Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tặng quà, chia sẻ khó khăn với người lao động ngành Y tế bị bệnh nghề nghiệp
03/06/2024 | 14:29 PM
|
Vừa qua, tại Hà Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương , Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động Trung ương cùng đoàn công tác của Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam đã đến thăm, tặng quà cán bộ y tế bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có hoàn cảnh khó khăn của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động Trung ương trao quà cho những cán bộ ngành y tế tỉnh Hà Nam bị bệnh nghề nghiệp, có hoàn cảnh khó khăn...
Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã trao các phần quà của Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động Trung ương cho 4 cá nhân mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi suất quà trị giá 5 triệu đồng.
Dịp này, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình cũng trao 6 suất quà, trị giá 3 triệu đồng/suất cho các cá nhân mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, có hoàn cảnh khó khăn.
Trao quà cho các cán bộ y tế mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, có hoàn cảnh khó khăn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các công đoàn cơ sở ở các đơn vị y tế phối hợp với chính quyền đoàn thể thực hiện tốt các chế độ, chính sách, quy định về an toàn vệ sinh lao động đối với người lao động, chăm lo quan tâm đến những lao động không may mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động...
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình và Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế Lương Mai Anh cùng đại diện ngành y tế Hà Nam trao tặng quà, động viên những cán bộ ngành y tế Hà Nam bị bệnh nghề nghiệp, có hoàn cảnh khó khăn.
Chia sẻ tại buổi lễ, đại diện nhân viên y tế bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động bày tỏ lời cảm ơn đến Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương và Công đoàn Y tế Việt Nam đã dành tình cảm và sự quan tâm đến nhân viên y tế của Hà Nam bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, có hoàn cảnh khó khăn.
Nữ điều dưỡng trưởng khoa đang công tác tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hà Nam cho hay, bản thân chị luôn chủ động trong công việc và xác định các yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh. Vì vậy trong quá trình đón tiếp, thực hiện y lệnh và chăm sóc người bệnh hàng ngày, chị luôn tuân thủ theo các hướng dẫn, quy trình, quy định về chuyên môn đã đề ra để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh.
"Môi trường điều trị bệnh nhân lao - một bệnh dễ lây nhiễm nhất do vi khuẩn phát tán trong không khí, lây qua đường hô hấp nhưng y bác sĩ thường xuyên và liên tục phải tiếp xúc với nguồn lây. Do đó, mặc dù Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hà Nam luôn quan tâm, coi trọng vệ sinh môi trường bệnh viện cũng như các quy định chặt chẽ đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động, nhưng không thể tránh khỏi lây nhiễm trong môi trường đó, tôi là một trường hợp như vậy" - nữ điều dưỡng chia sẻ.
Nữ điều dưỡng kể lại, với gần 30 năm công tác gắn bó với nghề, vào thời điểm đầu năm 2023 chị thấy mệt mỏi, ăn kém, gầy sút cân, sốt…, hạch bất thường vùng cổ... "Lúc đó tôi rất hoang mang, lo lắng, mất niềm tin vào cuộc sống nhưng được sự quan tâm, động viên, tích cực của gia đình, đồng nghiệp trong quá trình điều trị tại bệnh viện, tôi đã vượt qua" - nữ điều dưỡng nhớ lại.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương thăm hỏi, trò chuyện với người lao động y tế đang khám bệnh nghề nghiệp.
Nỗ lực hoàn thiện thể chế về lĩnh vực vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp ngành y tế
Trong ngày 13 -14/5/2024, cũng tại Hà Nam, Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo Tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 với sự có mặt của các đại biểu đến từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Cục An toàn lao động - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Giám định y khoa 25 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Cục Quản lý Môi trường y tế nhấn mạnh, sau những nỗ lực của ngành y tế thời gian qua, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người lao động đã được nâng lên. Công tác phòng ngừa, đánh giá rủi ro, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc sức khỏe người lao động được quan tâm hơn... Tuy nhiên, theo báo cáo của 63 tỉnh/thành phố năm 2023, công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Các đại biểu dự Hội thảo Tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2024.
Bên cạnh đó, một số văn bản đã ban hành từ năm 2016 đã có nội dung cần rà soát, sửa đổi, cập nhật để phù hợp hơn với thực tiễn và các quy định hiện hành của pháp luật bao gồm: Thông tư số 19/2016/TT-BYT hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động; Thông tư số 15/2016/TT-BYT quy định bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH; Thông tư số 28/2016/TT-BYT hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp.
Do đó, hội thảo này nhằm phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong năm 2023 và lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung đối với 3 Thông tư của Bộ Y tế, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Tin liên quan
- Bộ Y tế tập huấn hướng dẫn triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế
- Một số thông tin về bệnh bụi phổi than
- Bộ Y tế tăng cường truyền thông về phòng chống bệnh điếc nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp do dung môi cho người làm công tác y tế lao động
- Bệnh bụi phổi
- Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- Làm nghề nào dễ mắc bệnh bụi phổi?