Điểm tin y tế ngày 7/4/2019

08/04/2019 | 13:00 PM

 | 

I. THÔNG TIN Y TẾ TRONG NƯỚC

  1. Nâng cao vị thế công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu

Hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới năm nay do Tổ chức Y tế thế giới phát động với chủ đề "Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân", ngành y tế Việt Nam triển khai các hoạt động tăng cường nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân chủ động chăm sóc sức khỏe ban đầu. Mặt khác huy động sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, vận động nguồn lực xã hội nhằm triển khai sâu rộng, đồng bộ các hoạt động nâng cao sức khỏe người dân.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe người dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới. Những mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu… đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đó là ô nhiễm môi trường sống, thay đổi các yếu tố về hành vi lối sống... đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và chết sớm do bệnh tật, nhất là các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mãn tính về đường hô hấp. Những căn bệnh này là những "sát thủ" hàng đầu, đang chiếm 73% số người chết hằng năm.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và chết cao đối với các bệnh không lây nhiễm xuất phát từ lối sống và sự chủ quan của người Việt Nam như: hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn ít rau xanh, trái cây, ăn nhiều muối, thiếu hoạt động thể lực… Tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu… đều có xu hướng gia tăng nhanh. Trong khi đó, mạng lưới y tế tuyến cơ sở chưa quản lý được các bệnh mãn tính, nhiều nơi năng lực còn hạn chế, phần lớn người dân chưa có ý thức kiểm tra sức khỏe định kỳ, sàng lọc phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm và lười rèn luyện thể chất.

Nhiều nghiên cứu và thống kê cho thấy có 77% số người dân hiểu sai về bệnh tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ của bệnh; hơn 70% số người dân không biết cách phát hiện sớm và dự phòng bệnh tăng huyết áp; chỉ có hơn 30% số người bệnh đái tháo đường trong độ tuổi từ 18 đến 69 tuổi được chẩn đoán (còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán). Tỷ lệ chết do ung thư của Việt Nam là 70% vì đến khám bệnh ở những giai đoạn muộn, khả năng chữa trị hạn chế. Và có từ 25 đến 50% số người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không được chẩn đoán đúng trước khi nhập viện điều trị.

Ngày 27-2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phát động chương trình Sức khỏe Việt Nam, tập trung vào 11 lĩnh vực, chia làm ba nhóm: Nâng cao sức khỏe (bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực); Bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh (chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh, phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống tác hại của rượu, bia, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm); Chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát bệnh tật (phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm; chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe người lao động).

Thiết thực triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Bộ Y tế đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thanh niên và các tổ chức quốc tế triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thực hành của mỗi người dân để thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe, tự chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng. Tăng cường sự tham gia, phối hợp liên ngành để xây dựng môi trường nâng cao sức khỏe, giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe cho người dân và cộng đồng; bảo đảm cho mọi người dân được quản lý, theo dõi sức khỏe liên tục và lâu dài để dự phòng, phát hiện sớm và điều trị, chăm sóc sức khỏe toàn diện và hiệu quả.

Nhân Ngày sức khỏe thế giới, Bộ Y tế, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức nhiều hoạt động với mong muốn thông qua những hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khám sàng lọc và tư vấn để cùng vận động các tầng lớp xã hội và cộng đồng chung tay phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. Các hoạt động được tập trung trong dịp này là các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, huy động sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, vận động nguồn lực xã hội nhằm cổ vũ các hoạt động nâng cao sức khỏe người dân Việt Nam. Phát huy vai trò của thầy thuốc trẻ và thanh niên Việt Nam trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về các yếu tố nguy cơ và tầm quan trọng của việc phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm, tăng cường y tế tuyến cơ sở.

  1. Nhiều hoạt động nhân Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4)

Bộ Y tế cho biết, nằm trong chương trình hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới và nhân Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4), Viện Huyết học - Truyền máu trung ương sẽ phối hợp các tình nguyện viên tổ chức vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện nhằm góp phần bảo đảm cung cấp kịp thời máu và các chế phẩm máu an toàn cho công tác cấp cứu, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc.

Hoạt động vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện sẽ diễn ra từ 7 giờ 30 phút đến 12 giờ hôm nay (7-4) tại Tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

* Ngày 6-4, tại thành phố Hà Giang, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Hà Giang, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện "Giọt máu hồng trên miền đá" lần thứ 4 với thông điệp "Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống". Chương trình thu hút 2.250 người tham gia hiến máu. Kết quả, ban tổ chức tiếp nhận được 682 đơn vị máu. Ðây là món quà quý gửi đến người bệnh, góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu trong điều trị tại các bệnh viện.

  1. Hà Nội: Người dân tin tưởng khám bệnh trạm y tế

Sau một thời gian triển khai thực hiện mô hình điểm trạm y tế (TYT), TYT xã Tân Hội, huyện Đan Phượng đã dần tạo được niềm tin của người dân trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Điều đó thể hiện ở số lượng người bệnh đến khám đã tăng lên.

Theo báo cáo của TYT xã Tân Hội tại buổi kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ngày 4-4, tổng số lượt khám chữa bệnh quý 1-2019 là 3.232 lượt, trong đó 1.679 lượt được thanh toán BHYT và 1.553 lượt miễn phí do chưa được thanh toán BHYT (châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại). Bình quân khoảng 50-60 lượt bệnh nhân đến khám mỗi ngày, tăng hơn 2 lần so với khi chưa triển khai TYT điểm.

Bên cạnh đó, công tác quản lý bệnh không lây nhiễm, tính đến 31-3 có tổng số 375 bệnh nhân tăng huyết áp được lập hồ sơ quản lý điều trị tại trạm; 98 bệnh nhân đái tháo đường được lập hồ sơ quản lý điều trị tại trạm trên tổng số 109 hồ sơ. Việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân đạt 97%, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 91%.

Nhìn chung, từ khi triển khai mô hình TYT điểm của Bộ Y tế, TYT xã Tân Hội đã được nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao tay nghề; bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại trạm được thuận lợi đặc biệt là các bệnh mạn như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh về xương khớp, di chứng sau đột quỵ… được trực tiếp các bác sỹ của BV tuyến Trung ương, TP khám điều trị ngay tại tuyến y tế cơ sở.

Bên cạnh đó công tác quản lý bệnh không lây nhiễm theo mô hình bác sỹ gia đình thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý sức khỏe cho các thành viên trong gia đình nhằm phát hiện và điều trị sớm tiền tăng huyết áp, tiền đái tháo đường… thay đổi lối sống sinh hoạt phù hợp để phòng và ngăn ngừa sự tiến triển, các biến chứng của bệnh.

Đánh giá về việc thực hiện mô hình điểm tại TYT xã Tân Hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã ghi nhận những cố gắng mà TYT và Trung tâm y tế huyện Đan Phượng đã đạt được thời gian qua trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, việc thực hiện TYT điểm nói riêng khiến người dân đã tin tưởng y tế cơ sở hơn.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu TYT xã Tân Hội khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai mô hình trạm y tế điểm; đề nghị hoàn thiện, bổ sung các máy móc, trang thiết bị, mẫu thử xét nghiệm cho TYT. Bổ sung các dịch vụ khám sàng lọc bệnh ung thư như: Ung thư vú, ung thư cổ tử cung và hoàn thiện đội ngũ nhân lực để phuc vụ tốt nhất cho người dân đến khám tại TYT, đẩy mạnh công nghệ thông tin kết nối với các BV tuyến trên. Trung tâm y tế huyện cần có kế hoạch điều chuyển cán bộ xuống trạm, bổ sung nguồn nhân lực cán bộ tại trạm đảm bảo công tác khám chữa bệnh…

Nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, do đó Bộ trưởng giao Vụ Truyền thông thi đua khen thưởng cùng Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương làm các video về chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, tiểu đường, tim mạch, huyết áp, rửa tay sạch, tập thể dục giữa giờ… có thời lượng 3 phút để phát tuyên truyền tại trạm y tế, giúp người dân khi đến khám được tiếp cận thông tin tốt hơn.

  1. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tiếp Phó Tổng Giám đốc IAEA

Chiều ngày 05/4/2019 tại trụ sở Bộ Y tế, PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có buổi tiếp Bà Najat Mokhtar, Phó Tổng Giám đốc IAEA thăm và làm việc với Bộ Y tế trên cương vị Phó Tổng Giám đốc IAE. Tham giai Buổi tiếp có đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế.

