Thông tin đường dây nóng tháng 08/2018

01/09/2018 | 18:25 PM

 | 

1. Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam tích cực xử lý phản ánh của người dân về khoa Nội tổng hợp: trong công văn số 1150/BV-KHTH ngày 03 tháng 8 năm 2018 gửi Bộ Y tế, Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, Bệnh viện đã nhận được thông tin từ đường dây nóng Bộ Y tế về phản ánh của người nhà bệnh nhân về việc bệnh nhân P.B.L. bị tai biến nhập viện vào ngày 12 tháng 7 tại phòng 521 khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, tại đây trong quá trình điều trị 2 ngày liên tiếp không có nhân viên điều dưỡng nào đến theo dõi tình hình của bệnh nhân; người nhà bệnh nhân muốn xin hóa đơn thanh toán viện phí nhưng Bệnh viện yêu cầu nộp phí dịch vụ thì mới có. Sau khi nhận được thông tin trên, Lãnh đạo Bệnh viện đã yêu cầu chuyển thông tin này về khoa Nội tổng hợp và yêu cầu khoa báo cáo về trường hợp này; đồng thời giao phòng Kế hoạch tổng hợp tìm hiểu, xác minh thông tin; tiến hành họp phân tích vấn đề, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Cuộc họp do Phó Giám đốc bệnh viện chủ trì, tham dự có Trưởng phòng Kế hoạch tổng hơp, Phụ trách phòng Điều dưỡng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trưởng khoa Nội tổng hợp và điều dưỡng trưởng khoa nội. Phía Bệnh viện cho biết, bệnh nhân N.B.L nhập viện lúc 19 giờ 20 phút ngày 12 tháng 7 năm 2018, tức ngày thứ Năm, và đã được bác sỹ khám điều trị, điều dưỡng theo dõi chăm sóc và thực hiện y lệnh của bác sỹ đầy đủ hàng ngày như: đo dấu hiệu sinh tồn, nhận định tình trạng bệnh, đặt suất ăn bệnh lý, thực hiện y lệnh thuốc... Riêng ngày thứ Bảy và Chủ nhật, tua trực chỉ gồm 1 bác sỹ và 2 điều dưỡng, trong khi đó số lượng bệnh nhân của khoa Nội tổng hợp đông (ngày thứ Bảy có 81 bệnh nhân, ngày Chủ nhật có 89 bệnh nhân). Do vậy thời gian đo huyết áp cho bệnh nhân do điều dưỡng thực hiện sẽ chậm hơn so với những ngày thường. Người nhà bệnh nhân nóng ruột nên đã phản ánh lên đường dây nóng Bộ Y tế. Về việc người nhà bệnh nhân muốn xin hóa đơn, xin phim chụp MRI sau khi bệnh nhân ra viện, Bệnh viện cho biết, hiện Bệnh viện đang ứng dụng hệ thống PACS không in film. Bệnh viện có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhưng khách hàng phải đóng phí theo quy định của Bệnh viện là 200.000đ/đĩa và 100.000 đ/film và có hóa đơn. Có thể nhân viên điều dưỡng giải thích và hướng dẫn thông tin chưa rõ ràng khiến người nhà bệnh nhân hiểu nhầm nên đã phản ánh đến đường dây nóng Bộ Y tế. Qua trường hợp này, Bệnh viện xin ghi nhận những thiếu sót và có biện pháp khắc phục như bổ sung nhân lực trực phù hợp với tình hình bệnh nhân; giáo dục cho nhân viên bệnh viện kỹ năng giao tiếp và hướng dẫn người bệnh một cách rõ ràng, rành mạch.

2. Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam phản hồi về ý kiến thắc mắc của người dân trong việc chuyển tuyến: trong văn bản số 1172/BV-KHTH ngày 07 tháng 8 năm 2018 gửi Bộ Y tế, Bệnh viện đa khoa trung ương Quảng Nam cho biết, bệnh viện đã nhận được phản ánh của người nhà bệnh nhân gửi qua đường dây nóng Bộ Y tế về nội dung ngày 3 tháng 8 năm 2018 một bệnh nhân ở phòng 518 khoa Nội tổng hợp của Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam xuất viện, nhưng bác sỹ ở khoa Nội tổng hợp giữ lại thẻ bảo hiểm y tế và nói rằng đến ngày 6 tháng 8 mới có thể trả lại cho bệnh nhân; khi được hỏi vì sao làm như vậy thì bác sỹ cho biết phòng bảo hiểm y tế yêu cầu giữ lại để thanh toán, nhưng phía người bệnh không đồng ý và muốn lấy lại thẻ bảo hiểm y tế để đi khám ở bệnh viện khác. Sau khi nhận được thông tin trên, lãnh đạo Bệnh viện đã chỉ đạo chuyển thông tin về khoa Nội tổng hợp và yêu cầu giải thích về nội dung người nhà bệnh nhân phản ánh; đồng thời giao phòng Kế hoạch tổng hợp tìm hiểu xác minh thông tin này. Bệnh viện đã tổ chức cuộc họp để yêu cầu các khoa phòng liên quan giải thích về vấn đề, đồng chí Phó Giám đốc chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Trường khoa Nội Tổng hợp, Phụ trách phòng Điều dưỡng, Điều dưỡng trưởng khoa Nội Tổng hợp và nhân viên phòng Kế hoạch tổng hợp. Phía Bệnh viện cho biết khi bệnh nhân nhập viện, Bệnh viện sẽ giữ thẻ bảo hiểm y tế của bệnh nhân từ lúc vào viện, đến lúc bệnh nhân ra viện, thẻ bảo hiểm y tế được điều dưỡng trả lại cho bệnh nhân sau khi bệnh nhân hoàn thành thủ tục thanh toán ra viện. Đây là quy định chung của Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam. Trường hợp bệnh nhân L.T.Ch mà người nhà phản ánh ở trên thì bệnh nhân vào viện ngày 25 tháng 7 năm 2018, đến chiều ngày thứ Sáu mùng 3 tháng 8 năm 2018, người bệnh xin ra viện. Bác sỹ Trưởng khoa Nội đã giải thích cho người nhà bệnh nhân về thủ tục thanh toán khi ra viện cũng như tình hình bệnh nhân, và hẹn đến thứ Hai, ngày 6 tháng 8 năm 2018 để bệnh ổn định và làm thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế. Vì bác sỹ giải thích không rõ nên bệnh nhân hiểu nhầm là giữ thẻ bảo hiểm y tế và đã gọi điện cho Đường dây nóng Bộ Y tế. Hiện nay, người nhà bệnh nhân và bản thân bệnh nhân đã hiểu và xin được tiếp tục điều trị tại khoa Nội Tổng hợp của bệnh viện. Qua trường hợp này Bệnh viện cho rằng cần tăng cường kỹ năng giao tiếp và cung cấp thông tin cho nhân viên bệnh viện để có thể hướng dẫn và truyền đạt rõ ràng các thông tin cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

3. Các bác sỹ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cứu sống thai phụ vỡ thai ngoài tử cung: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 31 tháng 7 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa cấp cứu thành công một thai phụ bị vỡ thai ngoài tử cung. Theo thông tin, chị Đỗ Thị T. H. sinh năm 1989, ở quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, được đưa vào cấp cứu tại phòng khám Hữu Nghị trong tình trạng đau bụng đột ngột và dữ dội, trạng thái li bì, da tái lạnh vã mồ hôi, giọng nói thều thào… Qua hội chẩn và làm các xét nghiệm cận lâm sàng kết quả cho thấy chị H bị vỡ thai ngoài tử cung, làm tràn dịch lượng nhiều ổ bụng, xuất huyết nội. Nhận thấy tình trạng nguy cấp, ê kíp bác sĩ phòng khám Hữu Nghị đã nhanh chóng liên hệ theo quy trình báo động đỏ liên viện hỗ trợ chuyên môn. Ngay lúc đó, bác sĩ CKI. Phan Hoàng Nguyên, Trưởng khoa Cấp Cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tiếp nhận thông tin và hỗ trợ trao đổi chuyên môn qua điện thoại với bác sĩ Phòng khám Hữu Nghị ưu tiên xử lý cấp cứu ban đầu cho người bệnh. Trong 15 phút xe cấp cứu của Bệnh viện đã có mặt phòng khám Hữu Nghị và người bệnh được chuyển đến khoa Cấp cứu, ê kip bác sĩ cấp cứu cùng bác sĩ Sản khoa của Bệnh viện Hoàn Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, hội chẩn ngay khi có kết quả siêu âm ổ bụng, tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch vì dịch ổ bụng mất nhiều hơn 1 lít máu, do đó ê kíp bác sĩ quyết định mổ tối khẩn, cho đăng ký máu cấp và chuyển thẳng đến phòng mổ. Các bác sĩ cho biết, quy trình báo động đỏ liên viện nói chung và mổ tối khẩn nói riêng cho trường hợp này giúp vừa “giải quyết” hiệu quả nguyên nhân chẩn đoán ban đầu thai ngoài tử cung vỡ, vừa giúp cầm máu cho người bệnh kịp thời, tránh nguy cơ bị mất máu kèo dài, làm suy đa cơ quan nội tạng. Sau hai giờ phẫu thuật người bệnh đã được cứu sống. Không chỉ cứu sống được bệnh nhân các bác sĩ còn  phẫu thuật vừa bảo tồn vòi trứng vừa  giúp duy trì chức năng sinh sản cho người bệnh này về sau. Hiện tình trạng bệnh nhân đã ổn định. Theo các bác sĩ, những trường hợp mang thai ngoài tử cung thường xảy ra ở phụ nữ trẻ, trong đó nguyên nhân nhiều nhất là viêm nhiễm đường sinh dục. Dấu hiệu nhận biết thai ngoài tử cung gồm trễ kinh, ra huyết âm đạo bất thường và đau bụng. Người bệnh sau khi có dấu hiệu trên cần đến bệnh viện có chuyên khoa sản để thăm khám kịp thời, nếu đến trễ bệnh nhân có nguy cơ tử vong tại nhà. Như vậy nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa phòng khám và bệnh viện, thai phụ đã được cứu sống. Hiện sức khỏe của chị H. đã bình phục.

4. Các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh sử dụng thành công hệ thống DSA cứu sống bệnh nhi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 31 tháng 7 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã sử dụng thành công hệ thống DSA để xử lý dị tật, đóng ống động mạch cho 4 bệnh nhi bị tim bẩm sinh. Đây là kỹ thuật được Bệnh viện Nhi Trung ương chuyển giao trong Đề án Bệnh viện vệ tinh. Theo các bác sỹ, bình thường, ống động mạch tồn tại 2-6 ngày sau khi sinh. Nếu sau thời gian ống không đóng lại gọi là "còn ống động mạch".  Các trẻ có tiền sử tim bẩm sinh còn ống động mạch, chưa can thiệp, đang dùng thuốc theo đơn, nay nhập viện chuẩn bị can thiệp tim mạch theo lịch hẹn của bác sĩ. Kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cho thấy còn ống động mạch. Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán và chỉ định can thiệp đóng ống động mạch cho trẻ. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật không dễ thực hiện đối với bệnh viện tuyến tỉnh. Ngày 30 tháng 7, hệ thống DSA và nhận chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia tim mạch can thiệp đến từ Bệnh viện Nhi Trung ương chính thức được các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh sử dụng, tiến hành đóng kín dị tật còn ống động mạch cho 4 bệnh nhi ngay tại bệnh viện. Các bệnh nhân lần lượt được can thiệp là bé Bùi Bảo A. (23 tháng tuổi, thường trú tại thành phố Hạ Long); bé Vũ Thị  Ngọc V. (3 tuổi, thường trú tại thị xã Quảng Yên, phát hiện bệnh cách đây 1 tuần); bé Ninh Trọng N. (3 tuổi, thường trú tại huyện Tiên Yên, phát hiện bệnh lúc trẻ 6 tháng tuổi); Lê Thị Thu T. (7 tuổi, thường trú tại xã Vĩnh Thực, Móng Cái, phát hiện lúc trẻ 4 tuổi). Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng hơn 30 phút, trẻ được gắn hệ thống máy theo dõi mạch, huyết áp, điện tâm đồ... Sau đó, bác sĩ sử dụng ống thông dẫn đường được đưa vào động mạch đùi, ngược dòng máu vào tận các buồng tim và mạch máu của trẻ. Dưới màn hình hệ thống chụp mạch DSA, các bác sĩ kiểm soát và đánh giá chính xác các tổn thương do dị tật còn ống động mạch và lựa chọn các cỡ dụng cụ can thiệp thích hợp để đóng các tổn thương cho trẻ. Được biết, đây là những bệnh nhi còn ống động mạch đầu tiên được can thiệp bằng kỹ thuật chụp và can thiệt mạch DSA tại Quảng Ninh. Kíp mổ do TS Cao Việt Tùng -BV Nhi Trung ương; BS. Phạm Ngọc Mười; BS. Phí Xuân Thi và các kỹ thuật viên Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiến hành. Sau chụp can thiệp đóng ống động mạch thành công, hiện các bé đã phục hồi tốt và đang được theo dõi tại bệnh viện.

5. Các bác sỹ Bệnh viện Quốc tế City thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu kịp thời cứu sống bệnh nhân vị chảy máu não: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 31 tháng 7 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Quốc tế City thành phố Hồ Chí Minh vừa cứu một bệnh nhân vị đau đầu khủng khiếp (còn gọi là "cơn đau đầu sét đánh) do xuất huyết não. Theo thông tin, chiều 31/7, Bệnh viện Quốc tế City tiếp nhận và cứu kịp nữ bệnh nhân M.T.K.A.(58 tuổi, ngụ quận 6- TP HCM) trong tình trạng đau đầu dữ dội, vật vã, nôn ói. Qua kiểm tra, chụp mạch DSA, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị chảy máu não dưới màng nhện và can thiệp khẩn cấp cứu người trong gang tấc. Theo BS Mahen Nadarajah, Trưởng Khoa Can thiệp mạch máu Bệnh viện Quốc tế City, chảy máu dưới màng nhện (SAH) là một tình trạng xuất hiện đột ngột và có thể đe dọa đến tính mạng khi máu tràn ra bề mặt não. Não được bao phủ bởi các lớp màng, một trong số đó được gọi là lớp màng nhện. Xuất huyết dưới nhện là máu chảy tràn ở lớp màng này". Bệnh nhân bị bệnh này thường bị cứng cổ; nói không rõ lời, rối loạn thị giác, nhạy cảm với ánh sáng hoặc bị yếu tay, chân một bên. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị ngã và mất ý thức. Một số khác có thể bị cơn co giật (động kinh). Các bác sỹ đã kịp thời triển khai các biện pháp cấp cứu, cứu sống bệnh nhân.

6. Các bác sỹ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cứu sống bé trai 6 tuổi bị thanh sắt đâm xuyên ổ bụng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 31 tháng 7 năm 2018, cháu Nguyễn Hoàng Nhật Minh (SN 2012, ở tổ 4, thị trấn An Dương, quận An Dương, TP.Hải Phòng) – người được các bác sỹ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cấp cứu 4 ngày trước, hiện sức khỏe đã ổn định nhưng vẫn cần theo dõi tích cực vì có nguy cơ nhiễm trùng. Cháu Minh là bệnh nhi trước đó đã bị một thanh sắt đâm xuyên ổ bụng. Trước đó vào khoảng gần 17h ngày 29/7, bệnh viện trẻ em Hải Phòng tiếp nhận cháu Nguyễn Hoàng trong tình trạng bị 1 thanh sắt han rỉ dài khoảng 60 cm đâm xuyên từ bộ phận sinh dục lên ổ bụng. Theo người nhà cháu Minh, cháu gặp tai nạn trong lúc đang chơi đùa với các bạn trong xóm. Ngay khi phát hiện sự việc, gia đình đã đưa cháu Minh vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện An Dương, tuy nhiên do vết thương quá nặng nên các bác sĩ tại đây đã chuyển gấp cháu Minh sang Bệnh viện trẻ em Hải Phòng. Các bác sĩ tại đây đã tiến hành phẫu thuật, sau khoảng một giờ, thanh sắt đã được lấy ra khỏi ổ bụng bệnh nhi. Theo bác sỹ trực tiếp phẫu thuật cho cháu Nhật Minh thì rất may là thanh sắt khi xuyên vào ổ bụng đã không làm vỡ hay tắc tinh hoàn, động mạch chủ cũng không đứt và ổ bụng không có tổn thương gì nghiêm trọng. Hiện cháu đã ổn định, và vẫn đang được các bác sỹ theo dõi.

7. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum thực hiện thành công ca thay khớp gối bán phần cho một bệnh nhân 65 tuổi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 01 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đã phẫu thuật thành công thay khớp gối bán phần đầu tiên sau 5 năm nhận chuyển giao kỹ thuật này từ đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh nhân Võ Trung Thạnh - 65 tuổi, sống tại Thành phố Kon Tum đã phải chung sống với cơn đau khớp gối triền miên. Mặc dù kiên trì điều trị nội khoa nhưng bệnh thoái hóa khớp gối của ông không thể dứt điểm hoàn toàn, do lớp sụn khớp gối đã bị mài mòn. Nhằm đưa ra giải pháp tối ưu giúp bệnh nhân đi lại thuận tiện và khỏe mạnh, bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương của Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đã tư vấn bệnh nhân tiến hành phẫu thuật thay khớp gối bán phần. Ca phẫu thuật đã được thực hiện, mổ chính là BSCKII Võ Văn Thanh. Qua 2 tiếng trong phòng phẫu thuật, bệnh nhân Võ Trung Thạnh đã được thay khớp gối thành công. Đến nay, sau hơn 1 tháng phẫu thuật ông Võ Trung Thạnh đã có thể di chuyển bằng nạng, sức khỏe phục hồi nhanh chóng. Đặc biệt, ông rất vui khi biết rằng từ nay sẽ không phải chịu đựng những cơn đau buốt như trước. Thành công của ca phẫu thuật là bước tiến đột phá trong điều trị khớp ngối của Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Nếu như trước đây những bệnh nhân mắc bệnh về khớp gối phải chấp nhận điều trị nội khoa lâu ngày với khả năng ảnh hưởng chức năng do sử dụng thuốc thường xuyên hoặc phải đi tới các thành phố lớn để phẫu thuật thì nay có thể làm phẫu thuật ngay tại bệnh viện tỉnh nhà. Với công nghệ được chuyển giao từ các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, phẫu thuật khớp gối bán phần tại BVĐK tỉnh Kon Tum có độ an toàn và hiệu quả cao. Chi phí cho một ca phẫu thuật thay khớp gối bán phần tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum giảm khoảng 50% so với chi phí nếu phải chuyển tuyến. Thành công này sẽ tạo nhiều hy vọng cho người dân trong khu vực, không phải về thành phố Hồ Chí Minh mới có thể thực hiện phẫu thuật này. Đây cũng là kết quả rõ rệt của việc thực hiện hiệu quả Đề án Bệnh viện vệ tinh, chuyển giáo kỹ thuật y học cho bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là bệnh viện tuyến tỉnh mà Bộ Y tế đã triển khai trên toàn quốc thời gian qua.

8. Các bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức phẫu thuật cho bệnh nhân vị chó cắn vào vùng mặt: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 01 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Khoa Phẫu thuật Hàm Mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức vừa tiếp nhận và điều trị cho một bé trai 7 tuổi bị chó cắn đứt rời môi. Phần môi đứt rời của bé được bảo quản không đúng cách, dập nát, có nhiều vết răng chó, bác sĩ không thể phẫu thuật nối liền. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, bé trai được chuyển đến viện trong tình trạng mặt có nhiều vết thương, khuyết một nửa môi trên dính sát liền mũi phải. Phần môi đứt rời kích thước 2x2 cm dập nát, có nhiều vết răng chó. Vết thương ở môi của trẻ sẽ phải phẫu thuật rất nhiều lần. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. Phần tổn thương quá dập nát nên bác sĩ không thể nối vi phẫu lại môi cho bệnh nhân. Ê kíp đã làm sạch tổn thương, khâu các vết thương ở mặt, ghép phức hợp một phần của môi trên. Hiện trẻ tỉnh, không sốt, vết thương khô. Theo bác sĩ Hằng, tổn thương ảnh hưởng lớn đến chức năng và thẩm mỹ của trẻ, tiên lượng kém. Bệnh nhi sẽ phải phẫu thuật tạo hình nhiều lần song sẽ không lành lặn như trước được. Trường hợp này bác sĩ tiếc không cứu được môi cho bé bởi phần đứt liền không được bảo quản đúng. Theo các bác sĩ, để nối vi phẫu thành công thì những bộ phận cơ thể người đứt rời thì khâu bảo quản ban đầu rất quan trọng. Khi ấy nên cho phần đứt rời vào túi nilon sạch, buộc kín lại, nếu có thể thì bọc trong miếng gạc. Sau đó đặt vào một túi nilon khác đựng nước, buộc kín bỏ vào thùng đá, giữ ở nhiệt độ 4-10 độ C. Khoa Phẫu thuật Chấn thương Chung của Bệnh viện cũng đang điều trị một bệnh nhân nữ 88 tuổi bị chó cắn vào bàn tay. Theo người nhà, trên đường đi mua thuốc về, cụ bị con chó to nhà hàng xóm chạy ra ngoài đường xô ngã, cắn vào tay. Bác sĩ Đặng Trung Kiên, Khoa Phẫu thuật Chấn thương Chung cho biết, bệnh nhân bị vết thương lóc da bàn tay, tổn thương phần mềm ngón tay. Bác sĩ đã mổ cất lọc vết thương. Hiện sức khỏe cụ ổn định, có thể xuất viện sau vài ngày tới. Bệnh nhân đã được tiêm phòng uốn ván. Bác sĩ khuyến cáo gia đình có vật nuôi (chó) cần có biện pháp quản lý vật nuôi an toàn; phải cách ly với trẻ, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương... Chó phải được tiêm văcxin ngừa bệnh dại định kỳ, ra khỏi nơi nuôi nhốt cần được rọ mõm. Khi bị chó cắn cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Chú ý hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại.

9. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Cần Thơ cứu sống 3 bé sinh non thụ tinh trong ống nghiệm: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 03 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Nhi Cần Thơ đã tạo nên "kỳ tích" khi cứu sống 3 bé trẻ sinh non thụ tinh trong ống nghiệm. Bác sĩ Trần Văn Dễ - Giám đốc Bệnh viện nhi Cần Thơ, cho biết bệnh viện vừa cấp cứu, điều trị thành công cho 3 bé sinh thiếu tháng. Trước đó, Khoa Sơ sinh của bệnh viện tiếp nhận 3 trẻ sơ sinh (1 trai, 2 gái) chỉ 32 tuần tuổi, cân nặng lần lượt là 1.400g, 1.250g và 1.200g trong tình trạng suy hô hấp. Qua khai thác tiền sử, bệnh sử từ gia đình, các bác sĩ phát hiện đây là trường hợp con hiếm muộn, thụ tinh trong ống nghiệm. Sau sinh các bé bị suy hô hấp, điều trị tại bệnh viện tuyến dưới. Do tình trạng hô hấp không cải thiện nên 3 ngày sau các bé được chuyển viện đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Sau khi tiếp nhận, bác sĩ của Khoa Sơ sinh đã phối hợp nhanh chóng hồi sức cho các bé. Theo bác sĩ, hai bé đầu suy hô hấp mức độ trung bình, bé thứ ba suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn phải đặt nội khí quản, thở máy và sử dụng vận mạch. Các bé được bác sĩ đánh giá toàn diện về lâm sàng, làm các cận lâm sàng như Xquang ngực, bilan nhiễm trùng, xét nhiệm đông máu, khí máu... Kết quả cả 3 bé điều bị rối loạn đông máu, vàng da nặng, xuất huyết da nhiều nơi, dịch dạ dày nâu nhiều, bụng chướng, chưa thể dinh dưỡng qua đường tiêu hóa được trên nền sinh non 32 tuần, nhẹ cân so với tuổi thai. Sau khi được chăm sóc tận tâm của các bác sĩ và sử dụng các kỹ thuật hiện đại qua 3 ngày điều trị tình trạng của các bé đã cải thiện. Đến ngày thứ 6, các bé không cần phải hỗ trợ hô hấp thêm, tự thở tốt. Sau đó, sữa tiêu tốt, bệnh lý ổn định, ăn sữa tốt. Cả 3 bé được cho tập bú mẹ… Sau 1 tháng điều trị tại Khoa Sơ sinh, cả 3 bé được xuất viện trong tình trạng lên cân tốt, bú giỏi, phản xạ tốt. Cân nặng tăng nhanh. Cân nặng các bé lần lượt là 2.000g và hai bé còn lại là 1.850g. Thành công này của Bệnh viện Nhi Cần Thơ đã tạo thêm uy tín của bệnh viện trong lĩnh vực nhi khoa. Bệnh viện xứng đáng trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong nhiều năm qua, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bệnh viện đã chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ y tế có trình độ cao trong lĩnh vực này.

10. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu một trẻ sơ sinh bị uốn ván do được cắt rốn bằng dao lam ở nhà: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 03 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên đang cấp cứu một trẻ sơ sinh bị uốn ván. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp trẻ sơ sinh bị uốn ván do mẹ sinh tại nhà, cắt rốn bằng dao lam. Ngày 17/7, một bé gái sơ sinh, dân tộc H’Mông, ở thôn 2, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar được đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng co giật nhiều, sốt cao. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị uốn ván rốn, ủ bệnh 6 ngày. Hiện cháu bé đang được điều trị tích cực tại bệnh viện. Tuy đã giảm co giật, nhưng hiện vẫn phải thở máy. Qua điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cha mẹ cháu bé từ Cao Bằng vào làm thuê ở thôn 2, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar. Trong thời gian mang thai, mẹ cháu bé không tiêm vaccine phòng uốn ván. Khi sinh tại nhà, chồng đỡ đẻ cho vợ và cắt rốn bằng dao lam. Đây là ca uốn ván sơ sinh đầu tiên được ghi nhận ở tỉnh Đắk Lắk trong năm 2018. Trong năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận 8 trường hợp uốn ván sơ sinh, đa số tại các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Mặc dù các cơ quany tế nỗ lực hết sức mình, nhưng hiện nay tình trạng sinh con ở nhà và sử dụng những dụng cụ không được đảm bảo vô trùng để cắt rốn cho trẻ sơ sinh vẫn còn tồn tại ở một số đồng bào dân tộc.

11. Các bác sỹ Bệnh viện Quân y 175 cứu sống một công nhân bị thanh sắt đâm xuyên bụng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 03 tháng 8 năm 2018, trong lúc đang thi công tại một công trường, một nam công nhân đã ngã từ trên cao xuống và bị 2 thanh sắt đâm xuyên qua bụng rất nguy kịch. Ngay lập tức nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Quân y 175 để cấp cứu. Các bác sỹ đã kịp thời cứu chữa  trường hợp bị tai nạn lao động thương tâm này. Theo thông tin, anh Trần Thanh C. (36 tuổi) được đưa vào Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu trong tình trạng sốc đa chấn thương do bị 2 thanh sắt xuyên thấu bụng, đâm háng phải do ngã từ trên cao xuống trong công trường. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, bệnh viện đã khởi động báo động đỏ, chỉ sau 5 phút các khoa liên quan gồm: khoa Chấn thương Chỉnh hình, khoa Phẫu thuật Mạch máu, khoa Phẫu thuật ổ bụng, khoa Hồi sức cấp cứu và ekip phòng mổ đã thăm khám bệnh nhân và hội chẩn. Theo Đại tá Trần Lê Đồng - Phó Gíam đốc Bệnh viện Quân y 175, chẩn đoán ban đầu nam công nhân bị sốc đa chấn thương, tổn thương đùi hông, vùng bụng do 2 cây sắt xuyên qua. Bệnh nhân nhanh chóng được hồi sức chống sốc, làm các xét nghiệm cơ bản và phẫu thuật khẩn cấp. Sau hơn 1 giờ 30 phút tích cực tổ chức cứu chữa, hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và chuyển về khoa Hồi sức tiếp tục theo dõi và điều trị.

