TIN BÀI ĐĂNG TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ Y TẾ NGÀY 20/6/2017

20/06/2017 | 15:44 PM

 | 

I. THÔNG TIN BIỂU DƯƠNG, KHEN THƯỞNG CÁC TẬP THỂ, CÁ NHÂN

1.    Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cấp cứu thành công cho sản phụ tự đỡ đẻ khiến con nguy kịch

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 20/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân sản phụ người dân tộc Ma Kong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ  Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cụ thể như sau: Chuyển dạ tại nhà, thấy đầu con lồi ra mà không rặn được, người mẹ dùng tay bóp vào đầu bé kéo mạnh ra khiến trẻ rách một miếng da đầu và lún mảnh xương sọ. Theo gia đình, vì nhà xa trạm y tế, sản phụ lại chuyển dạ vào đêm khuya nên người nhà không kịp đưa đến trạm y tế mà để tự sinh tại nhà. Trong khi người chồng chạy đi gọi cán bộ y tế, người mẹ ở nhà trong quá trình chuyển dạ thấy đầu bé lồi ra nhưng không rặn sinh được nên đã dùng tay bóp vào đầu trẻ kéo mạnh ra ngoài.

Ba ngày sau khi sinh, bé sốt cao bỏ bú, người nhà đưa đến trạm xá để xin thuốc thì được bác sĩ yêu cầu phải đưa đi viện cấp cứu.

Trẻ được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới trong tình trạng nguy kịch, sốt cao, khó thở, bỏ bú, người teo đét, nhiễm trùng sơ sinh nặng, vết thương vùng đỉnh đầu rỉ máu. Chụp X-quang, các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới phát hiện một mảnh xương vùng đỉnh phải của bé kích thước khoảng 1,5x1 cm đã bị tiêu xương.

Sau khi hồi sức tích cực cho bé, các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới xử lý khâu vết thương. Hiện trẻ đã qua cơn nguy kịch và được chăm sóc đặc biệt.

Đây là lần sinh con thứ ba của sản phụ. Hai lần đầu chị cũng tự sinh con ở nhà. Các bác sĩ khuyên thai phụ nên khám thai định kỳ và quản lý quá trình thai nghén tốt. Khi có dấu hiệu chuyển dạ, sản phụ nên đến các trạm y tế gần nhất để sinh con, tránh sinh ở nhà có nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của mẹ lẫn con .

2.    Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ phẫu thuật cắt khối u buồng trứng nặng 12 kg

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 20/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân H.A.L (45 tuổi, ở huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ cụ thể như sau:

Bệnh nhân là chị H.A.L (45 tuổi, ở huyện Trà Ôn, Vĩnh Long), nhập viện ngày 10-4 trong tình trạng đau vùng hạ vị, bụng to.

Bệnh nhân được chẩn đoán khối u buồng trứng chèn ép, sau khi hội chẩn các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cắt khối u nặng 12 kg, toàn bộ tử cung, hai phần phụ.

Gia đình bệnh nhân cho biết chị L. đã phát hiện khối u từ khoảng một năm trước, tuy nhiên chị không đến bệnh viện điều trị mà đi hốt thuốc nam để trị tại nhà. Đến gần đây bụng ngày càng to dần, đau nên mới đến bệnh viện Ung bướu Cần Thơ khám.

Bác sĩ Huỳnh Thảo Luật - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ cho biết bệnh viện đã phẫu thuật cắt khối u buồng trứng nặng đến 12 kg cho một nữ bệnh nhân H.A.L (45 tuổi, ở huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) .

3.       Bệnh viện Tai – Mũi – Họng thành phố Hồ Chí Minh vá lỗ thủng màng nhĩ rộng bằng… giấy

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 20/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân nữ 32 tuổi, nhà ở Bình Thuận muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Tai – Mũi – Họng thành phố Hồ Chí Minh cụ thể như sau: Bệnh nhân nữ 32 tuổi đến khám tại khoa Tai – Mũi – Họng vì dạo gần đây bị chảy tai, nghe kém bên trái. Bệnh nhân được nội soi phát hiện màng nhĩ thủng rộng 1/2 màng căng, có mãng vôi hoá, X-quang xương chũm còn thông bào tốt. Sau thăm khám bệnh nhân được chỉ định vá nhĩ qua gây mê nhưng không đủ điều kiện kinh phí mổ.

 “Các bác sĩ tiến hành bàn bạc rồi quyết định vá nhĩ giấy trước. Mặc dù tỉ lệ thành công trong những trường hợp này rất thấp (dưới 10%) vì lỗ thủng lớn. Thêm vào đó bệnh nhân thủng nhĩ do viêm tai giữa, lâu ngày rìa lỗ thủng cuộn mép gây khó khăn cho việc vá. Tuy nhiên sau 4 tuần, ca phẫu thuật thành công hơn mong đợi, màng nhĩ của bệnh nhân trở lại lành nguyên vẹn” – BS Hớn cho hay.

Được biết, màng nhĩ là một màng mỏng, ngăn cách tai ngoài và tai giữa, có chức năng tiếp nhận sóng âm giúp âm thanh được đẫn truyền vào tai giữa, tai trong đến cơ quan thụ cảm thính giác nằm ở thân não. Vì vậy khi màng nhĩ bị thủng sẽ giảm sức nghe khoảng 30dB. Ngoài ra, màng nhĩ bảo vệ không các yếu tố gây bệnh như vi trùng, vi nấm vào trong tai giữa từ tai ngoài. 

Hiện nay, có rất nhiều nguyên nhân gây thủng nhĩ nhưng thường gặp nhất là do chấn thương như ngoáy tai, tát tai, thợ lặn...Tùy thuộc vào bệnh nhân, kích thước lỗ thủng, chức năng vòi tai cũng như việc gìn giữ vệ sinh của mỗi người sẽ có kết quả lành màng nhĩ khác nhau. Tỷ lệ tự lành chiếm khoảng 75-85%. Ở bệnh nhân lớn tuổi lớp sợi thoái hóa nhiều nên tỷ lệ thành công sẽ thấp hơn. Ngoài ra thủng màn nhỉ còn do viêm tai không điều trị gây thủng nhĩ, và một vài nguyên nhân ít gặp khác.

Trong nhiều trường hợp thủng màng nhĩ, tùy vào nguyên nhân mà cách điều trị cũng sẽ khác nhau. Việc vá nhĩ bằng giấy và vỏ tỏi đã được thực hiện từ lâu. Đây là phương pháp đơn giản, ít tốn kém nhất, chỉ đặt thuốc tê tại chỗ và có thể về ngay. Nhưng tỷ lệ thành công thấp nhất (30-50%). Do đó, không phải tất cả các trường hợp thủng nhĩ đều có thể áp dụng kỹ thuật này. Tùy bệnh tích, mỗi bệnh nhân sẽ có phương pháp phẫu thuật tai phù hợp. Vì vậy để được chỉ định điều trị đúng, bệnh nhân nên đến những BV uy tín, để được tư vấn kỹ càng và có những chỉ định phù hợp tránh lãng phí” – BS Hớn khuyến cáo . 

4.    Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh phẫu thuật thành công cho bé 16 tháng tuổi mắc bệnh tim

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 20/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân Tạ Trà M. (16 tháng tuổi, trú tại phường Cao Thắng, TP Hạ Long muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cụ thể như sau: Bệnh nhi Tạ Trà M. (16 tháng tuổi, trú tại phường Cao Thắng, TP Hạ Long nhập viện trong tình trạng bị dị tật tim bẩm sinh

Các bác sĩ đã kiểm tra và chẩn đoán bé bị thông liên thất, là bệnh tim bẩm sinh hay gặp nhất sau dị tật bẩm sinh ở van động mạch chủ.

Theo các chuyên gia, trẻ bị dị tật này thường chậm lớn và có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử trí sớm

Sau khi họp bàn, ekip mổ với sự hỗ trợ của chuyên gia hàng đầu về can thiệp tim mạch PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, phó giám đốc Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiến hành phẫu thuật tim cho bệnh nhi. 

Kỹ thuật được sử dụng là bít thông liên thất bằng dụng cụ qua da. Sau ca mổ, bé đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực.