Phát biểu tại Buổi tiếp, Bà Najat Mokhtar, Phó Tổng Giám đốc IAEA cho biết mục đích của buổi làm việc với Bộ Y tế là để tìm hiểu tình hình ứng dụng khoa học và kỹ thuật hạt nhân trong y tế, cũng như trao đổi tình hình hợp tác giữa IAEA với Ngành Y tế Việt Nam.

Bà Najat Mokhtar, Phó Tổng Giám đốc IAEA cho biết thêm : IAEA đã có 11 hoạt động, dự án hợp tác với Ngành Y tế, trong đó có 02 hoạt động, dự án về nâng cao khả năng xạ trị và nâng cao phòng chống ung thư với kinh phí khoảng 420 ngàn USD và 09 hoạt động dự án khác liên quan đến dinh dưỡng cho trẻ em và trẻ sơ sinh với kinh phí khoảng 80 ngàn EUR.

Các hoạt động, dự án hỗ trợ hợp tác của IAEA dành cho Ngành Y tế chủ yếu tập trung vào đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cho nguồn nhân lực của Ngành Y tế thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, tập huấn, mua sắm dụng cụ phục vụ công tác nghiên cứu thử nghiệm… đầu mối hợp tác của Ngành Y tế Việt Nam là Bệnh viện K, Viện Ung thư quốc gia, Viện Dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, IAEA cũng hỗ trợ cho hoạt động truyền thông và tổ chức khám sàng lọc ung thư cổ tử cung cho, đào tạo về khám sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho một số lượng phụ nữ ở TP.Hà Nội và Cần Thơ 420 ngàn USD.

IAEA cũng tham mưu Bộ Khoa Học & Công Nghệ chọn lựa các Bệnh viện được trang bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu triển khai kỹ thuật IMRT, và các học viên có năng lực, kinh nghiệm với kỹ thuật xạ trị IMRTtham dự các khoá đào tạo ngắn hạn về kỹ thuật xạ trị IMRT tại các nước có trình độ thực hành lâm sàng tốt như: Australia, Singapore, Philipine, Austria, Thailand….

Phát biểu tại Buổi làm việc, PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế chúc mừng Bà Najat Mokhtar, trên cương vị mới là Phó Tổng Giám đốc IAEA và hy vọng Bộ Y tế và cá nhân Bà cũng như IAEA tiếp tục hợp tác với Bộ Y tế trong thời gian tới.

PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị IAEA tiếp tục hợp tác hỗ trợ Việt Nam trong các dự án như:  hỗ trợ đào tạo nâng cao và kiểm soát chất lượng xạ trị cho đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên tại các bệnh viện chuyên khoa ung bướu, kỹ thuật động vị bền cho nhân viên dinh dưỡng; Tăng cường hỗ trợ hoạt động phòng chống ung thư quốc gia Việt Nam; Hỗ trợ các kỹ thuật mới như xạ trị Proton trong xạ trị ung thư, kỹ thuật đồng vị bền để phát triển các can thiệp thúc đẩy dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; Hỗ trợ phòng thí nghiệm và kỹ thuật cho nghiên cứu Dinh dưỡng bằng Kỹ thuật Đồng vị bền và IRMS để giúp ứng dụng năng lượng nguyên tử trong công tác đánh giá hiệu quả can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, hướng tới đạt mục tiêu SDGs theo cam kết của Chính phủ Việt Nam.

  1. Trạm y tế theo nguyên lý Y học gia đình: "Bệnh viện" gần dân

Bảy trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình tại TP HCM mới hoạt động 4 tháng nhưng đã được nhiều người tin tưởng đến khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối. Có mặt từ sớm ở Trạm Y tế (TYT) phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM, chị N.T.P (44 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) kể đang trên đường đưa con đi học thì bé N.T.H.C (10 tuổi) than mệt, nhức đầu, ho, sốt nhẹ…

Nhanh chóng, tiện lợi

Thay vì chở bé đến Bệnh viện (BV) quận Bình Thạnh như trước đây thì chị lại đưa bé đến TYT phường 13 để khám bệnh cho con. Sau khi được bác sĩ (BS) Lê Hoài Nam - Trưởng TYT phường 13 - ân cần thăm khám, ghi nhận bé bị viêm họng và cho uống thuốc…, bé được mẹ đưa đến trường kịp lúc mà không phải nghỉ học. Theo chị P., trước đây, mỗi khi con bệnh, bé phải nghỉ học 1 ngày, chị cũng mất 1 ngày công để đưa bé đi khám bệnh. Vì khám ở BV quận rất đông, phải mất cả buổi sáng, có khi đi trễ lại dời sang buổi chiều nên phải chầu chực đợi khám rồi lấy thuốc.

"Trước đây gia đình tôi chỉ đến BV, ngại vào TYT vì không tin tưởng nhưng từ khi trạm được "nâng cấp", dịch vụ khám chữa bệnh như một BV thu nhỏ, có sự hỗ trợ của các BS BV tuyến cuối thì người dân chúng tôi tin tưởng. Trước đây phải mất cả buổi để được khám bệnh thì nay chúng tôi chỉ mất khoảng 30 phút mà được BS tư vấn, thăm khám kỹ" - ông N.T.H, 65 tuổi, cán bộ hưu trí, nhận xét.

Sáng sớm, tại TYT phường 12, quận Gò Vấp cũng rất nhộn nhịp. Nhiều người xách giỏ, đội nón đi chợ, tập thể dục hào hứng ghé đến để BS Hồ Đắc Hưng châm cứu, tập vật lý trị liệu, đo huyết áp… rồi mới tiếp tục các công việc khác. Ông T.Q.H (84 tuổi; ngụ phường 12, quận Gò Vấp) kể vợ chồng ông đều là lão thành cách mạng, những di chứng trong thời kỳ bị địch giam cầm phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe khi lớn tuổi. Vì vậy cả hai vợ chồng thường xuyên đến BV. Tuy nhiên, mỗi lần đến BV là một trở ngại lớn, vì đường xa, di chuyển khó, tốn kém… "Từ lúc TYT phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình (YHGĐ), chúng tôi thấy rất gần gũi, được các BS rất quan tâm, nhiệt tình thăm khám, tư vấn, điều trị bệnh. Việc mở ra nhiều TYT như trên là rất cần thiết cho người dân" - ông H. nhận định.

Quản lý sức khỏe người dân tốt hơn

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, thông tin hiện có 7 TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ được thành lập và hoạt động rất hiệu quả trong việc giảm tải được một lượng lớn bệnh nhân cho các BV tuyến cuối, đặc biệt quản lý được sức khỏe người dân. Đó là TYT phường 13, quận Bình Thạnh; TYT phường 12, quận Gò Vấp; TYT phường Tân Hưng, quận 7; TYT phường 15, quận Tân Bình; TYT Tân Quý, quận Tân Phú; TYT Bình Chiểu, quận Thủ Đức; TYT Thạnh An, huyện Cần Giờ. Từ đây đến cuối năm, sở sẽ quy hoạch lại toàn bộ các trạm và sẽ phủ sóng đều 24 quận, huyện.

Theo ông Thượng, tùy đặc thù của mỗi trạm như những nơi gần trung tâm, gần BV, TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ gồm 2 chức năng; còn các quận, huyện xa trung tâm, BV thì TYT sẽ hoạt động gồm 3 chức năng như dự phòng, quản lý sức khỏe người dân, khám chữa bệnh ban đầu. Bệnh nhân khi khám bệnh tại trạm sẽ được thanh toán BHYT 100% và trạm sẽ lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho bệnh nhân.

Ông Thượng khẳng định các TYT này sẽ hoạt động theo nguyên lý YHGĐ với các nhiệm vụ cụ thể: Truyền thông giáo dục, nâng cao sức khỏe; lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân với mục tiêu 90% dân số vào năm 2020 và 100% dân số vào năm 2025 được quản lý sức khỏe; quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe trẻ em, người cao tuổi; công tác dân số; phòng bệnh, tập trung vào triển khai tốt công tác tiêm chủng,…

"Trước đây, do điều kiện khó khăn, người dân khi có bệnh mới đến BV để thăm khám. Còn hiện nay, không phải chờ bệnh mới đi khám bệnh mà người dân cần nâng cao sức khỏe để giảm thiểu bệnh tật… Do vậy, TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ ra đời nhằm mục đích quan tâm sức khỏe người dân tốt hơn, gần dân, tạo niềm tin cho người dân đến với trạm. Phải bằng cách nào đó để người dân biết được rằng khám chữa bệnh ở trạm, họ cũng có những quyền lợi, chuyên môn như ở BV. Khi gặp những trường hợp khó, BS ở TYT có thể yêu cầu hội chẩn trực tuyến từ xa với các BV tuyến trên. Không để cho các BS ở trạm hoạt động đơn lẻ một mình trong khám chữa bệnh mà có sự kết nối với các BV tuyến cuối" - ông Thượng nhấn mạnh .

  1. Không đồng nhất trong sử dụng a-xít benzoic để bảo quản thực phẩm

Liên quan thông tin hơn 18 nghìn chai tương ớt Chin-su có nguồn gốc từ Việt Nam, bị thu hồi tại Nhật Bản do có chứa a-xít benzoic, chiều 6-4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, chưa nhận được thông tin chính thức từ cơ quan chức năng Nhật Bản, cũng như từ Mạng lưới các cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) liên quan thông tin thu hồi sản phẩm trên.

Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc, nhất là nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi (nếu có) và nguồn gốc hàng hóa.

Phụ gia a-xít benzoic có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) với 186 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, các thành viên của Codex thực hiện không đồng nhất, có nước cho phép, có nước lại không cho phép sử dụng phụ gia nói trên.

  1. 18 nghìn chai tương ớt Chinsu bị thu hồi, Bộ Y tế vào cuộc kiểm tra

Trước thông tin Nhật Bản thu hồi 18.000 chai tương ớt Chinsu vì chứa chất acid benzoic, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, cơ quan này đang kiểm tra thông tin.

Theo thông tin, ngày 2/4, chính quyền thành phố Osaka, Nhật Bản thông báo về việc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam do những chai tương ớt nói trên có sử dụng chất phụ gia thực phẩm axit benzoic, axit sorbic.

Theo Cục An toàn thực phẩm, cho biết acid benzoic có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex. Hiện trên thế giới có 186 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam.

Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, Codex đưa ra tiêu chuẩn chung, nhưng mỗi nước áp dụng vào quốc gia mình phù hợp, có nước cho phép sử dụng, có nước cấm. Cơ quan này đang tiến hành xác minh thông tin.

Theo thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin của Thành phố Osaka, Nhật Bản (https://www.city.osaka.lg.jp/hodoshiryo/kenko/0000466827.html), sự việc liên quan đến việc ghi nhãn không đầy đủ của Công ty Javis Co., Ltd. (đại diện pháp lý: Yasuhiro Naka, địa chỉ: Osaka City Nishi Ward Sale Bori 2-chome 4-19), là đơn vị đã nhập khẩu 757 thùng (18.168 chai) tương ớt Chin-Su cho 3 lô hàng có hạn sử dụng đến ngày 10/6/2019, 17/6/2019, 6/7/2019 và bán toàn bộ cho Công ty ISC Industrial Co., Ltd.(địa chỉ: Kobe City Tarumi-ku Shimobata-cho Character God Nowaki 429).

Theo thông tin được công bố trên cổng thông tin của thành phố Osaka, nhà nhập khẩu đã thiếu sót trong ghi nhãn. Cũng theo thông tin từ cổng thông tin này, phụ gia thực phẩm benzoic acid không phải là chất cấm mà được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau với hàm lượng tối đa lên đến 2,5g/kg. Hàm lượng phụ gia thực phẩm benzoic acid được Trung tâm y tế công cộng thành phố Osaka kiểm tra trên sản phẩm Tương ớt Chin-Su này là từ 0,41-0,45g/kg.

Tại Việt Nam phụ gia thực phẩm benzoic acid cũng được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau và Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng  acid benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.

  1. Bộ Y tế lên tiếng về 18.000 chai tương ớt Chin-su có chất chống mốc bị thu hồi ở Nhật Bản

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết chưa nhận được thông tin chính thức về 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi từ phía Nhật Bản nhưng cơ quan này sẽ làm rõ vụ việc. Mới đây, lô 18.000 sản phẩm tương ớt Chin-su của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan đã bị Nhật Bản thu hồi do chứa Axid benzoic - một chất bị cấm sử dụng trong sản phẩm của Nhật Bản.

Chia sẻ trên báo Lao Động, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết axit benzoic là axit nằm trong nhóm chất bảo quản để chống hiện tượng mốc và sự phát triển sinh vật trong thực phẩm.

Hiện nay, Việt Nam không cấm sử dụng chất này. Tại Việt Nam phụ gia thực phẩm benzoic acid cũng được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau và Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng benzoic acid được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.

Được biết khi axit benzoic vào cơ thể với hàm lượng nhiều, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với acid benzoic để giải độc. Ngoài ra, acid benzoic có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 6/4, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế chia sẻ trên báo Người Lao Động rằng cơ quan này đang nhanh chóng làm rõ vụ hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản như nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi và nguồn gốc hàng hóa. Ông Phong nói thêm hiện Cục An toàn thực phẩm chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo ông Phong, trong trường hợp xảy ra các sự cố về an toàn thực phẩm (sản phẩm vi phạm bị phát hiện, thu hồi…) dù là do nước ngoài sản xuất được Việt Nam nhập khẩu hay là sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu vẫn được Cục tiếp nhận qua thông tin chính thức của Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN). Dù chưa nhận được cảnh báo chính thức. Tuy nhiên, Cục cũng đang chủ động kiểm tra về sự việc này và có thông tin chính thức sau khi đã có các thông tin chính xác, tin cậy.

  1. Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt từ Việt Nam

Nhà sản xuất Masan nói rằng khả năng số tương ớt Chin-su bị thu hồi là dành riêng cho thị trường Việt Nam, hoặc hàng không rõ xuất xứ.Cổng thông tin điện tử Thành phố Osaka (Nhật Bản) - www.city.osaka.lg.jp, hôm 2.4 cho biết Trung tâm y tế công cộng thành phố Osaka đã yêu cầu thu hồi 18.168 chai tương ớt nhãn hiệu Chin-su có nguồn gốc từ Việt Nam vì vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Nhãn thực phẩm.

Cụ thể, số tương ớt này thuộc 3 lô hàng với 757 thùng, được công ty Javis Co., Ltd (Osaka) nhập từ Việt Nam vào ngày 7.12.2018, sau đó bán lại cho công ty ISC Industrial Co., Ltd (Kobe) và có hạn sử dụng đến ngày 10.6.2019, 17.6.2019, 6.7.2019. Nhà nhập khẩu đã không ghi rõ trên nhãn phụ rằng số tương ớt này có chứa axit benzoic, vốn không được phép sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản, khi bán cho ISC.

Trước đó, do nghi ngờ số tương ớt được phân phối bởi ISC Industrial vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Nhãn thực phẩm, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra về lô hàng. Phân tích của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo (Viện Nghiên cứu công nghệ thực phẩm Tokyo) kết luận, hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi lần lượt là 0,41g/kg với các chai có hạn dùng 10.6.2019, 0,44g/kg với hạn dùng 17.6.2019 và 0,45g/kg với hạn dùng 6.7.2019. Trong khi đó, điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật Bản cấm sử dụng axit benzoic trong tương ớt.

Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, nếu một người tiêu thụ liên tục mỗi ngày 5mg trên mỗi kg trọng lượng cơ thể thì không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do vậy, Cổng thông tin điện tử Thành phố Osaka nói nếu dùng lô tương ớt Chin-su này liên tục thì không ảnh hưởng đến sức khỏe ngay lập tức. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, chất này vẫn bị cấm có trong tương ớt và được xuất hiện trong bơ thực vật, xi rô, nước ngọt, nước tương.

Phản hồi về thông tin này, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan cho biết chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-Su cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd. Hiện đơn vị này chỉ xuất khẩu tương ớt Chin-su sang Mỹ, Canada, Australia, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Đài Loan.

"Do hiện nay chúng tôi không có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ", thông cáo của Masan viết.

Công ty này cũng khẳng định, axit benzoic được phép sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau tại Việt Nam. Theo Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30.11.2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, axit benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.

