TIN BÀI VỀ ĐƯỜNG DÂY NÓNG ĐĂNG TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ Y TẾ Ngày 1-10/8/2017

10/08/2017 | 09:49 AM

 | 


 

1. Các bác sỹ Bệnh viện K cứu sống bệnh nhân có hàng trong khối u trong ổ bụng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sĩ Bệnh viện K vừa phẫu thuật thành công cho một người đàn ông 51 tuổi mang trong mình hàng trăm khối u trong ổ bụng gây chảy máu và tắc ruột. Bệnh nhân may mắn trong trường hợp trên là Tăng Hữu A. (51 tuổi, Nam Định). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng thượng vị, đau âm ỉ liên tục. Thời gian gần đây, gia đình phát hiện thể trạng bệnh nhân ngày càng gầy, các cơn đau xuất hiện ngày càng nhiều hơn nên gia đình đưa bệnh nhân vào Bệnh viện K. Theo kết quả xét nghiệm và chụp chiếu các bác sĩ cho biết, bệnh nhân có những khối u xuất phát từ thân vị xâm lấn lách, kích thước lớn nhất 13x8cm. Ngoài ra nằm rải rác khắp ổ bụng có rất nhiều khối u kích thước to nhỏ khác nhau, trong đó có một số khối u gây tắc ruột non, ổ bụng có dịch. Các bác sĩ bệnh viện K nhận định chẩn đoán u lympho không thỏa đáng và tiến hành bổ sung một số thăm dò cận lâm sàng trong đó có nội soi dạ dày, sinh thiết u, kết quả giải phẫu bệnh nghĩ đến u mô đệm đường tiêu hoá (GIST). Bệnh nhân được chẩn đoán là Gist dạ dày có biến chứng chảy máu. Các bác sĩ tiên lượng đây là một ca bệnh khó vì có quá nhiều khối u đã biến chứng chảy máu, nguy cơ tắc ruột và chèn ép nhiều cơ quan khác. Bên cạnh đó, thể trạng bệnh nhân ngày càng mệt mỏi, suy yếu, nếu không phẫu thuật kịp thời, nguy cơ bệnh nhân tử vong rất cao. Không còn thời gian chờ đợi, các bác sĩ đã quyết tâm tiến hành phẫu thuật. Dưới sự chỉ đạo của bác sĩ trưởng khoa Ngoại bụng I – TS.BS Phạm Văn Bình, kíp phẫu thuật đã cắt bỏ một phần dạ dày kèm lách, cắt nhiều đoạn ruột bị u xâm lấn nguy cơ gây tắc ruột tương lai, lấy tối đa u lử tiểu khung và những u rải rác trong ổ bụng. Đúng như dự đoán trước mổ của các bác sĩ, gần 100 khối u đã chiếm phần lớn ổ bụng, nhiều khối u đã vỡ gây chảy máu, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Các bác sĩ cho biết, đây là một trường hợp đặc biệt- ung thư di căn nhưng có biến chứng nên phải xử lý triệt để, cứu sống bệnh nhân và tạo điều kiện thuận lợi cho phương pháp điều trị đặc hiệu tiếp theo. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hồi sức tích cực và theo dõi rất sát sao. Hiện tại, bệnh nhân có thể tự thở, các chỉ số huyết động ổn định và tiếp tục được theo dõi. Theo các bác sĩ chia sẻ, u mô đệm đường tiêu hoá trước đây được xếp vào nhóm u cơ trơn đường tiêu hoá. Gần đây, với những tiến bộ trong nghiên cứu về tế bào và giải phẫu bệnh, bệnh này được xếp vào nhóm riêng với phương pháp điều trị đặc hiệu (phẫu thuật và điều trị trúng đích).

 

2. Người nhà bệnh nhân tố cáo nhân viên bệnh viện thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến bệnh nhân tử vong: Theo thông tin phản ánh của anh Hoàng Kim Thành (SN 1971, trú tại phường Đông Giang, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)- người nhà bệnh nhân gửi Đường Dây nóng Bộ Y tế, người nhà bệnh nhân tử vong do xuất huyết não cho rằng các nhân viên bệnh viện Đa khoa Quảng Trị đã thiếu trách nhiệm trong quá trình điều trị khiến bệnh nhân bệnh nặng rồi tử vong. Trong đơn phản ánh, anh Thành trình bày quá trình vợ mình là chị Lê Thị Anh Thi (SN 1973) nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị. Cụ thể, ngày 11.6.2017, chị Anh Thi bị đau đầu dữ dội nên vào thăm khám, và điều trị tại Khoa Nội tổng hợp BVĐK tỉnh Quảng Trị. Quá trình nằm viện, bệnh nhân liên tục kêu đau đầu, ban ngày khi uống thuốc thì đỡ đau, nhưng tối đến lại ôm đầu, kêu la. Sau 6 ngày nằm điều trị, bệnh viện mới xác định chị Anh Thi bị đa túi phình cổ rộng, thông trước trái và M2 trái (chưa vỡ). Đến ngày 17.6, bệnh nhân có biểu hiện bất tỉnh, đau đầu dữ dội hơn, quá trình kiểm tra bệnh viện phát hiện bệnh nhân đã xuất huyết dưới nhện trên và dưới lều (vỡ phình mạch), phù nề mô não trên và dưới lều mức độ vừa. Tiếp đó, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên bằng xe dịch vụ 115 trong tình trạng hôn mê sâu, và được chuyển thẳng đến khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Huế với chẩn đoán bệnh là xuất huyết não. Dù được điều trị tích cực nhưng đến ngày 27.6 thì tử vong. Theo anh Thành, vợ của anh tử vong do thời gian phát hiện bệnh trong quá trình điều trị tại BVĐK tỉnh Quảng Trị quá chậm. Đến khi phát hiện có bệnh rồi, thì bệnh viện không đưa ra hướng điều trị, cũng không chuyển lên bệnh viện tuyến trên mà đợi đến lúc nguy kịch mới chuyển. "Vợ tôi kêu đau liên tục, chỉ hết đau khi dùng thuốc và sau đó cơn đau lại tiếp diễn. Dù không tìm ra nguyên nhân, nhưng bệnh viện vẫn không chuyển vợ tôi lên tuyến trên. Sau 6 ngày mới phát hiện ra bệnh, đó là tình huống tối cấp cứu, tính mạng tính bằng giờ nhưng thêm một lần nữa, bác sĩ không chuyển lên tuyến trên mà cứ để như vậy đến lúc nguy kịch mới cho chuyển" - anh Thành, bức xúc. Ngoài ra, anh Thành cho rằng, quá trình chuyển bệnh nhân cấp cứu lên tuyến trên, bệnh viện đã không đảm bảo điều kiện tốt nhất; tại bệnh án của bệnh nhân, bác sĩ không phải là người trực tiếp điều trị lại bút phê vào đó. Đặc biệt, lúc nhập viện, ở phần tiền sử bệnh người nhà khai là sống khỏe, nhưng ở phần tổng kết bệnh án lại ghi rằng đau đầu đã lâu, điều trị nhiều lần nhưng không thuyên giảm. Trước những thông tin trên, Bác sĩ Trương Xuân Nhuận - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Trị cho biết, chẩn đoán đối với bệnh lý phình mạch não thì biểu hiện rất nghèo nàn. Vì vậy, khi bệnh nhân nhập viện với biểu hiện đau đầu, thì phải xét nghiệm dần để loại trừ bệnh. "Đối với những bệnh lý khó mà đến ngày thứ 6 phát hiện được thì không phải là quá muộn. Khi phát hiện bệnh, vì mạch máu chưa vỡ nên không cấp cứu ngay, mà chúng tôi dự định đến ngày thứ 2 (phát hiện bệnh ngày thứ 6, 16.6) mới chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, khoảng 3h sáng ngày 17.6 bệnh nhân có biểu hiện nặng, sau khi xin ý kiến của bệnh viện tuyến trên thì BVĐK tỉnh Quảng Trị mới làm thủ tục để chuyển đi" - bác sĩ Nhuận, nói. Cũng theo bác sĩ Nhuận, người tiếp cận bệnh nhân cuối cùng ở BVĐK tỉnh Quảng Trị là bác sĩ Thúy, nên vị bác sĩ này có nhiệm vụ tổng kết bệnh án. Còn việc trong bệnh án đề cập bệnh nhân đau đầu đã lâu, điều trị nhiều lần nhưng không thuyên giảm là do người nhà khai vậy. "Khai thế nào thì ghi vào vậy thôi, chứ thông tin này không có ý nghĩa về chẩn đoán, tiên lượng" - bác sĩ Nhuận, cho biết thêm.