5.    Bệnh viện Xuyên Á vừa phẫu thuật thành công ca giãn phế quản do lao phổi

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 20/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân N.M.C. (56 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi) muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Xuyên Á cụ thể như sau: bệnh nhân N.M.C. (56 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi), nhập viện trong tình trạng bị ho ra máu lâu ngày do biến chứng của giãn phế quản thùy trên và giữa phổi phải.

Trước đó, ông C. từng bị bệnh lao phổi kèm theo đái tháo đường, đã điều trị nội khoa nhưng không có kết quả. Bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, sức khỏe suy kiệt. Qua thăm khám và các xét nghiệm chi tiết, các bác sĩ đã xác định bệnh nhân có biến chứng giãn phế quản khu trú thùy trên và có máu tươi chảy ra từ phế quản thùy trên.

Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân ho ra máu, cần được phẫu thuật sớm nhằm tránh nguy cơ ho ra máu ồ ạt gây nghẽn đường thở, thậm chí gây tử vong.

Sau 2 giờ phẫu thuật (ảnh), các bác sĩ quyết định cắt thùy trên và thùy giữa phổi phải điển hình, khâu mỏm cắt phế quản thùy trên và giữa, khâu nhu mô phổi thùy dưới, khâu cầm máu các mỏm cắt động mạch phổi và tĩnh mạch phổi thùy trên, giữa. Hiện tại tình trạng bệnh nhân đã ổn định.

6.       Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh nối mật ruột thành công cho bé gái 3 tháng tuổi

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 20/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân A (phường Hải Hòa, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cụ thể như sau: Bệnh nhân A (phường Hải Hòa, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng vàng da, vàng mắt, đại tiện phân bạc màu... Các bác sĩ đã cho bé làm các xét nghiệm, siêu âm và chụp cắt lớp. 

Kết quả cho thấy ống mật chủ bị giãn thành nang, thành mỏng. Các bác sĩ khẩn trương tiến hành hội chẩn chuyên khoa và chẩn đoán bé bị nang ống mật chủ có rối loạn đông máu, nên đã chỉ định phẫu thuật cắt nang ống mật chủ và nối mật ruột quai Y cho bệnh nhi.

Kíp mổ do TS. Phạm Duy Hiền, Ths. Bùi Hải Nam đã tiến hành ca phẫu thuật trong hơn ba giờ đồng hồ, dưới sự giúp đỡ của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương. Cuối cùng bệnh nhi đã được cắt nang ống mật chủ và nối mật ruột quai Y thành công.

Bác sĩ Phạm Duy Hiền cho biết, đây là ca bệnh đặc biệt khó với trẻ nhỏ do phẫu trường rất nhỏ, khó thao tác. Nang ống mật chủ là do bẩm sinh, bệnh nhân bị dị dạng đường mật. Nếu không phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân sẽ bị viêm nhiễm, có thể dẫn đến sỏi mật, tắc mật và lâu dài dẫn đến xơ gan và có nguy cơ bị biến chứng như viêm tụy cấp, viêm mật cấp, viêm phúc mạc .

7.    Bệnh viện Bạch Mai nút mạch chữa bệnh đi tiểu 9 – 10 lần một đêm của quý ông

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 20/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân bệnh nhân nam 71 tuổi muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai cụ thể như sau: Bệnh nhân được gia đình đưa vào viện trong tình trạng bí tiểu cấp. Ông đã có tiền sử 10 năm bị phì đại tuyến tiền liệt, uống thuốc không cải thiện nhưng vẫn cố duy trì. Từng ấy năm bệnh nhân trải qua những đêm ngủ không ngon bởi có những đêm dậy 10 lần đi vệ sinh do luôn bị bí tiểu, tiểu không hết bãi.

Sau khi vào viện, bệnh nhân được đặt ống thông tiểu, tiến hành các xét nghiệm loại trừ nguy cơ ung thư. Thể tích u tuyến tiền liệt xác định khoảng 81gram – với trọng lượng này không thể tiến hành mổ vì nguy cơ chảy máu cao. Bệnh nhân được tiến hành can thiệp nút phì đại tuyến tiền liệt cả hai bên.

Ngay sau khi nút mạch một ngày, triệu chứng lâm sàng của người bệnh giảm rõ rệt, giảm số lượng lần tiểu đêm. Bệnh nhân đã được ra viện và sẽ tái khám sau 1 tháng để đánh giá u xơ nhỏ đi như thế nào.

