Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
10/10/2014 | 07:10 AM
I. Khái niệm mang thai hộ
“Mang thai hộ” và “đẻ thuê” là hai khái niệm được sử dụng rộng rãi và phổ biến ở nước ta.
Khái niệm đẻ thuê, hiểu một cách đơn giản là việc bên thuê đẻ và bên đẻ thuê thỏa thuận với nhau, theo đó, bên thuê đẻ sẽ trả cho bên đẻ thuê một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất nào đó, còn bên đẻ thuê sẽ sinh con và trao cho bên thuê đẻ.
Khái niệm mang thai hộ trước khi có Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi thì còn có những cách hiểu khác nhau. Có người hiểu “mang thai hộ” là khi người đàn ông (người chồng) quan hệ trực tiếp, không sử dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản với một người phụ nữ (không phải là vợ) đến khi người phụ nữ này có thai và sinh con. Trong trường hợp này đứa trẻ sinh ra bằng tinh trùng của người đàn ông (người chồng) và noãn của người phụ nữ (không phải là vợ). Nếu cho phép “mang thai hộ” theo cách hiểu này thì vô hình chung sẽ cho phép đàn ông có quan hệ “trái pháp luật” với người phụ nữ không phải là vợ mình, trái Luật Hôn nhân gia đình hiện hành và “cổ vũ” cho lối sống “đa thê” của đàn ông. Thực tế dư luận thời gian qua đã có trường hợp do người vợ không thể có con nên người chồng đã thuê người phụ nữ khác đẻ con cho mình và sau khi có con thì người chồng này qua lại với cả hai người phụ nữ. Chính vì có cách hiểu hiểu khác nhau và luôn có sự nhầm lẫn về định nghĩa “mang thai hộ” và “đẻ thuê”, nên cần phải cách hiểu thống nhất thuật ngữ “mang thai hộ” là như thế nào và khi nào thì được phép.
Theo Luật hôn nhân và gia đình hiện hành thì có 02 hình thức mang thai hộ: 1) Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con. 2) Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
Như vậy, Luật hôn nhân và gia đình chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại
II. Quan điểm về mang thai hộ ở Việt Nam và một số nước trên thế giới
1. Thực trạng về mang thai hộ tại Việt Nam
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 chưa quy định về mang thai hộ.
Tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học quy định nghiêm cấm mang thai hộ, vì thế chưa có văn bản nào quy định hậu quả pháp lý cũng như xác định cha, mẹ đứa trẻ được sinh ra, các quyền nhân thân và quyền tài sản của đứa trẻ với những người có liên quan (người mang thai, người nhờ mang thai hộ).
Tuy nhiên nhu cầu mang thai hộ là có thật và khá phổ biến hiện nay. Mặc dù chưa có điều tra hay số liệu chính thức nào về số cặp vợ chồng có nguyện vọng nhờ mang thai hộ nhưng nếu lên Internet và gõ từ “dịch vụ đẻ thuê” thì sẽ thấy hàng loạt các phóng sự nói về chủ đề này như: Dịch vụ đẻ thuê: 50 triệu đồng/ca (VietBao.vn thứ hai, ngày 17 tháng 12 năm 2007) với nội dung là “cò” đẻ và đường dây “thuê bụng” “hợp đồng” thuê đẻ; Bác sĩ tiếp tay đường dây đẻ thuê giá trăm triệu ở Sài Gòn (Xzing.vn) với nội dung: quảng bá đẻ thuê, mức giá trọn gói 400 triệu đồng, thực hiện ở Hà Nội hoặc Thái Lan, tuyển mộ gái đẻ thuê, bác sĩ tiếp tay; Đường dây đẻ thuê “khủng” ở Hà Nội (ngôi sao.net ngày 01/5/2013); Âm thầm “đẻ thuê chui” giữa lòng Hà Nội (VietNam.net ngày 01/6/2012) viết về cò đẻ thuê ở cổng bệnh viện, dịch vụ tìm người đẻ thuê trên mạng; Bi kịch đẻ thuê (Thanh niên online)… Hay chỉ cần Click chuột vào “tìm người đẻ thuê ở Hà Nội” trên Google trong 0,44 giây lập tức hiện lên khoảng 468 kết quả. Hay gõ “dịch vụ đẻ thuê” trên google sẽ thấy hàng triệu kết quả trong đó không thiếu những phụ nữ vô sinh cần tìm một người mang thai hộ. Nickmame hoa hong… @ yahoo đăng tải với nội dung “Mình ở Hà Nội, cần tìm người đẻ thuê, giá cả thoả thuận. Yêu cầu không bệnh tật, đã có con hoặc chưa có con. Ai biết ở đâu có dịch vụ đẻ thuê thì nhắn tin giúp mình nhé. Mình rất đang mong có em bé…”; Bộ Tư pháp cũng đã giải quyết vụ việc 14 cô gái Việt Nam tham gia đường dây đẻ thuê tại Thái Lan… Nhu cầu mang thai hộ là phổ biến, việc pháp luật không cho phép đẻ thuê sẽ dẫn đến tình trạng bác sĩ tại Việt Nam không dám thực hiện vì sợ vi phạm pháp luật, những người có nhu cầu thì đi nước ngoài để thực hiện mang thai hộ, vừa tốn kém, vừa thất thoát ngoại tệ; quyền và lợi ích của người mang thai hộ, người nhờ mang thai hay đứa trẻ cũng không được bảo đảm.