12. Cha của một bệnh nhi gửi thư khen ngợi một điều dưỡng Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức về sự tận tụy, nhiệt tình giúp đỡ bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 06 tháng 8 năm 2018, trên facebook Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng bức thư của một người cha có con trai mắc bệnh động kinh gửi tâm thư về nam điều dưỡng nơi con điều trị. Theo bức thư, cậu con trai 10 tuổi của anh Nguyễn Khắc An (Nghệ An) không may mắc bệnh động kinh. Nhiều năm nay, anh cần mẫn đưa con ra BV Việt Đức để thực hiện thủ thuật điện não đồ video giúp xác định chính xác các cơn động kinh, dạng cơn và vùng não phát ra cơn. Tuy nhiên đã không dưới 5 lần, 2 bố con đi rồi lại về vì để đo được, bệnh nhi phải ngủ say tự nhiên ít nhất trong 3 tiếng. Lần nào, các bác sĩ cũng thất bại vì cứ bôi keo lên đầu để dán điện cực là cháu tỉnh giấc. Ngày 2/8 vừa qua, anh An lại tiếp tục đưa con trai đến BV Việt Đức nhập viện. GS Pierre Jallon, Đại sứ quốc tế về bệnh động kinh của Hội chống động kinh Quốc tế trực tiếp thăm khám. Dù vậy, để có chẩn đoán chính xác, bệnh nhi vẫn cần phải đo điện não đồ. Gia đình đã xin bác sĩ đặc cách cho cháu được điện não đồ video vào ban đêm. Trực cùng anh An tại phòng bệnh là nam điều dưỡng tên Hiếu. Rút kinh nghiệm những lần thất bại trước, Hiếu và anh An cùng ngồi trong phòng để đợi đến 12 giờ đêm khi cháu ngủ thật say mới bắt đầu dán điện cực. Nhổ, kéo dây, bôi keo, kẹp bông và dán lần lượt mấy chục cái điện cực chi chít lên đầu đều không sao, nhưng đến cái kẹp tai cuối cùng... thì cháu bật dậy. Mọi sự công cốc khi đồng hồ điểm 1h sáng. Anh An nói với Hiếu: “Thôi bạn mệt rồi, về phòng nghỉ đi, mai tính tiếp”. Hiếu trả lời: “Ta cố một lần nữa anh”. Cứ thế, 2 anh em vừa chờ vừa nói chuyện để chống ngủ gật. 1h30 sáng, cuộc chiến thứ hai bắt đầu. Lại nhổ, kéo dây, bôi keo, kẹp bông và dán nhưng lần này mới được nửa đầu thì bé bỗng mở mắt thao láo. 2 anh em lại cần mẫn gỡ ra. Anh An khẩn thiết nói với nam điều dưỡng: “Thôi Hiếu ạ, Hiếu về phòng nghỉ đi” nhưng Hiếu nán lại, nói anh An đưa giường xếp để nằm tạm và sẽ cố thêm lần nữa. “Nói thế nhưng không ai ngủ được cả, trong căn phòng rộng chừng 6 mét vuông ấy, cả 2 lại thức chờ. Nóng, chật và không có ai cả, cả 2 vận quần đùi cho tiện, thú thực lúc ấy không thấy có bất kỳ một khoảng cách nào giữa người nhà bệnh nhân và cán bộ bệnh viện nữa”, anh An chia sẻ. 2h45, cuộc chiến thứ 3 bắt đầu, Hiếu lại rón rén dán từng cái. Ơn giời lần này thành công. Cả 2 anh em ngồi đợi máy chạy đến 5h sáng để in lấy kết quả. “Hiếu cười như thể vừa chính phục được đỉnh Everest vậy. Thương và cảm phục bạn ấy quá. Tôi bỏ chút quà gọi là cảm ơn nhưng Hiếu kiên quyết từ chối. Hiếu nói: 'Anh cứ cầm đi, anh còn nhiều việc phải lo cho cháu, em không nhận đâu anh ơi', anh An xúc động chia sẻ. Nhờ có kết quả điện não nên con trai anh An đã được thăm khám và kết luận. Dù nhận được cái lắc đầu của GS Pierre, dù phía trước còn nhiều chông gai nhưng khi chia tay, Hiếu vẫn động viên: “Cố lên anh nhé!”. Anh An tâm sự, cả đời gắn với bệnh viện nhưng chưa bao giờ gặp được một người nào tốt hơn Hiếu. Cảm động trước sự tận tuỵ không biết mệt mỏi của điều dưỡng Hiếu, anh An đã gửi một bức thư ngỏ đến Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến như một lời tri ân. Người điều dưỡng Hiếu tên thật là Nguyễn Đức Hiếu, 24 tuổi, hiện đang là điều dưỡng tại khoa Nội hồi sức thần kinh, BV Việt Đức.

13. Các bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cấp cứu thành công cho một cụ già 88 tuổi bị chó cắn rách tay: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 06 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã kịp thời cấp cứu cho một cụ già 88 tuổi bị chó của hàng xóm cắn rách tay. Theo cháu nội của cụ bà, khi đang trên đường đi mua thuốc cảm cúm về, bà bị con chó to của hàng xóm chạy ra ngoài đường xô ngã, cắn vào tay. Ngay khi phát hiện sự việc, người nhà đã đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện để cấp cứu. Bs Đặng Trung kiên – Khoa Phẫu thuật Chấn thương chung- Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị vết thương lóc da bàn tay, vết thương ở mô cái bàn tay, vết thương phần mềm ngón 2 bàn tay. Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, mổ cắt lọc vết thương. Các bác sĩ khuyến cáo, trong tình huống bị chó cắn, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện kiểm tra, theo dõi và xử trí vết thương. Các gia đình có vật nuôi (chó) cần có biện pháp quản lý vật nuôi an toàn cho người dân. Được biết, cách đó khoảng 1 tháng, khoa Phẫu thuật Chấn thương chung cũng tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân bị chó cắn, vết thương phần mềm bàn tay và chân.

14. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Đức Giang cấp cứu thành công một bệnh nhân vị đứt mạch máu não: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 06 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu thành công bệnh nhân L.T.P (SN 1964, ở Hà Nội), bị gãy chân, đứt mạch máu do tai nạn giao thông. Bệnh nhân L.T.P nhập viện cấp cứu trong tình trạng vùng cẳng chân sưng nề, biến dạng và chảy máu. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin của bệnh nhân P, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành sơ cứu, rửa vết thương, cầm máu và chỉ định chụp Xquang và các xét nghiệm cận lâm sàng khác. Kết quả cho thấy bệnh nhân P bị gãy hở lồi cầu đùi và xương chày trái cùng tổn thương động mạch khoeo chân. Sau khi khám và hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cấp cứu bằng phương pháp kết hợp xương chầy trái, lồi cầu đùi trái và xử lý tổn thương động mạch khoeo. Chiều cùng ngày, kíp phẫu thuật do bác sĩ Trần Tuấn Anh – Khoa Chân thương chỉnh hình cùng bác sĩ Phan Văn Thành – Khoa Ngoại Tổng hợp đã tiến hành phẫu thuật kết hợp xương và xử lý nối động mạch tổn thương cho trường hợp của bệnh nhân P. Trải qua hơn 1 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp, hiện tại bệnh nhân P đã tỉnh táo. Do động mạch bị tổn thương dẫn tới tình trạng mất màu nhiều, sau phẫu thuật bệnh nhân P tiếp tục được truyền máu và được các bác sĩ chăm sóc, theo dõi tiếp. Theo chia sẻ của bác sĩ Phan Văn Thành: “Đây là trường hợp điển hình của gãy xương có tổn thương mạch máu theo cơ chế gián tiếp, tức là gãy xương trật khớp mà mạch máu lớn đi kèm với xương bị tổn thương trong quá trình xương bị gãy". Với những trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ Thành khuyến cáo cần đưa ngay đến các cơ sơ y tế gần nhất để được bác sĩ cấp cứu kịp thời, tránh để di chứng về sau.

15. Các bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi 2 tuổi bị viêm phúc mạc và nhiễm độc do ấu trùng chó mèo: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 07 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 2 tuổi, ở thành phố Vinh, Nghệ An bị viêm phúc mạc và nhiễm trùng, nhiễm độc, thủng đoạn cuối hồi tràng và manh tràng. Chiều 7/8, khi nhập Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhi ở trong tình trạng sốt. Theo TS.BS Nguyễn Việt Hoa – Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân nhi được điều trị từ 6 tháng trước, tuy nhiên 2 tháng gần đây bệnh nhân sốt liên tục, kéo dài. Gia đình đã cho bệnh nhân đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện khác. Bệnh nhân đã được hội chẩn cả với các chuyên gia Pháp, được chuyển đến bệnh viện truyền nhiễm. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và được phẫu thuật cắt đoạn hồi manh tràng đưa 2 đoạn ruột ra ngoài làm hậu môn nhân tạo, lau rửa dẫn lưu ổ bụng. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục được theo dõi điều trị tại Khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Theo các bác sĩ tại bệnh viện, bệnh cảnh ấu trùng giun tròn từ chó mèo là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh cảnh ấu trùng giun tròn hay gặp ở trong các tạng, biểu hiện các bệnh dưới dạng là các khối u ở ổ tạng, rất ít khi gặp trường hợp thủng ruột cấp cứu như thế này. Trường hợp cấp cứu như này rất hiếm khi do ấu trùng giun tròn, thể bệnh lại gây ra ở trẻ con nên người ta rất ít nghĩ đến vì trước đến giờ y văn cũng chưa thông báo. Các trường hợp khác đến Bệnh viện Việt Đức đều ở giai đoạn muộn, bệnh nhân đã đi rất nhiều bệnh viện nhưng không phát hiện ra. Nhiều trường hợp, Bệnh nhân đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mổ do khối u nhưng thực tế lại là khối áp xe mãn tính do ấu trùng. Các bác sĩ cho biết, ký sinh trùng ở người ngày càng giảm, nhưng ký sinh trùng ở chó mèo ngày càng nhiều, nên trẻ con chủ quan không nghĩ đến bệnh cảnh ấu trùng giun tròn. Nếu vật nuôi không được chăm sóc tốt, ấu trùng lạc vật chủ sẽ lạc vào người gây bệnh. Để tránh mắc bệnh này, người dân cần quản lý và chăm sóc chó, mèo, vật nuôi tại gia đình, trong cộng đồng dân cư.

16. Các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh phẫu thuật cấp cứu mở sọ não lấy máu tụ cho bé trai 2 tuổi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 07 tháng 8 năm 2018, các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh vừa phẫu thuật cấp cứu mở sọ lấy máu tụ ngoài màng cứng cho bé trai 2 tuổi bị chấn thương sọ não, tụ máu ngoài màng cứng vùng thái dương đỉnh trái. Ngày 07 tháng 8 năm2018, Khoa Ngoại & Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bé Chíu Việt T. (2 tuổi), thường trú tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Trẻ nhập viện trong tình trạng ở nhà sốt cao 40 độ C, sưng nề vùng đầu mặt, tổn thương sưng tăng lên kéo lệch mặt bên trái, được gia đình cho vào viện kiểm tra. Kết quả khám lâm sàng và chụp CT- Scanner cho thấy: Hình ảnh xuất huyết não, tụ máu ngoài màng cứng vùng thái dương đỉnh trái, chỗ dày nhất 16x35mm, tụ máu dưới da đầu vùng đỉnh trái dày 11mm, vỡ xương sọ. Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ Chẩn đoán Chấn thương sọ não, tụ máu ngoài màng cứng vùng thái dương đỉnh trái và chỉ định phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ ngoài màng cứng- khâu treo màng cứng; phương pháp gây mê nội khí quản cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng hơn 1h đồng hồ, các bác sĩ tiến hành mở sọ bằng khoan tay và dây cưa tay vào ổ máu tụ ngoài màng cứng. Tiến hành lấy máu tụ ngoài màng cứng, khâu treo màng cứng và đặt lại bản xương sọ cho bệnh nhân. Sau kiểm tra không chảy máu tiến hành khâu lại cân Giardia, da đầu cho bệnh nhân. Kíp phẫu thuật do Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng; Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành; Bác sĩ Đỗ Hoàng Việt; Bác sĩ Lương Trung Kiên; Điều dưỡng Trần Đình Dũng thực hiện. Bác sĩ Đỗ Hoàng Việt cho biết: Chấn thương sọ não là nguyên nhân gây tử vong cao, để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh. Nhất là chấn thương sọ não ở trẻ em luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng, bởi đây là lứa tuổi hiếu động, thích nô đùa chạy nhảy, dễ bị vấp ngã và hầu hết chưa có kiến thức nhiều về sự nguy hiểm từ chấn thương sọ não gây ra. Do đó cha mẹ cần quan tâm, theo dõi và chăm sóc bé an toàn. Khi thấy những biểu hiện bất thường, hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã  ổn định và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Gia đình bệnh nhi rất mừng và cảm ơn các bác sỹ.

17. Các bác sỹ Bệnh viện Đà Nẵng cứu sống một bệnh nhân bị vỡ gốc động mạch chủ: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 07 tháng 8 năm 2018, Một bệnh nhân gần như đang bước vào "cửa tử" do bị vỡ gốc động mạch chủ ngực, rách van động mạch chủ và tổn thương động mạch vành phải nhưng đã được các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng cứu sống. Ngày 7/8, Ths.Bs Nguyễn Minh Hải - Phó trưởng khoa (phụ trách) Khoa Phẫu thuật can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật cứu sống cho bệnh nhân Nguyễn Trọng Thủy (53 tuổi, trú xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bị vỡ gốc động mạch chủ ngực, rách van động mạch chủ và tổn thương động mạch vành phải. Bệnh nhận Thủy được người nhà đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu lúc 22 giờ ngày 19/7, trong tình trạng trụy tim mạch, tím vùng đầu mạch cổ, huyết áp xuống thấp... Qua thực hiện các kỹ thuật tại phòng cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đa chấn thương (chấn thương ngực kín, theo dõi chấn thương tim). Lập tức, bệnh nhân Thủy được đưa vào phòng mổ. Tiến hành phẫu thuật mở ngực và mở van màng tim, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tổn thương vỡ gốc động mạch chủ, rách van động mạch chủ và rách luôn lỗ vào của động mạch vành phải (mạch máu cấp máu nuôi quả tim). Bệnh nhân rơi vào tình trạng vô cùng nguy kịch, máu phun ra nhiều dù huyết áp đã xuống rất thấp. Trước tình hình đó, buộc các bác sĩ phải dùng ngón tay bịt lại để máu khỏi tuôn ra (bệnh nhân sẽ tử vong ngay trên bàn mổ nếu máu phun liên tục khoảng 15 - 30 giây); đồng thời, thiết lập hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (tim phổi nhân tạo) đối với bệnh nhân. Khi hệ thống tim phổi nhân tạo được thiết lập, quả tim bệnh nhân tạm thời được ngừng đập hoàn toàn, nằm im một chỗ, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật can thiệp tim mạch phối hợp với bác sĩ gây mê hồi sức tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau 7 giờ (từ 22 giờ 20 ngày 19/7 đến 5 giờ 20 ngày 20/7) làm việc không ngừng nghỉ, các bác sĩ đã tiến hành thay đoạn gốc động mạch chủ ngực bằng mạch máu nhân tạo, thay van động mạch chủ và nối lại hai động mạch vành phải - trái. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, ăn uống, đi lại bình thường, vết mổ khô và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Ths.Bs Nguyễn Minh Hải cho biết, trường hợp của bệnh nhân Thủy được xem là một dạng tổn thương cực kỳ phức tạp, hiếm gặp, ít nghe nói trong y khoa. Đây là lần đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng gặp phải ca bệnh phức tạp này và đã thành công.

18. Các bác sỹ Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị thành công cho một bà mẹ Việt Nam Anh hùng 96 tuổi vị gãy xương đùi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 07 tháng 8 năm 2018, sau gần một tuần được các bác sỹ Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị, hiện tại sức khỏe của bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rớt đã hồi phục tốt, có thể ngồi dậy và đang tập vật lý trị liệu. Theo thông tin, các bác sỹ Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã điều trị thành công cho bệnh nhân là bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rớt (98 tuổi; ngụ tại Cái Răng, TP Cần Thơ). Trước đó, cụ Rớt nhập viện trong tình trạng đau đùi phải và vùng chậu lưng sau khi bị té, không di chuyển được. Bệnh nhân đã được chụp X-quang và chẩn đoán gãy phức tạp liên mấu chuyển xương đùi phải. Vì thế, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã tiến hành phẫu thuật thay khớp háng bán phần. Sau gần một tuần điều trị, hiện tại sức khỏe của cụ Rớt đã hồi phục tốt, có thể ngồi dậy và đang tập vật lý trị liệu. Cũng theo Ths.BS Lê Dũng, người lớn tuổi do xương đã loãng, chất lượng xương yếu nên cẩn thận phòng chống té ngã. Nếu không may bị ngã thì nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị vì các chấn thương nặng có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng đi lại, gây đau đớn kéo dài dẫn đến mất ăn, mất ngủ có thể làm cơ thể suy kiệt. Ths.BS Lê Dũng, Phó trưởng Khoa Thần kinh – Cơ xương khớp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết đây là ca phẫu thuật phức tạp vì vị trí gãy cũng như độ tuổi của bệnh nhân. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ cải thiện khả năng vận động cũng như cuộc sống của bệnh nhân, giúp bệnh nhân giảm đau, tránh các bệnh lý do phải nằm bất động lâu như viêm phổi, loét mông, thuyên tắc tĩnh mạch phổi… Cụ Rớt có 9 người con. Chồng và một người con trai của cụ Rớt là liệt sĩ. Năm 2015, cụ được phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng.

19. Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức khen thưởng người điều dưỡng được cha của bệnh nhi gửi thư ca ngợi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 07 tháng 8 năm 2018, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã khen thưởng anh Nguyễn Đức Hiếu và Khoa nội Thần kinh 3 trước toàn Bệnh viện, đồng thời, tặng anh Hiếu 3 triệu đồng và tập thể Khoa nội Thần kinh 3 số tiền 3 triệu đồng. Bệnh viện cũng đã có công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế khen thưởng xứng đáng với điều dưỡng Hiếu. Mấy ngày qua trên mạng xã hội lan truyền bức thư ngỏ rất cảm động của anh Nguyễn Khắc An, bố của một bệnh nhân 10 tuổi. Cha bệnh nhi đã kể một câu chuyện về kỹ thuật viên Nguyễn Đức Hiếu, 25 tuổi của Khoa nội Thần kinh 3 (Bệnh viện Việt Đức) đã tận tình bằng mọi giá để thực hiện thành công thủ thuật điện não đồ video cho cháu bé. Để làm được thủ thuật này, đòi hỏi cháu bé phải ngủ say tự nhiên ít nhất trong 3 tiếng đồng hồ. Nhưng không dưới 5 lần các bác sĩ thất bại vì cứ bôi keo lên đầu để dán điện cực thì cháu nó lại thức. Vì thế, bố cháu xin các bác sĩ đặc cách cho cháu được điện não đồ video vào ban đêm.  Suốt đêm 2-8, KTV Hiếu đã thức cùng bố bệnh nhi chờ đợi cháu bé ngủ say để làm thủ thuật cho bé. Trong cả đêm trắng với cái nóng hầm hập, anh Hiếu đã nhiều lần thực hiện gần thành công thì cháu bé lại thức dậy. Cho đến 3h sáng, việc thực hiện mới được bắt đầu và thành công để kịp sáng hôm sau, giáo sư người Pháp thăm khám cho cháu bé. Nhờ kết quả điện não nên cháu đã được thăm khám và kết luận. Dù biết bệnh tình con không đơn giản, anh An vẫn đủ bình tĩnh để nói một câu bằng tiếng Anh cảm ơn cho dù nhận được cái lắc đầu của giáo sư Pierre Jallon. Chia tay, Hiếu còn động viên anh An: “Cố lên anh nhé”.Bố bệnh nhi tâm sự: “Ngồi đợi máy chạy đến 5 giờ sáng. Hiếu thay đồ, xuống máy in kết quả. Hiếu cười như thể vừa chính phục được đỉnh Everest vậy. Thương và cảm phục bạn ấy quá, tôi bỏ chút quà gọi là cảm ơn, nhưng Hiếu kiên quyết từ chối. Hiếu nói “Anh cứ cầm đi, anh còn nhiều việc phải lo cho cháu, em không nhận đâu anh ơi”. Cả đời tôi gắn với bệnh viện nhưng chưa bao giờ gặp được một người nào tốt hơn Hiếu. “Những nỗ lực của ngành y thời gian qua là không thể phủ nhận. Nhưng ước gì có nhiều hơn những người như Hiếu. Có tiền chúng ta có thể sắm thiết bị máy móc hiện đại, có tiền chúng ta cũng có thể nâng cao trình độ chuyên môn, nhưng y đức thì phải chắt chiu từ những tấm gương như là Hiếu”- anh An chia sẻ.

20. Các bác sỹ Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E thực hiện thành coog ca phẫu thuật bóc khối u trung thất bằng phương pháp mở ngực và sử dụng tim – phổi nhân tạo: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 08 tháng 8 năm 2018, chiều ngày 7/8, Bệnh viện Phổi Trung Ương phối hợp cùng Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E thực hiện ca phẫu thuật bóc tách khối u trung thất bằng phương pháp mổ mở ngực có sử dụng máy tim - phổi nhân tạo. Mặc dù đây là phương pháp được áp dụng phổ biến trong các ca mở mổ tim nhưng đối với phẫu thuật mở lồng ngực, nó được coi là ca phẫu thuật mở ngực đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ tiên tiến này. Bệnh nhân L.A (38 tuổi) vốn có tiền sử hoàn toàn khoẻ mạnh nhưng 2 tháng gần đây, chị có dấu hiệu ho, khó thở tăng dần. Khi đi khám ở bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh nhân được chẩn đoán viêm nhiễm, có cho dùng kháng sinh nhưng không đỡ.  Sau đó, bệnh nhân tìm đến Bệnh viện Phổi Trung Ương do tình trạng khó thở ngày càng tăng. Tại Bệnh viện, qua kết quả chụp chiếu cho thấy, bệnh nhân có chèn ép khối u trung thất vào phế quản. Theo TS Đinh Văn Lượng - Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực, Bệnh viện Phổi Trung Ương cho biết, khối u trung thất như của nữ bệnh nhân được coi là bệnh lý bẩm sinh, theo thời gian, nang - kén phát triển lên và gây ra các triệu chứng điển hình như ho, khó thở… Mặc dù đây không phải bệnh lý đặc biệt nhưng với trường hợp nữ bệnh nhân này, khối u nằm ở vị trí phức tạp. TS Đinh Văn Lượng cho biết, khối u của bệnh nhân nằm ở vị trí trung tâm, chèn ép bên trái, sát tâm nhĩ trái, đặc biệt, khối u được bao bọc bởi động mạch lớn của phổi, ngực, hệ thống tĩnh mạch. Dưới con mắt chuyên môn, Ths. Bs Nguyễn Viết Nghĩa - Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Trung Ương chia sẻ, việc bóc tách khối u buộc dùng hệ thống tim - phổi máy hỗ trợ trong trường hợp bệnh nhân ngừng hô hấp, tim mạch ngừng hoạt động. Hệ thống này tương tự tim, phổi của người bình thường, có vai trò đưa hệ thống tuần hoàn máu ra ngoài cơ thể cũng như hệ thống hô hấp tương tự 2 lá phổi của con người. Với phương pháp này, trong quá trình mổ, các mạch máu lớn ở trong lồng ngực sẽ kiểm soát, chủ động được. Chưa kể, nếu không mổ mở, với vị trí khối u sẽ không có con đường nào để đưa vào cắt bỏ khối u. “Đây được coi là ca mổ đặc biệt, kỹ thuật mổ thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, mổ ngực khó bắt buộc phải có tim - phổi nhân tạo. Đây cũng là cơ hội để Bệnh viện tiến tới tiếp cận với ghép phổi và phẫu thuật lồng ngực khó, mở ra cơ hội để Việt Nam có thể hội nhập các nước trên Thế giới”, Ths. Bs Nghĩa cho biết thêm.

21. Các bác sỹ Bệnh viện Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh cứu sống một bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 08 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện (BV) Thống Nhất đã phẫu thuật cứu một bệnh nhân bị đột quỵ do vỡ túi phình mạch máu não gây xuất huyết dưới nhện. Bệnh nhân nam (40 tuổi, ngụ Cần Thơ) được người nhà phát hiện nằm bất động, sùi bọt mép sau giờ ăn cơm trưa nên đã nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Bệnh viện, TS.BS Trần Chí Cường cho biết, khi nhập viện, sinh hiệu của bệnh nhân chỉ còn khoảng 5/15, bệnh nhân bị xuất huyết từ 13h mà đến 20h tối - 7 tiếng đồng hồ (ngày 6.8) mới vào được phòng DSA là quá trễ, máu chảy quá nhiều, tiên lượng thấp. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, bệnh nhân đã được nong túi phình, không còn xuất huyết. Tuy nhiên, lượng máu xuất huyết trước đó trong não vẫn còn nhiều nên cần điều trị nội khoa. "Trong thời gian Bệnh viện Tim mạch Đột quỵ Cần Thơ hoàn thành và đưa vào sử dụng, tôi mong rằng sẽ không còn những chuyến xe cấp cứu đột quỵ từ khu vực miền Tây chạy lên Thành phố Hồ Chí Minh quá trễ như ca cấp cứu này. Đối với ca này, nếu bệnh nhân được cấp cứu ngay tại Cần Thơ, thì sẽ không xuất huyết quá nhiều, tỉ lệ hồi phục sẽ tốt hơn", BS Cường cho biết.

22. Các bác sỹ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cấp cứu một nạn nhân bị cọc trẻ đâm xuyên cổ lên mũi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 08 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương vừa cấp cứu một nạn nhân N.V.M (27 tuổi, ở Nam Định) gặp nạn kinh hoàng khi trèo lên thang lắp bóng đèn, bị ngã, cọc tre đâm xuyên từ cổ lên mũi. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, anh M. trèo lên thang để thay bóng đèn tại nhà, không may thang đổ, anh ngã từ độ cao khoảng 3m xuống và bị cọc treo màn bằng tre nhọn đâm xuyên từ cổ qua hàm lên mũi. Sau khi tai nạn xảy ra, gia đình đã tự ý rút dị vật ra khỏi người bệnh, rồi mới đưa nạn nhân  chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương. Theo các bác sĩ, bệnh nhân M. bị cọc tre đâm xuyên từ giữa cổ lên mũi với nhiều tổn thương nặng, nguy hiểm. Kết quả thăm khám lâm sàng ghi nhận, bệnh nhân bị rách đáy lưỡi, chảy máu trong họng, khó thở vì vết đâm gây phù nề toàn bộ trong họng. Rất may cho bệnh nhân này vết thương do cọc tre đâm chính giữa cổ, nếu đâm lệch sang hai bên vùng động mạch cảnh thì nguy cơ bệnh nhân sẽ chết ngay tại chỗ do mất máu ồ ạt rất cao. Ths.BS Trần Hữu Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu B7, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương cho biết, trước tình trạng nguy hiểm của bệnh nhân, các bác sĩ phải phẫu thuật cấp cứu ngay để bảo toàn tính mạng cho người bệnh. Bệnh nhân được khâu lại niêm mạc hạ họng, lưỡi, khâu phục hồi vết thương vùng cổ đồng thời mở khí quản để đảm bảo đường thở... “Hiện tại, sau ca phẫu thuật sức khỏe bệnh nhân ổn định. Bệnh nhân không ăn được bằng miệng mà phải đặt xông dạ dày để bơm thức ăn trực tiếp. Trong tình huống xấu, nếu bệnh nhân tiếp tục bị chảy máu rất có thể sẽ phải mở vết mổ để đánh giá lại tổn thương. Khi đó, bệnh nhân sẽ phải nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch", BS Trần Hữu Thắng cho hay. BS Thắng cảnh báo việc người nhà bệnh nhân tự ý rút dị vật ra khỏi vết thương như trên rất nguy hiểm. Vết thương của bệnh nhân có thể chảy máu cấp tính ồ ạt đến chết trước khi tới bệnh viện. Đối với những trường hợp không may bị dị vật đâm vào cơ thể, gia đình không nên tự xử lý tại nhà, cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và cấp cứu kịp thời. Việc rút các dị vật ra khỏi vết thương có thể gây chảy máu, mất máu cho nạn nhân.

23. Các bác sỹ Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy thai và bóc đa nhân xơ tử cung cho một sản phụ: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 08 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cấp cứu lấy thai kết hợp bóc đa nhân xơ tử cung cho thai phụ 33 tuổi. Trước đó, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ tiếp nhận thai phụ Nguyễn Thị M. (33 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) với chẩn đoán: con lần 2, thai 39 tuần, ngôi ngang, chuyển dạ, đa nhân xơ, vết mổ cũ. Xác định đây là trường hợp có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn viện đề ra biện pháp xử trí phẫu thuật lấy thai kết hợp bóc đa nhân xơ tử cung với hy vọng bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân. Cuộc phẫu thuật được tiến hành ngay sau đó với phụ phối hợp của các bác sĩ  khoa Sản, Gây mê hồi sức, Sơ sinh cùng các điều dưỡng, hộ sinh; có kế hoạch can thiệp một cách nhanh chóng, tích cực với đầy đủ phương tiện hồi sức mẹ, sơ sinh và ngân hàng máu. BS.CKII. Huỳnh Thanh Liêm, phẫu thuật viên chính cho biết, đây là một trường hợp phẫu thuật phức tạp do sản phụ có vết mổ cũ dính nhiều, toàn bộ tử cung bị chiếm bởi nhiều nhân xơ chi chít, đặc biệt là nhân xơ tử cung mặt trước của đoạn dưới cản trở quá trình phẫu thuật lấy thai. Tuy nhiên, ê-kíp phẫu thuật đã cố gắng bóc nhân xơ để tiếp cận buồng tử cung nội xoay thai bắt ra bé gái nặng 2,8kg. Sau khi lấy thai xong, các bác sĩ tiếp tục tiến hành bóc thêm nhân xơ tử cung kết hợp thuốc tăng co cầm máu, truyền máu kịp thời kiểm soát tổng trạng và khâu phục hồi bảo tồn được hoàn toàn tử cung cho bệnh nhân. Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa cùng các phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm, chị M. đã có cuộc vượt cạn an toàn, mẹ tròn con vuông sau 1 giờ tập trung phẫu thuật. Hiện tại, mẹ có các chỉ số sinh hiệu tốt, bé gái da hồng hào, khóc to, thở đều tự nhiên không cần hỗ trợ, phản xạ bú tốt và đang được chăm sóc tại khoa Nhi - Sơ sinh. BS.CKII. Huỳnh Thanh Liêm, Trưởng khoa Sanh – Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ cho biết, tỉ lệ sản phụ bị u xơ tử cung trong thai kỳ dao động 1,6%-2,7%. U xơ tử cung có thể chèn ép gây ngôi thai bất thường, dễ gây sinh non, gây rối loạn cơn co lúc chuyển dạ, gây băng huyết sau sinh. Do đó, trong quá trình mang thai, thai phụ bị u xơ tử cung cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể, để hạn chế ảnh hưởng của u xơ đến thai nhi.

24. Các bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu cho hai bé bị ngộ độc sau  khi uống trà sữa: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 07 tháng 8 năm 2018, Th.BS Phạm Thị Hải Mến, Trưởng khoa Nhi B, BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), cho biết BV vừa tiếp nhận hai chị em ruột bị ngộ độc thực phẩm, nghi do trà sữa. Hai bệnh nhi là bé nam MTT (tám tuổi) và bé MTTN (12 tuổi, chị gái của bé T.) cùng nhập cấp cứu với những dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm như nôn ói, tiêu chảy, mất nước. Người nhà bệnh nhi cho biết sau bữa cơm trưa, bé T. đi mua trà sữa ở gần nhà để uống. Sau khi đã uống khá nhiều, bé T. cho chị gái uống cùng. Khoảng một giờ sau, bé T. bắt đầu xuất hiện những triệu chứng buồn nôn, nôn ói nhiều lần, cơ thể lừ đừ mệt mỏi. Khoảng một lúc sau, bé N. cũng có những dấu hiệu tương tự. Ngay sau đó, cả hai bệnh nhi được chuyển đến BV cấp cứu, súc rửa dạ dày, truyền nước và tiếp tục điều trị tại khoa Nhi B, BV Bệnh nhiệt đới. Nhờ được kịp thời can thiệp, sức khỏe của các bệnh nhi đã ổn định và đã được xuất viện. BS Mến khuyến cáo, hiện nay nhiều loại trà sữa được bán rất rộng rãi, không nhãn mác, nguyên liệu và chất phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. Do đó, phụ huynh trước khi cho con em sử dụng thực phẩm, đồ uống cần tìm hiểu, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ; nên chọn những sản phẩm có thương hiệu để tránh tối đa sử dụng nguyên liệu trôi nổi từ bên ngoài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

25. Bác sỹ Bệnh viện Quốc tế City thành phố Hồ Chí Minh cứu thành công chân trái cho một bệnh nhân suýt bị hoại tử vì tắc mạch máu: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 08 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Quốc tế City đã phát hiện động mạch ngoại biên của bệnh nhân bị hẹp nên máu không lưu thông xuống chân, có thể phải tháo khớp chân để bảo toàn tính mạng. bệnh nhân 78 tuổi ở TP HCM vào viện trong tình trạng sốt cao, chân trái phù nề đau đớn. May mắn bệnh nhân được điều trị thành công bằng phương pháp tái thông mạch máu bằng can thiệp nội mạch qua ống. Phó giáo sư Mahen, Trưởng Khoa Can thiệp Mạch máu, Bệnh viện Quốc tế City cho biết can thiệp nội mạch qua ống stent đưa vào chỗ bị tắc mạch được xem là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay. Hiện chân trái không còn đau đớn như trước, bệnh nhân đang tập đi lại. Bệnh mạch máu ngoại biên là các bệnh của hệ động mạch, ngoại trừ bệnh về tim và mạch máu não. Bệnh bao gồm những tổn thương hoặc thuyên tắc ảnh hưởng đến các mạch máu nằm cách xa tim. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến hệ động mạch ở chân và bàn chân. Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh nhân có thể hoại tử chi, phải tháo khớp hoặc cắt bỏ chi, đối mặt nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tử vong. Khoảng 1/2 trường hợp bệnh không có triệu chứng ban đầu. Dấu hiệu thường gặp là đau chân khi đi bộ, cơn đau biến mất trong vài phút sau khi ngừng đi, dễ nhầm lẫn với các bệnh xương khớp khác khiến người bệnh chủ quan. Các mạch máu ở ngoại biên bị hẹp hoặc tắc thường là do xơ vữa động mạch, dẫn tới thiếu máu nuôi các cơ quan như thận, các chi của cơ thể. Cải thiện bệnh bằng cách thay đổi lối sống, bỏ hút thuốc, tập luyện thể dục thường xuyên, giữ đường huyết ổn định, giảm cholesterol máu, kiểm soát huyết áp, dùng thức ăn năng lượng thấp và ít chất béo bão hòa, duy trì cân nặng lý tưởng.

26. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết nguyên nhân cháu bé 8 tháng tuổi ở Nghi Lộc, Nghệ An, tử vong: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 08 tháng 8 năm 2018, Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán bé bị sốc nhiễm khuẩn do nhiễm khuẩn huyết, suy đa phủ tạng, trong van tim có xuất hiện một mảng bám. “Những chẩn đoán này phía BV Đa khoa huyện Nghi Lộc không phát hiện được”, ông Nguyễn Huy Phúc, Giám đốc BV Đa khoa Nghi Lộc thừa nhận. Liên quan đến trường hợp bệnh nhi Nguyễn Bùi Tuấn Kiệt (8 tháng tuổi, xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) tử vong sau nhiều ngày điều trị ở BV Đa khoa Nghi Lộc, phía BV đã có báo cáo gửi Sở Y tế Nghệ An. Theo đó, ngày 19/7, bệnh nhi được người nhà đưa vào viện với tình trạng sốt 3 ngày không khỏi, ho, khò khè. Thăm khám ban đầu, các bác sĩ thấy họng bệnh nhi bị đỏ, sốt 38,9 độ, có thể nguyên nhân là xung huyết nên chuyển đến khoa Lây. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán bị sốt virut, viêm mũi họng nên truyền chai Ringerlactat, đồng thời uống thuốc hạ sốt Hapacol 150mg, thuốc Cefuroxim 120mg. Đến ngày thứ 2 và thứ 3, bệnh nhi sốt từ 38,4 đến 38,6 độ C, toàn thân nổi sẩn đỏ. Các bác sĩ đã cho truyền chai Ringerlactat, đồng thời uống thuốc hạ sốt Hapacol 150mg, thuốc Cefuroxim 120mg, 2 gói uống S-C Biosubtyl, 1 gói uống S-C. Ngày thứ 4, cháu bé sốt liên tục 39,5 độ C và được các bác sĩ xử trí Biotaksym đồng thời uống các loại thuốc như những ngày trước. Ngày thứ 5,6 cháu bé liên tục sốt sao hơn 39 độ C và được các bác sĩ tiếp tục xử trí thuốc như trên đồng thời cho thêm thuốc ORS và bổ sung thêm Solimedrol 40mg. Trên người cháu xuất hiện sưng đau, nổi ban đỏ toàn thân, gối trái sưng. Đến ngày thứ 7,8 cháu bé hết sốt nhưng vẫn được các bác sỹ cho uống các thuốc như những ngày trước. Tuy nhiên, ngày thứ 9, cháu bé trở lại sốt cao 38,8 độ C, quấy khóc, đau vùng quanh rốn, bạch cầu tăng cao. Sau khi hội chẩn, chiều ngày 27/7, BV tiến hành chuyển sang sang BV Sản nhi Nghệ An. Theo bác sĩ Nguyễn Huy Phúc, Giám đốc BV Đa khoa Nghi Lộc, sau khi nhận được phản ánh của gia đình, BV đã liên hệ với BV Nhi TƯ thì được biết, các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc nhiễm khuẩn do nhiễm khuẩn huyết, suy đa phủ tạng, trong van tim có xuất hiện một mảng bám. Những chẩn đoán này phía BV Đa khoa huyện Nghi Lộc không phát hiện được. Ông Phúc cũng cho biết, BV sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cá nhân liên quan.

27. Các bác sỹ Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương mổ đẻ thành công cho một sản phụ bị hẹp khít khí quản: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 09 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã phối hợp ca mổ bắt con thành công để cứu sản phụ bị khó thở do hẹp khít khí quản. Bệnh nhân H 29 tuổi, quê Thanh Hóa, được cấp cứu tại bệnh viện địa phương trong tình trạng suy hô hấp.Bệnh nhân được mở khí quản, với sẹo mổ mở khí quản. Ở thời điểm này bệnh nhân đang mang thai con thứ 2. Sau khoảng 15 ngày xuất viện, bệnh nhân xuất hiện khó thở trở lại và được gia đình tiếp tục đưa vào bệnh viện địa phương. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Phổi Trung ương từ tuần thai thứ 17 và được chẩn đoán suy hô hấp do hẹp khí quản, sẹo mở khí quản trên thai 17 tuần, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con. ThS, BS Nguyễn Lê Nhật Minh, Trưởng khoa Nội soi chẩn đoán và can thiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương, người trực tiếp theo dõi và điều trị cho bệnh nhân H cho biết, thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị hẹp khí quản, hẹp rất nhỏ với đường kính chỉ còn 3 - 4 mm trong khi với người bình thường với chiều cao như bệnh nhân đường kính phải rơi vào 16 - 17 mm. Tình trạng đó khiến cho bệnh nhân luôn khó thở và có nguy cơ bị bít tắc vùng chít hẹp vô cùng nguy hiểm tính mạng cả mẹ và con. Bệnh nhân đang có thai gây hạn chế làm các kỹ thuật cao về chẩn đoán hình ảnh như cắt lớp vi tính để đánh giá về tình trạng đường thở, mức độ hẹp khí quản. Bệnh nhân đã được nong sẹo hẹp khí quản ba lần ở các tuần thai thứ 17, 27, 31. Tuy nhiên, sau mỗi lần thực hiện can thiệp thủ thuật được vài tuần, vị trí nong lại hẹp trở lại. Để cứu sống bệnh nhân, bệnh viện đã hỗ trợ miễn phí đặt stent khí quản ở tuần thai thứ 32. Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức hội chẩn và quyết định cố gắng hỗ trợ bệnh nhân giữ thai đến tuần thai đủ để sinh con (ít nhất 35 tuần). ThS, BSCKII Phạm Hải Hà, Phó Trưởng khoa Sản bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, bệnh nhân được theo dõi, hội chẩn nhiều ngày giữa hai bệnh viện. Ngày hôm qua, các bác sĩ hội chẩn quyết định mổ lấy thai cho sản phụ ở tuần thai thứ 36. Đây được coi là thời điểm lý tưởng nhất, hợp lý nhất bảo đảm an toàn cho cả mẹ và con. Sáng 9/8, ca mổ diễn ra thành công. Bé gái sơ sinh nặng 2,8 kg ở tuần thai 36 đã được Bệnh viện Phổi Trung ương trao cho Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc.

28.  Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên can thiệp thành công túi phình mạch não khổng lồ mà không cần gây mê: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 09 tháng 8 năm 2018, một bé gái 15 tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh bị phình động mạch đốt sống vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 chữa trị thành công bằng phương pháp can thiệp nội mạch không cần gây mê. Các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh BV Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có dấu hiệu tái phát bệnh lý phình động mạch đốt sống. Một năm trước, bệnh nhi từng được điều trị túi phình mạch khổng lồ ở hai động mạch đốt sống - vị trí nguy hiểm và nhạy cảm cung cấp máu cho vùng thân não. Việc điều trị hiệu quả giúp bệnh nhân khỏe mạnh gần một năm thì cuối tháng 7, bé trở lại với những cơn đau đầu. Kết quả thăm khám cho thấy vị trí phình động mạch từng chữa trị tiếp tục phình to, chèn ép thân não và chực chờ vỡ. Trước tình huống khẩn, sau nhiều lần hội chẩn và được sự đồng ý của gia đình bệnh nhân, các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2 cùng TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh và mạch máu não Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt tay thực hiện ca phẫu thuật phức tạp ngăn máu đến túi phình mà vẫn đảm bảo máu cung cấp cho vùng thân não. Mọi can thiệp tiến hành trong tình trạng bệnh nhân vẫn tỉnh táo, chỉ gây tê tại chỗ vị trí bẹn hai bên và vị trí đặt ống thông vào động mạch đùi. Sau hơn một tuần theo dõi, chiều 9/8, bệnh nhân hết đau đầu, phục hồi tốt, không yếu liệt tay chân. Đây là lần đầu tiên tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh nhi được can thiệp mạch máu khi đang hoàn toàn tỉnh táo. Theo các bác sĩ, việc để bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo giúp êkíp có thể theo dõi và đánh giá các chức năng thần kinh của bé trong suốt quá trình can thiệp, nhờ đó, có thể đưa ra những phương án can thiệp tối ưu. Tuy nhiên, cách làm này cũng đòi hỏi sự phối hợp của các bác sĩ gây mê và sự hợp tác của bệnh nhi.

29. Sở Y tế Quảng Ngãi có báo cáo nhanh về trường hợp sản phụ tử vong sau phẫu thuật u nang buồng trứng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 09 tháng 8 năm 2018, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo nhanh trường hợp sản phụ tử vong sau phẫu thuật u nang buồng trứng. Sở cũng chỉ đạo Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi khẩn trương họp hội đồng chuyên môn đánh giá quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc, phẫu thuật và xử lý của các y, bác sĩ đối với trường hợp sản phụ tử vong sau phẫu thuật u nang buồng trứng. Xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và nghiêm khắc xử lý theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời, thông báo kết luận hội đồng chuyên môn đến gia đình bệnh nhân và chia sẻ thông tin trên phương tiện truyền thông đại chúng, báo cáo kết quả giải quyết vụ việc về Sở Y tế tỉnh trước ngày 12/8. Theo báo cáo của Sở, ngày 8/8 tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận 1 trường hợp tử vong sau phẫu thuật u nang buồng trứng. Bệnh nhân tử vong là chị Nguyễn Thị M. T. (sinh 1991, trú phường Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi). Theo thông tin, ngày 6/8, chị T. đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi với triệu chứng đau hố chậu trái/có thai. Sau khi thăm khám với chẩn đoán “Chăm sóc bà mẹ vì các vấn đề của thai chưa xác định rõ (O36.9), Thai 12 tuần 6 ngày/U nang buồng trứng”, Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi chuyển tuyến lên Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, bệnh nhân tỉnh táo, chưa dùng thuốc, chưa dùng thủ thuật kỹ thuật nào. Tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi, bệnh nhân nhập viện lúc 13 giờ 51 phút ngày 6-8.  Các bác sĩ đã thăm khám, toàn thân da niêm mạc hồng hào, tim phổi chưa phát hiện bệnh lý, âm đạo không ra máu, cổ tử cung không viêm, thân tử cung lớn, cạnh trái tử cung ấn đau. Siêu âm có 1 thai nhi khoảng 14 tuần tuổi, u bì buồng trứng trái. Chẩn đoán u lành buồng trái. Đến ngày 7/8, qua thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chỉ định cho mổ lấy u nang. Đến 8 giờ ngày 8/8, ê kíp thực hiện các bước tiến hành mổ.Khoảng 10 giờ 30 phút, bệnh nhân kết thúc mổ và chuyển hồi sức ngoại sau mổ.Ghi nhận tại Hồi sức ngoại, bệnh nhân tỉnh, mạch 75l/p, HA 120/80mmHg, SP02 99, bụng mềm, vết mổ không thấm dịch nước tiểu vàng hồng. Đến 12 giờ ngày 8/8, bệnh nhân mệt, khó thở, tím ở môi và đầu chi. Bệnh nhân được chuyển lại phòng mổ.Tại phòng mổ, bệnh nhân được thực hiện hồi sức tích cực đến 13 giờ cùng ngày hồi sức thất bại, bệnh nhân tử vong. 

30. Các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cứu sống bé trai 19 tháng tuổi bị bắn đạn súng hơi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 09 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) đã kịp thời cứu bé trai 19 tháng tuổi bị đạn bi súng hơi bắn vào ngực phải. Bệnh nhi H.M.T (19 tháng tuổi, xã Hưng Hòa, Nghệ An) nhập viện ngày 4.8 trong tình trạng chảy máu vùng ngực phải. Theo lời kể của gia đình, trong lúc sang nhà hàng xóm chơi, thấy một khẩu súng hơi trên ghế, cháu T đã đùa nghịch, chẳng may súng bóp cò bị đạn bi súng hơi bắn vào ngực. Gia đình ngay lập tức đưa T vào bệnh viện. Kết quả thăm khám phát hiện thêm các triệu chứng và hội chứng như thiếu máu, vết thương hình tròn ở khoang liên sườn sủi khí, tim nhịp nhanh... Ngay sau đó, bệnh nhi được các bác sĩ hội chẩn và tiến hành phẫu thuật, lấy dị vật lồng ngực. Hiện, sau 5 ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định và đang được tiếp tục theo dõi tại khoa Hồi sức cấp cứu.

31. Các bác sỹ Đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy kịp thời cứu sống một ngư dân trên đảo Thổ Chu: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 09 tháng 8 năm 2018, một ngư dân khi đang đánh cá tại đảo Thổ Chu (thuộc xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) có triệu chứng ngưng tim, ngưng thở đã được các y bác sĩ Đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu thành công. Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, anh Lê Văn D. (34 tuổi, ngụ tại đảo Thổ Chu) đã được cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, tiên lượng tử vong cao. Các y bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân, ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản và sử dụng các thuốc cơ bản trong hồi sức. Sau 20 phút ép liên tục, tim bệnh nhân đập trở lại, huyết áp và mạch ổn định. Bác sĩ Trần Thanh Huyền - Phó Bí thư Đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khi tình trạng bệnh nhân được cải thiện, các bác sĩ đã theo dõi nhồi máu cơ tim cấp và chấn thương vùng cổ. Sau hơn 4 tiếng điều trị, tri giác của anh D. cải thiện rõ rệt, huyết động ổn định và được rút nội khí quản. Anh D là ngư dân đánh cá tại đảo Thổ Chu, do xô xát với bạn cùng ghe nên dẫn đến tình trạng trên. Hiện tại, do điều kiện cơ sở vật chất y tế tại đảo còn thiếu thốn, anh D. đã được chuyển đến Bệnh viện huyện Phú Quốc để tiếp tục theo dõi và điều trị. Rất may là sự việc trên diễn ra đúng dịp đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang thực hiện chiến dịch "Kỳ nghỉ hồng". Tại đảo Thổ Chu, các y bác sĩ thuộc đoàn tình nguyện đã tiến hành khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 500 người dân, tập huấn sơ cấp cứu cho người dân, đặc biệt là ngư dân trên đảo.

32. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam lấy được chiếc lưỡi câu ra khỏi phổi bệnh nhân tâm thần: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 09 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam đã gắp thành công dị vật phức tạp nằm trong phổi của một bệnh nhân tâm thần bằng phương pháp nội soi.

Bác sĩ Trình Trung Phong, Trưởng Khoa Nội Tổng hợp của Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Quảng Nam cho biết, các y, bác sĩ của khoa vừa nội soi và gắp thành công các dị vật phức tạp nằm hai bên phổi của một bệnh nhân tâm thần. Theo thông tin, ngày 3/8, Khoa cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng khó thở, đau buốt ở vùng phổi. Qua khám nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán hai bên phổi của bệnh nhân có một dị vật cần phải được lấy ra. Ngày 8/8, các bác sĩ tiến hành nội soi và gắp các dị vật trong phổi của bệnh nhân ra ngoài. Các dị vật được lấy ra gồm: 1 bánh xe của hộp quẹt ga; 1 một cục sắt gỉ có kích thước 2 x 2cm; 1 lưỡi câu sắt. Được biết, bệnh nhân tên Đặng Đình T. (40 tuổi, trú xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đang được điều trị tại Trung tâm Nuôi dưỡng Tâm thần ở Quảng Nam. Hiện sức khỏe của bệnh nhân T. đang dần hồi phục. Tuy nhiên, bệnh nhân đang được bệnh viện giữ lại để tiếp tục theo dõi, phòng trừ trường hợp uốn ván.

 

33. Sử dụng quy trình báo động đỏ, các bác sỹ Bệnh viện Quân y 175 cứu sống một bệnh nhân bị đâm thủng tim: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 09 tháng 8 năm 2018, do mâu thuẫn với đồng nghiệp, anh L.T.A (sinh năm 1999, quê Hậu Giang) bị đồng nghiệp đâm thủng tim và nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Sau đó, anh đã được các y bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 175 cứu sống chỉ trong vòng 5 phút mở ngực và khâu vết thương tim. Ngày 9/8, đại diện Bệnh viện Quân y 175 TPHCM (Bộ Quốc phòng) cho biết, đơn vị vừa điều trị thành công cho anh L.T.A trong tình trạng nguy kịch. Anh A. nhập viện với một vết thương bên ngực trái, khó thở, người tím tái, vã mồ hôi và bị suy hô hấp. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, ê kíp trực đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ của bệnh viện và triển khai mổ cấp cứu tối khẩn cấp. Tại phòng mổ, các bác sĩ đã mở ngực và khâu vết thương tim trong 5 phút. TS.BS Cù Xuân Thanh – Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực- Tim mạch, bệnh viện Quân y 175 cho biết, khi phẫu thuật tim, anh A. có vết thương thủng thất phải 1,5 cm, máu tràn đầy khoang màng tim gây chèn ép tim cấp. Do được cấp cứu kịp thời nên hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Theo lời kể, anh L.T.A quê ở Hậu Giang, lên TPHCM làm thợ hồ. Buổi chiều sau khi xong việc, anh đã xảy ra cự cãi với một đồng nghiệp, dẫn đến mâu thuẫn. Ngay sau đó, người đồng nghiệp này bất ngờ rút dao bấm đâm 1 nhát vào phía bên ngực trái, khiến anh A. ngất xỉu tại chỗ. Hiện tại tình trang sức khỏe của anh A. đã ổn định, dự kiến có thể xuất viện trong vài ngày tới.

34. Các bác sỹ Bệnh viện Quận 9 thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật nội soi thành công cho một thai phụ chửa ngoài dạ con: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 09 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Quận 9 vừa phẫu thuật nội soi thành công trường hợp cấp cứu hiếm gặp: Bệnh nhân có thai ngoài tử cung và bị sảy thai vào ổ bụng. Trước đó bệnh nhân Nguyễn Thị T. T. (sinh năm 1992, ngụ quận 9) nhập viện với tình trạng mệt, da xanh xao, mang thai lần đầu được 7 tuần tuổi. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm và siêu âm đầu dò âm đạo, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân mang thai ngoài tử cung nhưng đã sảy thai vào ổ bụng và chảy máu liên tục. Lập tức, Khoa sản Bệnh viện Quận 9 kích hoạt báo động đỏ nội viện, đồng thời hội chẩn với GS-TS Nguyễn Công Minh (cố vấn chuyên môn bệnh viện), Th.S-BS Phạm Thị Thu Hương ( Trưởng Khu sản – Bệnh viện Nhân dân Gia Định). Sau hội chẩn, bệnh nhân liền được hồi sức và chuyển vào phòng mổ tiến hành phẫu thuật nội soi cầm máu và tạo hình bảo tồn tai vòi. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân  hồi phục tốt và chuẩn bị xuất viện.  BS Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Quận 9 cho biết, thai ngoài tử cung sảy vào ổ bụng là trường hợp hiếm gặp. Ngoài ra, do bệnh nhân chảy máu trong ổ bụng, nếu không chẩn đoán chính xác và xử lý kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.  

35. Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen cho Kỹ thuật viên Hiếu và tập thể Khoa Nội thần kinh 3 Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 10 tháng 8 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao tặng Bằng khen cho Tập thể Khoa nội Thần kinh 3, kỹ thuật viên Nguyễn Đức Hiếu- là những “nhân vật” được bố bệnh nhi ở Nghệ An viết thư khen ngợi gửi đến Bộ trưởng Bộ Y tế. Theo thông tin, sáng ngày 10/8, nhân dịp đến làm việc và kiểm tra công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao tặng Bằng khen của cho Tập thể Khoa nội Thần kinh 3, kỹ thuật viên Nguyễn Đức Hiếu- là những “nhân vật” được bố bệnh nhi ở Nghệ An viết thư khen ngợi gửi đến Bộ trưởng Bộ Y tế. Chúc mừng Tập thể Khoa nội Thần kinh 3 và kỹ thuật viên Nguyễn Đức Hiếu đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như nhận được sự tin tưởng và khen ngợi của người nhà bệnh nhân, Bộ trưởng mong muốn các y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Khoa nội Thần kinh 3 nói riêng và BV Việt Đức nói chung tiếp tục nỗ lực trong công tác khám chữa bệnh, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh để người bệnh/người nhà bệnh nhân ngày càng hài lòng hơn khi đến đây khám chữa bệnh. Trước đó, về phía BV Việt Đức, Ban lãnh đạo BV cũng đã khen thưởng kỹ thuật viên Nguyễn Đức Hiếu và Khoa nội Thần kinh 3 trước toàn Bệnh viện. Cùng với khen thưởng, Ban giám đốc BV Việt Đức đã tặng kỹ thuật viên Hiếu 3 triệu đồng và tập thể Khoa nội Thần kinh 3 số tiền 3 triệu đồng. Ngoài ra, BV Việt Đức cũng đã có công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế khen thưởng xứng đáng với kỹ thuật viên Nguyễn Đức Hiếu. Cách đây vài ngày, trên mạng xã hội lan truyền thư ngỏ rất cảm động của anh Nguyễn Khắc An, bố của một bệnh nhi 10 tuổi kể về quá trình thăm khám của con trai anh tại Bệnh viện Việt Đức. Trong bức thư ngỏ đó, anh An đã kể một câu chuyện về kỹ thuật viên Nguyễn Đức Hiếu, 25 tuổi của Khoa nội Thần kinh 3 (BV Việt Đức) đã tận tình bằng mọi giá để thực hiện thành công thủ thuật điện não đồ video cho cháu bé. Để làm được thủ thuật này, đòi hỏi cháu bé phải ngủ say tự nhiên ít nhất trong 3 tiếng đồng hồ. Nhưng không dưới 5 lần các bác sĩ thất bại vì cứ bôi keo lên đầu để dán điện cực thì cháu lại thức. Vì thế, bố cháu xin các bác sĩ đặc cách cho cháu được điện não đồ video vào ban đêm. Đêm ngày 2/8, kỹ thuật viên Hiếu đã thức cùng bố bệnh nhi chờ đợi cháu bé ngủ say để làm thủ thuật cho bé. Trong cả đêm trắng với cái nóng hầm hập, anh Hiếu đã nhiều lần thực hiện gần thành công thì cháu bé lại thức dậy. Cho đến 3h sáng, việc thực hiện mới được bắt đầu và thành công để kịp sáng hôm sau, giáo sư người Pháp thăm khám cho cháu bé. Nhờ kết quả điện não nên cháu bé đã được thăm khám và kết luận.

36. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương làm rõ thông tin về vụ làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 10 tháng 8 năm 2018, Liên quan tới thông tin về công tác khám, chữa bệnh tâm thần, giả hồ sơ bệnh án để trốn tránh việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, cuối giờ chiều 10/8, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ; một số bệnh viện Tâm thần trên địa bàn Hà Nội. Khởi tố vụ hàng loạt đối tượng hình sự, giang hồ được làm bệnh án tâm thần giả Có nạn nhân bị xâm hại phải bỏ đi biệt xứ, rối loạn tâm thần, tự tử. Tại cuộc họp, đại diện Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, ngày 12/6/2018, Bệnh viện nhận được thông báo số 53 và 54 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an thành phố Hà Nội về việc khởi tố, bắt tạm giam bị can phục vụ điều tra đối với hai viên chức của Bệnh viện là: Bác sĩ chuyên khoa 2 Thân Thanh Phong, Phó Trưởng Khoa Tâm thần người cao tuổi và Nguyễn Tuấn Sơn, Kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng.Sau khi nhận được thông báo 1 ngày, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đã có quyết định tạm hoãn hợp đồng làm việc 3 tháng đối với ông Sơn và ông Phong. Đại diện Bệnh viện cho biết, đến nay đã qua 2 tháng, cơ quan Công an thành phố Hà Nội đang tiếp tục điều tra và Bệnh viện vẫn chưa nhận được thông báo của Công an Hà Nội về kết quả điều tra đối với hai viên chức trên. Ngày 26/7, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 nhận được công văn của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hà Nội về việc cung cấp thông tin, tài liệu kiểm tra lại 94 hồ sơ của bệnh nhân đã điều trị tại Bệnh viện. Sau khi nhận được công văn, Bệnh viện đã kiểm tra kỹ số lượng hồ sơ bệnh án yêu cầu và cung cấp thông tin cho Công an thành phố Hà Nội. Bệnh viện đang phối hợp với Công an thành phố Hà Nội rà soát lại 94 hồ sơ bệnh án để xem có bệnh án giả mạo hay không. Tại cuộc họp, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ để vi phạm pháp luật; đồng thời đề nghị các cơ quan tư pháp xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai. Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Công tác giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong bất kỳ nền tư pháp nào. Kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần được pháp luật quy định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Kết luận giám định đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không để lọt tội phạm, không để oan người vô tội, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

37. Một lãnh đạo khoa và một nhân viên Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đã bị bắt vì liên quan đến vụ “chạy bệnh án tâm thần”: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 10 tháng 8 năm 2018, Liên quan đến vụ án làm giả bệnh án tâm thần để trốn tránh việc xử lý của các cơ quan pháp luật, hai nhân viên Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 bị bắt tạm giam để điều tra vụ bác sĩ chạy bệnh án tâm thần. Tại cuộc họp, đại diện Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết ngày 12-6-2018, Bệnh viện này đã nhận thông báo số 53 và 54 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội về việc khởi tố, bắt bị can tạm giam phục vụ điều tra với 2 viên chức của Bệnh viện này là: bác sĩ chuyên khoa 2 Thân Thái Phong, Phó Trưởng Khoa tâm thần người cao tuổi; Ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên Trưởng Khoa Dinh dưỡng. Trong đó, ông Sơn có trách nhiệm phân công công việc hàng ngày tại Khoa Dinh dưỡng. Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết sau khi nhận được thông báo 1 ngày, Bệnh viện đã có quyết định tạm hoãn hợp đồng làm việc 3 tháng đối với ông Sơn và ông Phong. Qua 2 tháng, cơ quan Công an Thành phố Hà Nội đang tiếp tục điều tra. Đến nay, Bệnh viện vẫn chưa nhận được thông báo của Công an Hà Nội về kết quả điều tra đối với 2 viên chức trên. Ngoài ra, ngày 26/7 vừa qua, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 nhận được công văn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội về việc cung cấp thông tin, tài liệu kiểm tra lại 94 hồ sơ của bệnh nhân đã điều trị tại Bệnh viện. Sau khi nhận được công văn, Bệnh viện đã kiểm tra kỹ số lượng hồ sơ bệnh án yêu cầu, và cung cấp thông tin cho Công an Thành phố Hà Nội. Bệnh viện cũng đang phối hợp với Công an Thành phố Hà Nội rà soát lại 94 hồ sơ bệnh án để xem có bệnh án giả mạo hay không. Tại cuộc họp về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ để vi phạm pháp luật. Đề nghị các cơ quan tư pháp xử lý đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai. Cùng đó, Bộ Y tế yêu cầu các Cục, Vụ, đơn vị liên quan, các bệnh viện chuyên ngành Tâm thần rà soát lại quy trình, thủ tục chuyên môn liên quan đến chẩn đoán, giám định bệnh án tâm thần.

38. Một bệnh viện tuyến huyện ở Hả Tĩnh đã nối thành công ngón tay bị đứt gần lìa cho một bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 10 tháng 8 năm 2018, BS. Trần Hữu Ngọc - Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết các bác sỹ ở đây vừa phẫu thuật nối thành công, nối ngón tay bị đứt gần lìa cho một bệnh nhân. Trước đó, ngày 29/7, bệnh nhân Nguyễn Quang S. (30 tuổi, quê ở xã Phù Việt, huyện Thạch Hà) khi đang làm việc tại nhà thì bị máy cưa làm đứt gần lìa ngón út bàn tay trái. Anh S. được người nhà đưa vào cấp cứu tại BVĐK huyện Thạch Hà. Tại đây, sau khi sơ cứu, kiểm tra, cho thấy vết thương đứt gần lìa đốt 1, ngón út bàn tay trái, mất máu nhiều, đã được chỉ định khâu nối ngón tay và nhanh chóng đưa lên phòng mổ cấp cứu bằng phương pháp vi phẫu. Ca phẫu thuật kéo dài liên tục 2 giờ và đã diễn ra tốt đẹp. 10 ngày sau phẫu thuật, đầu ngón tay của bệnh nhân S. đã hồng ấm, có cảm giác, phản hồi mao mạch tốt, phần chi rời đã có dấu hiệu hồi phục nên bệnh nhân đã được xuất viện. Đây là ca thứ 3, BVĐK huyện Thạch Hà thực hiện vi phẫu nối liền chi cho bệnh nhân.

39. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cứu sống bệnh nhi 6 tuổi vị nghẽn đường thở do hóc thịt: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 10 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viên nhi đồng Đồng Nai đã cấp cứu kịp thời một bé trai 6 tuổi, ngụ TP Biên Hòa bị hóc viên thịt trong đường thở khi đang ăn bún mọc. Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: Đến ngày 11/8, bệnh nhi Nguyễn Đức A. (6 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) bị ngưng tim, ngưng thở do hóc viên mọc trong tô bún khi ăn sáng, đã qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn dần ổn định. Trước đó, sáng 10/8, bệnh nhi Nguyễn Đức A. nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, mạch, huyết áp bằng 0, đồng tử giãn, tim ngừng đập… Qua kiểm tra, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai xác định bệnh nhi bị hóc dị vật gây chèn ép đường thở và được chỉ định cấp cứu, cung cấp oxy và gắp dị vật ra khỏi đường thở khẩn cấp. Các bác sĩ nhanh chóng luồng ống nội khí quản vòng qua mép dị vật vào phổi để cung cấp khí ôxy cho não, tiến hành nâng huyết áp, nâng tim. Khi bệnh nhi ổn định hơn, các bác sĩ mới tiến hành gắp dị vật (viên mọc to bằng ngón tay cái) khỏi ống thở, ổn định tổn thương phổi cho bệnh nhi. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, thời điểm nhập viện, bệnh nhi thiếu oxy não từ 20 - 30 phút, phổi bị tổn thương nặng, máu trào ra rất nhiều, dị vật lớn chiếm hoàn toàn đường thở khiến trẻ không thở được, từ đó làm cho diễn tiến bệnh xấu nhanh hơn. Nếu nhập viện muộn hơn chút nữa nguy cơ tử vong là rất cao. Đây là một trong 2 ca hóc dị vật nặng nhất mà bệnh viện từng tiếp nhận và điều trị từ trước đến nay. Người nhà bệnh nhi cho biết, bé bị hóc dị vật trong lúc đang ăn sáng, do ăn phải miếng ớt cay khiến bé bị sặc, dị vật theo đó chạy tuột vào đường thở. Người nhà đã nỗ lực sơ cấp cứu tại chỗ nhưng không hiệu quả. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khuyến cáo người dân, khi cho trẻ ăn nên chú ý, đặc biệt khi ăn những thức ăn tròn, trơn, kích thước lớn, nhất là không được đùa giỡn trong lúc ăn nhằm tránh cho trẻ bị hóc dị vật. Trường hợp không may xảy ra tình trạng trẻ bị hóc dị vật, nên có những biện pháp sơ cấp cứu nhanh chóng cung cấp oxy cho não bằng những biện pháp như hà hơi thổi ngạt, ấn bụng… và nhanh chóng đưa trẻ tới những cơ sở y tế càng sớm càng tốt, tránh tình trạng trẻ bị thiếu oxy quá lâu. Hiện bệnh nhi đã tạm thời qua cơn nguy kịch, đồng tử co lại cho thấy có dấu hiệu hồi phục, giải quyết được một phần thiếu ô xy não. Tuy nhiên, do bệnh nhi bị thiếu ô xy não trong thời gian quá dài nên việc hồi phục sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể có di chứng về sau.

40. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ do tắc động mạch thân nền: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 10 tháng 8 năm 2018, bác sỹ chuyên khoa II (BSCKII) Nguyễn Minh Nghiêm, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ cho biết, các bác sỹ của Bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân bị đột quỵ do tắc động mạch thân nền. Trước đó, lúc 21h15 ngày 6-8, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện, tiếp nhận bệnh nhân nữ P.T.N. (40 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), trong tình trạng hôn mê, tăng huyết áp. Sau khi chụp CT-Scan mạch máu não kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch thân nền. Thông qua hội chẩn, các quyết định sử dụng kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối nội mạch cho bệnh. Sau 1 giờ can thiệp thủ thuật, động mạch thân nền đã được tái thông hoàn toàn. Do bệnh nhân được đưa đến bệnh viện kịp thời và ê-kíp thực hiện can thiệp khẩn cấp nên sau 6 giờ bệnh nhân tỉnh táo, hỏi trả lời đúng, phục hồi vận động tốt và đang được điều trị và theo dõi tại Khoa Nội thần kinh. BSCKII Ông Văn Mỹ, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết, bệnh nhân đột quỵ não do tắc động mạch thân nền, nếu không được điều trị kịp thời có tỉ lệ tử vong 75-80%, những trường hợp cứu sống có thể để lại di chứng liệt tứ chi hoặc đời sống thực vật. Đây là một trong nhiều trường hợp thành công mà ê-kíp can thiệp nội mạch kết hợp thuốc tiêu sợi huyết và lấy huyết khối bằng dụng cụ đã được Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ triển khai từ cuối năm 2016.

41. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Điện Biên cứu sống một bệnh nhân vị chấn thương dập não, tim ngừng đập: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 10 tháng 8 năm 2018, một chàng trai 31 tuổi dân tộc Mông bị dập não, chấn thương sọ não, 3 lần ngừng tim đã may mắn được các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biện cứu sống với sự chỉ đạo trực tiếp của các chuyên gia ngoại khoa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông qua hệ thống y tế từ xa . Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận và cấp cứu người bệnh M.V.D– 31 tuổi, Dân tộc Mông được chẩn đoán chấn thương sọ não kín, tụ não dưới màng cứng thùy thái dương phải, dập não đa ổ có phù não nặng (người bệnh đã 03 lần ngừng tim trong quá trình cấp cứu). Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn và xin ý kiến chỉ đạo của các chuyên gia từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Xác định đây là trường hợp bệnh lý nặng, phức tạp, tình trạng người bệnh rất nguy kịch cần được xử lý mổ cấp cứu trong khi điều kiện thời tiết và giao thông không thể chuyển người bệnh về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hoặc hỗ trợ chuyên gia từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Trước tình hình đó, Gs.Ts Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện HN Việt Đức và các chuyên gia đã quyết định hỗ trợ, chỉ đạo các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên phẫu thuật qua thiết bị hội chẩn trực tuyến Telemedicine. Sau 45 phút chuẩn bị, người bệnh đã được đưa lên phòng mổ và triển khai phẫu thuật dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các chuyên gia về phẫu thuật Thần kinh, Gây mê và Hồi sức của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ca mổ đã thành công ngoài sự mong đợi của tất cả y bác sĩ và người bệnh. Hiện tại bệnh nhân hồi phục chức năng tương đối tốt, glasgow từ 5 điểm, giờ đã có thể tự đi lại và nói chuyện. TS.BS Lê Hồng Nhân – Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bác sĩ trực tiếp chỉ đạo trực tuyến ca phẫu thuật đã chúc mừng ê kíp mổ thực hiện thành công ca phẫu thuật trên một bệnh nhân nặng và gửi lời dặn dò bệnh nhân. Bs Nhân cho biết, tại khoa Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị chấn thương mà không phát hiện do di chứng động kinh. Để tránh những cơn động kinh thứ phát sau chấn thương sọ não, không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia. Vì đây là những chất kích thích sọ não, kích thích cơn động kinh. Bệnh nhân có thể ăn uống bình thường và tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày. Đồng thời cần khám định kỳ để kiểm tra, theo dõi, tránh những biến chứng tiếp theo có thể xảy ra. Sống lại sau trận “thập tử nhất sinh”, bệnh nhân D bày tỏ niềm xúc động và cảm ơn các thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên và Bệnh viện Việt Đức đã tận tình cứu chữa, giúp anh sống thêm một lần nữa.

42. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắc Lắc nối thành công bàn chân bị đứt rời cho một bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 13 tháng 8 năm 2018, bác sĩ Y Bliu Arul, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc cho biết, bệnh viện vừa tiến hành phẫu thuật ghép nối bàn chân bị đứt rời cho một bệnh nhân. Qua theo dõi, kết quả phẫu thuật đang rất khả quan. Bệnh nhân được ghép nối bàn chân bị đứt rời là Lê Thanh Tùng, SN 1988, trú tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đác Lắc. Trước đó, vào khoảng 23 giờ ngày 10-8, bệnh nhân Tùng nhập viện trong tình trạng mất máu, bàn chân trái bị đứt rời (đoạn giáp với xương ống chân trở xuống), nửa bàn chân phải cũng gần bị đứt rời. Ngay sau đó, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện đã truyền bốn đơn vị máu, khẩn trương sát trùng, xét nghiệm và phẫu thuật ghép nối bàn chân cho bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Minh Trực, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc cho biết: Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 5 giờ đồng hồ, bệnh viện đã phải truyền tổng cộng bảy đơn vị máu cho bệnh nhân. Hiện sức khỏe bệnh nhân Tùng đã tạm ổn nhưng vẫn cần sự chăm sóc đặc biệt của các bác sĩ. Vết thương ở bàn chân trái của bệnh đang có tiến triển khả quan, các ngón chân đã hồng trở lại và có thể cử động, bắt mạch được. Tuy nhiên, để đánh giá được kết quả ghép nối thì cần phải mất từ 10 ngày đến hai tuần.

43. Các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện đa khoa Phú Yên cấp cứu thành công một sản phụ bị sản giật, vỡ gan, suy thận cấp: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 13 tháng 8 năm 2018, sau gần nửa tháng được các bác sĩ Bệnh viện sản – nhi và Bệnh viện đa khoa Phú Yên cấp cứu và điều trị tích cực, đến ngày 13 tháng 8 một sản phụ bị sản giật, vỡ gan, suy gan, suy thận cấp đã hồi phục sức khỏe. Trước đó sáng ngày 29 tháng 7, sản phụ Nguyễn Thị Diễm Hằng (24 tuổi) trú ở thôn Mỹ Phú, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa bất ngờ lên cơn co giật khi đang được người thân đưa đến Bệnh viện sản – nhi Phú Yên sinh đứa con đầu.  Bệnh nhận nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân, nhịp tim rất nhanh (120 lần/phút), huyết áp cao (180/110mmHg), được chẩn đoán bị sản giật khi đang chuyển dạ, thai nhi 40 tuần. Gần nửa giờ sau khi xử lý sản giật và mổ lấy thai nhi, bệnh trạng sản phụ diễn biến nặng do bị choáng, mất máu nhiều, tiên lượng xấu. Sau khi phối hợp hội chẩn, ê kíp bác sĩ Bệnh viện sản – nhi và Bệnh viện đa khoa Phú Yên chẩn đoán sản phụ vỡ gan, choáng nặng, tụt huyết áp, trụy mạch nên chỉ định mổ cấp cứu ngay trong chiều cùng ngày. Sau ca mổ, sản phụ biến chứng rối loạn đông máu, suy gan, suy thận cấp nên phải chuyển đến Khoa hồi sức tích cực - chống độc ở Bệnh viện đa khoa Phú Yên vào sáng 31-7 để chạy thận nhân tạo cấp cứu hai lần. Nhờ nỗ lực cấp cứu, phẫu thuật kịp thời, kết hợp truyền 14 đơn vị máu, 14 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh, 1 đơn vị khối tiểu cầu và điều trị tích cực nên sản phụ đã được cứu sống, chức năng gan, thận đã phục hồi.

44. Bác sỹ Bệnh viện Bình Dân thành phố Hồ Chí Minh bị tước chứng chỉ hành nghề vì gây tai biến cho bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 13 tháng 8 năm 2018, Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa ra quyết định phạt ông Phan Văn Sử, công tác tại Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, 35 triệu đồng; cCùng với đó là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 4,5 tháng với lý do ông Sử đã vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, gây tai biến cho người bệnh. Trước đó, bà BHS (66 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh) đến Bệnh viện Bình Dân khám bệnh. Sau đó, ông Sử đưa bà S. qua Bệnh viện đa khoa Bưu Điện (lô B9 Thành Thái, phường 15, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) để phẫu thuật. Người nhà bà S. cho biết sau phẫu thuật nội soi lồng ruột tại Bệnh viện đa khoa Bưu Điện do ông Sử và các bác sĩ khác thực hiện, bà S. bị xuất huyết ổ bụng, nhiễm trùng vết mổ… Mặc dù Bệnh viện đa khoa Bưu Điện nhanh chóng phẫu thuật lần hai nhưng sức khỏe bà S. không cải thiện nên Bệnh viện chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu. Tuy nhiên, sau đó bà S. tử vong. 

45. Một ngư dân bị đột quỵ ở Trường Sa được máy bay trực thăng của Bộ Quốc phòng đưa về đất liền cấp cứu: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 13 tháng 8 năm 2018, chiếc trực thăng EC 225 mang số hiệu 618 của Bộ Quốc phòng đã đưa một ngư dân bị đột quỵ não từ quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) về đất liền cấp cứu. Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Quân y 175, Thành phố Hồ Chí Minh, để các bác sỹ tiến hành cấp cứu khẩn cấp. Trước đó, vào lúc 8 giờ ngày 12/8, trong lúc đang kéo lưới trên tàu cá mang số hiệu QNg 95122 TS, ông Nguyễn Hữu Cường (51 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa) bất ngờ bị trượt chân, đập đầu xuống sàn tàu bất tỉnh. Lúc này, tàu khai thác hải sản gần đảo Sơn Ca, huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Do đó, ngư dân gặp nạn đã được đưa vào Bệnh xá đảo Sơn Ca cấp cứu. 

Qua cấp cứu ban đầu, nhận thấy bệnh nhân không cử động được chân tay, liệt nửa người bên phải và không thể nhận biết, các bác sỹ trên đảo đã khẩn trương cấp cứu, truyền dịch chống tê phù não, hạ huyết áp, thông tiểu đồng thời tiến hành thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Các bác sỹ trên Bệnh xá đảo Sơn Ca chẩn đoán bệnh bị đột quỵ não, diễn tiến bệnh ngày càng nặng liền phát tín hiệu khẩn cấp về đất liền. Nhận được báo cáo, Bộ Quốc phòng đã điều máy bay trực thăng ra đảo đón bệnh nhân về đất liền cấp cứu. Chiếc máy bay EC 225 mang số hiệu 618 cùng êkíp bác sỹ Bệnh viện Quân Y 175 đã có mặt tại đảo Sơn Ca hỗ trợ. Rạng sáng ngày 13 tháng 8, trực thăng đưa ngư dân Nguyễn Hữu Cường từ Trường Sa đáp xuống Sân bay Tân Sơn Nhất. Bệnh nhân nhanh chóng được đưa về Bệnh viện Quân y 175. Theo các bác sỹ Bệnh viện Quân y 175, hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, bệnh nhân sẽ tiếp tục được chụp MRI và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, theo dõi và có hướng điều trị thích hợp.

46. Các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu bé trai 11 tuổi bị ong vò vẽ đốt 100 mũi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 13 tháng 8 năm 2018, Khoa Hồi sức chống độc (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) vừa tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhi 11 tuổi bị ong đốt hơn 100 nốt, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Bệnh nhi B.X.T (11 tuổi, Quỳnh Long, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, niêm mạc nhợt, khó thở, nước tiểu đỏ, suy đa tạng, men gan tăng, rối loạn đông máu do bị bầy ong đốt khoảng hơn 100 nốt. Theo người nhà bệnh nhi, bé B.X.T trèo lên nhà tắm kiểm tra đường nước thì dẫm phải tổ ong vò vẽ, bị đốt nhiều nốt, sưng tấy toàn thân. Sau hội chẩn, Khoa Hồi sức chống độc (Bệnh viện Sản nhi Nghệ An) đã tiến hành hồi sức tích cực, lọc máu liên tục nhiều giờ cho bệnh nhân và tiến hành các biện pháp thải độc nọc ong. Hiện bệnh nhân đã tỉnh, thoát sốc. Các chức năng gan, thận của bệnh nhân đang hồi phục. Theo các bác sỹ, nọc của ong vò vẽ rất độc. Nếu bị đốt đến 100 mũi thì tình trạng của bệnh nhân rất nguy kịch.

47. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật thành công cho một bé gái 2 tháng tuổi bị rò khí quản vào đường mật hiếm gặp: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 14 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Nhi Đồng 2 thông tin đã điều trị thành công cho bé gái mới hơn 2 tháng tuổi (ngụ tỉnh Gia Lai) bị rò khí quản vào đường mật hiếm gặp, y văn thế giới chỉ mới ghi nhận được khoảng dưới 40 trường hợp. Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, sau sinh bé bị vàng da, viêm phổi, nằm điều trị hơn 2 tuần tại một bệnh viện ở tỉnh. Thấy bé vẫn ho nhiều, có lúc sặc tím, nên gia đình lo lắng đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé còn ho và viêm phổi, có 1 lần ói dịch vàng, được chụp thực quản - dạ dày cản quang không thấy bất thường, nhưng bệnh vẫn không hết hẳn và được chuyển sang Khoa Hô hấp 2, tình trạng viêm phổi thuyên giảm, nhưng bé vẫn ho, có lúc thành cơn nặng tiếng. Xét nghiệm IgE đặc hiệu để sàng lọc dị ứng cho thấy bé dị ứng với đạm sữa bò, trong gia đình có cơ địa dị ứng, nên bé được chẩn đoán và điều trị “Viêm phổi hít, nghi do trào ngược dạ dày - thực quản, trên trẻ dị ứng đạm sữa bò”.  Diễn tiến sau đó, bé vào đợt viêm phổi nhiễm trùng bội nhiễm, suy hô hấp tăng. Lúc này, bé ho ngày càng nhiều, từng cơn nặng nề, bà và mẹ thường xuyên phải bế trên tay. Đôi lúc, sau khi ho, bé ói ra nhớt trong có lẫn ít dịch vàng. Ngay sau đó, bé được nội soi phế quản, thấy lỗ rò từ carina (nơi khí quản chia đôi vào phế quản trái và phải), bơm thuốc cản quang vào lỗ rò và chụp X-quang thấy thuốc theo đường rò đi từ khí quản vào đường mật, túi mật và tá tràng. Hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ quyết định phẫu thuật bán khẩn. Trước khi phẫu thuật, chụp đường rò có cản quang được thực hiện lần nữa để xác định chính xác tổn thương, thấy thuốc đi từ khí quản vào đường mật trong gan và tá tràng, không phát hiện dị tật đi kèm khác của đường mật. Phẫu thuật quan sát trực tiếp thấy có đường rò dài từ gốc carina đi xuyên qua cơ hoành, nằm cạnh trục thực quản, mạch máu, thần kinh vùng ngực. Ê kíp phẫu thuật đã cắt, khâu đầu trên đường rò sát gốc carina và khâu, cột đầu dưới đường rò sát trên cơ hoành. Phẫu thuật diễn ra khá khẩn trương và tỉ mỉ để tránh làm tổn thương hệ thống mạch máu, thần kinh cạnh bên, đồng thời cũng đòi hỏi ê kíp hết sức cẩn thận trong quá trình gây mê vì khi phẫu thuật, bé mới hơn 2 tháng tuổi và đang bị viêm phổi. Khi làm xẹp 1 bên phổi để mở rộng phẫu trường, cần phải cung cấp đầy đủ oxy cho bé, thao tác phải nhanh và chính xác, để tránh tình trạng thiếu oxy não cho bệnh nhi. Sau gần 3 tuần mổ, bé đã hoàn toàn ổn định và được xuất viện. Theo Ths.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, đây là bệnh lý hình thành từ lúc bào thai, chưa tìm được nguyên nhân. Đến nay có chưa đến 40 trường hợp được báo cáo riêng lẻ, chẩn đoán khó khăn, nhất là ở trẻ sơ sinh – nhũ nhi vì lỗ khí quản nhỏ. Nếu phẫu thuật kịp thời, sẽ cho kết quả tốt.

48. Các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai điều trị thành công cho một bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 14 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai điều trị thành công cho một bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm mang tên Whitmore (bệnh melioidossis). Theo thông tin, Bệnh nhân Bùi Văn S (51 tuổi, ở Hòa Bình) sốt cao được chẩn đoán nhiễm trùng huyết đã điều trị tại cơ sở y tế nhưng không đỡ. Sau khi chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ xác định bệnh nhân mắc phải căn bệnh đã bị "lãng quên". PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân S có tiền sử đái tháo đường týp 2, trước vào viện 3 tuần có 1 vết xước ở chân, kèm theo sốt cao được chẩn đoán nhiễm trùng huyết, điều trị kháng sinh liều cao tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình 12 ngày nhưng không đỡ. Kèm theo đó, bệnh nhân xuất hiện một ổ áp xe nên được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Với kinh nghiệm nghề nghiệp và những dấu hiệu chỉ điểm (bệnh nhân là nông dân, tiếp xúc với đồng ruộng; có tiền sử đái tháo đường; có tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng, áp xe cơ cộng với viêm phổi…) nên các bác sĩ đã nghĩ đến bệnh nhân bị mắc một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm mang tên Whitmore (bệnh melioidossis) – căn bệnh bị “lãng quên” gần đây xuất hiện nhiều trở lại. Kết quả cấy mẫu bệnh phẩm dương tính đúng như chẩn đoán ban đầu. Quá trình điều trị cho bệnh nhân khá khó khăn, kéo dài. Sau gần 1 tháng kiên trì điều trị theo phác đồ bệnh Whitmore, đến ngày thứ 26, tình trạng bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu thuyên giảm và đáp ứng dần với điều trị. Đến ngày điều trị thứ 37, tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát, bệnh nhân tỉnh táo, hết sốt. Sau gần 2 tháng nằm điều trị bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện. PGS.TS Đỗ Duy Cường, đây là một trong những ca Whitmore nặng nguy kịch, diễn biến kéo dài nhiều lúc tưởng chừng “bó tay”. Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Vi khuẩn gây bệnh có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh này được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam và bệnh này được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị “lãng quên”. Gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa.

49. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cứu sống một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nặng:  Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 14 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã cứu sống và hỗ trợ kinh phí điều trị cho một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Theo thông tin, lúc 17h5, ngày 10 tháng 8, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân N.V.C., 67 tuổi, ngụ ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Bệnh nhân được một bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp rồi chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ để cấp cứu. Sau khi tiếp nhận, các bác sỹ đã tiến hành thăm khám, cấp cứu, thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp vùng trước rộng Killip II trên cơ địa tăng huyết áp với tiên lượng nặng. Sau khi hội chẩn liên khoa, ê kíp gồm các bác sỹ Khoa Tim mạch can thiệp đã chụp và can thiệp thành công động mạch vành cho bệnh nhân. Ths-BS Trần Văn Triệu, Khoa Tim mạch can thiệp, cho biết: “Kết quả chụp mạch vành cấp cứu xác định bệnh nhân bị tắc cuối đoạn 1 nhánh động mạch liên thất trước có huyết khối. Chúng tôi đã tiến hành đặt 1 stent phủ thuốc kích thước 3,5x48mm, để tái lập dòng chảy tốt. Sau can thiệp, mạch và huyết áp của bệnh nhân ổn định. Thủ thuật kéo dài 30 phút và kết thúc an toàn lúc 20h40 cùng ngày”. Với tính cấp thiết của bệnh nhồi máu cơ tim cấp, bệnh nhân cần phải nhanh chóng được thực hiện thủ thuật can thiệp mạch vành dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn và bệnh nhân không có nguồn thu nhập do lớn tuổi. Dự kiến chi phí thủ thuật hết khoảng 72 triệu đồng, người nhà không có khả năng thanh toán và xin được kêu gọi sự hỗ trợ từ bệnh viện. Ban Giám đốc Beejh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã chỉ đạo các bác sỹcố gắng hết sức giúp đỡ và hết lòng điều trị cho bệnh nhân, đồng thời phòng Công tác xã hội nhanh chóng kết nối mạnh với các nhà hảo tâm để đề nghị hỗ trợ nguồn chi phí điều trị cho bệnh nhân. Hiện, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, tiếp xúc tốt, tim đều, phổi trong, không còn đau ngực, huyết áp ổn định, ăn uống tốt. Dự kiến bệnh nhân có thể được ra viện trong vài ngày tới.

50. Các bác sỹ Bệnh viện Quận Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu thành công cho một bé sơ sinh bị ngưng thở không rõ nguyên nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 15 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức (TP HCM) cho biết vừa cứu sống kịp thời một bé trai 1 ngày tuổi ngưng tim, ngưng thở đột ngột, không rõ nguyên nhân. sau sinh 1 ngày, bé trai bỗng có những biểu hiện bất thường như bú kém, da tím tái…đột ngột ngưng tim, ngưng thở. Theo các bác sĩ (BS), sau sinh 1 ngày, bé đột nhiên có những biểu hiện bất thường như bú kém, sau đó bỏ bú, da tím tái…đột ngột ngưng tim, ngưng thở. Ngay khi phát hiện, các BS đã nhanh chóng hồi sức tim, phổi, đặt ống nội khí quản, tiêm thuốc trợ tim, ổn định đường huyết. Sau những nỗ lực của các BS, bé trai bắt đầu có nhịp tim trở lại, da hồng hào, có trương lực. Nguyên nhân ngưng tim, ngưng thở ban đầu được xác định là do bé bị hạ đường huyết. Sau đó, bé được chuyển đến Đơn vị hồi sức Nhi để tiếp tục theo dõi và điều trị. Tại Đơn vị hồi sức Nhi, bệnh nhi được cho thở máy, truyền dịch ổn định đường huyết, nhịn ăn hoàn toàn, đồng thời làm các xét nghiệm cần thiết. Qua các xét nghiệm ghi nhận ứ độc chất NH3 10 lần, bé được chẩn đoán bị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh nặng. BS Thành Thân Vinh, Đơn vị hồi sức Nhi, nhận xét hiện sức khỏe bé đã dần ổn định hơn, bé sẽ được cho ăn trở lại với loại sữa chuyên biệt cho bệnh lý rối loạn chuyển hóa, đồng thời bổ sung thêm vi chất vitamin, enzyme bị thiếu hụt như B1, B2, B12, coenzyme…". Người mẹ kể, năm 2016, chị sinh bé trai đầu, khi sinh ra ban đầu bé cũng bình thường, tuy nhiên, chỉ sau 1 ngày bé đột nhiên tím tái, rồi mất đột ngột mà không rõ nguyên nhân. Các BS cho biết rối loạn chuyển hóa bẩm sinh là nhóm bệnh di truyền do tổn thương gen đặc hiệu dẫn tới tắc nghẽn con đường chuyển hóa cần thiết của cơ thể. Bệnh có 3 nhóm chính gồm: Rối loạn chuyển hóa đường, đạm và chất béo. Khi còn trong bụng mẹ, các chất dinh dưỡng mà trẻ tiếp nhận đều đã được cơ thể mẹ chuyển hóa thay. Đến khi chào đời và bú sữa, các chất này khi đi vào cơ thể trẻ mang bệnh sẽ không được chuyển hóa mà ứ lại. Trẻ sinh ra đa số không có biểu hiện gì cho đến khi bắt đầu tiếp nhận các chất dinh dưỡng từ bên ngoài. Triệu chứng chỉ xuất hiện sau vài lần bú sữa mẹ hoặc bú bình với những biểu hiện: lờ đờ, bỏ bú, nôn ói, chướng bụng, nước tiểu và mồ hôi có mùi hôi hoặc nước tiểu bất thường. Nghiêm trọng hơn trẻ có thể bị co giật, ngưng tim, ngưng thở.

51. Các bác sỹ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương tạo xương hàm dưới cho một bệnh nhân từ xương cẳng chân của bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 15 tháng 8 năm 2018, bị phá hủy gần như toàn bộ xương hàm dưới, bệnh nhân Nguyễn Giang L. ở Thái Nguyên đã được các bác sĩ Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương mổ vi phẫu tái tạo xương hàm mặt từ xương chân của bệnh nhân.  Phát bệnh từ năm 8 tuổi với tình trạng sưng, đau răng, L. được chẩn đoán bị u xơ men xương hàm. Bác sĩ chưa thể mổ ngay mà phải đợi bệnh nhi lớn. Lúc nào đau răng, không ăn uống được, bệnh nhân đến bệnh viện kiểm tra, lấy thuốc, điều trị duy trì. Gần đây, L. đau nhiều hơn, mặt bên phải sưng to, xương hàm dưới bị phá hủy, không còn chỗ nào nguyên vẹn, toàn bộ khu vực này bị bội nhiễm. Các bác sĩ lo ngại nếu bội nhiễm lâu có thể lan sang khu vực khác nên quyết định thực hiện ca vi phẫu tái tạo khuyết hàm mặt cho cô gái. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình cho biết, các chuyên gia lấy xương mác từ cẳng chân, cả phần mô mềm có cuống mạch nối vi phẫu mạch máu giúp nuôi xương. Xương mác ít có chức năng, tiết diện to, có thể cắt uốn thành xương hàm dưới. “Chúng tôi cắt u, toàn bộ xương hàm dưới, sau đó tái tạo một nửa xương hàm dưới. Phần xương hàm mất dài nên phải cắt cả hai xương mác ở hai chân, phẫu thuật làm hai lần. Khi xương phát triển ổn định sẽ làm răng giả, giúp bệnh nhân nhai nuốt được”, bác sĩ Hà nói. Chi phí ca mổ được bệnh viện miễn phí toàn bộ. Giáo sư Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương cho biết, tại Việt Nam những trường hợp bị khuyết hàm mặt không hiếm gặp. Có nhiều bệnh lý dẫn tới phải cắt bỏ xương hàm như ung thư xương hàm, u nguyên bào tạo men, u men-xơ, chấn thương hàm mặt... Người bệnh bị mất 1/3 tầng dưới mặt khiến nói khó, nói phều phào, ăn uống khó, dịch nước bọt dễ trào ra ngoài... Ban đầu, bệnh nhân có thể được thay nẹp nhưng chỉ tạm thời. Sau này dùng xương sườn để ghép thay xương hàm dưới song xương bé, dễ gãy, không thể trồng được răng giả. Dùng xương mác thay thế hiện là kỹ thuật mới nhất, gần như không có biến chứng. Ca mổ vi phẫu kéo dài trung bình 8-10 giờ, trường hợp đặc biệt có thể 12 giờ. Tại Việt Nam, u men chiếm 70-80% trường hợp phải cắt đoạn xương hàm. Đây là u lành tính, song bác sĩ phải đợi khi trẻ lớn để mổ. Trẻ đang ở độ tuổi phát triển, nếu mổ cắt xương hàm dưới sớm sẽ làm biến dạng khuôn mặt.

52. Các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho một bệnh nhi bị hoại tử bàn tay do dùng lá đắp vết thương bị rắn cắn: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 16 tháng 8 năm 2018, BS Nguyễn Thành Nam, Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoa có tiếp nhận bệnh nhi T.K.V (10 tuổi, ở Bắc Cạn) bị rắn độc cắn giờ thứ 18 trong tình trạng hoại tử rộng mu bàn tay trái do sử dụng thuốc lá đắp chữa vết rắn cắn. Cháu T.K.V bị rắn hổ mang bành cắn vào mu bàn tay trái khi đang đi chăn bò trên đồi cùng với bố. Sau khi bị rắn cắn, gia đình đã không cho bệnh nhi đến bệnh viện ngay mà dùng thuốc lá và hạt đậu lào đắp vào vết cắn. Sau đó vài giờ, trẻ xuất hiện đau nhức, sưng nề, hoại tử lan rộng, gia đình mới đưa trẻ đến Bệnh viện đa khoa Bắc Cạn, sau đó chuyển đến khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã khám và chẩn đoán bệnh nhi trong tình trạng hoại tử rộng mu bàn tay trái (chỗ bị rắn cắn), hoại tử ngón tay IV, V trái, hoại tử thâm đen diện rộng cánh tay trái, lan ra vùng cổ và hố thượng đòn, cơ ngực lớn trái. Các bác sĩ của khoa Nhi đã nhanh chóng hội chẩn với các bác sĩ của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhi được làm các xét nghiệm cơ bản, rối loạn đông máu và được chỉ định sử dụng dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất. Mặc dù được dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất nhưng do bệnh nhân đến viện muộn khi vết hoại tử đã sưng nề, phát triển lan rộng nên tuy có dấu hiệu phục hồi song liệu trình điều trị cho bệnh nhi sẽ còn nan giải. Theo các bác sĩ, sau khi đã điều trị đủ huyết thanh kháng độc và kháng sinh sẽ phải hội chẩn ngoại khoa và chuyển viện bỏng quốc gia để xử trí vết thương và hoại tử tại chỗ. Ngày 15/8, bệnh nhi đã được chuyển Viện bỏng Quốc gia để ghép da. Ths. BS. Nguyễn Thành Nam cho biết hiện tại đang là mùa mưa - mùa sinh sôi phát triển của rắn. Trong một tháng trở lại đây, tuần nào khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng có 1-3 ca bị rắn cắn nhập viện, tập trung phần lớn ở các vùng trung du, miền núi của Hà Tây cũ, Lai Châu, Hòa Bình, Bắc Cạn, Yên Bái. BS Nam nhấn mạnh, sai lầm lớn nhất trong sơ cứu khi bị rắn cắn là người nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) hoặc sưng nề hoại tử diện rộng thì mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế. Do đó, BS Nam khuyến cáo, nếu bị rắn độc cắn cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích hạn chế thấp và chậm nhất sự xâm nhập của nọc độc vào trong cơ thể, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện để cấp cứu suy hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để được xử lý kịp thời. Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Với phương châm “nhầm hơn bỏ sót” bởi nếu bị rắn độc cắn, đến bệnh viện trễ sau 12-24 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.

53. Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu một bệnh nhi 20 tháng tuổi bị bỏng nặng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 16 tháng 8 năm 2018, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vừa tiếp nhận bệnh nhi V. chuyển đến trong tình trạng bị bỏng nước sôi, toàn bộ da đầu, trước ngực, bụng, hai tay và đùi trái và vùng sinh dục bị bỏng lột tróc da. Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người nhà được biết, ngày 13/8, gia đình để bình siêu tốc trên bàn đun nước, sợi dây điện vướng lối đi. Bình nước vừa sôi, bé chạy chơi qua không may vấp phải dây điện khiến cả bình nước đổ, dội từ đầu xuống chân. Sau khi sơ cứu tại bệnh viện địa phương, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận trẻ bị bỏng vùng ngực, bụng bên bên trái, lan rộng khắp đùi trái, bóng nước to rộng, bong tróc da, mủ vàng xanh trên bề mặt, bỏng vùng sinh dục rộp bóng nước, bỏng vùng đầu mặt trái bong tróc da. Diện tích bỏng hơn 30%, vết bỏng nhiễm trùng nặng khiến bé sốt cao liên tục và có dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân, tiên lượng bệnh nhân rất nặng. Các bác sĩ đã tiến hành xử trí vết bỏng, cắt lọc hoại tử, loại bỏ dị vật vảy da, vảy tiết trên cơ thể, vệ sinh, băng toàn bộ diện bỏng cho bé, đồng thời truyền dịch chống sốc, cho thuốc kháng sinh, vận mạch và giảm đau tích cực cho bé. Sau khi được chăm sóc, điều trị tích cực, hiện bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, đang được theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức Tích cực. Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo: Bỏng nước sôi thường gây đau rát và để lại những tổn thương nặng nề, tỷ lệ tử vong rất cao. Các bậc phụ huynh phải tuyệt đối thận trọng khi chăm sóc trẻ; không treo hoặc để bất kỳ vật dụng nào phía trên vị trí đặt nôi hoặc giường cho bé nằm; không để phích nước sôi, ổ cắm điện trong tầm tay của trẻ. Với những bé đã biết đi, tuyệt đối không cho xuống khu vực bếp nấu ăn vì lửa và thức ăn nóng luôn là hiểm họa khó lường đối với trẻ.

54. Bộ trưởng Bộ Y tế dùng tiền cá nhân ủng hộ cho bệnh nhi nghèo đang điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 17 tháng 8 năm 2018, qua phóng viên VTC News, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao số tiền 34 triệu đồng của cá nhân và một số nhà hảo tâm cho gia đình cháu Lê Xuân Đức quê xã Đông La, (Đông Hưng, Thái Bình) đang nằm điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia. Qua Báo điện tử VTC News trong bài viết Xót xa cảnh bố mẹ cắn răng nhịn ăn, dành tiền mổ cho con trai bỏng nặng, thông tin về hoàn cảnh của bệnh nhi Lê Xuân Đức, 11 tuổi, nhập viện vì bị bỏng nặng đã đến Bộ trưởng Bộ Y tế. Theo thông tin, bố mẹ cháu là anh Lê Xuân Thiệp - chị Nguyễn Thị Hạnh phải đi vay mượn khắp nơi, uống nước cầm hơi để lo tiền phẫu thuật cứu con qua cơn nguy kịch. Xót xa trước hoàn cảnh của gia đình cháu Đức, cá nhân bà Nguyễn Thị Kim Tiến (Bộ Y tế) cùng 2 độc giả giấu tên ủng hộ gia đình cháu tổng số tiền 34 triệu đồng để cháu có đủ chi phí điều trị, sớm được phẫu thuật (trong đó bà Nguyễn Thị Kim Tiến ủng hộ 30 triệu đồng, 2 độc giả mỗi người ủng hộ lần lượt số tiền là 3 triệu đồng và 1 triệu đồng). Sáng 17/8, PV Báo điện tử VTC News đã trao số tiền ủng hộ của bà Nguyễn Thị Kim Tiến và 2 nhà hảo tâm cho mẹ bệnh nhi tại Viện Bỏng Quốc gia. Cảm động tấm lòng của người đứng đầu Bộ Y tế cùng các nhà hảo tâm, chị Nguyễn Thị Hạnh - mẹ cháu Lê Xuân Đức không cầm được nước mắt: “Tôi xin cảm ơn Bộ trưởng, các hảo tâm và báo VTC News đã giúp gia đình tôi trong cơn hoạn nạn này. Tôi cảm động lắm.Tôi không biết phải nói thế nào để bày tỏ sự biết ơn của mình.Cháu nằm viện, gia đình đang gặp rất nhiều khó khăn, mọi sự giúp đỡ của mọi người đều trân quý với chúng tôi lúc này". “Số tiền mà Bộ trưởng giúp đỡ vợ chồng tôi sẽ dùng để trang trải khi cháu nằm viện, bởi lượng tiền chúng tôi vay khi mang lên đây đã hết từ lâu. Mới đây, chúng tôi cũng nhận được một số tiền được chuyển qua tài khoản của em tôi.Chúng tôi sẽ dùng để trả nợ dần cho mọi người ở quê, vì từ khi đưa cháu vào viện, vợ chồng tôi phải vay mượn nhờ cậy mọi người rất nhiều”, chị Hạnh cho biết. Cũng theo chị Hạnh, tổng số tiền gia đình chị được các nhà hảo tâm hỗ trợ cho tới 17/8 là 65.790.000 đồng. Trong đó, riêng cá nhân bà Nguyễn Thị Kim Tiến (Bộ Y tế) cùng 2 độc giả giấu tên của Báo điện tử VTC News ủng hộ 34 triệu đồng. Phần còn lại, do mọi người ủng hộ trực tiếp qua tài khoản của em chồng chị là anh Lê Xuân Hiệp.

55. Các bác sỹ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cứu sống cụ ông 90 tuổi nhờ tạo nhịp tim 2 buồng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 17 tháng 8 năm 2018, các bác sĩ Khoa Nội Tim – mạch Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) vừa cứu sống cụ ông 90 tuổi nhờ kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim 2 buồng. Trước đó, cụ ông Nguyễn Văn Quả (90 tuổi, trú tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) thường xuyên thấy tức ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt nên đã đến nhập viện.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết cho thấy, nhịp tim của người bệnh rất chậm, chỉ có 39 lần/phút, so với người bình thường là từ 60 đến 100 lần/phút. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị block nhĩ thất độ III, nhịp tim chậm, trên nền người bệnh có rất nhiều bệnh lý phức tạp: Tăng huyết áp, tiền sử tai biến mạch máu não, đái tháo đường Tuýp 2, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người bệnh được chỉ định đặt máy tạo nhịp tim 2 buồng. Theo Ths.Bs.Hoàng Minh Quang – Phó Trưởng khoa Nội – Tim mạch bệnh viện cho biết: Với thể trạng người bệnh già yếu (90 tuổi) cùng tiền sử rất nhiều bệnh lý phối hợp việc can thiệp cho người bệnh là rất khó khăn. Bởi trong quá trình can thiệp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro như rối loạn nhịp tim, ngừng tim, người bệnh có thể tử vong ngay trong quá trình can thiệp. Nhưng nếu không được can thiệp thì tình trạng tức ngực khó thở, choáng ngất của người bệnh sẽ ngày càng tăng và người bệnh có nguy cơ đột tử bất cứ lúc nào. Bằng việc làm chủ kĩ thuật can thiệp Tim – mạch, sau hơn 1 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã đặt máy tạo nhịp tim 2 buồng thành công cho người bệnh. Hiện tại sức khỏe người bệnh ổn định, nhịp tim đều 65 lần/ phút, người bệnh hoạt động, sinh hoạt bình thường và không còn tình trạng tức ngực, đau đầu. Kĩ thuật can thiệp đặt máy tạo nhịp tim 1 buồng, 2 buồng đã được các bác sĩ bệnh viện thường xuyên cứu sống rất nhiều người bệnh. Với chuyên môn, trình độ kĩ thuật cao, các bác sĩ khoa Nội Tim – mạch bệnh viện đã và đang làm chủ và thực hiện được trên 95% các kĩ thuật chuyên sâu về tim mạch với các kĩ thuật cao như: Mổ tim hở, đặt stent mạch vành. Đây là tín hiệu vui cho người bệnh khi không phải chuyển tới các bệnh viện tuyến trên mà vẫn được thụ hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất. Theo các bác sỹ nếu được kịp thời cấp cứu, cơ hội sống của các bệnh nhân tim mạch sẽ tăng lên.

56. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Đức Giang cứu sông một bệnh nhân vị hẹp khít 90% động mạch cảnh kèm nhồi máu não: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 17 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã can thiệp thành công, cứu sống một bệnh nhân hẹp khít 90% động mạch cảnh trong bên trái/nhồi máu não lỗ khuyết. Bệnh nhân Phạm B.T, sinh năm 1958, sống tại Cự Khối, Long Biên (Hà Nội), nhập viện ngày 7/8 trong tình trạng đau đầu âm ỉ từng cơn tăng dần kèm tiền sử nhồi máu não, xơ vữa động mạch cảnh hai bên và tăng huyết áp không đều đã lâu. Theo chia sẻ của bệnh nhân T, với tiền sử tăng huyết áp 10 năm nay, trước khi vào viện 2 tuần, bệnh nhân thấy tê vùng cánh tay nên đi khám và tự đi châm cứu điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Sau 1-2 ngày châm cứu, bệnh nhân lại bị méo miệng kèm theo tình trạng đau đầu âm ỉ từng cơn tăng dần. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin của bệnh nhân, các bác sỹ đã thăm khám tỉ mỉ và chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết như chụp CT scanner sọ não có tiêm thuốc cản quang, siêu âm doppler động mạch cảnh, doppler xuyên sọ... Kết quả cho thấy bệnh nhân T hẹp xơ vữa 90% động mạch cảnh trong trái. Với trường hợp này, nguy cơ gây tắc mạch máu là rất cao, dễ bị tai biến nhồi máu não gây liệt hoàn toàn thậm chí có thể gây tử vong. Dựa vào kết quả thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng, sau ý kiến hội chẩn gấp liên khoa giữa các bác sỹ Khoa Thần kinh và Khoa Hồi sức tích cực-chống độc, bệnh nhân T đã được chỉ định nong và đặt stent khai thông dòng chảy động mạch cảnh trong. Sáng 16/8, kíp can thiệp của Đơn vị Đột quỵ do bác sỹ Nguyễn Văn Học (Khoa Hồi sức tích cực-chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) với sự hỗ trợ của tiến sỹ Nguyễn Trọng Tuyển (đơn vị can thiệp mạch – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) đã thực hiện thành công kỹ thuật chụp mạch não, nong đoạn hẹp bằng bóng và đặt stent qua đoạn hẹp cho bệnh nhân bị hẹp khít 90% động mạch cảnh trong bên trái/nhồi máu não lỗ khuyết dưới sự hỗ trợ của máy DSA. Sau khi được can thiệt đặt stent, sức khỏe của bệnh nhân T đã ổn định, hiện đang được các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực-chống độc tiếp tục theo dõi và có thể sẽ xuất viện trong vài ngày tới. "Đặt stent động mạch cảnh trong là một trong những kỹ thuật cao được thực hiện thành công tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, giúp giải quyết được tình trạng hẹp động mạch gây tắc mạch máu lên não, giảm nguy cơ đột quỵ, nhồi máu não và tử vong có thể xảy ra mà không phải thực hiện mổ mở truyền thống cho các bệnh nhân. Điều này giúp cho bệnh nhân không phải trải qua một cuộc mổ lớn, gây mê sâu, nhanh chóng phục hồi sức khỏe, thời gian nằm viện ngắn," tiến sỹ Phạm Thị Ngọc Oanh, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực-chống độc cho biết.

57. Một nữ điều dưỡng ở Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức bị hành hung khi đang cấp cứu cho bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 18 tháng 8 năm 2018, một nữ điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức đang cấp cứu cho bệnh nhân say xỉn thì bị nhóm người xông vào đâm rách vai. Bác sĩ Cao Tấn Phước, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức cho biết khoảng 23h đêm 14/8, một nam thanh niên được đưa vào cấp cứu trong tình trạng say xỉn, bị tai nạn giao thông. Nhóm đi cùng khoảng 7-8 người, xăm trổ nhiều, quậy phá đạp đổ đồ đạc. Nhân viên y tế yêu cầu mọi người ra khỏi phòng siêu âm để bác sĩ cứu chữa bệnh nhân. Khi nữ điều dưỡng chuẩn bị siêu âm thì một người trong nhóm này dùng vật nhọn đâm vào vai bên trái gây chảy máu với vết thương 5 cm. Sự việc bất ngờ trong đêm nên bảo vệ bệnh viện không kịp can thiệp. Hung thủ nhanh chóng trốn khỏi hiện trường. Nữ điều dưỡng trẻ được xử lý vết thương, đưa đi giám định HIV và phải tạm nghỉ để ổn định sức khỏe. "Bệnh viện đã đến nhà thăm hỏi, động viên tinh thần nữ điều dưỡng", bác sĩ Phước cho biết. Công an phường Linh Trung, quận Thủ Đức đã đến bệnh viện trích xuất camera, đang điều tra vụ việc.

58. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Đức Giang phẫu thuật lấy cây đinh dài 12cm đâm xuyên tủy sống của một bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 19 tháng 8 năm 2018, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình - Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiến hành phẫu thuật cho 1 bệnh nhân bị 1 chiếc đinh Kirschner đâm xuyên qua đỉnh phổi chui vào lỗ liên hợp đốt sống ngực 2-3 và đâm xuyên qua tuỷ sống. Gần 2 năm trước, bệnh nhân N.H.T, 42 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội bị ngã gãy đầu ngoài xương đòn đã mổ xuyên đinh để cố định xương gãy. Sau mổ 6 tháng xương liền bệnh nhân đã đi rút đinh tại bệnh viện khác nhưng ko rút được vì đinh trôi quá sâu. Bệnh nhân chủ quan nên về không đi rút đinh nữa, đến nay đi khám thì thấy đinh đã trôi tuột ra khỏi xương và chui vào tuỷ sống. May mắn là bệnh nhân chưa có dấu hiệu bị yếu liệt do tổn thương tuỷ sống. Theo các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình, đây là ca bệnh cực kì hiếm, sau khi hội chẩn các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân. Kíp phẫu thuật phối hợp giữa chuyên Khoa chấn thương chỉnh hình - Cột sống và chuyên khoa Phẫu thuật lồng ngực tim mạch Bệnh viện đã quyết định sử dụng phương pháp mổ nội soi để rút đinh thay vì mổ mở vào lồng ngực. Tận dụng lợi thế phẫu thuật nội soi ít gây tổn thương thêm cho các phần mềm xung quanh và hình ảnh qua camera được phóng to giúp kiểm soát chảy máu và kiểm soát tổn thương tuỷ sống, dò dịch não tuỷ dễ dàng hơn. Sau 20 phút căng thẳng, chiếc đinh được gỡ ra khỏi nhu mô phổi và nhẹ nhàng rút ra khỏi tuỷ sống một cách an toàn, không gây tổn thương tuỷ sống và hệ thống mạch máu xung quanh tuỷ. Lỗ rút đinh chảy 1 chút dịch não tuỷ được bịt kín lại. Các bác sĩ phải đợi bệnh nhân tỉnh táo trở lại để kiểm tra các dấu hiệu thần kinh mới kết luận và thông báo cho người nhà biết ca mổ đã vô cùng thành công. Tuy còn phải theo dõi sau mổ thêm 1 thời gian nhưng với thành công bước đầu như vậy đã có thể gọi là 1 kì tích thần kì. Bác sĩ Trần Trung Kiên, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết "Đây là 1 ca mổ rất hy hữu và vô cùng khó khăn nguy hiểm, chỉ một động tác tmạnh, sơ xảy là bệnh nhân có thể liệt hoàn toàn 2 chi dưới. Nguy cơ chảy máu do tổn thương các mạch máu lớn trong khoang màng phổi là rất cao". Qua ca mổ này, kíp phẫu thuật cũng khuyến cáo các bệnh nhân đã mổ gãy xương đòn nên đi khám kiểm tra định kì và rút đinh sớm, tránh để xảy ra những biến chứng đáng tiếc.

