Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Chuyển tới trang đầy đủ

Bệnh viện Bạch Mai thực hiện Chỉ thị 08 của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa

12/09/2019 | 15:41 PM

 | 

Thực hiện Chỉ thị 08 của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế, Bệnh viện Bạch Mai đã và đang triển khai nhiều việc làm tích cực, hướng đến sử dụng các loại vật liệu thân thiện.

 

Những việc làm thiết thực

Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước, vậy nên Ban Giám đốc bệnh viện luôn chú trọng mọi điều kiện để nâng tầm sự phát triển, đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Riêng về việc giảm thiểu chất thải nhựa, trước khi Bộ Y tế ra chỉ thị 08, bệnh viện đã quan tâm đến việc giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động. Như với những túi đựng rác, khi đưa ra hồ sơ mời thầu, bệnh đều yêu cầu những túi đựng đều phải là dùng vật liệu tự tiêu hủy được. Trong chủ trương mua sắm, ưu tiên các bao bì không phải chất thải nhựa....

Khuôn viên các Khoa, Phòng luôn xanh - sạch - đẹp.

Còn theo Tiến sĩ Trương Anh Thư – Phó trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai (BV – PV) thì mỗi ngày BV phát sinh khoảng 12-13 tấn chất thải. Trong đó có khoảng 10% là chất thải nhựa. Bởi vậy, bệnh viện đã triển khai nhiều biện pháp tích cực để khắc phục sự tồn dư của rác thải nhựa.

Đơn cử như việc phân loại tái chế và hạn chế sử dụng các chai nước bằng nhựa. Nếu như trước kia các chai vỏ chai nước uống bị vứt lẫn các chất thải khác để mang đi chôn lấp, thì nay nhờ sự tuyên truyền của cán bộ y bác sĩ đến người nhà và bệnh nhân, các vỏ chai được phân loại riêng biệt để trực tiếp tái chế sau đó.

Mặt khác, BV đầu tư lắp đặt nhiều máy lọc nước tinh khiết đặt tại hàng lang các Khoa/Phòng/Trung tâm. Người bệnh có thể thuận tiện lấy nước uống thông qua cốc thủy tinh, cốc giấy, bình inox mà không phải mua các chai nước bằng nhựa.

Trong các buổi giao ban đầu tuần qua tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi chỗ ngồi của các lãnh đạo khoa, phòng đều được bố trí một ly sứ hoặc thủy tinh để uống trà, nước lọc thay cho các chai nhựa đựng nước suối, kèm ống hút như lâu nay. Từ những việc làm đơn giản mà thiết thực này, thói quen sử dụng đồ nhựa của nhân viên y tế và người bệnh cũng dần đổi thay.

Người bệnh sử dụng nước tinh khiết bằng cốc thủy tinh, hạn chế cốc nhựa, chai nhựa.

Hiện tại, trong các suất ăn hằng ngày cung cấp cho người bệnh và nhân viên y tế, nhà ăn bệnh viện đã không dùng các loại cốc nhựa, bát và hộp nhựa dùng một lần, mà thay thế bằng đồ có thể tái sử dụng như khay cơm inox...

Ngoài ra, Bệnh viện đã và đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp nhằm giảm thiểu chất thải nhựa như: sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân bằng giấy, cao su thay cho vật liệu nhựa (mũ giấy, găng cao su, bốt giấy);

Thay thế các thùng gom chất thải loại nhỏ (30 lít) đặt tại mỗi buồng bệnh bằng 01 thùng to (120-240 lít) đặt tại cuối dãy hành lang của khu vực buồng bệnh để giảm thiểu lượng thùng/túi nhựa gom chất thải, lại vừa đảm bảo mỹ quan và vệ sinh môi trường.

