4 bước sơ cứu người bị bong gân, trật khớp

09/08/2019 | 21:11 PM

 | 

Bong gân, trật khớp rất thường gặp trong tai nạn sinh hoạt, tai nạn sinh hoạt hay chấn thương thể thao. Tuy nhiên nếu không sơ cứu, cải thiện kịp thời có thể để lại di chứng về sau. Để nhận biết nhanh tình trạng bong gân, trật khớp, có thể dựa vào một số triệu chứng sau: có cơn đau dữ dội vùng khớp sau chấn thương, kèm theo tình trạng thâm tím. Cơn đau ảnh hưởng đến việc di chuyển gây ra nhiều khó khăn, ngoài ra có tình trạng tụ máu, sưng, phù nề nơi chấn thương. Khi có các dấu hiệu trên, người bị chấn thương nên được thực hiện 4 bước sơ cứu sau:

Nghỉ ngơi : Hạn chế vận động để giảm đau, có thể dùng nạng, gậy hoặc nẹp vải nếu chấn thương nhẹ. Trường hợp sau chấn thương các cử động thông thường bị giới hạn, nên để vùng tổn thương được nghỉ ngơi hoàn toàn bằng cách nẹp cố định qua hai khớp bằng bất cứ vật gì dài và chắc.

Lưu ý, không nên cố gắng nắn, bẻ, chỉnh sửa nơi bị đau để cố đưa về vị trí bình thường hoặc lặp đi lặp lại các cử động mặc dù khó khăn, sẽ gây đau và làm tổn thương nặng hơn.

Chườm đá: Để giảm đau và sưng phù, nên dùng thuốc xịt giảm đau và các túi chườm lạnh nhanh. Bạn có thể lấy đá lạnh cho vào túi nilon rồi dùng khăn bọc lại chườm để tránh tê cóng.

Trong 24 giờ đầu, nên chườm đá khoảng 3 lần, mỗi lần từ 20 đến 30 phút. Đặc biệt là không thoa dầu nóng hoặc dùng nhiệt trong 24 giờ đầu vì có thể làm sưng, bầm nhiều hơn.

Băng ép: Dùng băng thun quấn nhẹ nhàng và đều tay giúp vùng tổn thương giảm sưng nề và mau hồi phục. Không nên băng quá chặt tay làm ảnh hưởng đến tuần hoàn phía sau nơi băng ép.

Lưu ý, luôn kiểm tra các đầu ngón chân xem có tím hoặc tê bì không, nếu có thì cần phải nới lỏng băng thun.

Kê cao: Kê vùng tay/chân bị tổn thương lên cao hơn tim để tăng lượng máu tĩnh mạch dồn về hệ tuần hoàn, giảm sưng nề. Sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.