Chiều 6.4, Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện, Cục An toàn thực phẩm đang tiến hành kiểm tra, làm rõ.

Theo bà Nga, nguyên nhân lô hàng bị thu hồi tại Nhật Bản như thông tin từ website của Thành phố Osaka là do sản phẩm chứa acid bezoic, trong khi quy định tại Nhật Bản không cho phép tương ớt được bảo quản bằng chất này. Tuy nhiên, ở Việt Nam chất này nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng.

"Acid benzoic cũng có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex). Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên. Chiếu theo tiêu chuẩn của Codex so với hàm lượng axit benzoic được phát hiện trong tương ớt Chin su bị Nhật thu hồi, thì lô tương ớt bị thu hồi vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép của quốc tế. Có thể quy định của Nhật khắt khe hơn", bà Nga nói.

Về nguy cơ sử dụng phụ gia acid benzoic trong sản phẩm, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết nếu dùng quá hàm lượng cho phép và ngoài danh mục sản phẩm được phép, có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ.

  1. Masan khẳng định không xuất khẩu tương ớt Chin-su sang Nhật Bản

Liên quan đến thông tin về việc Công ty Javis Co.,Ltd (Osaka, Nhật bản) có lô hàng khoảng 18,000 chai tương ớt bị dừng lưu thông do ghi nhãn phụ không đầy đủ, chiều nay 6/4, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan đã có thông cáo báo chí thông tin chính thức về sự việc này.

Thu hồi do thiếu sót trong ghi nhãn sản phẩm

Theo đó, phía  Masan khẳng định, tất cả các sản phẩm của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer- MSC) sản xuất và phân phối đều tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, bao gồm cả các quy định về ghi nhãn, thành phần và sử dụng phụ gia.

Trao đổi với chúng tôi, phía Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, đơn vị sản xuất và phân phối nhãn hàng tương ớt Chin-Su khẳng định: Doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-Su sang thị trường Nhật Bản. Các thị trường mà công ty đang xuất khẩu trực tiếp và rộng rãi là Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Đài Loan.

Cũng theo thông tin từ phía Masan: Tại các nước này, quy định tối đa về hàm lượng axit benzoic trong tương ớt cũng là 1g/kg, tương tự như quy định của Bộ Y tế Việt Nam và Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex). Tuy nhiên, tại Nhật bản lại không cho phép dùng chất phụ gia này trong tương ớt mặc dù một số sản phẩm khác được dùng như trứng cá đóng hộp, nước ngọt hay nước tương . Ngược lại, phụ gia mà Nhật cho phép sử dụng trong tương ớt là Nisin thì lại chưa nằm trong danh mục phụ gia cho phép của Việt Nam và Codex. Nên nếu tương ớt Nhật bản nhập vào Việt nam có dùng Nisin thì cũng không được nhập. Do đó, việc tìm hiểu về quy định các phụ gia được phép sử dụng và ghi nhãn mác cần tuân thủ nghiêm ngặt khi vào các thị trường xuất khẩu mới.

Được biết, hiện nay tại Việt Nam, axit benzoic được phép sử dụng theo quy định của Bộ Y tế với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.

Phía Masan cũng cho biết:

Theo thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin của thành phố Osaka, Nhật Bản (https://www.city.osaka.lg.jp/hodoshiryo/kenko/0000466827.html), sự việc liên quan đến việc ghi nhãn không đầy đủ của Công ty Javis Co., Ltd. (đại diện pháp lý: Yasuhiro Naka, địa chỉ: Osaka City Nishi Ward Sale Bori 2-chome 4-19), là đơn vị đã nhập khẩu 757 thùng (18.168 chai) tương ớt Chin-Su cho 03 lô hàng có hạn sử dụng đến ngày 10/6/2019, 17/6/2019, 6/7/2019 và bán toàn bộ cho Công ty ISC Industrial Co., Ltd. (địa chỉ: Kobe City Tarumi-ku Shimobata-cho Character God Nowaki 429).

Do đó, theo thông tin được công bố trên cổng thông tin của thành phố Osaka, nhà nhập khẩu đã thiếu sót trong ghi nhãn. Cũng theo thông tin từ cổng thông tin này, phụ gia thực phẩm benzoic acid không phải là chất cấm mà được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau với hàm lượng tối đa lên đến 2,5g/kg.

Hàm lượng phụ gia thực phẩm benzoic acid được Trung tâm y tế công cộng thành phố Osaka kiểm tra trên sản phẩm Tương ớt ChinSu này là từ 0,41-0,45g/kg là an toàn và không ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng theo quy định của Nhật Bản (xem toàn văn thông báo của Cổng thông tin điện tử Thành phố Osaka đính kèm).

Tại Việt Nam phụ gia thực phẩm benzoic acid cũng được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau và Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng benzoic acid được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.

"Sau khi kiểm tra thông tin nội bộ chúng tôi khẳng định rằng Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-Su cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd.: Khi xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Nhật Bản, chúng tôi phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Nhật Bản. Chúng tôi lấy làm tiếc về sự cố này và cho rằng nếu Công ty Javis Co., Ltd đã liên hệ với chúng tôi để nhập khẩu chính thức thì sự cố ghi nhãn này đã không xảy ra"- phía Masan khẳng định.

Cũng trong thông cáo báo chí này, Masan thông tin: Do hiện nay chúng tôi không có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này.. .

  1. Vì sao Nhật Bản thu hồi 18.000 chai tương ớt Chin-su?

Codex cho phép sử dụng acid benzoic trong thực phẩm, tuy nhiên đây chỉ là tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn tại Nhật có thể khắt khe hơn. Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka, Nhật Bản đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt Chin-su, nhập khẩu từ Việt Nam, do có chứa chất phụ gia bị cấm dùng trong sản xuất tương ớt ở Nhật.

Theo đó, những chai tương ớt Chin-su của công ty Masan bị thu hồi do chứa phụ gia thực phẩm bị cấm theo tiêu chuẩn của Nhật Bản là acid benzoic cùng một số chất phụ gia khác như sorbic acid... vi phạm điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm của quốc gia này. Nhà nhập khẩu đã không ghi rõ trên nhãn phụ rằng số tương ớt này có chứa acid benzoic.

Giám đốc Trung tâm Y tế cộng đồng của Osaka cũng đã ra lệnh cho nhà nhập khẩu thu hồi toàn bộ sản phẩm sau khi xác định lô hàng tương ớt nhập khẩu ngày 7/12/2018 từ Việt Nam có chứa chất cấm phụ gia.

Thông tin này được đăng tải trên trang thông tin của thành phố Osaka tại địa chỉ: www.city.osaka.lg.jp từ ngày 2/4 vừa qua. Trang này ghi rõ sản phẩm vi phạm: "Tên sản phẩm: tương ớt Chin-su, xuất xứ: Masan Việt Nam, hạn dùng: 10/6/2019, 17/6/2019, 6/7/2019".

Trước đó vào ngày 8/3, cơ quan giám sát an toàn thực phẩm của Cục Y tế và phúc lợi Tokyo đã kiểm tra sản phẩm tương ớt dán nhãn Chinsu, do tập đoàn Javis nhập khẩu.

Theo kết quả phân tích của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo thuộc Viện nghiên cứu Công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng acid benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật lần lượt 0,41g/kg với các chai có hạn dùng 10/6/2019, 0,44g/kg với hạn dùng 17/6/2019 và 0,45g/kg với hạn dùng 6/7/2019. Đây là thông tin khá hoang mang với người tiêu dùng do đây là sản phẩm được rất nhiều gia đình sử dụng thường xuyên.

Liên quan đến thông tin trên, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, Cục chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam.

Hiện Cục đang chỉ đạo làm rõ nguyên nhân bị thu hồi cũng như nguồn gốc số sản phẩm nói trên.

Theo tiêu chuẩn của Uỷ ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), acid benzoic sử dụng từ 0,05-0,1%, axit sorbic được sử dụng trong thực phẩm từ 0,05-0,2% (tối đa 1%).

Hiện có 186 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản. Tại Việt Nam, acid benzoic nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng.

Trong trường hợp hàm lượng cao hơn ngưỡng cho phép, acid benzoic có thể gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày... cho người sử dụng. Trường hợp sử dụng chất này với hàm lượng lớn có thể gây ngộ độ, nhưng rất hiếm gặp.

Dù vậy bà Nga cho rằng, Codex chỉ là tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn tại Nhật có thể khắt khe hơn.