Bám sát Chỉ thị 08 để thực hiện

Cũng theo ông Hiền, BV đi tắt đón đầu và đã đạt được nhiều kết quả trong việc giảm thiểu chất thải nhựa. Hơn hết, là một đơn vị đi đầu trong việc ký cam kết thực hiện với Bộ Y tế, thời gian tới BV Bạch Mai tiếp tục bám sát Chỉ thị 08/CT-BYT để thực hiện có hiệu quả việc giảm thiểu chất thải nhựa trong toàn BV.

Bệnh viện dùng các thùng chứa rác cỡ lớn thay thế cho các thùng rác nhỏ nhằm giảm thiểu lượng thùng/túi nhựa gom chất thải.

Bệnh viện tiếp tục tổ chức những buổi hội nghị để tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bệnh viện cũng như sự phối hợp tham gia của người bệnh, người nhà người bệnh không sử dụng các sản phẩm ly nhựa, hộp nhựa sử dụng một lần, thay vào đó là sử dụng ly sành sứ, ca men, bình đựng nước sử dụng nhiều lần.

Đưa tiêu chí giảm thiểu chất nhựa vào nội dung đánh giá khoa/phòng xanh - sạch - đẹp, đồng thời bố trí nguồn nhân lực để duy trì việc kiểm tra, giám sát tại các đơn vị trong bệnh viện.

Còn theo Tiến sĩ Trương Anh Thư – Phó trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, hiện tại, BV đang triển khai nghiên cứu để xây dựng Đề án hấp khử khuẩn chất thải lây nhiễm nhằm tăng cường tái chế chất thải y tế, biến chất thải nhựa lây nhiễm phải chuyển đi tiêu hủy thành chất nhựa thông thường có thể tái chế được; Xây dựng tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa trong kế hoạch đấu thầu, mua sắm hàng hóa.

Tuy nhiên, khi triển khai giai đoạn đầu, khó khăn nhất lại không phải ở vấn đề kinh phí, mà phải giải thích cho bệnh nhân hiểu để họ đồng thuận tham gia.

Tiến sĩ, Bác sĩ Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Khi thực hiện việc không dùng đồ nhựa một lần thì điều khó khăn nhất vẫn là thay đổi thói quen hàng chục năm nay của người dân.

Khi đi khám chữa bệnh, chăm người nhà họ thường mang theo đủ thứ chai lọ đựng nước nhưng bệnh viện chỉ có thể tuyên truyền về ý thức, chứ không thể nghiêm cấm họ không được sử dụng. Do đó, việc này muốn thay đổi, nâng tầm ý thức là cả một vấn đề lâu dài. Còn trong các cơ sở y tế, tôi nghĩ việc thực hiện trong nhân viên y tế không khó khi có một nội quy, quy định và có chế tài xử lý phù hợp.

Ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức, việc phân loại rác thải từ nguồn được Bệnh viện quan tâm.

Chúng tôi hiện chú trọng vào việc tuyên truyền để thay đổi hành vi, thói quen của nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và tuân thủ thực hiện việc thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải, nhất là rác thải nhựa ngay từ nơi phát sinh và tăng cường tái chế, xử lý đúng quy trình”.

Với trọng trách là BV thuộc Bộ Y tế, để việc thực hiện Chỉ thị 08/CT-BYT có hiệu quả hơn, ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Từ thực tế hoạt động, chúng tôi đang nghiên cứu để thời gian tới có thể đề xuất điều chỉnh Thông tư 58 /2015/TTLT-BYT-BTNMT, không yêu cầu các cơ sở y tế phải lót túi nilong trắng trong thùng/hộp trắng có nắp đậy.

Việc loại bỏ các túi nilon trắng lót bên trong các xô/thùng trắng không gây ảnh hưởng tới an toàn của người và môi trường, đồng thời giúp giảm chi phí mua túi nilon (2.000 - 3.000 đồng/chiếc) và giảm đáng kể lượng chất thải nhựa, giúp giảm chi phí, lượng chất thải phát sinh cho các cơ sở y tế”.