TIN BÀI ĐĂNG TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ Y TẾ NGÀY 22/6/2017

22/06/2017 | 15:07 PM

 | 

I. THÔNG TIN BIỂU DƯƠNG, KHEN THƯỞNG CÁC TẬP THỂ, CÁ NHÂN

1.    Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu thành công bệnh nhân tắc hoàn toàn động mạch não giữa

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 22/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân T.T.T.H, trú tại Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Xanh Pôn cụ thể như sau: bệnh nhân T.T.T.H, vốn có tiền sử hẹp van tim 2 lá. Bệnh nhân có chỉ định cách đây 3 năm nhưng do điều kiện gia đình chưa thu xếp được nên bệnh nhân chưa thay được van tim.

Một người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 1 giờ sáng ngày 15/4, khi đang nói chuyện với người thân thì chị H đột ngột méo miệng, liệt nửa người phải. Ngay lập tức gia đình gọi cấp cứu 115 đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Xanh Pôn.

Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị liệt nửa người phải, nói ngọng, tim loạn nhịp, HA 130/80 mmHg. Kết quả chụp mạch não cho thấy, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch não giữa đoạn M1 bên trái.

Ngay lập tức các bác sĩ hội chẩn, để cấp cứu cho bệnh nhân H. Kíp tiêu sợi huyết của khoa Hồi sức cấp cứu Nội kết hợp với kíp lấy huyết khối của khoa Chẩn đoán hình ảnh đã lấy được hoàn toàn huyết khối, tái thông hoàn toàn động mạch não giữa. Kết quả vô cùng ngoạn mục, chỉ 30 phút sau khi làm thủ thuật, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản. Một ngày sau đó, bệnh nhân hết liệt, nói được và đang tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu Nội.

TS, BS Nguyễn Thị Bảo Liên, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Xanh Pôn HN), người đã nhanh chóng thiết lập, liên hệ, kết nối các ê kíp bao gồm kíp lấy huyết khối của Khoa Chẩn đoán hình ảnh và kíp tiêu sợi huyết của Khoa Hồi sức cấp cứu nội; đồng thời trực tiếp chỉ huy kíp hồi sức cấp cứu nội, chia sẻ: “Điều may mắn nhất là bệnh nhân đến viện sớm và được can thiệp kịp thời”.

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Khoa Hồi sức cấp cứu nội cho biết, hiện bệnh nhân H. đã tỉnh tảo, ổn định, đi lại được và có khả năng được ra viện trong vài ngày tới. Riêng về vấn đề nhồi máu não đã xử lí rất tốt, tuy nhiên bệnh nhân sẽ phải thu xếp thay van tim sớm.

Theo các chuyên gia y tế, phương pháp tiêu sợi huyết có hiệu quả mở thông được mạch máu não bị tắc, cải thiện khiếm khuyết thần kinh, giảm tàn tật và tăng khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân sau đột quỵ do nhồi máu não cấp, nhưng muốn có tác dụng thì phải sử dụng trong vòng 3 giờ (giờ vàng) kể từ khi có triệu chứng đầu tiên của đột quỵ. Nên người nhà bệnh nhân lưu ý nếu thấy bệnh nhân có bất cứ dấu hiệu liệt một phần hoặc bán phần, nói ngọng… cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm, nếu không đến kịp trong khoảng “giờ vàng” này, di chứng liệt rất dễ xảy ra.

 

2.    Bệnh viện Nhân dân 115 chữa trị cho bệnh nhân bị nang thận không cần phẫu thuật

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 22/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị Hà (57 tuổi, ở quận 10) muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Nhân dân 115 cụ thể như sau: Bệnh nhân Nguyễn Thị Hà (57 tuổi, ở quận 10) mắc nang thận to gần 10cm đã được các bác sĩ xử trí bằng phương pháp chọc hút thay vì phẫu thuật xuống còn 1,3cm.