TS.BS Nguyễn Xuân Hiền, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (BV Bạch Mai) cho biết, đây là một kỹ thuật mới được áp dụng tại BV Bạch Mai. Đây là ca bệnh thứ 133 được nút mạch thành công tại bệnh viện.

Bệnh phì đại tuyến tiền liệt là bệnh lý phổ biến ở nam giới khi về già. Tuyến tiền liệt bị phì đại, gây chèn ép vào cổ bàng quang (đường đi tiểu) là nguyên nhân gây tiểu rắt, bí tiểu, đi tiểu nhiều. Có những bệnh nhân một đêm đi tiểu 9-10 lần. Người bệnh rất khó chịu vì cảm giác đi tiểu nhưng không hết, thường phải “rặn” mà dòng tiểu rất yếu.

Trong khi đó uống thuốc, thậm chí phẫu thuật với nhiều người vẫn không giải quyết được tình trạng bí tiểu, hoặc tiểu quá nhiều do phì đại tuyến tiền liệt.

Theo GS.TS Phạm Minh Thông, Phó giám đốc BV Bạch Mai, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, nút mạch chữa phì đại tuyến tiền liệt là phương pháp xâm lấn tối thiểu, giúp thể tích tuyến tiền liệt nhỏ đi không chèn ép vào cổ bàng quang, không kích thích vào cổ bàng quang để bệnh nhân không bị bí đái, không đi đái nhiều lần.

Với phì đại tuyến tiền liệt, người bệnh có thể uống thuốc, phẫu thuật. Với điều trị thuốc, người bệnh uống hàng năm (chi phí trung bình 1 triệu/tháng) nhưng nhiều trường hợp triệu chứng giảm chậm, vẫn còn hiện tượng bí đái và thuốc cũng có những tác dụng phụ nhất định như hạ huyết áp, rối loạn cương dương. Còn với phẫu thuật, nếu u to quá 80gram thì không được chỉ định làm vì nguy cơ chảy máu rất cao. Trong phẫu thuật bệnh nhân có nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng, nằm viện từ 5 – 7 ngày sau mổ. Chưa kể, một số trường hợp gặp các vấn đề liên quan đến sinh lý như xuất tinh ngược, tiểu tiện không tự chủ sau phẫu thuật.

 

8.    Bệnh viện Xuyên Á can thiệp điều trị cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 20/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân T.T.S. (88 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi) muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Xuyên Á cụ thể như sau: Trước đó, cụ bà S. được gia đình đưa vào Trạm cấp cứu 115 BV Xuyên Á trong tình trạng suy kiệt, mệt mỏi, tăng huyết áp, bị đau thắt ngực và khó thở. Kết quả xác định cụ S. bị nhồi máu cơ tim cấp. Mặc dù đã được điều trị bằng thuốc, nhưng tình trạng bệnh nhân đáp ứng kém: vẫn còn đau ngực, khó thở và men tim tiếp tục tăng. Vì thế, bệnh nhân cần phải được can thiệp cấp cứu. Kết quả chụp DSA cho thấy, nhánh động mạch vành bên trái của bệnh nhân hẹp khít 90% - 95%, nhánh động mạch vành bên phải bị tắc nghẽn hoàn toàn.

Các bác sĩ Trung tâm Can thiệp tim mạch Bệnh viện Xuyên Á nhanh chóng tiến hành can thiệp mở thông và đặt stent động mạch vành bên phải. Ca can thiệp diễn ra thành công. Sau can thiệp, động mạch vành phải của bệnh nhân đã khôi phục dòng chảy bình thường. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định.

Bệnh viện Xuyên Á cho biết đây là một trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, bị nhồi máu cơ tim cấp nguy hiểm đến tính mạng đã được Bệnh viện điều trị thành công .

9.    Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phối hợp liên chuyên khoa thực hiện cuộc phẫu thuật cứu  sống kỳ diệu của bé gái nặng 850g mang trọng bệnh

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 20/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân (bé gái nặng 850g mang trọng bệnh) muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Nhi Đồng 1 cụ thể như sau: Chào đời khi mới được 31 tuần tuổi với cân nặng chỉ đạt 850g lại mang trong mình bệnh tim bẩm sinh phức tạp, hy vọng sống của bé gái trở nên rất mong manh. Nỗ lực của bác sĩ đã giúp cháu hồi phục kỳ diệu trở về với gia đình.