Năm 2011, Bộ Y tế đã tổ chức Đánh giá 08 năm thi hành Nghị định số 12/2003/NĐ-CP, qua khảo sát 07 trung tâm hỗ trợ sinh sản được Bộ Y tế ra quyết định công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm, các Trung tâm đều nêu khó khăn trong việc thực hiện khoản 1 Điều 6 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP. Thực tế, pháp luật hiện hành quy định cấm mang thai hộ, tuy nhiên các bác sĩ hay nhân viên của Trung tâm không có nghiệp vụ nên khó có thể phát hiện trường hợp nào là mang thai hộ. Qua toạ đàm, các Trung tâm đều có ý kiến hiện nay có nhiều trường hợp đến gặp bác sĩ bày tỏ nguyện vọng tha thiết được làm kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để nhờ người mang thai hộ, tuy nhiên các bác sĩ đều từ chối vì pháp luật không cho phép. Có trường hợp các bác sĩ phát hiện được mang thai hộ là do nghi ngờ và yêu cầu kiểm tra chứng minh nhân dân, tuy nhiên không dám khẳng định chắc chắn là trong các ca do mình thực hiện có ca nào là mang thai hộ không. Đây cũng là một áp lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế khi thực hiện hỗ trợ sinh sản vì nếu vô tình thực hiện mang thai hộ (do không biết vì không có nghiệp vụ cũng như không có quy định pháp luật để kiểm tra trường hợp) nên có thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt. Trong Báo cáo tổng kết 08 năm thi hành Nghị định số 12/2003/NĐ-CP đề xuất xem xét bỏ quy định cấm mang thai hộ tại Việt Nam và quy định cho phép mang thai hộ cũng như cơ chế kiểm soát chặt chẽ các trường hợp này.
Ngày 19/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật hôn nhân và gia đình. Luật này cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và đã quy định cụ thể về hậu quả pháp lý cũng như xác định cha, mẹ đứa trẻ được sinh ra, các quyền nhân thân và quyền tài sản của đứa trẻ với những người có liên quan.
Bộ Y tế xây dựng và đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, trong đó quy định cụ thể điều kiện cơ sở y tế và người được phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
2. Thực trạng về mang thai hộ ở một số nước trên thế giới
Theo phân tích điều tra….về mang thai hộ thì trong tổng số 105 quốc gia được thăm dò chỉ 71(68%) quốc gia trả lời câu hỏi về mang thai hộ. Hầu hết các quốc gia không trả lời về thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ là vì lý do tôn giáo. Trong số 71 quốc gia trả lời thì 15(21%)quốc gia cho phép thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ và được quy định trong luật, 13 (23%) quốc gia có chủ trương, 30 (42%) quốc gia không cho phép và 10 (14%) quốc gia không đề cập đến thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ. 17 trong tổng số 71 quốc gia (24%) việc thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ được thực hiện, nhưng trong đó có 9 quốc gia không có quy chế hoặc hướng dẫn về vấn đề này.
Một số ít quốc gia đã thực hiện và có quy định khá cụ thể về thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ.
Trong những quốc gia thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ, tính theo thống kê có sẵn thì thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ chiếm 0,05-0,2% số chu kỳ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.
Thực tế tại các nước cho phép mang thai hộ không chỉ thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ với công dân của nước mình mà còn thực hiện kỹ thuật này với công dân ở các nước khác, bởi vì quy định này bị cấm tại quốc gia của họ hoặc việc điều trị ở nước họ quá tốn kém. Chính vì vậy dẫn đến trường hợp đứa trẻ sinh ra không trở về quê hương của cha mẹ nhờ mang thai hộ, ngay cả trong trường hợp hợp đồng hợp pháp đã được soạn thảo giữa các bên liên quan. Chính vì vậy mà hiện nay trên thế giới cũng có các quan điểm khác nhau về việc có cho phép người phụ nữ mang thai hộ hay không :
Những nước cấm mang thai hộ như: Đức, Áo, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Trung Quốc, Nhật Bản, Philipin, Việt Nam trước ngày 19/6/2014, Nauy và Niu Zilan. Tại Mỹ, một số bang như Arizona, Indiana, Michigan, New York nghiêm cấm và phạt hình sự việc sử dụng dịch vụ mang thai hộ.
Tại Bỉ (Belgique), việc mang thai hộ không bị cấm nhưng cũng không được quy định cụ thể trong Luật, hợp đồng mang thai hộ thì không có giá trị pháp lý theo luật dân sự.
Theo quan điểm phản đối mang thai hộ, việc chia cắt đứa trẻ sơ sinh với người mẹ mang thai hộ có thể gây ra các thương tổn tới sự phát triển của trẻ và của cha mẹ thuê đẻ. Nguồn gốc khác biệt với những đứa trẻ khác có thể gây ra chứng trầm cảm vì nỗi ám ảnh bị bỏ rơi. Ngoài ra, việc mang thai và sinh đẻ có thể gây tổn hại đến cơ thể của người đẻ thuê vì lợi ích của người khác. Việc mang thai và sinh đẻ liên tiếp làm suy yếu cơ thể và ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của người phụ nữ. Hơn nữa, đây còn là nguy cơ cho việc bóc lột và thương mại hóa người đẻ thuê. Khoản bồi thường hợp lí và được kiểm soát vẫn là một sự khuyến khích về mặt kinh tế ảnh hưởng tới sự tự nguyện của người đẻ thuê. Người mang thai hộ có nguy cơ trở thành một công cụ sản xuất và đứa trẻ là một món hàng. Thực tế cho thấy việc cho phép giới hạn phương pháp mang thai hộ không đặt dấu chấm hết cho các hình thức trái phép. Những đối tượng không đáp ứng điều kiện quy định theo luật (ví dụ: cặp đôi đồng tính hay người phụ nữ không mắc chứng bệnh cho phép việc sử dụng phương pháp mang thai hộ) vẫn tìm cách để thực hiện ước muốn có con có quan hệ huyết thống với một trong hai người .
Gần đây các nghiên cứu nhỏ đã chỉ ra rằng có rất ít lý do để lo ngại về những đứa trẻ được sinh ra từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ. Trong hầu hết các nước “Người mẹ sinh ra đứa trẻ” luôn là người mẹ hợp pháp của em bé. Thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ, mặc dù đứa trẻ sinh ra không liên quan đến yếu tố di truyền với người mẹ được sinh ra, đã phức tạp quy luật chung này, vì vậy nhiều quốc gia hoặc tiểu bang của họ đã thay đổi quy định cho phép cha mẹ sinh học (vợ chồng nhờ mang thai) là cha mẹ hợp pháp vào lúc sinh đứa trẻ. Những vấn đề này, cũng như những người khác, ví dụ như người mang thai hộ thay đổi ý định và muốn giữa đứa trẻ hay cặp vợ chồng đã ly hôn khi đứa trẻ sinh ra… đây là những vấn đề cần phải được tính toán và quy định cụ thể nếu cho phép mang thai hộ.
· Bên cạnh đó, nhiều nước cho phép mang thai hộ bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản (khoa học) và đã quy định cụ thể trong Luật như: Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Phần Lan, Nam Phi, Brazin, Estonie, Equateur, Hong Kong, Ấn Độ, Iran, Nga, Salvador, Ukraine và Pháp.
