TIN BÀI VỀ ĐƯỜNG DÂY NÓNG ĐĂNG TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ Y TẾ Ngày 1-3/7/2017

03/07/2017 | 14:04 PM

 | 


1. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tạo hình khắc phục dị tật cho bệnh nhân bị dị tật mang cánh bướm ở cổ hiếm gặp: theo báo cáo của Tổng đài đường dây nóng Bộ Y tế ngày 01/7/2017, người nhà bệnh nhân P.T.H (19 tuổi) ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế đề cảm ơn tập thể cán bộ y tế và điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, các bác sĩ khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ vì đã phẫu thuật tạo hình thành công cho bệnh nhân P.T.H. (19 tuổi, ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), bị dị tật bẩm sinh mảng da thừa hai bên cổ. Dị tật bẩm sinh này khiến em H. không xoay đầu sang hai bên được. Gia đình H. cho biết em rất mặc cảm tự ti không đi đâu ra khỏi nhà. Bác sĩ Phạm Công Điền - khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - cho biết qua thăm khám thấy em H. bị mảng da thừa hai bên cổ, kéo dài từ mỏm chũm sau tai đến mỏm cùng vai hai bên, tóc mọc hai bên phía sau màng cổ, bị hạn chế xoay đầu sang trái - phải. Ngoài ra còn có các dị tật như ngực lõm sâu dọc xương ức, tuyến vú hai bên kém phát triển, dị tật ở khuỷu tay, ngón chân... Các bác sĩ chẩn đoán em bị dị tật màng cổ hai bên, bị hội chứng Turner. Đây là ca bệnh rất hiếm gặp, chưa có báo cáo ca bệnh tại Việt Nam. Ca phẫu thuật cho em H. được thực hiện bằng việc cắt da màng cổ hai bên, tạo hình da vùng cổ bằng kỹ thuật Z plasty cải tiến. Sau phẫu thuật hiện vết mổ không nề đỏ, khô lành dần, việc vận động cổ của em H. không bị giới hạn như trước.

 

2. Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật thành công cắt khối u lớn trên mặt cho một cô gái: theo báo cáo của Tổng đài đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 30/6, người nhà bệnh nhân N.T.T, 21 tuổi, ở Hà Tĩnh, đã gọi điện cảm ơn các bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy và GS McKay McKinnon (Mỹ) đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân N.T.T (21 tuổi, ngụ ở Hà Tĩnh) có bướu mạch máu 10x15cm ở vùng đầu mặt. Ca mổ đã kéo dài trong 4 giờ rưỡi. Các bác sĩ đã cắt 1/2 khối u. Do khối u quá lớn, nên các bác sỹ không thể cắt hết một lần, để đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân. Sau 18 ngày phẫu thuật, hiện sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định. Mắt phải đã nhìn lại được. Bệnh nhân đã nở nụ cười sau nhiều năm buồn rầu vì khối u ngày càng lớn. Theo người nhà bệnh nhân, từ nhỏ, chị T.đã có bướu. Sau đó, bướu ngày càng lớn dần. Khối bướu máu này ở vùng đầu mặt, che hết cả mắt phải, ăn vào trong não. Bệnh nhân đã đến nhiều bệnh viện nhưng không có bệnh viện nào nhận mổ vì khi tiến hành mổ khó có khả năng cầm máu, dễ gây tử vong. Rất may là bệnh nhân được GS Makinnon và các bác sỹ bệnh viện Chợ Rẫy khám và quyết định điều trị cắt khối u cho bệnh nhân.

 

3. Bác sĩ Viện Huyết học truyền máu Trung ương đỡ đẻ thành công cho một sản phụ có nguy cơ xuất huyết cao: theo báo cáo của Tổng đài Đường dây nóng ngày 01/7/2017, người nhà sản phụ Trần Thị Ngọc, sinh năm 1986, trú quán tại Hải Phòng, đã gọi điện cảm ơn BS. Đào Linh Chi và BS. Nguyễn Hoài Thu - 2 nữ bác sĩ trẻ tuổi của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã đỡ đẻ thành công cho sản phụ Trần Thị Ngọc sinh một bé gái khỏe mạnh. Theo phản ánh, vào lúc 3h05’ (rạng sáng ngày 30/6/2017), bác sĩ Đào Linh Chi đang trong ca trực thì được báo bệnh nhân Trần Thị Ngọc (sinh năm 1986 – Hải Phòng) mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu đang mang thai tuần thứ 38 bỗng đau bụng dữ dội. Ngay lập tức, bác sĩ đã chỉ định chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tuy nhiên khi vừa đưa bệnh nhân vào thang máy thì bệnh nhân đã bị vỡ ối và đầu em bé bắt đầu nhô ra. Lúc này không thể kịp chuyển viện cho bệnh nhân, các bác sĩ, điều dưỡng đã đưa ngay bệnh nhân vào khoa cấp cứu và tiến hành đỡ đẻ với sự hỗ trợ của bác sĩ Nguyễn Hoài Thu (khoa Khám bệnh và điều trị ngoại trú). Đây là lần đầu tiên cả bác sĩ Đào Linh Chi và bác sĩ Nguyễn Hoài Thu trực tiếp tham gia một ca đỡ đẻ. Quá trình chuyển dạ của người bệnh diễn ra rất nhanh, từ khi sản phụ đau bụng đến khi vỡ ối và sinh em bé thời gian chỉ khoảng 15 phút. Bản thân các bác sĩ rất lo lắng vì ngày 28/6, chỉ số tiểu cầu của người bệnh chỉ có 4 G/l, nguy cơ xuất huyết ở cả con và mẹ đều rất cao, đặc biệt đáng lo ngại nhất là nguy cơ băng huyết sau sinh. Nhưng với sự bình tĩnh, xử trí kịp thời của các bác sĩ và trước khi chuyển dạ, bệnh nhân đã được truyền một đơn vị tiểu cầu máy, bệnh nhân đã vượt cạn an toàn. Sau khi sinh, cả mẹ và con đã được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, lúc này gia đình người bệnh cũng rất neo người, chỉ có bố của cháu bé đi cùng chăm sóc cho phụ sản còn chính bác sĩ Đào Linh Chi đã bế em bé trên suốt quãng đường từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương sang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Bác sĩ Đào Linh Chi chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đây là lần đầu tiên đỡ đẻ thành công. Đối với tôi đây là một kinh nghiệm rất quý giá để sau này tôi có thể xử trí kịp thời cho người bệnh vì ở Khoa tôi làm việc có rất nhiều sản phụ bị giảm tiểu cầu nằm điều trị”. Rất hạnh phúc khi con gái ra đời nặng 4,1kg và hiện tình hình của mẹ và con đều ổn định, anh Nguyễn Văn Thành (chồng sản phụ Trần Thị Ngọc) bày tỏ: “Chỉ còn chưa khoảng 1 tuần nữa vợ tôi sẽ sinh cháu, tôi rất hoang mang, lo lắng vì vợ tôi bị tiểu cầu thấp, rất dễ bị xuất huyết và ảnh hưởng đến cả mẹ và con. Tôi rất cảm ơn các bác sĩ, nhờ các bác sĩ đã đỡ đẻ kịp thời nếu không tôi cũng không biết giờ vợ con tôi sẽ thế nào”.

 

4. Các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rầy cứu sống thanh niên bị đâm thủng tim: Theo phản ánh của người dân đến Đường dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh vừa can thiệp cứu sống một trường hợp bị đâm nhiều nhát ở ngực gây thủng tim nhờ quy trình "can thiệp vàng nội viện" và quy trình “báo động đỏ liên viện". BS Phạm Văn Khiêm, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện đã áp dụng quy trình “can thiệp vàng” cứu sống bệnh nhân N.T.T (43 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) do bị đâm 10 vết thương, trong đó có bị vết thương tim nguy kịch. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ngày 18/6, trong lúc ẩu đả, bệnh nhân bị đâm 10 nhát dao, gây ra 8 vết thương 1-2 cm vùng ngực trái, một vết thương 2cm liên sườn 3 cạnh xương ức và một vết thương 5cm trên cánh tay trái. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Bình Chánh. Nhận định có khả năng bệnh nhân bị vết thương đâm vào tim rất nặng nên sau khi tiến hành hồi sức, bệnh viện này đã kích hoạt quy trình báo động đỏ liên viện nhờ Bệnh viện Chợ Rẫy ứng cứu. “Khi nhận được báo động đỏ, do có thông tin khá chi tiết từ Bệnh viện Bình Chánh nên dù gần nửa đêm nhưng chúng tôi đã kích hoạt quy trình “can thiệp vàng” nội viện, chuẩn bị  dụng cụ, huy động bác sĩ gây mê, mạch máu, lồng ngực… có mặt tại phòng mổ của khoa Cấp cứu sẵn sàng chờ đón bệnh nhân”, BS Phạm Văn Khiêm cho biết. 30 phút sau, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong trình trạng hôn mê, ngưng thở, phải bóp bóng để hỗ trợ thở... Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành chụp X-quang, siêu âm và đẩy ngay bệnh nhân vào mổ ngay tại khoa Cấp cứu. Bác sĩ Đoàn Tri Hảo, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, khi mở xương ức của bệnh nhân ra thì nhận thấy xương ức số 3 bị gãy, đứt động mạch vú trong. Riêng tim bị đâm thủng mỏm thất phải, máu tràn ra ngoài màng tim. Các bác sĩ đã lấy ra 50g máu cục ở màng tim. “Lúc này thời gian cứu bệnh nhân được tính bằng giây do cục máu đông gây chèn ép khiến cho tim gần như không thể co bóp. Nếu không xử lý kịp, bệnh nhân có thể ngưng tim, chết não bất kỳ lúc nào trên bàn mổ”, BS Đoàn Tri Hảo cho hay. Sau 15 phút, các bác sĩ hút hết máu đông, ngăn cho máu cục không tràn vào van tim, khâu vết thương tim và đóng xương ức. Hiện bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện. Tuy nhiên bệnh nhân phải tái khám để kiểm tra vết thương ở mỏm tim đảm bảo không có biến chứng xảy ra. Được biết đây là lần đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cả hai quy trình “báo động đỏ” và “can thiệp vàng” một cách hiệu quả, giành lại sự sống cho người bệnh trong tình huống khẩn cấp.

 

5. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà mổ lấy thai thành công cho sản phụ có 3 vết mổ thai cũ: Theo báo cáo của Tổng đài Đường dây nóng Bộ Y tế, người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Thủy, 31 tuổi, ở phường Cam Nghĩa thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, đã gọi điện để cảm ơn các bác sỹ Khoa Sản Bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh, Khánh Hòa, đã mổ lấy thai thành công cho sản phụ Nguyễn Thị Bích Thủy, 31 tuổi, ở phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh trong tình trạng mang thai lần thứ 4. Khoa sản Bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh, Khánh Hoà tiếp nhận sản phụ Nguyễn Thị Bích Thủy, 31 tuổi, ở phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh trong tình trạng mang thai lần thứ 4, tuổi thai 35 tuần, đau trằn bụng dưới dọa sinh non, hơn nữa sản phụ đã mổ lấy thai 3 lần vào các năm 2006, 2007 và 2015. Kết quả xét nghiệm cho thấy sản phụ có thiếu máu. Nhận thấy đây là một trường hợp mang thai có nguy cơ rất cao, những trường hợp này rất dễ vỡ tử cung ngay trong thai kỳ, nhất là khi vào chuyển dạ; đây là trường hợp có chỉ định mổ lấy thai tuyệt đối chứ không thể chờ chuyển dạ sinh ngã âm đạo. Bởi nếu tiến hành phẫu thuật dễ gây ra các tai biến. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định khống chế cơn co tử cung, dinh dưỡng nâng cao chờ thai nhi trưởng thành hơn; trong quá trình điều trị, sản phụ được đặt vào tình trạng theo dõi đặc biệt. Đến khi thai nhi được 37 tuần, các bác sĩ quyết định phẫu thuật lấy thai và áp dụng phương pháp “da kề da” để hồi sức sơ sinh. BSCKII. Lê Quang Vinh - Phó Giám đốc  BV, Trưởng kíp phẫu thuật cho biết: Ở sản phụ này, ngoài 3 lần mổ lấy thai trước đây thì trong thai kỳ này, vào 15/5/2017, lúc thai khoảng 32 tuần, sản phụ lại được mổ ruột thừa viêm cấp cũng tại Bệnh viện ĐKKV Cam Ranh cho nên cấu trúc giải phẫu vùng bụng dưới và tiểu khung có thể có nhiều thay đổi, xô lệch. Mạc nối lớn và tử cung dính vào thành bụng trước, bàng quang dính cao vào thân tử cung và thành bụng trước, trực tràng dính vào thành sau tử cung; phải phẫu tích gỡ dính nhiều mới tiếp cận để mở tử cung lấy thai và triệt sản. Nhờ tay nghề của các bác sĩ, ca mổ đã thành công. Chồng của sản phụ đã rất cảm kích trước tinh thần khẩn trương và trình độ chuyên môn của các bác sỹ trong việc xử lý ca mổ này, do sản phụ đã có tới 3 lần sinh mổ nên rất nguy hiểm tới tính mạng.

 