Về phía Massan, trong chiều nay đã có thông cáo chính thức, cho biết, doanh nghiệp này chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-Su cho công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd vào Nhật Bản.

Hiện Masan chỉ chính thức xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chin-Su sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hòa Séc, Trung Quốc, Đài Loan.

Phía Masan cho rằng, nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ.

Theo doanh nghiệp này, vì không có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng.

  1. Bệnh cúm tăng bất thường, nhiều ca nhập viện trong tình trạng rất nặng

Độ ẩm cao, thời tiết nắng mưa bất thường đã khiến virus cúm bùng phát. Cúm không chỉ tăng bất thường ở trẻ em mà còn tăng ở người lớn, bà mẹ mang thai. Đã có nhiều ca rất nặng phải nhập viện, có ca suy hô hấp, suy đa phủ tạng, phải chạy ECMO- hệ thống tim, phổi nhân tạo ngoài cơ thể.

Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, không ít bà mẹ đang chăm sóc con tại đây cho chúng tôi biết, chỉ vì chủ quan không tiêm phòng vaccine cúm, không thăm khám sớm dẫn tới con bị biến chứng viêm phổi. Từ đầu năm đến nay, tại Khoa Truyền nhiễm đã ghi nhận 3 ca biến chứng viêm não do cúm. Tuy nhiên, biến chứng viêm phổi lại khá phổ biến.

Chăm con 1  tuổi đang bị cúm tại đây, chị Phạm Thị Dung (Hải Dương): “Biểu hiện lúc đầu của cháu chỉ ho, nhiều đờm như mọi lần. Nhưng vài ngày sau cháu sốt cao, xuất hiện co giật, gia đình cho đi khám. Thấy con khó thở, tôi vội vàng đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ chẩn đoán viêm phổi do biến chứng từ cúm nên phải nhập viện điều trị”.

Theo BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương, thời điểm này, số bệnh nhi đến khám về cúm và sởi đều tăng. Khoa đang điều trị cho 30 trẻ mắc cúm và 30 trẻ mắc sởi, đa số đều có biến chứng viêm phổi. BS.Thiện Hải nhận định, các bệnh nhi cúm có điểm bất thường hơn là thời gian sốt của trẻ kéo dài đến 7-8 ngày, trong khi trước đó, trẻ thường chỉ sốt 3-4 ngày.

Nhiễm cúm nhưng không đến viện, khám tại phòng khám tư, BS chẩn đoán nhầm viêm họng cấp, trẻ được chỉ định uống kháng sinh là trường hợp khá phổ biến. Hoặc có phụ huynh, khi thấy con sốt, sổ mũi, tưởng viêm họng tự mua thuốc cho con điều trị ở nhà, khi con bệnh nặng đưa tới viện đã bị biến chứng viêm phổi.

Theo BS Trần Tuấn Anh, Khoa Nhi (BV Medlatec), trung bình mỗi ngày có khoảng trên 30 trẻ đến bệnh viện khám, lấy xét nghiệm tại nhà và phát hiện nhiễm cúm. Trong đó nhiều trẻ nhiễm cúm nhưng không được phát hiện kịp thời, thậm chí đi phòng khám tư được chỉ định dùng kháng sinh để điều trị do nhầm lẫn với viêm họng cấp. Chính vì vậy, khi trẻ tới viện bệnh đã nặng, xuất hiện biến chứng, chủ yếu là viêm phổi.

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời gian gần đây có nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị cúm, trong đó có các trường hợp nặng, chủ yếu là cúm A/H1N1. Hiện đang có 4 bệnh nhân bị cúm A/H1N1 rất nặng, có ca tổn thương phổi nghiêm trọng, 2 phổi trắng xóa, phải chạy ECMO – hệ thống tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (một kỹ thuật hỗ trợ điều trị suy hô hấp cấp nặng tốt nhất trên thế giới hiện nay).

Đáng chú ý có một bệnh nhân là thai phụ ở tuần 31 mắc cúm A đang được điều trị tích cực. Tuy nhiên, diễn biến bệnh của thai phụ rất nhanh, suy hô hấp và suy đa phủ tạng. Các bác sĩ đã phải cho bệnh nhân chạy ECMO để cứu tính mạng.

Cách đây chưa lâu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã cứu sống nam bệnh nhân 59 tuổi, vào viện vì sốt đau rát họng, sau đó ho, khó thở tăng dần. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi do nhiễm cúm A/H1N1. Sau 10h điều trị tích cực, bệnh vẫn có xu hướng tiến triển rất nặng. Bệnh viện đã tiến hành chạy ECMO, sau một thời gian sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định và ra viện sau 45 ngày điều trị.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm là bệnh truyền nhiễm phổ biến do virus cúm gây ra. Đa phần có biểu hiện nhẹ và tự khỏi trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, một số bệnh nhân nguy cơ cao có thể nhiễm cúm ở thể nặng, đe dọa tính mạng. Đó là trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, bị mắc suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, tiểu đường, xơ gan, điều trị hóa chất hoặc bệnh nhân mắc bệnh nền phổi mãn tính, tim…

Ngoài ra, những bệnh nhân khỏe mạnh nếu nhiễm phải chủng cúm có độc lực cao, có thể gây ra tình trạng tổn thương phổi nặng. Virus cúm thường gây tổn thương ở phổi, diễn tiến rất nhanh, dẫn đến suy hô hấp, nếu ở nhóm có nguy cơ cao thì cần được theo dõi sát sao và điều trị kịp thời, nếu không có thể dẫn đến tử vong. Để phòng tránh cúm, GS Kính cho biết, người dân nên đi tiêm phòng vaccine cúm định kỳ hằng năm.

Thời tiết nóng lạnh bất thường, độ ẩm cao như hiện nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển. Theo khuyến cáo của BS.Tuấn Anh, người dân không nên tự ý dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh, kháng virus tamiflu hay vaccine “khô”, đặc biệt là hàng xách tay từ nước ngoài về.

  1. Sớm triển khai chương trình hành động truyền thông về dân số và phát triển

Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã chỉ rõ: "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển". Việc chuyển đổi trọng tâm này là một vấn đề lớn và mới, hoàn toàn khác với nội dung dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) đã thực hiện hàng chục năm trước. Do đó, một giải pháp cần triển khai ngay là truyền thông vận động về dân số và phát triển.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, thông tin và dữ liệu thuộc Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho rằng: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tình hình thế giới, trong nước đã và đang có nhiều thay đổi, các nước và các tổ chức quốc tế đều đề cao công tác dân số, coi đây là vấn đề có quan hệ gắn bó và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Ngay từ Hội nghị Dân số thế giới năm 1994, Liên hợp quốc đã lựa chọn chủ đề "Dân số và phát triển bền vững" làm chương trình chung khuyến nghị cho mọi quốc gia. Hiện nay trong quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu, sự thay đổi về điều kiện, lối sống, môi trường sống và làm việc, môi trường sinh thái đã và đang dẫn đến những thay đổi nhanh chóng về mô hình gia đình, kết hôn, ý thức và khả năng sinh sản, tăng nhanh quá trình di cư...

Hội nghị T.Ư 6, khóa XII (tháng 10-2017) đã xem xét, đánh giá về những cố gắng và nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân ta trong việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa VII về chính sách DS-KHHGÐ đến năm 2015 và đề ra định hướng trong tình hình mới. Theo đó, qua hơn 25 năm thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật là: Ðã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, sớm đạt được trước 10 năm và duy trì, ổn định được mức sinh thay thế. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh cao vào khoảng năm 2020 - 2030 với số dân trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số. Chất lượng dân số được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng từ 65,3 tuổi lên 73,4 tuổi (cao hơn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người). Việt Nam được thế giới đánh giá là điểm sáng về công tác dân số...

Tuy nhiên, chính sách hạn chế mức sinh kéo dài, rộng khắp cả nước cùng với quá trình chuyển đổi cơ cấu nhân khẩu học cũng đã phát sinh những hệ lụy cần sớm được khắc phục, đòi hỏi phải có những đổi mới công tác dân số để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề về dân số. Trước Hội nghị T.Ư 6, Ban Bí thư đã có Kết luận số 119-KL/TW (ngày 4-1-2016), trong đó xác định các vấn đề trọng tâm cần sớm thực hiện là: Phấn đấu duy trì ổn định, vững chắc mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, đưa về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số; phân bố dân số phù hợp và quản lý dân cư… Trước tình hình mới, Hội nghị T.Ư 6, khóa XII đã khẳng định tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGÐ sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

Để thực hiện thành công việc chuyển trọng tâm đó, một giải pháp cần triển khai ngay là truyền thông vận động chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển. Bài học kinh nghiệm trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết T.Ư 4, khóa VII là ngay sau khi ban hành nghị quyết, Ủy ban Quốc gia DS-KHHGÐ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược truyền thông vận động chuyển đổi hành vi.

Theo TS Nguyễn Quốc Anh, chuyển đổi sang nội hàm về dân số và phát triển là một vấn đề lớn và khác với nội dung DS-KHHGÐ. Do vậy công tác truyền thông vận động cần được triển khai sớm và đổi mới cả về nội dung và phương pháp truyền thông vận động. Những nội dung cần tập trung ngay, đó là: Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm đó. Ðổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh từ KHHGÐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số trong mối quan hệ qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách dân số và phát triển phải bảo đảm giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

  1. BHYT là nguồn tài chính bền vững cho những người nhiễm HIV/AIDS

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Dược - Vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) trao đổi với báo chí về việc BHYT điều trị cho những người nhiễm HIV/AIDS.

Khi các nguồn viện trợ quốc tế thuốc ARV không còn nữa, người nhiễm HIV/AIDS sẽ đối mặt với điều gì, thưa ông?

Như chúng ta đã biết, HIV/AIDS là căn bệnh mãn tính, phải điều trị liên tục, suốt đời với chi phí lớn. Việc điều trị và tuân thủ điều trị sẽ giúp người bệnh sống lâu, khỏe mạnh và ngăn ngừa khả năng lây nhiễm căn bệnh này ra cộng đồng.

Những năm gần đây, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong “cuộc chiến” phòng, chống HIV/AIDS, có bước tiến dài trong công tác điều trị, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm.

Không chỉ tăng số người được điều trị, mà còn nâng cao chất lượng điều trị bằng thuốc kháng virút ARV (thuốc kháng vi-rút HIV) cho người nhiễm HIV/AIDS. ARV là loại thuốc làm giảm lượng vi-rút HIV, giúp người bệnh khỏe mạnh và quan trọng là làm giảm 95% nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác. Hiện cả nước có khoảng 200.000 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có khoảng 130.000 người dùng thuốc ARV.

Khi bỏ điều trị không chỉ làm tăng nguy cơ kháng thuốc, kéo theo việc điều trị tốn kém và làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác. Bên cạnh đó, số người nhiễm HIV phần lớn là nhóm dân số yếu thế, nhóm người nghèo.

Mục tiêu của Chính phủ đề ra là đến năm 2030, Việt Nam sẽ chấm dứt đại dịch HIV/AIDS. Chính vì vậy, khi các nguồn viện trợ không còn cho việc điều trị này thì Việt Nam vẫn đảm bảo nguồn lực để thực hiện mục tiêu đã đề ra. Một trong những giải pháp đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững cho người nhiễm HIV được tiếp cận thuốc ARV chính là từ Quỹ BHYT. Ngày 15/11/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2188/QĐ-TTg đã quy định việc thanh toán thuốc kháng vi-rút HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia từ nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Thưa ông, Quỹ BHYT đã chuẩn bị như thế nào cho việc chi trả chi phí điều trị HIV cho bệnh nhân qua hệ thống BHYT?

Trong thời gian vừa qua, Quỹ BHYT chi trả cho điều trị nhiễm trùng cơ hội, các xét nghiệm khác cho người bệnh nhiễm HIV có thẻ BHYT. Hiện nay, theo thống kê, năm 2019 sẽ có khoảng 48.000 người nhiễm HIV có thẻ BHYT sử dụng thuốc ARV. Đến năm 2020, số người nhiễm HIV còn lại sẽ được cấp thuốc ARV từ quỹ BHYT.

BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện; kiện toàn và ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với các cơ sở điều trị HIV/AIDS; xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV.

BHXH Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Y tế xác định nhu cầu, đấu thầu mua thuốc, cung ứng thuốc ARV đến cơ sở điều trị, sử dụng thuốc, thanh quyết toán với mục tiêu điều trị tốt nhất cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT và bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người bệnh.

Để chuẩn bị cho nguồn thuốc ARV năm 2019, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia tổ chức đấu thầu thuốc ARV với kết quả tốt, giá cạnh tranh. Các đơn vị trúng thầu sẽ cung cấp, giao hàng cho các cơ sở điều trị trong tháng 2/2019, theo đúng tiến độ dự kiến.

Theo tính toán, mỗi năm, chi phí khám chữa bệnh cho 1 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS sẽ hết khoảng 6 triệu đồng (gồm thuốc và xét nghiệm). Với hơn 100.000 bệnh nhân thì chúng ta cần hơn 600 tỷ đồng để điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.

Trong thời gian tới, chúng ta phải làm gì để người có HIV chủ động hơn trong việc tham gia BHYT, từ đó được bảo đảm tốt nhất việc điều trị bệnh, thưa ông?

Cho đến nay, theo những tài liệu mà chúng tôi có được, Việt Nam là nước duy nhất huy động nguồn lực trong nước thông qua BHYT để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS.

  1. Thai nhi nặng 5,1 kg chết khi sinh thường do "hiếm gặp, ngoài ý muốn"

(NLĐO) – Dựa vào kết quả siêu âm của phòng khám tư rằng thai nhi nặng 3,5 kg, các bác sĩ Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) đã chỉ định sản phụ sinh thường, trong khi thực tế thì thai nhi nặng 5,1 kg.

Ngày 6-4, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, cho biết đã nhận được công văn của Bộ Y tế đề nghị báo cáo vụ việc thai nhi 5,1 kg tử vong bất thường trong lúc sinh tại Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn.

"Hiện sở đã nắm thông tin ban đầu. Ca này khó, thuộc chuyên ngành về sản nên phải có ý kiến chuyên gia, hội đồng chuyên môn phân tích. Tôi đã yêu cầu Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn họp ngay hội đồng chuyên môn, báo cáo kết quả theo đúng yêu cầu của bộ" - ông Hùng nói.

Trước khi sinh, sản phụ T.T.N.Y (33 tuổi; ngụ xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn) siêu âm ở phòng khám tư cho thấy thai nhi nặng 3,5 kg. Tuy nhiên, thực tế thì thai nhi nặng 5,1 kg.

Theo anh Nguyễn Ngọc Mai (chồng sản phụ Y), chiều 22-3, gia đình đưa chị đến một cơ sở y tế tư nhân ở phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn để siêu âm thai. Kết quả siêu âm ghi nhận thai nhi nặng 3,5 kg, đầu đang thế thuận, thai khoảng 39 tuần… và không có dấu hiệu bất thường.

Rạng sáng 23-3, chị Y. đau bụng nên được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn. Kíp trực tại Khoa Sản lúc này có 3 điều dưỡng và 1 bác sĩ chuyên khoa sản. Sau khi thăm khám, kíp trực quyết định để chị Y. sinh thường. Khi chị Y. sinh, đầu thai nhi đã lọt ra bên ngoài, còn từ vai trở xuống bị kẹt nhưng các y, bác sĩ vẫn không thể can thiệp được. Sau khi hội chẩn, lãnh đạo Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn quyết định chuyển chị Y. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.

Đến 6 giờ 30 phút cùng ngày, chị Y. được chuyển đến Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Các bác sĩ mổ lấy thai nhi nặng 5,1 kg ra ngoài nhưng đã tử vong trước đó, còn chị Y. được cấp cứu kịp thời.

Ông Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn, cho biết sản phụ Y. từng sinh 2 con nặng 3,9 kg vào năm 2009 và 4,2 kg vào năm 2015. Lần này, chị vào viện với tình trạng thai đủ tháng, đau bụng sinh, có ra nước ối. Ghi nhận của kíp trực cho thấy mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ… của sản phụ đều bình thường.

Qua khám thai, trung tâm chẩn đoán là thai con rạ đủ tháng, ngôi đầu, chuyển dạ và cho tiến hành các xét nghiệm huyết học, nhóm máu, nước tiểu. Ngoài ra, dựa vào kết quả siêu âm của phòng khám tư, khả năng tiên lượng của bác sĩ chuyên khoa và yếu tố tiền sử 2 lần sinh con trước đó, kíp trực không cho siêu âm lại mà chỉ định tiếp tục theo dõi thường xuyên để sinh thường.

