Cao Bằng: Phòng, tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
14/12/2023 | 08:51 AM
|
Nhận thức vai trò quan trọng về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chú trọng cải thiện môi trường làm việc, thực hiện tốt công tác bảo hộ, chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động.
Toàn tỉnh hiện có 36 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó 25 mỏ đá, 9 mỏ cát, sỏi, 2 mỏ đất sét đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Số lao động này đang làm việc trong môi trường độc hại, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn và bệnh nghề nghiệp khi khai thác đá trên cao, hoặc chế biến đá làm vật liệu xây dựng. Mỗi năm, đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra, nhắc nhở, rà soát các quy định bảo đảm an toàn lao động tại cơ sở sản xuất. Đến nay, các đơn vị cơ bản thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động; có phương án phòng chống cháy nổ, trang bị đầy đủ các máy móc nhằm cải thiện điều kiện làm việc như: đầu tư các trang thiết bị phòng chống cháy nổ; áp dụng các máy khoan đường kính lớn, máy bỏ đá, máy xúc thủy lực, máy nghiền công suất lớn. Ðối với khu vực khai thác vật liệu xây dựng, các đơn vị đã cắm biển cảnh báo, biển nội quy ra vào khu vực khai thác mỏ. Cùng với đó, để đảm bảo sức khỏe người lao động không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như bụi, tiếng ồn gây ra, nhiều đơn vị đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân theo đúng quy định.
Nhiều đơn vị sản xuất tích cực áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào sản xuất nhằm cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, giúp người lao động đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần (Ảnh minh họa).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10.600 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã và các thành phần kinh tế. Hầu hết người lao động được tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, tư vấn về các quy định, biện pháp phòng ngừa yếu tố nguy hiểm, có hại phát sinh trong quá trình lao động sản xuất. Để thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Cao Bằng đã triển khai các biện pháp phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; xây dựng, niêm yết, lắp đặt đầy đủ các nội quy an toàn, quy trình vận hành an toàn của máy, thiết bị tại vị trí làm việc cho người lao động; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; cải thiện điều kiện lao động; kiểm định, khai báo sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; thường xuyên tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho các nhóm đối tượng lao động.
Nhiều công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn được khởi công và đi vào hoạt động, sử dụng nhiều lao động, đòi hỏi cần phải chú trọng, quan tâm đến công tác đảm bảo về an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, sản xuất. Tuy nhiên, tại một số đơn vị, nhận thức, ý thức của người sử dụng lao động về an toàn, vệ sinh lao động còn hạn chế. Công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động ở một số doanh nghiệp còn mang tính hình thức, chưa được coi trọng đúng mức. Ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của một bộ phận người lao động còn hạn chế, chủ quan, vẫn còn vi phạm quy trình an toàn, dẫn đến tăng nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Nhằm thực thi có hiệu lực, hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động, các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 1921 của UBND tỉnh về Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2023 - 2030. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành việc xây dựng được cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý 50% số cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp; kiểm tra 30% cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp và 100% cơ sở lao động có sử dụng amiăng về công tác quan trắc môi trường lao động. Qua đó giảm 15% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các cơ sở lao động so với giai đoạn 2010 - 2018./.
Nguồn: http://caobangtv.vn/
Tin liên quan
- Bộ Y tế tập huấn hướng dẫn triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế
- Xây dựng, lập biện pháp an toàn nhằm kéo giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Hết năm 2023 có khoảng 33.000 lao động bị bệnh nghề nghiệp
- 7.000 người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp mỗi năm
- Tập huấn cập nhật kiến thức trong khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp năm 2024
- Doanh nghiệp bị phạt gần 100 triệu đồng vì không khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân
- Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện