Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước”
15/10/2024 | 15:44 PM
Ngày 15/10, tại Trung tâm Thông tin – Hội nghị tỉnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước”. Chủ trì hội thảo gồm các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Hữu Nghĩa, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Cùng dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu…
Các đại biểu dự hội thảo
Về phía tỉnh Hưng Yên có đồng chí: Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh…
Tại hội thảo, các đại biểu nghe thư của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi Hội thảo khoa học quốc gia “Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước”.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn tại hội thảo
Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh một số vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng đại biểu tập trung thảo luận tại hội thảo: Gắn kết chặt chẽ quan điểm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hài hoà với quan điểm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, làm cơ sở cho việc ban hành, tổ chức thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người… Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người không chỉ có ý nghĩa xây dựng năng lực mà còn là chìa khoá để phát huy được đầy đủ sức mạnh nội sinh của mỗi người và mọi người, tạo nên sức mạnh của con người Việt Nam, sức mạnh của quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển; không chỉ đặt con người mà còn xác lập rõ hơn quyền con người ở vị trí trung tâm của quá trình phát triển, con người có quyền tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển… Đối với cá nhân, cần bảo đảm sự toàn diện về thể chất và tinh thần theo các tiêu chí phát triển con người. Đối với quốc gia, dân tộc, đó là một tiến trình toàn diện hướng tới sự hưng thịnh về văn hóa, kinh tế, môi trường, an ninh, chính trị và xã hội mà mục đích hướng tới là cải thiện không ngừng phúc lợi của toàn thể Nhân dân và của tất cả các dân tộc cùng sinh sống; thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản của con người, bảo đảm sự phân bổ công bằng các lợi ích thu được từ sự phát triển. Do đó, tiêu chí đánh giá sự thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển chính là con người được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và về môi trường, quốc phòng, an ninh… Muốn hiện thực hóa quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, cần phải đặt quyền con người là trung tâm trong mọi chính sách, chương trình, kế hoạch và trong suốt quá trình phát triển; thực hiện tốt quyền tham gia và quyền thụ hưởng thành quả phát triển có ý nghĩa quyết định đối với việc hiện thực hóa quan điểm lấy con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển đất nước…
Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chào mừng tại hội thảo
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nhấn mạnh: Văn hoá Hưng Yên được hình thành, kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử lao động sáng tạo, chiến đấu anh dũng, kiên cường trong công cuộc dựng nước và giữ nước cùng dân tộc Việt Nam cũng như được tôi luyện, thử thách trước thiên tai, thiên nhiên khắc nghiệt. Hưng Yên là vùng đất văn hiến, giàu truyền thống văn hoá, có lịch sử vẻ vang, cách mạng, anh hùng, thể hiện bản sắc, cốt cách, khí phách, những giá trị bền vững, tinh hoa của con người Hưng Yên và con người Việt Nam với những phẩm chất cao đẹp. Ngay từ khi được tái lập năm 1997, tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm phát triển con người, bảo đảm quyền con người và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên từ lần thứ XIV đến lần thứ XIX đều có những chủ trương, nhiệm vụ quan trọng về phát triển con người, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân và phát huy các giá trị con người, giá trị văn hóa truyền thống Hưng Yên. Nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách xã hội quan trọng, đúng đắn, công bằng vì con người của tỉnh đã được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả đã trở thành động lực phát huy sức mạnh của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công cuộc đổi mới và phát triển tỉnh Hưng Yên… Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã đạt nhiều thành tựu phát triển to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu đạt được đến nay và việc hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng phát triển nói trên là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt, quyết định của Đảng và có vai trò đóng góp to lớn của Nhân dân. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển con người toàn diện, phát huy giá trị con người, văn hóa truyền thống đi đôi với bảo đảm quyền con người; lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể, nguồn lực và động lực phát triển nhanh, bền vững quê hương, đất nước...
Đoàn chủ tọa hội thảo
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 75 tham luận của các nhà khoa học, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Tại hội thảo diễn ra 2 phiên gồm: Phiên tham luận, phát biểu và phiên thảo luận bàn tròn. Trong đó, phiên 1 với nội dung: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về lấy con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước, các đại biểu đã được nghe các tham luận gồm: Công nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, lấy con người là trung tâm trong chiến lược phát triển; một số vấn đề lý luận về lấy con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước ở Việt Nam; quan điểm, cách tiếp cận lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước – kinh nghiệm thực tiễn xây dựng pháp luật; phát huy giá trị quyền con người trong hoạch định chính sách an ninh con người gắn với xây dựng thế trận lòng dân và bảo vệ an ninh quốc gia ở Việt Nam hiện nay; các điều kiện bảo đảm quyền tham gia của người dân và quyền được hưởng thụ thành quả trong hoạch định chính sách quốc phòng, giữ vững ổn định đất nước ở Việt Nam hiện nay; quan điểm, cách tiếp cận về lấy con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước – kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới và giá trị tham khảo cho Việt Nam.
Các đại biểu dự hội thảo
Tại phiên thứ 2 của hội thảo với nội dung: Vận dụng quan điểm, cách tiếp cận lấy con người, quyền con người là trung tâm, chủ thể và động lực phát triển đất nước. Trong đó, các đại biểu đã trao đổi cách tiếp cận lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay; bảo đảm quyền con người, lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; lấy con người, quyền con người làm trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội từ thực tiễn tỉnh Hưng Yên…
Thảo luận, tọa đàm bàn tròn tại hội thảo
Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá: Hội thảo đã đạt được một số kết quả quan trọng; đồng thời khẳng định việc lấy con người làm trung tâm trong quá trình phát triển là yếu tố quyết định sự thành công của các chính sách phát triển xã hội. Quyền con người được xác định là giá trị phổ quát và cao quý, kết tinh những giá trị của nền văn minh nhân loại. Để hiện thực hóa chủ trương coi con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước cần thể chế hóa thành chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả. Chính sách cần xuất phát từ nhu cầu, quyền lợi của người dân, bảo đảm mọi người đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển. Hội thảo chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế trong việc lấy con người làm trung tâm; rút ra một số bài học kinh nghiệm cho quá trình phát triển của Việt Nam. Hội thảo đánh giá kết quả vận dụng các quan điểm, phương pháp lấy con người và quyền con người làm trung tâm trong xây dựng chính sách phát triển; làm sáng tỏ những thách thức mới trong bối cảnh phát triển đất nước hiện nay. Từ đó, đề xuất các khuyến nghị, giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả trong xây dựng các chính sách phát triển đặt con người làm trung tâm, chủ thể…
Đồng chí Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu bế mạc hội thảo.
Nguồn: Báo Hưng Yên
Tin liên quan
- Số ca mắc sởi tăng 130 lần, cần tuân thủ 5 khuyến cáo phòng chống bệnh này
- Bộ Y tế đề xuất không xử lý kỷ luật đối với đảng viên sinh con thứ 3
- 3 quy định mới về BHYT tạo thuận lợi cho người dân từ 1/1/2025
- Bệnh tim mạch đang ngày càng trẻ hoá, mỗi năm 200.000 người Việt tử vong vì bệnh này
- Kosovo phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên ở một người trở về từ châu Phi
- Bộ Y tế đề xuất quy định mới áp dụng tiêu chuẩn GMP với các thuốc có nguy cơ cao
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói