Cẩn trọng tai nạn thương tích ở trẻ khi nghỉ hè

29/08/2022 | 08:55 AM

 | 

 

Theo thống kê của Viện Bỏng Quốc gia, hai tuần vừa qua, trường hợp trẻ bị bỏng do các tác nhân như nước sôi, cồn, điện chiếm khoảng 20-30%.

Hàng năm, vào kỳ nghỉ hè, số vụ tai nạn thương tích ở trẻ em có chiều hướng gia tăng. Ngoài các vụ bị đuối nước, trẻ còn gặp các tai nạn, rủi ro tại nhà như bỏng, điện giật, đứt tay, chân do vật sắc nhọn, té ngã hay ngộ độc thực phẩm.

Đủ kiểu tai nạn thương tích

Điển hình như trường hợp bệnh nhân N.Đ.A. (13 tuổi, quê huyện Ý Yên, Nam Định) nhập viện trong tình trạng cháy toàn thân (làn da hoại tử đến 70%), khắp người rộp đỏ. Nguyên nhân là trước đó, A. cùng các bạn tổ chức liên hoan ăn uống, không may bình gas nổ dẫn đến cháy, trong đó, 3 nạn nhân không qua khỏi.

Chia sẻ với Zing về trường hợp trên, bác sĩ Nguyễn Hải An, Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia, cho biết sau 2 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vết thương hoại tử chưa được che phủ, nguy cơ nhiễm khuẩn huyết vẫn rất cao.

“Tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch. Hiện tại là tuần thứ 2 điều trị, bệnh nhân đã khỏi phần bỏng nông nhưng phần bỏng sâu vẫn còn rộng. Chúng tôi dự kiến phải mất 5-6 lần mổ nữa mới liền được hết vết thương cho bệnh nhân”, bác sĩ An chia sẻ.

tai nan thuong tich o tre em khi vao he anh 1

Bác sĩ thay băng bỏng cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Long.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm, bỏng chiếm vị trí hàng đầu trong những loại tai nạn xảy ra tại nhà ở trẻ em và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong cho trẻ.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Bỏng Quốc gia, 2 tuần vừa qua, trường hợp trẻ bị bỏng do các tác nhân như nước sôi, cồn, bỏng điện chiếm khoảng 20-30%.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em, mỗi năm, vào dịp hè, các bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ em nhập viện do tai nạn sinh hoạt với các mức độ khác nhau. Trẻ nhỏ từ 2 đến 5 tuổi thường gặp tai nạn thương tích tại nhà như bỏng, hóc dị vật, uống nhầm hóa chất...

Trẻ từ 6 đến 14 tuổi thường gặp tai nạn đuối nước. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ từ người lớn khi trẻ bơi lội, chơi đùa trong ao, hồ, bể bơi, các em đối mặt nguy cơ cao bị đuối nước.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo ngoài việc cha mẹ giáo dục kỹ năng về phòng, chống những tổn thương, kỹ năng cứu đuối và sơ cấp cứu vào thời điểm vàng cho trẻ bị đuối nước nói riêng và tai nạn thương tích nói chung cũng đặc biệt quan trọng.

“Trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, công tác phòng, chống rất quan trọng, không để mức độ xấu xảy ra rồi mới nghĩ đến cứu, bơi và hô hấp nhân tạo, đó là nguyên tắc chung nhất. Thứ hai, tâm thức của người Việt nghĩ trẻ biết bơi sẽ không chết đuối cho nên hô hào học bơi nhưng học không đúng cách, dẫn đến những cái chết oan. Thứ 3 là vai trò, trách nhiệm của các bậc cha mẹ bởi 60% trẻ em đuối nước trong nhà, trong khuôn viên nhà và xung quanh nhà, đa số là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi”, bác sĩ Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.

Quan tâm đến con em ở mọi lứa tuổi

Khi gặp tai nạn, thương tích, nhiều trẻ bị thương tổn nhẹ, có thể phục hồi sau điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp thương tổn nặng, không thể phục hồi, thậm chí tử vong.

Để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, bác sĩ Nguyễn Trọng An chia sẻ cha mẹ cần quan tâm đến con em ở mọi lứa tuổi. Gia đình nên thiết kế hàng rào hoặc thanh bảo vệ ở những nơi như cầu thang, cửa sổ, ban công với độ cao an toàn. Cùng với đó, chúng ta cần chú trọng đến các chương trình an toàn cho trẻ tại gia đình và cộng đồng.

Đặc biệt, đối với trẻ lớn, cha mẹ phải kiểm soát chặt chẽ thời gian sinh hoạt của các em. Phụ huynh thường xuyên giáo dục, nhắc nhở trẻ không leo trèo, bơi lội ở ao, hồ, sông, biển khi không có người lớn.

tai nan thuong tich o tre em khi vao he anh 2PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia, đưa ra lưu ý khi sơ cứu cho trẻ bị bỏng. Ảnh: Minh Long.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia, cho biết cha mẹ cần quan tâm đến con cái và phải sơ cứu kịp thời, đúng cách khi trẻ bị bỏng, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.

“Bước đầu tiên, chúng ta hãy bình tĩnh, cách rời sự tiếp xúc của trẻ với tác nhân gây bỏng. Thứ 2 là đánh giá toàn thân của trẻ, lưu ý trẻ thường ngừng thở, ngừng tim hoặc ngất trong trường hợp bị bỏng điện, hỏa hoạn lớn. Thứ 3, trẻ bị bỏng cần cần sơ cấp cứu tại chỗ đúng cách. Người lớn phải nhanh chóng làm sạch vết thương rồi dùng nước sạch để rửa vùng bỏng cho trẻ. Đây là các động tác đơn giản, thực hiện được mọi nơi, mọi lúc và rất hiệu quả”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ./.

Theo: Zing.vn