Sau khi cất tiếng khóc chào đời tại bệnh viện phụ sản với cân nặng chỉ được 850g, bé gái con chị Trương Thị Hoa Mỹ (quê Vĩnh Long) đã phải chuyển sang bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng rất nguy kịch. Qua các kết quả thăm khám, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xác định bệnh nhi bị hẹp eo động mạch chủ khiến cơ thể không đủ máu nuôi dưỡng, nửa thân người phía dưới liên tục thiếu máu.

Trước nhiều nguy cơ như suy thận, suy đa cơ quan, viêm phổi, nhiễm trùng... đe dọa trực tiếp đến sinh mạng bệnh nhi, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phối hợp liên chuyên khoa thực hiện cuộc phẫu thuật chưa từng có tiền lệ trong lịch sử bệnh viện. Trên bệnh nhi sinh non, cơ thể “bé xíu” nhưng các bác sĩ đã đặt thành công catheter động mạch (đùi và tay), đặt nội khí quản, gây mê.

Trong khoảng thời gian hơn 20 phút (kéo dài hơn bệnh nhi sẽ tử vong trên bàn mổ vì tăng áp lực động mạch), ê kíp phẫu thuật tiến hành mở lồng ngực, tiếp cận tim, kẹp động mạch. Dù phải chạy đua từng phút với tử thần nhưng các bác sĩ vẫn tỉ mẫn đến từng chi tiết nhỏ, thực hiện thao tác cắt đoạn hẹp ống động mạch chủ nối thành công ống động mạch chủ cho bệnh nhân.

Vượt qua cuộc mổ, cháu bé tiếp tục bước vào quá trình hồi sức hậu phẫu với nhiều nguy cơ cao. Tuy nhiên, những lo lắng từ phía bác sĩ và gia đình dần lắng dịu khi chỉ sau 1 tuần, bản năng sống đã giúp cháu bình phục kỳ diệu, bệnh nhân từng bước cai được thuốc trợ tim, thuốc vận mạch, cai máy thở, ăn được sữa.

Hơn 1 tháng kể từ khi phẫu thuật, BS Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, cân nặng của bé đã đạt 1,74kg bằng cân nặng của thai nhi khi được 37 tuần tuổi. Hiện các chỉ số sinh hiệu của bệnh nhi đã ổn định như trẻ bình thường, bệnh viện quyết định cho bé xuất viện về với gia đình .

10. Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cứu sống bệnh nhân 'hoại thư sét đánh vùng dương vật' hiếm gặp

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 20/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân Nguyễn Minh H. (SN 1954, quê tỉnh Tiền Giang) muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh cụ thể như sau: BS CKII Vũ Hữu Thịnh (khoa Tạo hình - Thẩm mỹ, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết khoa Cấp cứu của bệnh viện vừa tiếp nhận nam bệnh nhân Nguyễn Minh H. (SN 1954, quê tỉnh Tiền Giang).

Bệnh nhân H. nhập viện trong tình trạng vùng bìu sưng to gấp 5 lần bình thường, đau liên tục 3 ngày mà không thuyên giảm, có mảng da hoại tử đen vùng bìu khoảng 10cm, viêm tấy đỏ lan xuống mông, hai bên cạnh hậu môn, lan rộng lên trên hai bên hông kèm sốt. Người bệnh được siêu âm bìu hai bên thấy hoại tử sinh hơi mô mềm bìu lan ra tầng sinh môn. Siêu âm phần mềm vùng tầng sinh môn thấy phù nề, dịch len lỏi kèm hơi lan tỏa trong mô mềm vùng gốc bìu, lan ra phần mềm xung quanh tầng sinh môn, không thấy ổ tụ dịch khu trú.