 

3. Sở Y tế Bình Định ra quyết định cảnh cáo trưởng khoa sai sót khiến sản phụ tử vong: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Bình Định ra quyết định kỷ luật các cá nhân để xảy ra sai sót khiến một sản phụ tử vong sau khi sinh. Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, cho biết Sở đã ban hành các quyết định kỷ luật đối với các cá nhân để xảy ra sai sót khiến sản phụ Phan Thị Yến Linh (29 tuổi, ngụ xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ, Bình Định) tử vong tại Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ ngày 24/6. Theo đó, ông Châu Tấn Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ, bị kỷ luật với hình thức khiển trách. Theo quyết định trên, ông Khoa chưa hoàn thành trách nhiệm của người thường trực lãnh đạo trong phiên trực ngày 24-6; chưa tổ chức hội chẩn khi sản phụ có chuyển biến nặng trước khi chuyển viện; ký giấy chuyển viện trong tình trạng sức khỏe của sản phụ chưa ổn định; chưa liên hệ đề nghị hỗ trợ xử lý cấp cứu từ tuyến trên. Sở Y tế cũng kỷ luật bà Hồ Thị Đào Hoa, Trưởng khoa sản, với hình thức cảnh cáo. Quyết định nêu rõ: Bà Hoa đã có nhiều sai phạm, khuyết điểm như xử trí trường hợp cấp cứu sản khoa sau khi sinh đối với sản phụ chưa phù hợp chuyên môn do chưa đánh giá, tiên lượng tốt mức độ bệnh; chưa đánh giá đầy đủ lượng máu đã mất; không chỉ định truyền máu, các loại thuốc vận mạch, các biện pháp khác để xử lý cấp cứu sản khoa trong trường hợp băng huyết do đờ tử cung sau sinh; chưa mời hội chẩn khi sản phụ có chuyển biến nặng và trước khi đề nghị cho chuyển viện; chỉ định chuyển viện trong tình trạng sức khỏe sản phụ chưa ổn định; ghi chép hồ sơ bệnh án chưa đầy đủ. Sở Y tế cũng kỷ luật cảnh cáo đối với bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Hộ sinh trưởng. Bà Hương cũng có nhiều sai phạm, khuyết điểm như chưa theo dõi sát tình trạng sản phụ, ghi chép hồ sơ bệnh án không đầy đủ… “Ngoài ba người do Sở Y tế ra quyết định kỷ luật, Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ sẽ ra quyết định kỷ luật đối với một nữ hộ sinh có sai sót trong trường hợp này” - ông Hùng thông tin thêm. Như đã phản ánh, gia đình sản phụ Phan Thị Yến Linh cho rằng có sự tắc trách của Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ trong cái chết này. Theo phản ánh của người nhà, thấy chị Linh đau bụng càng lúc càng dữ dội nên gia đình xin sinh mổ nhưng bệnh viện không đồng ý, bảo cứ chờ sinh thường. Người thân chị Linh nhiều lần gọi nhưng không có bác sĩ trực, còn y tá, điều dưỡng thì ngồi trong phòng bấm điện thoại, nghe nhạc. Đến khi chị Linh ngất xỉu thì mới được bệnh viện đưa vào phòng sinh. Gia đình chị Linh yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân cái chết của sản phụ này, đồng thời xử lý đối với những người tắc trách trong kíp trực. Ngày 26/6, Bộ Y tế có công văn khẩn dẫn lại thông tin bài báo “Sản phụ tử vong, bệnh viện bị tố tắc trách” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM điện tử ngày 25-6, yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bình Định kiểm tra, xử lý các sai phạm của Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ theo đúng quy định trong vụ sản phụ Linh tử vong. Ngày 14/7, Sở Y tế tỉnh Bình Định có công văn gửi các cơ quan báo chí thừa nhận có sai sót của nhân viên y tế trong kíp trực trong cái chết của sản phụ Linh.

