Kế hoạch về triển khai các nhiệm vụ công đoàn tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2019 – 2023

06/10/2019 | 10:16 AM

 | 

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành kế hoạch về triển khai các nhiệm vụ công đoàn tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) giai đoạn 2019 – 2023 nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức và hành động trong việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các cấp công đoàn.

Theo đó công đoàn các cấp sẽ tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của ban chấp hành, đoàn chủ tịch, ban thường vụ công đoàn các cấp đối với công tác ATVSLĐ; đưa công tác này vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm và cả nhiệm kỳ, phân công nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ chỉ tiêu giảm TNLĐ, BNN. Ưu tiên bố trí cán bộ được đào tạo chuyên ngành về ATVSLĐ hoặc các chuyên ngành kỹ thuật, có kinh nghiệm, nhất là ở các lĩnh vực, doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra TNLĐ, BNN, các địa phương có nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp, đông công nhân lao động để làm công tác ATVSLĐ. Thường xuyên tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng làm công tác ATVSLĐ ở tất cả các cấp công đoàn với nội dung, phương thức ngày càng đổi mới, hiệu quả; chú trọng cập nhật những điểm mới, những mô hình và kinh nghiệm cụ thể, sát thực.

Công đoàn các cấp quan tâm, chăm lo quyền lợi cho người lao động

Cùng với đó là đổi mới hình thức, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền. Trong đó, chú trọng tuyên truyền trực quan, cụ thể, sát thực tế công việc của người lao động; giới thiệu, nhân rộng các mô hình làm tốt công tác ATVSLĐ; hướng dẫn, phổ biến đến công đoàn cơ sở về mô hình, kinh nghiệm tổ chức cho người lao động tự phát hiện các nguy cơ, sự cố mất ATVSLĐ tại nơi làm việc và đưa ra đề xuất, kiến nghị giải pháp phù hợp. Cũng như Ứng dụng, phát triển rộng rãi công nghệ thông tin và mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ cán bộ công đoàn, người lao động trong công tác ATVSLĐ. Xây dựng chuyên mục phổ biến mô hình, kinh nghiệm làm tốt công tác ATVSLĐ; thông tin để chia sẻ và rút kinh nghiệm trong toàn hệ thống công đoàn, người lao động, người sử dụng lao động về các vụ việc tai nạn lao động.

Tổ chức Hội thi An toàn, vệ sinh viên giỏi các cấp, tiến tới tổ chức Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi toàn quốc lần thứ bốn vào năm 2020 và định kỳ 5 năm tổ chức Hội thi cấp toàn quốc.

Tăng cường thông tin giữa Tổng Liên đoàn và các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn. Các cấp công đoàn cần tích cực, chủ động tham gia hoàn thiện pháp luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là đề xuất tiếp tục hoàn thiện Luật An toàn, Vệ sinh lao động. Nghiên cứu, đề xuất Nhà nước bổ sung danh mục nghề công việc nặng nhọc, độc hai, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; nghiên cứu, đề xuất Nhà nước bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Sửa đổi, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện công tác ATVSLĐ, tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu TNLĐ, BNN một cách cụ thể, sát thực, nhất là với công đoàn cơ sở.

Cấp công đoàn tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; phát hiện ra các tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong các chính sách, pháp luật để có hướng kiến nghị, đề xuất.

Đề xuất khen thưởng các chủ sử dụng lao động, đơn vị, người lao động chấp hành tốt và kiến nghị xử lý nghiêm minh, kịp thời các chủ sử dụng lao động, đơn vị không tuân thủ, vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.