Hướng dẫn chẩn đoán, giám định suy giảm khả năng lao động do bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp
16/10/2024 | 10:34 AM
|
Theo hướng Thông tư số 15/2016/TT-BYT 15/5/20216 của Bộ trưởng Bộ Y tế ( Bảng phụ lục 34)
-
Hướng dẫn chẩn đoán
-
Định nghĩa bệnh
Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp là bệnh ung thư trung biểu mô do tiếp xúc với bụi amiăng trong quá trình lao động.
2. Yếu tố nguy cơ gây bệnh
Bụi amiăng trong không khí môi trường lao động.
3. Nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc
- Khoan, đập phá, khai thác quặng hay đá có amiăng;
- Tán, nghiền, sàng và thao tác khô với quặng hoặc đá có amiăng;
- Chải sợi, kéo sợi và dệt vải amiăng;
- Làm cách nhiệt bằng amiăng;
- Sản xuất, sửa chữa, xử lý tấm lợp amiăng – ximăng, các gioăng bằng amiăng và cao su; má phanh bằng amiăng; bìa các-tông và giấy có amiăng;
- Sản xuất phân lân, thợ sửa chữa ô tô, xe máy;
- Nghề, công việc khác có tiếp xúc với bụi amiăng.
4. Giới hạn tiếp xúc tối thiểu
Tiếp xúc với amiăng trong môi trường lao động.
5. Thời gian tiếp xúc tối thiểu
2 năm.
6. Thời gian ủ bệnh tối thiểu
20 năm.
7. Thời gian bảo đảm
Không có thời hạn.
8. Chẩn đoán
Việc quan trọng là xác định được bệnh nhân có tiếp xúc với amiang.
8.1. Lâm sàng
U trung biểu mô phần lớn gặp ở màng phổi, ngoài ra còn có thể thấy ở màng bụng, màng tim và chủ yếu là ở những người có tiếp xúc với amiăng. Tùy thuộc vào vị trí ung thư trung biểu mô (màng phổi, màng bụng, màng tim..) mà có thể có các triệu chứng khác nhau:
8.1.1. Ung thư trung biểu mô màng phổi:
- Ho;
- Tức ngực, đau ngực;
- Khó thở;
- Gầy, sút cân không rõ nguyên nhân.
8.1.2. Ung thư trung biểu mô màng ngoài tim:
- Khó thở;
- Đau ngực;
- Gầy, sút cân không rõ nguyên nhân.
8.1.3. Ung thư trung biểu mô màng bụng:
- Đau bụng;
- Cổ trướng;
- Khối thành bụng;
- Gầy sút cân không rõ nguyên nhân.
8.2. Cận lâm sàng
8.2.1. Chẩn đoán hình ảnh
a) X-quang ngực có thể có:
- Hình ảnh nốt màng phổi, dày màng phổi, mảng màng phổi (đối với Ung thư trung biểu mô màng phổi);
- Hình ảnh dày màng tim (đối với Ung thư trung biểu mô màng tim);
- Các hình ảnh khác như:
+ Tràn dịch, tràn khí màng phổi, màng tim;
+ Hình ảnh tổn thương nốt mờ không tròn, đều ký hiệu s, t, u trên phim chụp X-quang ngực thẳng (theo bộ phim mẫu ILO).
b) Chụp phim cắt lớp vi tính có độ phân giải cao: Hình ảnh khối u màng phổi hoặc ở các vị trí khác nhau như màng phổi, màng tim, màng bụng.
c) Siêu âm ổ bụng thấy hiện tượng tràn dịch màng bụng (đối với Ung thư trung biểu mô màng bụng).
d) Chụp cộng hưởng từ : MRI rất hữu ích trong việc xác định sự di căn của khối u vào thành ngực, cơ hoành, trung thất, xương sống hoặc tủy sống
e) PET/CT: PET có thể có độ nhạy và độ đặc hiệu tốt hơn để phân biệt với tổn thương lành tính; phát hiện khối u, đánh giá mức độ tiến triển của khối u, phát hiện di căn.
8.2.2. Giải phẫu bệnh
a) Sinh thiết tại vị trí khối u xác định tế bào ung thư biểu mô.
- Màng phổi: tế bào ung thư biểu mô có thể có các dạng: biểu mô (epithelioid) hoặc hai pha (biphasic) hoặc sarcoma (sarcomatoid) hoặc xơ keo (desmoplastic).
- Màng bụng: tế bào ung thư biểu mô có thể có các dạng: biểu mô (epithelioid) hoặc hai pha (biphasic) hoặc sarcoma (sarcomatoid) hoặc xơ keo (desmoplastic).
b) Xét nghiệm dịch màng phổi, màng bụng, màng tim: Tràn dịch màng phổi có ở 95% trường hợp và thường ở một bên, dịch nhiều và màu dịch đỏ.
c) Phẫu thuật sinh thiết chẩn đoán: đối với các trường hợp không sinh thiết được màng phổi dưới hướng dẫn của CT- Scanner hoặc cell-Block dịch màng phổi âm tính, cần phẫu thuật thăm dò sinh thiết chẩn đoán bằng phẫu thuật nội soi lồng ngực hỗ trợ (VATS) hoặc mổ mở .
8.2.3. Hóa mô miễn dịch
- Dương tính với một trong số các chỉ điểm khối u sau: Calretin, D2-40, WT-1, CK5 hoặc 5/6, Thrombmodulin; EGFR, CA125, mesothelin; và
- Âm tính với một trong số các chỉ điểm: CEA, TTF-1, Napsin A, SP-A, Ber-EPd, MOC-31, LeuM1, Ber-Ep4, B72.3, Bg8, PAX-8, hoặc những chỉ điểm đặc trưng khác của ung thư phổi, màng bụng buồng trứng
- Nhuộm HMMD với các dấu ấn: CK5/6, calretinin, WT-1 (các dấu ấn dương tính), và CEA, Ber-Ep4, LeuM1, Bg8 (các dấu ấn âm tính)
Ảnh minh họa
8.3. Chẩn đoán xác định
Yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp kết hợp tổn thương ung thư trung biểu mô theo tiêu chuẩn lâm sàng và cận lâm sàng tại Mục 8
9. Chẩn đoán giai đoạn của bệnh
Hệ thống phân loại TNM mới: T được đánh giá dựa theo chỉ số ung thư của màng (peritoneal cancer index PCI)
- T1 – PCI 1-10
- T2 – PCI 11-20
- T3 – PCI 21-30
- T4 – PCI 31-39
Giai đoạn | Khối u nguyên phát (T) | Hạch di căn (N) | Di căn xa (M) |
I | T1 | N0 | M0 |
II | T2, T3 | N0 | M0 |
III | T4 | N0 | M0 |
| Bất kỳ T nào | N1 | M0 |
| Bất kỳ T nào | N0 | M1 |
10. Bệnh kết hợp
Ung thư phổi, bệnh bụi phổi amiăng.
11. Chẩn đoán phân biệt
- Ung thư phổi hoặc các ung thư khác di căn màng phổi, màng tim, màng bụng;
- Ung thư khác di căn.
II. Hướng dẫn giám định
-
Chỉ định giám định chuyên khoa
- Chỉ định khám chuyên khoa hô hấp và/hoặc ung bướu. Chỉ định khám các chuyên khoa khác tùy thuộc vào vị trí của ung thư trung biểu mô
- Cận lâm sàng: Theo chỉ định của giám định viên chuyên khoa.
2. Chẩn đoán xác định
- Hội chẩn bệnh nghề nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Quyết định số 1003/QĐ-BYT ngày 15/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành “Mẫu hồ sơ Khám giám định y khoa” (Biên bản hội chẩn phải đính kèm theo kết quả hội chẩn phim X-quang bệnh bụi phổi do các bác sĩ có chứng nhận kỹ năng đọc phim về bệnh bụi phổi theo tiêu chuẩn ILO thực hiện và các kết quả khám lâm sàng, cận lâm sàng đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán ung thư trung biểu mô).
Lưu ý:
Kết quả mô bệnh học tham khảo tại tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc kết quả giải phẫu bệnh kèm công văn của cơ sở khám chữa bệnh. Hội chẩn lại tiêu bản xét nghiệm hoặc xét nghiệm lại từ khối nến mô bệnh học của đối tượng đang lưu giữ tại cơ sở y tế đã khám, chẩn đoán, điều trị cho đối tượng để xem xét, quyết định (nếu cần) hoặc đề nghị nhập viện sinh thiết làm kết quả giải phẫu bệnh (nếu cần).
-
Chẩn đoán giai đoạn - Áp dụng theo Mục 9 của I.
Căn cứ vào kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng tại thời điểm khám giám định để đánh giá giai đoạn bệnh.
Trường hợp tại thời điểm khám giám định: Khối u đã được điều trị can thiệp, bệnh không tiến triển thì dựa vào hồ sơ bệnh án trước khi điều trị để có căn cứ chẩn đoán xác định giai đoạn bệnh.
3. Chẩn đoán phân biệt
- Áp dụng theo Mục 11 của I.
- Trường hợp khó chẩn đoán tổn thương ở các cơ quan, bộ phận do nguyên nhân nghề nghiệp gây ra căn cứ hồ sơ sức khỏe (bao gồm khám sức khoẻ trước khi bố trí việc làm, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp hàng năm) hoặc các giấy tờ chẩn đoán và điều trị khác (nếu có).
TT | Tổn thương cơ thể | Tỷ lệ % |
1 | Giai đoạn I | 71 - 75 |
2 | Giai đoạn II | 81 - 85 |
3 | Giai đoạn III | 91 |
Tin liên quan
- Bộ Y tế tập huấn hướng dẫn triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế
- Xây dựng, lập biện pháp an toàn nhằm kéo giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Hết năm 2023 có khoảng 33.000 lao động bị bệnh nghề nghiệp
- Doanh nghiệp bị phạt gần 100 triệu đồng vì không khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân
- Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
- Bộ Y tế tăng cường truyền thông về phòng chống bệnh điếc nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp do dung môi cho người làm công tác y tế lao động