 

4. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công ca tạo hình khí quản cho bệnh nhi 3 tháng tuổi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Trung tâm tim mạch trẻ em, BV Nhi TƯ vừa thực hiện thành công ca tạo hình khí quản cho bệnh nhi 3 tháng tuổi bị tim bẩm sinh. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, bệnh nhi sẽ tử vong nhanh chóng. Bệnh nhi là N.D.L (3 tháng tuổi) nhập viện Nhi TƯ do suy hô hấp. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc dị tật thất phải hai đường ra kèm theo bất thường xuất phát của động mạch phổi trái gây hẹp nặng đường thở. Khí quản của cháu bị hẹp rất nặng do toàn bộ khí quản bị bao quanh bởi cấu trúc vòng sụn bẩm sinh. Bệnh nhi được cho thở máy, nhưng phổi không thể hoạt động được do khí quản hẹp quá nặng. Tình trạng của cháu ngày càng xấu đi với nồng độ khí CO2 trong máu tăng lên nhanh chóng. Theo Th.s Tùng, đây là trường hợp cực kỳ khó khăn bởi bệnh nhi còn quá nhỏ, cân nặng có 5kg, nhiều tổn thương phức tạp và nếu có mổ thành công thì quá trình hồi sức sau mổ cho bệnh nhi cũng là cả một cuộc chiến cam go. Sau phẫu thuật, tình trạng của cháu vẫn còn rất nặng, cháu được hồi sức tích cực và liên tục trong 15 ngày. Sau 34 ngày nằm viện, trẻ được ra viện với tình trạng hoàn toàn ổn định như một cháu bé bình thường và khỏe mạnh. Phẫu thuật tạo hình khí quản là một thách thức lớn với các bác sĩ bởi tình trạng tái hẹp sau phẫu thuật, tỷ lệ tử vong vì nhiễm trùng cao do phải thở máy kéo dài. Bác sĩ Tùng nhận định, ca phẫu thuật thành công chính là nhờ sự kết hợp giữa kinh nghiệm phẫu thuật và hồi sức chăm sóc bệnh nhi sau phẫu thuật. Trước đây, tỷ lệ thất bại khi thực hiện tạo hình khí quản ở trẻ em là rất cao. Từ năm 2016, Trung tâm Tim mạch trẻ em đã thực hiện thành công tám ca tạo hình khí quản. Với ca phẫu thuật cho bệnh nhi N.D.L, Trung tâm Tim mạch trẻ em đã ghi thêm một dấu mốc về phát triển khoa học kỹ thuật trong phẫu thuật tim bẩm sinh.

 

5. Sở Y tế Quảng Ngãi yêu cầu kiểm theo tinh thần trách nhiệm của kíp trực Bệnh viện Đa khoa Sơn Tịnh trong vụ trẻ sơ sinh tử vong do dây rốn quấn cổ: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, liên quan đến việc trẻ sơ sinh tử vong do dây rốn quấn cổ tại BVĐK Sơn Tịnh, sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác kiểm thảo tử vong để xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến sự cố đáng tiếc, đặc biệt là tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế tại Bệnh viện. Ông Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc sở Y tế Quảng Ngãi, cho biết: ngay sau khi sự việc bé sơ sinh tử vong do dây rốn quấn cổ, sở đã cử cán bộ chuyên môn cùng lãnh đạo BVĐK Sơn Tịnh làm việc với ca trực thời điểm xảy ra vụ việc để nắm thông tin ban đầu. Theo đó, khoảng 4h sáng ngày 2/8, sản phụ Ngân được chuyển đến BVĐK huyện Sơn Tịnh với chẩn đoán thai đủ tháng, ngôi đầu, chuyển dạ nên được chuyển vào phòng sinh. Do không chẩn đoán được việc thai nhi bị dây rốn quấn cổ nên sau khi sinh, cháu bé bị ngạt dẫn đến tử vong. Về việc chỉ có 1 Y sĩ và 1 nữ hộ sinh phụ trách 2 ca sinh cùng lúc, ông Đức cho rằng do số lượng Bác sĩ trực ở các bệnh viện tuyến huyện ít, trong khi đó đối với những trường hợp đã được chẩn đoán bình thường thì 2 cán bộ Y tế này đủ khả năng phụ trách cả 2 ca sinh. Dù đã được siêu âm kiểm tra nhiều lần nhưng cán bộ y tế BVĐK huyện Sơn Tịnh vẫn không phát hiện được thai nhi bị dây rốn quấn cổ, vấn đề này theo ông Đức có nhiều nguyên nhân. Có thể do tư thế thai nhi không bình thường, máy siêu âm của BVĐK huyện Sơn Tịnh là loại máy trắng đen nên chất lượng hình ảnh không cao và phụ thuộc vào năng lực của cán bộ y tế trực tiếp siêu âm, đọc hình ảnh. "Dây rốn quấn cổ dẫn đến tử vong là thông tin ban đầu từ ca trực phụ trách ca sinh xảy ra sự cố. Để có kết luận cuối cùng, sở đã chỉ đạo BVĐK Sơn Tịnh thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm thảo tử vong. Nếu phát hiện cán bộ, nhân viên Y tế nào vi phạm Y đức, tắc trách sẽ phải xử lý nghiêm theo quy định", ông Đức nhấn mạnh. Như Dân trí đã phản ánh, trong vòng 1 tháng trước khi sinh, sản phụ Đinh Thị Tuyết Ngân đã đến BVĐK huyện Sơn Tịnh siêu âm kiểm tra tình trạng thai nhi 2 lần. Lần gần nhất là vào chiều ngày 1/8, kết quả siêu âm cho thấy thai nhi bình thường. Sau khi siêu âm về sản phụ Ngân bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ. Đến 3h sáng ngày 2/8, gia đình đưa sản phụ Ngân đến BVĐK huyện Sơn Tịnh để sinh con. Đến khoảng 4h sản phụ Ngân được chỉ định chuyển thẳng vào phòng sinh. Vào thời điểm đó trong phòng sinh còn một sản phụ khác cũng đang chuyển dạ. Phụ trách 2 ca sinh cùng lúc chỉ có 2 nữ cán bộ y tế. Gần 1 tiếng sau, gia đình sản phụ Ngân nhận được tin cháu trai của mình đã tử vong do dây rốn quấn cổ 4 vòng.