· Tại Hà Lan, quy định cho phép mang thai hộ bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản được quy định tại Luật Y tế năm 1977. Tại Anh, việc mang thai hộ bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản và cả việc quảng cáo để tìm người mang thai hộ đều được cho phép, cụ thể là quy định tại Luật về thụ tinh nhân tạo năm 1994: thừa nhận tính hợp pháp của việc chuyển quyền làm cha mẹ từ người đẻ thuê sang người thuê đẻ; quan hệ cha mẹ được thiết lập bằng quyết định của tòa án sau khi đứa trẻ ra đời, từ yêu cầu của cha mẹ thuê đẻ. Người mẹ đẻ thuê có 6 tuần để phản đối việc xác định quan hệ cha mẹ này. Bộ Luật Hình sự của Anh nghiêm cấm việc trả tiền cho người môi giới cha mẹ thuê đẻ và người mang thai hộ. Tại Đan Mạch, mang thai hộ được đưa vào trong Luật về con nuôi: người mẹ đẻ thuê không có nghĩa vụ phải giao đứa trẻ cho cha mẹ thuê đẻ - những người này cũng không bắt buộc phải nhận đứa trẻ. Tại Hy Lạp, năm 2005 luật về mang thai hộ quy định người mẹ mong muốn có con qua phương pháp mang thai hộ phải nộp đơn xin lên Tòa án, kèm theo giấy chứng nhận vô sinh và điều kiện sức khỏe đảm bảo của người mang thai hộ. Tại Hungary, phương pháp mang thai hộ chỉ được cho phép giữa các thành viên trong một gia đình. Tại Israel, luật về mang thai hộ quy định phương pháp này chỉ dành cho các cặp vợ chồng đã đăng kí kết hôn. Người mang thai hộ có thể là người độc thân, đã li hôn hay góa phụ, và không thể là người mẹ sinh học của đứa trẻ. Tại Mỹ, một thiểu số bang cho phép mang thai hộ như bang Arkansas, Californie, Illinois, Nevada, New-Hampshire, Texas, Utah và Virginie. Các bà mẹ đẻ thuê có thể đăng kí tại các trung tâm chuyên thiếp lập quan hệ pháp lý với những cặp cha mẹ thuê đẻ. Tại Canada, việc khuyến khích nữ giới dưới 21 tuổi mang thai hộ bị nghiêm cấm trong luật hình sự.
Theo quan điểm ủng hộ việc cho phép mang thai hộ của các chuyên gia Pháp, phương pháp này là giải pháp tốt cho những trường hợp vô sinh không thể chữa trị. Việc cấm mang thai hộ dẫn đến sự phân biệt về giàu nghèo vì các cặp cha mẹ có điều kiện kinh tế có thể sang nước ngoài để thực hiện phương pháp này. Hơn nữa, việc mang thai hộ được luật quy định sẽ bảo đảm sự an toàn và quyền lợi cho các đối tượng tham gia, hạn chế các đường dây bóc lột phụ nữ nghèo tại các nước đang phát triển. Nếu cho phép có thể thiết lập một cơ chế kiểm tra sự đồng thuận của người mang thai hộ (không bị sức ép tâm lý, kinh tế, gia đình; nhận thức rõ ràng về các hậu quả của việc rời bỏ đứa trẻ sau khi sinh ra; hậu quả với sức khỏe cá nhân và đời tư về sau; sự đồng thuận của người chồng của người mang thai hộ). Việc hạn chế phương pháp mang thai hộ vi phạm quyền tự do cá nhân của những người phụ nữ tự nguyện mang thai hộ.
III. Tính đạo đức của mang thai hộ
Hiện nay tỷ lệ vô sinh của nước ta khá cao: 7,7%, tương đương khoảng 700.000 - 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn trong cả nước . Vì vậy việc cho phép sử dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ là nguyện vọng chính đáng đối với các trường hợp vì bệnh lý:
1) Bệnh nhân không có tử cung nhưng vẫn có một hoặc cả hai buồng trứng hoạt động bình thường: Phụ nữ đã bị cắt bỏ tử cung nhưng vẫn giữ lại buồng trứng vì bất cứ lý do gì
2) Những phụ nữ bị sảy thai lặp đi lặp lại và khó có thể mang thai. Người phụ nữ đã nhiều lần điều trị bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, có thai nhưng không thể mang thai cho đến khi đẻ ra trẻ có khả năng sống cũng có thể được xem xét.
3) Nhưng người phụ nữ có thể mang thai, nuôi dưỡng thai nhi phát triển nhưng quá trình mang thai ảnh hưởng đến sức khoẻ của chính mình: suy tim, suy gan, suy thận…
Những trường hợp này hoặc không thể có con hoặc không đủ sức khỏe để mang thai nhưng họ vẫn có noãn và mong muốn được hưởng quyền làm mẹ. Trường hợp vì nhu cầu của công việc hoặc lý do xã hội không được coi là hợp lý để áp dụng biện pháp mang thai hộ.
