TIN BÀI VỀ ĐƯỜNG DÂY NÓNG ĐĂNG TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ Y TẾ Ngày 21-30/9/2017

30/09/2017 | 14:26 PM

 | 


 

1. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cứu sống một sản phụ bị vỡ tử cung, trụy mạch, mất máu sau sinh: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 20/9, các bác sỹ Khoa sản Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với bác sĩ Daniel Derval - chuyên gia sản phụ khoa (hiện đang công tác tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh theo thỏa thuận hợp tác với tổ chức Cootes D’Armor - Cộng hòa Pháp) kịp thời cứu sống một sản phụ bị vỡ tử cung, trụy mạch, mất máu nặng sau sinh. Theo người nhà của sản phụ Trần T. P. (trú tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), vào khoảng 1 giờ sáng ngày 20/9, thấy chị P. kêu đau bụng và có dấu hiệu vỡ ối, nên gia đình đã đưa đến Trạm Y tế xã Thịnh Lộc để sinh. Tại đây, sau khoảng 10 phút rặn không sinh được, chị P. có dấu hiệu choáng, ngất và người nhà đã đưa thẳng đến Khoa sản (BVĐK tỉnh Hà Tĩnh). Sau khi vào phòng sinh được các bác sĩ hồi sức thì khoảng 5 phút sản phụ P. đã sinh được 1 bé trai cân nặng 2,6kg. Tuy nhiên, sau đó sản phụ P. bị chảy máu rất nhiều ở âm đạo... các bác sĩ Khoa sản đã tiến hành hội chẩn và chuyển thẳng lên phòng mổ đồng thời liên hệ với bác sĩ Daniel Derval đến trợ giúp. Tại phòng mổ các bác sĩ đã tiến hành siêu âm trên bàn mổ và nghi sản phụ P. bị vỡ tử cung. Dưới sự giúp đỡ tận tình của bác sĩ Daniel Derval các bác sĩ đã tiến hành mở ổ bụng cho thấy tử cung mềm, trắng bợt, đoạn eo mặt trước tử cung thâm tím… Ngay sau khi cắt tử cung toàn phần, đoạn eo tử cung phía niêm mạc có một vết nứt 2cmx4cm, xung quanh thâm tím nhiều… các bác sĩ đã khâu và chuyền 3 đơn vị máu. Sau gần 2 giờ đồng hồ phẫu thuật, sản phụ P. đã qua khỏi cơn nguy kịch và được chuyển về Khoa sản để tiếp tục chăm sóc, điều trị. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Khoa sản (BVĐK tỉnh Hà Tĩnh), trường hợp sản phụ P. nếu như không được người nhà đưa đến bệnh viện kịp thời thì rất có khả năng sẽ bị tử vong cả mẹ lẫn con, bên cạnh đó, ca mổ được sự giúp đỡ của bác sĩ Daniel Derval nên cũng diễn ra rất thuận lợi. Đến nay, sản phụ P. đã qua khỏi cơn nguy kịch, dự kiến sẽ được xuất viện sau 1 tuần điều trị. Trước đó, các bác sĩ của BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phối hợp với bác sĩ Daniel Derval tiến hành phẫu thuật thành công cho một sản phụ có 2 tử cung hiếm gặp.

 

 

2. Bệnh viện Trung ương Huế đã có chuyển biến tích cực về tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh: Theo thông tin phản ánh về Đường Dây nóng Bộ Y tế, từ khi áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng phiên bản 2.0 (theo Quyết định số 6858/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 18 tháng 11 năm 2016), Bệnh viện Trung ương Huế đã có nhiều thay đổi rõ rệt, đặc biệt là về tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Bệnh viện đã thực hiện cải cách các thủ tục hành chính trong Quy trình khám bệnh ngoại trú, làm giảm thời gian khám chữa bệnh và nâng cao mức độ hài lòng người bệnh, cụ thể gồm: Bố trí các biển báo, biển hiệu và chỉ dẫn đã được làm rất chỉnh chu trong quá trình thi công và xây dựng bệnh viện. Các bàn tiếp đón và hướng dẫn được bố trí ở vị trí thuận tiện cho người bệnh dễ tiếp cận, có biển hiệu rõ ràng. Đội ngũ nhân viên hướng dẫn được đào tạo bài bản đảm bảo hỗ trợ tận tình cho người bệnh. Thiết lập quy trình tiếp đón người bệnh có trật tự, có máy lấy số tự động theo thông tin cá nhân người bệnh đến khám, bảo đảm tính công bằng, trật tự trong việc khám bệnh, thanh toán viện phí để tránh tình trạng chen lấn, chen ngang. Người bệnh được hỗ trợ và được vận chuyển một cách phù hợp với mức độ và tình trạng bệnh lý trong suốt quá trình sử dụng dịch vụ y tế tại bệnh viện. Nhờ vậy, sự hài lòng của người bệnh đối với các dịch vụ của Bệnh viện đã tăng lên rõ rệt.

3. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương cứu sống bé trai bị tim bẩm sinh nặng: Thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương vừa cứu sống bé Phan H.H (2 tháng tuổi, Thái Bình) bị bệnh tim bẩm sinh rất nặng. Bé sinh ra đã có biểu hiện tím tái khi quấy khóc song gia đình không để ý. Ngày 2/9 thấy con liên tục khó thở, thở nhanh, bú kém, bé H mới được cha mẹ đưa đến bệnh viện tỉnh. Sau khi thăm khám, xác định cháu bé có bệnh lý về tim bẩm sinh rất nặng, các bác sĩ bệnh viện tỉnh đã chuyển cháu lên BV Nhi Trung ương. 11 giờ cùng ngày, nhận được thông tin có bệnh nhân cần hội chẩn cấp cứu, toàn bộ ekip bao gồm bác sĩ siêu âm, bác sĩ ngoại tim mạch, can thiệp tim mạch cùng các kỹ thuật viên thuộc Trung tâm tim mạch trẻ em đã lập tức có mặt. Bé H. được các bác sĩ nhanh chóng tiến hành khám tim mạch và siêu âm tim. Cháu bé được chẩn đoán tĩnh mạch phổi trở về bất thường hoàn toàn thể trên tim có tắc nghẽn. Xác định đây là trường hợp bệnh lý tim phức tạp nếu không phẫu thuật sớm cháu bé sẽ không qua khỏi, các sĩ đã hội chẩn và đi đến thống nhất phẫu thuật cấp cứu cho cháu chỉ một ngày sau đó. Ca phẫu thuật kéo dài gần 4 giờ đồng hồ đã cho kết quả tốt đẹp. Chỉ một ngày sau phẫu thuật, bệnh nhi đã được rút nội khí quản. Trẻ tự thở, bú tốt, các chỉ số về mạch trong giới hạn cho phép. Giải thích về cơ chế bệnh lý ở trường hợp này, TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường - Phó giám đốc Trung tâm tim mạch trẻ em cho biết, tĩnh mạch phổi trở về bất thường (TMPTVBT) là dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp, xuất hiện khi các tĩnh mạch phổi hình thành một cách bất thường trong thời kỳ bào thai. Nguyên nhân của bệnh lý này còn chưa rõ ràng. Ở tim bình thường, 4 tĩnh mạch phổi làm nhiệm vụ đưa máu giàu oxy từ hai bên phổi trở về tâm nhĩ trái. Máu này sau đó sẽ được đẩy đi nuôi cơ thể. Ở bệnh nhi có TMPTVBT, một hoặc nhiều tĩnh mạch phổi không trở về tâm nhĩ trái như thường lệ mà lại trở về tâm nhĩ phải. Nếu tất cả các tĩnh mạch phổi bị ảnh hưởng, bệnh sẽ có tên tĩnh mạch phổi trở về bất thường hoàn toàn. TS.BS Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Hồi sức tim mạch, Trung tâm tim mạch trẻ em, cháu H rất may mắn đã được các bác sĩ phát hiện bệnh sớm và chỉ định phẫu thuật kịp thời. Tĩnh mạch phổi trở về bất thường hoàn toàn có tắc nghẽn là bệnh lý tim bẩm sinh trầm trọng, nếu không được điều trị, phần lớn trẻ sẽ không sống hết được 3 tháng đầu đời.

