TIN BÀI VỀ ĐƯỜNG DÂY NÓNG ĐĂNG TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ Y TẾ Ngày 17-31/7/2017

31/07/2017 | 14:24 PM

 | 


 

1. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương cứu sống hai bệnh nhi nguy kịch vì bệnh tim bẩm sinh: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành những phẫu thuật kịp thời để giữ tính mạng cho hai bệnh nhi mới chỉ vài tháng tuổi  bị bệnh tim bẩm sinh nguy kịch cho tính mạng. Thạc sĩ Cao Việt Tùng, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức cho biết, Trung tâm Tim mạch vừa phẫu thuật thành công cho hai ca bệnh nhi mắc dị tật tim bẩm sinh phức tạp. Bệnh nhi N.D.L (3 tháng tuổi) nhập viện do suy hô hấp. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc dị tật thất phải hai đường ra kèm theo bất thường xuất phát của động mạch phổi trái gây hẹp nặng đường thở. Khí quản của cháu bị hẹp rất nặng do toàn bộ khí quản bị bao quanh bởi cấu trúc vòng sụn bẩm sinh. Bệnh nhi được cho thở máy, nhưng phổi không thể hoạt động được do khí quản hẹp quá nặng. Tình trạng của cháu ngày càng xấu đi nhanh chóng với nồng độ khí CO2 trong máu tăng lên nhanh chóng. “Trường hợp của cháu cực kỳ khó khăn vì cháu còn bé, cân nặng chưa được 5kg, nhiều tổn thương phức tạp, đặc biệt là tổn thương hẹp khí quản ở trẻ nhỏ. Đồng thời quá trình hồi sức cũng khó khăn khi phải bảo đảm việc thông khí. Tuy vậy, nếu không được phẫu thuật, cháu chắc chắn tử vong trong vòng vài giờ” – bác sĩ Tùng nhận định. Tuy nhiên, đây là một ca bệnh phức tạp, sửa chữa đường ra thất phải, vá lỗ thông liên thất và trồng lại động mạch phổi trái. Bên cạnh đó, việc tạo hình khí quản cho bệnh nhi còn quá nhỏ này cũng vô cùng khó khăn. Sau phẫu thuật, tình trạng của cháu vẫn còn rất nặng, cháu được hồi sức tích cực và liên tục trong 15 ngày. Sau 34 ngày nằm viện, trẻ được ra viện với tình trạng hoàn toàn ổn định như một cháu bé bình thường và khỏe mạnh. Phẫu thuật tạo hình khí quản là một thách thức lớn với các bác sĩ bởi tình trạng tái hẹp sau phẫu thuật, tỷ lệ tử vong vì nhiễm trùng cao do phải thở máy kéo dài. Bác sĩ Tùng nhận định, ca phẫu thuật thành công chính là nhờ sự kết hợp giữa kinh nghiệm phẫu thuật và hồi sức chăm sóc bệnh nhi sau phẫu thuật. Trước đây, tỷ lệ thất bại khi thực hiện tạo hình khí quản ở trẻ em là rất cao. Từ năm 2016, Trung tâm Tim mạch trẻ em đã thực hiện thành công tám ca tạo hình khí quản. Với ca phẫu thuật cho bệnh nhi N.D.L, Trung tâm Tim mạch trẻ em đã ghi thêm một dấu mốc về phát triển khoa học kỹ thuật trong phẫu thuật tim bẩm sinh.

 

2. Bộ Y tế thí điểm khảo sát sự hài lòng của bệnh nhân qua điện thoại: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 17/7, Bộ Y tế và Trung tâm Sáng kiến Việt Nam (Đại học Indiana Hoa Kỳ) đã họp về triển khai thí điểm khảo sát sự hài lòng của người bệnh qua điện thoại. Mục đích của việc khảo sát này là để có thêm những ý kiến phản hồi của người dân về chất lượng khám chữa bệnh. Theo các đại biểu cuộc họp, đây là một kênh khảo sát sáng tạo, tuy nhiên cần tiếp tục hoàn thiện thêm về các mặt như phương pháp, nội dung câu hỏi, cỡ mẫu, cách tiếp cận… để có thể áp dụng rộng rãi và triển khai chính thức và áp dụng rộng rãi khảo sát sự hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện Việt Nam.Sáng kiến Việt Nam là một tổ chức hàn lâm độc lập, phi chính phủ, phi chính trị với sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam. Đây là trung tâm nghiên cứu và đào tạo toàn cầu về chính sách phát triển cho Việt Nam và được đặt tại Trường chính sách công SPEC, Đại học Indiana Hoa Kỳ. Thạc sỹ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, từ nhiều năm qua, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát hài lòng của người bệnh nội trú, ngoại trú và khảo sát sự hài lòng của nhân viên y tế đối với lãnh đạo bệnh viện. Việc tiến hành khảo sát 3 tháng/lần tại mỗi bệnh viện sẽ giúp các bệnh viện tìm ra những hạn chế để tiến hành cải tiến chất lượng. Năm 2016, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã xây dựng phần mềm khảo sát sự hài lòng của người bệnh trực tuyến. Chỉ tính từ tháng 12/2016 đến tháng 3/2017 đã có 61/63 Sở Y tế chỉ đạo và thực hiện khảo sát sự hài lòng của người bệnh.
Bộ Y tế đã thu được số liệu quốc gia của hơn 56.000 phiếu khảo sát sự hài lòng của người bệnh nội trú và trên 48.000 phiếu khảo sát người bệnh ngoại trú. 
Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ hài lòng trung bình của người bệnh phản ánh khá sát với thực trạng chất lượng các bệnh viện của Việt Nam, tỷ lệ hài lòng của người bệnh tại tuyến tỉnh cao hơn so với tuyến huyện.

