Bệnh tim mạch - Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu
Ngay kể cả khi đại dịch COVID-19 xảy ra, theo số liệu năm 2021 thì COVID-19 chỉ là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 3, còn nguyên nhân gây tử vong hàng đầu vẫn là bệnh tim mạch. Một thực tế đáng lo ngại nữa là, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch lại gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp (chiếm tới 75%).
Những thông tin trên được PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Giám đốc Quỹ vì sức khỏe tim mạch Việt Nam đưa ra tại lễ mit tinh hưởng ứng Ngày Tim mạch thế giới năm 2023 (29/9) với chủ đề: "Hiểu về Trái tim mình bằng cả Trái tim" do Hội Tim mạch học Việt Nam kết hợp với Quỹ vì sức khỏe tim mạch Việt Nam, UBND tỉnh Thái Bình, Sở Y tế Thái Bình tổ chức sáng nay 16/9.
Theo các chuyên gia y tế, trong những năm 2020 – 2022 chúng ta trải qua đại dịch COVID-19 với nhiều tổn thất nặng nề và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe con người, về kinh tế, an sinh xã hội. Trải qua đại dịch lần này càng thấy rõ hơn mô hình bệnh tật lại bắt đầu có sự thay đổi phức tạp.
"Tuy vậy, có một "đại đại dịch" khác đã tồn tại và đang phát triển mạnh đó là các bệnh không lây nhiễm bao gồm các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh ung thư, tâm thần… và đặc biệt nhất là các bệnh lý tim mạch. Bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế" - PGS.TS Phạm Mạnh Hùng nói.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Theo thống kê của Viện Tim Mạch Việt Nam qua các năm từ 2000 đến năm 2015, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm và đã chiếm 25%, vậy cứ 4 người trưởng thành thì có một người tăng huyết áp.
Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.
Bệnh tim mạch ngày càng trẻ hoá
Theo các chuyên gia, chúng ta vẫn nghĩ bệnh lý tim mạch thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Song trên thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên cao hơn, bệnh tim mạch có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào và tuổi mới bị mắc cũng ngày càng trẻ hoá.
"Người trẻ cho rằng họ không có nguy cơ mắc bệnh nên thường chủ quan và không có biện pháp phòng ngừa hợp lý. Đó là gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình cũng như toàn xã hội. Ai cũng có thể mắc bệnh tim mạch, số lượng người mắc và tử vong tăng, cùng với đó là gánh nặng bệnh tật cũng như chi phí gia tăng… nếu chúng ta không chủ động phòng ngừa" - Viện trưởng Phạm Mạnh Hùng lưu ý.