QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ Y TẾ VỀ QUY CHẾ CẤP CỨU,HỒI SỨC TÍCH CỰC VÀ CHỐNG ĐỘC

09/07/2008 | 05:00 AM

 | 

Ngày 21/1/2008, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 01/2008/QĐ-BYT về quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc. Quy định bao gồm hai chương, 25 điều

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ Y TẾ VỀ QUY CHẾ CẤP CỨU,

HỒI SỨC TÍCH CỰC VÀ CHỐNG ĐỘC

 

Ngày 21/1/2008, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 01/2008/QĐ-BYT về quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc. Quy định bao gồm hai chương, 25 điều. Chương I là phần quy định chung, đó là phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, yêu cầu chung đối với công tác cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc. Chương II bao gồm 23 điều về cấp cứu ngoài bệnh viện, theo đó:

- Quy định hệ thống tổ chức cấp cứu ngoài bệnh viện: Tại tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập trung tâm cấp cứu 115. Đây là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Sở Y tế. Đối với địa phương chưa có điều kiện thành lập trung tâm thì trước mắt, cần thành lập Tổ cấp cứu 115 thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh. Tại tuyến quận, huyện, thị xã, phải thành lập tổ cấp cứu ngoài bệnh viện.

- Trung tâm cấp cứu 115 và tổ cấp cứu ngoài bệnh viện có chức năng và nhiệm vụ: (1) Cấp cứu người bệnh tại cộng đồng và vận chuyển người bệnh cấp cứu đến bệnh viện để tiếp tục điều trị; (2) Thực hiện quy chế chuyên môn theo Quy định của Bộ Y tế và quy định khác của pháp luật; (3) Tổ chức đào tạo và tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học, tập huấn chuyên mộn kỹ thuật về cấp cứu ngoài bệnh viện cho cán bộ y tế; (4) Trung tâm cấp cứu 115 tham mưu cho Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh/ thành phố xây dựng và phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện đáp ứng nhu cầu nhân dân.

Bên cạnh quy định cụ thể về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, chương II còn cụ thể hóa cơ cấu và tổ chức hoạt động cấp cứu 115 như nhiệm vụ của bộ phận điều hành cấp cứu, kíp cấp cứu, nhiệm vụ của cá nhân tham gia cấp cứu, vận chuyển người bệnh tới bệnh viện và bàn giao tại bệnh viện.

Chương III quy định cấp cứu trong bệnh viện (trong cơ sở khám và chữa bệnh). Về hệ thống cấp cứu trong bệnh viện quy định cụ thể thành lập các khoa cấp cứu tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III, IV, bệnh viện chuyên khoa và bệnh viện tư nhân.

Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ sở vật chất, nhân lực của khoa cấp cứu, khoa hồi sức tích cực và trung tâm chống độc cũng được cụ thể trong Quyết định này.

Một trong những điểm mới của Quyết định là quy định sự phối hợp công tác cấp cứu người bệnh trong bệnh viện và khi người bệnh chuyển tuyến trên. Các khoa trong bệnh viện phải có sự phối hợp chặt chẽ và sẵn sàng tiếp nhận người bệnh. Khi người bệnh viện đang điều trị nội trú có diễn biến nặng hoặc người bệnh chuyển đến có tình trạng cấp cứu, các khoa phải khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp cứu thích hợp và mời bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ nếu cần thiết. Khi người bệnh có chỉ định chuyển khoa, phải bảo đảm vừa vận chuyển vừa thực hiện các biện pháp hồi sức tích cực cho người bệnh.