Thủ thuật chọc hút, dẫn lưu liên tục để lấy dịch nang thận ra khoang sau phúc mạc qua ống thông JJ là phương pháp điều trị không cần phẫu thuật. Thủ thuật này rất đơn giản, chỉ cần có máy siêu âm và một số dụng cụ y khoa cơ bản các bác sĩ ngoại niệu đều có thể thực hiện được. Chỉ mất 15-30 phút, bác sĩ đã thực hiện xong ca chọc hút cho bệnh nhân.

Đây là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật này và đảm bảo không tái phát. Trong đó trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Hà (57 tuổi, ở quận 10, Tp.HCM) mắc nang thận 10 cm đã được xử trí bằng phương pháp trên. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nang thận trái phát triển lớn gần 10 cm chèn ép các cơ quan nội tạng khác, có nguy cơ vỡ gây nhiễm trùng hoặc biến chứng suy thận. Sau 5 tháng được xử trí, hiện nang thận của bà đã giảm kích thước còn 1,3 cm.

Theo đó, khi dịch được thoát ra ngoài, phần bao quanh nang sẽ xẹp xuống và dính sát đáy nang. Sau 6 tháng dịch trong nang thận sẽ được xử lý dứt điểm, bệnh nhân được rút ống dẫn lưu.

"Sau khi được siêu âm chọc hút nang thận khoảng 20 phút, tôi có thể về luôn trong ngày, không đau đớn, ăn uống đi lại bình thường. Hiện tinh thần thoải mái nên tôi tăng cân, mập mạnh hơn".

Nang thận khi nhỏ không có triệu chứng gì, nhưng khi to sẽ gây đau ở vùng hông lưng có nang, tiểu máu, tăng huyết áp, thận ứ nước do nang chèn ép vào hệ thống đài bể thận. Bệnh xuất hiện ở cả nam và nữ, tăng dần theo tuổi: 0,22-0,55% ở trẻ em, 20% ở tuổi 40, 33% (60 tuổi) và khoảng 40% (trên 80 tuổi).

 

3.    Bệnh viện Hữu Nghị cứu sống ca bệnh hi hữu 92 tuổi bị u nang xoắn buồng trứng

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 22/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân Hà Thị Quỳnh, 92 tuổi – dân tộc Tày (Cao Bằng) muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị cụ thể như sau:  

Bệnh nhân Hà Thị Quỳnh, 92 tuổi – dân tộc Tày (Cao Bằng), chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị trong tình trạng đau bụng dữ dội, bí đại tiểu tiện, bụng to cứng. Chẩn đoán ban đầu là bệnh nhân bị tắc ruột trên bệnh cảnh tiền sử đái tháo đường, lao phổi và đã có tai biến mạch máu não... đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, sau khi chụp chiếu và làm các xét nghiệm, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân có khối u nang xoắn buồng trứng rất to, buộc phải mổ cấp cứu ngay trong đêm.

PGS.TS. Công Quyết Thắng – Trưởng khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Hữu Nghị, Chủ tịch Hội gây mê hồi sức Việt Nam cho biết: Đứng trước một ca bệnh đã cao tuổi trên nền bệnh lý khá phức tạp, khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nếu ở một bệnh nhân trẻ tuổi, thì chỉ định sẽ là gây mê và mổ nội soi. Nhưng đối với bệnh nhân đã lớn tuổi thì không thể dùng biện pháp gây mê được do nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nguy hiểm và khó hồi phục sau mổ.

Do vậy, sau khi hội chẩn, kíp mổ đã lựa chọn cách gây tê tủy sống. Tuy nhiên, việc gây tê cho bệnh nhân cao tuổi cũng là một thách thức bởi bệnh nhân có thể hạ huyết áp rất nhanh.Và đây cũng là ca bệnh lớn tuổi đầu tiên mà kíp mổ thực hiện.Hơn nữa, khe đốt sống hẹp nên việc gây tê không hề đơn giản.Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm trong công tác gây mê hồi sức, các bác sĩ đã quyết định biện pháp giảm liều thuốc gây tê tủy sống và dùng thuốc giảm đau ngoài màng cứng. Biện pháp này vừa giúp kéo dài đủ thời gian cho ca mổ, vừa giúp bệnh nhân giảm đau và giảm nguy cơ tác dụng phụ do thuốc tê (hạ huyết áp nhanh) gây ra cho bệnh nhân.