 

6. Nhiều bác sỹ của các bệnh viên trên địa bàn Hà Nội đã hủy nghỉ phép để cứu chữa bệnh nhân sốt xuất huyết: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, các bệnh viện trên địa bàn TP.Hà Nội đã và đang tập trung mọi nguồn lực ứng phó khẩn cấp với SXH. Để chống dịch, nhiều y bác sĩ đã phải gạt bỏ mọi công việc riêng nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa của người bệnh;nhiều bác sỹ đã tình nguyện ở lại bệnh viện để trực cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết, có người còn hủy cả nghỉ phép đã lên kế hoạch trước đó để đi làm. Hành động này của các bác sỹ đã được đánh giá cao, Theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương - nơi tiếp nhận khoảng 1000 bệnh nhân SXH đến khám mỗi ngày, trước tình hình dịch bệnh SXH gia tăng như hiện nay, nhân viên y tế đã phải làm việc hết công suất để phục vụ người bệnh. Để chống dịch, các bác sĩ đã phải làm ngoài giớ, làm việc cả ngày nghỉ, hủy bỏ nghỉ phép, tuân thủ mọi lệnh điều động đáp ứng cho nhu cầu khám chữa của người bệnh. Tại khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai các bác sĩ cũng làm việc vất vả cả thứ 7, chủ nhật, khám và tái khám, điều trị liên tục cho bệnh nhân SXH. Trước số lượng bệnh nhân quá đông như hiện nay, TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm của BV cho biết: Hiện nay khoa có gần 200 bệnh nhân nội trú, trong đó có khoảng 70 bệnh nhân SXH. Về cơ bản nhân lực của Khoa cũng cố gắng phân công, bố trí sắp xếp một cách khoa học để vẫn đảm bảo công tác chuyên môn thường quy, tái khám và điều trị các mặt bệnh khác vừa làm tốt công tác khám điều trị SXH vừa ngoại trú vừa nội trú.

Theo ThS.BS Tạ Quang Mậu, Trưởng khoa Các bệnh Nhiệt đới, BVĐK Hà Đông: Bệnh SXH là nhiễm trùng cấp do vi rút Dengue, có thể gây ra biến chứng nặng như sốc do thoát huyết tương, xuất huyết nặng và suy tạng nếu không được chuẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Hiện tại đây là thời điểm SXH bùng phát cao nhất cho nên nhân viên y tế tại khoa Nhiệt đới luôn nỗ lực, tận tâm phục vụ người dân tại thời điểm dịch bệnh đang phát triển mạnh. Các bác sĩ khuyến cáo, SXH là bệnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó biện pháp phòng chống hiệu quả là diệt muỗi, bọ gậy. Đặc điểm của muỗi truyền virus gây bệnh SXH thường sống ở đô thị, gần người, trong nhà hoặc quanh nhà. Chúng hoạt động mạnh vào sáng sớm và buổi chiều tối. Nếu trong nhà có người bị SXH, người dân cần thực hiện ngay các biện pháp tránh bị muỗi đốt (như nằm màn, bôi kem chống muỗi, dùng nhang hoặc phun hoá chất diệt muỗi...), đồng thời vệ sinh môi trường, không để các vật dụng chứa nước đọng là nơi muỗi đẻ trứng.

 

7. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ cấp cứu người dân Mù Cang Chải mưa lũ: Theo tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, trong 2 ngày 3- 4 /8/2017 trận lũ quét lịch sử đã gây thiệt hại rất lớn cho nhân dân các dân tộc huyện vùng cao Mù Cang Chải, bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã thành lập tổ cấp cứu lưu động tới Trung tâm Y tế Mù Cang Chải hỗ trợ việc cấp cứu những nạn nhân bị thương sau mưa lũ. Tại Trung tâm Y tế Mù Cang Chải, kíp cấp cứu lưu động đã cấp cứu cho 4 nạn nhân: 1 nạn nhân bị gãy hở xương đòn trái kèm theo tràn khí màng phổi trái đã được phẫu thuật kết hợp xương và dẫn lưu khí màng phổi; 1 nạn nhân bị gãy hở  phức tạp đầu dưới 2 xương cẳng chân phải đã được phẫu thuật kết hợp xương và hồi sức tích cực và 2 nạn nhân khác bị chấn thương. Bên cạnh đó, đoàn bác sĩ cũng chuyển 1 bệnh nhân 70 tuổi bị bỏng sâu vùng cẳng chân trái, 1 bệnh nhân 13 tuổi bị đa chấn thương do hội chứng vùi lấp về Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghĩa Lộ điều trị. Cũng trong sáng trong sáng ngày 4/8, tổ cấp cứu đã tiến hành sơ cấp cứu và chuyển về Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghĩa Lộ 1 bệnh nhân bị trôi suối có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sau mưa lũ để tiếp tục điều trị. Để chia sẻ động viên người bệnh và thân nhân, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghĩa Lộ cũng tặng 2 xuất quà cho 2 bệnh nhân. Hiện tại tình hình sơ cấp cứu người bị nạn sau mưa lũ tại Trung tâm Y tế Mù Cang Chải bước đầu đã ổn định, các bệnh nhân bị thương được cấp cứu kịp thời và tình trạng sức khỏe hồi phục tốt. kíp gây mê phẫu thuật chấn thương và hồi sức của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghĩa Lộ. Theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế Yên Bái và đề xuất của tâm Y tế Mù Cang Chải, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghĩa Lộ tiếp tục duy trì 1 kíp cấp cứu thường trực tại Mù Cang Chải trong một vài ngày tới để kịp thời xử trí khi có tình huống xấu xảy ra.

 

8. Các bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghj Đa khoa Nghệ An cứu sống bệnh nhân có khối u lớn trong tim: Theo tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 5/8, các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An đã khẩn trương, tích cực và thực hiện thành công ca phẫu thuật, cứu sống bệnh nhân có khối u lớn trong tim. Trước đó, bệnh nhân Dương Thanh Xuân (55 tuổi, Nghi Thủy, TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) phát hiện bị u nhầy nhĩ trái kích thước lớn trong tim. Do đến bệnh viện muộn nên bệnh nhân đã bị nhiều biến chứng nguy hiểm, đe doạ trực tiếp tính mạng. Sau khi được điều trị nhồi máu não ổn định tại khoa Thần kinh, các bác sĩ liên khoa đã hội chẩn và nhận định đây là ca bệnh khó, nguy cơ tử vong cao, nhưng nếu bệnh nhân không được can thiệp kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh viện cũng cho lời khuyên gia đình đưa bệnh nhân lên tuyến trên, nhưng gia đình đồng ý phẫu thuật tại bệnh viện. Ngày 22-7, bệnh nhân Xuân được đại phẫu. Sau khi cắt bỏ khối u nhầy kích thước 5x4cm trong buồng tim, các bác sĩ đã sửa và bảo tồn thành công được van 2 lá. Bác sĩ Nguyễn Hữu Nam, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực, cho biết: “Đây là kỹ thuật khó, nhưng ưu việt hơn rất nhiều so với thay van tim nhân tạo, mang lại lợi ích rất nhiều cho bệnh nhân, đó là tiết kiệm được khoản chi phí lớn, tốt cho chức năng tim và thuận lợi cho việc điều trị nội khoa về sau”. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân Xuân được đưa về các khoa Hồi sức Ngoại khoa, Hồi sức ngoại, Nội Tim mạch, Ngoại Lồng ngực tiếp tục điều trị, chăm sóc.