59. Các bác sỹ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cứu sống một bệnh nhân bị vỡ lá lách sau tai nạn giao thông: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 21 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã xử trí cấp cứu bảo tồn được tạng cho bệnh nhân N.N.V (33 tuổi) bị tai nạn giao thông vỡ lách mà không biết. Anh V. vào viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội. Qua kiểm tra khẩn cấp, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị chấn thương vỡ lách mức độ 3, chảy máu nhiều trong ổ bụng. Với tình trạng này, việc phẫu thuật khẩn cấp cắt bỏ lách cầm máu để cứu tính mạng bệnh nhân là ưu tiên số 1. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định áp dụng phương pháp nút động mạch lách để cầm máu, bảo tồn được lá lách cho bệnh nhân. Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Thao, Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, lá lách dễ vỡ khi bị chấn thương, dẫn đến chảy máu nhiều trong ổ bụng. Nếu không được điều trị cầm máu khẩn trương sẽ đe dọa tính mạng. Phương pháp nút động mạch lách được đánh giá có rất nhiều ưu điểm, không phải mổ hở ngoài giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi và giữ lá lách của mình. "Yếu tố tiên quyết để giữ lại lách cho bệnh nhân ngoài yếu tố về kỹ thuật còn đòi hỏi trình độ tay nghề cao của đội ngũ y bác sĩ trực tiếp thực hiện. Khi té ngã bị va đập vào phần bụng, đừng chủ quan mà nên đi khám ngay, tránh bỏ sót những trường hợp vỡ gan, ruột, lách gây chảy máu nhiều nhiễm trùng ổ bụng, nguy kịch tính mạng", BS Thao cảnh báo. Trong đêm nhập viện, anh V. bị té xe va đập hông trái vào tay lái. Thấy vùng bụng không bị trầy xước, anh chủ quan không đi khám nhưng khi về nhà được 2 tiếng thì bắt đầu đau bụng rồi nhanh chóng lan ra khắp ổ bụng đến khi không chịu nổi vào viện cấp cứu thì mới phát hiện vỡ lách.

60. Bác sỹ Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 2 Bình Dương kích hoạt báo động đỏ nội viện cứu sống bệnh nhân ngừng thở do lên cơn hen: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 21 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 2 (Bình Dương) vừa kích hoạt báo động đỏ cấp cứu nội viện để kịp thời cứu sống bệnh nhân bị hôn mê, nhịp thở chậm, da niêm mạc tím tái do sử dụng thuốc thụ động và lạm dụng thuốc xịt giãn phế quản nhanh. Bệnh nhân là chị Đỗ Thị N. (31 tuổi, ngụ tại phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, Bình Dương). Lúc vào cấp cứu, qua thăm khám, ê kíp bác sĩ trực nhận thấy người bệnh hôn mê, giãn đồng tử 3cm hai bên, phản xạ ánh sáng dương tính, giảm âm phế bào hoàn toàn, tim chậm dần. Nhận thấy nguy cơ dễ dẫn đến tử vong, khoa kích hoạt báo động đỏ nội viện, gấp rút thực hiện hồi sức tích cực để hạn chế tình trạng chết não do thiếu ô xy. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, hỗ trợ ô xy và chỉ định dùng thuốc giãn phế quản. Sau 20 phút hồi sức tích cực, chị N. có phản xạ ho, vật vã, da niêm hồng, thở êm, được rút nội khí quản và sức khỏe dần ổn định. Theo người nhà bệnh nhân, chị N. có tiền sử bị hen phế quản và đã đến khám bệnh hen suyễn tại bệnh viện từ cuối năm 2017, được bác sĩ chuyên môn lên phác đồ điều trị. Tuy nhiên, người bệnh không tái khám định kỳ và tự mua thuốc ở ngoài, lạm dụng thuốc xịt giãn phế quản nhanh khiến tình trạng bệnh sử thay đổi, chuyển biến nặng mà không hay biết. 

61. Các bác sỹ Bệnh viện Quận Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật thành công cắt khối u cho bệnh nhân ở trung thất: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 21 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM phối hợp cùng BV ĐH Y Dược TP.HCM đã bóc tách thành công khối u nặng 2,5 kg, cứu sống bệnh nhân. Đại diện Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, các bác sĩ khoa Lồng ngực Mạch máu, khoa Gây mê hồi sức được sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã phẫu thuật bóc tách thành công khối u nặng 2,5 kg cứu sống bà N.T.Đ (50 tuổi, quê Đồng Tháp). Trước đó, bệnh nhân N.T.Đ có triệu chứng ho, khó thở và thường xuyên bị ói sau ăn, nghi ngờ bị đau dạ dày nên đến Bệnh viện quận Thủ Đức để kiểm tra tổng quát. Sau khi làm các xét nghiệm lâm sàng cần thiết, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán là u tân sinh chưa rõ tính chất nằm vị trí trung thất, chiếm gần hết lồng ngực bên trái, mạch máu bao quanh khối u nhiều, đưa đến nguy cơ mất máu trong mổ cao. Các bác sĩ nhận định đây là một ca khó và có nguy cơ mất mạng nếu không được can thiệp kịp thời, Bệnh viện quận Thủ Đức đã mời bác sỹ Trần Thanh Vỹ (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) đến hỗ trợ chuyên môn trong lúc mổ. Sau 1 tuần hội chẩn và lên kế hoạch chu đáo, ê kíp bác sĩ quyết định phẫu thuật tại bệnh viện và lấy ra khối u có kích thước rất lớn 17x13x12cm, nặng 2,5 kg tại vị trí trung thất. Bác sĩ Nguyễn Kim Anh - Trưởng khoa Lồng ngực mạch máu, Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết: “Các bác sĩ đã phải tiến hành bóc tách nhẹ nhàng, cẩn thận với sự tập trung cao độ. Sau 3 tiếng đồng hồ khối u đã được bóc tách thành công. Hiện tại, bệnh nhân đã rút ống nội khí quản, thở êm, tình trạng đang tiến triển rất tốt. Với tình trạng như trên khoảng 1 tuần nữa bệnh nhân có thể xuất viện”. Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo người dân khi cơ thể có những biểu hiện bất thường như khó thở, tức ngực, hay nôn ói, mệt mỏi… là những dấu hiện cảnh báo xấu. Người bệnh cần đi thăm khám để được bác sĩ kiểm tra, điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm có thể xảy ra.  Với thành công này, Bệnh viện Quận Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh là bệnh viện tuyến quận huyện đầu tiên thành công trong phẫu thuật cắt khối u lớn ở trung thất cho bệnh nhân.

62. Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An điều trị thành công cho một bệnh nhân ngồi xe lăn nay có thể tự đi lại:  Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 22 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An vừa điều trị thành công cho bệnh nhân phải ngồi xe lăn, nay đã có thể tự đi lại. Th.s Thái Thị Xuân, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An cho biết, Đơn vị chống đau và Khoa Vật lý trị liệu phục hồi chức năng của bệnh viện vừa điều trị thành công cho bệnh nhân Lê Văn Hồng, 64 tuổi ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An bị liệt 2 chân và co cứng 2 tay, nay đã tự đi lại. Trước đó, ông Hồng bị thoát vị địa đệm nặng buộc phải mổ hai lần cột sống cổ. Nhưng do thể trạng yếu, sau mổ ông liệt hai chân, co cứng tứ chi không đi lại được phải “làm bạn” với chiếc xe lăn. Ông Hồng được người nhà đưa đến Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An thăm khám và điều trị. GS – TS Nguyễn  Văn Chương, Chủ tịch Hội chống đau Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm bộ môn thần kinh học Bệnh viện 103- Học viện Quân y đang chuyển giao kỹ thuật tại Đơn vị chống đau, trực tiếp thăm khám và đề ra phác đồ điều trị như can thiệp vào cột sống 4 lần, kết hợp với các phương pháp phục hồi chức năng tích cực như tập vận động, châm cứu, xoa bóp, điện phân… đến nay ông Hồng đã tự đứng trên đôi chân của mình và đang được các thầy thuốc hướng dẫn phục hồi chức năng để dần hồi phục hai chân và hai cánh tay. Được biết, Đơn vị chống đau của Bệnh viện Phục hồi chức năng chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2017 với sự hỗ trợ trực tiếp của GS. TS Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch Hội chống đau Hà Nội, đào tạo cán bộ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật về điều trị chống đau bệnh lý cột sống như: Thoái hóa đốt sống cổ; thoái hóa đốt sống thắt lưng; thoát vị địa đệm đốt sống cổ; thoát vị địa đệm đốt sống thắt lưng.

63. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh phẫu thuật nội soi thành công cho bệnh nhi 9 tuổi bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 22 tháng 8 năm 2018, các bác sĩ khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã điều trị thành công một trường hợp bệnh nhi 9 tuổi bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh. Bệnh nhi là Đinh Công Thịnh H. (9 tuổi) trú tại phường Hồng Hà, Hạ Long vào viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ kéo dài kèm đau ngực trái. Qua kết quả cận lâm sàng phát hiện cháu H. bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh với tình trạng nhiều ruột và mạc nối lớn nằm trong lồng ngực trái. Các bác sĩ đã quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị hoành bằng phương pháp mổ nội soi 3D. Với sự hỗ trợ của các bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức, kíp phẫu thuật do bác sĩ Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại làm trưởng kíp đã tiến hành luồn dụng cụ nội soi qua 4 vết rạch 0,5cm phát hiện cơ hoành trái có khe hở phía sau kích thước 3 x 6 cm làm nhiều đoạn ruột và mạc nối chui lên ngực. Sau khi đưa ruột và mạc nối trở lại ổ bụng, các bác sĩ đã khâu khe hở cơ hoành bằng chỉ không tiêu. Ths.Bs Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại cho biết: “Ca phẫu thuật này rất phức tạp vì đòi hỏi chúng tôi phải thao tác bằng dụng cụ khéo léo để kéo các tạng dễ tổn thương bị mắc kẹt trên lồng ngực trở về bụng và thực hiện khâu vá nội soi cơ hoành bị khuyết ngay cạnh các cơ quan quan trọng như tim, phổi, gan, lá lách. Với sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ gây mê hồi sứcđã giữ áp lực cân bằng trong lồng ngực, vừa đủ để tim phổi không bị chèn ép mà vẫn giúp phẫu thuật viên có đủ không gian thực hiện các thao tác khó, cần độ chính xác cao, nhờ vậy mà ca mổ diễn ra thành công thuận lợi chỉ sau 45 phút”. Đến nay, sức khỏe bệnh nhi ổn định, không còn đau bụng,ăn uống được bình thường và chuẩn bị ra viện. Bác sĩ Hùng cho biết thêm: Thoát vị cơ hoành bẩm sinh có tỉ lệ 1/2000 trẻ, do trong quá trình hình thành cơ hoành ở bào thai không được hoàn thiện, khiếm khuyết sẽ để lại khe hở trên cơ hoành của trẻ. Điều này dẫn đến hệ quả là lồng ngực và ổ bụng không được ngăn cách hoàn toàn, các tạng trong ổ bụng như dạ dày, ruột, lách, gan, mạc nối…có thể bị chui lên lồng ngực qua lỗ khuyết cơ hoành bẩm sinh gây chèn ép ảnh hưởng đến quá trình phát triển của phổi, nhiều trường hợp tạng thoát vị bị xoắn nghẹt hoại tử gây nguy hiểm tính mạng. Để điều trị bệnh lý này có thể phẫu thuật mổ mở hoặc nội soi để đưa tạng trở lại ổ bụng và khâu khe hở cơ hoành có tấm lưới nhân tạo hoặc không.Thông thường, khối thoát vị sẽ được phát hiện ngay từ lúc sơ sinh do suy hô hấp nhưng cũng có những trường hợpđến lứa tuổi lớn hơn mới biểu hiện bệnh rõ ràng.Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cho trẻ đi khám sức khỏe tổng quát và cần chú ý các dấu hiệu bất thường của trẻ để được phát hiện và điều trị kịp thời.

64. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh cứu sống bé trai 11 tuổi bị bệnh phổi hiếm gặp: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 22 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 vừa can thiệp kịp thời cứu một bé trai 11 tuổi mắc bệnh phổi hiếm gặp và có thể tử vong bất cứ lúc nào. Ngày 22/8, BV Nhi Đồng 2 (TP HCM) cho biết vừa can thiệp kịp thời, cứu một bé trai (11 tuổi, ngụ Phú Yên) bị bệnh phổi hiếm gặp và có thể tử vong bất cứ lúc nào. Cách đây 2 tuần, bé đột ngột ho ra máu với lượng nhiều và được đưa vào cơ sở y tế địa phương để thăm khám. Nghi ngờ lao phổi, bé được chuyển vào BV Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) sau đó chuyển qua BV Nhi Đồng 2 do kết quả lao âm tính và nghi ngờ u thùy dưới phổi phải. Tại BV Nhi Đồng 2, qua kiểm tra, chụp CT Scan ngực, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi có túi phình động mạch phổi ở thùy dưới phổi phải, kích thước 20 mm x 18 mm, mắc chứng bệnh Behcet. .Trước nguy cơ túi phình lớn vỡ gây xuất huyết phổi, BS CK II Nguyễn Minh Trí Việt, Trưởng Khoa Tim mạch BV Nhi Đồng 2 cùng các bác sĩ đã thông tim can thiệp, đóng túi phình bằng dụng cụ chuyên dụng. Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhi ổn định, được chỉ định tái khám, kiểm tra định kỳ sau xuất viện. Theo BS Việt, bệnh Behcet là một bệnh lý tự miễn hiếm gặp gây viêm mạch máu hệ thống, dẫn đến tổn thương da, niêm mạc và các cơ quan nội tạng như đường tiêu hóa, phổi, cơ xương, thần kinh. Bệnh có thể gây tử vong do vỡ phình mạch máu, đặc biệt là động mạch phổi hoặc gây nên biến chứng thần kinh nghiêm trọng.

65. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau cứu sống một bệnh nhân bị đâm thủng tim: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 22 tháng 8 năm 2018, tiến sĩ, bác sĩ Tô Minh Nghị, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, cho biết bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân bị đâm thủng tim. Bệnh nhân Đ.H.N (36 tuổi, ngụ xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nhập viện lúc 1 giờ 40 phút ngày 21.8 trong tình trạng bứt rứt, huyết áp 90/60 đang vận mạch, một vết thương liên sườn 3 cạnh ức trái kích thước 1,5 cm rịn ít máu, tiếng tim khó nghe, niêm hồng nhợt… Đến 2 giờ 30 phút cùng ngày, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện 1 vết thương thất phải kích thước 1 cm đang phụt thành vòi. Chẩn đoán sau mổ: vết thương tim - thủng thất phải. Theo người nhà, trước khi nhập viện khoảng 2 giờ, bệnh nhân bị người khác dùng kéo đâm vào ngực trái, vết thương chảy nhiều máu. Sau khi bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Trần Văn Thời, bệnh viện chẩn đoán theo dõi thủng tim, chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau. Bác sĩ Dương Hải Minh, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân N., cho biết: "Hiện bệnh nhân N. đã tỉnh, tự thở và ăn uống được, sinh hiệu ổn".

66. Các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế đặt stent thành công cứu sống bé sơ sinh 1 ngày tuổi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày22 tháng 8 năm 2018, cháu bé vừa sinh 18 tiếng mắc bệnh tim bẩm sinh đã được các y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế cứu sống kỳ diệu bằng kỹ thuật đặt stent ống động mạch phổi.  Ca can thiệp đặt stent hy hữu này được các y bác sĩ Khoa Cấp cứu Tim mạch Can thiệp cùng với sự hỗ trợ của các bác sĩ gây mê hồi sức tim và phẫu thuật tim mạch thuộc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế, thực hiện thành công vào chiều ngày 22/8. Cháu bé con của sản phụ N.P.T (26 tuổi, trú tại TP.Huế). Sản phụ mang thai 38 tuần tuổi, bị tiền sản giật sau khi nhập viện được các bác sĩ sản khoa phát hiện suy thai nên đã tiến hành mổ cấp cứu để lấy thai vào chiều tối 21/8. Sau khi sinh mổ, cháu bé được phát hiện dị tật tim bẩm sinh phức tạp với chẩn đoán APSI: thất phải , van nhỉ nhất thiểu sản, teo van động mạch phổi, tuần hoàn phổi phụ thuộc vào ống động mạch với đường kính nhỏ, ngoằn nghoèo. Trẻ có các triệu chứng suy hô hấp cấp: tim tái, độ bảo hòa ô xy máu 55,8% (rất nặng). Bệnh nhân được chuyển sang Khoa Cấp cứu Tim mạch. Tại đây, sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định can thiệp đặt stent để nong ống động mạch phổi cho cháu bé. Ca can thiệp do TS.BS Hồ Anh Bình trực tiếp thực hiện cùng sự phối hợp của BS Nguyễn Tất Dũng (gây mê tim mạch), BS Nguyễn Xuân Hùng (phẫu thuật viên tim mạch) và các nhân viên Khoa Cấp cứu - Can thiệp Tim mạch. Ca can thiệp đặt stent diễn ra vào chiều 22.8 trong khoảng 1 tiếng đồng hồ và cháu bé đã được đặt thành công stent nong ống động mạch phổi. TS Hồ Anh Bình, cho biết: “Từ khi cháu sinh ra đến khi làm xong các xét nghiệm để can thiệp cho cháu chỉ trong vòng 18 tiếng đồng hồ. Đây là ca can thiệp đặt stent thành công cho bệnh nhân nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay. Cháu bé bị dị tật tim bẩm sinh nặng, nếu không can thiệp, cháu bé sẽ tử vong vì máu không bơm lên phổi được. Với trường hợp bệnh này, chúng tôi đặt stent để cứu sống cháu. Sau này, khi sức khỏe của cháu ổn định, các bác sĩ phẫu thuật tim mạch sẽ tiến hành phẫu thuật để sửa chữa dị tật cho cháu”. Việc đặt thành công stent cho bé sơ sinh 1 ngày tuổi có thể coi là kỳ tích đối với các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế.

67. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu 3 bệnh nhi bị ong đốt nguy kịch: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 22 tháng 8 năm 2018, cả 3 bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì bị ong đốt. Trong đó, hai ca đang phải tiến thành lọc máu, thở máy, tiên lượng rất nặng nề do ong đốt hơn 50 vết. Theo người nhà bệnh nhi, bé N.V.H (5 tuổi, Hải Dương) khi đang chơi đùa với bạn, bạn chọc phá tổ ong nên bé bị ong đốt. Ngay sau khi bị đốt, bé có dấu hiệu tím tái, khó thở và được thầy giáo đưa đến Bệnh viện Nhi Hải Dương cấp cứu. Tại đây, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp, truyền dịch nhưng diễn biến nặng hơn nên được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Trẻ nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch với chẩn đoán đoán sốc phản vệ do biến chứng ong đốt, có suy đa phủ tạng (vô niệu, suy thận cấp, suy gan, rối loạn chức năng đông máu). Hiện tại, bệnh nhi phải thở máy, điều trị sốc phản vệ, lọc máu liên tục trong tình trạng rất nặng. 2 trường hợp còn lại là anh em trong một gia đình người Mông ở Lào Cai. Trường hợp này bị ong đốt cũng rất hi hữu, khi con bò của gia đình làm vỡ tổ ong, ong túa ra đã đốt hai bé rất nhiều. Ngay sau khi bị ong đốt, gia đình đã đưa bệnh nhi đến BV tỉnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng suy thận nên bệnh nh nhanh chóng được chuyển lên tuyến trung ương. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm thăm dò chức năng, các bác sĩ nhận thấy tình trạng sức khỏe của người anh 10 tuổi khả quan hơn khi mà bệnh nhi vẫn tiểu tiện được, vẫn đáp ứng điều trị nội khoa. Trong khi đó, người em gái 8 tuổi diễn biến rất nặng. Với hơn 50 vết ong đốt, sau 7 tiếng nhập viện, bệnh nhi xuất hiện khó thở thanh quản do phù nề đường hô hấp, phải hỗ trợ thở máy. Bệnh nhi cũng xuất hiện biến chứng suy đa phủ tạng: suy thận, suy gan, rối loạn đông máu phải lọc máu, thở máy, điều trị sốc phản vệ. Tiến sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, tai nạn do ong đốt là tai nạn thường gặp ở trẻ, đặc biệt là các cháu sinh sống tại các vùng nông thôn, vùng dân tộc. Khi bị ong đốt, nếu là ong mật thường chỉ đau tại vết đốt mà không nguy hại cho tính mạng. Trong khi đó, các loại ong như ong vò vẽ, ong đất, ong đất (ong bắp cày), ong bầu đốt rất nguy hiểm, có thể gây tình trạng sốc phản vệ, suy đa phủ tạng sau khi bị ong đốt. Các bác sĩ cho biết, dị ứng với nọc độc của ong là một trong những nguyên nhân gây tử vong quan trọng ở những bệnh nhân nhạy cảm với nọc độc của ong. Đa số bệnh nhân không có cơ địa dị ứng có phản ứng dị ứng với nọc độc khi ong đốt, các phản ứng này thường nhẹ như ban đỏ, sẩn phù hay đau tại vị trí bị đốt. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân quá mẫn với nọc độc ong sẽ gây ra các phản ứng toàn thân khi bị ong đốt như sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng, nhất là ở những bệnh nhân có nhiều nốt ong đốt.

68. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh cứu sống bệnh nhi bị phình động mạch phổi hiếm gặp: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 23 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh đã cứu sống một bé trai 11 tuổi ở Phú Yên bị ho ra máu, nghi ngờ lao phổi nhưng qua hình ảnh CT ngực lại phát hiện túi phình động mạch phổi hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm. Bệnh nhi có thể tử vong nếu túi phình vỡ. Trước khi nhập viện 2 tuần, bé đột ngột ho ra máu với lượng nhiều. Gia đình đã đưa bé vào Bệnh viện Phú Yên để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị lao phổi nên chuyển lên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thành phố Hồ Chí Minh. Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bé được làm đầy đủ các xét nghiệm xác định lao nhưng kết quả âm tính. Qua hình ảnh CT scan ngực, bác sĩ nghi ngờ u thùy dưới phổi phải nên chuyển bệnh nhi qua Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhi được chụp lại CT scan ngực và phát hiện thấy túi phình động mạch phổi ở thùy dưới phổi phải, kích thước 20x18mm. Bệnh nhi được làm đầy đủ các xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây giãn động mạch phổi. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Trí Việt, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết: Kết quả khám lâm sàng và xét nghiệm gợi ý bệnh nhi mắc chứng bệnh Behçet. Đây là bệnh tự miễn hiếm gặp. Bệnh gây nên nhiều biểu hiện trong đó có giãn động mạch phổi. Vì túi phình lớn có nguy cơ vỡ gây xuất huyết phổi nên bác sĩ Việt đã tiến hành thông tim can thiệp đóng túi phình cho bệnh nhi. Hiện tại, tình trạng bé đã ổn định và có thể được xuất viện. Bệnh nhi sẽ được tái khám và kiểm tra định kì tại Khoa Tim mạch. Bệnh Behçet là một bệnh lý tự miễn hiếm gặp gây viêm mạch máu hệ thống, dẫn đến tổn thương da, niêm mạc và các cơ quan nội tạng như đường tiêu hóa, phổi, cơ xương, thần kinh. Bệnh có thể gây tử vong do vỡ phình mạch máu, đặc biệt là động mạch phổi; hoặc gây nên biến chứng thần kinh nghiêm trọng. Vì vậy, bệnh nhân cần phải được phát hiện và điều trị sớm. Hiện tại, nhờ sự phát triển của thông tim can thiệp nên những ca bệnh phình động mạch phổi đã được can thiệp tích cực sớm, giảm thiểu đáng kể nguy cơ vỡ túi phình và giúp bệnh nhi có cuộc sống bình thường. Rất may trường hợp bé trai này đã được các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 chẩn đoán đúng bệnh và can thiệp kịp thời, cứu sống bé.

69. Các bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An cứu sống sản phụ bị rau tiền đạo trung tâm cài răng lược hiếm gặp: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 23 tháng 8 năm 2018, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An vừa cấp cứu thành công cho một sản phụ bị nhau tiền đạo trung tâm, kèm nhau cài răng lược hiếm gặp. Nạn nhân là sản phụ Nguyễn Thị Lành (31 tuổi), trú xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), mang thai 38 tuần. Trước đó, lo sợ khả năng vượt cạn khó khăn nên gia đình đưa chị Lành vào Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đăng ký sinh mổ. Khi vào bệnh viện chị Lành bị chảy máu nhiều. Tiến hành thăm khám, các bác sĩ khoa Sản xác định sản phụ nằm trong nhóm nguy cơ cao cho cả mẹ và con do sản phụ có tiền sử mới mổ lấy thai, vị trí nhau tiền đạo trung tâm, bánh nhau cài răng lược thể nặng, xuyên cơ tử cung. Lập tức, khoa Sản đã hội chẩn với khoa Gây mê hồi sức, Huyết học truyền máu, Sơ sinh… cùng nhiều bác sĩ có kinh nghiệm đưa ra quyết định xử trí phẫu thuật lấy thai cho bệnh nhân. Các bác sĩ lên kế hoạch chi tiết nhanh chóng, tích cực với đầy đủ phương tiện hồi sức mẹ và bé sơ sinh. Cuộc phẫu thuật lấy thai được tiến hành vào 14h ngày 17/8. Sau mổ, sản phụ được chuyển theo dõi sát sao tại khoa Hồi sức Tích cực Ngoại khoa. Hiện tại, sản phụ đã phục hồi tốt, huyết động đã ổn định, ý thức tỉnh táo và tiếp xúc tốt, da niêm mạc hồng hào lên, bước đầu vận động nhẹ được trên giường bệnh. Theo đánh giá ban đầu, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sớm được về khoa Sản để theo dõi, chăm sóc. Chồng sản phụ Lành cho biết đây là lần sinh thứ ba của vợ. Nhau thai tiền đạo thế cài răng lược của sản phụ xâm lấn vào cơ tử cung buộc các bác sĩ phải cắt tử cung cầm máu, mổ bắt con để cứu sản phụ và thai nhi.

70. Các bác sỹ Bệnh viện Quốc tế City thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 2 tháng tuổi vị phình đại tràng bẩm sinh: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 23 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Quốc tế City (TPHCM) cho biết vừa phẫu thuật bệnh phình đại tràng bẩm sinh 1 thì (PPT) cho một bệnh nhi 2 tháng tuổi. Đặc biệt, bệnh nhi này còn mang nhiều căn bệnh bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch, suy dinh dưỡng, viêm đại tràng... Bệnh nhi là bé Huỳnh Tấn T. (2 tháng tuổi, ngụ tại Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng, viêm ruột, suy dinh dưỡng, mắc nhiều bệnh bẩm sinh cùng lúc, phình đại tràng bẩm sinh, sứt môi hở hàm ếch. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã điều trị nội khoa, tiến hành nâng đỡ tổng trạng cho bệnh nhi trong 3 tuần (từ 2,2 kí lên 3,2 kg), sau khi sức khỏe của bé khá lên mới tiến hành phẫu thuật phình đại tràng. Bác sĩ phẫu thuật chính Nguyễn Kinh Bang cho biết: “Bằng phương pháp cắt đoạn ruột vô hạch và hạ đại tràng qua ngã hậu môn, ekip bác sĩ đã tiến hành cắt đoạn ruột vô hạch dài 13 centimet cho bé T. Phẫu thuật phình đại tràng sơ sinh là một phẫu thuật khó, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật cũng như gây mê hồi sức phải có nhiều kinh nghiệm, nếu không sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.” Thông tin thêm, bác sĩ Nguyễn Tấn Phước - Chuyên khoa Gây mê hồi sức tại Bệnh viện Quốc tế City cho biết phình đại tràng bẩm sinh là bệnh ảnh hưởng quá trình tống xuất phân của trẻ ngay từ sau sinh. Biểu hiện của bệnh là bé chậm tiêu phân su sau khi sinh, tiêu bón, bụng chướng, thỉnh thoảng có những đợt tiêu lỏng phân xấu hôi do viêm ruột. Ngoài ra, trẻ có thể chậm lên cân, da niêm nhợt nhạt do thiếu máu. “Bệnh phình đại tràng bẩm sinh có thể nghiêm trọng nếu không được chữa trị, vì vậy hãy tìm sự can thiệp y khoa càng sớm càng tốt.” – bác sĩ Phước cho biết. Hiện tại, bệnh nhi đã tự thở, nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch. Bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi và chăm sóc hậu phẫu và sẽ nuôi ăn bằng đường miệng trở lại sau 24 giờ nếu diễn tiến thuận lợi. Dự kiến trong thời gian tới, bệnh nhi sẽ được phẫu thuật hở hàm ếch, toàn bộ chi phí điều trị đều do Bệnh viện Quốc tế City tài trợ.