TS.BS. Hoàng Việt Dũng - Phó trưởng khoa ngoại Bệnh viện Hữu Nghị, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân Hà Thị Quỳnh, cho biết: Nếu với một bệnh lý như vậy ở bệnh nhân còn trẻ thì có thể thực hiện phẫu thuật nội soi, lấy khối u khá đơn giản. Nhưng với trường hợp bệnh nhân đã hơn 90 tuổi, trên nhiều bệnh kèm theo, đặc biệt bệnh lao phổi cho nên không thể gây mê được khí quản để mổ nội soi mà phải gây tê tủy sống. Tuy nhiên gây tê tủy sống lại có hạn chế là đường mổ không được rộng rãi và bụng vẫn co cứng, không giãn cơ như như gây mê và khối u rất to, việc xử lý khối u và ổ bụng khá phức tạp.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các bác sĩ, ca mổ đã thành công. Sau một giờ phẫu thuật, bệnh nhân đã được giải phóng khối u nang buồng trứng xoắn, kích thước khoảng 20x25cm cùng toàn bộ buồng trứng, vòi trứng đã hoại tử và chảy máu. Trong khối u nang xoắn này lại có một khối u khác và chèn ép toàn bộ ruột non, đại tràng... Đây chính là nguyên nhân gây nên tượng bí đại tiểu tiện và tắc ruột, đau bụng dữ dội. Bệnh nhân đã đại tiện được ngay sau khi ca mổ kết thúc .

 

4.    Bệnh viện Xuyên Á phẫu thuật cứu sống cho hai mẹ con sản phụ “thoát hiểm” trong gang tấc

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 22/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân Chị N.T.T. (25 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Xuyên Á cụ thể như sau: Bệnh nhân N.T.T. (25 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) mang thai lần thứ 3, thai nhi được 38 tuần tuổi. Do chị T. đã từng một lần sẩy thai nên gia đình khá lo lắng cho sức khỏe của 2 mẹ con.

Mới đây, chị T. bị vỡ nước ối, gia đình đưa đến cơ sở y tế địa phương thì được tư vấn chuyển viện do tình trạng thai ngôi mông thiếu, ối vỡ sớm. Trên đường chuyển viện, gia đình quyết định đưa thai phụ đến Trạm cấp cứu 115 Bệnh viện Xuyên Á.

Khi vào viện, tình trạng thai nhi có dấu hiệu nguy kịch: tim thai rời rạc, 2 chân thai nhi và dây rốn bị sa (tụt) nằm trong âm đạo, sờ thấy mạch dây rốn rời rạc.

Bác sĩ đã quyết định triển khai quy trình báo động đỏ trong toàn viện giữa các chuyên khoa. Trong vòng 5 phút từ khi tiếp nhận, thai phụ đã được chuyển đến phòng mổ.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ Nhi khoa cũng được điều động phối hợp theo dõi sức khỏe của em bé. Nhờ sự phản ứng nhanh chóng của các bác sĩ , ca mổ đã thành công tốt đẹp, bé gái 2,3kg chào đời thuận lợi. Hiện tại, tình trạng của bé và mẹ đều ổn định, bé khỏe và bú tốt.

BS CKI Trương Thanh Hải, Trưởng khoa Sản - Phụ Khoa cho biết: "Đây là trường hợp mổ rất khẩn cấp. Khi tiếp nhận thì tình trạng thai nhi rất yếu, thời gian càng lâu thì nguy cơ tử vong càng lớn. Việc áp dụng quy trình báo động đỏ nhanh chóng trong ca này có tác dụng rất lớn để chạy đua với thời gian cứu sống thai nhi".