Đến nay, sức khỏe bệnh nhân Xuân đã ổn định và có tiến triển tốt. Gia đình rất cảm kích và biết ơn các bác sỹ của Bệnh viện đã kịp thời cứu chữa bệnh nhân.

 

9. Các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống bệnh nhân bị loạn nhịp tim hiếm gặp: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy vừa tiến hành đặt máy tạo nhịp tim cứu sống một trường hợp bị yếu cơ tim thất phải gây loạn nhịp hiếm gặp. Bệnh nhân là chị K.H. (26 tuổi, ngụ huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng). Trước đó, chị đột ngột thấy choáng váng, hoa mắt, đứng không vững, cảm giác tim đập nhanh và hồi hộp, kèm vã mồ hôi, thở dốc. Gia đình đưa chị H. đến BV Đa khoa tỉnh Lâm Đồng điều trị và được chẩn đoán loạn nhịp nhanh thất.Các bác sĩ xử lý sốc điện và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến BV Chợ Rẫy. Tại đây, qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị yếu cơ tim thất phải gây loạn nhịp tim (250 lần). Bệnh này có thể dẫn đến ngất xỉu, đột tử bất cứ lúc nào. Các bác sĩ đã điều trị nội khoa kèm cấy vĩnh viễn vào người bệnh máy tạo nhịp tim để xung điện điều chỉnh nhịp tim, dự phòng những bất trắc sức khỏe có thể xảy đến. Sau hơn 2 tuần điều trị, nhịp tim của chị H. dần ổn định, tiếp xúc tốt, nguy cơ đột tử được ngăn chặn.

10. Bệnh viện Ninh Bình đề nghị xử lý người nhà bệnh nhân lăng mạ bác sĩ: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 8/8, Sở Y tế Ninh Bình có báo cáo gửi Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về việc gây rối an ninh trật tự tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Ninh Bình được đăng tải trên mạng xã hội vào ngày 30/7. Ông Vũ Văn Cần, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, tối 30.7 trên mạng xã hội xuất hiện video clip về hình ảnh mất an ninh trật tự tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình). Cụ thể, hồi 22h27 phút, khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân Bùi Thị Duyên (28 tuổi, phường Phúc Thành, TP Ninh Bình) với vết thương vùng lưỡi chảy máu. Bệnh nhân được tiếp đón, kiểm tra mạch, huyết áp, thăm khám. Tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, vết rách mặt dưới lưỡi dài khoảng 2cm. Các bác sĩ đã chẩn đoán vết thương vùng lưỡi do tự cắn và đã xử trí cầm máu vết thương, đồng thời làm bệnh án và bàn giao người bệnh lên khoa Răng- hàm-Mặt lúc 23h2 phút. Tại khoa Răng – Hàm –Mặt, bệnh nhân được điều dưỡng đón tiếp, kiểm tra mạch, huyết áp và hướng dẫn người nhà đưa bệnh nhân vào buồng thủ thuật chuẩn bị dụng cụ, báo bác sĩ Phùng Đăng Khoa xử lý vết thương. Trong khi chờ bác sĩ khâu vết thương (lúc này bác sĩ Khoa đang đi khám bệnh nhân sau mổ) thì người nhà tự ý đưa bệnh nhân trở lại khoa Cấp cứu. Khi bệnh nhân đến khoa cấp cứu, điều dưỡng Thược ra xem xét và hỏi người bệnh thì người đi cùng (khai trong bệnh án là Cao Việt Thắng) lập tức chửi, lăng mạ nhân viên y tế, đạp cửa, đánh vệ sĩ. Khoa Cấp cứu đã báo trực lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu bác sĩ Khoa xuống khoa Cấp cứu khâu vết thương ngay tại đây cho bệnh nhân. Đến 23h55 phút, bệnh nhân được khâu xong vết thương và tỉnh táo, mạch, huyết áp ổn định. Lúc này người đi cùng bệnh nhân không còn gây rối, bệnh nhân xin về. Xét tình trạng bệnh nhân ổn định, bác sĩ kê đơn thuốc và cho về nhà điều trị. BV Đa khoa tỉnh Ninh Bình nhận định, hai khoa của bệnh viện đã đón tiếp, xử trí người bệnh đúng quy định, hành vi lăng mạ nhân viên y tế, đạp phá, hành hung người thi hành nhiệm vụ của ông Cao Việt Thắng là vi phạm pháp luật. BV Đa khoa tỉnh Ninh Bình đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý người có hành vi lăng mạ, đe doạ, đap phá, hành hung nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ, tăng cường bảo đảm an ninh bệnh viện giúp nhân viên y tế yên tâm làm việc.

 

11. Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp xử lý kỷ luật kíp trực liên quan đến vụ một thiếu niên bị cắt chân do không được chẩn đoán chính xác: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, Sở Y tế Đồng Tháp vừa ra quyết định xử lý kỷ luật các bác sỹ và điều dưỡng của kíp trực của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc khám và điều trị khiến em Trần Trúc Giang (16 tuổi) bị cắt 1/3 chân phải sau khi được nẹp chân ở bệnh viện đa khoa huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp). Sau khi Hội đồng chuyên môn có kết luận có sai sót trong quá trình khám chữa bệnh cho em Trúc Giang nên Sở y tế tỉnh Đồng Tháp quyết định cắt thi đua năm 2017, đối với bác sĩ và điều dưỡng của ê kíp trực hôm xảy ra sự việc trong việc khám chữa bệnh em Giang. Ngoài ra, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tân Hồng sẽ không được xem xét bất kỳ thành tích thi đua nào trong năm 2017. Theo thông tin, ngày 11/4, trên đường chạy xe Giang vấp phải ống bơm nước kéo ngang lộ bị ngã. Sau đó, Giang được người dân bên đường đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Hồng điều trị. Tại đây, bác sĩ chỉ định nẹp chân cho Giang.Buổi tối Giang nhiều lần than tê và nhức chân nhưng chỉ được bác sĩ thăm khám qua loa.Đến trưa ngày 12/4, Giang được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp sau đó được chuyển lên bệnh viện tuyến trên.Sau đó, bác sĩ buộc phải cắt 1/3 chân giang vì bàn chân đã hoại tử, đồng thời do tắc động mạch khoeo nên không thể điều trị bảo tồn. Để xác định chính xác bệnh tình của em Giang, ngành y tế đồng Tháp thành lập Hội đồng chuyên môn với sự tham gia của các bệnh viện đầu ngành về chấn thương chỉnh hình như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh. Theo kết luận, đây là trường hợp chấn thương trật khớp gối ra trước, ít gặp, có biến chứng tắc mạch khoeo, thường diễn tiến bệnh nặng, phức tạp cần bác sĩ có kiến thức và kinh nghiệm về chấn thương chỉnh hình để xử trí. Ngoài ra, hội đồng cũng nhận định Bệnh viện đa khoa Tân Hồng do thiếu kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn nên đã xử trí chưa đúng, chưa có chỉ định chế độ theo dõi và phát hiện sớm biến chứng tổn thương mạch máu. Về phía điều dưỡng còn hạn chế về chuyên môn nên không phát hiện các triệu chứng bất thường, không ghi nhận trong hồ sơ và chưa có giải thích thỏa đáng cho người nhà bệnh nhân.

