Nghị quyết của tổ chức Y tế thế giới về an toàn giao thông và sức khỏe

27/04/2005 | 05:00 AM

 | 

Vấn đề an toàn giao thông đường bộ đã được Thế giới xác định là một trong những vấn đề sức khoẻ cộng đồng có qui mô và quan trọng. Đây là một vấn đề mang tính toàn cầu cần có những nỗ lực hợp tác quốc tế của nhiều quốc gia trên thế giới.

Nghị quyết của tổ chức Y tế thế giới về an toàn giao thông và sức khỏe



Vấn đề an toàn giao thông đường bộ đã được Thế giới xác định là một trong những vấn đề sức khoẻ cộng đồng có qui mô và quan trọng. Đây là một vấn đề mang tính toàn cầu cần có những nỗ lực hợp tác quốc tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Những thương tích do giao thông đường bộ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội. Tổ chức Y tế Thế giới được mời là cơ quan điều phối vấn đề an toàn giao thông đường bộ trong hệ thống các quốc gia của Liên hiệp quốc. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề tai nạn giao thông đường bộ, Hội nghị Y tế thế giới lần thứ 57 đã thông qua nghị quyết: "An toàn giao thông và sức khoẻ".

Nghị quyết đã nêu rõ vai trò của các cơ quan, ban ngành đoàn thể, và mọi người dân trong các hoạt động của chương trình phòng chống thương tích giao thông đường bộ (gồm cả giám sát thương tích, đánh giá các yếu tố nguy cơ, áp dụng biện pháp can thiệp trong cộng đồng để giảm thiểu thương tích, các hỗ trợ y tế trong chăm sóc nạn nhân (cả về tinh thần) và truyền thông về an toàn giao thông).

Trong quá trình thực hiện các hoạt động cần có sự phối kết hợp đa ngành (giữa các Bộ/ngành khác nhau và cả phối hợp với công ty vận tải tư nhân, cộng đồng và người dân) để đảm bảo các hoạt động được thực hiện đồng bộ và tránh chồng chéo.

Mỗi nước cần có một kế hoạch tổng thể về phòng chống thương tích giao thông đường bộ mà trước hết là phải tự đánh giá tình hình và gánh nặng thương tích của giao thông đường bộ, trên cơ sở đó xác định các nguồn lực tương xứng để thực hiện vấn đề này. Vai trò chỉ đạo của Chính phủ được thể hiện thông qua việc thành lập một cơ quan độc lập và chịu trách nhiệm chính về vấn đề an toàn giao thông đường bộ (tuỳ thuộc điều kiện từng nước). Có thể sử dụng báo cáo thế giới về dự phòng thương tích giao thông đường bộ trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện chương trình tại nước mình.

Ngành y tế đóng vai trò không thể thiếu trong hệ thống phòng chống thương tích giao thông đường bộ và nhất thiết phải tham gia vào xây dựng chính sách cho hệ thống này.Lồng ghép các hoạt đồng phòng chống thương tích giao thông đường bộ với các chương trình sức khoẻ cộng đồng. Đồng thời, ngành y tế còn chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động trong lĩnh vực dịch tễ học, dự phòng và tuyên truyền, cũng nhưhệ thống chăm sóc cấp cứu nạn nhân trước khi đến bệnh viện, chăm sóc chấn thương (chăm sóc cả tinh thần) và sau chấn thương (phục hồi chức năng).

Nâng cao nhận thức cho người dân về các yếu tố nguy cơ gây tai nạn giao thông đường bộ, chú trọng đến những yếu tố: lạm dụng rượu, thuốc an thần và sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông.

Cần áp dụng những biện pháp dự phòng cụ thể nhằm từng bước kiểm soát tỉ lệ tử vong và thương tích do giao thông đường bộ. Cưỡng chế thi hành luật lệ giao thông với mọi đối tượng và mọi tầng lớp nhân dân (trường học, người sử dụng lao động...), nhất là vấn đề đội mũ bảo hiểm và sử dụng dây an toàn khi tham gia giao thông.

Tổ chức Y tế Thế giới mà cụ thể Giám đốc điều hành sẽ là người điều phối các hoạt động: Hợp tác với các nước thành viên trong việc thiết lập chính sách và chương trình sức khoẻ cộng đồng từ đó triển khai và tạo điều kiện áp dụng các biện pháp dự phòng thương tích giao thông đường bộ; Hỗ trợ kỹ thuật cho mạng lưới chăm sóc thương tích trước khi tới bệnh viện và vấn đề phục hồi chức năng sau đó; Nâng cao năng lực dự phòng thương tích; Tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giao thông đường bộ; Tổ chức các cuộc họp chuyên gia nhằm trao đổi thông tin và nâng cao năng lực phòng chống thương tích; Thực hiện báo cáo nâng cao an toàn đường bộ và dự phòng thương tích do giao thông đường bộ.