Đề phòng tai nạn thương tích cho trẻ dịp Tết

25/11/2018 | 00:12 AM

 | 


Bị hóc dị vật, tai nạn xe cộ, bỏng… là những tai nạn ngày Tết dễ xảy ra với bé. Do vậy, các mẹ nên lưu tâm và đề phòng cẩn thận để tránh những sự cố đáng tiếc.

Tết là dịp để cả gia đình cùng nghỉ ngơi, nhưng vì có quá nhiều lịch trình đi lại và công việc nên bố mẹ thường ít có thời gian để ý đến con. Hàng năm, các ca trẻ gặp tai nạn trong Tết đều tăng cao. Tuy hiên, hầu hết các tai nạn này đều có thể phòng tránh được.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Tết là dịp có nhiều tai nạn nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ. Đặc biệt là những vết thương do dị vật từ đồ chơi, đồ dùng, đồ ăn hay bất cứ vật sắc nhọn nào, kẹp tay.

BS Dũng dẫn chứng, chẳng hạn như khi trẻ đã ăn no, nhưng bát thức ăn vẫn còn nên người lớn nhét thêm cho trẻ, trong khi trẻ đang ậm oẹ chán ăn, khiến trẻ bị hóc thức ăn.

"Đây là điều rất nguy hiểm vì có thể gây dị vật đường thở. Sẽ rất nguy hiểm nếu đường thở của trẻ không mở ra, rồi hạt cơm, hạt cháo dính vào đường thở, khiến trẻ tím tái, ngừng thở", BS Dũng phân tích.

Bên cạnh đó, vào dịp Tết các gia đình thường mua các loại hạt hạt dưa, hạt hướng dương, hạt điều hay thạch, kẹo… về ăn. Đây cũng là thủ phạm gây ra những tai nạn dị vật đáng tiếc cho trẻ vào mỗi dịp Tết.

Một trong những nguyên nhân gây ngạt gần đây hay được đề cập là rau câu viên. Loại rau câu này cũng được nhiều gia đình mua. Các bậc cha mẹ cần lưu ý nên để những đồ vật, loại hạt, rau câu... ngoài tầm tay của trẻ nhỏ.

Theo PGS Dũng, khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ thường bị mất bình tĩnh. Vì vậy, phụ huynh cần xử lý đúng cách và kịp thời mới không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Dị vật có trong đường thở từ 5-6 phút khiến trẻ ngừng thở, suy hô hấp.

Nếu thấy mặt trẻ tím tái mà không tiến hành sơ cứu ngay mà lại tức tốc bế đi bệnh viện thì nguy cơ tử vong của trẻ rất lớn. Với trẻ sơ sinh, cần đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay người làm thủ thuật, bàn tay giữ cằm để đầu của trẻ ngửa. Dùng gót bàn tay kia vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai. Nếu dị vật vẫn không bật ra ngoài được thì tiếp tục làm thủ thuật ấn ngực.

Đối với trẻ khoảng 14-15 tuổi, khi bị hóc dị vật là các loại hạt, phụ huynh nên ôm trẻ vào người, lấy hai bàn tay quấn quanh bụng và ấn tay, sốc phần bụng lên 5 cái để cho trẻ ho bật. Cha mẹ khi nhìn thấy trẻ ho, bật dị vật ra và thở được thì đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất. Không nên cho tay vào miệng trẻ để móc dị vật bởi khi làm thế dị vật càng xuống sâu, gây phù nề. Không vuốt xuôi bởi điều này vô tình khiến dị vật chui sâu vào phổi khiến tình trạng trở nên nguy hiểm hơn.

Cũng theo PGS Dũng, đã có nhiều trường hợp trẻ nô đùa trong những ngày nghỉ Tết đã khiến bé bị gãy tay, gãy chân. Bởi trẻ rất hiếu động, cứ chơi thỏa thích, chưa nhận thức hết nguy hiểm khi chơi đùa, trong khi cha mẹ quá bận rộn với công việc nên ít để mắt đến trẻ. Thậm chí, tai nạn giao thông, đuối nước vẫn có nguy cơ xảy ra với trẻ.

BS Dũng lo lắng không chỉ các tai nạn thương tích mà ngày Tết trẻ còn có nguy cơ bị điện giật. Ngày Tết, nhà cửa dọn dẹp và đặc biệt các gia đình hay trang trí nhà cửa bằng các loại dây đèn nhấp nháy nhiều màu trên cành đào, cành mai. Những ổ cắm điện lộ thiên là đối tượng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Các dây điện dùng lâu hoặc các dây cắm không tốt là nguy cơ tiềm ẩn gây điện giật cho trẻ nhỏ.

Một tai nạn khác cũng thường xảy ra với trẻ nhỏ đó là ngày Tết, trẻ thường có rất nhiều đồ chơi, đặc biệt có cả những loại đồ chơi như súng, phi tiêu,… hay những loại đồ vật có chi tiết sắc nhọn. Trẻ nhỏ thường đùa nghịch mà có thể gây ra tổn thương vào mắt.

Khi gặp trường hợp này, nếu bị bụi hay hóa chất bay vào mắt thì nhanh chóng rửa mắt cho trẻ bằng nước sach, tốt nhất là nước muối sinh lý. Khi có dị vật bay vào không nên cố dụi mắt hay lấy ra bằng tay vì có thể xây xát làm hư giác mạc trẻ, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sỹ kịp thời xử lý.​