 

5.    Bệnh viện Tai Mũi Họng, TP.HCM điều trị cho bệnh nhân tự xỏ lỗ tai, bị sẹo lồi ở hai tai như cặp trứng ngỗng

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 22/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân N.T.A. (22 tuổi) muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Tai Mũi Họng, TP.HCM cụ thể như sau: bệnh nhân N.T.A. tự xỏ lỗ tai gây nhiễm trùng, tuy đã điều trị nhiều nơi nhưng vết sẹo ở dái tai ngày càng bị lồi ra to hơn quả trứng ngỗng. Nghe nhiều người khích lệ, phụ nữ phải xỏ lỗ tai để sau này đám cưới còn đeo khoen, nên chị N.T.A. (22 tuổi) đã đi xỏ lỗ tai ở góc chợ gần nhà. Thế nhưng sau đó, chị A. cảm thấy dái tai bị đau nhức, sưng nhưng nghĩ rằng vừa xỏ lỗ tai xong nên phải đau. Chị không ngờ khi vết thương lành thì hai bên dái tai xuất hiện những sẹo nhỏ. Chị đến một bệnh viện gần nhà để cắt bỏ. Tuy nhiên sẹo lồi vẫn tái phát và ngày càng to dần. Theo chị A. sẹo ở tai chị chỉ to dần chứ không đau, nhưng vết sẹo khiến chị mất tự tin trong giao tiếp. Chị A. quyết định đến Bệnh viện Tai Mũi Họng, TP.HCM để được các bác sĩ thăm khám kỹ hơn.

ThS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Phó khoa Tạo hình – Thẩm mỹ của bệnh viện cho biết, vết sẹo lồi của chị A. bị sẹo cả hai bên vành tai, có kích thước khá to. Chân sẹo ở tai trái chiếm 2/3 vành tai, sẹo bên tai phải thì chiếm cả nửa vành tai. Đây là trường hợp khó và rất nan giải cho các phẫu thuật viên khi thực hiện cắt bỏ sẹo. Theo ThS.BS Tuấn, nhiều trường hợp vì người lớn tự xỏ lỗ tai dẫn đến trẻ bị nhiễm trùng khiến các bé có thể gặp nhiều biến chứng. Tuy sẹo lồi ít gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vết thương có thể gây hoại tử, viêm sụn, co rút, biến dạng lỗ tai gây mất thẩm mỹ cho các bé gái. Từ đó, các bé sẽ mất tự tin khi lớn lên. Một trong những cách nhận biết nhất khi vết thương bị nhiễm trùng là vùng xỏ lỗ tai sưng tấy, mưng mủ, chảy máu kéo dài, dịch tiết có mùi hôi, nóng sốt,…Sau đó sẹo lồi có thể xuất hiện, hầu hết những sẹo này đều lành tính nhưng gây ngứa, đau nhức, giật nhẹ, co kéo. 

ThS.BS Nguyễn Anh Tuấn, rất nhiều trường hợp xỏ lỗ tai bằng phương pháp dân gian gây biến chứng khiến người bệnh thiếu tự tin trong giao tiếp

ThS.BS Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo: "Nếu muốn xỏ lỗ tai cho các bé, gia đình nên đưa bé đến các cơ sở y tế để bé được xỏ lỗ tai đúng cách. Bên cạnh đó, gia đình cũng nên tuân thủ những hướng dẫn của nhân viên y tế trong việc chăm sóc vết thương sau xỏ lỗ tai để tránh biến chứng sau này, sau khi xỏ lỗ tai, ngoài chỉ y khoa, tuyệt đối không dùng bất kỳ vật gì để xiên qua nơi đã xỏ. Ngoài ra, không dùng lá cây, tro, kem đánh răng,… bôi vào vết xỏ vì rất dễ bị nhiễm trùng".

 

6.    Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ điều trị thành công cho bệnh nhân bị xương cá đâm thủng ruột non

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 22/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân N.B.T (48 tuổi, ngụ huyện Tam Bình, Vĩnh Long) muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cụ thể như sau: bệnh nhân N.B.T (48 tuổi, ngụ huyện Tam Bình, Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng đau bụng cấp. Theo bệnh nhân, trước khi nhập viện 3 ngày có ăn canh chua nấu với cá tai tượng, không ăn thức ăn lạ. Sau khi ăn cơm bệnh nhân bị đau bụng, người nhà có mua thuốc giảm đau để uống nhưng vẫn không hết mà ngày càng đau nặng hơn.