 

12. Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 cứu sống bệnh nhân Hàn Quốc: Theo thông tin từ Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 1/8, ông Jeong Tae Geun đã cảm ơn các bác sĩ đã giành lại mạng sống cho mình sau những tháng ngày thập tử nhất sinh.Nét mặt người đàn ông 53 tuổi đã tươi tỉnh trở lại, "không còn nghĩ mình sẽ chết nữa" như những lúc chật vật chống chọi với đau đớn. Bác sĩ Nguyễn Đức Thành, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) cho biết bệnh nhân vào viện hôm 11/5 với bệnh cảnh viêm tụy cấp. Ông từng điều trị ở 2 bệnh viện tại TP HCM nhưng vẫn chưa khỏi dẫn đến cơ thể suy kiệt nặng, loét, sốt, thiếu máu. Lúc này ổ áp xe sau phúc mạc rò vào đường tiêu hóa rất nghiêm trọng. "Ổ áp xe sau phúc mạc nhiều ngóc ngách, mủ thối và tổ chức hoại tử, cần phải tiến hành phẫu thuật dẫn lưu ổ áp xe, loại bỏ hoại tử, làm thông các ngóc ngách, mở hậu môn nhân tạo”, bác sĩ Thành cho biết. Bệnh diễn biến nặng khiến bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp cấp, nhiễm vi khuẩn đa kháng, vết mổ toác rộng không lành, loét rộng vùng cùng cụt. Bệnh nhân phải điều trị thuốc vận mạch, thở máy, lọc máu liên tục, kháng sinh mạnh phối hợp, dinh dưỡng chế độ đặc biệt... tiên lượng rất nặng, đe dọa tử vong. Chi phí điều trị rất lớn, có những ngày tốn kém vài triệu đồng trong khi bệnh nhân vào viện không thân nhân, không tiền khiến các bác sĩ rất băn khoăn. Thiếu tướng, phó giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, các y bác sĩ trước mắt tập trung điều trị cho bệnh nhân, vấn đề chi phí sẽ tìm cách tính sau. Suốt 3 tháng ròng, các y bác sĩ vừa tập trung điều trị, vừa hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân thay thế người nhà. Sau đó hai em trai bệnh nhân từ Hàn Quốc sang thăm. Nhìn anh trai nằm thở máy như không còn hy vọng, chi phí điều trị quá khả năng của gia đình, người nhà xin muốn rút ống thở, đưa bệnh nhân về nước.Các bác sĩ đã thuyết phục giữ bệnh nhân lại, vận động các nhóm từ thiện hỗ trợ thêm người chăm nuôi cũng như chi phí điều trị. Một người bạn Việt Nam của bệnh nhân ban ngày đi làm, ban đêm vào viện chăm sóc ông. Sau 23 ngày thở máy, bệnh nhân dần hồi phục, huyết động và hô hấp ổn định dần.Sau 50 ngày được chăm sóc tích cực về dinh dưỡng và vật lý trị liệu, vết mổ và loét cùng cụt đã liền.Bệnh nhân đã đứng được và bắt đầu tập đi.Bệnh viện đang lên kế hoạch cùng đại sứ quán Hàn Quốc đưa bệnh nhân về nước. 7 năm sinh sống ở Việt Nam, vượt qua cơn bạo bệnh lần này ông Jeong Tae Geun chia sẻ rằng càng hiểu và bất ngờ từ những điều mà con người mảnh đất này mang đến.“Về nước tôi sẽ tập luyện thật khỏe mạnh, làm việc kiếm tiền và trở lại cảm ơn các bác sĩ cũng như mọi người”, bệnh nhân tươi cười. Phó giáo sư Nguyễn Hồng Sơn cho biết nhiều bệnh nhân nước ngoài như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Nga... đã được cấp cứu và điều trị thành công tại Bệnh viện Quân y 175. Hiện bệnh viện có một phòng khám cho bệnh nhân nước ngoài.Sắp tới viện kết hợp với Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul Hàn Quốc thành lập một phòng khám bệnh riêng cho người Hàn Quốc.

 

13. Các bác sỹ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh nói thành công bàn tay bị máy cắt giấy cắt lìa của một công nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 1.8, các bác sỹ Khoa vi phẫu - tạo hình, Bệnh viện (BV) Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM) vừa tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng bàn tay trái bị đứt lìa (ngay cổ tay) do bị máy cắt giấy cắt. Ngay lập tức các bác sĩ đã đưa bệnh nhân Nguyễn Trung Trực (20 tuổi, ngụ Quận Tân Phú, TP.HCM) vào phòng mổ đánh giá vết thương và bàn tay do thân nhân bệnh nhân mang theo. Bác sĩ Nguyễn Văn An, Nguyễn Tấn Bảo Ân (Khoa vi phẫu - tạo hình) tiến hành cắt lọc vùng tổn thương rồi nối mạch máu, thần kinh, gân và xuyên kim cố định xương, đồng thời nẹp bột cánh tay cho bệnh nhân. Các bác sĩ cho biết thời gian gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều ca cấp cứu đứt lìa bàn tay, cánh tay, ngón tay hoặc bàn tay bị dập nát do tai nạn lao động. Sau 5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An đã nối thành công bàn tay bị chém đứt lìa cho bệnh nhân.

