Chủ động phòng tránh đuối nước cho trẻ trong dịp hè

25/07/2019 | 09:23 AM

 | 

Hè đến là thời điểm số vụ tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước ở trẻ em gia tăng.

Để phòng tránh, hạn chế tối đa hậu quả do đuối nước gây ra, người lớn cần trang bị cho trẻ em các kỹ năng bơi cần thiết để bảo vệ bản thân, để các em có mùa hè thực sự bổ ích và an toàn.

Cần trang bị cho trẻ em các kỹ năng bơi cần thiết để bảo vệ bản thân.

Dù đã có chương trình phòng chống tai nạn thương tích nói chung và đuối nước nói riêng dành cho trẻ em nhưng đuối nước vẫn là nguyên nhân gây ra tử vong hàng đầu cho trẻ em ở nước ta. Vào dịp hè này, số ca đuối nước có nguy cơ tăng cao. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì mỗi năm có hàng nghìn trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước. Theo các chuyên gia, tai nạn đuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu các em được trang bị những kỹ năng bơi lội và phòng tránh đuối nước.

Kể từ đầu mùa hè 2019 đến nay, tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước hết sức thương tâm. Vụ đuối nước gần đây nhất xảy ra vào chiều 24/6, trong lúc bố mẹ vắng nhà, 3 chị em trong một gia đình ở Thanh Châu, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình đã rủ nhau ra sông tắm, không may đều tử vong do đuối nước. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do thiếu các sân chơi lành mạnh, đã khiến trẻ em từ nông thôn tới thành thị tìm đến các ao hồ, sông suối, các bãi tắm tự phát trong khi lại thiếu hiểu biết về kỹ năng phòng tránh đuối nước, thiếu sự quản lý giám sát của người lớn.

Thực tế, trẻ em thường có xu hướng thích chơi với nước, nhất là vào thời điểm thời tiết nắng nóng của mùa hè. Khi vui chơi các em thích hành động theo suy nghĩ bột phát của mình trong khi chưa nhận thức được việc đảm bảo an toàn cho bản thân và bạn bè, vì thế tai nạn xảy ra đối với trẻ là không tránh khỏi. Chính vì thế việc trang bị kỹ năng bơi và thoát hiểm dưới nước là việc mà hiện nhiều gia đình hướng đến cho các con, nhất là trong thời gian các con được nghỉ hè. Tham gia lớp học các em sẽ được trang bị những kiến thức, lý thuyết bơi cơ bản; thực hành bơi dưới nước; kỹ năng sơ cấp cứu và kiến thức an toàn dưới nước; cách xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm dưới nước; khi gặp người đuối nước. 

Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường sẽ là yếu tố quan trọng, góp phần hạn chế tai nạn đuối nước cho trẻ mỗi dịp hè về. Được biết đến là một bể bơi bốn mùa sạch sẽ, tiện lợi, ngay trong khuôn viên Trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngày càng thu hút đông người đến trải nghiệm.

Có con trai học lớp 5 tại trường Tiểu học Dịch Vọng B, anh Nguyễn Tuấn Khang chia sẻ: “Hiện nay việc đuối nước xảy ra tương đối là nhiều. Do đó, việc nhà trường đầu tư trang thiết bị, vật chất cho các con học bơi là việc làm rất tốt giúp các con không chỉ có môi trường học tập, mà còn rèn luyện được thân thể.”

Tuy nhiên, hiện nay, việc dạy bơi cho trẻ vẫn chưa thực sự phổ biến; tình trạng thiếu bể bơi, không được truyền dạy những kỹ thuật bơi căn bản nên khi gặp những trường hợp bất ngờ, nguy hiểm, trẻ thường lúng túng, không biết xử lý dẫn đến những tai nạn thương tâm. Đặc biệt là đối với đặc thù của một số tỉnh miền núi có nhiều hệ thống sông suối, ao hồ, thác nước... chưa có biển cảnh báo nguy hiểm. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ em ở nhiều nơi còn chưa được chú trọng thực hiện nên tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao.    

Theo Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết, tỷ lệ trẻ em bị đuối nước ở Việt nam khá cao, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2015 - 2017 có xấp xỉ 2000 trẻ bị đuối nước. Sao cho các em biết bơi, các em biết kỹ năng phòng tránh và gia đình cũng giúp các em thực hiện các quyền này và kể UBND các cấp cũng phải thấy được trách nhiệm trong việc tạo điều kiện cho các em biết bơi, có các kỹ năng khi tiếp xúc với môi trường nước phải thực sự an toàn. Khi chưa có những nơi dạy bơi một cách phù hợp thì UBND các cấp phải vận dụng tối đa những nơi có thể để dạy bơi cho trẻ em, tạo điều kiện cho các em được học theo đúng quyền của trẻ.”

Thiết nghĩ, để phòng tránh tai nạn đuối nước hiệu quả, trẻ em không được phép chủ quan khi tham gia các hoạt động trên sông nước, không tự ý đến các địa điểm sông nước khi không có người lớn đi cùng. Chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác quản lý các công trình có chứa nước trên địa bàn, thực hiện lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm để nhắc nhở và cảnh báo trẻ em.

Thời điểm này, học sinh cả nước đang trong kỳ nghỉ hè, do đó, các bậc phụ huynh cần đặc biệt nâng cao ý thức quản lý, không để các em tự do tắm sông, biển ngay cả tại bể bơi mà không có người lớn đi cùng để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc giáo dục kỹ năng ứng phó với tai nạn thương tích đuối nước cho các em dưới nhiều hình thức như nhắc nhở, kiểm soát, dạy bơi, dạy trẻ các cách phòng tránh đuối nước là vô cùng cần thiết.