6. Các bác sỹ Bệnh viện Bình Dân thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật thành công cứu sống bệnh nhân bị vỡ bàng quang trong phúc mạc: Theo báo cáo của Tổng đài Đường dây nóng Bộ Y tế, người nhà bệnh nhân M.X.C, 24 tuổi, ngụ tại huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh vừa gọi điện đến Đường dây nóng để cảm ơn các bác sỹ  Bệnh viện Bình Dân (TP. HCM) đã phẫu thuật thành công, cứu bệnh nhân bị vỡ bàng quang trong phúc mạc do tai nạn xe máy. Ca phẫu thuật nội soi được tiến hành khẩn trương trong hơn 2 giờ đã giúp khâu lại vết rách dài hơn 6cm ở bàng quang và dẫn lưu hơn 3 lít dịch trong ổ bụng cho bệnh nhân. Trước đó 24 giờ, anh M.X.C (24 tuổi, huyện Cần Giờ, TPHCM) sau khi tham dự buổi tiệc, trên đường về nhà do không làm chủ được tay lái nên đã tự ngã xe. Tuy không có vết trầy xước nào đáng kể nhưng anh C. có cảm giác đau ê ẩm vùng hạ vị. Anh nghĩ đây chỉ là một va chạm nhẹ nên tiếp tục chạy xe về nhà và đi ngủ sớm. Qua ngày hôm sau, anh C có biểu hiện đau bụng và tình trạng ngày càng tăng, tiểu ít, có máu ra ở miệng niệu đạo khiến anh lo lắng. Chiều cùng ngày, anh C được đưa đến khám tại một bệnh viện tuyến huyện nhưng sau đó được chuyển ngay đến Bệnh viện Bình Dân trong tình trạng đau vùng hạ vị, bụng chướng căng, sốt cao… Sau khi khai thác bệnh sử và thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có nhiều khả năng bị vỡ bàng quang. Kết quả siêu âm cho thấy ổ bụng bệnh nhân có nhiều dịch, CT Scan vùng chậu có cản quang phát hiện vết rách bàng quang dài hơn 6cm, chất cản quang thoát từ bàng quang đã vỡ vào khoang bụng. Tổng hợp các kết quả thăm khám và cận lâm sàng, ê-kíp bác sĩ phẫu thuật xác định bệnh nhân bị vỡ bàng quang trong phúc mạc và chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu để ngăn chặn nguy cơ viêm phúc mạc diễn tiến nặng, dẫn tới nhiễm trùng máu gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhân. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật đã hút ra 3 lít dịch từ ổ bụng bệnh nhân đồng thời bệnh nhân được làm sạch ổ bụng, cắt lọc mô, khâu lại vùng bàng quang bị rách, mở bàng quang ra da để thoát lưu nước tiểu. TS. BS. Trần Vĩnh Hưng cho biết, phẫu thuật nội soi khâu bàng quang là phẫu thuật ít xâm lấn, tránh cho người bệnh khỏi nguy cơ phải chịu đựng một cuộc phẫu thuật mở bụng với đường mổ lớn, thời gian lành vết thương lâu và nhiều nguy cơ tai biến đi kèm. Bên cạnh đó, phẫu thuật nội soi đồng thời cũng cho phép thám sát ổ bụng hiệu quả, tránh bỏ sót tổn thương các tạng khác. Lựa chọn thực hiện phẫu thuật nội soi khâu bàng quang cho người bệnh đòi hỏi toàn bộ ê-kíp phẫu thuật phải đầu tư nhiều thời gian hơn, bác sĩ phẫu thuật phải có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo chuyên về nội soi và thao tác khéo léo, tỉ mỉ. Tại bệnh viện Bình Dân, ứng dụng phẫu thuật nội soi ổ bụng không chỉ trong các trường hợp phẫu thuật chọn lọc mà còn trong phẫu thuật cấp cứu giúp điều trị tốt hơn cho người bệnh. Cũng theo TS. BS. Trần Vĩnh Hưng, vỡ bàng quang trong phúc mạc làm nước tiểu chảy vào khoang bụng, nếu không được chẩn đoán và can thiệp sớm, người bệnh sẽ bị kích thích phúc mạc gây đau bụng, nếu để lâu gây viêm phúc mạc, rối loạn điện giải và tử vong. Vỡ bàng quang ở người lớn thường là do hậu quả của một va chạm với lực mạnh, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp vào vùng hạ vị khi bàng quang đang căng đầy. Một thống kê ghi nhận có tới hơn 70% các ca vỡ bàng quang trong phúc mạc có liên quan tới việc uống rượu bia. Sau phẫu thuật 1 tuần, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, các kết quả kiểm tra cho thấy tổn thương tại bàng quang đã lành tốt. Hiện bệnh nhân đã có thể thực hiện các sinh hoạt bình thường và được xuất viện.

 

7. Sự cố sau khi được mổ mắt từ thiện: theo phản ánh của người dân gửi về Đường dây nóng Bộ Y tế, 04 bệnh nhân được đoàn từ thiện đưa lên mổ mắt tại Bệnh viện Q.10 đã bị tai biến sau mổ khiến cả bốn người đều không nhìn được nữa. Hơn hai tuần sau khi được mổ mắt bên phải, ông V.V.S., 64 tuổi, ở xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, lo lắng khi mắt bên phải của ông giờ không nhìn thấy gì. Trước khi mổ mắt ông còn chạy xe hàng chục cây số được, nay thì không thể. Ông S. kể ngày 12/6, một đoàn từ thiện đưa 6 người từ trạm y tế xã Mỹ Lệ lên Bệnh viện Q.10, TP.HCM để mổ đục thủy tinh thể. Ông và ba bệnh nhân khác được mổ vào ngày 13-6, mổ cùng phòng, cùng bác sĩ, cùng được mổ mắt bên phải, sau khi được mổ đều không nhìn được nữa. Theo lời ông S., sau khi mổ mắt ở Bệnh viện Q.10 được một tuần, ông S. quay lại Bệnh viện Q.10 để tái khám và được bác sĩ kê một toa thuốc uống. Đến ngày 26-6, ông lại đến tái khám thì bác sĩ mổ mắt cho ông nói sẽ chuyển ông cùng ba bệnh nhân cùng đợt mổ với ông sang Bệnh viện Mắt TP.HCM để khám lại và được kê thuốc, vì Bệnh viện Q.10 không có loại thuốc mà ông và ba bệnh nhân cùng đợt mổ cần dùng. Ba bệnh nhân còn lại là bà L.K.T. (72 tuổi), ông M.V.T. (67 tuổi), ông M.N.T. (48 tuổi), cùng ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước. Sau khi nhận phản ánh của Tuổi Trẻ, ông Đào Xuân Tùng, giám đốc Bệnh viện Q.10, đã kiểm tra lại vụ việc. Đánh giá về quá trình mổ bốn bệnh nhân này, ông Tùng cho rằng khi mổ mắt cho những bệnh nhân xong, bác sĩ thấy ca mổ tốt nhưng khám vẫn thấy giác mạc phù nề. Khi giác mạc hết phù nề, trong trở lại, mắt sẽ hồi phục như bình thường. Ông Tùng nói sẽ mời những bệnh nhân này khám lại. Bác sĩ Phí Duy Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết bệnh viện sẵn sàng nhận khám cho bốn bệnh nhân này vào sáng 3/7. Sau khi khám sẽ đánh giá tình trạng cụ thể.

 

8. Một số bác sỹ, điều dưỡng bệnh viện đa khoa thành phố Hòa Bình uống bia trong giờ làm việc: theo phản ánh của người dân đến Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 27/6 vừa qua, 4 bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Nội-Nhi-Lây, Bệnh viện đa khoa thành phố Hòa Bình đã uống bia trong giờ làm việc. Theo đó, anh Nguyễn Văn T.,  người nhà bệnh nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa thành phố Hòa Bình phản ánh: Vào lúc 16h15 ngày 27/6, anh T. đến làm thủ tục cho người nhà ra viện. Tuy nhiên các bác sĩ, điều dưỡng tại khoa Nội - Nhi - Lây, Bệnh viện đa khoa Thành phố Hòa Bình lại tỏ ra rất dửng dưng. Đến khi mở cửa Phòng hành chính, anh thấy các bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Nội - Nhi - Lây, Bệnh viện đa khoa thành phố đang ngồi uống bia với mực nướng. "Lúc này, hình như tiệc cũng sắp tàn, tôi đã chụp lại những bức ảnh này và rất bức xúc vì họ khiến tôi phải chạy lên chạy xuống tầng nọ tầng kia để đăng ký khám và hết sức mệt mỏi”, anh T. cho biết. Ông Phạm Kỳ Sơn xác nhận, sự việc trên có sự tham gia của 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng. Sau khi nắm được sự việc, ngày 30/6, Bệnh viện đã yêu cầu họp khoa, yêu cầu 4 cán bộ y tế nói trên viết tường trình. Trong đầu tuần tới, Bệnh viện sẽ gửi báo cáo lên Sở Y tế Hoà Bình. Bên cạnh đó cũng dự kiến cắt thi đua của Khoa Nội - Nhi – Lây, các cá nhân vi phạm sẽ nhận hình thức kỉ luật là khiển trách. Theo giám đốc Bệnh viện đa khoa thành phố Hoà Bình, việc giữa giờ hành chính mà bỏ bê công việc để uống bia làm chậm trễ giải quyết thủ tục ra viện cho bệnh nhân là vi phạm nội quy của cơ quan, vi phạm nguyên tắc của ngành và vi phạm quy chế tác phong làm việc. “Đối với cán bộ viên chức không được sử dụng rượu bia trong giờ làm việc, thứ hai là cán bộ ngành y tế còn đòi hỏi nghiêm ngặt hơn”, ông Sơn nhấn mạnh. Cũng theo BS Sơn, trước ngày 27/6, một số bác sĩ của đơn vị được đi nghỉ mát. Khi về, họ có mang theo quà tặng cho anh em phải trực ở nhà. Do vậy, các bác sĩ ở khoa Nội – Nhi – Lây đã tổ chức nướng mực ngay tại cơ quan để chia vui cùng nhau. Tuy nhiên việc ăn uống ngay trong giờ làm việc là hình ảnh gây phản cảm, khiến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân bất bình, nhất là khi nhân viên bệnh viện gây phiền hà cho người nhà bệnh nhân bằng việc yêu cầu những thủ tục không cần thiết như trường hơp của anh T.