“Mang thai hộ” trong Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp sau khi lấy noãn của người vợ (vì lý do sức khỏe mà không thể mang thai) và tinh trùng của người chồng để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Khi noãn và tinh trùng gặp nhau chuyển thành phôi thì sẽ chuyển phôi vào tử cung của người phụ nữ khác. Người phụ nữ nhận mang thai hộ có quan hệ họ hàng, cùng huyết thống nhưng không vì mục đích lợi nhuận. Trong trường hợp này, tử cung của người phụ nữ mang thai hộ giống như một môi trường sống tốt nhất - một ngôi nhà cho một đứa trẻ - đứa con của người khác.
Trong quá trình soạn thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) đã bàn đến vấn đề mang thai hộ, hậu quả pháp lý của việc mang thai hộ, bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ em sinh ra từ việc mang thai hộ. Tuy nhiên, vấn đề này đã gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt xoay quanh vấn đề cho phép hay không cho phép mang thai hộ tại Việt Nam vào thời điểm này.
Trước hết, phải khẳng định cho phép “mang thai hộ” không phải là cho phép “đẻ thuê”. Cho phép “mang thai hộ” đối với một số đối tượng có chỉ định để bảo đảm quyền làm mẹ chính đáng của mọi phụ nữ và người mang thai hộ không vì mục đích lợi nhuận. Mang thai hộ là một thành tựu của y học, có thể nói là một tiến bộ vượt bậc để biến mơ ước không thể làm mẹ của rất nhiều phụ nữ được trở thành hiện thực. Bản chất “mang thai hộ” là hết sức nhân văn vì là một sự giúp đỡ của một người phụ nữ này đối với người phụ nữ khác để sinh ra những đứa trẻ. Việc mang thai và sinh nở cũng là việc làm có ý nghĩa nhằm duy trì nòi giống, gắn kết và giữ gìn hạnh phúc mỗi gia đình, bởi vì con cái là động lực để cha mẹ chúng làm việc tốt hơn, sống có trách nhiệm hơn, góp phần vào sự ổn định, phồn vinh của xã hội.
Mặt khác, dưới phương diện sinh học thì trong trường hợp mang thai hộ, đứa bé ra đời từ mang thai hộ mang gien di truyền của người phụ nữ có trứng thụ tinh chứ không phải của người mang thai. Nếu hiểu khái niệm huyết thống đồng nhất với khái niệm gien di truyền (ADN) thì quan hệ huyết thống là quan hệ giữa người phụ nữ có trứng và đứa trẻ. Cho phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ là điều trị hữu ích cho phép các cặp vợ chồng có con di truyền (phù hợp với tính huyết thống, duy trì dòng họ tại Việt Nam). Mang thai hộ có thể đồng nhất khái niệm “chăm sóc” tạo điều kiện cho thai phát triển nhưng là sự chăm sóc đặc biệt không bằng tay chân mà bằng chính cơ thể của mình. Nếu chúng ta chấp nhận việc nuôi trẻ bằng sữa của người phụ nữ khác khi người mẹ của đứa trẻ không có khả năng nuôi con bằng sữa của chính mình thì chúng ta cũng nên chấp nhận việc mang thai hộ. Hai hiện tượng này gần như đồng nhất với nhau, chỉ khác ở thời điểm là trước và sau khi sinh.
Ngoài ra, cần thiết phải xem xét đến yếu tố khởi điểm và mục đích của việc mang thai hộ. Khi người phụ nữ có trứng tham gia vào quan hệ mang thai hộ với mục đích mong muốn được làm mẹ, còn người phụ nữ mang thai chỉ với mục đích “hộ”, giúp đỡ, tất nhiên có hoặc không có bồi dưỡng trong quá trình mang thai nhưng tuyệt đối không vì mục đích kiếm lợi.
Mang thai hộ là một thành tựu khoa học trong lĩnh vực y học đã và đang là mối quan tâm của nhiều người trong xã hội. Song để hiện tượng này phát triển đúng hướng, đúng ý nghĩa xã hội, thì pháp luật cần phải điều chỉnh quan hệ này một cách kịp thời, cụ thể, tránh hiện tượng lạm dụng đi ngược lại bản chất xã hội của mang thai hộ và quan trọng nhất là tránh những tranh chấp có thể phát sinh giữa các chủ thể của quan hệ này.
