trọng sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội; đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân là đầu tư cho sự phát triển của đất nước./.
ThS. DS. Trương Văn Đạt, Phó Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam
Related news
- Hơn 21.000 thầy thuốc trẻ tình nguyện khám bệnh cho trên 1 triệu lượt người dân
- Đáp ứng cơ bản nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế
- Giới trẻ được coi là đối tượng đích của các công ty thuốc lá
- Thiếu vaccine làm chậm tiến độ chống dịch đậu mùa khỉ ở Congo
- Canada: Thiếu niên nhiễm cúm gia cầm đầu tiên ở người hiện đang trong tình trạng nguy kịch
- Bệnh nhân ghép tim xuyên Việt thứ 12 ở Huế xuất viện
- Nhiều cán bộ y tế đăng ký hiến tặng mô, tạng