 

 

9. Dư luận bất bình với bác sỹ từ chối cấp thuốc chống phơi nhiễm HIV cho người dân tham gia cấp cứu: theo phản ánh của người dân gửi tới Đường dây nóng Bộ Y tế, những người cứu nạn nhân bị nhiễm HIV trong vụ tai nạn giao thông ở Kon Tum khi xin thuốc điều trị phơi nhiễm HIV, bác sĩ trả lời chỉ cấp cho người làm nhiệm vụ, không cấp cho dân thường. Nếu cứu người thì được bán một liều năm triệu đồng. Sáng 1/7, trên mạng xã hội, một người dân tham gia cấp cứu, vận chuyển nạn nhân cho biết ông đã lấy xe tải của gia đình chở tám nạn nhân đến bệnh viện, một người trong đó đã tử vong, chảy máu. Ông đã bế nạn nhân lên xe và máu từ vết thương của nạn nhân đã dính vào vết thương bị trầy xước của ông. Khi được biết người tử vong nhiễm HIV, ông đã xuống bệnh viện đề nghị xin thuốc dự phòng. “Nhưng bác sĩ nói thuốc này chỉ cấp cho người làm nhiệm vụ, không cấp cho dân thường, còn tôi cứu người thì bác sĩ nói bán một liều năm triệu. Vậy tôi xin hỏi còn ai dám cứu người hay nên để cho các cấp làm nhiệm vụ đến cứu?”, người tham gia cấp cứu nạn nhân đặt câu hỏi. Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - thi đua khen thưởng, Bộ Y tế, tỏ ra rất bức xúc vì vị bác sĩ đã đề nghị “bán” thuốc dự phòng cho người dân tham gia cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông. “Chúng tôi đang trao đổi để xác định ai là người đã có hành vi này và đề nghị Sở Y tế Kon Tum xử lý nghiêm. Tuy nhiên, Sở Y tế Kon Tum cho biết họ đang xác minh do trong lúc hỗn loạn không biết ai đã phát ngôn như vậy", ông Anh nói. Theo quy định của Bộ Y tế, người có phơi nhiễm trực tiếp với người nhiễm (kể cả người làm nhiệm vụ, người dân đều được uống thuốc dự phòng HIV miễn phí). Ông Anh cũng cho biết riêng người đã lấy xe của gia đình chở bệnh nhân đi cấp cứu sẽ được ưu tiên đặc biệt để động viên, khen thưởng. Bác sĩ Đào Duy Khánh - giám đốc Sở Y tế Kon Tum, trong quá trình đưa nạn nhân đi cấp cứu và làm nhiệm vụ cấp cứu sau vụ tai nạn ngày 30-6 trên đường Hồ Chí Minh, 17 y, bác sỹ và 7 người dân đã tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân bị nhiễm HIV mà không chuẩn bị phòng hộ nên nghi ngờ những người nãy đã bị phơi nhiễm HIV. Sở Y tế đã tiến hành tư vấn, sàng lọc và cấp thuốc ARV miễn phí điều trị phơi nhiễm HIV ngay cho những người có liên quan đến những ca cấp cứu nạn nhân. Sở đã cho uống thuốc dự phòng trong 24 giờ kể từ khi bị phơi nhiễm (quy định là trong vòng 72 giờ) với 24 người có liên quan và theo dõi trong vòng 3 tháng. Sở Y tế cũng đồng thời giám sát, xét nghiệm hướng dẫn việc tiệt trùng, xử lý, mai táng người nhiễm và các vật dụng liên quan.​ 


Thăm dò ý kiến