HỘI THẢO ĐÁNH GIÁ GIỮA KỲ THỰC HIỆN CHỈ THỊ VÀ KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TẠI CỘNG ĐỒNG CỦA NGÀNH Y TẾ GIAI ĐOẠN 2011-2015

02/06/2014 | 05:00 AM

 | 

ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền

Cục Quản lý môi trường y tế

 

Ngày 08 tháng 10 năm 2013, tại Hà Nội, Cục Quản lý môi trường y tế đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Hà Nội tổ chức Hội thảo Đánh giá giữa kỳ thực hiện Chỉ thị và Kế hoạch Phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng của ngành y tế năm 2011-2015. Đến dự và chỉ đạo hội thảo có PGS. TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, đại biểu là đại diện các Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện, Trường thuộc Bộ Y tế và Bộ ngành, tổ chức liên quan bao gồm Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Viện Bỏng Quốc gia, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Trung tâm Chống độc quốc gia, Bệnh viện Việt Đức, Đai học Y tế công cộng, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Cục Bảo vệ chăm sóc Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Tổ chức UNICEF tại Việt Nam và đại diện của Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe lao động và Môi trường của 22 tỉnh/thành phố.

            Mục tiêu của Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá giữa kỳ kết quả các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích đã đạt được trong năm 2011-2013, định hướng xây dựng kế hoạch năm 2014-2015 và cũng là cơ hội để một số địa phương và đơn vị chia sẻ kết quả, kinh nghiệm triển khai một số hoạt động tiêu biểu trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích của địa phương, đơn vị mình. Hội thảo cũng là cơ hội để quảng bá kết quả giám sát điểm phòng chống đuối nước, đánh giá chất lượng mũ bảo hiểm.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho thấy, trong giai đoạn 2011-2013, công tác Phòng chống tai nạn thương tích đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc và tử vong do tai nạn thương tích vẫn còn cao so với mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng của ngành y tế được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt. Do vậy, theo đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành y tế được quy định trong Chỉ thị 05/CT-BYT, ngành y tế cần tiếp tục theo dõi, tổng hợp kết quả các hoạt động và đánh giá so với kế hoạch đặt ra, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao chất lượng sơ cấp cứu, tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp các Bộ ngành để góp phần giảm tỷ lệ mắc và tử vong do tai nạn thương tích trong giai đoạn 2014-2015.


Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ các thông tin về kết quả triển khai Chỉ thị và Kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng của ngành y tế giai đoạn 2011-2015; Tình hình ngộ độc thực phẩm và giải pháp phòng chống ngộ độc trong thời gian tới; Đề án “Tổ chức sơ cấp cứu thương tích giao thông đường bộ trên các tuyến đường cao tốc đến năm 2020”; Kế hoạch phối hợp của ngành Y tế với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong phòng chống thương tích do giao thông; Kế hoạch Đào tạo lồng ghép phòng chống bạo lực giới trong đào tạo cao đẳng điều dương và các kết quả nghiên cứu về tai nạn thương tích giai đoạn 2011-2013 của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường.


Các đại biểu cũng đã được chia sẻ rất nhiều thông tin, kết quả đạt được, kinh nghiệm triển khai phòng chống tai nạn thương tích tại địa phương như Kế hoạch triển khai Chương trình phòng chống đuối nước tại tỉnh Nam Định, kết quả triển khai Chỉ thị và Kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích giai đoạn 2011-2013 và kế hoạch 2014-2015 của Bình Định, công tác xây dựng cộng đồng an toàn  giai đoạn 2011-2013 và định hướng giai đoạn 2014-2015 của Hà Nội, Xây dựng cộng đồng an toàn giao thông, phòng chống sử dụng rượu bia và lái xe tại Ninh Bình, kết quả thực hiện công tác chăm sóc chấn thương trước viện giai đoạn 2011-2013 và kế hoạch 2014-2015 của tỉnh Thừa Thiên Huế

Tại Hội thảo các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai và đề xuất các giải pháp khắc phục trong phòng chống tai nạn thương tích 2014-2015.

Về lĩnh vực sơ cấp cứu, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục điều tra, lập chốt, nâng cao năng lực và vận động cộng đồng tham gia sơ cấp cứu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy hoạch lại mạng lưới cấp cứu 115 và mạng lưới cấp cứu trong cộng đồng, đặc biệt trên các trục đường giao thông quan trọng

Về lĩnh vực giám sát tai nạn thương tích, các đại biểu cũng thông nhất với ý kiến Bộ Y tế cần công văn nhắc nhở địa phương do cán bộ chuyên trách thay đổi liên tục và cần có các lớp tập huấn lại kỹ năng giám sát TNTT.

Trong công tác xây dựng cộng đồng an toàn thời gian tới, cần có sự chỉ đạo chặt chẽ, liên tục của Ban chỉ đạo các cấp, cần phối hợp kinh phí, lồng ghép các chương trình và cần chọn các cộng đồng phù hợp để triển khai điểm, lồng ghép vào tiêu chí đạt chuẩn.

Về lĩnh vực Thông tin, giáo dục, truyền thông, trong thời gian tới, ngành nên tăng cường thực hiện các video trên sóng để phát trên truyền hình, phát thanh để mọi người cùng hiểu, tạo điều kiên thuận lợi trong quá trình triển khai.

Kết luận tại Hội thảo, TS. Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết, trong thời gian tới, Cục Quản lý môi trường y tế sẽ phối hợp với các Vụ/Cục liên quan để đưa nội dung phòng chống tai nạn thương tích vào các chương trình y tế có liên quan như Chính sách quốc gia về Y tế dự phòng; Cục sẽ rà soát lại Kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích của các tỉnh đề xuất những nội dung cần tập trung phù hợp, đồng thời cũng sẽ tổ chức thêm các lớp tập huấn nâng cao năng lực phòng chống tai nạn thương tích cho các cán bộ làm công tác phòng chống tai nạn thương tích các tuyến.