 

4. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á vừa cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ nặng: Theo thông tin phản ánh đến Đường Dây nóng Bộ Y tế, bệnh viện Đa Khoa Xuyên Á (BVXA) mới đây tiếp nhận và cứu sống bệnh nhân L.V.L. (SN 1977, ngụ tại huyện Củ Chi, TP.HCM) trong tình trạng liệt hoàn toàn nửa thân bên trái, liệt mặt, rối loạn tri giác, lơ mơ, có dấu hiệu rơi vào hôn mê. Bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường. Các bác sĩ khoa Cấp cứu nhanh chóng điều trị tích cực và hội chẩn với các bác sĩ khoa Nội thần kinh. Sau 45 phút dùng thuốc, bệnh nhân tỉnh, vận động cải thiện tốt từ 0 lên được 3/5. Chỉ sau 3 giờ dùng thuốc, bệnh nhân không còn tình trạng liệt mặt, tình trạng sức khỏe hồi phục gần như người bình thường một cách ngoạn mục. Được biết, đơn vị Đột quỵ của BVXA được thành lập từ đầu năm 2017 và chỉ trong thời gian ngắn đã phát huy hiệu quả, điều trị thành công nhiều trường hợp đột quỵ nguy kịch. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, nhạy bén xử trí cấp cứu và dùng thuốc điều trị kịp thời cho bệnh nhân trong “thời gian vàng”, đơn vị giúp nhiều bệnh nhân bị đột quỵ tránh khỏi nguy cơ tử vong, tàn phế. Các bác sĩ khuyến cáo, những ai có các yếu tố gia tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu não như: tăng huyết áp, đái tháo đường… khi đột ngột có triệu chứng méo miệng, nói khó, yếu tay chân nên đến ngay các bệnh viện để có thể xử trí cấp cứu kịp thời, tránh để lại di chứng đáng tiếc.

 

5. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cứu sống hai bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nặng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng cấp cứu, kịp thời can thiệp giúp cứu sống 2 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim khỏi “lưỡi hái tử thần” trong gang tấc. Trong ngày 19/9 liên tiếp hai ca bệnh bị nhồi máu cơ tim vô cùng nguy kịch được chuyển vào khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh từ tuyến dưới.  Bệnh nhân đầu tiên là bà  P.T.C (76 tuổi, trú tại phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả) chuyển đến từ Bệnh viện Cọc 7 trong tình trạng vô cùng nghiêm trọng. Người nhà cho biết, sau khi đi chợ về bỗng dưng đầu óc bà C. choáng váng, ngực đau tức dữ dội, quặn từng cơn. Không thể xử trí trường hợp này, Bệnh viện Cọc 7 đã lập tức bố trí xe cấp cứu chuyển bệnh nhân C. lên bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng ngày càng xấu đi, toàn thân co rúm, nôn dịch vàng, mê man bất tỉnh. Không để chậm trễ hơn, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ bệnh viện tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng xử trí cấp cứu ban đầu và lập tức chuyển lên phòng can thiệp tim mạch để chụp mạch và tiến hành can thiệp tại chỗ. Bà C. được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim trước do hẹp khít 99% đoạn I của động mạch liên thất trước. Các bác sĩ đã tiến hành nong rộng chỗ hẹp và đặt stent để lưu thông lòng mạch trong vòng nửa tiếng. Bệnh nhân tỉnh táo và hết đau ngay sau can thiệp. Cũng cùng thời gian nhập viện với bà C. sau đó nửa tiếng, các bác sĩ  khoa Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh cũng tiến hành hội chẩn từ xa cho trường hợp của bệnh nhân N.Q.M (42 tuổi, trú tại phường Hoà Lạc, TP Móng Cái). Trước đó, trong sáng 19/9, khi đang ngủ anh bỗng nhiên bị đau tức ngực nhiều, khó thở, mặt mũi tím tái. Nhận thấy anh M. trong tình trạng ối loạn nhịp tim, block nhĩ thất cấp III nguy kịch, các bác sĩ bệnh viện tỉnh nhanh chóng hướng dẫn từ xa TTYT Móng Cái phác đồ xử trí ban đầu và yêu cầu lập tức vận chuyển bệnh nhân về bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đồng thời, bệnh viện cũng huy động kíp bác sĩ đến đón và duy trì liên lạc liên tục với nhóm cấp cứu để nắm bắt diễn biến sức khoẻ, tiếp cận bệnh nhân bằng mọi cách nhanh nhất để kịp thời xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra. Ngay khi đưa tới bệnh viện, kíp bác sĩ ứng cứu tại viện khẩn trương chụp mạch vành, xác định anh M. bị tắc hoàn toàn đoạn I động mạch vành phải nên đã lập tức tiến hành can thiệp đặt 2 stent để thông tắc nòng mạch, giúp máu lưu thông lên tim bình thường. Ngay sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo và hết đau tức ngực. Ths.Bs Nguyễn Thị Thoa – Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Tiếp nhận liên tiếp 2 trường hợp nguy kịch như bệnh nhân M. và C. nếu không xử trí nhanh chóng, kịp thời và chính xác thì hậu quả sẽ rất nặng nề, có thể gây ra biến chứng và đe doạ tới tính mạng người bệnh. Để có thể cứu sống thành công 2 bệnh nhân nhồi máu cơ tim từ tuyến dưới chuyển lên, không chỉ đơn thuần nhờ trình độ chuyên cao của đội ngũ y bác sĩ cùng trang thiết bị hiện đại mà còn là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng từ xa giữa bệnh viện tuyến trên với các cơ sở y tế tuyến dưới, giữa các kíp cấp cứu – can thiệp, từ đó tăng thêm hy vọng cứu sống người bệnh trong khoảng “thời gian vàng” và hạn chế thấp nhất biến chứng xảy ra trong qua trình di chuyển”.

 

6. Nhờ hỗ trợ hội chẩn từ xa các bác sỹ Bệnh viện Thống Nhất đã giúp Bệnh viện An Giang cứu được cụ ông ngưng tim, ngưng thở: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện Thống Nhất TP HCM vừa hội chẩn hỗ trợ từ xa và can thiệp cứu sống một cụ ông 87 tuổi bị bệnh lý về tim mạch dẫn đến ngưng tim, ngưng thở. Bệnh nhân là ông Võ Văn Cứng (87 tuổi, ngụ An Giang). Trước đó, ngày 20-9, từ ngoài sân bước vào nhà, ông Cứng bỗng ngã lăn ra ngất xỉu, được người nhà chuyển đến Bệnh viện Đa khoa An Giang cấp cứu trong tình trạng ngưng ngưng tim, ngưng thở. Nhờ đang là cơ sở vệ tinh được Bệnh viện Thống Nhất chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch, qua hội chẩn điện thoại từ xa và chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa An Giang đã xử trí cấp cứu trước bước đầu, đặt nội khí quản, vận mạch, cho sử dụng thuốc tiêu sợi huyết cứu bệnh nhân qua nguy kịch. Ngay sau đó, bệnh nhân được nhanh chóng được chuyển lên TP HCM để tiếp tục xử trí bước hai. Tại Bệnh viện Thống Nhất, kiểm tra phát hiện bệnh nhân bị tắc hai động mạch vành phải và động mạch liên thất trước, các bác sĩ tiến hành can thiệp đặt stent nong mạch. Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe ông Cứng gần như bình phục hoàn toàn, đi đứng, giao tiếp, ăn uống bình thường. Qua trường hợp này, GS-BS Nguyễn Đức Công cho rằng điểm mấu chốt quyết định cứu được những ca bệnh nguy cấp như thế này là mối quan hệ giữa tuyến trên và tuyến dưới; việc triển khai thống nhất theo một phát đồ điều trị.  Tại Bệnh viện Thống Nhất luôn có một ê kíp chuyên môn về tim mạch túc trực 24/24 và sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện bạn bất cứ lúc nào. "Ngoài 5 cơ sở y tế địa phương đã được chuyển giao kỹ thuật tim mạch (bệnh viện đa khoa các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Vĩnh Long, An Giang và Bệnh viện Đa Khoa Tân Hưng), chúng tôi mong rằng có thêm nhiều nơi nữa sẽ được hỗ trợ kỹ thuật này để góp phần vào việc cứu người, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân", BS Công chia sẻ.