71. Các bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 10 tháng tuổi bị áp-xe não: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 24 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) vừa phối hợp với chuyên gia đến từ Cu Ba phẫu thuật thành công trường hợp áp - xe não ở bệnh nhi 10 tháng tuổi. Bệnh nhi Hoàng Tiến D. (Đồng Hới, Quảng Bình) được đưa tới bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, sốt cao 40 độ C, da tái nhợt, sức khoẻ yếu. Sau khi tiến hành thăm khám, xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện cháu D. bị áp-xe não vùng thuỳ trán - thái dương trái.Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và tiến hành phẫu thuật dẫn lưu ổ áp-xe. Được biết, trước khi nhập viện, cháu D. bị sốt nhẹ, kèm theo tay phải hạn chế vận động so với hàng ngày. Gia đình đã đưa cháu đi khám và điều trị một vài nơi nhưng ngày còn nặng thêm nên đã đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Công tác phẫu thuật cho cháu D. có sự giúp đỡ từ bác sĩ, chuyên gia Crescencio Anerio Alfonso - chuyên khoa Ngoại thần kinh (đang công tác theo chương trình hợp tác Quốc tế tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cuba Đồng Hới ). Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhi đang tiến triển tốt. Mọi chỉ số sinh tồn ổn định, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh cùng phối hợp chăm sóc hàng ngày cho cháu. Hiện tại, bệnh nhi đang được chăm sóc hậu phẫu tại đơn vị Hồi sức tích cực - Chống độc. Theo các chuyên gia thần kinh, áp - xe não ở trẻ nhỏ là có ổ mủ nội sọ, với các vị trí ở ngoài màng cứng, dưới màng cứng và trong não. Nguyên nhân thường do nhiễm khuẩn cơ quan lân cận như: Tai – mũi - họng, hàm - mặt. Nguồn từ xa có thể là do viêm phổi, viêm ruột... hay do chấn thương. Bệnh biểu hiện là sốt, dấu hiệu thần kinh khu trú, các triệu chứng não - màng não, tăng áp lực nội sọ... Bệnh có thể gây viêm màng não mủ, vỡ áp - xe, tụt kẹt não, tỉ lệ tử vong cao nếu không phát hiện và điều trị sớm.

72. Các bác sỹ Bệnh viện Quốc tế City thành phố Hồ Chí Minh mổ lấy con thành công cho thai phụ bị viêm ruột thừa cấp: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 24 tháng 8 năm 2018, Sản phụ mang thai 37,5 tuần bị viêm ruột thừa cấp kèm theo dấu hiệu chuyển dạ vừa được các bác sỹ Bệnh viện Quốc tế City phẫu thuật lấy thai thành công và mổ ruột thừa. Theo thông tin, trưa ngày 19/8, sản phụ Đ.N.D.T. (31 tuổi, Tiền Giang) mang thai 37,5 tuần nhập viện trong tình trạng nôn ói nhiều, đau hông phải nghi ngờ do viêm ruột thừa cấp kèm theo dấu hiệu chuyển dạ. Đến sáng 20/8 chụp MRI và siêu âm cho thấy sản phụ bị viêm ruột thừa, đồng thời thai nhi có triệu chứng chèn ép rốn, rỉ ối non. Sau khi hội chẩn, ekip bác sĩ quyết định sẽ mổ lấy con trước bằng phương pháp gây tê tủy sống, sau đó tiến hành mổ cắt ruột thừa. Ths. Bs Trần Thị Kim Xuyến - Trưởng Khoa Phụ Sản Bệnh viện Quốc tế City cho biết, nếu quyết định mổ nội soi viêm ruột thừa trước bằng cách gây mê sau đó chờ chuyển dạ tự nhiên thì rất có thể sản phụ sẽ bị suy thai trong và sau khi mổ ruột thừa. Ngược lại, nếu mổ lấy thai cùng với mổ ruột thừa thì khả năng nhiễm trùng tử cung gây biến chứng nặng sẽ nguy hiểm cho sản phụ, vì rất có thể sản phụ sẽ bị viêm tử cung, nhiễm trùng nặng, thậm chí có thể phải cắt bỏ tử cung. Do đó sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai trước, sau đó sẽ tiến hành mổ cắt ruột thừa. Do đó, sau khi bé gái nặng 2,785 gram chào đời, sức khỏe tốt thì các bác sĩ tiến hành mổ cắt ruột thừa cho chị D.T.. Bác sĩ Nguyễn Bảo Xuân Thanh, người trực tiếp phẫu thuật cắt ruột thừa cho sản phụ cho biết, khi đã chẩn đoán viêm ruột thừa cấp thì bắt buộc phải phẫu thuật. Mổ ruột thừa trên bệnh nhân có thai, đặc biệt là thai lớn sẽ khó khăn hơn nhiều. Thông thường sẽ mổ cắt ruột thừa trước, duy trì thai đủ tháng để sinh. Tuy nhiên, với trường hợp bệnh nhân này, sau khi mổ lấy thai, bác sĩ kiểm tra thấy ruột thừa mưng mủ, hoại tử ở đầu. Vì vậy, nếu chỉ định mổ trễ sẽ nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi. Bác sĩ Xuân Thanh cũng khuyến cáo, triệu chứng đau do viêm ruột thừa cấp dễ nhầm lẫn với các vấn đề của thai kỳ, dễ dẫn đến xử lý chậm trễ. Nếu viêm ruột thừa xảy ra đồng thời với một biến cố về sản khoa, việc chẩn đoán, xử lý càng khó khăn và phức tạp. Do đó, thai phụ cần cảnh giác khi đau hố chậu phải, đau bụng kéo dài, sốt nhẹ, rối loạn tiêu hóa...Hiện tại sức khỏe của chị D.T. đang hồi phục tốt, bé trai con chị cũng khỏe mạnh và các bác sĩ vẫn đang theo dõi, nếu sức khỏe ổn định, chị sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

73. Các bác sỹ Bệnh viện Quân y 175 cứu sống một quân nhân bị đột quỵ tại nhà giàn DK1: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 24 tháng 8 năm 2018 quân nhân Nguyễn Văn Mẫn – người được các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu hai tháng trước đã bình phục và xuất viện. Đây là chiến sĩ bị đột quỵ tại nhà giàn DK1 gần 2 tháng trước. Trước đó, chiều 2/7, Trung úy Nguyễn Văn Mẫn (31 tuổi) đang công tác tại nhà giàn DK1 đột ngột đau đầu chóng mặt, có dấu hiệu lơ mơ và mệt, sau đó rối loạn nhận thức, liệt nửa người. Nhận được tin báo, ngay trong chiều 3/7, trực thăng đã cất cánh cùng với tổ cấp cứu thuộc Bệnh viện quân y 175 ra nhà dàn DK1 để đưa quân nhân Mẫn về đất liền. Đúng 19h ngày 3/7, tổ cấp cứu hàng không đáp xuống Tân Sơn Nhất, xe cấp cứu Bệnh viện Quân y 175 đón sẵn đã đưa bệnh nhân về bệnh viện. TS.BS Bạch Thanh Thủy, Chủ nhiệm khoa Thần kinh Bệnh viện Quân y 175 cho biết, quân nhân Mẫn nhập viện trong tình trạng hôn mê, không nhận biết được xung quanh. Bệnh viện tiến hành chẩn đoán cấp cứu ngay trong đêm, chụp CT, cộng hưởng từ để xác định tổn thương. Kết quả chụp chiếu cho thấy bệnh nhân bị hẹp nặng động mạch não giữa bên phải gây ra liệt nửa người bên trái, rối loạn ý thức.Vì là nhồi máu não diện rộng nên bệnh nhân có biến chứng là xuất huyết trong ổ nhồi máu khiến diễn tiến của bệnh nặng hơn, tiên lượng lúc đó rất dè dặt. Bệnh nhân được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức cấp cứu và khoa Thần kinh với các loại thuốc bảo vệ não, rối loạn điện giải, thuốc chống đông máu… kết hợp các biện pháp hỗ trợ như châm cứu, vật lý trị liệu. Sau hơn 1 tháng tích cực điều trị, hiện nay quân nhân Mẫn đã đi lại gần như bình thường, chỉ có bàn tay trái còn yếu, cầm nắm khó, sau một thời gian nữa sẽ hồi phục tốt hơn. BS Thủy cho biết, Trung úy Mẫn sẽ về bệnh xá đơn vị tại Bà Rịa Vũng Tàu, tiếp tục điều trị theo phác đồ của Bệnh viện 175, chủ yếu là vật lý trị liệu và phục hồi chức năng kèm theo các thuốc chống tái phát.

74. Các bác sỹ Bệnh viện K phẫu thuật thành công u tuyến giáp có kích thước lớn cho bệnh nhi 7 tuổi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 24 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ của Bệnh viện K đã phẫu thuật thành công u tuyến giáp có kích thước lớn cho bệnh nhi 7 tuổi. Bệnh nhân Cam Tiểu Xuân 7 tuổi- dân tộc Nùng ở Chi Lăng- Lạng Sơn được nhập viện với khối u tuyến giáp khổng lồ. Ngay từ khi còn nhỏ bố mẹ Cam Tiểu Xuân đã thấy con gái mình có khối u nhìn thấy rõ ở cổ. Tuy nhiên do là người dân tộc thiểu số nên bố mẹ Tiểu Xuân không cho con đi khám ở bất cứ bệnh viện nào mà hy vọng rằng khi bé lớn lên khối u sẽ hết. Nhưng càng lớn khối u của con ngày càng to thêm, bố mẹ Xuân mới đưa em đi khám ở bệnh viện đa khoa tỉnh, tại đây các bác sĩ khuyên bố mẹ em nên cho em phẫu thuật, nhưng một lần nữa bố mẹ em lại từ chối vì lo sợ em còn bé quá không đủ sức để phẫu thuật. Khi Cam Tiểu Xuân được 7 tuổi, với sự giúp đỡ của bạn bè ở miền xuôi, bố mẹ em đưa em đến khám tại bệnh viện K. Tại đây các bác sĩ của bệnh viện đã thăm khám và kết quả siêu âm cho thấy Thuỳ phải tuyến giáp của cháu kích thước rất lớn, khoảng 10 cm, ngoài ra có rất nhiều u, kích thước u lớn nhất 3 cm thòng xuống trung thất trước trên, hầu như không còn nhu mô lành của thuỳ phải tuyến giáp. Sau khi hội chẩn, các bác sỹ khoa Ngoại đầu cổ và khoa Điều trị A quyết định phẫu thuật cho Cam Tiểu Xuân. Kíp phẫu thuật do Thạc sỹ, bác sĩ Ngô Xuân Quý – phó khoa Ngoại đầu cổ cùng các cộng sự là các bác sỹ của Khoa Điều trị A đã thực hiện ca mổ này. Nhận thấy đây là một khối u tuyến giáp có kích thước lớn lại thòng xuống trung thất, hơn thế bệnh nhân còn nhỏ tuổi nên kíp phẫu thuật đã sử dụng những kỹ thuật hiện đại và khéo léo nhất để bóc tách khối u và giữ thẩm mỹ cho bé. Trong khoảng thời gian hơn 2 giờ đồng hồ, kíp phẫu thuật đã phẫu thuật cắt thùy phải, Bảo tồn được tuyến cận giáp và thần kinh thanh quản quặt ngược bên phải cho cháu Cam Tiểu Xuân. Sau phẫu thuật, gia đình và cháu Cam Tiểu Xuân rất vui mừng khi như trút đi một gánh nặng do cháu không còn khối u, và vùng cổ không còn biến dạng như trước. Các bác sỹ cũng rất vui mừng vì đã phẫu thành công cho một bệnh nhi nhỏ tuổi .

75. Các bác sỹ Bệnh viện K phẫu thuật nội soi thành công cắt u gan đa ổ: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 28 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Khoa ngoại gan mật tụy (Bệnh viện K) vừa phẫu thuật thành công một bệnh nhân u gan đa ổ bằng phương pháp nội soi. Bệnh nhân được các bác sỹ cắt thùy gan trái, u gan đa ổ thùy gan trái, kích thước 41x43mm ung thư tế bào gan (HCC) cho bệnh nam 61 tuổi. Ca mổ được các bác sỹ Bệnh viện K phối hợp cùng bác sỹ của Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cùng thực hiện. Các phẫu thuật viên chính gồm: tiến sỹ Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Khoa Ngoại gan mật tụy và tiến sỹ Trần Công Duy Long (Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh). Ca phẫu thuật nội soi được tiến hành trong 2 giờ 30 phút và bệnh nhân không phải truyền máu. Theo các bác sỹ tiến hành ca phẫu thuật, bệnh nhân có khối u ở vị trí khó, nằm sâu trong ổ bụng, sát với các mạch máu lớn nhất của ổ bụng (tĩnh mạch chủ bụng, động mạch chủ bụng…).  Đây là ca bệnh khó, bởi vậy việc phẫu thuật cắt u ở vị trí này chỉ được thực hiện ở các trung tâm phẫu thuật lớn, đòi hỏi phẫu thuật viên phải là người có nhiều kinh nghiệm, cũng như sự hỗ trợ của các trang thiết bị chuyên sâu. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định và sẽ được các bác sỹ tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa trong thời gian tới, để tiếp tục đưa ra hướng điều trị và theo dõi cho bệnh nhân. Khoa Ngoại gan mật tụy (Bệnh viện K) mới thành lập được gần 2 năm, được đầu tư trang bị máy móc hiện đại, ngang tầm các trung tâm phẫu thuật lớn của Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, như dao CUSA, Harmonic, Ligasure, dao mổ có tích hợp cầm máu bằng khí Argon, Stapler mạch máu, dàn mổ nội soi… Trong hai năm qua, các bác sỹ của khoa đã tiến hành phẫu thuật hơn 500 ca cắt gan, trong đó có các phẫu thuật khó như cắt gan phải, cắt gan trung tâm và khoảng 50 bệnh nhân cắt khối tá tụy, cắt tụy trung tâm.

76. Các bác sỹ Bệnh viện Quốc tế Vinh Nghệ An nội soi gắp thành công chiếc tăm trong dạ dày bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 28 tháng 8 năm 2018, trong lúc ngủ người đàn ông nuốt luôn cả que tăm nhọn dài 7cm vào bụng, sau 2 ngày đau dữ dội mới nhập viện, được các bác sĩ nội soi gắp ra. Ngày 28/8, Bệnh viện Quốc tế Vinh cho biết, một trường hợp bệnh nhân nuốt nhầm que tăm nhọn dài 7cm lúc nằm ngủ vừa được bệnh viện tiến hành nội soi gắp thành công. Theo đó, ngày 27/8, người bệnh Nguyễn V.T.  (trú tại xã Nghi Hải, Nghệ An) nhập viện tại khoa Nội, Bệnh viện Quốc tế Vinh với tình trạng đau bụng dữ dội trong hai ngày kèm theo buồn nôn, mệt mỏi. Qua thăm khám, bác sĩ chỉ định nội soi thì phát hiện có 1 dị vật trong dạ dày nghi là xương. Xác định có dị vật nằm ở mặt sau hành tá tràng, một đầu nhọn cắm vào thành ruột gây chảy máu.Các bác sĩ đã tiến hành lấy dị vật qua nội soi. Qua nhận định, bệnh nhân nuốt phải dị vật dài, sắc nhọn rất nguy hiểm vì có thể làm thủng đường tiêu hóa, ở thực quản gây áp xe trung thất, ở dạ dày và ruột gây viêm phúc mạc. Qua tiến hành nội soi gắp dị vật, các bác sĩ hết sức bất ngờ khi phát hiện dị vật là một cái tăm nhọn 2 đầu, dài 7cm. Bệnh nhân cho biết, khoảng 3 ngày trước, sau bữa ăn có thói quen xỉa răng, nhưng khi nằm xem ti vi, ông ngủ quên đã nuốt tăm. Khi ngủ dậy thì bụng có triệu chứng đau, sau khi uống vài loại thuốc giảm đau nhưng không có kết quả đã phải đến bệnh viện thăm khám. Theo các bác sĩ thông thường, dị vật nuốt phải sẽ được tiêu hóa ra ngoài mà không hề gây ra các biến chứng. Nhưng đối với các dị vật sắc nhọn như tăm xỉa răng có nguy cơ cao gây thủng đường tiêu hóa và thậm chí tử vong nếu phát hiện và xử trí muộn.

77. Các bác sỹ Bệnh viện Từ Dũ cứu sống một thai phụ đang chờ sinh bị vỡ gan: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 28 tháng 8 năm 2018, một thai phụ đang mang thai 35,5 tuần thì có biểu hiện chuyển dạ, chị được đưa đến Bệnh viện Từ Dũ để chuẩn bị cho cuộc vượt cạn. Tuy nhiên, trong lúc nằm tại phòng chờ, khoa Sinh, thai phụ bất ngờ rơi vào trạng thái vật vã, đổ mồ hôi, xanh nhợt nhạt. Trước nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con, các bác sĩ đã phát lệnh báo động đỏ liên viện, nhờ sự giúp sức của Bệnh viện Bình Dân. Sau thăm khám, kiểm tra hình ảnh, bác sĩ xác định người mẹ bị vỡ gan, mất máu cấp, hôn mê. Ngay lập tức ê kíp bác sĩ thực hiện cùng lúc 2 cuộc mổ, một xử lý tình trạng vỡ gan cho người mẹ, một mổ bắt con. Phản ứng nhanh của ê kíp các bác sĩ liên viện đã giúp mẹ con sản phụ qua được nguy kịch. Tuy nhiên, bé sơ sinh (cân nặng 2,65kg) sau khi lọt lòng mẹ đối mặt với nguy cơ chết não vì bị ngạt quá lâu. Khi được bắt ra ngoài toàn thân của bé tím tái, liên tục co giật, được các bác sĩ hồi sức tích cực và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị chuyên môn sâu. Bằng phương pháp “làm lạnh” - hạ thân nhiệt làm mát vùng đầu, nhiệt độ trung tâm (hậu môn) duy trì ở ngưỡng nhiệt độ 33,5 độ C và trong khoảng 72 giờ sau đó làm ấm cơ thể lại dần dần. BS Phan Hồng Phúc, khoa Hồi sức sơ sinh, bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: Đây là phương pháp giảm chuyển hóa não giúp não tổn thương phục hồi, thời gian vàng để phục hồi não trong 6 tiếng đầu tiên, cháu bé đã may mắn khi được chuyển viện sớm (khoảng 2,5 giờ sau sinh). Ca “làm lạnh” lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã mang lại kết quả rất khả quan, sau quá trình hạ thân nhiệt, bệnh nhi được làm ấm cơ thể trở lại. Gần 2 tuần sau cuộc vượt cạn gian nan, đến ngày 28/8, sức khỏe của cả 2 mẹ con đã ổn định, cháu bé đã cử động linh hoạt, bú giỏi, ngủ ngoan.

78. Các bác sỹ Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu thành công bé 6 tuổi bị cánh quạt công nghiệp chém thấu xương, rách tai: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 28 tháng 8 năm 2018, Bệnh viện Nhi Đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết bé Tr.V.H. (6 tuổi; quê Cà Mau, tạm trú tại Bình Dương) đã hồi phục sau phẫu thuật điều trị vết thương ứ dịch, nhiễm trùng nặng và may lại nhiều lớp gồm màng xương – cơ – may thẩm mỹ ngoài da sau tai nạn kinh hoàng xảy ra ngày 16/8. Theo lời kể từ gia đình, hôm đó, bé theo cha mẹ đến lò gạch nơi cả hai làm việc. Bé chạy chơi với một bé 12 tuổi khác và vô tình chạy va vào một cái quạt công nghiệp bị mất lồng bảo vệ. Cánh quạt chém bé nhiều nhát sâu ở bên phải mặt, khu vực gần cổ khiến bé gục xuống. Nghe hô hoán, cha mẹ bé đến và ngất xỉu khi thấy con đầy máu. Tuy nhiên, người mẹ sau khi được lay gọi dậy đã nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế địa phương cấp cứu. Sau đó, bé tiếp tục được chuyển đến tuyến trên là Bệnh viện 512 giường (Bình Dương). Hai đơn vị này đã khâu cầm máu cho bé và theo dõi vết thương. Dù vậy, sau khoảng 1 tuần, vết thương chuyển biến xấu, sưng to, ứ dịch. Bệnh viện 512 giường đã chuyển viện bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào 4 ngày trước. Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó trưởng Khoa Răng Hàm Mặt của Bệnh viện Nhi Đồng 1 thông tin các bác sĩ đã mở vết khâu cũ ra và phát hiện rất nhiều máu lẫn mủ bên trong. Vết thương bị nhiễm trùng khá nặng. Có vết thương sâu đến tận hàm bé; do các lần khâu sơ cứu đầu tiên các lớp màng xương, cơ bên dưới chưa được khâu nên vết thương không lành tốt. Các bác sĩ đã phải khâu đến 6 sợi chỉ, mỗi sợi dài 75 cm để tái tạo lại các tổ chức ở vùng mặt cho H. Bé hồi phục tốt, hôm nay đã khỏe mạnh, có thể chạy chơi. Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt cảnh báo việc dẫn trẻ đến nơi làm việc có thể rất nguy hiểm, đặc biệt là những nơi không bảo đảm an toàn lao động, như chuyện va phải  chiếc quạt mất lồng bảo hộ này. Khi trẻ gặp nạn, cha mẹ nên bình tĩnh cầm máu, đưa con đến bệnh viện. Trẻ bị thương bởi vật dơ, bẩn cần được cho đi chích ngừa uốn ván ngay sau khi sơ cứu ban đầu. Bé H. được đánh giá là khá may mắn bởi chỉ một chút xíu nữa cánh quạt đã phạm đến động mạch cảnh, có thể khiến bé tử vong lập tức.

79. Bác sỹ một phòng khám ở huyện Quỳ Hợp Nghệ An gắp thành công con sán lá gan trong dạ dày một bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 28 tháng 8 năm 2018, bác sỹ một phòng khám ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho biết, vừa phẫu thuật gắp bỏ con sán lá gan trong dạ dày - tá tràng cho anh Lô Văn T (33 tuổi) ở xã Châu Cường. Bệnh nhân đến phòng khám với triệu chứng đau bụng âm ỉ, người mệt mỏi, khó chịu trong người, bác sĩ đã cho bệnh nhân nội soi dạ dày - tá tràng, qua đó xác định anh T có con sán ở tá tràng và chỉ định phẫu thuật để gắp con sán lá gan ra khỏi cơ thể. Sau khoảng 10 phút phẫu thuật, bác sỹ của phòng khám này đã gắp thành công con sán dài 1,5cm, rộng 1cm trong người anh T. “Sau khi gắp sán ra khỏi cơ thể, bệnh nhân phải dùng thuốc điều trị đặc hiệu để diệt những trứng sán còn tiềm ẩn trong người bệnh nhân bởi trường hợp này nếu không được điều trị thì về lâu dài trứng sán sẽ đi vào trong ruột, rồi vào gan tạo áp-xe hoặc di chuyển xuống đường mật trú ngụ”, bác sĩ Nguyễn Hồng Vui chia sẻ. Nguyên nhân được xác định do bệnh nhân thường ăn phải gỏi cá, rau sống ở dưới nước. Được biết, trước đó anh T cũng đã đi bệnh viện thăm khám nhưng vẫn không phát hiện được bệnh. Để tránh bị nhiễm sán lá gan, bác sỹ khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, đặc biệt không ăn sống các loại rau sống dưới nước. Trường hợp người dân có thói quen ăn gỏi cá hay ăn sống các loại rau sống ở ao hồ mà có triệu chứng sốt, đau vùng gan thì nên đến bệnh viện xét nghiệm để được điều trị sớm.

80. Các bác sỹ Bệnh viện Đà Nẵng cứu sống một bệnh nhân vị xe trộn bê tông cán đứt người: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 27 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Đà Nẵng đã cấp cứu và điều trị thành công cho một nạn nhân bị tai nạn giao thông hy hữu, gần đứt lìa thân người do va chạm với xe trộn bê tông ở khu vực cầu Tuyên Sơn (Đà Nẵng) cách đây 20 ngày. Bệnh nhân là chị N.T.B.N (28 tuổi, ngụ Q.Hải Châu, Đà Nẵng) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng dập đứt phần bụng, mất máu suy hô hấp, cả mạch và huyết áp đều không đo được. Theo Th.S-BS Phạm Trần Xuân Anh, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, khi đưa vào bệnh viện, toàn bộ phần bụng bệnh nhân đã dập nát và lộ ra ngoài, vết thương lóc dập da cân cơ thành bụng đi từ trong ra mặt sau lưng đến gần cột sống. Ngoài ra, bệnh nhân còn mất nhiều máu kèm gãy xương cánh tay trái, có chèn ép thần kinh, chấn thương cột sống, gãy gai, gãy cánh chậu... Ngay lập tức, bệnh nhân được đánh giá mức độ “báo động đỏ” và phẫu thuật phục hồi các cơ quan, phục hồi cơ hoành, ruột và các tổn thương khác. Đặc biệt là tạo hình lại da cân cơ thành bụng để có thể đóng kín được tổn thương thành bụng, ngăn ngừa nhiễm trùng, nhiễm độc, tăng khả năng phục hồi của bệnh nhân. Sau thời gian điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định; dự kiến bệnh nhân sẽ xuất viện vào ngày 28/8.

81. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh cứu sống bé gái sinh non tháng bị tim bẩm sinh: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 28 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh đã cứu sống bé gái sinh non tháng, nặng 2kg bị mắc đa dị tật tim, hẹp eo động mạch chủ khiến tim bị tổn thương, suy hô hấp. Trước đó, sản phụ B.T. (26 tuổi, ngụ tại Tp. Vũng Tàu) mang thai 35 tuần tuổi và bị tiền sản giật, phát hiện suy thai và được tiến hành mổ lấy thai cấp cứu. Cháu bé non tháng sau khi sinh đã thở thoi thóp, đừ, bú kém, theo dõi tim bẩm sinh và được bệnh viện địa phương chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố HCM. Tiếp nhận bé tại Bệnh viện các bác sĩ đã ghi nhận tình trạng sốc tim nặng, em nhanh chóng được giúp thở, hồi sức chống sốc, siêu âm tim và chụp CT scan khẩn. Qua đó ghi nhận nhiều dị tật tim bẩm sinh: Thông liên thất, thông liên nhĩ, hẹp eo và thiểu sản cung đông mạch chủ, còn ống động mạch nhỏ, thông thương rất ít, em có chỉ định phẫu thuật cấp cứu để duy trì mạng sống sau khi hội chẩn liên khoa. Tại phòng mổ, cơ thể bé bỏng của em được ekip được huy động hơn 10 người để mở xương ức, đóng lỗ thông liên thất bằng patch màng ngoài tim, sửa chữa cung động mạch chủ, chạy tuần hoàn ngoài cơ thể vô cùng gian nan. Sau ca mổ gần 8 giờ, em được theo dõi sát quá trình hồi sức hậu phẫu cũng đầy trắc trở không kém. Bác sĩ Trần Công Bảo Phụng, 1 trong những bác sĩ thuộc kip hồi sức tích cực sau phẫu thuật tim của bé cho biết: "Phẫu thuật ca bệnh này cũng rất thử thách ngay cả với các bệnh viện lớn trên thế giới vì phải sửa chữa tất cả các tật tim trong cùng một thì, chạy tuần hoàn ngoài cơ thể và hồi sức sau mổ tim ở giai đoạn sơ sinh cực kỳ khó, chưa kể bé non tháng và có tình trạng sốc tim nặng nề trươc mổ". Một tuần sau mổ, qua siêu âm tim, các bác sĩ nhận thấy miếng vá thông liên thất của bệnh nhi tốt, quai động mạch chủ đã sửa ổn định, tình trạng sức khỏe tiến triển khả quan, bệnh nhi được đóng xương ức, cắt dần thuốc an thần, vận mạch và cai máy thở. Bé phát triển tâm thần, vận động bình thường. Đến cuối tuần qua tình trạng sức khỏe của bé gần như đã ổn định. Tới nay sau 1 tháng, cân nặng của bé đạt 2,9kg, bú tốt, vận động tốt và chuẩn bị được xuất viện. Chị T., mẹ bé cho biết: “Bé là con đầu tiên của gia đình, nhà khó khăn, ba bé làm thợ hồ, em làm công nhân, không ruộng đât nhà cửa, phải ở nhà thuê, nhà đơn chiếc nên ai cũng rất vui khi con như đang được sống lại một lần nữa. Chỉ chưa đầy 3 tuần sau ca mổ, bé đã thay đổi rõ rệt, cai được máy thở, giảm gần 20 loại thuốc và máy móc xung quanh, ngủ ngon, bú mẹ tốt, và đặc biệt là bé bắt đầu tăng cân... bao nhiêu kỳ vọng thì cũng bấy nhiêu lo lắng, giờ em mới thực sự yên tâm”.