 

3. Các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phẫu thuật thành công cắt bỏ khối u treo của bệnh nhân Lào: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sĩ BV Trung ương Quân đội 108 vừa cắt bỏ thành công một khối u nặng 2,5kg, to bằng bát tô trước ngực một nam bệnh nhân Lào trong đợt công tác giúp đỡ chuyên môn nghiệp vụ y tế tại nước bạn. Bệnh nhân là Xay Vong Thong, 42 tuổi, quê ở tỉnh Luang Prabang, Lào. Bệnh nhân Thong phát hiện có khối u thành ngực đã 10 năm nay. Bệnh nhân đã được phẫu thuật 2 lần tại Lào nhưng bệnh lại tái phát, khối u to dần, thỉnh thoảng có loét và chảy máu. Thông thường thì khi điều trị trong nước không khỏi, bệnh nhân Lào hay sang Thái Lan hoặc Việt Nam điều trị, tuy nhiên, do gia cảnh bệnh nhân Thong quá khó khăn nên bệnh nhân chấp nhận giữ khối u lớn ở trên ngực. Khối u khiến bệnh nhân trở nên gầy gò, khó khăn trong lao động, sinh hoạt. U đè nặng khiến bệnh nhân khó thở, khi ngủ phải nằm nghiêng. Ngay khi được biết thông tin có chuyên gia Việt Nam sang, bệnh nhân đã xin khám và điều trị. Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Quang Đức, chuyên ngành Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, BV Trung ương Quân đội 108 – trưởng kíp mổ cho biết, khối u nằm ở thành ngực bệnh nhân có kích thước chiều ngang 18cm, chiều dài 25cm. Trọng lượng khoảng 2,5kg. Ca mổ được thực hiện ngay trong sáng nay 18/7/2017, các bác sĩ đã bóc tách khối u trong vòng hơn 3 giờ đồng hồ. Kíp mổ do TS. Đức là phẫu thuật viên chính, bên cạnh đó có sự tham gia của Trung tá, Bác sĩ Mai Đắc Việt, chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình, BV Trung ương Quân đội 108 và TS. Xavangsay - Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật lồng ngực - BV 103 quân đội Lào. Rất nhiều các bác sĩ, y tá Lào cũng đứng học hỏi kinh nghiệm mổ vì họ chưa bao giờ thấy phẫu thuật khối u lớn như vậy. Quá trình mổ, các bác sĩ cho biết, do khối u to chứa nhiều máu, u xâm lấn vào khối cơ thành ngực  nên khi mổ chảy máu nhiều (trong mổ phải truyền 2 đơn vị máu). Sau khi cắt bỏ khối u thì thành ngực khuyết một mảng da lớn. Do đó, các bác sĩ đã lấy da ở nếp bẹn đưa lên ghép để che phủ phần thành ngực bị khuyết. Kỹ thuật tạo hình lại phần thành ngực đã khuyết cũng vẫn còn khá mới mẻ với các bác sĩ Lào. Theo TS. Đức, đánh giá trong mổ là khối u nhiều thuỳ to nhỏ khác nhau, tổ chức u màu trắng đục, tạo thành những hồ máu. Khả năng nhiều là u xơ thần kinh (Neurofibroma), chưa loại trừ là khối u đã ác tính hoá. Hiện tại bệnh nhân đã tỉnh táo, nói chuyện được ngay trong ngày. Ca mổ coi như đã thành công tốt đẹp.

 

4. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh cứu sống bệnh nhân Campuchia bị viêm màng não, ngưng thở: Theo thông tin từ Đường dây nóng Bộ Y tế ngày 18/7, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết BV vừa cứu sống bệnh nhân Ma Ra Hai Ni (14 tuổi, ngụ Phnom Penh, Campuchia) vì bị viêm màng não, hôn mê. Sau 10 ngày điều trị hiện bệnh nhân đã không cần thở máy, hoàn toàn tỉnh táo, sinh hoạt, ăn uống bình thường.

Ông Phattry - cha của bệnh nhi trên - cho biết trước đó con ông sốt li bì và có triệu chứng co giật nên gia đình đưa đến BV ở Phnôm Pênh. Tại đây, nhiều bác sĩ sau khi khám bệnh đã khuyên ông nên chuyển con qua Việt Nam điều trị. Ông Phattry đã đưa con đến BV Chợ Rẫy và sau đó chuyển viện đến BV Nhi đồng 1 trong tình trạng hôn mê và ngưng thở. Tại BV Nhi đồng 1, các kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị viêm màng não do vi trùng. Tiếp xúc với bác sĩ Khanh, ông Phattry chấp tay trước ngực tỏ lòng thán phục, biết ơn và liên tục giơ hai ngón tay cái khen bác sĩ.

 

5. Yêu cầu tạm đình chỉ công tác đối với y sĩ chữa hẹp bao quy đầu ở Hưng Yên: Theo thông tin từ Đường dây nóng ngày 19/7, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh Hưng Yên khẩn trương điều tra nguyên nhân dẫn đến việc nhiều bé trai bị sùi mào gà ở huyện Khoái Châu, đồng thời tạm đình chỉ công tác đối với bà Hoàng Thị Hiền công tác tại Trạm y tế xã Mỗ Sở (huyện Văn Giang) - người thực hiện thủ thuật chữa hẹp bao quy đầu cho trẻ tại phòng khám tư. Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Hưng Yên phối hợp với Bệnh viện Da liễu trung ương tổ chức thăm khám, điều trị cho các trường hợp mắc bệnh. Những trường hợp vượt quá khả năng điều trị của địa phương thì cần chuyển lên Bệnh viện Da liễu trung ương để điều trị. Mặt khác, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên cần phối hợp với Phòng Y tế huyện Khoái Châu tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc, căn cứ vào Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế để xử lý nghiêm đối với bà Hoàng Thị Hiền.

 

6. Các bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An nối thành công cánh tay thầy giáo bị tai nạn đứt gần hết: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 19/7, BVHNĐK Nghệ An cho biết, vào khoảng 17h, ngày 16/07, khoa Cấp cứu bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân bệnh nhân Hà Huy N. (36 tuổi, là giáo viên, đang công tác tại huyện miền núi Qùy Hợp, Nghệ An) trong tình trạng sốc (shock) với toàn bộ xương, mạch máu, các cơ cánh tay phải và các dây thần kinh giữa, quay và trụ bên phải bị đứt hoàn toàn, nhiều dị vật găm vào và bị dập nát, chỉ còn một mẩu da khoảng 5cm. Ngay lập tức, êkíp hội chẩn liên khoa: Cấp cứu, Chấn thương, Ngoại lồng ngực được huy động và ra quyết định chuyển mổ tối khẩn. Ca mổ kéo dài hơn 3 tiếng ghép động mạch và tĩnh mạch cánh tay bằng tĩnh mạch hiển tự thân lấy từ đùi bệnh nhân lên. Sau khi ghép mạch, nhận thấy tuần hoàn ngoại vi đã có sự tưới máu, hồi lưu tĩnh mạch được, êkíp chấn thương tiếp tục cắt lọc tổ chức cơ, phần mềm hoại tử, dập nát, và nối gân cơ, dây thần kinh giữa, thần kinh trụ. Thạc sỹ Phạm Văn Chung - Phó trưởng khoa Ngoại tim mạch - lồng ngực, phẫu thuật viên mạch máu cho biết: “Do bị tổn thương động mạch nên bệnh viện đã huy động gần 3 lít máu, huyết tương để truyền bù cho bệnh nhân”. “Đến nay, tình hình sức khỏe bệnh nhân đã tạm ổn định, cánh tay ghép nối ấm hồng, bắt mạch rõ. Dự kiến, khi tình trạng cánh tay bệnh nhân ổn định, chúng tôi sẽ tiếp tục phẫu thuật thì 2 nối dây thần kinh quay bị mất đoạn để hồi phục vận động cho bệnh nhân”, Thạc sỹ Phan Ngọc Khóa - Phó trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình cho biết.