 

7. Các bác sỹ Trung tâm Y tế Tây Giang, Quảng Nam cứu sống thai phụ mang thai ngoài tử cung: Theo thông tin từ Đường Dây nòng Bộ Y tế ngày 25/9, Trung tâm  Y tế Tây Giang (Quảng Nam) vừa nhận được thư khen ngợi của Bộ y tế vì đã cứu sống sản phụ Bhling Thị B, dân tộc C’tu (thôn Aró, xã Lăng, huyện Tây Giang). Sự việc xảy ra vào hồi 22h30, tối 13/9/2017, khoa Hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế Tây Giang tiếp nhận một bệnh nhân nữ Bhling Thị B, dân tộc C’tu, 23 tuổi, trú tại thôn Aró, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam trong tình trạng đau toàn ổ bụng, đau nhiều và tăng lên vùng hạ vị, mạch và huyết áp không ổn định, có dịch ổ bụng trong hình ảnh siêu âm, cạnh tử cung bên phải có cấu trúc giống túi thai khoảng 6 tuần, không có phôi thai. Sau đó, bệnh nhân B. có cơn đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn, có biểu hiện choáng. Nhận thấy người bệnh diễn biến xấu, kíp trực khoa Hồi sức cấp cứu đã khẩn trương mời hội chẩn liên khoa và hội chẩn lãnh đạo, sau hội chẩn bệnh nhân được chẩn đoán: Thai ngoài tử cung vỡ thể ngập máu ổ bụng, biến chứng: Tiền choáng do giảm thể tích tuần hoàn, tiên lượng rất nặng đe dọa đến tính mạng người bệnh. Ngay lập tức bệnh nhân có y lệnh chuyển mổ cấp cứu lúc 00h25, rạng sáng ngày 14/9/2017. Công tác chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật được khẩn trương thực hiện, ê kíp trực phẫu thuật và đội ngũ kỹ thuật viên khoa cận lâm sàng được điều động, số cán bộ viên chức trong đơn vị có cùng nhóm máu (ngân hàng máu sống của Trung tâm) và người nhà bệnh nhân được huy động xét nghiệm định danh nhóm máu để sẵn sàng hiến máu cứu người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Y tế Tây Giang cho biết thêm: Sau khi hội chẩn Ban lãnh đạo Trung tâm y tế huyện đã giao BSCKI Alăng Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Tây Giang chịu trách nhiệm mổ chính cùng các bác sĩ phụ mổ, gây mê và các điều dưỡng cùng bắt đầu ca mổ. Quá trình tiến hành phẫu thuật, mổ bụng, kíp mổ đã hút ra khoảng 2500ml máu trong ổ bụng người bệnh và nhanh chóng cầm máu. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh, y lệnh truyền đồng nhóm máy cho người bệnh được triển khai. Sau gần 3 giờ chiến đấu với tử thần, cuộc phẫu thuật đã thành công trong niềm vui của tất cả nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân. Bệnh nhân Bhling Thị B được truyền 5 đơn vị máu O (trong đó có 4 đơn vị máu từ những chiến sĩ áo trắng) đã qua cơn nguy kịch và được đưa ra phòng hậu phẫu để tiếp tục theo dõi, chăm sóc. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân B còn được phát hiện viêm dính tử cung, phần phụ. Hiện tại, bệnh nhân Bhling Thị B đã tỉnh, phục hồi tốt và đang được chăm sóc, theo dõi thêm tại khoa Ngoại – Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế Tây Giang.