82. Các bác sỹ Bệnh viện Nhân dân 115 điều trị thành công cho một bệnh nhân bị áp xe do vi khuẩn kháng kháng sinh: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 28 tháng 8 năm 2018, các bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới BV Nhân Dân 115 cho biết, sau 5 ngày điều trị bằng các phương pháp: rạch ổ áp xe, bù nước và điện giải, thuốc kháng sinh phù hợp, thuốc ổn định đường huyết và huyết áp, chăm sóc vết thương mỗi ngày, sức khỏe bệnh nhân là cụ P.T.V  (72 tuổi) đã tương đối ổn định. Bệnh nhân hết sốt, mông đùi phải bớt đỏ, bớt đau, vết thương mông phải 10x10 cm sạch, đã lên mô hạt. Trước đó, bệnh nhân P.T.V nhập viện trong tình trạng sốt cao, lạnh run bởi bị khối áp xe lớn ở mông, đường kính 10x20 cm do vi khuẩn kháng kháng sinh Staphylococcus aureus gây ra. Khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhân P.T.V. cho biết, trước khi nhập viện 10 ngày, bà V. bị té đập mông bên phải xuống đất. Tưởng không việc gì nên gia đình và bà cụ cũng không lưu tâm đến. Sau đó, ít hôm, vùng mông đùi phải bà V. bị sưng đỏ, đau…. Rồi diễn tiến ngày một nặng, bà V bị sốt cao, lạnh run, sưng đỏ đau vùng mông bên phải, uống thuốc không bớt nên phải đến Bệnh viện Nhân Dân 115 điều trị. Qua thăm khám, các bác sĩ ghi nhận 2 khối áp xe một ở vùng mông phải đường kính 10 x 20 cm và một khối ở vùng đùi phải có kích thước 3x3 cm. Bà V. bị áp xe mông đùi phải là do vi khuẩn kháng kháng sinh Staphylococcus aureus. Ngoài ra, bà V. còn có tiền căn tăng huyết áp - đái tháo đường type 2 - tai biến mạch máu não cũ. Qua trường hợp này, các bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới BV Nhân Dân 115 khuyến cáo, người lớn tuổi rất dễ bị té ngã. Do đó, bên cạnh việc đi lại cẩn thận thì khi bị té ngã cần theo dõi chặt chẽ để có hướng xử trí phù hợp. 

83. Bác sỹ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương Phú Thọ cứu sống một bệnh nhân lún sọ sau tai nạn: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 29 tháng 8 năm 2018, sức khỏe bệnh nhân N.V.M (44 tuổi, ở Hà Giang) đang dần phục hồi sau cuộc phẫu thuật lấy xương vỡ lún, tạo hình hộp sọ do tai nạn. Điều đáng nói, bệnh nhân đã được phẫu thuật sau tai nạn nhưng không triệt để. Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ thông tin: Bệnh nhân M vào viện trong tình trạng đau đầu, mắt trái nhìn mờ hơn mắt phải, vết mổ phần đầu và vai đã khô, động kinh cục bộ vùng mặt (giật từng phần trên cơ mặt). Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi bị tai nạn, bệnh nhân đã được đưa ngay đến cơ sở y tế cấp cứu và phẫu thuật vùng đầu, vai và nách trái. Sau thời gian điều trị ổn định được ra viện nhưng khi về nhà, bệnh nhân liên tục đau đầu và mắt trái mờ dần. Gia đình đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương khám và điều trị. Kết quả kiểm tra cho thấy, hình ảnh vỡ lún xương trán trái có hình ảnh mảnh vỡ rời di trú vào nhu mô não thùy trán trái. Mảnh xương được các bác sỹ phẫu thuật lấy ra khỏi nhu mô não bệnh nhân. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên khoa chỉ định bệnh nhân cần phẫu thuật lấy bỏ xương vỡ lún, tạo hình hộp sọ. Khi các bác sĩ mở nắp sọ, hình ảnh màng cứng rách, tụ mủ nhiều quanh mảnh xương vỡ, mảnh xương cắm sâu vào nhu mô não. Sau 2h phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành lấy mảnh xương vỡ và ổ mủ thành công. Rất may, bệnh nhân đã được phẫu thuật lấy khối áp xe, nhấc bỏ xương vỡ lún và tạo hình hộp sọ kịp thời. Nếu tình trạng của bệnh nhân để lâu sẽ dẫn đến viêm não, viêm màng não, khối áp xe phát triển gây áp lực lớn đến màng não nguy hiểm đến tính mạng. Các bác sĩ khuyến cáo, những vết thương vùng đầu cần được chẩn đoán, điều trị xử lý vết thương chính xác và kịp thời trong thời gian sớm nhất. Sau điều trị, nếu bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện đau đầu liên tục, giật từng phần trên cơ mặt,… cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên sâu thăm khám.

84. Nhở khởi động quy trình báo động đỏ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước cứu sống trẻ sơ sinh ngạt do sa dây rốn: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 29 tháng 8 năm 2018, nhờ quy trình báo động đỏ các bác sĩ của bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước đã kịp thời cấp cứu thành công trường hợp thai nhi ngạt so da dây rốn. BS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Phước kiêm giám đốc BVĐK tỉnh Bình Phước cho biết, vào 6h 30 phút ngày 27/8/2018, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước nhận được thông báo của TTYT huyện Chơn Thành chuyển lên 1 sản phụ Ka Hân (dân tộc Mạ chuyển dạ con lần 2, thai nhi ngạt do sa dây rốn. Ngay lập tức, quy trình báo động đỏ được báo động toàn bệnh viện.  Phòng mổ chuẩn bị sẵn sàng cùng ê kíp bác sĩ : Ngô Văn Kiên – PGĐ, Đặng Văn Luận – Trưởng khoa Phụ Sản, Đỗ Nhân Châu – Trưởng khoa Nhi có mặt hội chẩn. Bs Đặng Văn Luận hướng dẫn nhân viên y tế chuyển viện đỡ đầu thai nhi không cho lọt thấp hơn chèn ép vào dây rốn. 7h, sản phụ được chuyển lên phòng mổ mổ cấp cứu. Các bác sĩ bắt ra một bé trai, nặng 2900g, cháu bé không thở, tím tái toàn thân, tim không nghe được.  Bác sĩ tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực, tiêm Adrenalin, bóp bóng qua nội khí quản. Sau 15 phút cấp cứu cháu bé tự thở 40 lần/phút, môi hồng, tim 120 lần/phút đều. Đến hôm nay, tình trạng của sản phụ và cháu bé đã ổn định, da hồng hào, bú tốt. Anh Lê Phước Sỹ (chồng chị Ka Hân cho biết, do hai vợ chồng từ Đồng Nai đến Chơn Thành làm ăn sinh sống và ở trọ, kinh tế gia đình khó khăn nên không có điều kiện đi kiểm tra thai nhi nên không được biết trước con có bất thường, rất may được các bác sĩ tận tâm cấp cứu kịp thời. Gia đình tôi cảm ơn các bác sĩ và bệnh viện.

85. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công ca ghép gan cho cháu bé 4 tuổi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 29 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện thành công ca ghép gan cho em bé 4 tuổi từ nguồn gan của bà nội. Mẹ cháu bé cho biết, khi mới chào đời, cháu vẫn khỏe mạnh bình thường, tuy nhiên 1 tháng sau, cháu xuất hiện dấu hiệu vàng da, bác sĩ khi ấy kết luận trẻ bị vàng da sinh lý, sẽ tự khỏi sau một thời gian, nhưng cả tháng sau, tình trạng của bé Dũng vẫn không tiến triển, da vàng như nghệ. Khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám, bác sĩ thông báo bé bị teo ống mật bẩm sinh, cần phẫu thuật càng sớm càng tốt. Ngay sau đó, bé được mổ dẫn lưu mật ruột, tuy nhiên bác sĩ cho biết đây chỉ là biện pháp tạm thời. Suốt 4 năm nay, cậu bé nằm viện nhiều hơn ở nhà, cơ thể còi cọc khi nặng chưa đầy 15kg, gần đây bé sốt kéo dài không dứt, đi ngoài phân đen, nôn ra máu. TS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan-Mật, BV Nhi TƯ cho biết thêm, trường hợp của bệnh nhi này khá nặng do xơ gan ở giai đoạn cuối, nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào, chỉ định ghép gan là phương án cuối cùng. Khi bác sĩ cho biết thời gian của cháu bằng ngày chỉ tính bằng ngày nếu không được ghép gan, cả gia đình suy sụp. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm của cả bố mẹ bé và nhiều người thân trong gia đình đều không phù hợp, ngoại trừ bà nội, năm nay đã 60 tuổi. Ekip phẫu thuật gần 50 bác sĩ gồm cả chuyên gia ghép tạng từ Đài Loan và các bác sĩ Việt Nam. Ca phẫu thuật kéo dài suốt 12 tiếng. Do bệnh nhi có bất thường về đường mật nên phải tạo hình đường mật trước khi nối ghép gan. Bác sĩ đã lấy 1 nửa gan trái của bà nội bé để ghép cho cháu bé. Sau phẫu thuật, bệnh nhi này gặp phải vấn đề nhiễm khuẩn, sốt nhiễm trùng nặng, vàng da, men gan tăng nên việc điều trị rất khó khăn. Rất may mắn sau đó tình trạng đã biến chuyển, các xét nghiệm chức năng gan cải thiện nhiều nên bệnh nhi này đã được xuất viện chiều 28/8. Được biết, Bệnh viện Nhi Trung ương là một trong những bệnh viện đầu tiên tiến hành ghép gan của Việt Nam. Đây là kỹ thuật cao, cần sự phối hợp lớn của các chuyên khoa, đặc biệt hơn lại là ghép gan trẻ em. Cơ hội sống sau 5 năm ghép là 80-90%. Đến nay, bệnh viện đã ghép gan thành công được 13 ca.

86. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang phẫu thuật thành công cắt bỏ phần thận bị hư hỏng cho bệnh nhân có thận móng ngựa: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 29 tháng 8 năm 2018, Các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, BVĐK tỉnh Hà Giang đã thực hiện phẫu thuật thành công ca bệnh thận móng ngựa bẩm sinh hiếm gặp. Đây là ca phẫu thuật thận móng ngựa đầu tiên được thực hiện thành công tại BV tuyến tỉnh của tỉnh miền núi vùng cao này. Bệnh nhân là Chảo Páo Toan, 28 tuổi, ở xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc, nhập viện ngày  trong tình trạng đau vùng mạn sườn trái và vùng thắt lưng. Qua quá trình thăm khám, siêu âm, chụp CT-Scaner và làm các xét nghiệm, các bác sỹ xác định người bệnh bị thận móng ngựa, thận trái mất chức năng nên cần được phẫu thuật. Để tiến hành phẫu thuật loại bỏ phần thận này, các bác sĩ đã tiến hành điều trị kháng viêm trước mổ cho người bệnh do vùng thận trái đã bị ứ mủ, ứ nước, giãn to mất chức năng và gây viêm thận trái trước đó. Ngày 1.8, ca phẫu thuật được tiến hành hơn 1 giờ đã thành công, sau đó người bệnh tiếp tục được điều trị tại Khoa Ngoại tổng hợp. Đến ngày 9.8 qua thăm khám cho thấy người bệnh đã ổn định, chức năng thận hoạt động bình thường và được xuất viện.

87. Cán bộ Bệnh viện đa khoa huyện Kinh Môn Hải Dương hiến máu cứu bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 30 tháng 8 năm 2018, cán bộ y tế Khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn (Hải Dương) hiến máu cứu sống bệnh nhân. Mặc dù không trong giờ trực hành chính song gần 21 giờ 30 phút ngày 28/8 chị Nguyễn Thị Thanh Hòa cán bộ y tế Khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn vẫn ra bệnh viện để hiến máu cứu sống bệnh nhân. Bệnh nhân là chị Dương Thị Hoàn, 35 tuổi ở thôn Huê Trì, xã An Phụ (Kinh Môn) được người bạn đưa đến bệnh viện đa khoa huyện Kinh Môn lúc 21 giờ ngày 28/8. Chị Hoàn nhập viện trong tình trạng sốc (shock), choáng, da xanh tái, mồ hôi chảy nhiều, chân tay lạnh, bụng trướng, trụy mạch, huyết áp tụt 60/40 mmHg. Ngay sau khi nhập viện bệnh nhân đã được hồi sức tích cực và tiến hành mổ cấp cứu do chửa ngoài tử cung ở đoạn kẽ vỡ. Trong khi thực hiện mổ bệnh nhân mất máu nhiều, bằng phương pháp lọc máu  hoàn hồi gần 2 lít máu chảy trong ổ bụng gần như bị đóng cục nên chỉ lấy được lại 500ml. Khi đó bệnh nhân chỉ có người bạn đưa đi và không cùng nhóm máu nên chị Nguyễn Thị Thanh Hòa thành viên câu lạc bộ hiến máu tình nguyện của bệnh viện đã cho máu để cứu sống bệnh nhân. Ngày 29/8, bệnh nhân đã tỉnh táo và giao tiếp tốt, dự kiến sẽ được xuất viện vào đầu tuần tới. Gia đình bệnh nhân vô cùng cảm ơn cán bộ y tế của bệnh viện đã kịp thời chia sẻ phần máu của mình, cứu sống bệnh nhân.

88. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Cà Mau báo cáo về vụ sản phụ tử vong ở Bệnh viện đa khoa tirh Cà Mau: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 30 tháng 8 năm 2018, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế Cà Mau yêu cầu xác minh và báo cáo thông tin trường hợp tử vong sản phụ tại TTYT huyện Phú Tân, Cà Mau. Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), ngày 29-8, một số cơ quan thông tin đại chúng có phản ánh trường hợp sản phụ P. 31 tuổi, đến chờ sinh tại Trung tâm Y tế huyện Phú Tân vào chiều ngày 27-8-2018 và đến 19h25 cùng ngày đã sinh được 1 bé trai cân nặng 3 kg. Sau sinh 2 giờ, sản phụ P ngừng thở và tử vong chưa rõ nguyên nhân.  Trước thông tin này, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Cà Mau chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Phú Tân rà soát lại việc tuân thủ các quy trình dịch vụ chuyên môn kỹ thuật trong việc theo dõi, chăm sóc và xử trí các tai biến sản khoa trong và ngay sau đẻ; Gặp gỡ, chia sẻ động viên và thông tin trung thực, chính xác tới gia đình sản phụ, cũng như các phương tiện thông tin đại chúng. Sở Y tế Cà Mau cần khẩn trương họp hội đồng chuyên môn cấp tỉnh đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí của Trung tâm Y tế huyện Phú Tân đối với trường hợp sản phụ P. Xử lý nghiêm tập thể và cá nhân, nếu có sai phạm chuyên môn. Trong khi chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn tỉnh, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế gửi báo cáo nhanh quá trình theo dõi, diễn biến ca đẻ và quy trình chăm sóc, xử trí của Trung tâm Y tế huyện Phú Tân đối với sản phụ P. về Bộ Y tế trước 13h00 ngày 31-8. Trước đó ngày 29-8, Bộ Y tế cũng có công văn khẩn gửi Sở Y tế Gia Lai yêu cầu báo cáo sự cố y khoa về trường hợp thủng bàng quang sản phụ khi mổ lấy thai, sau khi báo đăng tin “Người nhà khiếu nại vì bác sỹ làm rách bàng quang của sản phụ”. Theo đó, sản phụ N.T.H.Đ đến sinh con tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Gia Lai và được mổ lấy thai ngày 15-8. Tuy nhiên sau mổ sản phụ bị rách bàng quang và gia đình không đồng ý với thái độ và cách giải thích của bác sỹ.  Để giải quyết dứt điểm về trường hợp khiếu nại nêu trên, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Gia Lai chỉ đạo BVĐK tỉnh kiểm tra ngay sự việc nêu trên, thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét lại việc thực hiện quy trình chuyên môn theo qui định của Luật khám bệnh, chữa bệnh nếu có khiếu nại của đương sự. Xử lý nghiêm theo quy định hiện hành nếu có sai phạm qui định về khám bệnh, chữa bệnh. Sở Y tế Gia Lai yêu cầu BVĐK tỉnh gặp gỡ, chia sẻ động viên và cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới gia đình và cơ quan truyền thông. Ngoài ra, Sở Y tế cần chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại địa phương về việc tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh.

89. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Gia Lai báo cáo về vụ bác sỹ Bệnh viện đa khoa Gia Lai cắt nhầm bàng quang của sản phụ: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 30 tháng 8 năm 2018, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế Gia Lai kiểm tra, làm rõ thông tin việc  bác sĩ Nguyễn Tĩnh Bình (Trưởng Khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa Gia Lai) cắt nhầm bàng quang một sản phụ khi sinh mổ. Trong công văn, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai làm rõ sai phạm (nếu có) của bác sĩ Bình trong quá trình xử lý mổ sinh sản phụ N.T.H.Đ (SN 1994, trú tổ 5, phường Yên Thế, TP.Pleiku, Gia Lai). Nếu có vi phạm trong quá trình phẫu thuật phải kiên quyết xử lý nghiêm. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân theo đúng y đức của bác sĩ sau sự cố. Yêu cầu gửi báo cáo về Bộ trước ngày 4/9. Theo thông tin báo chí phản ánh, ngày 15.8, chị N.T.H.Đ chuyển dạ, gia đình đưa đến Khoa sản, bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Tại đây, chị Đ được các bác sĩ chỉ định sinh mổ, do bác sĩ Nguyễn Tĩnh Bình - Trưởng khoa Sản thực hiện. Tuy vậy, bác sĩ Bình cắt nhầm vào vùng bàng quang của chị và đã khâu lại. Trên giấy ra viện ngày 22.8 của chị Đ cũng kết luận chị rách bàng quang.Xảy ra sự việc, sức khỏe chị Đ vẫn chưa ổn định, đi tiểu bị ra máu nên gia đình rất lo lắng. Bệnh viện Đa khoa Gia Lai hiện đã thành lập hội đồng chuyên môn để thẩm định kết quả của cuộc phẫu thuật trên. Ngoài chức vụ Trưởng khoa Sản, bác sĩ Nguyễn Tĩnh Bình hiện là chủ phòng khám đa khoa Bình An ở phường Tây Sơn, TP.Pleiku, Gia Lai.

90. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa thực hiện hiện thành công ca nội soi lấy thận để ghép từ người cho sống: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 30 tháng 8 năm 2018, sau ca ghép thận thành công đầu tiên hồi cuối tháng 6 năm 2018, mới đây Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi lấy thận để ghép từ người cho sống. Sức khỏe bệnh nhân Hoàng Huy Hiền được phục hồi nhanh chóng sau 13 ngày ghép thận. Cặp ghép thận có quan hệ bố đẻ cho con trai (ở Thành phố Thanh Hóa) được thực hiện vào ngày 17 tháng 8 vừa qua. Người cho là ông Hoàng Huy Nhật, sinh năm 1970, người nhận là anh Hoàng Huy Hiền, sinh năm 1993, bị suy thận có chỉ định chạy thận nhân tạo. Trước ghép, bệnh nhân có creatinin máu tăng cao và thiếu máu nặng đã được hội chẩn, xử lý chỉ định lọc máu cấp cứu, truyền máu và phẫu thuật ghép theo kế hoạch. Nhờ lấy thận bằng phương pháp nội soi, vết mổ nhỏ, tính thẩm mỹ cao, máu bị mất ít, ít đau, bệnh nhân hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn hơn, nên người cho thận đã được xuất viện sau 10 ngày. Hiện các chức năng thận của người được ghép đã trở về bình thường, phục hồi nhanh chóng, bệnh nhân sẽ được xuất viện vào chiều nay (30-8) sau 13 ngày ghép thận. Thực hiện dự án đào tạo, chuyển giao gói kỹ thuật ghép thận, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật ghép thận cho 46 cán bộ, trong đó có 30 bác sĩ chuyên khoa ở Bệnh viện đa khoa tỉnh. Để đảm bảo điều kiện kỹ thuật thực hiện tiếp nhận chuyển giao gói kỹ thuật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cải tạo cơ sở hạ tầng phòng mổ lấy thận và ghép thận đạt tiêu chuẩn cũng như mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế..., đã được Bộ Y tế công nhận là cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người cho sống và người cho chết não. Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, việc triển khai kỹ thuật ghép thận tại tuyến tỉnh sẽ giúp người bệnh giảm chi phí hơn 25% so với chạy thận nhân tạo. Trung bình mỗi năm, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 420 trường hợp mới mắc suy thận mãn tính điều trị nội trú; hiện có hơn 400 trường hợp suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận nhân tạo. Thời gian tới Bệnh viện tiếp tục phát huy khả năng, năng lực, tăng cường nghiên cứu ứng dụng thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật tiên tiến đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

91. Các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cứu sống bé 6 tháng tuổi nguy kịch do thầy lang chữa “mở khóa đầu”: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 30 tháng 8 năm 2018, các bác sỹ Khoa Hồi sức cấp cứu tiếp nhận bé V.M.H. (6 tháng tuổi), thường trú tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh ngày thứ 2 biểu hiện sốt, nôn, tinh thần quấy khóc, bỏ bú được gia đình cho nhập viện kiểm tra. Kết quả khám lúc vào viện cho thấy trẻ lơ mơ, sốt cao 39 độ, thóp phồng, có dấu hiệu cổ cứng, vạch màng não dương tính. Gia đình cho biết, trước đó ở nhà bé có biểu hiện bỏ bú, sốt, ngủ li bì, sờ thóp thấy có đường khớp mở rộng..., cho rằng bé bị “mở khoá đầu” (dân gian gọi hiện tượng trẻ mới sinh vài ngày bỗng nhiên bỏ bú, khóc dai dẳng hoặc ngủ li bì, phần hộp sọ chỗ thóp có vết lõm sâu giống như bị tách ra là “mở khóa đầu”) và mời thầy lang về đốt ngải, đắp thóp cho bé. Đến khi tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn, gia đình mới cho bé nhập viện điều trị. Qua khám sàng lọc và hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán em bị sốc nhiễm khuẩn, viêm não- màng não và được chỉ định nhập Khoa Hồi sức cấp cứu điều trị. Hiện tại trẻ đang được điều trị thở máy, kháng sinh, vận mạch, an thần, hạ sốt, tiên lượng bệnh nhân nặng, tiến triển chậm, thời gian điều trị kéo dài. Bác sĩ Phí Xuân Thi - BV Sản Nhi Quảng Ninh cho biết: “Mở khoá đầu” từ lâu đã được người dân dùng để chỉ một căn bệnh ở trẻ sơ sinh. Đó là những đứa trẻ mới sinh được vài ngày, bỗng nhiên bỏ bú, khóc dai dẳng hoặc ngủ li bì; phần hộp sọ chỗ thóp có vết lõm sâu, giống như bị tách ra. Mọi người thường chữa theo cách dân gian như đốt ngải (đốt lá ngải khô, hơ vào huyệt trên cơ thể trẻ sơ sinh); đắp thuốc vào thóp v.v... "Việc đốt ngải, đắp thuốc như vậy rất nguy hiểm bởi trẻ sơ sinh còn rất non nớt, nếu điều trị không đúng cách rất dễ dẫn đến xuất huyết não, giãn thành mạch, nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cao"- BS. Thi cảnh báo. Theo các BS, trẻ sơ sinh có các biểu hiện trên có thể vì nhiều nguyên nhân khác nhau, như viêm não, viêm màng não, nhiễm khuẩn sơ sinh, rối loạn tiêu hoá… Để xác định nguyên nhân các gia đình cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để khám, chẩn đoán, điều trị sớm; tránh việc sau khi chữa bằng kinh nghiệm dân gian không khỏi mới đưa đi bệnh viện thì đã muộn. Giới chuyên gia cũng khuyên người dân nên thay đổi cách nhìn nhận sai lầm về căn bệnh “mở khoá đầu” và cách chăm sóc trẻ sơ sinh, đảm bảo cho trẻ được chăm sóc, chữa trị một cách khoa học, hiệu quả, tránh trường hợp vì thiếu hiểu biết mà có những tình huống chính cha mẹ, người thân lại khiến các bé gặp nguy hiểm, thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng của bé.

92. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ nội soi thành công cắt túi mật hoại tử chứa gần 250 viên sỏi cho một bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 30 tháng 8 năm 2018, bệnh nhân Lê Thị Kim Th. 44 tuổi, quê Bình Tân -Vĩnh Long, vừa được các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ phẫu thật cắt túi mật qua nội soi thành công do túi mật chứa 241 viên sỏi gây biến chứng viêm cấp hoại tử. Bệnh nhân Th. cho biết, chị bị sỏi túi mật mấy năm nay nhưng chỉ đau âm ỉ nên bệnh nhân không chịu nhập viện phẫu thuật, rất nhiều lần sỏi túi mật gây đau nhưng bệnh nhân cứ nghĩ đau bao tử nên tự đi mua thuốc uống.Ngày 18/8/2018 bệnh nhân được đưa đến bệnh việnn trong tình trạng đau hạ sườn phải dữ dội, sốt cao lạnh run, vàng da vàng mắt. Qua khám lâm sàng, xét nghiệm máu, siêu âm bụng và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng đường mật do sỏi ống mật chủ kèm nhiều sỏi túi mật. Sau 3 ngày điều trị truyền dịch, kháng sinh, giảm đau, tình trạng nhiễm trùng tạm ổn. Ngày 21/8/2018 bệnh nhân được lấy sỏi ống mật chủ bằng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng.Sỏi ống mật chủ của bệnh nhân là sỏi hình đa giác, màu trắng, dạng sỏi cholesterol từ túi mật di chuyển xuống. Sau khi làm nội soi mật tụy ngược dòng, bệnh nhân được chụp MSCT bụng kiểm tra phát hiện sỏi túi mật gây biến chứng viêm túi mật cấp nên chỉ định mổ cắt túi bằng phẫu thuật nội soi. Trong mổ thấy túi mật viêm hoại tử, thành dày 10mm được mạc nối bao bọc lại, sau khi lấy túi mật ra ngoài thấy trong lòng túi mật chứa 241 viên sỏi từ 3 - 8mm. Bác sĩ La Văn Phú – Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: Đây là một trường hợp sỏi túi mật để lâu ngày gây biến chứng nặng. Trước đây những trường hợp tương tự thường phải mổ mở hậu phẫu rất nặng nề, nhiều biến chứng và thời gian hồi phục lâu.Nhưng nay bệnh nhân được phẫu thuật cắt túi mật qua nội soi thì cuộc mổ sẽ ít đau hơn, tỉ lệ biến chứng sau mổ thấp và hồi phục nhanh. Bác sĩ Phú cũng cho biết: Sỏi túi mật là bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt ở nước ta sỏi cholesterol đang có xu hướng gia tăng do liên quan đến bệnh lý chuyển hóa. Nếu được chẩn đoán và điều trị khi chưa có biến chứng thường cho kết quả tốt. Ngược lại, nếu bệnh khi đau tự mua thuốc uống mà không đến bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị có thể dẫn đến biến chứng nặng như viêm túi mật cấp hoại tử, sỏi di chuyển xuống ống mật chủ,… điều trị sẽ phức tạp, tốn kém, ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.​ 


Thăm dò ý kiến