IV. Khả năng thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ ở Việt Nam
Lần đầu tiên vào năm 1959, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo giữa trứng và tinh trùng thỏ trong môi trường ống nghiệm thành công. Từ đó tới nay các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu tìm kiếm những phương pháp mới cho việc điều trị vô sinh ở người. Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) là những kỹ thuật nhằm làm tăng tỷ lệ thụ tinh trong điều trị hiếm muộn đã được báo cáo thành công trên thế giới từ những năm 1978 và 1992, cho tới nay đã có hơn 5 triệu em bé ra đời từ những kỹ thuật trên, trong đó ở Việt Nam là gần 10 nghìn em.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia ở khu vực ban hành riêng Nghị định của Chính phủ quy định về sinh con theo phương pháp khoa học (kỹ thuật hỗ trợ sinh sản). Nghị định số 12/2003/NĐ-CP và các văn bản có liên quan đã tạo hành lang pháp lý quan trọng giúp cho hoạt động tư vấn, khám và điều trị của các cán bộ y tế tư vấn được thuận lợi; các cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ đơn thân muốn mang thai có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nghị định cũng đã bao phủ được hầu hết các vấn đề liên quan đến hỗ trợ sinh sản. Các quy định của Nghị định phù hợp với các bằng chứng khoa học và pháp luật trong nước cũng như quốc tế.
Hiện nay cả nước có 21 cơ sở đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được Bộ Y tế ra quyết định công nhận, gồm: Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương; Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn; Bệnh viện Vạn Hạnh; Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng; Bệnh viện Phụ sản bán công Bình Dương; Bệnh viện Quân Y 103; Bệnh viện Phụ sản Thanh Hoá; Bệnh viện Đa khoa tư nhân An Sinh; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế; Bệnh viện Đa khoa Thành phố Cần Thơ; Bệnh viện Quốc tế Phương Châu - Cần Thơ; Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Hạnh Phúc - Bình Dương; Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội; Bênh viện Bưu điện; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Phụ sản Đà Nẵng; Bệnh viện Mỹ Đức; Bệnh viện Vinmec.
Thành phố Hà Nội là địa phương có nhiều cơ sở thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nhất trong cả nước (07 cơ sở), Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai (05 cơ sở), Thành phố Cần Thơ và Bình Dương đứng thứ ba (02 cơ sở). Còn lại, các cơ sở đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nằm rải rác ở một số tỉnh Hải Phòng, Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng.
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước phát triển về lĩnh vực hỗ trợ sinh sản với chất lượng tốt và chi phí phù hợp, thu hút được nhiều cặp vợ chồng vô sinh trong nước và khu vực, trong đó có cả người nước ngoài ở những nước phát triển đến Việt Nam để được làm các kỹ thuật này.
Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã thực hiện được ở Việt Nam bao gồm:
+ Thụ tinh trong ống nghiệm
+ Tiêm tinh trùng vào bào tương của noãn ICSI
+ PESA: Chọc hút mào tinh qua da
+ AH: Hỗ trợ phôi thoát màng
+ PGD: Chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi
+ Chuyển phôi ngày 5
+ Chuyển phôi đông lạnh
+ Xin noãn, xin phôi
+ Trữ lạnh phôi, tinh trùng, noãn bằng phương pháp thuỷ tinh hoá.
Một số trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam được trang bị tốt hơn trung tâm ở nước ngoài. Những trung tâm mới ra đời được trang bị các thiết bị, kỹ thuật hiện đại và tiếp cận ngay với công nghệ mới. Trong khi đó các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm lâu năm ở nước ngoài vẫn sử dụng các thiết bị cũ, lạc hậu.
Hằng năm Hiệp hội sinh sản người và phôi học Châu Âu (ESHRE) đều thống kê kết quả các chương trình thụ tinh trong ống nghiệm trên toàn châu Âu. Theo báo cáo của ESHRE năm 2010, tỷ lệ có thai trung bình sau khi làm thụ tinh trong ống nghiệm ở Châu Âu là 32-33%. Châu Âu hiện là khu vực mà thụ tinh trong ống nghiệm phát triển nhất trên thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ thành công tại các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm tốt nhất ở Việt Nam trung bình khoảng 30-35%.
Các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm đầu ngành ở Việt Nam đã thực hiện được tất cả các kỹ thuật hiện đại trên thế giới. Thậm chí một số kỹ thuật rất ít trung tâm trong khu vực và thế giới làm được, nhưng Việt Nam lại thành công như kỹ thuật nuôi noãn non trưởng thành trong ống nghiệm (IVM). Việt Nam là một trong những nước đi đầu về IVM trên thế giới.
