Vũng Tàu: Doanh nghiệp và người lao động còn thờ ơ với bệnh nghề nghiệp

03/07/2020 | 08:57 AM

 | 

 

Qua công tác thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho thấy, môi trường làm việc của người lao động (NLĐ) vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhiều DN và NLĐ chưa thực sự quan tâm công tác này.

Tại phân xưởng sản xuất của Công ty TNHH Kims Cook Việt Nam - chuyên sản xuất các mặt hàng dụng cụ nấu ăn, dụng cụ nhà bếp (KCN Mỹ Xuân A, phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ), tiếng động cơ máy khá lớn xen lẫn tiếng ồn gia công sản phẩm chát chúa. Tuy nhiên, nhiều NLĐ không mang nút tai chống ồn. Khi được hỏi lý do, anh Lê Khánh Trình, công nhân phân xưởng sản xuất cho hay, công ty có trang bị đầy đủ khẩu trang, bao tay, găng tay, nút tai chống ồn nhưng khi làm việc hay bị vướng víu nên anh không dùng nút chống ồn.

Công nhân Công ty TNHH Kims Cook Việt Nam (bên phải) không sử dụng nút chống ồn khi làm việc với máy gia công sản phẩm

Tại Công ty TNHH Court Việt Nam (KCN Mỹ Xuân B1 - Conac, TX. Phú Mỹ, chuyên gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ cán thép), Đoàn thanh tra ghi nhận, môi trường làm việc của NLĐ có nhiều nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, trong quá trình sản xuất có công đoạn mạ crom, NLĐ dễ mắc các bệnh về da, tai mũi họng, xưởng nóng, ẩm có thể mắc bệnh về phổi. Tuy nhiên, DN không tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Bên cạnh đó, NLĐ làm việc tại xưởng cũng không mang khẩu trang chuyên ngành theo quy định.

Thống kê của Sở LĐTBXH cho thấy, trên địa bàn tỉnh có hơn 41.000 lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 200 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp, 190 NLĐ được giám định mắc bệnh nghề nghiệp, trong đó phần lớn là bệnh điếc nghề nghiệp. Bên cạnh đó, DN cũng chưa quan tâm tổ chức khám chuyên khoa nhằm phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Trong năm 2019, chỉ có 25 DN tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho hơn 3.200 NLĐ; 180 DN thực hiện việc quan trắc môi trường lao động và có 65 DN lập hồ sơ vệ sinh lao động.

Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Hoa, Trưởng Khoa Sức khỏe nghề nghiệp (Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh) cho rằng, bên cạnh môi trường lao động chưa bảo đảm, NLĐ cũng chưa nêu cao ý thức bảo vệ sức khỏe chính mình. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng bệnh nghề nghiệp gia tăng. “NLĐ cần có ý thức tuân thủ các quy định về bảo hộ lao động, thăm khám bệnh nghề nghiệp nhằm sớm phát hiện bệnh, từ đó có hướng xử lý kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Hoa khuyến cáo.

Theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật An toàn vệ sinh lao động, người sử dụng lao động bắt buộc mỗi năm phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho tất cả NLĐ ít nhất một lần. Đối với những NLĐ làm việc trong môi trường độc hại thì phải được khám sức khỏe 6 tháng một lần. Ông Nguyễn Văn Điểu, Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH cho hay, hàng năm, qua các đợt thanh, kiểm tra cho thấy, một số DN vẫn chưa quan tâm, đầu tư đúng mức việc tổ chức kiểm soát nguy cơ dẫn tới bệnh nghề nghiệp, chưa chủ động tổ chức khám, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.

Đơn cử như Công ty CP Liên hợp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) chuyên gia công, chế tạo các thiết bị dây cáp an toàn cho tàu biển và các công trình xây dựng. Năm 2016, qua kiểm tra, đoàn thanh tra liên ngành ATVSLĐ đã đề nghị công ty khắc phục các vấn đề môi trường lao động và bệnh nghề nghiệp. Đến năm 2020, khi tiếp tục được thanh tra, công ty vẫn chưa phân loại lao động làm việc ở môi trường nặng nhọc, độc hại và chưa có chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ. Ngoài ra, NLĐ cũng không được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp.

“Để tăng cường phòng, chống bệnh nghề nghiệp, Sở LĐTBXH tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến chủ sử dụng lao động các nội dung như phải bảo đảm môi trường làm việc an toàn, đồng thời cũng tuyên truyền nâng cao nhận thức của NLĐ trong thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng thiết bị bảo hộ lao động khi làm việc. Bên cạnh đó, Sở cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những DN, cá nhân vi phạm quy định về bảo đảm ATVSLĐ”, ông Điểu nói.

Nguồn:.baobariavungtau.com.vn