Hội thảo Phục hồi chức năng sau tai nạn thương tích

01/06/2024 | 15:05 PM

 | 

Trung bình mỗi năm cả nước ghi nhận 33.863 trường hợp tử vong, trong đó tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu, tiếp đến là đuối nước, tự tử, tai nạn lao động, điện giật, động vật cắc, hóc dị vật...

 Đây là những thông tin được đại diện Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đưa ra tại Hội thảo Phục hồi chức năng sau tai nạn thương tích tại thành phố Hà Nội do Trường Đại học Y tế Công cộng và Đại học Johns Hopkins cùng các đối tác tổ chức ở Hà Nội.

Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế cho biết, tử vong do tai nạn thương tích theo nhóm tuổi trung bình giai đoạn 2015 - 2020 cho thấy, nhóm từ 20-59 có tỷ lệ tử vong cao nhất, chiếm đến 66,14% (trong đó nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ); tiếp đến là nhóm trên 60 tuổi với 17,4%; thứ 3 là nhóm từ 15-19 tuổi với tỷ lệ 6,7%... Tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Trong giai đoạn 2015-2020, tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông trên 100 nghìn dân là 15,72 người. 10 tỉnh, thành phố có tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông cao nhất trung bình giai đoạn 2015-2020 là Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Gia Lai, Kon Tum, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Bắc Kạn và Bình Phước. Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai sau tai nạn giao thông, trong đó chủ yếu tập trung ở độ tuổi từ 0-14 tuổi. Đối với trẻ em từ 0-14 tuổi, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Theo số liệu thống kê, nhóm 0-4 tuổi, tỷ suất tử vong do tai nạn đuối nước là 12,05 trẻ/100 nghìn trẻ; nhóm 5-14 tuổi tỷ suất tử vong do đuối nước là 8,21 trẻ/100 nghìn trẻ.

Nguy cơ tử vong thấp hơn đáng kể khi chăm sóc chấn thương được cung cấp tại một trung tâm chấn thương chuyên nghiệp (Ảnh minh hoạ)

Tại hội thảo, PGS.TS Lã Ngọc Quang, Trường Đại học Y tế công cộng nhấn mạnh, từ cơ sở phân tích những nguyên nhân gây ra tai nạn thương tích cho thấy, việc phát hiện sớm tai nạn thương tích, điều trị kịp thời sẽ góp phần nâng cao sức khoẻ, chất lượng sống cho người bệnh. Việc cấp cứu trước viện đối với tai nạn thương tích sẽ giúp giảm biến chứng và tử vong trước khi người bệnh tiếp cận được nhân viên y tế hoặc đến bệnh viện điều trị. Trong giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm ghi nhận 33.863 trường hợp tử vong do tai nạn thương tích.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Chính đến từ Bệnh viện Việt Đức cho hay, khác với cấp cứu hay điều trị tích cực, cấp cứu trước viện là duy trì chức năng sống của bệnh nhân, làm giảm các tình trạng nặng, cứu sống người bệnh, hạn chế di chứng lâu dài. Mỗi năm bệnh viện Việt Đức tiếp nhận thực hiện trên 70 nghìn trường hợp phẫu thuật, tiếp nhận từ 30 nghìn-33 nghìn bệnh nhân chấn thương cấp cứu. Hầu hết các trường hợp bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng nặng, đã được xử lý cấp cứu tuyến trước.

Một nghiên cứu về thực trạng cấp cứu trước viện do chấn thương tại phòng khám cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức thực hiện trong thời gian từ tháng 7-9/2023 cho thấy, có đến 61,5% nguyên nhân bệnh nhân phải vào cấp cứu là do tai nạn giao thông (221 bệnh nhân), tiếp đến là tai nạn do ngã thường chiếm 12,2%; nguyên nhân thứ 3 là tai nạn do ngã thang, gác với 10,8%. Hầu hết ca bệnh được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức là từ bệnh viện tuyến tỉnh chiếm đến 80,8%; trong số gần 280 bệnh nhân chuyển từ tuyến tỉnh lên có đến 22,3% không được sơ cấp cứu trước viện.

Từ thực trạng này, các chuyên gia đưa ra đề xuất cần phải tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của sơ cấp cứu trước viện và vận chuyển nạn nhân tai nạn thương tích. Cùng đó, cơ quan chức năng liên quan phải tham gia đào tạo cho cộng đồng về những kỹ năng sơ cứu cơ bản. Cùng với đó là cần phải sớm triển khai đào tạo mã ngạch nhân viên cấp cứu ngoại viện, đồng thời hoàn thiện hệ thống điều phối thông tin cấp cứu trước viện tại Trung tâm 115.

Chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia về thành công của mô hình Hệ thống chăm sóc sau tai nạn thương tích, GS.TS Kent Stevens, Trưởng Khoa Phẫu thuật chăm sóc cấp cứu, Giám đốc dịch vụ chăm sóc chấn thương dành cho người trưởng thành của Đại học Johns Hopkins nêu rõ: "Các quốc gia có hệ thống chăm sóc chấn thương có tỷ lệ tử vong thô thấp hơn 9% so với những quốc gia không có hệ thống chăm sóc chấn thương. Cùng đó nguy cơ tử vong thấp hơn đáng kể khi chăm sóc chấn thương được cung cấp tại một trung tâm chấn thương chuyên nghiệp..."./.