Bên cạnh đó, các bác sĩ Việt Nam được đánh giá là có kinh nghiệm chuyên môn cao về thụ tinh trong ống nghiệm. Số ca thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam là nhiều nhất trong khu vực Châu Á (khoảng 7.000 ca mỗi năm). Do đó bác sĩ trong nước có nhiều kinh nghiệm hơn. Hiện nay nhiều bác sĩ và chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam để học tập và trao đổi kinh nghiệm về thụ tinh trong ống nghiệm. Chỉ trong vòng 02 năm 2008-2009, bác sĩ Việt Nam đã được mời báo cáo tại các Hội nghị khu vực và trên thế giới 10 lần.
Chi phí thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam thấp hơn ở nước ngoài từ 5-10 lần. Chi phí để điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (thủ thuật và thuốc) ở Việt Nam khoảng 2.000-3.000 USD. Chi phí này ở những nước trong khu vực dao động từ 8.000-12.000 USD. Ngoài ra người bệnh còn phải chịu chi phí đi lại, ăn ở, phiên dịch… Chi phí này có thể cao hơn chi phí điều trị. Bên cạnh đó, 2 vợ chồng phải gián đoạn thời gian để sang nước ngoài điều trị.
Việt Nam có các trung tâm hỗ trợ sinh sản hoàn toàn có đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ với chi phí hợp lý. Nếu pháp luật Việt Nam cho phép mang thai hộ thì chắc chắn sẽ hạn chế được số cặp vợ chồng sang nước ngoài để thực hiện các kỹ thuật này.
V. Những vấn đề có thể phát sinh khi cho phép mang thai hộ tại Việt Nam
Về mặt xã hội, quy định mang thai hộ có tính nhân đạo giúp các cặp vợ chồng có vấn đề về sức khoẻ có khả năng có con theo ý nguyện. Đây cũng là việc phù hợp với truyền thống văn hoá của người dân Việt Nam là muốn có con nối dõi. Về mặt pháp luật, cho phép mang thai hộ sẽ hạn chế tình trạng đẻ thuê, đẻ mướn, buôn bán trẻ em. Tuy nhiên, việc cho phép mang thai hộ nếu không được quy định chặt chẽ thì có rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra:
1. Vấn đề “du lịch sinh sản”: Việc cho phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ với chi phí thấp tại Việt Nam rất có thể sẽ có nhiều cặp vợ chồng người nước ngoài đến Việt Nam để thực hiện kỹ thuật này. Như vậy, vì lợi nhuận và vì khó khăn kinh tế có thể sẽ có trường hợp phụ nữ Việt Nam trở thành công cụ sản xuất những đứa trẻ. Những đứa trẻ này có thể sẽ được hợp pháp hoá bằng con đường cho làm con nuôi người nước ngoài. Tuy nhiên cũng có nhiều rủi ro xảy ra cho người mang thai hộ và đứa trẻ nếu cha mẹ người nước ngoài ly hôn không muốn nhận con hoặc thủ tục cho làm con nuôi phức tạp, mất nhiều thời gian. …Trong trường hợp này cần có quy định để hạn chế việc mang thai hộ đối với người nước ngoài và có cơ chế để bảo vệ phụ nữ, trẻ em.
Để hạn chế vấn đề này, dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã quy định chỉ cho phép những người có quan hệ thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ được phép mang thai hộ (anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ). Ngoài ra, dự thảo cấm không cho noãn đối với người nước ngoài, trừ trường hợp người nhận là người gốc Việt Nam.
2. Luật Hôn nhân và gia đình quy định chỉ cho phép những người có quan hệ thân thích cùng hàng với cặp vợ chồng nhờ mang thai được phép mang thai hộ. Tuy nhiên như vậy sẽ rất hạn chế đối tượng được phép mang thai hộ và tạo ra sự bất bình đẳng cho các trường hợp không có người thân thích cùng hàng. Bên cạnh đó, việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đòi hỏi chi phí lớn cũng là một trở ngại lớn đối với những cặp vợ chồng không thể có con nhưng cũng không có tiền để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ. Điều này có thể cũng sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực của đối tượng này và vẫn duy trì tình trạng đẻ thuê bằng cách quan hệ trực tiếp để có con.
3. Các bác sĩ và nhân viên của các Trung tâm hỗ trợ sinh sản có thể là những người “tiếp tay” để thực hiện mang thai hộ với một số đối tượng không đủ điều kiện. Điều này có thể làm mất giá trị nhân đạo của kỹ thuật này và gây hậu quả xấu cho xã hội.