Sau khi nhập viện, bệnh nhân được thăm khám, siêu âm, các BS chẩn đoán bệnh nhân T. bị viêm phúc mạc nghi do viêm ruột thừa vỡ. Tuy nhiên, khi nội soi vào ổ bụng thì thấy ổ bụng có mủ và giả mạc; ruột thừa bị viêm thứ phát, đoạn cuối ruột non bị xương cá đâm thủng; một phần xương cá nằm trong ổ bụng, một phần nằm trong lòng ruột. Các BS tiến hành nội soi lấy xương cá có kích thước 0,3x4cm, đồng thời khâu lại lỗ thủng ruột non.  

Theo BS La Văn Phú, trước đây, trường hợp như thế này phải mổ hở lấy xương và khâu ruột. Bây giờ nhờ ứng dụng phẫu thuật nội soi nên bệnh nhân tránh được mổ hở đường dài. Sau mổ ít đau, ít biến chứng nhiễm trùng vết mổ và mau hồi phục. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn, ăn cháo và đi lại được, mai mốt có thể xuất viện.

 

7.    Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam gắp đỉa sống dài hơn 5 cm trong thanh, khí quản bệnh nhi 13 tuổi

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 22/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân Bríu K. M. (13 tuổi, dân tộc Cơtu, trú xã Axan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cụ thể như sau: Theo người nhà bệnh nhi, trước khi nhập viện cháu Bríu K. M. (13 tuổi, dân tộc Cơtu ,trú xã Axan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đi theo cha mẹ lên rẫy và có uống nước suối. Những ngày sau, cháu M. có biểu hiện ho, khạc ra máu, khàn giọng và khó thở từng cơn.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đã tiến hành khám nội soi thì phát hiện có một con đỉa còn sống nằm trong thanh, khí quản của bệnh nhi.

Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành nội soi gắp ra con đỉa no máu, dài hơn 5 cm ở trong lòng khí quản của cháu M. Hiện sức khỏe cháu M. tiến triển tốt.

Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, cho biết qua nội soi đã gắp thành công con đỉa sống trong lòng thanh, khí quản của một bệnh nhi Bríu K. M (273).

 

 

 

 

 

8.    Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh phẫu thuật nội soi thắt ống phúc tinh cho 2 bệnh nhi

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 22/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân Lài Thị Q. (3 tuổi, trú tại xã Tình Húc, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) và bé Bùi Trường S. 2 tuổi, trú tại xã Đông Ngũ huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cụ thể như sau: Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận 2 bệnh nhi là bé Lài Thị Q. (3 tuổi, trú tại xã Tình Húc, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) và bé Bùi Trường S. 2 tuổi, trú tại xã Đông Ngũ huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh). Các bé đều nhập viện trong tình trạng có khối phồng ở bẹn to lên khi quấy khóc, khi chạy nhảy hay gắng sức.

Các bệnh nhi được tiến hành xét nghiệm, siêu âm và chụp X-quang, kết quả cho thấy vị trí ống bẹn phải có khối thoát vị, kích thước khá to. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn chuyên khoa và chẩn đoán các bé bị thoát vị bẹn, đồng thời chỉ định phẫu thuật nội soi thắt ống phúc tinh mạc cho các bệnh nhi. 

Đây là phương pháp can thiệp ít, đường mổ nhỏ, tính thẩm mỹ cao, bệnh nhân đau ít, có thể đi lại sau vài tiếng đồng hồ. Cả 2 ca mổ đều tiến hành trong thời gian rất ngắn, do BS. Nguyễn Quốc Hùng và BS., Bùi Hải Nam Nam trực tiếp phẫu thuật. Ca mổ đầu tiên mất 15 phút, ca thứ 2 chỉ còn 10 phút.

