Phòng chống ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm

05/12/2019 | 07:46 AM

 | 

Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm thường tăng cao trong dịp cuối năm, nhất là thời điểm mùa cưới và sau đó là Tết Nguyên đán.

Đây cũng là thời điểm các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm được dịp trà trộn vào hàng có chất lượng. Do đó, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần cẩn trọng chọn mua, bảo quản, tiêu thụ thực phẩm để phòng chống ngộ độc.

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc

Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 10 tháng của năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 58 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1.668 người bị ngộ độc (trong đó có 9 trường hợp tử vong).

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo, vào dịp cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao cũng là lúc gia tăng nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

Đặc biệt, trong dịp Tết, các thực phẩm có sức tiêu thụ tăng gấp 10 lần ngày bình thường như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát... có thể làm giả, làm nhái rất nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Cùng với đó, thời tiết mưa phùn ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Do đó, chỉ cần sơ suất trong chế biến và bảo quản thực phẩm là có thể dẫn đến ngộ độc.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một số thực phẩm có nguy cơ cao gây ra ngộ độc trong những ngày lễ, Tết như ăn gỏi hay thịt chưa chín kỹ. Bánh, mứt, nước ngọt và thực phẩm giá rẻ không rõ nơi sản xuất, thực phẩm có màu (hóa chất) và mùi lạ, không rõ hạn dùng. Các loại hải sản khô lâu ngày bị nấm mốc, các loại cá và hải sản không tươi sống hay chưa chín kỹ. Ăn các loại rau sống không được rửa sạch. Sữa và các sản phẩm từ sữa chưa qua diệt khuẩn, các thức uống tự pha chế không đảm bảo vệ sinh. Như vậy, có thể thấy vấn đề an toàn thực phẩm dịp cuối năm vô cùng quan trọng, nếu không được chú trọng thì hậu quả sẽ rất khôn lường.

Biểu hiện khi bị ngộ độc thực phẩm

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, có 3 nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm hay gặp: Đó là thực phẩm bị nhiễm các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng và các độc tố của chúng; thực phẩm có chứa nhiều chất phụ gia như hóa chất bảo quản, hóa chất tạo màu, tạo mùi, tạo vị, hóa chất chống sâu mọt... vượt ngưỡng quy định; thực phẩm tự nó có chứa độc chất (cá nóc, gan cóc, trứng cóc, vỏ sắn, nấm độc, lá ngón...) hoặc thực phẩm bị nhiễm độc các hóa chất do ô nhiễm môi trường như thức ăn và nước uống bị nhiễm chất độc như kim loại (asen, kẽm, chì...).

Vì tác nhân gây độc là đa dạng nên triệu chứng của ngộ độc thực phẩm cũng khá đa dạng. Tùy vào loại nguyên nhân gây độc mà triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sớm sau vài giờ hoặc muộn trong một vài ngày.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, hầu hết các triệu chứng thường bắt đầu từ đường tiêu hóa. Các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không..., xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn. Trường hợp nặng người bệnh có thể khó thở, da tím tái, co giật, trụy mạch, ngưng thở, hôn mê.

Ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể xử trí ở nhà bằng cách cố gắng nôn hết thức ăn đã ăn, uống nước muối pha loãng theo tỷ lệ 2 muỗng muối/chén nước. Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng thì nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất trước khi quá muộn.

Chọn thực phẩm sạch, cách nào?

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, việc quan trọng nhất là phải chọn mua được thực phẩm an toàn. Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội lưu ý, người dân cần tránh mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn thông tin nhà phân phối, nhất là đối với bánh kẹo nhập khẩu. Hãy tìm mua từ những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Với các loại rau, quả tươi phải giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ. Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, khi lựa chọn mua thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn cần nhận diện thông tin về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ rõ ràng trên sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh, thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng trên nhãn.

Mặt khác, không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, hạt có dầu có chứa độc tố vi nấm nguy hiểm... Nếu người tiêu dùng sau khi ăn có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu điều trị kịp thời và báo cơ quan chức năng, địa phương về sản phẩm thực phẩm không an toàn để kiểm tra, xử lý theo quy định.

Ngoài vấn đề lựa chọn thực phẩm, ông Trần Ngọc Tụ cũng lưu ý, các thức ăn cần được nấu chín để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Đối với các thức ăn như rau sống cần phải rửa thật kỹ 2 - 3 lần trước khi ăn. Các loại vi khuẩn tiềm ẩn sẽ phát triển rất nhanh nếu thực phẩm không được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thích hợp. Ngoài ra, cần rửa tay sạch bằng xà phòng sát khuẩn trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Nguồn: Báo Hà Nội mới