Đến nay, sau 3 ngày kể từ khi tiến hành ca mổ nối cánh tay đứt gần hết tại bệnh viện HNĐK Nghệ An, bệnh nhân Hà Huy N. đã tiến triển tốt, cánh tay đứt lìa đã có dấu hiệu phục hồi. Như Dân trí trước đó đã đưa tin, vào khoảng 15h, ngày 16/7, trên Quốc lộ 48C đoạn chạy qua xóm Liên Tân, xã Thọ Hợp (huyện Quỳ Hợp) đã xảy ra 1 vụ tai nạn nghiêm trọng. Theo đó, anh Hà Huy N. lái chiếc xe Ford 5 chỗ chạy theo hướng thị trấn Quỳ Hợp xuống 32 (quốc lộ 48). Khi đến đoạn cầu Thung Heo, thuộc xóm Liên Tân, xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp) thì bất ngờ mất lái và lao vào rào chắn sắt của đường. Vụ tai nạn khiến thanh rào chắn xuyên qua kính chắn gió, thâu lên phía trên xe và anh N. bị đứt gần lìa cánh tay phải.

 

7. Một nam y sĩ đỡ đẻ cho sản phụ trên tàu giữa biển: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, một nam y sỹ đã tình nguyện đỡ đẻ cho một sản phụ bất ngờ sinh con trên tàu vào đất liền. Chị Nguyễn Hoàng Thanh Thảo mang thai 33 tuần, mấy ngày trước khám tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Quốc, bác sĩ dự đoán sinh khó nên dự định vào đất liền sinh con. Chiều 19/7 thai phụ đi tàu cao tốc vào TP Rạch Giá (Kiên Giang) để chuẩn bị nhập viện sinh con. 30 phút sau khi xuất phát, tàu ra đến giữa biển thì chị Thảo chuyển dạ đau bụng dữ dội, vỡ ối. Thuyền trưởng phát loa thông báo tìm trong số hành khách trên tàu xem ai là y bác sĩ có thể giúp sản phụ sinh con. Ngay sau đó nam y sĩ Nguyễn Thanh Hiền có mặt trên tàu đã đến thăm khám và cùng hai hành khách khác giúp sản phụ Thảo hạ sinh bé gái an toàn. Đến 15h cùng ngày, tàu cập cảng Rạch Giá, mẹ con sản phụ được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang chăm sóc. Bé gái nặng khoảng 2,2 kg. Các bác sĩ cho biết, hiện sức khỏe hai mẹ con sản phụ ổn định, có thể xuất viện trong vài ngày tới. Chồng sản phụ, anh Lê Minh Nhựt cho biết đây là con gái đầu lòng của hai vợ chồng. Về phần mình, nam y sĩ đã đỡ đẻ nói anh rất vui khi giúp được mẹ tròn con vuông. "Tuy sản khoa không phải chuyên ngành tôi làm việc nhưng khi học y khoa đã được trang bị kiến thức về lĩnh vực này nên may mắn giúp được cho mẹ con sản phụ", anh Hiền cho biết. Anh Nguyễn Thanh Hiền 22 tuổi, quê huyện Gò Quao, Kiên Giang, đã học y sĩ đa khoa tại TP HCM. Một năm trước anh tốt nghiệp nhưng chưa tìm được việc làm, đang làm hồ sơ xin việc tại một bệnh viện đa khoa ở Phú Quốc.

 

8. Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng kỷ luật hai nữ hộ sinh ghi nhầm giới tính của trẻ sơ sinh: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 19/7, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản thành phố Hải Phòng đã xử lý kỷ luật liên quan đến vụ việc một trẻ sơ sinh (con sản phụ Ngô Thị Yến Vân, SN 1991, An Dương, Hải Phòng) bị ghi nhầm giới tính. Hình thức kỷ luật với 2 nữ hộ sinh Hoàng Thị Trang (khoa Đỡ đẻ) và Phạm Thị Trang (khoa Sơ sinh) là khiển trách. Như đã phản ánh trước đó, sáng 23/6, sản phụ Ngô Thị Yến Vân, sinh năm 1991, trú tại huyện An Dương, Thành phố Hải Phòng sinh mổ con thành công tại Bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng. Trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên giấy tờ cho con của sản phụ Yến Vân, nữ điều dưỡng phòng đẻ đã ra thông báo cho gia đình rằng chị Vân sinh bé trai. Tuy nhiên, đến 21 giờ 30 cùng ngày, khi gia đình sản phụ Vân đón nhận con từ Khoa Sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng thì phát hiện giới tính của cháu bé là gái. Cho rằng bệnh viện đã trao nhầm con nên gia đình chị Vân đã yêu cầu phía bệnh viện làm rõ sự việc. Ngày 24 và 27/6 bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã 2 lần tiên hành lấy máu của chị Vân và cháu bé để đem đi xét nghiệm ADN, kết quả xét nghiệm cho thấy chị Vân và cháu bé có quan hệ huyết thống mẹ và con. Toàn bộ kinh phí xét nghiệm ADN do phía bệnh viện chi trả. Trước sự việc này, ngày 3/7, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), ông Nguyễn Đức Vinh đã có văn bản đề nghị Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng làm rõ thông tin về trường hợp ghi nhầm giới tính trẻ sơ sinh và kỷ luật cán bộ làm sai. Bộ Y tế yêu cầu cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, cần xử lý kỷ luật nghiêm đối với các cán bộ y tế có sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế Hải Phòng cần chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh các cơ sở y tế trên địa bàn có cung cấp dịch vụ đỡ đẻ thực hiện nghiêm túc can thiệp “chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ” và “chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ”; Nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh cùng như các quy định hiện hành của Bộ Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

9. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương cứu sống bệnh nhi mang nhiều dị tật phức tạp trong gang tấc: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương đã phẫu thuật thành công, cứu sống bệnh nhi bị dị tật tim và hẹp khí quản. Ba tháng tuổi, chỉ nặng hơn 4kg và cùng lúc mang 2 dị tật tim và hẹp khí quản, một bệnh nhi tại Bắc Ninh đã được cứu sống trong gang tấc. Trong vòng tay của mẹ, bé Nguyễn Diệu Linh (3 tháng tuổi, Thuận Thành, Bắc Ninh) luôn cười tươi và hóng chuyện. Nhưng ít ai có thể ngờ được bé vừa mới phải trải qua ca phẫu thuật khó với nguy cơ tử vong trước và sau mổ rất cao. Dù đã 3 tháng tuổi nhưng bé Linh mới chỉ nặng hơn 4kg và cùng lúc mang 2 dị tật tim và hẹp khí quản. Ôm con ngồi trong buồng bệnh chờ xuất viện, trên gương mặt chị Đỗ Thị Huyền (SN 1993, mẹ bé Linh) tỏ rõ niềm hạnh phúc. Chị Huyền cho biết, bé Linh là con đầu lòng của gia đình. Khi sinh ra, bé hoàn toàn bình thường, ngoan và tăng cân tốt. Tới tháng thứ hai, bé bắt đầu có dấu hiệu thở khò khè gắng sức. Khi gia đình đưa bé ra bệnh viện Nhi Trung ương khám, bác sĩ kết luận cháu bị hẹp khí quản và bệnh tim bẩm sinh khá nặng, chỉ cần đưa tới viện muộn một vài giờ có thể sẽ tử vong. Cũng theo thông tin chia sẻ từ người mẹ trẻ, trong quá trình mang thai, chị thường xuyên đi khám định kỳ nhưng bác sĩ không hề phát hiện ra sự bất thường của thai nhi. Trong gia đình chị, cả hai bên nội ngoại cũng không có ai mắc phải bệnh tim. Bé Linh nhập viện trong tình trạng suy hô hấp khá nặng, khó thở và thở khò khè. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp thất phải hai đường ra, bất thường xuất phát của động mạch phổi trái gây hẹp đường thở nặng. Khí quản của cháu hẹp rất nặng do toàn bộ khí quản bị bao quanh bởi cấu trúc vòng sụn bẩm sinh. 24 giờ sau nhập viện, bệnh nhi đã phải đặt nội khí quản thở máy vì tình trạng khó thở tăng. Trước khi tiến hành ca mổ, chị Huyền và gia đình đã rất lo lắng do tình hình bệnh của bé Linh khá nặng. Cứ mỗi khi cánh cửa phòng mổ mở ra, cả gia đình lại giật mình và chờ bác sĩ gọi tên người nhà bệnh nhân. “Trước khi mổ, các bác sĩ có giải thích cho gia đình tôi tình trạng bệnh của con không hề đơn giản. Khả năng xấu nhất xảy ra là con có thể tử vong. Nhưng với tình trạng bệnh lý của con, nếu không được phẫu thuật thì sớm muộn con cũng sẽ tử vong. Gia đình tôi quyết định “còn nước còn tát”, đặt mọi niềm tin vào bác sĩ cứu giúp cháu”, chị Huyền nói. Theo Ths. Cao Việt Tùng, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Tim mạch (bệnh viện Nhi Trung ương), Linh là bệnh nhi khá đặc biệt vì cùng một lúc có hai dị tật tim và khí quản. Cân nặng của bé chỉ hơn 4kg, có nhiều tổn thương phức tạp, đặc biệt là tổn thương hẹp khí quản ở trẻ nhỏ. Trường hợp bé Linh nếu không được phẫu thuật sớm có thể tử vong chỉ sau một vài giờ. “Trong cùng một ca mổ, bệnh nhi sẽ phải tiến hành cùng một lúc sửa chữa hai tổn thương: Vá lỗ thông tâm thất, trồng lại động mạch phổi trái và phải tạo hình lại khí quản. Việc phẫu thuật khí quản ở trẻ có cân nặng dưới 5kg là một thách thức với bác sĩ, tỉ lệ thất bại rất cao. Đặc biệt, tạo hình khí quản trên nền bệnh nhân tim bẩm sinh lại cực kỳ khó khăn. Bệnh nhân sẽ phải chạy máy tim phổi nhân tạo. Do cùng phải sửa chữa 2 dị tật nên thời gian phẫu thuật sẽ phải kéo dài và tăng nguy cơ rủi ro cho bệnh nhi”, Ths. Tùng cho biết. Theo thông tin được Ths. Cao Việt Tùng đưa ra, trước đây, những trường hợp bệnh nhi bị tim kèm theo hẹp khí quản có tỉ lệ tử vong lên tới 90%. Đối với những bệnh nhi phẫu thuật khí quản, việc được chăm sóc sau mổ rất quan trọng vì bệnh nhi rất dễ bị bội nhiễm đường hô hấp hoặc có thể bị tổn thương miệng nối khí quản do chăm sóc hay tư thế nằm không đúng. Sau 34 ngày nằm viện, bé Linh ra viện với tình trạng hoàn toàn ổn định, như một cháu bé khỏe mạnh và tiếp tục được khám định kỳ tại trung tâm Tim mạch trẻ em nhằm theo dõi tình trạng tim mạch và hô hấp sau phẫu thuật.

 

10. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Đồng 2 cứu sống bé trai bị kéo đâm vào lưng suýt chết: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, một bé trai tại Đồng Nai trong lúc vui đùa bị kéo đâm vào lưng gây mất máu không kiểm soát, được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 và được Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chống sốc tích cực, truyền gần một lít máu. Xác định trường hợp cấp cứu tối khẩn do vết thương thấu ngực, khả năng tổn thương mạch máu lớn nên các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 tại TP HCM đã khởi động quy trình "báo động đỏ". Khi phẫu thuật, các bác sĩ xác định nguyên nhân gây chảy máu ồ ạt là do một nhánh mạch máu xuất phát từ động mạch chủ bị mũi kéo xuyên đứt rời. Nằm gần động mạch chủ, áp lực máu đi ra rất lớn nên dù mạch máu bị đứt nhỏ nhưng trong thời gian ngắn lượng máu mất rất lớn. Sau khi khâu cột mạch máu đứt, máu đã ngưng chảy, huyết áp của bệnh nhi được kiểm soát. Các bác sĩ phẫu thuật tiếp tục lấy ra hết các khối máu đông, khâu lại các mô mềm và màng phổi bị rách, truyền gần một lít máu. Hiện bé đã tỉnh táo và được theo dõi. Bác sĩ Vũ Trường Nhân, trưởng kíp mổ nhận định nếu mũi kéo xê dịch thêm vài cm về phía trong cột sống sẽ có thể gây thủng rách động mạch chủ ngực, khả năng cứu sống bé rất thấp. 

