Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ trong dịp nghỉ hè

06/08/2019 | 07:49 AM

 | 

Nghỉ hè là dịp gia tăng số ca mắc tai nạn thương tích ở trẻ. Tai nạn thương tích không chỉ gây nguy cơ tử vong mà còn để lại những hậu quả, di chứng nặng nề, biến trẻ thành gánh nặng cho gia đình.

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã cấp cứu, gắp đồng xu trong cổ họng kịp thời cho bé L.M.Đ (5 tuổi) và bé N.H.N.K (3 tuổi) cùng sinh sống trên địa bàn quận Long Biên do nuốt đồng xu khi chơi đùa tại nhà. Trẻ bị hóc dị vật cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để bác sĩ xử lý kịp thời và dễ dàng kiểm soát các nguy cơ.

Hay ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, các bác sĩ vừa tiến hành ca phẫu thuật gắp viên đạn súng hơi găm ở cánh tay phải của bé trai N.H.K (5 tuổi ở Sóc Sơn, Hà Nội). Tai nạn xảy ra trong lúc K đang chơi trốn tìm cùng bạn và vô tình trúng đạn súng hơi do người dân bắn chuột. Sau 5 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của bé đã ổn định. Đây chỉ là một trong số rất nhiều tai nạn bất ngờ mà Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận trong dịp nghỉ hè.

Theo bác sĩ Phạm Xuân Hưng, Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn), mùa hè học sinh nghỉ học, được tự do vui chơi và tai nạn thương tích gia tăng. Nếu người lớn không để ý, với sự hiếu động chưa lường hết được mọi sự nguy hiểm, trẻ dễ bị tai nạn thương tích như: đuối nước, bỏng, trượt ngã, va quệt, điện giật, hóc dị vật…

Trong số các tai nạn thương tích, đuối nước là một trong những tai nạn gây tử vong nhiều nhất ở nước ta, sau tai nạn giao thông. Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo song những ngày vừa qua, nhiều vụ tử vong do đuối nước liên tiếp xảy ra trên địa bàn cả nước. Đuối nước thường xảy ra rất nhanh, nếu phát hiện muộn rất khó cứu hoặc cứu được cũng để lại di chứng ở não, hệ thần kinh hoặc sống đời sống thực vật. Không chỉ ở nơi có sông, ngòi, ao, hồ mà ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như giếng, bể chứa nước, bồn tắm cũng là những mối hiểm họa khôn lường. 

Cho trẻ tham gia các khóa học bơi để phòng ngừa đuối nước ở trẻ em.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tai nạn thương tích trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu. Trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 900.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, tương đương với gần 2.500 trẻ tử vong mỗi ngày và mỗi giờ có hơn 100 trẻ tử vong. Còn tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 8.000 trẻ tử vong vì tai nạn thương tích, trong đó phần lớn là do các tai nạn trong đời sống sinh hoạt thường ngày.

Việc đẩy mạnh xây dựng “Ngôi nhà an toàn” và “Cộng đồng an toàn” được xem là một trong những chiến lược phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng lâu dài. Xây dựng “Ngôi nhà an toàn” sẽ giúp các bậc phụ huynh và những người chăm sóc trẻ nhận biết được các mối hiểm họa, từ đó rà soát, liệt kê các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích để có kế hoạch sắp xếp, sửa chữa, loại bỏ. Ngoài việc dành thời gian quan tâm chăm sóc, quản lý con cái, mỗi gia đình cần cập nhật thêm kiến thức về sơ cấp cứu một số trường hợp tai nạn đơn giản để có thể sơ cứu trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế. Ngoài ra, các ngành chức năng, địa phương cần tích cực triển khai chương trình phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ như: tổ chức các khóa tập bơi, chống đuối nước; dạy kỹ năng sống; tạo sân chơi lành mạnh trong dịp hè cho trẻ.

Tại lễ phát động “Tháng hành động vì trẻ em năm 2019” vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cũng khẳng định, bảo vệ, chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của Nhà nước, cộng đồng và mỗi gia đình. Do đó, các địa phương phải bảo đảm kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Trong đó chỉ đạo lập danh sách bàn giao, tiếp nhận, quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại địa phương.

Tổ chức nhiều hình thức hoạt động phong phú để trẻ em được vui chơi giải trí lành mạnh, phù hợp, an toàn. Cùng với đó, rà soát, bổ sung đầy đủ hệ thống biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn tại các ao, hồ, công trình đang xây dựng, các địa điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ em…

Nguồn: Báo Hà Nội mới