4. Có thể có người mang thai hộ trong quá trình mang thai sẽ nảy sinh tình cảm và yêu quý đứa trẻ, sau khi sinh con thì giấu không muốn trao con cho cha mẹ nhờ mang thai hộ hoặc đến thời điểm giao đứa trẻ nhưng không giao con. Việc này có thể ra gây ra tranh chấp, kiện tụng kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là đứa trẻ.
5. Việc mang thai hộ có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của người mang thai hộ trong quá trình mang thai, sinh con, thậm chí có thể gây tử vong cho người mang thai, hoặc đứa trẻ bị dị tật, người mang thai hộ bị xảy thai nhưng lại quan hệ với người khác để có thai và lừa dối người nhờ mang thai hộ… nên cần phải có quy định chặt chẽ về sức khoẻ, đạo đức của người mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của các bên.
6. Mang thai hộ không nhằm mục đích thương mại nhưng có thể sẽ là một lý do để sau khi mang thai người mang thai hộ đòi hỏi tiền hoặc lợi ích vật chất từ người nhờ mang thai hộ.
7. Có thể sẽ có tranh chấp phát sinh về quyền thừa kế của đứa trẻ với người mang thai hộ hoặc đòi hỏi của đứa trẻ được biết về sự thật ai là người sinh ra mình. Ai là cha mẹ thật.
8. Có thể sẽ có trường hợp người vợ bị người chồng hoặc họ hàng nhà chồng ép buộc mang thai hộ hoặc trường hợp người vợ mang thai hộ mà người chồng không biết. Điều này cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn và phát triển của đứa trẻ cũng như quan hệ tình cảm, đạo đức của các bên liên quan.
9. Trường hợp đứa trẻ sinh ra thì cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ ly hôn, không ai muốn nhận đứa trẻ. Như vậy, đứa trẻ bị đặt trong tình trạng không ai muốn nuôi dưỡng và có nhiều khả năng bị bỏ rơi.
10. Cũng giống như lo ngại của nhiều quốc gia không cho phép mang thai hộ, việc cho phép mang thai hộ tại Việt Nam có thể sẽ gặp phải các vấn đề sau:
- Việc chia cắt đứa trẻ sơ sinh với người mẹ mang thai hộ có thể gây ra các thương tổn tới sự phát triển của trẻ và của cha mẹ thuê đẻ. Nguồn gốc khác biệt với những đứa trẻ khác có thể gây ra chứng trầm cảm vì nỗi ám ảnh bị bỏ rơi;
- Việc mang thai và sinh đẻ có thể gây tổn hại đến cơ thể của người đẻ thuê vì lợi ích của người khác. Việc mang thai và sinh đẻ liên tiếp làm suy yếu cơ thể và ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của người phụ nữ. Hơn nữa, đây còn là nguy cơ cho việc bóc lột và thương mại hóa người đẻ thuê. Khoản bồi thường hợp lí và được kiểm soát vẫn là một sự khuyến khích về mặt kinh tế ảnh hưởng tới sự tự nguyện của người đẻ thuê;
- Người mang thai hộ có nguy cơ trở thành một công cụ sản xuất và đứa trẻ là một món hàng;
- Thực tế cho thấy việc cho phép giới hạn phương pháp mang thai hộ không đặt dấu chấm hết cho các hình thức trái phép. Những đối tượng không đáp ứng điều kiện quy định theo luật (ví dụ: cặp đôi đồng tính hay người phụ nữ không mắc chứng bệnh cho phép việc sử dụng phương pháp mang thai hộ) vẫn tìm cách để thực hiện ước muốn có con có quan hệ huyết thống với một trong hai người .
- Trái với quy luật tự nhiên là người mẹ sinh ra đứa trẻ là người mẹ hợp pháp, nảy sinh thêm khái niệm “người mẹ sinh học”.
Tin liên quan
- Điểm tin văn bản PLYT - Thông tư số 10/2019/TT-BYT, số 11/2019/TT-BYT, số 12/2019/TT-BYT
- Hộp thư giải đáp pháp luật - Thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Hộp thư giải đáp pháp luật - Điều kiện mở hiệu thuốc Tây; Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề Dược
- Bản tin điện tử "Thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật về y tế" số 4/2019
- Bản tin 'Thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật về y tế' số 1-2019
- Hộp thư giải đáp pháp luật - Thành lập cơ sở phân loại trang thiết bị y tế
- Hộp thư giải đáp pháp luật - Quy định về khám chữa bệnh khi làm mất thẻ BHYT