 

11. Sở Y tế tỉnh Hòa Bình kiểm điểm Giám đốc bệnh viện đa khoa Hòa Bình về vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm ông Trương Quý Dương Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình với tư cách người đứng đầu để xảy ra sự cố ngày 29/5 tại Đơn nguyên thận, Khoa hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Hòa Bình vào 14h ngày 19/7 tại bệnh viện. Chủ trì cuộc họp là bà Bùi Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Sở Y tế, và ông Nguyên Văn Tỵ, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Hòa Bình. Cuộc họp có 84 người, gồm toàn bộ ban lãnh đạo, đại diện các chi bộ, các cán bộ chủ chốt, trưởng phó các khoa, và đại diện các tổ chức đoàn thể ở BVĐK tỉnh Hòa Bình. Cuộc họp kiểm điểm diễn ra nghiêm túc, thẳng thắn kiểm điểm trách nhiệm Giám đốc. Sau khi mổ xẻ, phân tích, đưa ra các hình thức kỷ luật, kết quả bỏ phiếu kín cho thấy 70% đồng tình với hình thức khiển trách, 18,2% cảnh cáo và 10,8% hình thức kỷ luật khác. Về phía ông Trương Quý Dương, ông Dương đã thẳng thắn nhìn nhận về trách nhiệm của mình. Đồng thời ông đề nghị: Trách nhiệm của giám đốc đến đâu thì ông nhận hình thức kỷ luật đến đấy. Tuy nhiên với trách nhiệm và danh dự của người đứng đầu, bảo vệ uy tín cho ngành, cho tỉnh, ông Trương Quý Dương đã xin thôi vị trí Giám đốc Bệnh Viện, đồng thời ông cũng xin đề nghị được bố trí công tác khác sau khi có kết luận của Hội đồng kỷ luật Sở Y tế tỉnh Hòa Bình. Tại cuộc họp Đại diện Sở Nội Vụ, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình xác nhận kết quả kiểm phiếu, ghi nhận ý kiến của cán bộ Bệnh viện và đề nghị xin thôi vị trí Giám đốc Bệnh Viện, xin được bố trí công tác khác của ông Trương Quý Dương. Cuộc họp căng thẳng kéo dài 3 tiếng và kết thúc 17h cùng ngày. Thầy thuốc Nhân dân Trần Quang Khánh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết; Ngày 7/7, Sở Y tế Hòa Bình đã thông báo đến BVĐK Tỉnh đề nghị xem xét kỷ luật người đứng đầu Bệnh viện và yêu cầu ông Dương làm bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật sau 2 lần bị tạm đình chỉ công tác phục vụ điều tra sự cố 8 người chạy thận tử vong ngày 29/5.

 

12. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cứu sống bệnh nhân sốc đa chấn thương do nổ mìn: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vừa cấp cứu thành công cho trường hợp bệnh nhân Nguyễn Bá Sỹ (34 tuổi( ở xã Thạch Lạc - huyện Thạch Hà) bị sốc đa chấn thương do nổ mìn. Người nhà bệnh nhân Sỹ cho biết, sáng ngày 21/7, Sỹ cùng bố đi thuyền ra biển Thạch Hội - huyện Thạch Hà để đánh bắt cá, khi đi ra được chừng gần 2 hải lý thì cho thuyền neo lại và tiến hành nổ mìn để đánh bắt cá. Tuy nhiên trong lúc nổ mìn đã xảy ra sự cố khiến anh Sỹ bị cụt bàn tay phải và chấn thường vùng mặt… ngay lập tức người nhà đã đưa anh Sỹ đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện các bác sỹ đã tiến hành thăm khám và hội chẩn liên khoa (Khoa chấn thương, Khoa Răng Hàm Mặt, Khoa Cấp cứu chống độc, Gây mê Hồi sức). Sau khi hội chẩn cho thấy tình trạng bệnh nhân diễn biến rất nặng, bị sốc đa chấn thương, mất máu, dập nát vùng hàm mặt, bị cụt cẳng tay phải, vết thương dập bàn và các ngón tay trái và nhiều vết thường trên cơ thể… đồng thời cho chuyển mổ cấp cứu. Tại Phòng mổ, các bác sỹ Khoa chấn thương, Răng Hàm Mặt đã tiến hành xử lý vết thương phức tạp vùng hàm mặt và tạo hình đóng mõm cụt cẳng tay phải, xử lý vết thương bàn và các ngón tay trái, đồng thời chuyền 2 đơn vị máu (nhóm máu O) cho bệnh nhân. Bác sỹ Nguyễn Quang Trúc - Trưởng Khoa Chấn thương cho biết: từ trước đến nay, khoa vẫn tiếp nhận một số trường hợp bị thương do nổ mìn, nhất là các khu vực có sông, suối, hồ, đập, tình trạng tự chế mìn đánh bắt, huỷ diệt đã và đang trực tiếp tận diệt tài nguyên, phá huỷ môi trường nước. Bản thân họ khi sử dụng cách thức này đã phải trả giá đắt, thậm chí bị tàn phế suốt đời. Hiện tại bệnh nhân đã qua cơ nguy kịch nhưng đang được theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực.

 

13. Các bác sỹ Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ cứu sống sản phụ bị nhau cài răng lược: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 22/7, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công một ca sản phụ bị nhau cài răng lược. Trước đó, chiều 16/7, bệnh viện tiếp nhận sản phụ LTNB (42 tuổi, ngụ Hậu Giang) nhập viện với chẩn đoán con lần hai, thai 35 tuần năm ngày, ngôi đầu, nhau tiền đạo trung tâm, nhau cài răng lược và có tiền căn mổ lấy thai năm 2001. Xác định sản phụ B. nằm trong nhóm nguy cơ cao cho cả mẹ và con do sản phụ lớn tuổi; tiền căn vết mổ cũ; thai non tháng; vị trí nhau bám trung tâm, bánh nhau xuyên cơ tử cung và rất sát bàng quang nên quyết định phẫu thuật lấy thai và cắt tử cung trong nhau cài răng lược. Cuộc phẫu thuật lấy thai được tiến hành vào lúc 9 giờ ngày 18-7 với sự phối hợp sẵn sàng của các bác sĩ chuyên khoa gồm phẫu thuật viên có kinh nghiệm sản khoa, phụ khoa, gây mê hồi sức, huyết học truyền máu, sơ sinh… để có kế hoạch can thiệp và xử trí một cách tích cực với đầy đủ phương tiện hồi sức mẹ và sơ sinh, ngân hàng máu. Êkíp phẫu thuật đã tiến hành phẫu thuật dọc thân tử cung lấy thai và không bóc tách bánh nhau để tránh làm mất máu trầm trọng và tổn thương tử cung lẫn cơ quan lân cận. Sau đó thắt động mạch hạ vị hai bên, cắt tử cung bán phần thấp để lại hai phần phụ ra khỏi vị trí nhau bám mặt sau bàng quang. Tuy nhiên, vị trí nhau bám ở đoạn dưới cổ tử cung xâm lấn đến vùng bàng quang nơi có nhiều mạch máu tăng sinh phức tạp, tiên lượng tình trạng máu chảy. Êkíp phẫu thuật đã nhanh chóng phối hợp với đơn vị Huyết học truyền hai đơn vị hồng cầu để ổn định tình trạng huyết động học cho sản phụ B. Ca phẫu thuật thành công sau gần ba giờ. Bé trai sinh ra được 2.500 g, khóc to, hồng hào,

bú mẹ và phản xạ tốt. Hiện tại sức khỏe mẹ tốt, vết mổ khô, sinh hiệu ổn định, âm đạo không huyết. BS CKII Huỳnh Thanh Liêm, phẫu thuật viên chính, cho biết nhau cài răng lược là tình trạng bánh nhau bám chặt bất thường vào lớp cơ tử cung của thai phụ. Tùy vào mức độ xâm lấn của bánh nhau mà chia làm ba mức độ: mức độ nhẹ là nhau bám chặt và xâm lấn một phần cơ tử cung, mức độ trung bình là nhau xâm lấn sâu vào cơ tử cung nhưng chưa qua khỏi lớp thanh mạc tử cung, mức độ nặng là tình trạng bánh nhau xuyên qua khỏi lớp thanh mạc tử cung và xâm lấn đến những cơ quan lân cận như bàng quang và ruột. Đây là một thai kỳ nguy cơ cao cho cả mẹ và con, do thai non tháng và xuất huyết nhiều trong lúc sinh. Cũng theo BS Liêm, bệnh lý này thường gặp ở các trường hợp bệnh nhân có tiền căn mổ lấy thai hay nạo hút thai nhiều lần. Tỉ lệ nhau cài răng lược tăng theo số lần mổ lấy thai. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ, phụ nữ cần chủ động trong kế hoạch hóa gia đình, tránh nạo hút thai và không lạm dụng mổ lấy thai để tránh nguy cơ gây nhau cài răng lược cho những thai kỳ sau.

 

14. Các bác sỹ Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật thành công việc bắc cầu động mạch vành ít xâm lấn: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, mới đây, khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM ứng dụng thành công phẫu thuật bắc cầu động mạch vành ít xâm lấn. Trong miền Nam Cho đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là đơn vị đầu tiên thực hiện kỹ thuật này. Đây là phương pháp không cần phải chẻ xương ức nhưng vẫn làm được những cầu nối mạch vành vào những mạch máu quan trọng nhất của tim, đảm bảo chất lượng miệng nối thông suốt lâu dài, giúp giảm nguy cơ tái hẹp và các biến cố tim cho người bệnh. Người bệnh Nguyễn Văn L., 54 tuổi, ngụ tại Tiền Giang, nhập viện trong tình trạng đau ngực khi gắng sức. Trước đó, người bệnh đã bị nhồi máu cơ tim cấp một lần vào năm 2016, và được đặt stent động mạch vành, cùng với tiền căn khác như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Người bệnh được chỉ định chụp động mạch vành thì phát hiện bị tái hẹp trong stent động mạch liên thất trước. PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Định - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch nhận định: mặc dù đây không phải là trường hợp cấp cứu trong hội chứng vành cấp nhưng cũng đòi hỏi phải phẫu thuật sớm cho người bệnh, vì nguy cơ tắc mạch vành gây ra nhồi máu cơ tim cấp. Người bệnh đã được êkíp bác sĩ điều trị bằng phương pháp mới: phẫu thuật bắc cầu động mạch vành ít xâm lấn, không cần chẻ xương ức mà tiếp cận qua một đường mở ngực bên trái 7cm để làm cầu nối mạch vành. Sau điều trị người bệnh ổn, thời gian nằm hồi sức và thời gian nằm viện ngắn, chỉ khoảng 7 ngày là có thể xuất viện. PGS. Nguyễn Hoàng Định cho biết, để ứng dụng thành công kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật tim phải được huấn luyện bài bản, có dụng cụ đặc biệt để đảm bảo chất lượng mạch máu và cầu nối tương đương phẫu thuật hở. Êkíp cần có sự thống nhất và phối hợp nhịp nhàng, cần các bác sĩ có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm trong cả tim mạch can thiệp và phẫu thuật tim cùng hội chẩn để đưa ra quyết định đúng đắn và có lợi nhất cho người bệnh.Kỹ thuật này đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh như: giảm chảy máu, giảm đau sau mổ, giảm thời gian thở máy, nằm viện, và có tính thẩm mỹ. Chi phí không tăng lên đáng kể so với phẫu thuật bắc cầu mạch vành kinh điển và được BHYT thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên, phương pháp này chống chỉ định đối với những trường hợp xạ trị vùng ngực, lao phổi cũ, phẫu thuật ở vùng ngực trái hoặc đã phẫu thuật bắc cầu mạch vành trước đây.

 

15. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Yên Phong, Bắc Ninh, phẫu thuật thành công khối u nặng gần 1 kg cho một phụ nữ trung niên: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Yên Phong (Bắc Ninh) vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cho bệnh nhân 46 tuổi lấy ra khối u quái buồng trứng nặng 3,7kg. Bệnh nhân Đào Thị Phái (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) được đưa đến BV trong tình trạng bụng to, tức bụng, khó vận động. Qua thăm khám, các bác sĩ thấy bệnh nhân bụng mềm, có khối u lớn chiếm toàn bộ ổ bụng. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy có khối u dạng nang tỷ trọng dịch bờ đều rõ, kích thước 289x226mm nên chỉ định phẫu thuật. Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân tỉnh, da niêm mạc hồng, không sốt, tim đều rõ, mạch 80 lần/phút, huyết áp 120/80 mmHg, cân nặng 46 kg; bụng mềm, có khối u căng nhẵn, kích thước 30 x 20 cm, chiếm toàn bộ ổ bụng từ tiểu khung lên đến thượng vị tương đương thai 6 tháng, mật độ chắc, di động ít ấn tức không đau, không có phản ứng thành bụng. Bệnh nhân có chỉ định mổ và được phẫu thuật cắt u. Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Phong lấy ra khối u nặng 3,7 kg, bên trong khối u là tổ chức lông -– tóc – móng - lẫn dịch nhầy kích thước 36 x 22 cm. Chẩn đoán sau mổ đây là u quái buồng trứng phải. Bệnh nhân cho biết, nhiều năm trước đã thấy bụng to dần lên. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình khó khăn nên chưa đi khám. Gần đây, bụng to như người mang bầu, kèm theo đau tức bụng nên bệnh nhân mới đi khám và phát hiện ra khối u lớn.

 

16. Các bác sỹ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn thực hiện thành công việc nút động mạch cứu chàng trai vỡ lách do ngã xe: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn hội chẩn và quyết định dùng phương pháp “nút động mạch lách” để cứu bệnh nhân. Đây là phương pháp điều trị nội mạch dưới máy chụp mạch kỹ thuật số xóa nền. Bác sĩ dùng một ống thông nhỏ đường kính 1-2 mm luồn từ vùng bẹn phải vào động mạch đùi, đưa lên động mạch chủ vào động mạch lách. Từ động mạch lách, bác sĩ bơm thuốc cản quang chụp toàn bộ hệ động mạch của lách, tìm đến động mạch bị vỡ gây chảy máu ổ bụng. Sau khi xác định được mạch máu bị tổn thương, thuốc tắc mạch sẽ được bơm vào động mạch bị vỡ để cầm máu và giúp lành vết thương. Sau 30 phút, thủ thuật được thực hiện thành công. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, qua cơn nguy kịch, dự kiến xuất viện sau vài ngày. Bác sĩ Nguyễn Phước Thuyết, trưởng kíp thủ thuật cho biết trước đây bệnh nhân chấn thương lách độ 3, chảy máu ổ bụng thường phải phẫu thuật khâu cầm máu hoặc cắt lách. Bệnh nhân phải trải qua ca gây mê và phẫu thuật lớn, thời gian phục hồi kéo dài. Phương pháp điều trị nội mạch này chỉ cần gây tê tại chỗ, thời gian ngắn, giữ được lách, nhanh hồi phục. Lách là cơ quan nằm ở vùng bụng trên, dễ vỡ do chấn thương, gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng dẫn đến sốc mất máu và đe dọa tính mạng nếu không xử trí kịp thời. Ngoài chức năng miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm trùng, lách còn giúp cơ thể loại bỏ các tế bào hồng cầu già cỗi, dự trữ hồng cầu để cơ thể sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp.

 

17. Các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống bệnh nhân Campuchia bị Lupus ban đỏ hệ thống: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 27/7, bệnh viện Chợ Rẫy vừa cứu sống bệnh nhân quốc tịch Campuchia bị Lupus ban đỏ hệ thống kèm nhiễm trùng dịch báng do tụ cầu, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trên van động mạch chủ do tụ cầu, biến chứng hở van động mạch chủ, áp xe gốc động mạch chủ và áp xe thành trước động mạch chủ. Bệnh nhân là ông Chum Chetra (31 tuổi, quốc tịch Campuchia) nhập viện tại Bệnh viện 115 trong tình trạng đau bụng âm ỉ kèm sốt nhẹ, chẩn đoán mắc bệnh Lupus ban đỏ hệ thống và được chuyển đến Bệnh viện chợ Rẫy vào ngày 10-7. Tại đây, qua quá trình thăm khám các bác sĩ  Bệnh viện Chợ Rẫy kết luận bệnh nhân bị nhiễm trùng dịch báng do tụ cầu Staphylococcus aureus đa kháng, kết quả xét nghiệm chẩn đoán Lupus dương tính, sùi osler trên van động mạch chủ gây biến chứng hở van động mạch chủ 1.5/4, áp xe gốc và thành trước động mạch chủ,... Ngay lập tức, 4 khoa của Bệnh viện bao gồm khoa Nội khớp, bệnh Nhiệt đới, Nội tim mạch, Hồi sức phẫu thuật tim đã hội chẩn và đưa ra kết luận cần phải sử dụng kháng sinh mạnh và kháng nấm và tiến hành phẫu thuật tim ngay lập tức. Sau gần 6 giờ phẫu thuật thay van động mạch chủ cơ học, thay động mạch chủ đoạn lên và cắm lại 2 lỗ vành, đặt hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) và 7 ngày điều trị bệnh nhân đã hồi phục, chức năng các cơ quan cải thiện. Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo, ăn uống tốt, đang trong quá trình theo dõi và điều trị. Theo Bác sĩ CK II Nguyễn Thái An-Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn mạn tính, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể và trong trường hợp nặng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Ở người mắc Lupus ban đỏ hệ thống, hệ miễn dịch không giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ, gây bệnh mà quay ra chống lại cơ thể bằng cách sinh ra các kháng thể chống lại các tế bào của hầu hết các cơ quan. Người bệnh có thể bị tổn thương nội tạng như: tràn dịch màng tim, viêm cơ tim; tràn dịch màng phổi, viêm phổi; viêm cầu thận; co giật, rối loạn tâm thần; thiếu máu, xuất huyết…

 

