Phòng chống đuối nước trẻ em: Bắt đầu từ truyền thông nâng cao nhận thức

10/07/2019 | 07:52 AM

 | 

Đuối nước vẫn là một trong những tai nạn thương tích hàng đầu gây tử vong cho trẻ em trong thời gian qua.

Tổng hợp báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, các vụ đuối nước trẻ em xảy ra tập trung vào những tháng hè, đặc biệt là đầu mùa hè khi trẻ em chuẩn bị nghỉ hè. Trong 4 tháng đầu năm 2019, cả nước có 133 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Trong tháng 5, một số vụ đuối nước nghiêm trọng xảy ra như: đuối nước cướp đi sinh mạng 4 em tại Khánh Hòa, 8 em tại Quảng Bình, 5 em tại Nghệ An, 9 em tại Hòa Bình... Hầu hết vụ tai nạn đuối nước trẻ đều biết bơi. Tử vong do đuối nước trẻ em xảy ra chủ yếu tại cộng đồng (chiếm 76,6%), tại gia đình (22,4%) và tại trường học (1%).

Dạy trẻ biết bơi là hết sức cần thiết nhưng chưa đủ để bảo vệ trẻ an toàn trong môi trường nước.

Trong khi đó, công tác phòng, chống đuối nước trẻ em hiện nay còn nhiều thách thức, đặc biệt là nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước trẻ em của các cấp, các ngành, cộng đồng và trẻ em còn thấp, để lại nguy cơ gây đuối nước trẻ em tại cộng đồng. Hiện tại, việc dạy bơi cho trẻ em còn khó khăn do thiếu thốn cơ sở vật chất dạy bơi tại cộng đồng, trường học. Số trẻ em biết bơi thấp, chưa đến 30% học sinh tiểu học, trung học cơ sở biết bơi. Bên cạnh đó, môi trường sống còn thiếu an toàn, như cống, giếng, hố gas không có nắp đậy; hồ ao, công trình xây dựng không có rào chắn; sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư không có biển báo nguy hiểm;… Theo Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam chia sẻ, trong vụ 9 trẻ bị đuối nước ở Hòa Bình, qua thăm hỏi gia đình nạn nhân được biết các em đều biết bơi, gia đình cũng thường xuyên nhắc nhở trẻ không đi tắm sông. Trong vụ tai nạn này, em duy nhất sống sót là do bơi kém, sợ nước xoáy nên quay lên, và một em không biết bơi ở trên bờ. Do đó, công tác phòng chống đuối nước không chỉ dừng lại ở việc dạy bơi, mà việc dạy trẻ kỹ năng an toàn trong môi trường nước và tăng cường giám sát của gia đình là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong dịp hè. 

Nhằm giảm thiểu trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước, một trong những biện pháp đang được quan tâm là truyền thông mang tính chất cảnh báo. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng tài liệu dạy bơi an toàn cho trẻ em; dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, giúp các em hiểu biết về đuối nước, nhận biết môi trường nguy hiểm, biết các nguyên tắc an toàn khi đi bơi, khi tham gia giao thông đường thủy, biết kỹ năng thoát hiểm. Vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã in các tờ rơi, tờ gấp giới thiệu kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng phòng chống đuối nước để phát rộng rãi tới từng gia đình. Ủy ban Quốc gia về trẻ em cũng đã có Văn bản số 1123/UBQGTE đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em, như: hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em tại địa phương; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tiếp tục hướng dẫn triển khai thực hiện việc xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn, nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em; rà soát phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Cũng từ đầu năm đến nay, 100% các địa phương trong cả nước đã đẩy mạnh triển khai hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích; tổ chức được hơn 2.300 buổi họp dân về nội dung phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em với trên 403.400 người tham gia; 66.091 lượt thăm hộ gia đình được thực hiện, 183 buổi nói chuyện chuyên đề về phòng chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước; 386 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước. Nhiều địa phương đã triển khai lồng ghép phòng, chống tai nạn thương tích trong các phong trào xây dựng làng văn hóa sức khỏe, xây dựng nông thôn mới, trường học thân thiện, học sinh tích cực. Cùng với đó, đã có 700 sách hướng dẫn, 88.900 tờ rơi, 3.984 áp phích, 1.500 tranh lật, 200 biển cảnh báo phòng chống tai nạn giao thông, điện giật, đuối nước,…được xây dựng và cấp phát cho cộng đồng.

Trong thời gian tới, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế kiến nghị các địa phương, Bộ, ngành tiếp tục tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống đuối nước. Huy động sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong các hoạt động tuyên truyền, phòng, chống đuối nước. Thực hiện lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng chống tai nạn thương tích vào các chương trình mục tiêu y tế quốc gia.