Theo BS. Nguyễn Quốc Hùng, thoát vị bẹn là dị tật bẩm sinh do còn ống phúc tinh mạc nên khi tăng áp lực ổ bụng, ruột chui xuống bìu. Nếu không phẫu thuật kịp thời, nếu ruột chui xuống, bị nghẹt lại dễ gây nguy cơ hoại tử ruột .

 

9.    Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh phẫu thuật thành công cho sản phụ có 2 tử cung hiếm gặp

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 22/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị Ánh (trú tại phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh) muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cụ thể như sau: Trước đó, sản phụ Nguyễn Thị Ánh (trú tại phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh) mang thai tuần thứ 35 thì xuất hiện tình trạng đau bụng từng cơn ở vùng thượng vị và hạ sườn nên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.

Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh phát hiện sản phụ có chảy máu trong ổ bụng do rau cài răng lược, ăn xuyên cả đáy tử cung…. Các bác sỹ xác định đây là một trường hợp hiếm gặp, khó chẩn đoán, khó xử lý.

Sau khi hội chẩn, các bác sỹ Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh phối hợp với bác sỹ Daniel Derval (Cộng hòa Pháp), chuyên gia sản phụ khoa (hiện đang công tác tại Bệnh viện ĐK tỉnh Hà Tĩnh) đã tiến hành phẫu thuật mổ bắt con.

Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, cả hai mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Ánh (trú tại phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh) đều an toàn. Hiện tại sức khỏe của sản phụ Nguyễn Thị Ánh (trú tại phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh) đã ổn định, còn cháu bé chỉ nặng 1900 gam đang được chăm sóc tại khoa Nhi do sinh non. Dự kiến hai mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Ánh (trú tại phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh) sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, tử cung đôi là hiện tượng có 2 tử cung trong một hệ cơ quan sinh dục của nữ giới. Nguyên nhân dẫn đến tử cung đôi thường do yếu tố bẩm sinh. Đây là một dị dạng rất hiếm gặp và ảnh hưởng rất lớn tới khả năng sinh sản của nữ giới. Thai phụ có tử cung đôi có thể có nguy cơ sinh khó, vì khi mang thai tử cung chứa bào thai lớn lên, tử cung còn lại chỉ lớn hơn bình thường 1 chút.

“Những thai phụ nếu đã phát hiện mình mang tử cung đôi, cần tăng cường nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng, không căng thẳng quá mức. Nếu có dấu hiệu bất thường thì phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời” Bác sỹ Bác sỹ Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh khuyến cáo.

 

10.   Bệnh viện công, tư bắt tay cứu anh xe ôm bị nhồi máu cơ tim

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 22/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân LVD (53 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP.HCM)  muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ BV Đa khoa khu vực Hóc Môn và BV Đa khoa Xuyên Á cụ thể như sau: Trước đó, ngày 2-5, BV Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) tiếp nhận anh D. trong tình trạng đau thắt ngực và khó thở. Anh D. cho biết hiện chạy xe ôm và nghiện thuốc lá nặng. Anh cũng đã nhiều lần bị tăng huyết áp.

Chẩn đoán anh D. bị nhồi máu cơ tim cấp thành trước và có biến chứng rung thất, các bác sĩ tiến hành sốc điện để bình ổn nhịp tim. Sau đó BV Đa khoa khu vực Hóc Môn kích hoạt quy trình báo động đỏ liên viện với BV Đa khoa Xuyên Á.

Tại BV Đa khoa Xuyên Á, bệnh nhân được xử lý can thiệp mạch máu động mạch vành. Các bác sĩ tiến hành chụp, nong và đặt stent động mạch vành bên trái và đã thành công.

Một bác sĩ của BV Xuyên Á cho biết bệnh nhân D. đã được cứu sống, hồi phục sức khỏe và có thể lao động bình thường nhờ quy trình báo động đỏ liên viện. Nếu chậm trễ, anh D. có thể bị biến chứng nặng do nhồi máu cơ tim cấp, thậm chí tử vong.

BV Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) cho biết sức khỏe bệnh nhân LVD (53 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã ổn định và có thể xuất viện trong hai ngày tới .​


Thăm dò ý kiến