 

8. Các bác sỹ Bệnh viện Quân y 175 cứu sống bệnh nhân bị xe bồn cán qua bụng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 26/9, các bác sỹ Bệnh viện Quân y 175 đã tiếp nhận và cứu sống bệnh nhân Trần Tuấn Linh (14 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) trong tình trạng sốc, mất máu, gãy khung chậu, đứt cổ bàng quang, tràn dịch màng phổi, gãy hai xương sườn. Qua hội chẩn, ê-kíp bác sĩ của 4 chuyên khoa (tiết niệu, ổ bụng, chấn thương chỉnh hình, hồi sức tích cực chống độc) của Bệnh viện Quân y 175 đã quyết định tiến hành phẫu thuật dẫn dịch màng phổi, cố định khung chậu, nối cổ bàng quang cho nam sinh. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 tiếng, bệnh nhân được truyền hơn một lít máu. Theo gia đình, bệnh nhân trên đường đi học thì va chạm với xe bồn, bị ngã xuống đường và bị một phần bánh xe cán qua bụng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, không còn thở máy, đang tiếp tục được chăm sóc tại bệnh viện.

 

9. Kích hoạt quy trình báo động đỏ liên viện, các bác sỹ Bệnh viện Quận Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh cứu sống bệnh nhân xuất huyết não: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức, TPHCM vừa mở não,  cứu sống một bệnh nhân nguy kịch vì xuất huyết não nặng nhờ bật quy trình báo động đỏ kịp thời. Ngày 15/9, bệnh nhân B.T.T.H (40 tuổi, ở Q.Thủ Đức) được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, rối loạn tri giác, toàn thân yếu liệt, sốt cao 40,5oC, huyết áp cao. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân nguy kịch, cần được cấp cứu nhanh chóng, các bác sĩ khoa cấp cứu đã kích hoạt báo động đỏ nội viện. Bệnh nhân ngay lập tức được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết trong đó có chụp CT Scan sọ não. Kết quả cho thấy hình ảnh xuất huyết não diện rộng, từ bán cầu não trái tràn vào não thất 2 bên. Sau khi hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa Ngoại thần kinh, Hồi sức tích cực chống độc, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân xuất huyết não nghi do vỡ dị dạng mạch máu não. Ê kip bác sĩ  tiến hành thực hiện phẫu thuật mở sọ não giải áp và lấy máu tụ. Sau 4 giờ phẫu thuật thành công, bệnh nhân được tiếp tục theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực. Một tuần sau đó, bệnh nhân tỉnh, ổn định và được chuyển về khoa Ngoại Thần kinh để điều trị hồi phục. Bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. BS Trương Long Vỹ - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, đây là trường hợp não xuất huyết có máu tụ số lượng lớn, nếu không kịp thời phẫu thuật mở sọ giải áp và lấy máu tụ thì khả năng tử vong cao. Ngoài ra, bệnh nhân còn có tiền sử mắc bệnh hở van tim nên nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng càng cao hơn.

 

10. Các bác sỹ Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ cấp cứu thành công sản phụ mang tam thai tự nhiên: Thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện Phụ sản TP  Cần Thơ vừa cấp cứu thành công một sản phụ mang tam thai ối vỡ sớm vượt cạn “mẹ tròn con vuông”. Đây là trường hợp tam thai tự nhiên rất hiếm gặp với tỉ lệ 1/8.000 ca. Khoảng 8 giờ 45 phút ngày 25/9, khoa Cấp cứu BV Phụ sản TP Cần Thơ tiếp nhận sản phụ Q.D.H, sinh năm 1993, ngụ TP Rạch Giá, Kiên Giang trong tình trạng đau bụng chuyển dạ sinh. Sau khi thăm khám, xác định sản phụ H nằm trong nhóm thai kỳ nguy cơ cao cho cả mẹ và con do sản phụ mang tam thai 36 tuần 5 ngày, con so, ối vỡ sớm, 1 bánh nhau, 3 buồng ối. Các bác sĩ đã nhanh chóng quyết định phẫu thuật. Sau 40 phút phẫu thuật, ba bé gái mỗi bé cân nặng 2.100 gram ra đời an toàn. Hiện sức khỏe của sản phụ H và ba bé gái ổn định. Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, BV Phụ sản TP Cần Thơ, thai kỳ đa thai luôn có nguy cơ cao. Người mẹ dễ bị cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, tăng nguy cơ tai biến do diện nhau bám rộng làm đờ tử cung, băng huyết… Đa thai cũng thường dẫn đến sinh non, nguy cơ đối với trẻ non tháng là ngạt sau sinh, hạ thân nhiệt, suy hô hấp, hạ đường huyết, vàng da sơ sinh, nhiễm trùng, bệnh lý võng mạc, chậm tăng trưởng thể chất, trí tuệ. “Quá trình mang đa thai, sản phụ cần được theo dõi định kỳ, khám thai đều đặn để đánh giá sự phát triển của thai nhi, sức khỏe của mẹ cũng như phát hiện được sớm các nguy cơ để xử trí kịp thời”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

 

 

11. Bộ Y tế cho nghỉ việc 5 cán bộ y tế vi phạm quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ y tế: Theo thông tin từ đường dây nóng Bộ Y tế, thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bộ Y tế đã ban hành và chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, phê duyệt kế hoạch triển khai cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp. Đồng thời, đẩy mạnh tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử của cán bộ y tế, đặc biệt là nhân viên y tế làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc, căng thẳng, dễ sinh cáu gắt như khoa ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu. "Bộ đã trực tiếp tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho 100% viên chức tại bệnh viện K. Bệnh viện K đã quyết tâm ngăn chặn nạn 'cò', tích cực triển khai công tác xã hội trong bệnh viện, tổ chức hội thi về quy tắc ứng xử cho công chức, viên chức", bà Tiến nói. Bộ cũng tích cực kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử do người dân, báo chí đưa tin phản ánh. Việc này được làm song song với lắp đặt các hộp thư góp ý ở các cơ sở khám chữa bệnh và tiếp tục duy trì hoạt động của đường dây nóng. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Y tế đã tiếp nhận hơn 6.200 cuộc gọi qua đường dây nóng và đã giải quyết kịp thời các thắc mắc của người dân. 185 trường hợp nhân viên y tế tại các cơ sở vi phạm quy định đã bị khiển trách, 68 trường hợp bị cắt thi đua, 13 trường hợp chuyển bộ phận khác. Có 1 trường hợp bị cách chức, 5 người nghỉ việc và khen thưởng 58 trường hợp.

 

12. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh cứu sống bé gái vỡ u máu xương hàm dưới nguy hiểm: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế gày 26/9, các bác sỹ Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa cứu sống bé gái 11 tuổi bị vỡ u máu xương hàm dưới, chảy máu dữ dội. Đây là trường hợp hiếm gặp và nếu không được cầm máu, cấp cứu và phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân là Nguyễn Thị Ngọc M. (11 tuổi) trú tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn vào viện trong tình trạng máu chảy ồ ạt vùng miệng không kiểm soát, da xanh, niêm mạc nhợt, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt. Theo gia đình cho biết, bệnh nhân bị u máu xương hàm dưới bên phải đã điều trị nút mạch 2 lần vào năm 2014 và tháng 8/2017 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tuy nhiên bệnh nhân không may u máu xương hàm dưới bị chảy máu tái phát sau phẫu thuật gây nguy cơ tử vong cao do mất máu. Nhận thấy tình trạng vô cùng nguy kịch, các bác sĩ khoa Răng hàm mặt lập tức hội chẩn với ban lãnh đạo Bệnh viện quyết định vừa chuyển phòng mổ vừa hồi sức để xử trí trường hợp cấp bách. Ê kíp bác sĩ Răng hàm mặt do bác sĩ CKI Bùi Công Tuấn - Phó trưởng khoa Răng hàm mặt làm trưởng kíp đã tiến hành phẫu thuật cầm máu khẩn cấp cho bệnh. Ca mổ diễn ra thuận lợi thành công trong 45 phút. Là người trực tiếp tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, bác sĩ CKI Bùi Công Tuấn – Phó trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nguy kịch, máu chảy dữ dội, nếu không cấp cứu và xử trí kịp thời trong vòng 5-10 phút thì bệnh nhân có thể tử vong. Chỉ trong 5 phút, chúng tôi đã hội chẩn nhanh cùng ban lãnh đạo và lập tức đưa bệnh nhân lên phòng mổ tiến hành phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, chúng tôi đã truyền bổ sung hơn 500ml máu, đặc biệt chú ý kiểm soát tốt quá trình mất máu của bệnh nhân vì bệnh nhân bị mất nhiều máu trước và sau mổ, nếu không kiểm soát kịp sẽ càng nguy hiểm hơn”. Đây là trường hợp cấp cứu u máu xương hàm đầu tiên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận. Để xử trí được loại u này rất khó vì phức tạp và tiềm tàng nhiều nguy cơ không lường trước được như: chảy máu không cầm được dễ dẫn tới tử vong, chảy máu tái phát sau phẫu thuật,… Vì vậy, việc xử trí cấp cứu thành công trường hợp khó đã cứu sống bệnh nhân khỏi “lưỡi hái tử thần”, khẳng định trình độ chuyên môn, năng lực phẫu thuật của đội ngũ bác sĩ chuyên ngành Răng hàm mặt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong việc xử trí các tình huống cấp cứu khẩn cấp cần xử trí chính xác và nhanh nhạy. U máu xương hàm là bệnh bẩm sinh và khá hiếm gặp. Bệnh phát triển âm thầm, khó phát hiện, cho đến khi có những biểu hiện rõ rệt thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng. Do vậy, bác sỹ Tuấn khuyến cáo gia đình khi thấy các hiện tượng bất thường như chảy máu răng hàm nhiều và má bị sưng phồng, sờ tay vào thấy mạch máu đập mạnh thì phải đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa để được xác định bệnh và điều trị kịp thời. Còn nếu gặp phải tình huống chảy máu bất thường vùng hàm mặt phải dùng tay hoặc khăn, băng gạc… chèn chặt điểm chảy và lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.

