Hội nghị chuyển đổi số ngành Y tế năm 2022 khu vực phía Nam

29/11/2022 | 11:20 AM

 | 

Ngày 28/11/2022, Bộ Y tế tổ chức hội nghị Chuyển đổi số ngành Y tế năm 2022 khu vực phía Nam. GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại hội nghị.

 

Tham dự có đại diện một số Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế; lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Y tế và một số đơn vị liên quan.

GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: hơn hai năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời tạo điều kiện thực hiện hoạt động phát triển hoạt động kinh tế - xã hội.

“Kết quả này có được là nhờ sự kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố, trong đó không thể không nói đến sự đóng góp không nhỏ của việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số y tế” - Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết thêm: Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã phối hợp triển khai rất hiệu quả nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác phòng,  chống dịch bệnh COVID-19 như: Các ứng dụng quản lý khai báo y tế, xét nghiệm, quản lý ca bệnh, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19, quản lý oxy y tế…; Triển khai nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử; Khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại hơn 1.000 cơ sở y tế trong cả nước; Các ứng dụng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, hỗ trợ người dân…

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngày 22/12/2020 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5316/QĐ-BYT phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 “Thời gian vừa qua các đơn vị, địa phương đã nỗ lực, ưu tiên nhiều nguồn lực triển khai chuyển đổi số y tế, đến nay việc chuyển đổi số y tế đã đạt được các kết quả tích cực về chuyển đổi nhận thức; về kiến tạo thể chế; về phát triển hạ tầng số; về phát triển các nền tảng số và về an toàn, an ninh mạng. Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, tôi ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và những kết quả đạt được của các đơn vị, địa phương trong công cuộc chuyển đổi số y tế, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia của chúng ta” - Thứ trưởng đánh giá.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng chỉ rõ một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết một cách triệt để như: nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số y tế; Nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT tại các đơn vị còn thiếu và yếu do thiếu cơ chế tài chính, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số y tế; Số lượng các cơ sở khám chữa bệnh triển khai bệnh án điện tử theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT còn rất hạn chế, mới có 37 cơ sở trên toàn quốc, con số này rất khiêm tốn so với mục tiêu và lộ trình đặt ra, bên cạnh đó Thông tư 46/2018/TT-BYT hiện còn những quy định không còn phù hợp với thực tiễn; Số lượng cơ sở khám, chữa bệnh triển khai y tế từ xa đang ngày càng phổ biến, tuy nhiên hiệu quả triển khai còn chưa rõ ràng khi vướng mắc về cơ chế tài chính và các quy định có liên quan của pháp luật về khám chữa bệnh.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Y tế, các địa phương, đơn vị thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất: tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó có nội dung xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định quản lý dữ liệu y tế; ban hành Thông tư điều chỉnh, bổ sung của các Thông tư số 49/2017/TT-BYT, Thông tư số 54/2017/TT-BYT và Thông tư số 46/2018/TT-BYT. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của Bộ Y tế, ưu tiên thúc đẩy những chỉ số còn thấp.

Thứ hai: tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trong công tác chăm sóc sức khỏe.

Thứ ba: Các đơn vị, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số tổng thể, toàn diện, bám sát các văn bản hướng dẫn, các chương trình, đề án của Bộ Y tế; khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 2955/QĐ-BYT của Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ tư: Tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số y tế để các cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số y tế. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ CCCD gắn chíp khi khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế.

Ông Đỗ Trường Duy, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin phát biểu tại hội nghị

Theo ông Đỗ Trường Duy, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Trung tâm Thông tin y tế quốc gia) cho biết, ngay sau khi Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ngày 22/12/2020 Bộ Y tế ban hành Quyết định 5316/QĐ-BYT phê duyệt Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 2955/QĐ-BYT ngày 28/10/2022 phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã cụ thể hóa một số mục tiêu, hoạt động chuyển đổi số y tế. Đây là cơ sở để địa phương, đơn vị xác định mục tiêu, kết quả kế hoạch chuyển đổi số y tế của địa phương đơn vị mình…

Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) nêu rõ nội dung trọng tâm là đảm bảo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” thông qua toàn bộ quá trình khởi tạo, làm sạch, cập nhật, khai thác tiện ích đối với dữ liệu của công dân trong các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia, trong đó có lĩnh vực y tế.

Ông Đỗ Trường Duy cho biết thêm, Bộ Y tế được giao các nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 có tính trọng tâm theo giai đoạn:

- Nhóm 1: Giai đoạn 06 tháng đầu năm 2022, thời điểm ban hành Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ cũng là thời điểm dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, trọng tâm nhiệm vụ của Bộ Y tế là làm “đúng, đủ, sạch, sống” dữ liệu công dân phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Dữ liệu liên quan bao gồm dữ liệu tiêm chủng COVID-19, dữ liệu xét nghiệm COVID -19, dữ liệu F0 khỏi bệnh.

- Nhóm 2: Giai đoạn 06 tháng cuối năm 2022, tình hình dịch COVID -19 không còn phức tạp, nhiệm vụ được giao của Bộ Y tế chuyển sang trọng tâm là dữ liệu về thông tin sức khỏe cá nhân, đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” trong công tác khám, chữa bệnh.

- Nhóm 3: Trong thời gian tới, các nhiệm vụ được giao của Bộ Y tế sẽ chuyển trọng tâm để đáp ứng kết nối thông tin, dữ liệu nhà thuốc, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quản lý chứng chỉ hành nghề dược, hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như kết nối thông tin thực hiện thủ tục hành chính (dịch vụ công trực tuyến) của các doanh nghiệp trong lĩnh vực, dược, an toàn thực phẩm, trang thiết bị và vật tư y tế.

“Chúng ta cần thống nhất chung nhận thức về tầm quan trọng của Đề án 06 và mối quan hệ giữa Đề án và chương trình chuyển đổi số quốc gia và các hoạt động chuyển đổi số y tế. Từ đó thống nhất về việc xác định mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể trước mắt và cách thức tổ chức thực hiện để triển khai thành công và hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số y tế, phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”- Ông Đỗ Trường Duy nói.

TS.BS. Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế tham luận tình hình triển khai ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Y tế

Tại hội nghị các đại biểu cũng được nghe một số tham luận như: Phổ biến triển khai Kế hoạch thúc đẩy các nền tảng số y tế và hướng dẫn thực hiện; Giới thiệu dự thảo sửa đổi Thông tư 53/2014/TT-BYT, 49/2017/TT-BYT, 54/2017/TT-BYT, 46/2018/TT-BYT; Báo cáo tình hình triển khai ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Y tế; Ứng dụng CNTT tại Bệnh viện Đại học Y Dược tp. HCM; Bài học kinh nghiệm về ứng dụng CNTT trong khám bệnh chữa bệnh và chuyển đổi số y tế tại Nhật Bản; Các giải pháp đảm bảo an toàn trong chuyển đổi số; Kết quả thực hiện chuyển đổi số và khó khăn, thách thức của ngành y tế tại Vĩnh Long; Hệ thống thông tin quản lý ngành Y tế tại SYT Đồng Tháp; Giới thiệu về dịch vụ Google Cloud dành cho Y tế, các công nghệ API hỗ trợ Hồ sơ sức khoẻ điện tử (EHR) và Hồ sơ sức khoẻ cá nhân (PHR); Y tế số cho người dân: Ứng dụng dữ liệu 4210 – Hồ sơ sức khoẻ cá nhân – hồ sơ sức khoẻ điện tử trong chăm sóc người bệnh; Xây dựng kho dữ liệu y tế và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khai thác dữ liệu…/.


Thăm dò ý kiến