Các bệnh nghề nghiệp liên quan đến nhiễm độc

04/09/2024 | 15:31 PM

 | 

 

Ngộ độc do nghề nghiệp là tình trạng ngộ độc do tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong quá trình lao động. Đây là nhóm bệnh nghề nghiệp phổ biến, chỉ đứng sau bệnh bụi phổi. Các bệnh nghề nghiệp liên quan đến nhiễm độc được đề cập trong Thông tư 15/2016/TT-BYT bao gồm: bệnh nhiễm độc chì, thủy ngân, benzen, mangan, trinitrotoluen (TNT), arsen, nicotin, hóa chất trừ sâu, carbon monoxit và cadimi.

Các hóa chất kể trên đều là những chất độc đã được biết đến từ lâu, có nguy cơ gây nguy hiểm cho người lao động. Tùy loại hóa chất mà những tổn thương có thể là từ ngoài da cho đến tổn thương các hệ cơ quan (tim mạch, huyết học, thận, sinh sản, thần kinh trung ương,…), gây ung thư hay thậm chí tử vong.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của bệnh nghề nghiệp liên quan đến nhiễm độc xuất phát từ sự tiếp xúc với chất độc và các hợp chất của nó trong quá trình lao động. Mỗi ngành nghề khác nhau có nguy cơ mắc phải những bệnh nhiễm độc khác nhau, điều này được đề cập rõ trong Phụ lục của Thông tư 15/2016/TT-BYT của Bộ Y tế.

Trên thực tế, ngoài việc không thể tránh khỏi việc sử dụng các hóa chất độc hại trong sản xuất, tỷ lệ bệnh nghề nghiệp do nhiễm độc còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: quy trình sản xuất lạc hậu, biện pháp giám sát và quản lý của doanh nghiệp không đầy đủ, trang thiết bị bảo hộ tại nơi làm việc không đầy đủ, việc sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân không phù hợp và nhận thức về an toàn yếu kém của người lao động.

Triệu chứng

Dưới đây là một số triệu chứng điển hình của các bệnh nghề nghiệp liên quan đến nhiễm độc:

Bệnh nhiễm độc chì: Trường hợp cấp tính, bệnh nhân có thể có biểu hiện cơn đau bụng chì, nôn, các triệu chứng thần kinh trung ương (đau đầu, co giật, hôn mê,…), thiếu máu và suy thận cấp. Đối với nhiễm độc chì mạn tính, các triệu chứng thường không ồ ạt như trường hợp cấp tính, bệnh nhân có thể thấy dần suy nhược, thiếu máu và giảm hứng thú tình dục.

Bệnh nhiễm độc thủy ngân: Nhiễm độc cấp thủy ngân sẽ có triệu chứng ồ ạt bao gồm: khó thở, đau ngực, miệng có vị kim loại, viêm miệng và lợi, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, ban/rát da, viêm kết mạc, đau đầu, run giật cơ hay ảo giác,… Trong trường hợp nhiễm độc mạn tính, bệnh nhân có thể thấy run mi mắt, da mặt, ngón tay hoặc bàn tay khi nghỉ; ban/rát/viêm da, giảm thị lực và giảm thính lực.

Bệnh nhiễm độc benzen: Triệu chứng bệnh nghề nghiệp này tùy thuộc vào nồng độ bezen trong môi trường lao động và thời gian tiếp xúc. Thường thì benzen và dẫn chất của nó có thể gây đau đầu, chóng mặt, kích ứng da, mắt và đường hô hấp. Tiếp xúc lâu dài có thể gây bệnh lý não mạn tính, bệnh bạch cầu, u lympho và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Bệnh nhiễm độc mangan: Mangan gây kích thích niêm mạc, mắt, da khi tiếp xúc ở nồng độ cao, đồng thời kích thích, gây viêm đường hô hấp (ho, viêm phế quản, viêm phổi và giảm chức năng hô hấp). Khi nhiễm độc mạn tính, mangan tác động đến thần kinh trung ương (hội chứng Parkinson do mangan), bệnh nhân giai đoạn đầu cảm thấy suy nhược, sau đó suy giảm trí nhớ và cuối cùng là suy giảm khả năng phối hợp vận động (run, nói lắp, cứng cơ,…).

Bệnh nhiễm độc TNT: Bệnh nghề nghiệp do TNT gây viêm da tiếp xúc, tăng MetHb ở bệnh nhân (biểu hiện xanh xao, khó thở, đau đầu,…), tan máu cấp tính, suy tủy, tổn thương gan, đục thủy tinh thế và tổn thương cơ quan sinh dục.

Bệnh nhiễm độc arsen: Tổn thương da (dày sừng và rối loạn sắc tố ở lòng bàn tay, bàn chân, ngực và lưng) là triệu chứng điển hình của nhiễm độc arsen nghề nghiệp. Ngoài ra, arsen cũng có thể gây viêm đa dây thần kinh, thiếu máu, rụng tóc, sảy thai, thai dị tật hay ung thư. Trường hợp ngộ độc arsen cấp, bệnh nhân sẽ có triệu chứng co giật, hôn mê, tan máu ấp tính, tụt huyết áp và các triệu chứng tiêu hóa.

Bệnh nhiễm độc nicotin: Đối với trường hợp cấp tính, bệnh nhân sẽ biểu hiện mặt xanh tái, ứa nước bọt và vã mồ hôi lạnh, tim đập nhanh, run mí mắt và chuột rút. Với nhiễm độc nicotin mạn tính, bệnh nhân sẽ suy nhược, viêm kết mạc mắt, giảm thị lực, thay đổi huyết áp, tiêu hóa và hô hấp.

Bệnh nhiễm độc hóa chất trừ sâu: bệnh nghề nghiệp này khiến bệnh nhân có triệu chứng muscarin và nicotin điển hình như: da tái lạnh, co đồng tử, đau bụng, tiêu chảy, cảm giác khó thở, chẹn ngực, khám thấy ran ẩm, ran ngáy, ran rít ở phổi, suy hô hấp, phù phổi, nhịp tim chậm, co cứng hoặc liệt cơ, phản xạ gân xương tăng nhạy. Với bệnh nhân nhiễm mạn tính sẽ có triệu chứng nhẹ nhàng hơn nhưng lâu dài cũng gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Bệnh nhiễm độc carbon monoxit: Carbon monoxit khi ở nồng độ trong máu thấp có thể dẫn đến suy nhược và rối loạn thị giác. Ở nồng độ cao hơn có thể khó thở, đau đầu dữ dội, hôn mê, tiêu cơ vân, trụy tim mạch, ngừng thở và tử vọng. Phụ nữ có thai khi mắc bệnh nghề nghiệp này thường dẫn đến thai chết lưu, và dị tật thai nhi do thiếu oxy.

Bệnh nhiễm độc cadimi: bệnh nhân nhiễm độc khói cadmium oxide cấp tính có triệu chứng sốt và triệu chứng hô hấp tương tự như khi bị cảm cúm. Khi nhiễm độc nặng, bệnh nhân có thể tiến triển suy hô hấp và tử vong sau vài ngày do phù phổi cấp. Khi nhiễm độc mạn tính, cadimi gây tổn thương đa hệ cơ quan bao gồm: hô hấp, thận và xương.

Chẩn đoán

Những bệnh nghề nghiệp do nhiễm độc kể trên hầu hết được chẩn đoán dựa trên điều kiện làm việc, thời gian phơi nhiễm và triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân. Bên cạnh đó, tùy loại bệnh lý nhiễm độc mà sẽ có các phác đồ để chẩn đoán cụ thể, bao gồm việc khám lâm sàng, định lượng nồng độ chất độc trong máu hay các xét nghiệm sinh hóa khác.

Người lao động khi được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp do nhiễm độc cần được thải độc, giải độc kịp thời và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa các bệnh nghề nghiệp do nhiễm độc cần thực hiện các biện pháp sau:

Biện pháp kỹ thuật: Sử dụng các biện pháp ngăn ngừa sự hình thành hoặc sự ô nhiễm bụi hoặc hơi độc. Các quá trình sản xuất tốt nhất nên được tiến hành tự động và vận hành kín, có hệ thống thông gió, hút bụi, làm ẩm tại chỗ…

Biện pháp y tế: Khám sức khỏe định kỳ, phát hiện có người thâm nhiễm phải cho điều trị, ngừng tiếp xúc nếu cần cho chuyển việc.

Biện pháp cá nhân: Công nhân tiếp xúc với chất độc phải được trang bị và sử dụng quần áo bảo hộ lao động, đội mũ, đeo găng. Thay quần áo và vệ sinh cơ thể sạch sẽ sau ca lao động. Không được ăn uống và hút thuốc tại nơi làm việc.