Hãy lên tiếng về bệnh nghề nghiệp!

07/09/2018 | 11:55 AM

 | 

Tuy tổng số người lao động (NLĐ) được khám sức khỏe định kỳ hằng năm trong giai đoạn 2011 - 2017 đã tăng 1,6 lần so giai đoạn 2006 - 2010, nhưng con số này mới chiếm khoảng 20 % NLĐ có hợp đồng lao động.

 

Con số thực tế còn cao gấp 10 lần

Sau hơn 15 năm làm công nhân khai thác đá ở một mỏ đá tư nhân thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, thời gian gần đây anh Lê Văn Th. thấy mình hay ho khan, thậm chí ho ra máu, tức ngực. Anh thường xuyên phải sử dụng kháng sinh, tuy nhiên, những cơn khó thở ngày càng kéo dài. Đầu năm 2018 anh Th. phải ra Bệnh viện Phổi T.Ư thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán anh bị mắc bệnh bụi phổi silic. Một dạng bệnh phổ biến ở ngành khai thác đá liên quan tới mài, cắt, chế tạo vật liệu xây dựng. Nguyên nhân gây bệnh bụi phổi chủ yếu là do người bệnh tiếp xúc với vật liệu có tính phân tán thành những hạt rất nhỏ có khả năng xâm nhập vào phổi. Bệnh bụi phổi có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản mãn tính, suy hô hấp hoặc nhiễm khuẩn cấp tính phế quản phổi.

08.9.2018. Hay len tieng.jpg 
 
 

Còn anh Nguyễn Văn H. (huyện Thanh Oai, Hà Nội) tuy mới ngoài 30 tuổi đã phải sống chung với bệnh “nặng tai”. Làm thợ cơ khí gần 5 năm, thường xuyên nghe tiếng máy móc ầm ĩ nên khả năng nghe của anh H. đã giảm đi rõ. Đi khám tai mũi họng, anh H. được chẩn đoán suy giảm thính lực do ảnh hưởng của tiếng ồn công nghiệp và nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến điếc.

Đây chỉ là hai ca điển hình trong số hàng nghìn trường hợp NLĐ mắc Bệnh nghề nghiệp (BNN). Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 28.000 NLĐ mắc các BNN, song con số thực tế có thể cao gấp 10 lần. Trong số 34 BNN được đưa vào danh mục hưởng BHXH thì bệnh bụi phổi là bệnh có số người mắc cao nhất (chiếm khoảng 74 %), sau đó là điếc do tiếng ồn (chiếm khoảng 17 %).

Qua khảo sát của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), công nhân khai thác đá quặng, sản xuất thủy tinh - đồ gốm và công nhân dệt may là đối tượng dễ gặp phải các bệnh về bụi phổi. Cùng với đó, công nhân làm việc trong ngành hóa dầu, luyện than, cơ khí, nhựa, da giày, chế biến thủy sản lại có nguy cơ cao mắc các bệnh về da như sạm da, bệnh nốt dầu, viêm loét, viêm móng...

Doanh nghiệp thường “quên” quyền lợi người lao động

Thông tư số 14/2013/TT-BYT hướng dẫn khám sức khỏe của Bộ Y tế ban hành ngày 6-5-2013 quy định, các cơ quan, DN phải có trách nhiệm khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ ít nhất một lần/năm; sáu tháng/lần đối với các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) chỉ coi đây là hoạt động mang tính hình thức. Và để qua mắt cơ quan chức năng, không ít DN thuê các cơ sở y tế bên ngoài tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ với chi phí rẻ. Thậm chí, nhiều DN cố tình “quên” đi quyền lợi này của NLĐ.

Theo đại diện Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), NLĐ ở nước ta đã mắc 30/34 BNN. Hiện trung bình một năm có khoảng hai đến ba triệu lượt NLĐ được khám sức khỏe định kỳ. Tuy tổng số NLĐ được khám sức khỏe định kỳ hằng năm trong giai đoạn 2011 - 2017 đã tăng 1,6 lần so giai đoạn 2006 - 2010 nhưng con số này mới chiếm khoảng 20 % NLĐ có hợp đồng lao động. Đặc biệt, việc khám sức khỏe định kỳ hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc phân loại sức khỏe, phát hiện một số bệnh thông thường và cũng chỉ được thực hiện ở một số ít DN, chưa có cơ chế triển khai đối với nhóm lao động làm việc không có hợp đồng lao động.

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder, phòng ngừa là “chìa khóa” giải quyết gánh nặng mà BNN mang lại. Đó là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém hơn chi phí dành cho điều trị và phục hồi chức năng. Do vậy, chính NLĐ cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc các BNN. Bên cạnh đó, NLĐ cần chủ động lên tiếng khi DN không làm tròn nhiệm vụ phòng, chống BNN.