 

13. Các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cứu em bé vừa chào đời, nội tạng đã chui ra ngoài thành bụng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Khoa Ngoại & Chuyên khoa, BV Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh vừa tiếp nhận bệnh nhân Vương Thanh T. (9 ngày tuổi, thường trú tại TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) trong tình trạng toàn bộ khối nội tạng đã chui lộ ra ngoài thành bụng theo lỗ thoát vị rốn (vòng rốn không khép kín). Trước đó ở tuần thai thứ 13, em bé đã được phát hiện có khối bất thường ở thành bụng. Trẻ chào đời ở tuần thai thứ 32 bằng phương pháp sinh mổ, nặng 1,9kg. Sau sinh, bé được theo dõi và chăm sóc đặc biệt. Siêu âm ổ bụng cho thấy hình ảnh khối thoát vị, thành phần bên trong gòm một phần nhu mô gan kích thước 49x37mm, không có dịch tự do. Kiểm tra thành bụng có khối thoát vị thành bụng kích thước 5x8cm, bề mặt khối thoát vị thiểu dưỡng bắt đầu hoại tử. Đến ngày thứ 9 sau sinh, em bé được chuyển mổ cấp cứu. Các bác sĩ tiến hành cắt bỏ toàn bộ tổ chức thiểu dưỡng, hoại tử trên bề mặt khối thoát vị, đưa khối ruột của bé vào đúng vị trí và tiến hành khâu phục hồi thành bụng 1 lớp thành công cho bé. Hiện tại bé được bù thêm dịch, thở máy, cho kháng sinh, nuôi dưỡng và theo dõi đặc biệt tại Khoa Gây mê hồi tỉnh, tiên lượng nặng, hội chẩn với khoa Hồi sức cấp cứu tiến hành lọc máu cho trẻ.. BS Nguyễn Văn Luyện, thành viên kíp mổ cho biết: Thoát vị rốn xảy ra khi tổ chức hay một phần nội tạng lồi ra khỏi vị trí bình thường của nó trong cơ thể tạo thành một khối lồi tại vùng rốn. Thoát vị rốn là một dị tật khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, hay gặp ở những trẻ sinh non nhẹ cân. Tỷ lệ bé gái mắc bệnh nhiều hơn bé trai. Trẻ sơ sinh có tình trạng nội tạng lộ ra ngoài như trên, nếu không được mổ và xử lý kịp thời, khối ruột lộ ra thành bụng sẽ bị phù nề, nguy cơ nhiễm trùng cao, đe dọa tính mạng.​ 


Thăm dò ý kiến