Kiên Giang tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em

26/07/2019 | 09:35 AM

 | 

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, những năm qua, tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Tuy nhiên, tình hình tai nạn đuối nước trẻ em tiếp tục gia tăng, nhất là trong mùa mưa, bão và dịp hè.

Trẻ em tắm biển tại bãi biển Mũi Nai, thành phố Hà Tiên

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh, ngày 04-4, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành văn bản số 399/UBND-VHXH, yêu cầu Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể: Thực hiện nghiêm yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em. Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em; Công văn số 1123/UBQGTE ngày 21/3/2019 của Ủy ban Quốc gia về trẻ em về tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em; Công văn 2304/VPCP-KGVX ngày 22/3/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc 08 cháu bị đuối nước ở tỉnh Hòa Bình.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; thông tin, tuyên truyền về Luật Trẻ em, về phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước trẻ em. Tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt là trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa, bão và mùa nước nổi; chủ động đưa trẻ đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em cho người dân và trẻ em. Tăng cường giáo dục kỹ năng cho học sinh nhận biết nguy cơ và biện pháp phòng tránh tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Thực hiện tốt công tác quản lý trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ em ở trường học, trong gia đình và cộng đồng. Tiếp tục hướng dẫn, triển khai thực hiện, kiểm tra việc xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm loại bỏ nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở thể dục, thể thao và dạy bơi cho trẻ em. Tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy; phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại cơ sở; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm. Kiểm tra, rà soát phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em như làm rào chắn, biển cảnh báo hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm… Vận động sự tham gia của cộng đồng và gia đình để hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em, tạo điều kiện cho các em học bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; xây dựng, sữa chữa nâng cấp, tổ chức các điểm vui chơi an toàn cho trẻ em./.