 

14. Các bác sỹ Bệnh viện Bình dân đã cứu nam thanh niên bị tai nạn giao thông thoát nguy cơ tàn phế: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế  ngày 1/8, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho hay bệnh viện này đã kịp thời phẫu thuật can thiệp đặt stent thông động mạch khoeo thành công cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông thoát khỏi nguy cơ bị hoại tử chi phải cắt bỏ chân. Theo TS.BS Trần Vĩnh Hưng – Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, trước đó nam thanh niên T.Đ.T. (25 tuổi, Bà Rịa-Vũng Tàu) bị tai nạn giao thông được chuyển đến từ một bệnh viện khác trên địa bàn TP.HCM trong tình trạng đau và tê vùng chân trái từ gối xuống bàn chân, khớp gối sưng phù lớn, không tìm được mạch ở vùng bàn chân. Các bác sĩ chỉ định bệnh nhân chụp CT scan và xác định bệnh nhân bị một đoạn huyết khối có kích thước hơn 6cm, làm tắc hoàn toàn đường lưu thông của động mạch khoeo đưa máu nuôi khớp gối và toàn bộ vùng cẳng chân trước và sau. Các bác sĩ trong ê kíp can thiệp mạch máu của bệnh viện tiến hành hội chẩn và đánh giá đây là một trường hợp khó vì động mạch khoeo là động mạch đi trong cơ thể như một con đường độc đạo, duy nhất, lại nằm xa phía sau khớp gối và cơ khoeo, sâu trong một khoang nhiều thớ sợi, nên rất khó thao tác dụng cụ. Bác sĩ Hưng cho biết do động mạch khoeo của bệnh nhân bị tổn thương một đoạn dài, lại nằm ở khu vực thường vận động co duỗi nên ê-kíp can thiệp mạch đã lựa chọn đặt stent nhớ hình ngoại biên tự bung, chống gãy gập khi vận động cho người bệnh. “Các bác sĩ đã khẩn trương tranh thủ “thời gian vàng” tiến hành can thiệp nội mạch đi từ động mạch chân trái, tiếp cận động mạch khoeo, loại bỏ huyết khối và khéo léo đặt stent nhằm thông động mạch khoeo. Ca can thiệp mạch thành công đã giải quyết nhanh tình trạng thiếu máu chi cấp kéo dài ở khu vực gối và cẳng chân, loại bỏ nguy cơ diễn tiến hoại tử chi, tái lập lưu thông mạch máu”, bác sĩ Hưng cho biết thêm. Tuy nhiên theo bác sĩ Hưng, để đảm bảo an toàn và ngăn chặn việc hình thành huyết khối quanh stent vừa đặt, bệnh nhân được yêu cần tuân thủ việc tái khám theo lịch hẹn và sử dụng thuốc chống kết tụ tiểu cầu suốt đời. Theo người nhà của nam thanh niên này, trước đó vào tối 31.7 anh T. đi xe máy thì bất ngờ va chạm với xe tải khiến anh bị chấn bị chấn thương vùng khớp gối trái và được đưa đến cấp cứu tại một bệnh viện ở TP.HCM. Tại đây, các bác sĩ phát hiện T. bị chấn thương khớp gối, trật xương bánh chè trái, động mạch khoeo chân trái đang bị thuyên tắc cấp vì huyết khối hình thành sau chấn thương giập động mạch khoeo. Bệnh nhân có nguy cơ hoại tử chân trái và phải đoạn chi. Nhận thấy đây là trường hợp đa chấn thương với chấn thương mạch máu phức tạp, bệnh viện đã chuyển T. sang Bệnh viện Bình Dân để xử lý.

 

15. Các bác sỹ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cứu sống bệnh nhân chấn thương vỡ lách do tai nạn xe máy: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa cứu sống bệnh nhân bị chấn thương vỡ lách độ 3, chảy máu ổ bụng trong tình trạng nguy kịch do tai nạn xe máy bằng phương pháp “nút động mạch lách”. Bệnh nhân là anh N.C.V. (20 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, chấn thương do say rượu, té xe, vùng hông lưng bị chấn thương mạnh. Qua thăm khám, thử máu, siêu âm, chụp MSCT bụng, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân vỡ lách độ 3 gây chảy máu nhiều trong ổ bụng. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và quyết định điều trị với phương pháp “nút động mạch lách”.Đây là phương pháp điều trị nội mạch dưới máy chụp mạch kỹ thuật số xóa nền. Bác sĩ dùng một ống thông nhỏ đường kính 1-2mm, luồn từ vùng bẹn phải vào động mạch đùi, đưa lên động mạch chủ vào động mạch lách.Từ động mạch lách, bác sĩ bơm thuốc cản quang chụp toàn bộ hệ động mạch của lách, tìm đến động mạch bị vỡ gây chảy máu ổ bụng. Sau khi xác định được mạch máu bị tổn thương, thuốc tắc mạch sẽ được bơm vào động mạch bị vỡ để cầm máu và giúp lành vết thương.Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. 

 

16. Các Bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương cưu mang bé trai một tuổi nghi bị bạo hành: Theo thông tin từ ĐƯờng Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương đang dành điều kiện chữa trị tốt nhất cho bé trai nghi bị bạo hành, đồng thời hỗ trợ người nhà chăm sóc bé. Chiều 7/8, theo tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội, bệnh nhi đang nằm cách ly ở phòng chăm sóc đặc biệt và được các y bác sĩ theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Tiến sĩ Điển cho biết hôm 6/8, bé xuất hiện 2 cơn co giật toàn thân ngắn, tri giác lơ mơ, 2 lần nôn trớ, nôn vọt. Kết quả chụp CT sọ não phát hiện có xuất huyết não, màng não cộng thêm giảm tỷ trọng vùng chẩm đỉnh bên phải. Sáng 7/8, bệnh viện hội chẩn chuyên khoa thần kinh, các bác sĩ đánh giá tình trạng chung của trẻ bình thường. Tri giác của bé còn lơ mơ nhưng khi bác sĩ nói, thăm khám trẻ có mở mắt, không còn co giật, ăn bằng đường miệng, xét nghiệm các chức năng khác bình thường. Theo tiến sĩ Điển, tiên lượng gần thì tình trạng chức năng sống của trẻ ổn định, tuy nhiên bé cần tiếp tục theo dõi chăm sóc về chuyên khoa thần kinh. Bệnh nhi được điều trị dự phòng co giật, tăng cường tuần hoàn não, kiểm soát áp lực sọ não, dinh dưỡng đường miệng… Cháu bé được một người tự xưng là hàng xóm đưa vào viện ngày 4/8 trong tình trạng co giật, li bì, tổn thương chân tay, bộ phận sinh dục, trán; chụp CT sọ não có máu tụ màng cứng, chẩn đoán chấn thương sọ não. Các bác sĩ nhận định nhiều khả năng bé bị bạo hành nên mời công an điều tra. Vụ án đã được cơ quan chức năng khởi tố. Bé bị bỏ lại bơ vơ ở bệnh viện, các y bác sĩ phải cưu mang chăm sóc. Vài ngày sau có bà nội và bà ngoại đến viện nhận cháu. Bà ngoại bé gửi lời cảm ơn đến tập thể y bác sĩ đã giúp gia đình nhận lại được cháu. Bà cho biết ngoài cháu bé này, ông bà ngoại hiện chăm sóc 3 anh chị của bé. Gia đình bố mẹ cháu khá phức tạp và vốn bé trai không sống với ông bà. "Tôi mong sớm tìm ra người bạo hành cháu, nhìn con như thế thực sự rất đau xót", bà ngoại cháu chia sẻ.

