Trẻ em bị đuối nước: Cần sự giám sát nhiều hơn từ gia đình và chính quyền địa phương

05/06/2020 | 09:43 AM

 | 

 

 

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ trẻ em bị đuối nước thương tâm. Do đó, để đẩy lùi thực trạng này, rất cần có sự giám sát chặt chẽ của gia đình và chính quyền địa phương.

Nỗi đau là lời cảnh tỉnh

Với môi trường nhiều sông, ngòi, ao hồ như ở Việt Nam và thời tiết nắng nóng kéo dài thì việc hạn chế trẻ em bơi lội là điều khá khó khăn. Vào mỗi dịp hè, các vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em lại càng có xu hướng tăng cao. Nhiều trường hợp do trẻ rủ nhau đi tắm ao, hồ, sông, suối... nhưng lại không có sự giám sát của người lớn, hoặc thậm chí người lớn không hề hay biết, đến khi nhận ra thì mọi việc đã quá muộn.

Ảnh minh họa

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu gây đuối nước ở trẻ em là tỉ lệ trẻ biết bơi và có kĩ năng an toàn trong môi trường nước thấp; Thiếu sự giám sát của người lớn, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi; Môi trường sống xung quanh của trẻ còn tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ gây đuối nước…

Cụ thể, khoảng 17h ngày 19.5, sau giờ học về nhà, 2 nữ sinh lớp 10 của trường THPT Bất Bạt là: N.T.L học sinh lớp 10A2 và học sinh Đ.T.N học sinh lớp 10A3 ở đội 2, thôn Đan Thê (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội) ra sông Đà tắm đã không may trượt chân xuống vùng nước sâu, bị đuối nước.

Nguyên nhân của nhiều vụ đuối nước ở trẻ em thường xuất phát từ việc tự ý tắm ở các ao, hồ, sông, suối mà không có người lớn đi kèm.

Khu vực này vào buổi chiều thường có rất nhiều người dân trong khu vực ra tắm. Khi phát hiện 2 cháu đuối nước thì người dân cứu vớt ngay, nhưng do 2 em bị xoáy vào khu vực nước sâu khoảng 4m nên người dân không cứu được.

Trước đó, chiều ngày 7.5, em N.Đ.B (SN 2005 – học sinh lớp 9A, Trường THCS thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cùng nhóm bạn chơi thể thao tại bãi biển Thiêm Cầm. Vì thời tiết nắng nóng, B đã xuống biển tắm và không may bị đuối nước.

Đau lòng hơn, có những trường hợp, nạn nhân đuối nước chính là anh chị em họ hàng, hay thậm chí là anh chị em ruột thịt trong cùng một gia đình.

Cần sự giám sát hơn nữa của gia đình, chính quyền địa phương và của cả cộng đồng

Có thể nói, tai nạn đuối nước ở trẻ em đang là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em. Vì thế, để trẻ em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh cần có một kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực, sự chung tay trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội.

Một trong những nhân tố quan trọng khác để hạn chế tai nạn đuối nước thì chính các gia đình phải tạo môi trường an toàn cho trẻ. Ngoài việc thường xuyên giám sát, cha mẹ cần chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các sông, hồ; trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở để nâng cao tính cảnh giác; đồng thời tạo điều kiện để trẻ em học bơi nâng cao sức khỏe và ứng phó với tai nạn đuối nước; hướng dẫn trẻ giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước…

Trẻ tự phát đi bơi ở sông suối dễ dẫn đến đuối nước thương tâm. Ảnh minh họa

Đối với mỗi cơ sở giáo dục, một trong những việc cần tập trung là thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc giáo dục kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước học sinh các trường phổ thông; linh động tổ chức, lồng ghép với hoạt động dạy học trên lớp; chú trọng trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết tự nhận thức và ứng xử. Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn về giáo dục kỹ năng sống, phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên tư vấn, cán bộ phụ trách công tác đoàn đội trong việc tổ chức các hoạt động kỹ năng sống… Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại cơ sở vật chất, điều kiện rèn luyện sức khỏe, thể chất cho học sinh, trẻ em; nhất là hướng dẫn tập luyện kỹ năng bơi lội phù hợp với điều kiện của địa phương.

Đặc biệt, chính quyền địa phương cần chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường rà soát, cắm biển báo, biển cảnh giới để trẻ em, học sinh biết các khu vực, phòng tránh các địa điểm sông, hồ nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn chết đuối nước; có chiến dịch tuyên truyền về tai nạn đuối nước ở trẻ, nhất là về những vùng nông thôn, vùng núi nơi nhiều mặt nước hở tự nhiên, có các thủy điện… giúp cho trẻ em có những kiến thức cơ bản về nguy cơ đuối nước, về tầm quan trọng của việchọc bơi; cách thức xử lý khi bị đuối nước và cả kỹ năng cứu người đuối nước….

Về hướng dẫn phòng chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng: "Cần xây dựng môi trường an toàn cho trẻ. Nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước ở sông, hồ... phải có những biển báo. Bên cạnh đó, môi trường xung quanh gia đình cũng cần được rào chắn an toàn. Đặc biệt, dạy kỹ năng và dạy bơi cho trẻ em hết sức cần thiết. Bên cạnh việc học bơi, các em cũng cần được huấn luyện kỹ năng xử lý tình huống”.

Bộ LĐ-TB&XH và Cục Trẻ em là đơn vị có trách nhiệm chủ trì về phòng chống thương tích ở trẻ em trong đó có đuối nước đã hướng dẫn, chỉ đạo cấp chính quyền địa phương và các đoàn thể phải tăng cường giám sát.

Cục Trẻ em đề nghị một số địa bàn phải có tờ rơi, tờ gấp về phòng chống đuối nước đến tay các em. Từ đó, các em luôn mang bên mình và coi như một lời nhắc nhở trẻ em thường xuyên.

Cục trưởng Cục Trẻ em đề nghị, cộng đồng cũng có những giám sát với đối tượng này. Với những vùng ven biển, sông, suối... nơi hay có trẻ em tắm, chính quyền địa phương và các đoàn thể phải có những biển báo và phân công người thường xuyên đi tuần để nhắc nhở các em. "Các địa phương biết hết khu vực nào trẻ em hay tắm, vấn đề ở đây là cơ quan chức năng cần thường xuyên giám sát, nhắc nhở các em. Vai trò chính quyền vô cùng quan trọng trong quá trình giám sát, đảm bảo an toàn cho trẻ dịp hè" - ông Nam cho biết.

Tại Hội nghị quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích cuối năm 2019, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, mỗi năm trên thế giới có hơn 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước, 2/3 trường hợp xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 19 tuổi, trong đó trẻ nam bị đuối nước nhiều gấp 2 lần trẻ nữ.

"Đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 trẻ em Việt Nam mỗi năm. Đây thực sự là con số rất xót xa, là gánh nặng đối với an toàn của trẻ và gây tổn thương đến hạnh phúc của rất nhiều gia đình", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

 

Thời gian qua, Việt Nam đã phối hợp tích cực với các đơn vị trong và ngoài nước trong công tác phòng chống tai nạn thương tích. Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan triển khai sâu rộng các nhiệm vụ phòng chống tai nạn thương tích của ngành Y tế và đã đạt được kết quả khả quan và tích cực.

Cụ thể, chương trình quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích đã được xây dựng. Nhờ đó, người dân và các cấp chính quyền địa phương được nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng chống đuối nước. Năng lực cấp cứu, chăm sóc chấn thương trước khi nhập viện do tai nạn thương tích tại nhiều địa phương được nâng cao.

Nguồn: suckhoesoisong.vn