"Do có những phát triển bất thường của thai, về mặt phương diện siêu âm với lâm sàng không phát hiện ra được. Trường hợp này rất hiếm gặp, ngoài ý muốn, ngoài khả năng chuyên môn" - ông Bình lý giải.

  1. Vụ tố BS 'yếu kém' khiến thai nhi tử vong: 5,1kg, siêu âm chỉ 3,5kg!

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định yêu cầu khẩn trương họp hội đồng chuyên môn làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ việc thai nhi 5,1kg tử vong bất thường.

Họp khẩn hội đồng chuyên môn

Ngày 6.4, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định - ông Lê Quang Hùng cho biết, đã nhận được công văn của Bộ Y tế đề nghị báo cáo vụ việc thai nhi 5,1kg tử vong bất thường trong lúc sinh tại Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn.

“Ngay sau khi vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra, Sở đã nắm thông tin ban đầu nhưng ca này khó, thuộc chuyên ngành về sản nên phải có ý kiến chuyên gia, hội đồng chuyên môn phân tích. Tôi đã yêu cầu Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn họp ngay hội đồng chuyên môn, báo cáo kết quả theo đúng yêu cầu của Bộ”, ông Hùng nói.

Theo Giám đốc Sở Y tế Bình Định, tới đây hội đồng chuyên môn sẽ làm rõ nhiều vấn đề bất thường liên quan đến việc tử vong của cháu bé. Trong đó, có lý do vì sao siêu âm ban đầu trọng lượng thai nhi có kết quả 3,5kg thấp hơn nhiều so với thực tế là 5,1kg.

Ông Hùng phân tích, không bắt buộc tất cả các trường hợp trước khi vào ca sinh phải siêu âm. Trong khi đó, phần ước tính trọng lượng thai nhi có nhiều cách tính toán nhưng về mặt khoa học lại không có độ chính xác tuyệt đối nên trong thường hợp bất thường, việc này đôi khi cho kết quả không đúng.

Bên cạnh đó, phải hỏi thêm thông tin từ phía sản phụ từ lúc mang thai đến đi sinh tăng bao nhiêu kg. Bình thường mỗi bà mẹ mang thai tăng khoảng 10,5kg, vậy với thai 5,1kg thì sản phụ có cảm nhận sự tăng cân bất thường, có thầy thuốc nào tiên lượng chưa và ngoài lần siêu âm lần gần nhất thì họ có siêu âm chỗ khác không?

“Còn nhiều vấn đề nữa sẽ được làm rõ kỹ lưỡng, mọi thông tin được tập hợp lại để tìm ra nguyên nhân, khi đó sẽ có kết luận tổng thể chính xác vấn đề. Quan điểm của chúng tôi, nếu có sai phạm của cán bộ ngành y sẽ xử lý nghiêm”, ông Hùng khẳng định.

Tố cáo phòng khám siêu âm sai sót!

Theo ông Lê Thái Bình - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn, sản phụ Tr.T.N. Y đã có tiền sử sinh 2 con nặng 3,9kg (năm 2009) đến 4,2kg (năm 2015). Lần này vào viện với tình trạng thai đủ tháng, đau bụng sinh, có ra ối. Ghi nhận mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ… tất cả đều bình thường.

Qua khám thai, bề cao tử cung 33cm, vòng bụng 101cm, tiên lượng thai nặng 3,4kg. Tim thai 140 lần/phút, ngôi đầu (ngôi thuận), cổ tử cung mở 3cm. Qua đó, bệnh viện chẩn đoán là thai con rạ đủ tháng, ngôi đầu, chuyển dạ cho tiến hành các xét nghiệm huyết học, nhóm máu, nước tiểu.

Trong khi đó, dựa vào kết quả siêu âm ngoài, khả năng tiên lượng của bác sĩ chuyên khoa và yếu tố tiền sử 2 lần sinh con nặng 3,9kg và 4,2kg, trung tâm này không cho siêu âm lại mà chỉ định tiếp tục theo dõi thường xuyên, để sinh thường.

“Do có những phát triển bất thường của thai, về mặt phương diện siêu âm với lâm sàng không phát hiện ra được. Trường hợp này rất hiếm gặp, ngoài ý muốn, ngoài khả năng chuyên môn”, ông Bình lý giải.

Liên quan đến vụ việc trên, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Bình Định kiểm tra ngay sự việc và xử lý kỷ luật các cá nhân, cán bộ liên quan theo đúng quy định nếu xảy ra sai phạm. Đặc biệt, khẩn trương họp hội đồng chuyên môn đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí của Trung tâm Y tế An Nhơn và các cơ sở y tế liên quan của tỉnh đối sự việc của sản phụ Y.

Mới đây, anh N.N.M (chồng sản phụ Y) thông tin thêm, trong lúc anh gửi đơn tố cáo đến cơ quan báo chí sau đó ít hôm, lãnh đạo Trung tâm y tế thị xã An Nhơn mới đến hỏi thăm và chia sẻ mất mát cùng gia đình.

“Các bác sĩ và nữ hộ sinh trực hôm đó tại trung tâm y tế thị xã An Nhơn chỉ xét nghiệm máu, nước tiểu mà không siêu âm trước khi sinh rồi chẩn đoán sinh thường. Trong khi, thai nhi lớn chính là nguyên nhân gây ra cái chết của con tôi”, anh M bức xúc.

Hiện, gia đình đang tiếp tục làm đơn để tố cáo phòng khám siêu âm của một người tên là L.Th.S (phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn).

Trước khi vào trung tâm y tế để sinh, chiều 22.3, chị Y đến một phòng khám tư nhân này để siêu âm thai. Kết quả siêu âm cho thấy, thai nhi nặng 3,5kg, đầu đang thế thuận, thai khoảng 39 tuần và không có dấu hiệu bất thường.

Đến ngày 23.3, sản phụ Y được đưa đến sinh tại Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn thì đầu thai nhi lọt ra ngoài, còn từ vai trở xuống bị kẹt lại trong ổ bụng nhưng các y, bác sĩ vẫn không thể can thiệp được.

Trước tình huống xấu, chị Y được chuyển đến khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định). Các bác sĩ đã lấy được thai nhi đã tử vong, nặng 5,1kg ra ngoài. Còn chị Y được cấp cứu kịp thời nên xuất viện sau ít ngày.

  1. Khoảng 40% học sinh, sinh viên mắc tật khúc xạ học đường

Theo nhiều nghiên cứu gần gây, tỉ lệ tật khúc xạ học đường đang ngày càng gia tăng, có khoảng từ 30%-40% số học sinh-sinh viên mắc tật khúc xạ học đường. Đặc biệt là học sinh-sinh viên ở thành phố chiếm tỉ lệ cao, có nơi lên tới 80%.

Thông tin trên được Bác sỹ Vũ Thị Thanh, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội chia sẻ tại buổi lễ Chuyển giao thành công công nghệ mổ mắt không chạm tại bệnh viện ngày 6-4.

Theo thống kê của ngành y tế, tật khúc xạ chưa được chỉnh kính là một trong 5 nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa và giảm thị lực. Tại Việt Nam, trẻ em trong độ tuổi từ 6-15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 20-40% ở khu vực thành thị, từ 10-15% tại khu vực nông thôn. Như vậy, có khoảng 3 triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính.

“Với mong muốn mang đến chất lượng thị giác hoàn hảo cho người bệnh và giảm tỷ lệ tật khúc xạ, Bệnh viện Mắt Hà Nội đã phối hợp với Công ty Vietcan tiếp tục cho ra đời kỹ thuật mới SmartSurfACE. Đây là công nghệ thuộc nhóm thao tác bề mặt và “không chạm” vào mắt, mang đến thị lực tốt cho người mắc tật khúc xạ”, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết.

Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Khắc Hiền, Thành uỷ viên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh: Trong những năm qua lãnh đạo TP Hà Nội luôn quan tâm đến ứng dụng các kỹ thuật hiện đại vào lĩnh vực khám, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Cùng với các bệnh viện như Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, Tim Hà Nội… thì Bệnh viện Mắt Hà Nội đã đi đầu trong xã hội hoá y tế từ phẫu thuật Phaco, Laze và đến nay là kỹ thuật chuyển giao thành công kỹ thuật phẫu thuật mắt không chạm để điều trị tật khúc xạ. Đây là kỹ thuật tiên tiến được các nước tiên tiến triển khai và các bệnh viện lớn tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận.

