BÁO CÁO TOÀN CẦU THỰC TRẠNG AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

28/07/2008 | 05:00 AM

 | 

Thương tích giao thông đường bộ hiện là nguyên nhân hàng đầu của tử vong, với 1,2 triệu người chết hàng năm trong đó khoảng 90% trường hợp xảy ra tại các nước thu nhập thấp và trung bình.

BÁO CÁO TOÀN CẦU

THỰC TRẠNG AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 Thương tích giao thông đường bộ hiện là nguyên nhân hàng đầu của tử vong, với 1,2 triệu người chết hàng năm trong đó khoảng 90% trường hợp xảy ra tại các nước thu nhập thấp và trung bình. Nếu không có những biện pháp khẩn cấp và hiệu quả, con số tử vong do thương tích giao thông đường bộ sẽ còn tăng nhanh tại tất cả các khu vực trên thế giới. Với sự gia tăng của phương tiện xe cơ giới, theo ước tính năm 2030 thì thương tích giao thông đường bộ sẽ là nguyên nhân thứ tám của tử vong trên thế giới.

Nhằm kêu gọi sự quan tâm và xây dựng giải pháp, năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng thế giới đã xuất bản Báo cáo toàn cầu về phòng chống thương tích giao thông đường bộ. Theo báo cáo trên, sáu khuyến nghị được đưa ra cho các quốc gia thực hiện nhằm cải thiện an toàn giao thông. Hội đồng Y tế thế giới và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng ra nghị quyết kêu gọi các quốc gia thực hiện các khuyến nghị trên. Một số quốc gia đã thực hiện nhiều bước và đạt được những thành công nhất định trong an toàn giao thông đường bộ. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác mới bắt đầu thực hiện và kết quả còn rất hạn chế. Nhằm giải quyết sự khác biệt trên, Tổ chức Y tế thế giới triển khai dự án xây dựng “Báo cáo toàn cầu về an toàn giao thông đường bộ (viết tắt là GSRRS) nhằm đánh giá tình hình an toàn giao thông đường bộ trên toàn thế giới.

Mục tiêu cụ thể của GSRRS:

-Đánh giá tình hình an toàn giao thông tại các quốc gia thành viên WHO có sử dụng bộ chỉ số về an toàn và phương pháp chuẩn

-Chỉ ra những khác biệt về tình hình an toàn giao thông giữa các quốc gia, từ đó, hỗ trợ xác định ưu tiên can thiệp

-Thúc đẩy các hoạt động về an toàn giao thông đường bộ quốc gia và

-Tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến an toàn giao thông đường bộ thế giới.

 

Nhằm thu thập thông tin để xây dựng bản báo cáo trên, bộ câu hỏi đã được xây dựng, trong đó, có sử dụng các khuyến nghị từ bản báo cáo thế giới làm cơ sở xây dựng nội dung và cấu trúc. Bộ câu hỏi được thu thập tại 193 quốc gia thành viên của WHO. Việc thu thập số liệu sẽ bắt đầu từ năm 2008 và chỉ thực hiện với sự đồng thuận của người trả lời là đại diện của các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và viện nghiên cứu. Bản báo cáo cuối cùng sẽ được xuất bản vào tháng 8 năm 2009, sau đó, được phổ biến rộng rãi và dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau và tiếp cận miễn phí trên internet. Theo dự kiến, các báo cáo xuất bản hai năm một lần về an toàn giao thông đường bộ sẽ cung cấp những dữ liệu để thúc đẩy các quốc gia triển khai các hoạt động về an toàn giao thông đường bộ trong tương lai.

Nguồn: www.who.int