18.  Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á thành phố Hồ Chí Minh hơn 5 giờ giành sự sống cho sản phụ băng huyết sau sinh nguy kịch: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 28/7, TS.BS Nguyễn Văn Châu - Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM), cho hay thai phụ trẻ T.M.T. (21 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) mang thai mới 36 tuần tuổi đã bất ngờ vỡ nước ối được gia đình chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á. Tại đây, qua kiểm tra lâm sàng, các bác sĩ phát hiện thai phụ T. ngoài vỡ nước ối sớm còn bị huyết áp tăng cao, da trắng bệt, yếu… Nhận thất tình trạng sức khỏe của thai phụ đang rất xấu, có dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng, lập tức Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã phát động quy trình báo động đỏ toàn viện. Thai phụ T. được nhanh chóng chuyển vào phòng mổ. Lúc này các bác sĩ phát hiện thai phụ T. bị sa dây rốn, tiền sản giật nặng, ngôi ngược (thai nhi ngược), thai nhi to, huyết áp cao (170/100 mmgHg), đạm trong nước tiểu 5g/L, tim thai rời rạc không ổn định. Ngay lập tức ê kíp mổ đã phẫu thuật bắt con ra kịp thời. Một bé gái được chào đời, cân nặng đến 4 kg trong tình trạng khỏe mạnh. Tuy nhiên, bất ngờ sản phụ T. bị băng huyết, chảy máu ồ ạt, đe dọa phù phổi cấp, sản giật. Sản phụ đứng trước tình trạng “nghìn cân treo sợi tóc”, ê kíp các bác sĩ khoa sản cùng với các bác sĩ gây mê hồi sức đã nhanh chóng truyền máu, sử dụng thuốc, hồi sức… một cách khẩn trương kịp thời kéo dài liên tục trong hơn 5 giờ đồng hồ, cuối cùng sản phụ đã vượt qua cơn nguy kịch. “Trải qua 5 giờ đồng hồ tích cực trong phòng mổ, sản phụ đã qua cơn nguy kịch. Hiện tại tình trạng của sản phụ đã tỉnh táo, tử cung có khối an toàn, sản dịch bình thường, có thể ăn cháo và cho em bé bú”, bác sĩ Châu hồ hởi nói. Bác sĩ Châu chia sẻ: “Trường hợp của chị T. là một trong những cấp cứu sản khoa có diễn biến phức tạp khó dự đoán truớc, có thể đe dọa tính mạng của sản phụ. Nhờ quy trình báo động đỏ toàn viện cấp cứu kịp thời, cùng ê kíp các bác sĩ khoa sản giàu kinh nghiệm đã kiểm soát tốt tình trạng của sản phụ, tránh nguy cơn đáng tiếc có thể xảy ra”.

 

19.  Các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai cứu sống thai phụ sắp sinh nguy kịch vì sốt xuất huyết: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm phối hợp với Khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai vừa cứu sống một phụ nữ mang thai 37 tuần bị sốt xuất huyết ngày thứ 4 trong tình trạng nguy kịch. TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân Kiều Thị Ch., 32 tuổi (tại Thanh Xuân, Hà Nội) mang thai lần hai 37 tuần, nhập viện ngày 26/7/2017 với dấu hiệu sốt cao liên tục 39-40 độ C, đau bụng, tử cung có cơn co, tim thai 150 lần/phút, âm đạo không ra máu, không ra dịch. Trước đó, bệnh nhân đã đến khám ở BV khác thấy dấu hiệu thai bình thường, xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết Dengue nên đã chuyển đến khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Kết quả xét nghiệm lúc vào viện của bệnh nhân tiểu cầu hạ còn 101.000/mm3 máu, sau đó tụt nhanh xuống mức rất thấp, có lúc còn 35.000/mm3 máu. “Đây là trường hợp bệnh nhân có tiền sử sản khoa nặng nề, bệnh nhân đã từng bị 1 lần sảy thai 20 tuần trước đó, lần này có thai lại mắc SXH ở những tháng cuối của thai kỳ, tim thai có lúc chậm nên gia đình rất lo lắng cho sức khỏe của cả hai mẹ con. Chính vì thế, bệnh nhân được các bác sĩ theo dõi rất sát sao. Sau khi hội chẩn giữa bác sĩ truyền nhiễm và bác sĩ sản khoa, bệnh nhân được truyền dịch, uống thuốc hạ sốt, giảm đau, giảm co bóp tử cung... tránh hiện tượng đẻ non”- TS. Cường cho hay. Đến chiều ngày 26/7, xét nghiệm số lượng tiểu cầu cho thấy tiểu cầu hạ thấp còn 72.000/mm3 máu, bệnh nhân ra huyết âm đạo và có dấu hiệu chuyển dạ, có xuất huyết dạng chấm dưới da, phù mặt và cẳng tay, chân. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển sang khoa Sản để cấp cứu sản khoa, bệnh nhân vừa được hồi sức truyền 2 khối tiểu cầu vừa được các bác sĩ tiến hành đỡ đẻ. Đến 21h cùng ngày, bệnh nhân đã đẻ thường thành công một bé gái nặng 2,8kg. Sau khi đẻ, bệnh nhân Ch. đã được chuyển lại khoa Truyền nhiễm để tiếp tục điều trị sốt xuất huyết vì vẫn còn sốt 38 độ C và tiểu cầu chưa trở về mức bình thường. Hiện, sức khỏe của cả mẹ và con bệnh nhân Ch. tiến triển tốt, đã giảm sốt, dự kiến ngày mai (31/7) hai mẹ con có thể ra viện. Sản phụ và gia đình rất cảm kích, biết ơn các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai về tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn nên đã cứu sống cả mẹ và con sản phụ.

 

20. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Đồng Nai, cứu sống thanh niên bị máy cưa cắt gần lìa bàn tay: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 30/7, các bác sỹ Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, Đồng Nai vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị máy cưa cắt gần lìa bàn tay trái. Bệnh nhân là anh Nguyễn Ngọc Tài (22 tuổi, ngụ xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh, Đồng Nai). Hiện sức khỏe của bệnh nhân này đã ổn định, tỉnh táo trở lại, vùng nối chi hồng hào, tưới máu chi tốt. Trước đó, ngày 29/7, bệnh nhân Tài nhập viện trong tình trạng toàn thân bị choáng, mất nhiều máu, chấn thương, vết thương vùng khuỷu tay trái, gãy xương, đứt động mạch (tại vị trí chia nhánh xuống nuôi cẳng - bàn tay), đứt dây thần kinh, gân cơ do trong lúc làm việc (cưa cây) bị máy cưa cắt vào vùng khuỷu tay trái. Anh Tài được các bác sĩ kịp thời hồi sức chống choáng và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp. Tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ thực hiện kết hợp xương bị gãy, khâu nối vi phẫu mạch máu, thần kinh, khâu nối gân cơ cho bệnh nhân. Theo các bác sĩ, bệnh nhân Tài bị mất quá nhiều máu, nếu không được cấp cứu, phẫu thuật kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.​ 


Thăm dò ý kiến