Vẫn thiếu cơ sở khám bệnh nghề nghiệp trên toàn quốc

07/09/2019 | 21:39 PM

 | 

Trên cả nước hiện mới chỉ có 33 phòng khám bệnh nghề nghiệp trên 17 tỉnh/ thành phố trong khi tỷ lệ các bệnh nghề nghiệp đang ngày càng tăng.
Viêm xoang, dạ dày, bệnh mắt, bệnh phụ khoa, hen phế quản, tim mạch... những bệnh hay mắc của người lao động

Tại Hội nghị “Triển khai công tác chỉ đạo tuyến, triển khai tháng hành động vì an toàn vệ sinh lao động” Hưởng ứng chương trình Sức khỏe Việt Nam với chủ đề “Khỏe để lao động sản xuất tốt hơn” và Kỷ niệm 37 năm Ngày thành lập Viện (24/4/1982-24/4/2019), do Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế tổ chức sáng 22/4 tại Hà Nội, PGS.TS Doãn Ngọc Hải- Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, theo thống kê, trong năm 2018 có 9.500 cơ sở lao động được thanh kiểm tra trên toàn quốc, trong đó trên 50% là các cơ sở có yếu tố hại, nguy hiểm có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

PGS.TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường

Kết quả quan trắc năm 2018, các yếu tố có hại như: vi khí hậu, bụi, ồn, ánh sáng, hơi khí độc... đều vượt tỷ lệ tiêu chuẩn cho phép, trong khi đó 72,63% người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại, nguy hiểm. Các bệnh thường gặp ở người lao động là viêm xoang, dạ dày, bệnh mắt, bệnh phụ khoa, hen phế quản, tim mạch... Trong khi nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về phòng chống các bệnh nghề nghiệp còn hạn chế.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sơn- Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, thống kê của Viện sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường cho biết trong tổng số hơn 2 triệu người lao động được khám sức khoẻ định kỳ năm 2018, số người lao động đạt sức khoẻ loại I và II chiếm 70%, tỷ lệ sức khoẻ loại III đạt gần 22%, còn là sức khoẻ loại yếu.

“Cũng trong năm 2018, đã khám bệnh nghề nghiệp cho gần 320.000 trường hợp, trong đó phát hiện 3.500 trường hợp mắc bệnh, bệnh điếc do tiếng ồn là gần 67%, bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp chiếm gần 17%, bệnh bụi phổi than nghề nghiệp chiếm 9,9% và bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp chiếm 2 %”- PGS.TS Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Cũng nhờ khám bệnh nghề nghiệp, cơ quan chức năng liên quan đã tiến hành giám định được 931 trường hợp, trong đó có 113 trường hợp bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp 1 lần và 768 trường hợp được hưởng trợ cấp thường xuyên.

Tại hội nghị, bên cạnh việc chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay và cùng tìm các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh kỹ thuật chuyên ngành, triển khai tốt hơn nữa công tác sức khỏe nghề nghiệp, vệ sinh môi trường, sức khỏe trường học, chúng ta cùng chung tay Hưởng ứng “Chương trình Sức khỏe Việt Nam – khỏe để lao động sản xuất tốt hơn” do Thủ tướng chính phủ và Bộ Y tế phát động để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Nâng cao năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường

Theo PGS.TS Doãn Ngọc Hải, ngày 24/4/1982, Bộ Y tế ra Quyết định số 370/QĐ-BYT về thành lập Viện Y học lao động, trở thành một sự kiện lịch sử đối với cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe người lao động. Tổ chức WHO Tây Thái Bình Dương công nhận Viện là Trung tâm hợp tác quốc tế về Y học lao động, nhận định “Việc Việt Nam thành lập được Viện Y học lao động là một sự kiện của ngành Y học lao động của khu vực trong những năm 80 vì khi đó số Viện Y học lao động trong khu vực còn rất ít ỏi”.


Khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Năm 1991, trước yêu cầu tăng cường công tác khoa học kỹ thuật về Vệ sinh môi trường, Bộ Y tế quyết định đổi tên Viện thành “Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường” tại Quyết định số 1179/BYT-QĐ và đẩy mạnh thêm khoa Vệ sinh môi trường.

Năm 2014, Bộ Y tế quyết định đổi tên Viện lần thứ 2 thành Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường với định hướng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, là Viện quốc gia đầu ngành trong các lĩnh vực về Sức khỏe nghề nghiệp, Vệ sinh Sức khỏe môi trường, Vệ sinh Sức khỏe trường học và phòng chống tai nạn thương tích.

Từ đây, với chức năng nhiệm vụ cụ thể bao quát toàn bộ hoạt động chăm sóc sức khỏe và vệ sinh môi trường, hoàn toàn phù hợp với Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trải qua 37 năm xây dựng và phát triển, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường vẫn không ngừng phấn đấu, tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp làm việc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ Y tế giao, góp phần thiết thực vào công tác phòng ngừa bệnh tật, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường với nhiều hoạt động thiết thực trong nghiên cứu, đào tạo, phát triển khoa học công nghệ, cung ứng dịch vụ chuyên ngành, phối hợp với các đơn vị nâng cao năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường.

Viện được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao, nâng cao vị thế của Viện trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, với chủ trương sát nhập các đơn vị làm công tác Y tế dự phòng thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đối với các tỉnh là sự thay đổi rất lớn về tổ chức có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn cho triển khai công tác chuyên môn lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp vệ sinh môi trường và sức khỏe học đường.

Với vị thế của một Viện quốc gia, năng lực chuyên môn sâu, đội ngũ cán bộ tâm huyết, viện tự tin và cam kết đồng hành giúp các đơn vị vượt qua khó khăn và phát triển mạnh mẽ lĩnh vực chuyên ngành.