Chăm sóc trẻ F0 tại nhà: Những điều đơn giản không phải cha mẹ nào cũng biết

01/03/2022 | 00:32 AM

 | 

Hiện nay, số trẻ em mắc COVID -19 đang có xu hướng gia tăng, đa số trẻ không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên việc chăm sóc trẻ tại nhà cũng khiến không ít bố mẹ cảm thấy lo lắng. Những lưu ý dưới đây sẽ giúp cha mẹ bình tĩnh cùng trẻ nhanh chóng vượt qua dịch bệnh.

Chủng Omicron đang lưu hành cộng đồng song song chủng Delta nên ai đã nhiễm rồi hoàn toàn có thể tái nhiễm Delta hoặc nhiễm Omicron. Theo các chuyên gia thì biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng triệu chứng nhẹ nên cần giữ bình tĩnh khi dương tính và xử trí đúng cách thì lướt qua bệnh nhẹ nhàng.

Một số lưu ý quan trọng dành cho các bậc cha mẹ khi chăm sóc F0 tại nhà:

- Không nên lạm dụng test: Chỉ nên test khi bắt đầu sốt và lần 2 là 5-7 ngày kể từ ngày bắt đầu sốt. Nhiều người test mỗi ngày trong khi giá test nhanh không rẻ. Rồi trữ thuốc, trữ thức ăn…trong bối cảnh mọi hàng hoá không thiếu thốn thì việc này là không cần thiết.

- Nếu dương tính mà không triệu chứng thì không cần thuốc gì ngoài việc uống nhiều nước - nghỉ ngơi nhiều - vệ sinh cá nhân tốt - mở hết tất cả cửa thông thoáng.

- Thời gian trẻ ủ bệnh 2-14 ngày, trung bình khoảng 4-5 ngày

- Thời gian khởi phát thì tuỳ mức độ bệnh. Nhẹ và trung bình thì sẽ hết sau 7-10 ngày, còn nặng thì tuỳ mức độ tổn thương cơ quan.

Nếu trẻ dương tính mà có triệu chứng nhẹ - trung bình thì xử trí tại nhà như sau:

- Sốt là một vấn đề thường gặp ở tất cả trẻ em, tuy nhiên nhiều bố mẹ xử trí sai khiến bé không hạ sốt được mà lại mệt mỏi hơn. Trong 3-5 ngày đầu sau khi phát hiện dương tính, trẻ sẽ sốt cao liên tục, uống hạ sốt giảm sốt rồi sốt lại. Bố mẹ cần bình tĩnh để tiếp tục hỗ trợ cho con, không nên rối hay sốt ruột khi thấy bé sốt.

Khi cặp nhiệt ở nách là 38,5 độ C - nghĩa là con sốt, bố mẹ cần:

  • Cho trẻ uống paracetamol với khuyến cáo 10-15mg/kg, cách nhau mỗi 4- 6h 1 lần
  • Cho trẻ mặc thoáng mát
  • Cho trẻ uống nhiều nước, có điện giải càng tốt, nếu trẻ còn bú mẹ thì tăng thêm các cữ bú
  • Không lau mát hay tắm lạnh cho trẻ
  • Để trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn

Sai lầm đầu tiên của phụ huynh là cho con uống không đủ hoặc quá liều thuốc hạ sốt. Nhiều trường hợp phụ huynh cho trẻ uống sai liều khuyến cáo với cân nặng của con mình do mượn đơn của phụ huynh khác. Trong khi cân nặng của con mình khác với trẻ đó.

Chăm sóc trẻ F0 tại nhà những điều đơn giản không phải cha mẹ nào cũng biết - Ảnh 1.

Khi trẻ sốt cha mẹ không nên ủ trẻ quá ấm (ảnh minh họa)

Sai lầm thứ hai của bố mẹ là ủ con. Khi con sốt, bên cạnh uống hạ sốt thì việc quan trọng không kém là giúp quá trình thải nhiệt của bé được tối ưu. Nên hãy mặc thoáng nhất có thể để con nhanh chóng hạ sốt. Nhiều cha mẹ lo con bị lạnh nên lại ủ ấm khiến cho nhiệt độ cơ thể của trẻ lại tăng cao.