 

17. Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương công khai điện thoại đường dây nóng tư vấn về sốt xuất huyết: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã công khai số điện thoại đường dây nóng: 0969241616 để các bệnh viện có thể trao đổi chuyên về sốt xuất huyết Dengue và tư vấn cho người bệnh. Trong suốt 2 tuần vừa qua, các cán bộ bệnh viện đã làm việc cả thứ 7, chủ nhật, từ 7 giờ đến 17giờ hàng ngày. Nhiều cán bộ y tế phải đến tối muộn mới được về nhà… Sức khỏe của các cán bộ y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do phải trực thường xuyên theo dõi bệnh nhân. Thậm chí có cán bộ y tế bị ngã xe, ngón chân gãy cũng vẫn phải đi làm vì thiếu người. 

 

18. Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang bị người dân cho rằng thiếu trách nhiệm khiến bệnh nhân biến chứng sau bỏ thai: Theo thông tin từ Đường dây nòng Bộ Y tế, người nhà sản phụ Hoàng Thùy Hương ở thôn Chè 8, xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang phản ánh các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang thiếu tinh thần trách nhiệm, khiến sản phụ bị biến chứng, đau bụng dữ dội, xuất huyết, xót thai và nhiễm trùng do thai lưu quá lâu. Sản phụ bị biến chứng nặng sau mổ lấy thai ngoài dạ con là chị Hoàng Thúy Hương (ở thôn Chè 8 xã Lưỡng Vượng TP Tuyên Quang). Theo phản ánh của gia đình chị Hương gửi Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 1/7/2017, sản phụ này có đi khám thai dịch vụ. Sau khi khám thai, bác sĩ phát hiện thai nhi phát triển không bình thường và phải vào Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang. Tại bệnh viện, chị Hương được chỉ định phẫu thuật bỏ thai. Sau khi làm thủ thuật, bệnh nhân luôn đau bụng dữ dội với những cơn đau quằn quại không hề thuyên giảm. Khi gia đình bệnh nhân phản ánh lại, chị Hương được bác sĩ đã tiêm thuốc giảm đau. Tuy nhiên, hơn 1 tuần sau, bệnh nhân này vẫn tiếp tục đau bụng, nên gia đình đề nghị chuyển về Bệnh viện Phụ sản Trung ương điều trị. Lãnh đạo bệnh viện đa khoa Tuyên Quang giới thiệu và đưa bệnh nhân Hương về bệnh viện Việt Đức bằng xe cứu thương của bệnh viện. Theo chồng bệnh nhân, sau khi điều trị 7 ngày tại Việt Đức, vết mổ tạm ổn định, chị Hương được giới thiệu sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương kiểm tra lại. Sau 1 ngày điều trị tại Bệnh viện phụ sản, sản phụ Thúy Hương lại tiếp tục đau bụng và phải đưa vào cấp cứu khẩn cấp. Các bác sỹ chuyên khoa xác định, bệnh nhân sót thai và để lưu thai quá lâu gây nhiễm trùng. Trong tử cung phát hiện tế bào lạ. Bệnh nhân phải điều trị xạ trong vòng 8 ngày, nếu vẫn phát triển thì khả năng ung thư rất cao. Quá bức xúc với tình trạng bất thường của vợ, cho rằng bác sĩ tác trách trong công việc, trình độ chuyên môn kém... chồng bệnh nhân Hương đã gọi điện cho Đường Dây nóng Bộ Y tế và làm đơn tố cáo và kêu cứu.

 

19. Các bác sỹ Bệnh viện Đức Thọ phẫu thuật nội soi thành công cho bệnh nhi 35 tháng: Theo thông tin từ Đường dây nóng Bộ Y tế ngày 9/8, các bác sĩ khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, vừa phẩu thuật nôi soi cắt ruột thừa viêm thành công cho bệnh nhi 35 tháng, rất hiếm gặp. Trước đó, ngày 04/8 bệnh nhi Bùi Anh Tài, 35 tháng tuổi, ở xã Thường Nga – Can Lộc được gia đình đưa đến viện khám với lý do sốt, ho, trẻ được chẩn đoán viêm đường hô hấp trên cho nhập khoa Nhi điều trị. Tại khoa Nhi trẻ được nội soi mũi họng, siêu âm, xét nghiệm được chẩn đoán viêm amydal. Sau 2 ngày điều trị trẻ đỡ ho, giảm sốt xuất hiện đau bụng quanh rốn, kèm theo đi ngoài phân lỏng và buồn nôn. Các bác sĩ đã tiến hành mời bác sĩ khoa Ngoại hội chẩn, trẻ được cấp siêu âm lần 2, có hình ảnh ruột thừa kích thước 9 mm. Thống nhất chẩn đoán TD Viêm ruột thừa/ viêm amydal và chuyển khoa Ngoại điều trị. Sau khi hội chẩn với khoa Gây mê hồi sức, trẻ được tiến hành gây mê nội khí quản và phẩu thuật nội soi cắt ruột thừa viêm. Hiện tại, sau phẫu thuật 3 ngày, trẻ đã ổn định ăn được cháo loãng, tiếp tục được theo dõi và điều trị, dự kiến có thể xuất viện trong vài ngày tới. Theo Bác sĩ Phạm Hồng Cường, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ cho biết bệnh viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi bị viêm ruột thừa thường ít gặp. Nhưng những trường hợp này rất khó chẩn đoán vì trẻ chưa biết diễn đạt rõ ràng và không dễ phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng đau bụng khác. Viêm ruột thừa ở trẻ tiến triển rất nhanh, chỉ cần 6 – 8 giờ có thể vỡ; do vậy việc phát hiện và chẩn đoán sớm viêm ruột thừa để phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm là rất cần thiết nhằm tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.​ 


Thăm dò ý kiến