Kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm an toàn thực phẩm bị phạt đến 6 triệu đồng
14/12/2024 | 11:30 AM
|
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố bị phạt cao nhất đến 6 triệu đồng, vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bị phạt cao nhất đến 120 triệu đồng.
Kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội bị phạt đến 6 triệu đồng
Đây là những mức phạt được quy định tại Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội.
Nghị quyết này được HĐND TP. Hà Nội biểu quyết thông qua ngày 12/12 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.Nghị quyết này quy định mức tiền phạt áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố được quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Những hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm không quy định tại Nghị quyết này, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt quy định tại Nghị quyết này được áp dụng theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này bằng 2 lần mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng áp dụng cho cá nhân, tổ chức tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Mức tiền phạt quy định tại Nghị quyết này là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định tại một số khoản là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức tiền phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức tiền phạt đối với cá nhân.
Cụ thể, vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có thể bị phạt cao nhất đến 40 triệu đồng.
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm sẽ có mức phạt cao nhất đến 20 triệu đồng.
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm, có mức phạt cao nhất đến 30 triệu đồng.
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố bị phạt cao nhất đến 6 triệu đồng; vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bị phạt cao nhất đến 120 triệu đồng.
Được biết, năm 2024, các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội đã kiểm tra, hậu kiểm, giám sát trên địa bàn tổng số 70.809 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó tiến hành xử phạt vi phạm 3.234 cơ sở với số tiền hơn 14,1 tỷ đồng.
Nguồn: chinhphu.vn
Related news
- TPHCM: Ca bệnh sởi vẫn tiếp tục tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại
- Đã có hơn 80 ca tử vong vì bệnh dại, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo 5 biện pháp phòng bệnh
- Hơn 60 thầy thuốc cúi đầu tri ân chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu người
- Bộ Y tế: Cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm cung ứng đủ thuốc, thiết bị cho người bệnh BHYT
- Điều trị thành công cho bé trai bị vòng mạch quấn chèn khí phế quản
- Điện Biên phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh lỵ tại vùng lũ quét Mường Pồn