Giám đốc Sở Y tế đã đề nghị Bệnh viện Mắt Hà Nội tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư xây dựng cụ thể quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế để đảm bảo điều kiện áp dụng ở Bệnh viện Mắt, sau đó chuyển giao cho các bệnh viện khác; công khai, minh bạch thu giá dịch vụ để bệnh nhân giám sá thực hiện… đảm bảo quyền lợi của người bệnh.

Kỹ thuật Phẫu thuật tật khúc xạ bằng Laser với công nghệ SmartSurfACE được chuyển giao tại Việt Nam năm 2017 đến nay đã chuyển giao tại 3 Bệnh viện trên toàn quốc với 10.000 ca phẫu thuật thành công. SmartSurfACE là một trong những phương pháp tân tiến và là bước đột phá trong công nghệ phẫu thuật khúc xạ với hệ thống Laser SCHWIND Amaris 1050RS nhanh chóng loại bỏ các lớp giác mạc bề mặt mà không cần tạo vạt, thực hiện thủ thuật mà không cần chạm vào mắt, không đau.

Công nghệ này kết hợp lợi ích việc xử lý bề mặt không xâm lấn với công nghệ SmartPulse, an toàn hơn, giảm sự căng thẳng cho bệnh nhân, giúp quá trình chữa bệnh nhanh hơn và thị lực được cải thiện tốt hơn so với phương pháp điều trị bề mặt thông thường .

  1. Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Công ty Thiên Sơn lên tiếng về công văn của Tổng hội Y học

Mới đây, Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn đã có văn bản gửi Tổng hội Y học Việt Nam, đồng kính gửi TAND tối cao, Viện KSND tối cao, TAND tỉnh Hòa Bình, Viện KSND tỉnh Hòa Bình về việc đề nghị Tổng hội Y học Việt Nam kiểm tra thông tin trung thực, chính xác và đính chính văn bản số 63.

Sau khi nghiên cứu bản án sơ thẩm của vụ án “Vô ý làm chết người”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, ngày 20.3.2019, Tổng hội Y học Việt Nam đã gửi Công văn số 63 đến TAND tối cao, Viện KSND tối cao, TAND tỉnh Hòa Bình, Viện KSND tỉnh Hòa Bình.

Trong công văn, phía Tổng hội Y học Việt Nam nhận thấy nội dung Hợp đồng số 64/TS ngày 22.12.2009 giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn) đã quy định rõ: “Công ty Thiên Sơn có trách nhiệm: hướng dẫn kỹ thuật viên sử dụng máy cho bệnh viện; cử đại diện làm việc tại địa điểm đặt máy với vai trò kỹ thuật viên, đồng thời là người theo dõi số ca, số bệnh nhân điều trị và nắm bắt thông tin khi cần thiết… BVĐK tỉnh Hòa Bình có trách nhiệm: Cung cấp nguồn nhân lực, đào tạo bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên, chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn”.

Tuy nhiên, phía Công ty Thiên Sơn đã phản ánh rằng trong công văn của Tổng hội Y học Việt Nam có một số thông tin không chính xác. Cụ thể, thứ nhất, Hợp đồng 64/BVĐKT-TS ký kết giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn đã được hai bên thanh lý ngày 11.5.2015 (bút lục số 3880-3881, hồ sơ vụ án). Hợp đồng này không còn hiệu lực theo quy định của điều 22 Bộ luật Dân sự 2015. Nội dung này đã được làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm.

Thứ hai, Công ty Thiên Sơn thực hiện Hợp đồng sửa chữa hệ thống nước RO2 cho BVĐK tỉnh Hòa Bình theo hợp đồng kinh tế, có điều khoản rõ ràng. Tại thời điểm xảy ra sự cố đến nay, Công ty Thiên Sơn chưa có bất cứ bàn giao bằng hình thức nào cho phía bệnh viện. Việc đưa hệ thống nước chưa đảm bảo an toàn, chưa có xét nghiệm vào chạy thận cho bệnh nhân là việc làm cẩu thả nghiêm trọng của các cá nhân thuộc BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Thứ ba, đến thời điểm xảy ra sự cố, Bộ Y tế chưa có bất kỳ văn bản nào cho phép hay không cho phép dùng HF, HCL trong vệ sinh sục rửa hệ thống như văn bản của Tổng hội đã nêu.

Theo phía Công ty Thiên Sơn, hiện nay Bản án sơ thẩm số 08/2019 của TAND TP.Hòa Bình chưa có hiệu lực pháp luật. Việc phát ngôn sai lệch hồ sơ vụ án không những gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Thiên Sơn mà còn làm dư luận hiểu lầm, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ án.

Bên cạnh nội dung liên quan đến bản hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình, Tổng hội Y học Việt Nam còn cho rằng hệ thống RO số 2 đã được sửa chữa xong và đã bàn giao cho Phòng Vật tư – Thiết bị y tế. Nguyên nhân gây tử vong là do lượng hóa chất tồn dư cao gấp 245-260 lần mức cho phép. Phía Tổng hội Y học Việt Nam dẫn nhận định trong bản án: “hành vi này là do Bùi Mạnh Quốc đã sử dụng hỗn hợp hóa chất gồm HF và HCL không có trong danh mục hóa chất được Bộ Y tế cho phép để vệ sinh, sục rửa màng RO, dẫn đến tồn dư hóa chất trong hệ thống nước RO”.

Theo nội dung công văn của Tổng hội Y học Việt Nam, Hoàng Công Lương chỉ là bác sĩ điều trị nên không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước. Tổng hội Y học Việt Nam đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét, đánh giá toàn bộ vụ án một cách khách quan, toàn diện để đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

  1. Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới

Sáng 5-4, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) tổ chức Chương trình đào tạo y khoa liên tục chuyên đề “Tư vấn di truyền hỗ trợ sinh sản 2019” với sự tham gia của hơn 200 đại biểu, chuyên gia về sản khoa, các nhà phôi học… trong và ngoài nước.

Dẫn chứng thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các chuyên gia cho biết, ở thế kỷ 21, vô sinh và hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ 3 (chỉ đứng sau ung thư, bệnh tim mạch) và Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới.

Còn theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay có khoảng 7,7% cặp vợ chồng vô sinh trong độ tuổi sinh sản, hơn 1 triệu cặp vợ chồng gặp phải các vấn đề vô sinh, hiếm muộn. Một vấn đề khác cũng rất được quan tâm là số lượng trẻ mắc các bệnh lý di truyền và dị tật bẩm sinh ở nước ta không hề nhỏ.

Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ được sinh ra, trong đó có khoảng 1.400 - 1.800 trẻ mắc hội chứng Down (Trisomy 21), 200 - 250 trẻ mắc hội chứng EdWards (Trisomy 18), 1.000 - 1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 2.200 trẻ mắc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh)...

Cũng trong khuôn khổ chương trình đào tạo, các bài báo cáo tập trung cập nhật thông tin về những phương pháp ứng dụng phân tích di truyền trong hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam .

  1. 61 học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm

Sáng 6-4, Bác sĩ Cao Hùng Phú, Giám đốc Điều hành Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn (quận 12, TPHCM) cho biết, hiện bệnh viện đang tiếp nhận và điều trị cho 61 học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định trên địa bàn, nhập viện nghi do ngộ độc thức ăn.

Trước đó, vào chiều ngày 5-4, 20 học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định nhập viện cấp cứu tại bệnh viện với các triệu chứng nghi do ngộ độc thực phẩm như: đau bụng, nôn ói, tiêu chảy...Đến tối ngày 5-4 và sáng ngày 6-4, số học sinh nhập viện tiếp tục tăng lên, hiện là 61 em.

Tại bệnh viện, các học sinh được nhanh chóng cấp cứu, kiểm tra nhiệt độ, huyết áp, thực hiện xét nghiệm máu, xử lý ói với thuốc chống nôn, truyền dịch và cho uống thuốc tiêu chảy. Hiện nay, sức khỏe các em đã ổn định và đang được theo dõi tích cực tại khoa Nhi của bệnh viện.


Thăm dò ý kiến