Thông tin báo chí: Lễ ký kết văn bản thoả thuận giữa Bộ Y tế với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác phát triển tại Việt Nam về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam

24/06/2015 | 08:02 AM

 | 

THÔNG TIN BÁO CHÍ :

LẾ KÝ KẾT VĂN BẢN THỎA THUẬN

GIỮA BỘ Y TẾ VỚI BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN,

BỘ CÔNG THƯƠNG, BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

VÀ CÁC ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN TẠI VIỆT NAM

VỀ PHÒNG CHỐNG KHÁNG THUỐC TẠI VIỆT NAM

(Hà Nội, 24/6/2015)

 

Ngày 24/6, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ tài nguyên và môi trường và các đối tác phát triển có mặt tại đây để cùng ký kết Văn bản thoả thuận giữa Bộ Y tế, các Bộ/ngành với các đối tác phát triển tại Việt Nam về phòng chống kháng thuốc. Đây là hoạt động quan trọng, thiết thực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc phòng chống kháng thuốc ở Việt Nam.

 Hội nghị có sự tham dự của Lãnh đạo 4 Bộ, các Vụ, cục liên quan, đại diện các tổ chức quốc tế là WHO, FAO, USAIDS, CDC, OUCRU, JICA…và một số Đại sứ quán các nước ở Việt Nam như  ĐSQ Mỹ, Anh, Hà Lan, Nhật Bản… cùng các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực y dược, nông nghiệp.

          Phát biểu tại buổi lễ, Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, mô hình bệnh tật của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, tỷ lệ bệnh lây nhiễm vẫn còn ở mức cao, tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, vì thế việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Song việc sử dụng kháng sinh không thích hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn vv đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng; chính vì thế các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao”

Theo số liệu báo cáo của 15 bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện đa khoa tỉnh ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh,… về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh giai đoạn 2008 - 2009 cho thấy: năm 2009, 30 - 70% vi khuẩn gram âm đã kháng với cephalosporin thế hệ 3 và thế hệ 4, gần 40-60% kháng với aminoglycosid và fluoroquinolon. Gần 40% chủng vi khuẩn Acinetobacter giảm nhạy cảm với imipenem. 

Sử dụng kháng sinh trung bình là 274,7 DDD/100 ngày-giường. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với báo cáo của Hà Lan cùng kỳ là 58,1 DDD/100 ngày-giường và báo cáo từ 139 bệnh viện của 30 nước châu Âu năm 2001 là 49,6 DDD/100 ngày-giường.

Sự tương quan giữa việc dùng kháng sinh và kháng kháng sinh thể hiện rõ khi tỷ lệ kháng của vi khuẩn gram âm đối với cephalosporin thế hệ 4 cao ở những nơi việc tiêu thụ kháng sinh lớn.

            Theo kết quả “Tìm hiểu thực trạng sử dụng kháng sinh trong nhiễm khuẩn bệnh viện tại các đơn vị điều trị tích cực ở một số cơ sở khám, chữa bệnh” cho thấy 4 chủng vi khuẩn phân lập được nhiều nhất là Acinetobacter spp, Pseudomonas spp, E.coli, Klebsiella spp. Tần xuất nhiễm Acinetobacter spp. hay Pseudomonas spp. chiếm tỷ lệ ưu thế (>50%) trong viêm phổi bệnh viện (thở máy hay không thở máy). 4 chủng này đều là vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Sự kháng thuốc cao đặc biệt ở nhóm cephalosporin thế hệ 3, 4 (khoảng từ 66-83%) tiếp theo là nhóm aminosid và fluoroquinolon tỷ lệ kháng xấp xỉ trên 60%.

            Sự kháng thuốc cao còn được phản ánh qua việc sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm ban đầu không phù hợp với kết quả kháng sinh đồ là 74%.

Năm 2011, nhân ngày Sức khoẻ thế giới 7/4, Tổ chức Y tế thế giới đã lấy khẩu hiệu “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” để kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc. 

Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi này và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 (Quyết định số 2174/QĐ-BYT ngày 21/6/2013), với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân

 

Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm: “ Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”. Đó là:

1.      Nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc.

2.      Tăng cường, hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc 

3.      Bảo đảm cung ứng đầy đủ các thuốc có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

4.      Tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý 

5.      Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn.

6.      Tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản

Kế hoạch phòng chống kháng thuốc là Kế hoạch liên ngành, đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các Bộ/ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc chứ không chỉ riêng trong ngành y tế.

Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống kháng thuốc (Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày 13/3/2014) và thành lập 9 tiểu ban giám sát kháng thuốc; đã ban hành nhiều văn bản pháp quy về hoạt động dược lâm sàng; kê đơn, sử dụng thuốc trong điều trị; thông tin thuốc; kiểm chuẩn xét nghiệm; kiểm soát nhiễm khuẩn BV; xây dựng tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, hướng dẫn sử dụng kháng sinh; thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn, đào tạo liên tục cho cán bộ y tế để nâng cao trình độ, kỹ năng về thực hành kê đơn thuốc tốt, thực hành dược lâm sàng, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị,...

                   Thời gian qua, Bộ Y tế đã nhận được sự hợp tác của các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển như WHO, FAO, USAIDS, CDC, OUCRU, JICA, chính phủ Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Nauy …Để triển khai thành công Kế hoạch hành động này cần có sự phối hợp chỉ đạo của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và môi trường, sự phối hợp hành động của tất cả các cấp, các ngành, từ cơ quan trung ương đến địa phương: Các đơn vị thuộc Bộ Y tế: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng, Cục phòng, chống HIV/AIDS, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Truyền thông thi đua và khen thưởng,…Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và các  đối tác phát triển.

.

 Để biết thêm thông tin:

ThS Ngô Thị Bích Hà

Phòng Nghiệp vụ Y- Dược BV, Cục QLKCB Bộ Y tế

ĐT: 04.62732445​

​​

Thăm dò ý kiến