Hình ảnh MRI cho thấy các ổ áp-xe nhiều ngóc ngách lan rộng trong vùng tầng sinh môn, trong khoang mỡ quanh hậu môn, trong bó dưới da cơ thắt ngoài, trong khoang gian cơ thắt, trong mô mềm vùng mông, vùng gốc bìu, trong hố ngồi trực tràng, quanh ống hậu môn đến cơ nâng hậu môn. Đây là trường hợp điển hình của bệnh lý hoại tử Fournier. Hoại thư sinh hơi (hoại tử) Fournier là một bệnh hiếm gặp, bệnh được phát hiện năm 1883 trên 5 trường hợp ở nam giới bởi một bác sĩ tên là Jean Alfred Fournier. Bệnh được mô tả như “Hoại thư sét đánh vùng dương vật”. Tuy nhiên, bệnh này không chỉ xảy ra ở nam giới, mà còn có thể xảy ra ở nữ giới và trẻ em. Đây là bệnh hiếm gặp, diễn tiến chậm nhưng biểu hiện rất nhanh, đột ngột, đe dọa đến tính mạng. Biểu hiện của bệnh là nhiễm trùng lan nhanh vùng tầng sinh môn, bộ phận sinh dục và quanh hậu môn.

Người bệnh được mổ cấp cứu khẩn với sự phối hợp liên chuyên khoa của bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) là Tiết niệu, Ngoại Tổng quát và Tạo hình – Thẩm mỹ. Trong đó, khoa Ngoại Tổng quát thực hiện cắt lọc – đặt hậu môn nhân tạo ra da, khoa Tiết niệu thực hiện cắt lọc, cắt bỏ da bìu hoại tử – mở bàng quang ra da.

Khoa Tạo hình – Thẩm mỹ điều trị chăm sóc vết thương, tránh nguy cơ hoại tử hai tinh hoàn - đặt VAC (điều trị hỗ trợ bằng máy hút áp lực âm); đóng vết mổ, che phủ tinh hoàn càng sớm càng tốt, đảm bảo không làm tổn thương chức năng sinh lý của tinh hoàn; đối với da vùng bìu mất hoàn toàn, lộ hai tinh hoàn hai bên, không thể khâu đóng trực tiếp thì sử dụng vạt da cân tại vùng bẹn thay thế cho da bìu để che phủ hoàn toàn hai tinh hoàn. Hiện, người bệnh đã hồi phục, vết mổ đã lành, có thể tự đi lại, vùng bìu mất da lộ tinh hoàn đã được che phủ hoàn toàn.

11.  Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh mổ cứu sống sản phụ và thai nhi trong ca bệnh hiếm gặp

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 20/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị Sắn, trú tại khu Đống Vông, phường Cộng Hòa (thị xã Quảng Yên) muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cụ thể như sau: bệnh nhân Nguyễn Thị Sắn nhập viện

trong tình trang thai đa ối, thai nhi bị cuồng động nhĩ, suy thai và được chuyển mổ cấp cứu ngay sau đó. Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh đã mổ cấp cứu cứu sống sản phụ Nguyễn Thị Sắn, trú tại khu Đống Vông, phường Cộng Hòa (thị xã Quảng Yên) và phẫu thuật thành công thai nhi vừa chào đời bị cuồng động nhĩ bẩm sinh -  ca bệnh hiếm gặp và nguy kịch. Sản phụ Sắn nhập viện trong tình trạng mang thai lần 3, thai nhi hơn 36 tuần tuổi và kèm theo đau bụng. Sau khi chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện phát hiện sản phụ đa ối, thai nhi bị cuồng động nhĩ, suy thai và được chuyển mổ cấp cứu ngay sau đó. Một bé gái chào đời nặng 3,3kg. Tuy nhiên, do nhịp tim nhanh, phản xạ sơ sinh yếu, môi chi tím nhẹ, phổi hai bên thông khí kém, cho nên bé được các bác sĩ khoa sơ sinh chuyển xuống phòng mổ theo dõi.

Khi tiến hành khám tổng thể ban đầu, các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh phát hiện bé sơ sinh bị cuồng động nhĩ bẩm sinh. Nếu không can thiệp kịp thời, nguy cơ bé tử vong rất cao. Đây là một ca bệnh hiếm gặp và rất nguy kịch, bé có thể tử vong do suy tim nếu cơn nhịp nhanh không được kiểm soát hoặc có thể đột tử bất cứ lúc nào nếu xuất hiện loại loạn nhịp nguy hiểm. Bà Nguyễn Thu Hà - Trưởng khoa sơ sinh, bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Đến ngày sinh, sản phụ lên bệnh viện khám, phát hiện ra nhịp tim của em bé không ổn, nhanh hơn so với bình thường. Chúng ta thường gọi bệnh này là cuồng động nhĩ; nhịp nhĩ gấp đôi nhịp thất lâu dần dẫn đến suy tim. Đối với trường hợp này trẻ rất nguy hiểm và có thể có nguy cơ tử vong ngay từ trong bụng mẹ. Người mẹ mang con như thế mà không biết kịp thời thì thai có thể tử vong trong bụng mẹ; sẽ có những biến chứng thai lưu ảnh hưởng đến mẹ”.

Sau khi được phẫu thuật, hiện tại bé đã ổn định, tim đập đều, phổi nở tốt, các thông số đảm bảo và được các bác sĩ chăm sóc, theo dõi đặc biệt tại khoa sơ sinh .

12.  BV Tai Mũi Họng TƯ, BV Bạch Mai và BV Việt Đức cứu sống bé trai bị cành cây đâm rách động mạch cảnh, gây áp xe phức tạp

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 20/6/2017, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân Đặng Hải P. (5 tuổi, quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ các bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ, BV Bạch Mai và BV Việt Đức cụ thể như sau: Bệnh nhi Đặng Hải P. (5 tuổi, quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) nhập viện sau cú ngã vào hàng rào lúc đang chơi đùa. ThS.BS Trần Hữu Thắng, Phụ trách Khoa Cấp cứu, BV Tai Mũi Họng TƯ cho biết, thông thường, dị vật đâm thẳng vào trong họng và thường để lại tổn thương phía sau (xuyên qua màn hầu, thành sau họng và cân trước sống) nhưng ở trường hợp này, cành cây lại đâm xuyên ngang từ họng lên trên và mạnh tới mức gãy làm đôi; sau đó tiếp tục đâm sâu sát nền sọ làm rách ĐMC trong.

Lúc đầu, khi BN mới được đưa đến viện, qua thăm khám, các bác sĩ không thấy tổn thương sâu mà chỉ thấy vết rách màn hầu, dị vật đâm vào cực trên amidan. BN đã được khâu tổn thương, sức khỏe ổn định và được xuất viện. Tuy nhiên, sau khi trở về nhà, cháu P. đột ngột nôn ra máu và rơi vào tình trạng hoảng loạn. Gia đình đưa cháu P. trở lại BV lần 2 để thăm khám. Các bác sĩ đã nhanh chóng cho kiểm tra lại tình trạng BN, thấy vết khâu màn hầu có xu hướng liền sẹo tốt. Tuy nhiên, khi tiến hành nội soi vùng họng thì phát hiện bệnh tích trên vòm – niêm mạc trần vòm giãn ra như sao và nhận định đây có thể là triệu chứng của bệnh giãn mao mạch niêm mạc đường hô hấp trên. BN được điều trị cho đến khi ổn định và ra viện.

Sau ca mổ, quá trình hậu phẫu cho BN cũng được giám sát chặt chẽ để tránh tai biến. Đến nay sau gần 2 tháng điều trị, tình trạng BN tiến triển tốt, BN từ chỗ nguy kịch và có nguy cơ liệt nửa người đã có thể ổn định sức khỏe, vận động nhẹ nhàng tốt. Hiện các bác sĩ đang tiến hành nâng cao thể trạng cho P. để cháu có thể nhanh chóng xuất viện trong vài ngày tới. Có được thành công của ca mổ hi hữu này, theo ThS. Thắng, đó là do có sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp, sát sao, theo dõi từng diễn biến ca bệnh của PGS.TS Võ Thanh Quang, GĐ BV Tai Mũi Họng TƯ. Đến khi sức khỏe BN ổn định, PGS. Quang đã đến tận giường bệnh thăm hỏi và động viên cháu bé và gia đình. Bên cạnh đó là sự phối hợp kịp thời, chính xác giữa các bác sĩ của 3 BV gồm BV Tai Mũi Họng TƯ, BV Bạch Mai và BV Việt Đức đảm bảo cuộc mổ thành công, đem lại sự sống cho người bệnh .

 



Thăm dò ý kiến