- Nghẹt mũi, đây là triệu chứng không nguy hiểm nhưng lại gây ra cảm giác khó chịu. Cha mẹ nên cho trẻ dùng nước muối sinh lý 0.9% NaCl về xịt cho con mỗi 2-4 tiếng/lần (khôn mua loại 3% hay 10%) .

Khi bé sốt sẽ khiến cơ thể mất nước, mà mất nước thì đàm nhớt sẽ đặc lại và bé sẽ nghẹt mũi nặng hơn. Nên khi nào trẻ nghẹt mũi nghĩa là đang thiếu nước. Do đó nên bổ sung nước, nước có điện giải càng tốt, qua đó sẽ loãng đàm nhớt và kết hợp thêm xịt mũi.

Với trẻ con không khuyến cáo xông các loại lá vì nguy cơ bỏng do nước sôi, chỉ cần xịt nước muối sinh lý vệ sinh mũi cho con là được

- Đau họng: Khi trẻ đau họng nên cho trẻ dùng nước ấm. Nước ấm không giúp chữa đau họng nhưng giúp cho họng dễ chịu hơn. Bên cạnh đó, trẻ lớn hơn biết súc miệng thì bố mẹ nên cho trẻ súc miệng nước muối ấm. Khi nào trẻ đau họng quá thì có thể cho uống nước ấm mật ong - gừng.

- Tiêu chảy: Một trong những triệu chứng thường gặp của trẻ em bị COVID là tiêu chảy. Cá biệt có một số trường hợp trẻ tiêu chảy là do uống vitamin C quá nhiều

Khi trẻ bị tiêu chảy nếu chỉ là đi phân lỏng, KHÔNG máu, KHÔNG tanh, KHÔNG xanh xấu…thì bình tĩnh cho con uống nhiều nước, tạm ngưng vitamin C, bổ sung kẽm

  • Trẻ dưới 12 tháng: 5 mg kẽm/ngày
  • Trẻ từ 12 tháng: 10 mg kẽm/ngày

Nếu tiêu chảy nhiều khiến bé kiệt sức, đi cầu có máu, mùi tanh, xanh xấu…thì đi nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám.

Các dấu hiệu trẻ bị mắc COVID -19 cần đến viện ngay:

  • Thở nhanh và gắng sức. Nếu có máy đo SpO2 thì <95% kèm thở mệt
  • Lừ đừ, tiếp xúc chậm hoặc lơ mơ
  • Than đau tức ngực (bé lớn)
  • Môi, móng tay tím tái
  • Nôn ói liên tục, không ăn uống được gì
  • Hoặc bất cứ khi nào bố mẹ thấy không ổn thì có thể đưa đến cơ sở y tế gần nhất

Các thuốc cần dự trữ tại nhà

  • Thuốc hạ sốt: Paracetamol loại viên 500mg dành cho người lớn và loại gói 80mg hoặc 150mg dành cho con nít (KHÔNG NÊN tự ý hạ sốt bằng Ibuprofen khi chưa có chỉ định của bác sĩ)
  • Nước muối sinh lý NaCl 0.9%: 1 chai 0,5 lít để súc họng và lọ xịt để xịt mũi con nít (mỗi người 1 chai xịt, không xịt chung)
  • Gói dung dịch điện giải Oresol: pha cho bé uống khi sốt và tiêu chảy, một trong những nguyên nhân khiến bé sốt cao khó họ, đàm mũi đặt, nghẹt mũi nặng, mệt mỏi nhiều…đó là bố mẹ không bù đủ nước cho con
  • Tăng đề kháng: vitamin D3, kẽm, vitamin. Vitamin D3 thì 400 IU cho trẻ <12 tháng, 800 IU cho trẻ >12 tháng. Vitamin C thì trẻ em khoảng 50-75mg/ngày, người lớn 90-120mg/ngày.
  • Không nên mua các thuốc được quảng cáo là ngừa covid ...
  • Nên trữ: mật ong, gừng, xả, chanh..

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến