Điểm tin y tế ngày 25/3/2019

26/03/2019 | 16:00 PM

 | 

I. THÔNG TIN TRONG NƯỚC

  1. Giảm tải cho bệnh viện Bạch Mai, cơ sở 2 tại Phủ Lý chính thức khám bệnh từ ngày mai

Phòng khám bệnh đa khoa cơ sở 2 dự kiến sẽ tiếp nhận và khám cho 1.000 - 1.500 bệnh nhân/ngày. Thời gian làm việc của phòng khám là từ thứ 2 đến thứ 6 (nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ tết).

Theo thông tin từ bệnh viện Bạch Mai, từ ngày 25/3, Phòng khám bệnh đa khoa cơ sở 2 tại TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) sẽ chính thức đi vào hoạt động, phục vụ người dân đến khám chữa bệnh ngoại trú.

Phòng khám bệnh đa khoa cơ sở 2 bao gồm 16 phòng khám lâm sàng và 12 phòng xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng và chẩn đoán hình ảnh.

Các phòng khám có: Phòng khám cấp cứu nội - ngoại; Phòng khám nội chung; Phòng khám cơ xương khớp; Phòng khám tiêu hóa; Phòng khám tim mạch; Phòng khám hô hấp; Phòng khám huyết học; Phòng khám nội tiết; Phòng khám thận tiết niệu; Phòng khám thần kinh; Phòng da liễu; Phòng khám ung bướu; Phòng khám nhi; Phòng khám sản phụ khoa; Phòng khám tai mũi họng và Phòng khám mắt.

Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân tại cơ sở 2, giảm tải cho cơ sở 1, bệnh viện đã phân công, điều động trên 120 y bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên luân phiên về cơ sở 2 làm việc. Đồng thời bệnh viện cũng bố trí 1 xe cấp cứu chuyên dụng để phục vụ cho những trường hợp khẩn cấp cần đưa về cơ sở

  1. Sốt xuất huyết, sởi ở TP.HCM giảm mạnh

Trong nhiều tuần trở lại đây diễn biến các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi trên địa bàn thành phố liên tiếp giảm mạnh qua mỗi tuần. 

Tính từ đầu năm đến giữa tháng 3, TPHCM ghi nhận 9.695 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị, cùng với 1.458 ca mắc sởi và 410 ca tay chân miệng. Mặc dù so với cùng kỳ 2018 cả 3 bệnh đều tăng mạnh, tuy nhiên trong vài tuần trở lại đây, các loại bệnh này đã “hạ nhiệt”, số ca mắc liên tiếp giảm mạnh ở mức từ 20 – 48%.

Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM nhận định, dù số ca mắc của 3 bệnh đã giảm rõ rệt, tuy nhiên số ca bệnh sốt xuất huyết vẫn ở mức cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Để nhanh chóng kéo giảm số ca bệnh trong mùa khô, thì việc đẩy mạnh truyền thông diệt lăng quăng, diệt muỗi trong mỗi nhà dân vẫn rất quan trọng.

3.Một phụ nữ tử vong chưa rõ nguyên nhân, gia đình làm đơn cầu cứu

Cái chết chưa rõ nguyên nhân của chị H.H.T (SN 1988, trú tại thị trấn Cam Đức, Cam Lâm, Khánh Hòa) khiến gia đình chị bức xúc, làm đơn cầu cứu gửi đến cơ quan chức năng.

Theo đơn trình bày của gia đình, ngày 19.3, chị H.H.T nhập viện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa theo giấy chuyển viện của Bệnh viện huyện Cam Lâm, trong tình trạng sức khỏe tốt, sốt nhẹ 38 độ, tỉnh táo, vẫn nói chuyện bình thường. Tại đây, các bác sĩ lấy máu xét nghiệm và cho nằm để theo dõi tại khoa Tim mạch lão học tầng 5, phòng 505.

Ngày 20.3, các bác sĩ cho xét nghiệm lại lần 2 nhưng không thông báo kết quả lần đầu cho gia đình. Đến khoảng 7h, chị T vẫn tỉnh táo, nói chuyện bình thường. Đến 14h cùng ngày, y tá của bệnh viện đến truyền nước và sau đó chuyển chị T xuống nằm tại phòng 402 (tầng 4).

Lúc này, chị T được đưa đi siêu âm bụng trong trạng thái bình thường. Sau khi siêu âm về, đến 16h ngày 20.3, chị T có biểu hiện khó thở, nôn ói và người nhà gọi y tá đến kiểm tra nhưng không thông báo gì. Khoảng 5 phút sau, chị T tiếp tục mệt, khó thở, người nhà gọi y tá đến cho thở oxy, tiêm thuốc (người nhà không rõ thuốc gì).

Một lúc sau, chị T không nhận thức được gì, người nhà đưa lên giường thì chị bị ngất vào lúc 18h55. Người nhà gọi bác sĩ đến để đút ống thở và ép tim… Khoảng 30 phút sau, chị T tử vong trên giường bệnh mà không rõ nguyên nhân.

Chị Hồ Như Thủy (chị ruột của T) cho biết: “Từ trước đến nay, em tôi chưa hề có bệnh lý về gan, tim… T ra đi để lại hai con nhỏ mà chưa rõ nguyên nhân nên gia đình tôi rất bức xúc. Tôi yêu cầu ekip trực trả lời về nguyên nhân cái chết của em tôi. Thế nhưng bệnh viện chỉ trả lời mập mờ...”.

Theo lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa, khi xảy ra vụ việc trên, phía bệnh viện đã mời công an đến làm việc, nhưng người nhà không cho mổ tử thi nên rất khó khăn cho việc điều tra nguyên nhân. Hiện phía bệnh viện đang tiếp tục mời gia đình đến để làm việc.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Tấn Phùng - Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết: “Hiện tại, tôi chưa nghe bệnh viện tỉnh báo cáo vụ việc này, ngày mai (25.3) sẽ kiểm tra lại”.

  1. Giám sát bữa ăn học đường: Phụ huynh vào cuộc

Từ những vụ ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn bán trú xảy ra thời gian qua cho thấy lỗ hổng trong quy trình kiểm tra, giám sát việc đưa thực phẩm vào trường học nói riêng và các bếp ăn tập thể nói chung. Nhà trường cũng phải tham gia giám sát, và cũng rất cần sự giám sát của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Hơn ai hết, giáo viên và phụ huynh chính là những “mắt xích” quan trọng nhất trong vấn đề này.

Để phần nào nắm được bữa ăn học đường của con được thực hiện ra sao, có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, phụ huynh cần thay phiên nhau kiểm tra (cả theo lịch đặt trước, cả kiểm tra đột xuất). 

Sát sao với từng bữa ăn

Chị Kim Ngân (402 A1D1, KĐT Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, qua thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ từ bữa ăn bán trú ở trường của các con, chị cảm thấy rất hoang mang. Mặc dù không có thời gian để ở trường của con nhiều, nhưng chị thường xuyên đối chiếu thông tin về thực đơn hàng ngày ở trường và các món con ăn thực tế qua camera và lời kể của con gái. “Tôi hỏi con ăn ở trường có thích không, hay là trưa bà đón về ăn? Con luôn luôn trả lời là cơm ở trường rất ngon, con thích đi học. Con còn nhớ được thực đơn hôm nào có bún bò Huế, hôm nào thịt kho trứng cút, canh rau mồng tơi... Chứng tỏ, nhà trường đã “ghi điểm” trong mắt con ở bữa ăn” – chị Ngân nói. 

Là phụ huynh có con học tại trường mầm non Phạm Tu (Thanh Trì, Hà Nội), chị Phạm Hải Lý (P403, ct16, KĐT Hồng Hà, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết tuần qua, nhóm chat của phụ huynh trong lớp nóng nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi thời gian con ở trường nhiều hơn ở nhà, số bữa ăn ở trường là từ 3-4 bữa trong khi ở nhà chỉ có 1 bữa tối nên tất nhiên chị rất quan tâm đến việc ăn ở trường có đảm bảo sạch sẽ, an toàn và đủ dinh dưỡng hay không. Vì lớp không có Ban đại diện phụ huynh nên một số phụ huynh có thời gian hẹn nhau gặp Ban giám hiệu để hỏi chi tiết về bữa ăn của các con. Nhà trường đã cung cấp đầy đủ thông tin về đơn vị cung ứng nguyên vật liệu cho trường, quy trình tiếp nhận, chế biến thức ăn... đều đúng theo quy định của Bộ Y tế và cũng cho biết: nhà bếp luôn luôn mở cửa để các phụ huynh vào kiểm tra đột xuất không cần báo trước... nên cũng phần nào giúp bố mẹ yên tâm hơn về bữa ăn của các con.

Đã đúng quy trình?

Trên thực tế, ở nhiều trường, khi cánh cổng trường khép, không ai biết bữa ăn của các con được tổ chức ra sao. Nhà trường không có cơ chế để phụ huynh kiểm tra, thậm chí là trải nghiệm thực tế bữa ăn của các con. Hoặc nếu có, cũng là những buổi kiểm tra được báo trước, nặng về tính trình diễn của nhà trường với các bậc phụ huynh, với đoàn kiểm tra... Chẳng thế mà một số vụ việc được phát hiện đều là khi phụ huynh “đột nhập” vào trường bằng cách mang thuốc cho con, xin đón con về sớm... Hầu như không có nhà trường nào tự phát hiện thực phẩm “có vấn đề” để thay đổi nhà cung cấp khác... 

Đơn cử như vụ việc hơn 200 trẻ xét nghiệm bị nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh được phát hiện trong tuần qua, một câu hỏi lớn đặt ra là thời gian qua, các nhà trường thực hiện bữa ăn bán trú đã tuân thủ đúng quy trình từ khâu đưa thực phẩm vào trường học đến khi chế biến bữa ăn cho trẻ hay chưa?

Cụ thể, Bộ Y tế đã ban hành quy định xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể cho những đơn vị làm dịch vụ này. Các trường học tổ chức ăn bán trú cho trẻ đều phải có hồ sơ, chứng minh đủ các điều kiện theo thông tư số 15/2012/TT-BYT và Thông tư 30/2012/TT-BYT quy định. Sau đó nộp hồ sơ về Phòng, Sở GDĐT, cơ quan y tế để thẩm định hồ sơ, cử đoàn về kiểm tra. Nếu đủ điều kiện thì được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong quá trình tổ chức bếp ăn tập thể cho học sinh, các nhà trường tuân thủ quy tắc 1 chiều gồm: 1. Khu vực kho; 2. Khu tiếp nhận nguyên liệu; 3. Khu sơ chế, chế biến thực phẩm chín; 4. Khu ăn uống.

Đặc biệt, Thông tư quy định, các bếp ăn tập thể phải lấy nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng. Như vậy, các trường bắt buộc phải mua nguyên liệu ở nơi có hóa đơn chứng từ, tức là từ các công ty cung cấp thực phẩm có tư cách pháp nhân, được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm…

Như sự việc tại Bắc Ninh, vì Trường mầm non Thanh Khương không lưu giữ lại thực phẩm đúng quy định nên mẫu thịt lợn nghi bị nhiễm sán mà phụ huynh phản ánh không còn để gửi đi xét nghiệm. 

Huy động Ban phụ huynh cùng giám sát

Từ những vụ ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn bán trú xảy ra thời gian qua cho thấy hiện đang có lỗ hổng trong quy trình kiểm tra, giám sát việc đưa thức ăn vào trường học nói riêng và các bếp ăn tập thể nói chung. Bởi theo bà Trần Việt Nga (Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), cam kết hay là giấy chứng nhận là những cơ sở ban đầu. Ban đầu có thể họ làm tốt, đạt tiêu chuẩn để cấp các hồ sơ giấy tờ, nhưng sau này có thể lại vi phạm. Vì vậy, cần chú trọng vào kiểm soát quy trình: nguồn nguyên liệu ở đâu, cơ sở nào cung cấp, chất lượng ra sao. Nhà trường cũng phải tham gia giám sát, mỗi trường học/nơi sử dụng bếp ăn tập thể nên có những cán bộ chuyên trách việc đó, để trước hết có thể phát hiện nguyên liệu có đạt chuẩn không, chế biến có đảm bảo hay thực phẩm có nhiễm vi sinh không...

Bên cạnh đó, vai trò quan trọng của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Bởi không ở đâu cơ quan quản lý có thể giám sát được 100%. Hơn ai hết, chính phụ huynh học sinh, giáo viên của nhà trường cần tham gia việc giám sát vấn đề an toàn, giá trị dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ. 

Chẳng hạn, trong quá trình tiếp nhận thực phẩm hàng ngày từ phía công ty cung cấp tới nhà trường, Ban đại diện phụ huynh có thể phân công mỗi ngày một người tham gia chứng kiến, ký nhận. Chắc chắn, trong số hàng trăm nghìn phụ huynh có con tham gia ăn bán trú ở trường sẽ có thể sắp xếp luân phiên để làm việc này… Công khai, minh bạch trong quá trình tiếp nhận thực phẩm, đảm bảo an toàn trong chế biến và lưu mẫu theo đúng quy định của Bộ Y tế sẽ hạn chế được tối đa việc ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.  

Chia sẻ quan điểm này, anh Trần Thanh Sơn - Trưởng Ban đại diện phụ huynh lớp 5A6 (trường tiểu học Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, tại trường tiểu học Thịnh Liệt, giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh với nhà trường có kế hoạch cụ thể để từng lớp tham gia việc giám sát bữa ăn bán trú của con. Chẳng hạn, các thành viên trong Ban đại diện phụ huynh của các lớp sẽ luân phiên tham gia tất cả các khâu tổ chức bữa ăn bán trú, như: Tiếp nhận thực phẩm, kiểm tra bếp ăn, nguồn nước có sạch sẽ không? Phân chia suất ăn cho các con ra sao? Dụng cụ chia đồ ăn đạt yêu cầu không? Các con ăn có ngon miệng không? Vấn đề dinh dưỡng nhà trường cung cấp cho các con có đúng như thực đơn đã công bố trước đó không?...

Từng trực tiếp tham gia kiểm tra một số công đoạn, anh Sơn cho biết ngoài những buổi kiểm tra theo kế hoạch, cũng có lần anh kiểm tra đột xuất thì đều thấy nhà trường, nhà bếp làm như vậy là tương đối ổn. “Tận mắt kiểm chứng quy trình chế biến đồ ăn đảm bảo của nhà trường, tôi rất an tâm. Bên cạnh đó, bữa cơm bán trú không chỉ dành cho học sinh mà nhiều giáo viên trong trường cũng ăn luôn ở trường để chiều dạy tiếp. Nhất là với khối mầm non và tiểu học, đa số các cô giáo đều ăn cơm trưa luôn tại trường, sau khi các con ăn. Được chế biến trong cùng một bếp ăn và nhiều món trong các suất ăn cho giáo viên cũng giống như của học sinh nên tôi cho rằng chính các thầy cô cũng sẽ là những người kiểm chứng quan trọng về độ an toàn của những bữa ăn bán trú. Quan trọng nhất là cần phải ăn chín, uống sôi để hạn chế tối đa những nguy cơ có thể xảy ra từ bữa ăn” – anh Sơn bày tỏ. Trước thực trạng một số cơ sở giáo dục vẫn để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh lây qua đường tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, uy tín của nhà trường, gây hoang mang và bức xúc trong xã hội, Bộ GDĐT có công văn đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các Sở GDĐT phối hợp với Sở Y tế thực hiện biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, Bộ yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật an toàn thực phẩm, chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm, thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ GDĐT về công tác y tế trong trường học.

Đồng thời các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cán bộ quản lý về an toàn trong trường học, chống ngộ độc thực phẩm. Các cơ quan kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến - vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, tuân thủ quy trình giao nhận theo đủ ba bước, lưu mẫu thức ăn đúng quy định.

5.Ám ảnh trước vấn nạn thực phẩm bẩn

Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông tràn ngập các thông tin, hình ảnh về vấn nạn thực phẩm không an toàn ngoài thị trường. Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi đang có những diễn biến rất phức tạp. Nhưng ở các chợ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn bày bán công khai các loại hàng hóa kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc nhập lậu giá rẻ, còn người dân thì hoàn toàn thờ ơ, coi thường những hệ lụy của nó...

Qua khảo sát ở một số phiên chợ vùng cao thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên cũng như khu vực Tây Nam bộ cho thấy, hiện nay, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở các địa phương vùng sâu, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang có những diễn biến phức tạp và đáng báo động. Một trong những nguyên nhân chính là do nguồn thực phẩm sử dụng hằng ngày như thịt, cá và các loại thực phẩm thiết yếu khác thường không sẵn có, hoặc có cũng không đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng nên nhiều địa phương miền núi, vùng đặc biệt khó khăn phải nhập về từ các thị trấn, thị tứ hoặc vùng tiếp giáp.

Với cung đường xa, cùng với phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe khách hoặc xe máy, sau đó được đưa đến các cửa hàng nhỏ, lẻ rải rác khắp nơi để dễ dàng đến với người tiêu dùng khiến những mặt hàng này có nguy cơ mất ATVSTP rất cao. Mặt khác, ở các vùng miền núi, đa phần người dân ít quan tâm đến vấn đề ATVSTP. Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng sự cả tin và nhận thức hạn chế của đồng bào các dân tộc thiểu số để tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và hàng không rõ nguồn gốc lên địa bàn vùng cao, biên giới tiêu thụ. 

Trong khi đồng bào các dân tộc thiểu số khó phân biệt được hàng thật, hàng giả, hàng không nguồn gốc thì thực phẩm bẩn vẫn liên tục đổ bộ vào các chợ vùng cao biên giới. Mỳ chính Trung Quốc được biến thành Miwon, Vedan. Thịt lợn siêu nạc, bị bơm nước, tiêm thuốc an thần, mỡ bẩn, nội tạng động vật bốc mùi hôi thối được tẩy trắng, tung ra thị trường bán cho người tiêu dùng. Các loại trái cây bày biện đẹp mắt, căng mọng, dán mác hàng ngoại nhập với giá khủng.

Ai dám bảo đảm rằng những loại hoa quả này không hề được ngâm tẩm hóa chất? Chưa kể các loại rau với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất cao đang được bày bán trên thị trường... Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng hóa chất, các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm đang làm cho người tiêu dùng lo ngại, trong khi cơ quan quản lý dường như vẫn ở thế “lực bất tòng tâm”.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, tại các chợ phiên vùng cao, lâu nay, các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa hết hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc được tư thương trà trộn, bày bán công khai. Những người buôn bán hám lời lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào các dân tộc để bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, rượu rởm về bán.

Có một thực tế là, hiện nay, mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương các cấp ở khu vực miền núi nhằm thắt chặt quản lý ATVSTP, nhất là thực phẩm tươi sống được bán tại các chợ vùng cao, nhưng việc kiểm tra, quản lý ATVSTP vẫn gặp không ít khó khăn, bất cập. Nguyên nhân chủ yếu là do đại đa số bà con tiểu thương ở vùng cao buôn bán nhỏ lẻ, thiếu dụng cụ, trang thiết bị bảo quản và chế biến thực phẩm, ý thức bảo vệ VSATTP cũng như bảo vệ môi trường chưa cao.

Cũng theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, để góp phần nâng cao nhận thức về ATVSTP đối với người dân trên địa bàn miền núi, nhất là tiểu thương tại chợ vùng cao, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã vận động phụ nữ thành lập nhiều mô hình hoạt động như Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với thực phẩm bẩn” hay “Phụ nữ chung tay đẩy lùi thực phẩm bẩn”. Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng nhiều câu lạc bộ đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức cho các hội viên, phụ nữ trên địa bàn trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Nhiều địa phương miền núi còn tổ chức ký cam kết giữa Hội Phụ nữ với Hội Nông dân để cùng nhau bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngăn chặn nguồn thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm bẩn với những nội dung cụ thể như: 3 không (Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không sử dụng chất cấm trong bảo quản và chế biến thực phẩm; không kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm bẩn), 3 có (Có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; có hiểu biết về quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm; có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không an toàn)...

Để bảo đảm và phòng ngừa nguy cơ gây mất ATVSTP ở các phiên chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thiết nghĩ, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần phải có sự quan tâm hơn, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát, sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng tuyệt đối không để thực phẩm bẩn, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc lưu hành trong địa phương mình. Mặt khác, mỗi người dân cũng phải tự giác, tích cực tham gia và thực hiện tốt ATVSTP. Đã đến lúc, cả cộng đồng phải lên tiếng, ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

6.12.000 người chết vì bệnh lao mỗi năm

Ngày 23-3, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao (24-3) và phát động chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, mỗi năm thế giới có 10 triệu người mới nhiễm bệnh và 1,6 triệu người chết vì bệnh lao. Mặc dù Việt Nam là quốc gia được thế giới đánh giá hiệu quả trong phòng chống lao nhưng hiện vẫn còn 120.000 người mắc lao mới và 12.000 người chết vì bệnh lao mỗi năm, gấp 1,5 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Đồng thời, ở Việt Nam còn tới 19% người mắc bệnh lao chưa được phát hiện. Trong khi việc phát hiện và điều trị sớm vô cùng quan trọng và có tính quyết định đối với bệnh lao...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành y tế và các cơ quan chức năng cần phải làm thay đổi chuyển biến được nhận thức của cộng đồng rằng bệnh lao dù lây nhiễm nhưng không đáng sợ. Với người bệnh, không chỉ cần sự quan tâm của nhân viên y tế mà còn cần sự hỗ trợ của cả cộng đồng, cả hệ thống chính trị, làm sao người dân nhận thức, thấy mình bị bệnh phải đi khám, được điều trị theo lộ trình liên tục để không bị kháng, lờn thuốc...

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay là “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”, mục tiêu cụ thể là vào năm 2030, với dân số 100 triệu người thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao mỗi năm.

7.Mỗi năm vẫn còn 12.000 người chết do bệnh lao

Sự kiện hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống lao (24.3) đã được Bộ Y tế tổ chức sáng 23.3, tại Hà Nội.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiệnTheo PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện phổi T.Ư, năm 2018, ước tính VN có khoảng 124.000 người mắc lao mới. Hiện vẫn còn khoảng hơn 20.000 người mắc lao chưa được phát hiện trong cộng đồng. Mục tiêu của VN là đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao, tức là với dân số 100 triệu thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao/năm. Trong nước đã ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm mới giúp chẩn đoán đúng bệnh; cập nhật phác đồ điều trị giúp tăng tỷ lệ bệnh nhân lao được điều trị khỏi (hiện đạt hơn 90%).

Phát biểu tại sự kiện, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dù là một trong những quốc gia được đánh giá cao trong công cuộc phòng chống bệnh lao, với nguồn kinh phí cho phòng chống lao khoảng 60 triệu USD/năm, trong đó khoảng 20 triệu USD là nguồn kinh phí từ các tổ chức quốc tế, nhưng tại VN mỗi năm vẫn còn 19% người mắc lao mới chưa được phát hiện; VN vẫn đứng thứ 16 thế giới về gánh nặng bệnh lao, mỗi năm vẫn còn 12.000 người chết do bệnh lao, bằng 1,5 lần số người chết do tai nạn giao thông.

Phó thủ tướng cũng nêu rõ, để đạt được mục tiêu thanh toán bệnh lao vào 2030, cần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về bệnh lao, đi khám khi có dấu hiệu bệnh; khi có bệnh cần điều trị đầy đủ, đúng phác đồ; người bệnh lao cần được hỗ trợ tại nơi làm việc, hỗ trợ của cộng đồng, không bị kỳ thị.

8.Số người chết vì lao bằng 1,5 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương cho biết năm 2018, Việt Nam có khoảng 124.000 người mắc lao mới. Hiện vẫn còn khoảng hơn 20.000 người mắc lao chưa được phát hiện trong cộng đồng. Mục tiêu của VN là đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao, tức là với dân số 100 triệu thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao 1 năm.

Tại sự kiện hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống lao năm 2019 Bộ Y tế tổ chức sáng 23/3, PGS Nhung cho biết hiện Việt Nam đã ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm mới giúp chẩn đoán đúng bệnh; cập nhật phác đồ điều trị giúp tăng tỷ lệ bệnh nhân được điều trị khỏi (hiện đạt hơn 90%), với chi phí khoảng 10 triệu đồng.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh dù là một những quốc gia được đánh giá cao trong công cuộc phòng chống bệnh lao với nguồn kinh phí cho phòng chống lao khoảng 60 triệu USD/năm, trong trong đó khoảng 20 triệu USD là nguồn kinh phí từ các tổ chức quốc tế.

Phó thủ tướng đánh giá, để điều trị khỏi lao cho một bệnh nhân cần khoảng 10 triệu đồng, trong đó tiền thuốc khoảng 2 triệu đồng, với chi phí đó có thể cứu được người bệnh lao, do đó mong muốn sẽ có thêm nhiều người bệnh được phát hiện và điều trị khỏi ngay từ lần đầu được phát hiện.

Tuy nhiên tại Việt Nam vẫn còn 120.000 người nhiễm bệnh mới. Đồng thời có 12.000 người chết vì bệnh lao, bằng 1,5 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Trên thế giới cứ 100 người nhiễm lao thì chỉ có 61 người được phát hiện. Việt Nam dù làm tốt hơn mức trung bình trên thế giới song cũng mới chỉ phát hiện được 81 người. Điều đó có nghĩa vẫn còn còn 19% số người mắc bệnh lao không được phát hiện.

Theo Phó Thủ tướng, việc phát hiện và phát hiện sớm bệnh lao vô cùng quan trọng và có tính quyết định với quá trình điều trị. Đặc biệt nếu được chữa ngay từ đầu thì hơn 90 người được chữa khỏi hoàn toàn trong số 100 người.

Vì số bệnh nhân mắc lao mới chưa được phát hiện còn cao (19%) nên đến nay, Việt Nam vẫn nằm trong TOP 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.

Phó thủ tướng cũng nêu rõ, để đạt được mục tiêu thanh toán bệnh lao vào 2030, cần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về bệnh lao, cần khám khi có dấu hiệu bệnh; khi có bệnh cần điều trị đầy đủ đúng phác đồ; người bệnh lao cần được hỗ trợ tại nơi làm việc, của cộng đồng, không bị kỳ thị; ngành y tế cần ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật mới hợp tác quốc tế trong chẩn đoán điều trị lao…

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2019 tại Việt Nam  “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”. Chủ đề muốn nêu rõ định hướng và mục tiêu cụ thể đó là cơ bản chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030, tức là với dân số 100 triệu thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao 1 năm.

Nằm trong khuôn khổ hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao, nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua bệnh tật, hòa nhập cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia - Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB.

Theo đó, với tin nhắn với cú pháp: TB gửi 1402 bạn đã gửi 18 nghìn đồng ủng hộ cho Quỹ Hỗ trợ người chiến thắng bệnh lao. Mỗi người có thể gửi không giới hạn số tin nhắn, bắt đầu từ 00h00 ngày 10/3/2019 đến 24h00 ngày 09/5/2019.

Trước đó, trong đợt vận động nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB năm 2018, đã có 23.232 tin nhắn, tương đương với 418.176.000 đồng tiền ủng hộ. Ban Tổ chức chương trình đã sử dụng số tiền trên hỗ trợ hơn 100 lượt người bệnh có hoàn cảnh khó khăn: Mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ viện phí, dinh dưỡng…

9.Sự thật nữ giám đốc 2 lần chuẩn bị hậu sự vẫn sống sau thỉnh vong chùa Ba Vàng

Chị Phương người xuất hiện trong clip tại Chùa Ba Vàng tối 21/3 cho biết, trong buổi pháp thoại, chị chưa kịp nhắc đến vị bác sĩ đặc biệt – người đã sinh ra chị lần thứ 2 thì micro phụt tắt.

Trong buổi pháp thoại ngày 21/3 vừa qua tại chùa Ba Vàng, câu chuyện của chị Nguyễn Thị Quỳnh Phương, 46 tuổi, nữ giám đốc một công ty tại Hà Nội gây ấn tượng đặc biệt khi kể về hành trình hồi sinh trở lại một cách thần kỳ sau khi thỉnh vong tại ngôi chùa này.

Để làm rõ thêm nhiều tình tiết, PV VietNamNet đã trực tiếp gặp chị Phương và có cuộc trao đổi gần 3 giờ đồng hồ. Nhiều sự thật phía sau được hé mở.
Chị Phương cho biết, không giống anh chị em trong nhà, từ bé đến lớn chị phải trải qua nhiều cuộc mổ. Cách đây 6 năm, chị được chẩn đoán bị tắc và dính ruột. Suốt 6 năm ấy, tháng nào chị cũng phải nhập viện 2-3 lần, mỗi lần nằm viện 3-5 ngày và lần nào cũng phải dùng ống xông dài cả mét để xông khiến chị rất đau đớn, ám ảnh.

Bệnh cứ kéo dài nhiều năm không khỏi, chị đã gửi bệnh án sang Singapore nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Ngày 23/10/2018, chị lên cơn đau dữ dội, vào một BV tại Hà Nội mổ cấp cứu. Vị chuyên gia người Pháp cho biết, nếu không mổ ngay, 2-3 tuần nữa ruột sẽ thủng nên chị đồng ý mổ ngay.

30 tiếng sau mổ lần 1, bác sĩ phát hiện sườn trái tím đen do nhiễm khuẩn nên tiếp tục mở ra, mổ lần 2, cắt phần ruột hoại tử.

Trong suốt 6 ngày sau đó, chị Phương hôn mê hoàn toàn, mắt bị phù to, không nhắm được, người chướng to gần bằng chiếc giường. May mắn, sau đó chị ổn định trở lại, bắt đầu tập đi nhưng người liên tục bị sốt cao, chụp chiếu không ra nguyên nhân.  

Ngày thứ 13 sau mổ lần 2, dù vẫn sốt nhưng bác sĩ thông báo chị sắp được ra viện, chỉ định cắt chỉ sống do cơ thể còn yếu.

Tuy nhiên do vết khâu cách đoạn, vừa cắt xong lại hở toác ra nên bác sĩ yêu cầu khâu lại. Tuy nhiên sau khâu, chị lại đau bụng dữ dội. Lại chỉ định chụp chiếu kiểm tra lại, chỉ định mổ gầp lần 3.

Tiên lượng bệnh nhân rất nặng, bác sĩ đã gọi cả gia đình lên để gặp trước khi vào phòng mổ. Mổ ra, bác sĩ phát hiện đại tràng đã hoại tử, phải cắt bỏ, đặt hậu môn nhân tạo.

Trong quá trình mổ, chị Phương kể nằm mơ thấy con đường đỏ rực hoa bỉ ngạn giống như trong sách kinh phật chị từng đọc, đang đi thì có người gọi “Cho quay đầu lên”. Chị mở mắt, nhìn thấy đồng hồ chỉ 22h15 ngày 13/11. Trong lúc chị Phương vào phòng mổ lần 3, gia đình đã làm thủ tục xin chuyển sang BV Việt Đức điều trị tiếp.

Chuyển chị Phương từ phòng mổ ra, bác sĩ cho biết, tình trạng sau mổ rất nặng, khó qua khỏi, tiên lượng tử vong ngay trên đường đến BV Việt Đức nên gọi gia đình vào gặp mặt lần cuối.

Nghĩ mình sắp lìa xa, chị Phương dặn dò chồng và mọi người trong nhà, chia sẻ ước nguyện chỉ cần sống thêm 2 ngày nữa để đợi con gái từ Úc trở về vì đã lâu lắm rồi chưa gặp con.

Khi sang đến BV Việt Đức, mắt chị Phương bắt đầu mờ đi. Anh em chị Phương từ nước ngoài cũng kịp bay về để nhìn mặt chị lần cuối.

5 ngày tại BV Việt Đức là 5 ngày truyền thuốc liên tục. Tuy nhiên đến đêm 19/11, chị bị chảy máu ổ bụng không ngừng, 13 ống xông khắp người chảy máu ồ ạt, từ 21-22h mất 1,2 lít máu, phải truyền máu cấp cứu.

Tình trạng tương tự tiếp tục tái diễn vào ngày 21/11. Do tình hình quá nguy cấp, GS Trịnh Hồng Sơn, Phó giám đốc BV Việt Đức cầm tay chị Phương nói: “Phương ơi! Mổ nhé!”. GS Sơn cũng gọi cả nhà vào nhìn mặt chị lần cuối vì có nguy cơ mất luôn trên bàn mổ do đã hoại tử tụy, hoại tử lá lách, áp xe dưới gan. Cả nhà oà khóc, chồng chị khuỵu xuống. 

22h đêm, chị Phương được đẩy vào phòng mổ, ca mổ quá gấp nên bác sĩ không thể đợi thuốc mê ngấm, buộc phải trói chân tay, mổ sống. Vừa cắt chỉ, thành bụng mở bung ra.

“Lúc đó đau đớn vô cùng, bác sĩ mổ đến đâu tôi biết đến đó, tôi vừa nằm trên bàn mổ vừa niệm phật, sau thuốc mê ngấm, thiếp đi lúc nào không hay. Ca mổ kéo dài 4,5 tiếng. Sau mổ, bác sĩ nói với gia đình đã hết cách rồi, giờ còn chờ thôi vì gan cũng đã bị xung huyết”, chị Phương kể lại.

Cả gia đình chị Phương về họp bàn lo hậu sự, đã thống nhất nơi chôn cất, thậm chí chồng chị đã đóng sẵn chiếc tủ gỗ, để khi vợ lìa xa sẽ để toàn bộ đồ đạc của vợ vào đó ngắm mỗi ngày. Hiện chiếc tủ vẫn đang được để ở góc nhà chị Phương.

Theo phiếu phẫu thuật của BV Việt Đức, khi mở ra, bác sĩ phát hiện lớp cân cơ đã mủn nát, nhiều mủ đọng dưới da và chân dẫn lưu cũ. Ngay dưới lớp cân cơ thành bụng có 2 ổ mủ kích thước 3x4 cm và 5x6 cm, các quai ruột dính từng khối, hoại tử rốn lách chảy máu phun thành tia từ động mạch, áp xe dưới gan và hố lách.
Bác sĩ đã cắt lách thân đuôi tụy, lấy phần tụy hoại tử, khâu cầm máu, làm sạch ổ áp xe, lau rửa dẫn lưu bụng, gỡ dính các quai ruột, mạc nối lớn, lấy dịch ổ bụng... Bệnh nhân tạm thời được lắp hậu môn nhân tạo.

Chị Phương kể, khi chị trong tình trạng nguy cấp sau lần mổ thứ 3, gia đình cũng tìm mọi cách vái tứ phương. Sau được chị bạn khuyên: “Thôi hết cách rồi, thử về chùa Ba Vàng xem sao”.

Chị Thủy (em gái chị Phương) đã trực tiếp đến chùa Ba Vàng, đúng ngày rằm nhưng nhà chùa hẹn phải cuối tháng mới có ngày pháp hội (mỗi tháng nhà chùa chỉ làm lễ vào 3 ngày pháp hội).

Chị Thuỷ thất vọng trở về, nhưng chưa bỏ cuộc, tiếp tục gọi điện xin thầy có pháp danh Bảo Lực tìm cách vì “chị con bị nặng quá, bác sĩ bảo hết cách rồi, đêm qua lại phải mổ cấp cứu lần nữa”. Sau 3 ngày chị Thủy gọi liên tục, nhà chùa nhận lời.

Chị Thủy kể, ban đầu “vong” nhập vào chị. Người thân đi cùng chị Thủy kể lại, thấy chị ngã quỵ, cấm khẩu, chân tay giãy giụa nhưng không nói được. Sau đó sư thầy “thoát vong” 3 lần, “vong” mới chịu ra.

Lần thứ 2, “vong” nhập vào 1 phật tử ngồi gần đó, cả đoàn không biết người này. Theo lời chị Thủy, lần này “vong” nói tình trạng của chị Phương ở viện rồi nói cách đây bao nhiêu kiếp, chị Phương đã từng làm việc này, việc kia, trong đó có sát hại 1 cháu bé.

Sau khi “thỉnh vong”, nhà chùa lại nói với em chị tin thì chuyển nghiệp nhưng việc sống được hay không không trả lời được, do phước thọ mỗi người.

“Tôi khẳng định đã cứu sống chị Phương”

Nhìn lại hành trình gần 2 tháng với nhiều lần ngỡ ra đi mãi mãi, chị Phương khẳng định, việc gia đình có về chùa Ba Vàng “thỉnh vong” là có nhưng nếu nói chỉ nhờ “thỉnh vong” mà chị khoẻ mạnh là chưa hoàn toàn đúng.

“Đối với tôi, GS Sơn là một ân nhân. Hiện trong danh bạ tôi vẫn lưu GS Sơn là “Người đã tái sinh cháu lần 2”. GS Sơn mổ rất giỏi, rất mát tay, thuốc cũng rất tốt, y tá, điều dưỡng chăm sóc rất tận tình”, lời chị Phương.

Theo chị Phương, khi đã ở cuối con đường, gia đình nào cũng muốn bấu víu vào những tia hy vọng cuối cùng, nhưng “thỉnh vong” chỉ là bước đệm, việc chị thường xuyên đọc kinh, niệm phật sám hối hàng ngày giúp tinh thần chị nhẹ nhõm, suy nghĩ lạc quan hơn, sống tích cực hơn. Đó có thể chính là liệu pháp tinh thần giúp chị mau hồi phục hơn bình thường.

“Tôi cho rằng, mọi người chữa bệnh phải có tây y, sau kết hợp thêm liệu pháp tinh thần thì thật tuyệt vời. Mọi người đừng nghĩ gì cao siêu, chỉ cần hiểu đạo phật chân thật, thuần túy nhất, nhất tâm niệm phật, suy nghĩ tích cực nhất, chứ đừng mê tín, hễ có việc là đi thỉnh, đi cầu”, chị Phương chia sẻ.

Sau vài tháng tụng kinh, niệm phật, chị Phương cho biết tính cách bản thân cũng đã thay đổi rất nhiều, đến mức không còn cáu giận, buồn phiền. 

Sau cùng chị Phương chia sẻ, việc chị có mặt tại chùa Ba Vàng trong buổi pháp thoại chiều 21/3 chỉ với mục đích tri ân nhà chùa đã giúp chị có tâm sáng, lòng an, đoạn cuối chị định nói thêm cảm ơn GS Trịnh Hồng Sơn đã cứu chị bằng phương pháp y học nhưng chưa kịp nói thì micro phụt tắt.

Về trường hợp của bệnh nhân Phương, GS Trịnh Hồng Sơn khẳng định: “Chính tôi là người cứu sống. Bệnh nhân sẽ phải mổ lần nữa để nối trực tràng và lịch là đầu tháng 4. Về mặt khoa học, tôi khẳng định điều đó. Phương pháp của tôi cứu được người là bình thường. Đó là sự thật, mình phải nói làm sao để người dân không mê muội”.

Theo GS Sơn, 3 lần trước, bệnh nhân Phương đều nặng, lần  mổ thứ 4 có nguy cơ không qua được thật do tụy hoại tử. Việc trước khi mổ, bác sĩ gọi gia đình vào giải thích, thông báo có thể tử vong cũng là việc hết sức bình thường vì không ai có thể chắc chắn 100% được.

Về thông tin cho rằng chùa Ba Vàng chữa được cả ung thư, GS Sơn quả quyết, nhiều năm làm nghề chưa từng gặp bệnh nhân ung thư nào đi cúng mà khỏi được cả.

“Một số trường hợp đi khám xét không chứng minh được ung thư nhưng người ta nghĩ là ung thư rồi về nhà tự chữa, sau khỏi hay có trường hợp bị bệnh kí sinh trùng ăn vào gan, vào phổi lại tưởng di căn, nhưng sau uống liều thuốc tẩy giun khỏi lại nghĩ BV trả về vẫn sống tốt”, GS Sơn giải thích.

10. Đòi bệnh viện hơn nửa tỉ đồng từ chuyện… đau bụng

Tháng 8-2012, bà Tâm nhập viện cấp cứu tại BV Hạnh Phúc trong tình trạng đau quặn bụng phần trên. Lúc này bà đang mang thai được khoảng 3-4 tháng. Khi thăm khám bác sĩ (BS) đã nắn phần bụng và chẩn đoán bà Tâm bị viêm dạ dày nên đã kê toa thuốc điều trị. Sau khi uống thuốc bà Tâm hết đau bụng nên đã không quay lại BV tái khám mà cứ đau là mua thuốc uống.

Đến tháng 5-2013, bà Tâm bị đau phần bụng trên và có hiện tượng vàng da và vàng mắt. Khi bà đi khám ở chỗ khác thì bà được chẩn đoán là bị sỏi đường mật chủ, phải nhập BV cấp cứu trong tình trạng nguy kịch men gan cao và đang biến chứng viêm tụy cấp tính. Bà được BV yêu cầu là phải mổ gấp, các viên sỏi được phẫu thuật lấy ra có kích thước 0,3-0,8 cm.

Phía nguyên đơn cho rằng để có thể chẩn đoán người bị viêm dạ dày thì phải tiến hành siêu âm, xét nghiệm… Tuy nhiên, BS tại BV Hạnh Phúc lại không đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào. Việc BS cho thuốc là thuốc giảm đau, chỉ có hiệu quả tức thì để dứt cơn đau chứ không trị hết được bệnh. Sau một thời gian thì tình trạng sức khỏe của bà Tâm yếu hơn và có hiện tượng vàng da và vàng mắt.

Từ đó bà Tâm yêu cầu BV Hạnh Phúc phải xin lỗi công khai trên báo và bồi thường hơn 536 triệu đồng gồm chi phí khám chữa bệnh, tổn thất sức khỏe và thiệt hại về tinh thần. Tuy nhiên, tại phiên tòa nguyên đơn chỉ yêu cầu BV bồi thường tiền.

Đáp lại, đại diện BV Hạnh Phúc khẳng định quá trình điều trị BS có dặn dò bà Tâm không chỉ một lần mà còn nhiều lần. Tuy nhiên, việc dặn này chỉ bằng lời nói chứ không thể hiện trên toa thuốc. Trong khi triệu chứng của bệnh viêm dạ dày và sỏi mật là giống nhau.

Tại tòa, nguyên đơn cho rằng BS của BV Hạnh Phúc đã thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn, chỉ định cụ thể gây ra biến chứng của bệnh sỏi đường mật khiến bà Tâm lâm vào tình trạng nguy kịch. BS điều trị đã vi phạm nguyên tắc dặn dò bệnh nhân khi khám chữa bệnh, tắc trách trong chuyên môn.

BV có sai nhưng không phải bồi thường

Phía nguyên đơn đã trưng ra thư hồi đáp của BV Hạnh Phúc, trong đó có nội dung: “Bệnh lý dạ dày và sỏi đường mật là hai bệnh lý khác nhau nhưng đều có triệu chứng ban đầu là đau thượng vị và rối loạn tiêu hóa”. Nếu như BV Hạnh Phúc có hướng dẫn và phát hiện kịp thời thì sẽ tránh được biến chứng làm tắc nghẽn đường mật. “Cái sai của BV là không ghi lời dặn dò vào toa thuốc” - phía nguyên đơn nói.

Chủ tọa phiên tòa hỏi nguyên đơn: “Bệnh nhân có khám tổng quát không hay chỉ khám thai?”. Phía nguyên đơn đáp chỉ khám thai chứ không khám tổng quát và mỗi lần đau thì lại mua thuốc điều trị theo toa của BS cho và thấy hết đau nên tin tưởng. Sau đó chủ tọa cho rằng phía bệnh nhân đã chủ quan về sức khỏe của mình vì chẩn đoán của BS chỉ đúng tại thời điểm mà bệnh nhân được khám…

Đại diện của bị đơn cho rằng không đồng ý với yêu cầu khởi kiện, không bồi thường vì không có lỗi. Để chứng minh, phía bị đơn đưa ra bản kết luận của chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y khoa khẳng định BS của BV Hạnh Phúc đã điều trị tương thích.

Bệnh nhân Tâm đã trở về nhà không còn đau bụng trong một thời gian dài và bà Tâm không có gì chứng minh bà có sỏi mật trước khi đến khám tại BV Hạnh Phúc. Cũng theo văn bản này, việc sử dụng thuốc có công dụng giảm đau điều trị cho bệnh nhân là giúp an toàn cho thai nhi và thuốc điều trị cũng đã thể hiện công dụng khi bệnh nhân đã hết đau trong một thời gian dài.

Cuối cùng HĐXX nhận định BS của BV Hạnh Phúc đã có lỗi vô ý, cẩu thả và không thực hiện đúng quy trình khám chữa bệnh, không kiểm tra đúng nên chẩn đoán sai bệnh viêm dạ dày. Tuy nhiên, phía nguyên đơn không có gì chứng minh mình bị sỏi mật được hình thành trước khi khám tại BV Hạnh Phúc và là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho nguyên đơn. Từ đó, HĐXX không chấp nhận yêu cầu bồi thường của bà Tâm.

  1.   Bất an vì... “ngáo đá”

Liên tiếp nhiều vụ án mạng đau lòng xảy ra gần đây có nguyên nhân từ “ngáo đá” khiến cộng đồng xã hội vô cùng bất an. Đáng báo động, tình trạng sử dụng loại ma túy tổng hợp - ma túy đá hay “hàng đá” đang khá phổ biến trong giới trẻ, gây ra nhiều hệ lụy rất nguy hại. Ma túy đá không chỉ khiến người sử dụng bị suy kiệt sức khỏe, rối loạn tâm thần mà còn rơi vào ảo giác - “ngáo đá” dẫn tới những hành vi không kiểm soát gây nguy hiểm cho cộng đồng, cũng như làm mất an ninh trật tự. 

Những vụ án đau lòng

Người dân ở TPHCM và Long An cùng cộng đồng xã hội tới giờ chắc hẳn vẫn không khỏi bàng hoàng trước vụ thảm án do đối tượng Nguyễn Hoàng Nam (26 tuổi) gây ra, sát hại 3 người ruột thịt (ở Hóc Môn, TPHCM) và 1 một phụ nữ (ở Cần Đước, Long An). Ngay sau khi xuống tay giết hại những người thân quen, Nam đã nhanh chóng bị công an bắt giữ nhưng cơ quan chức năng vẫn rất khó khăn lấy được lời khai vì đối tượng luôn trong tình trạng ảo giác do sử dụng ma túy đá. Mới đây nhất, lực lượng công an đã kịp thời giải cứu một thanh niên mới 19 tuổi do “ngáo đá”, đột nhập vào trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận la hét gây náo loạn và định nhảy lầu.

Không chỉ có nhiều vụ việc gây mất an ninh trật tự, án mạng nghiêm trọng mà ma túy đá cũng đang khiến cho nhiều thanh thiếu niên bị tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe và tâm thần. Ghi nhận tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) và Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho thấy, số bệnh nhân phải nhập viện điều trị do nghiện ma túy đá liên tục tăng cao, trong đó có không ít trường hợp rối loạn thần kinh, ảo giác rất nặng, chỉ muốn chết hoặc quậy phá, đánh lộn nhau, đâm chém người khác. Ông Lê Văn H., cha của một thanh niên mới 18 tuổi nhưng đã có gần 2 năm “đập đá” (đến mức phải vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 điều trị) đau khổ cho biết: “Không ngờ ma túy đá lại khiến con tôi như hóa điên. Lúc thì ngồi ủ rũ khóc một mình, lúc thì gào thét, đập phá đồ đạc, đuổi đánh cả bố mẹ và anh chị em...”.  

Trào lưu chơi đá

Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, tới nay cả nước có trên 222.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, số người nghiện ma túy đá tiếp tục tăng mạnh so với ma túy truyền thống và các chất hướng thần thay thế khác. Tỷ lệ người sử dụng ma túy đá chiếm 60% - 70%, đặc biệt, tại các tỉnh khu vực miền Trung và Nam bộ, tỷ lệ này lên tới 70% - 85%. Đáng lo ngại hơn nữa khi số người “đập đá” đang có chiều hướng trẻ hóa. Qua một số cuộc điều tra khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, tuổi bắt đầu sử dụng ma túy đá của nhiều thanh thiếu niên sống ở Hà Nội, Hải Phòng và TPHCM từ 16,4 tới 17,3 tuổi. Đặc biệt, nếu như trước đây, các đối tượng sử dụng ma túy đá chủ yếu tụ tập đến các điểm công cộng như: vũ trường, bar, nhà hàng có sử dụng nhạc mạnh và tập trung ở các đô thị lớn thì đến nay, ma túy đá đã tràn lan khắp nơi, từ nông thôn, khu công nghiệp đến các vùng sâu vùng xa góp phần tạo nên nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân và ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội.

Lý giải về tình trạng “đập đá” đang trẻ hóa, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cảnh báo: “Ma túy đá dễ dàng tấn công người chơi hơn so với ma túy truyền thống (heroin, thuốc phiện) do rất dễ điều chế, sử dụng, vận chuyển, cất giữ và tiêu thụ. Thêm vào đó, một bộ phận giới trẻ thích phiêu lưu, mạo hiểm, khám phá và thể hiện bản thân khi cho rằng dùng “hàng đá” là sành điệu, thể hiện đẳng cấp nên thường rủ rê lôi kéo nhau sử dụng ma túy đá mà không lường hết được tác hại”.

Bắt đầu từ gia đình và nhà trường

Theo các chuyên gia y tế, ma túy đá là hóa chất tổng hợp từ thuốc kích thích Amphetamine, có tên khoa học là Methamphetamin. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, ma túy đá không gây nghiện như các loại ma túy khác mà chỉ đem lại tác dụng kích thích thoáng qua trong cuộc vui, thế nhưng thực chất ma túy đá lại vô cùng nguy hiểm. Những người sử dụng ma túy đá thường bị rối loạn tâm thần rất nhanh. Người dùng một lần liều ít dưới 0,5mg có biểu hiện hưng phấn, mất ngủ, nói nhiều, quan hệ tình dục quá mức. Nếu liều trên 0,5mg thì bị rối loạn cảm xúc, hưng cảm tột độ, dễ dẫn tới những hành động điên cuồng. Còn đối với người “đập đá” trên 10mg thường có biểu hiện ngộ độc, mê sảng và rất dễ tử vong. Bác sĩ La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, lý giải, ma túy đá nói riêng hay các loại ma túy tổng hợp nói chung có tác động trực tiếp tới hệ thần kinh trung ương, phá hủy não bộ khiến người sử dụng mất hết minh mẫn. Điều nguy hiểm là nếu các loại ma túy truyền thống như heroin, thuốc phiện chỉ gây ảo giác, hưng phấn trong vài giờ thì ma túy đá có thể gây hưng cảm tới 3-4 ngày. Một người sử dụng heroin, để dẫn tới bị rối loạn tâm thần cũng phải mất một vài năm thì khi đã “đập đá”, chỉ vài tháng là cơ thể đã bị suy kiệt do ma túy đá tàn phá bộ não khủng khiếp và nhanh hơn bất cứ loại ma túy nào khác. Bác sĩ Cương cũng cho biết, việc cắt cơn của người nghiện ma túy đá mất từ 7-10 ngày nhưng việc cai nghiện có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào lý trí, quyết tâm của người nghiện. Đặc biệt, trong điều trị cho người nghiện ma túy đá thì yếu tố quan trọng nhất là gia đình và cộng đồng. Những bệnh nhân có gia đình quan tâm, phối hợp chặt chẽ với bác sĩ thì kết quả điều trị tốt hơn rất nhiều, cũng như giảm khả năng bệnh nhân tái nghiện.

Trước tình trạng “ngáo đá” ngày càng nhiều, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, để tránh bị đối tượng “ngáo đá” tấn công, khống chế, cần phải nhận biết được các dấu hiệu của người đang bị ngáo đá, như: đồng tử mắt nở rộng, mắt đảo qua đảo lại liên tục, liên tục uống nước, quầng thâm trên mắt rất rõ, da nhăn nheo... Cùng với đó là có những hành vi bất thường, mất kiểm soát như: nói lảm nhảm, la hét, đập phá, leo trèo. “Nếu có người nhà bị “ngáo đá”, hoặc ra đường gặp các đối tượng này thì mọi người cần bình tĩnh, xử lý khôn khéo, tránh việc gào khóc, chửi bới gây kích động đối tượng. Nếu bị đối tượng khống chế, nên làm theo lời đối tượng, nhẹ nhàng thuyết phục chờ khi đối tượng mất cảnh giác thì tìm cách thoát thân. Khi gặp người “ngáo đá” ở nơi công cộng, tuyệt đối không vì tò mò mà đứng xem, cần di chuyển đến nơi an toàn và gọi công an đến hỗ trợ...”, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn khuyến cáo.

12. Thanh Hóa: Thêm hai huyện xuất hiện dịch tả lợn châu Phi

 

Sau 1 tháng dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Thanh Hóa, tình hình dịch bệnh không những không được khống chế mà vẫn tiếp tục bùng phát ra nhiều địa phương khác trên địa bàn.

Báo cáo mới nhất của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, địa phương này vừa ghi nhận thêm 2 huyện có dịch tả lợn châu Phi là Thường Xuân và Đông Sơn.

Theo đó, vào ngày 20/3, lợn của gia đình ông Lê Mậu Hoàn, thôn 1 có hiện tượng chết bất thường. Sau khi nhận được tin báo, chính quyền xã đã báo cáo với các cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời phối hợp với người dân tiến hành tiêu hủy theo quy định. Đến chiều ngày 22/3, kết quả báo về số lợn của gia đình hộ này đều dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Sau khi có kết quả, chính quyền đã thông báo cho người dân được biết, đồng thời lập 2 chốt kiểm dịch trên địa bàn. Mặt khác, tiến hành phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột toàn bộ các gia trại, trang trại.

Tiếp đó, ngày 22/3, các mẫu xét nghiệm tại hộ gia đình ông Lang Văn Chiến, bản Chiềng Mót, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân cũng dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.

Hiện nay, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với UBND huyện Thường Xuân, Đông Sơn tập trung tiêu hủy, chưa có số liệu báo cáo chính xác về số lợn nhiễm bệnh của 2 địa phương này.

Như vậy, tính đến cuối ngày 22/3, tại Thanh Hóa, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 46 hộ thuộc 25 thôn, 20 xã của 5 huyện, TP gồm: Yên Định, Thiệu Hóa, Thường Xuân, Đông Sơn và TP. Thanh Hóa. Đến nay, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 1.357 con lợn với tổng trọng lượng 71.302,5 kg.

13. Bộ Giao thông vận tải triển khai nhiều biện pháp cấp bách ngăn chặn Dịch tả lợn châu Phi

Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu các đơn vị trong ngành nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách.

Theo đó, để chủ động công tác phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi rất có thể sẽ lây lan rộng trên địa bàn các tỉnh, thành phố, đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị trong ngành nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của ngành Y tế, Công an, Thú y, Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để ngăn ngừa vận chuyển sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách và tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu xác định trách nhiệm của người đứng đầu các các cơ quan, đơn vị để xảy ra hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hoặc tiêu thụ lợn, các sản phẩm từ lợn nhiễm bệnh Dịch tả lợn châu Phi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... trên địa bàn, lĩnh vực quản lý.

Phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật trong phạm vi thẩm quyền đối với các đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về vận chuyển…

  1.  Tuyên chiến với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất

Trong suốt 4 năm (từ 2014-2017), lao là bệnh lý nhiễm trùng gây tử vong nguy hiểm nhất thế giới, cướp đi nhiều sinh mạng hơn các virus như HIV/AIDS hay Ebola, với 1,6 triệu người thiệt mạng năm 2017.

Tuy nhiên, căn bệnh đã tồn tại 137 năm kể từ khi thế giới biết nguyên nhân của bệnh là vi khuẩn lao này, tới nay vẫn là "dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất” khi chỉ riêng năm 2017, thế giới có thêm 10 triệu ca nhiễm lao phổi mới, tương đương gần 30.000 người nhiễm mới mỗi ngày.

“Đã đến lúc hành động, đã đến lúc kết thúc bệnh lao”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra thông điệp cho Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3 năm nay như một lời kêu gọi khẩn cấp: đã đến lúc phải thay đổi.

Tháng 9 năm ngoái, bên lề kỳ họp Đại hội đồng khóa 73, Liên hợp quốc lần đầu tiên tổ chức hội nghị cấp cao về bệnh lao, trong bối cảnh, cứ mỗi phút thế giới có 3 người ra đi vì bệnh lao, tức là cứ mỗi ngày có thêm 4.500 người mất mạng do căn bệnh truyền nhiễm này.

Làm một phép so sánh đơn giản, HIV/AIDS trong năm 2017 làm chết 940.000 người, một căn bệnh thế kỷ hiện chưa có phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả đang cướp đi ít sinh mạng hơn so với một căn bệnh đã có thuốc và pháp đồ điều trị từ những năm 1920.

Trên thực tế, cuộc chiến chống bệnh lao toàn cầu cũng đã đạt nhiều tiến bộ. Toàn thế giới chứng kiến tỷ lệ tử vong do bệnh lao giảm tới 42% trong giai đoạn từ 2000-2017. Các phương pháp chẩn đoán và các loại thuốc mới đã được nghiên cứu và đưa ra áp dụng.

Các cam kết cấp độ toàn cầu về chống lao cũng đang đạt mức cao chưa từng có, tiêu biểu là việc các nhà lãnh đạo nhất trí tại Hội nghị cấp cao chống lao của LHQ tháng 9 năm ngoái sẽ huy động 13 tỷ USD tới năm 2022 cho công tác chăm sóc và phòng chống bệnh lao. Tại hội nghị cấp bộ trưởng WHO về bệnh lao tháng 11/2017, các nước đã ra Tuyên bố Moskva cam kết chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Dù vậy, nét chủ đạo trong bức tranh toàn cầu mà báo cáo năm 2018 của WHO vẽ ra vẫn là sự trì trệ trong các nỗ lực về ngăn chặn và tiêu diệt bệnh lao. Các chuyên gia của WHO ước tính trong năm 2017, có 3,6 triệu người mắc bệnh lao mà không được điều trị.

Trong khi đó, nguồn tài trợ cho công tác điều trị đang thiếu hụt 3,5 tỷ USD so với mức cần thiết trong năm 2018, và thiếu hụt cho hoạt động nghiên cứu và phát triển là 1,3 tỷ USD. Các chuyên gia cảnh báo nếu các xu hướng này tiếp tục, thế giới có thể phải đối mặt với một tai họa lớn hơn, trong đó hiểm họa lớn nhất là nguy cơ kháng thuốc lan rộng trong điều trị lao.

Thách thức gai góc hàng đầu trong cuộc chiến phòng chống lao phổi là thiếu các công cụ hiện đại cho một dịch bệnh cấp thiết của thế kỷ 21. Mặc dù có những tiến bộ khoa học nhất định, bệnh nhân và các đơn vị điều trị bệnh lao chủ yếu vẫn phải dựa vào chẩn đoán, vaccine và pháp đồ điều trị cũ kỹ và thiếu hiệu quả.

Đơn cử như việc tiêm phòng, vaccine BCG đang được sử dụng cho bệnh lao ngày nay được phát triển vào những năm 1920 và trong thời gian dài bị chỉ trích chỉ có hiệu quả hạn chế. Về hoạt động chẩn đoán, xét nghiệm lao được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay do nhà khoa học người Đức Robert Koch, người đã xác định vi khuẩn lao dưới kính hiển vi vào năm 1882, phát triển và chỉ có độ nhạy 50%.

Tình trạng chẩn đoán chưa chính xác hoặc không phát hiện kịp thời các ca nhiễm bệnh vẫn tồn tại, cản trở công tác phòng và chữa căn bệnh nguy hiểm này.

Theo WHO, trong số 10 triệu ca phát hiện mắc mới trong năm 2017 thì chỉ có 6,4 triệu ca được ghi chép chính thức trong các hệ thống quản lý quốc gia, trong khi 3,6 triệu ca khác hoặc là không được chẩn đoán, hoặc là đã phát hiện ra nhưng không báo cáo.

Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân được chữa trị cũng còn thấp với chỉ 64% ca nhiễm bệnh, trong khi để có thể đạt mục tiêu xóa sổ bệnh lao vào năm 2030, thì từ nay tới năm 2025, phải có ít nhất 90% các ca nhiễm bệnh được điều trị.

Đặc biệt, tình trạng lao kháng đa thuốc vẫn là một cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng. Mỗi năm có khoảng 60.000 ca mắc bệnh lao "nhờn thuốc",  và tình trạng này thực sự đã đẩy lùi những tiến bộ đạt được trong phòng chống bệnh lao trên toàn cầu.

Lựa chọn chủ đề “Đã đến lúc” (It’s time), WHO mong muốn nhấn mạnh tính khẩn cấp phải thực hiện những cam kết mà lãnh đạo các quốc gia trên toàn cầu đưa ra, bao gồm: Mở rộng, tập trung phòng ngừa và điều trị bệnh lao; xây dựng tinh thần trách nhiệm trong phòng chống và điều trị bệnh; đảm bảo đủ và bền vững nguồn tài chính cho nghiên cứu, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh, cung cấp đủ thiết bị cho các trung tâm phòng chống lao, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu.

Bản thân việc LHQ tổ chức cuộc họp cấp cao riêng về bệnh lao cũng cho thấy vấn đề này đang ngày càng cấp bách. Từ trước tới nay mới chỉ có 4 vấn đề y tế gồm HIV/AIDS, các bệnh không truyền nhiễm, Ebola và kháng kháng sinh, là nằm trong chương trình nghị sự của một hội nghị cấp cao LHQ.

Ngày 24/3/1882, bác sĩ Robert Koch công bố đã phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh lao, đồng thời mở ra con đường hướng tới chẩn đoán và điều trị căn bệnh này.

Sự ra đời của Ngày Thế giới phòng chống lao hằng năm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về sự hủy hoại sức khỏe, hậu quả về kinh tế - xã hội do bệnh lao gây ra, và hiệu quả của công tác phòng chống bệnh lao trên toàn cầu.

Năm nay, WHO cho rằng đã đến lúc thế giới cần nhìn thẳng vào mối nguy mà "kẻ giết người hàng đầu" này gây ra, để không chỉ cam kết mạnh mẽ mà cần có hành động kịp thời và quyết liệt để có thể xóa bỏ bệnh lao vào năm 2030.

  1. Ngày Thế giới phòng, chống lao 2019: Cả cộng đồng cần chung tay

Từ lâu, bệnh lao đã được biết tới là một trong những căn bệnh nguy hiểm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của cộng đồng. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nghiêm trọng, có thể gây ra những biến chứng khó lường.

Để phòng, chống bệnh lao và bảo vệ sức khoẻ của người thân và gia đình trước nguy cơ mắc bệnh thì tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân là chưa đủ mà còn cần sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng.

“Kẻ giết người hàng đầu”

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh lao vẫn là “kẻ giết người hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Mỗi ngày, lại có thêm 4.500 người tử vong bởi bệnh lao và gần 30.000 người mắc bệnh. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 124.000 người mắc lao mới, số người tử vong do lao ước tính là 12.000 người.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng về bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 trong gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, có tới 64% bệnh nhân mắc lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm hoạ, tức là phải tiêu tốn trên 20% thu nhập của hộ gia đình trong một năm do mắc lao. 70% người mắc lao đang trong độ tuổi lao động. 

Theo ông Phạm Hữu Thường- Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội, Chủ nhiệm chương trình phòng, chống lao TP Hà Nội, bệnh lao là một trong những căn bệnh nguy hiểm thứ 2 trong những bệnh nhiễm trùng gây tử vong trên thế giới. Tại Việt Nam, hàng năm, cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% trường hợp mắc mới. Hiện số người mắc lao hàng năm đang giảm khoảng từ 5 đến 6%. Riêng tại Hà Nội, trong năm 2018, chương trình chống lao của Thành phố đã phát hiện đươc 4.681 bệnh nhân lao mọi thể, tương ứng với tỷ lệ 63 người bệnh/100.000 dân. Số lượng người bệnh lao được thu nhận điều trị trong năm 2018 giảm 0,6% so với năm 2017. Có được kết quả trên là do chúng ta đã áp dụng các kỹ thuật hiện đại trong việc chẩn đoán nhanh, chính xác người bệnh mắc lao và ứng dụng có hiệu quả các phác đồ điều trị. Thêm vào đó, mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và duy trì tại 100% quận, huyện và 100% xã, phường. Do đó, 100% dân số được tiếp cận với chương trình chống lao.

Bên cạnh đó, tuy vẫn còn nhiều người mắc lao nhưng so với 5 năm trước, nước ta đã giảm được thứ hạng từ 12 xuống thứ 16 về số người mắc bệnh lao cao. PGS. TS Nguyễn Viết Nhung-Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, so với ước tính trong năm 2015, số ca mắc lao đã giảm được 4.000 ca và số ca tử vong do bệnh lao đã giảm được 4.000. Lao đa kháng thuốc ước tính có 4.900 người – đã giảm đi rõ rệt so với năm 2015 (ước tính 2015 là 5.200 người). Lao đồng nhiễm HIV cũng đã giảm từ 7% xuống còn 3% trong số các bệnh nhân lao được phát hiện. 

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Bệnh lao là một căn bệnh nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều biến chứng khó lường nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Chính vì thế, để phòng, chống lao có hiệu quả thì rất cần đến sự chung tay của cả cộng đồng. Tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về chấm dứt bệnh lao ngày 26/9/2018 vừa qua, Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, tức là với dân số 100 triệu dân thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao/năm, trong khi hiện nay hàng năm ước tính Việt Nam vẫn có 124.000 ca mắc lao mới.

Mặc dù được Tổ chức Y tế Thế giới coi là một nước đi đầu trong triển khai chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu và đang trên đường chấm dứt bệnh lao, nhưng thách thức lớn nhất của Chương trình chống lao hiện nay là duy trì bền vững tất cả những điều kiện thuận lợi hiện nay, những thành quả đã đạt được cho đến năm 2030. Bên cạnh đó, chương trình chống lao cần sự vào cuộc và hưởng ứng của cả cộng đồng, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ phía người bệnh cũng như từ phía thầy thuốc và cả xã hội.

Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, một trong những khó khăn đầu tiên của Việt Nam trong phòng, chống lao - đó là về nguồn lực. Mặc dù có các chính sách hỗ trợ như phụ cấp thu hút nghề độc hại bằng 70% lương cho cán bộ trực tiếp khám chữa lao, chi trả khám chữa lao cho người có thẻ BHYT… tuy nhiên không thể bù đắp đủ cho hoạt động phòng chống lao nói chung. Hiện nay, mạng lưới nghiên cứu y tế của Việt Nam rất mạnh với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và quốc tế. Có những nghiên cứu tầm cỡ toàn cầu đã được tiến hành và hoàn thành từ thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu điều tra, nghiên cứu can thiệp dịch tễ và được đăng tải trên những tạp chí hàng đầu thế giới, Việt Nam được WHO coi là nước đi đầu trong triển khai chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu. Thêm vào đó, sự quyết tâm của toàn hệ thống chương trình có thể lan toả rộng ra toàn xã hội vì mục tiêu rất nhân văn, tránh đi cái chết cho hàng chục nghìn người mỗi năm và tránh đi cả nỗi lo âu của hàng trăm nghìn gia đình. Tuy nhiên, công việc này còn nhiều khó khăn, thách thức. Mà khó khăn, thách thức lớn nhất - đó là tính bền vững, những điểm mạnh hiện nay có thể được duy trì và nâng cao trong những năm tới để đạt được mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030 hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Vì vậy, cần thể chế hoá nghị quyết của Trung ương Đảng và Chiến lược Quốc gia của Chính phủ bằng các văn bản pháp quy.

Cùng với đó, một thách thức nữa cũng vô cùng quan trọng đến từ sự vào cuộc và ủng hộ từ cộng đồng, chủ động tích cực tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ tâm lý sợ hãi, lo âu, trốn tránh… do không được trang bị đầy đủ kiến thức và hiểu biết về bệnh lao. Hiện vẫn còn không ít người có suy nghĩ tiêu cực, nhận thức sai lầm về bệnh lao khiến bệnh không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời, hoặc đến khi phát hiện bệnh thì đã quá muộn, bệnh đã bước sang giai đoạn khó để có thể điều trị dứt điểm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.

Để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Chương trình đề xuất Chính phủ bổ sung vấn đề phòng, chống lao vào Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm. Uỷ ban quốc gia cho phép xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược và Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030. Bên cạnh đó, chương trình đề xuất Quốc hội xem xét, đưa vấn đề chấm dứt bệnh lao vào Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm sửa đổi hoặc có Nghị quyết riêng về thực hiện mục tiêu Nghị quyết TW 6 khoá XII đã đề ra là chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.  Ngày 21/3, Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Phổi Hà Nội và Chương trình chống lao quốc gia đã phối hợp tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3) với chủ đề “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”. Bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Thành phố đã thực hiện 100% dân số được tiếp cận với chương trình chống lao. Hàng năm, chương trình chống lao của TP Hà Nội bảo đảm 1% dân số được khám sàng lọc lao trên địa bàn. Tỷ lệ bệnh nhân lao mọi thể ở mức 63 người bệnh/100.000 hộ dân. TP Hà Nội đã bước đầu thực hiện được mục tiêu Chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với số lượng bệnh nhân lao thu nhận điều trị giảm 0,6% - 1% hằng năm, đi theo lộ trình tiến tới tỷ lệ bệnh nhân lao mọi thể giảm còn 20 người bệnh/100.000 dân vào năm 2030.

  1.  Nghệ An: 10 mẫu xét nghiệm đều âm tính với dịch tả lợn châu Phi

Cơ quan chức năng ở Nghệ An đã lấy 10 mẫu của 10 con lợn bị bệnh đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, cả 10 mẫu đều âm tính với dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 24/3, thông tin từ chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, mẫu xét nghiệm 4 con lợn chết ở TP Vinh và huyện Đô Lương âm tính với vi rút tả lợn châu Phi.

Trước đó, vào ngày 22/3, con lợn gia đình ông Đặng Quang Khẩn, ở xóm 4, xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương bỗng nhiên bị chết. Tiếp đó, ngày 23/3, có 3 con  lợn của hộ ông Nguyễn Sỹ Phương ở khối Xuân Tiến, phường Hưng Dũng, TP Vinh cũng bị chết không rõ nguyên nhân.

Ngay sau khi nhận được thông tin lợn chết, các cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm, tiến hành tiêu hủy theo quy định. Theo kết quả xét nghiệm từ chi cục Thú y vùng III, cả 4 con lợn chết nêu trên đều âm tính với dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Trước đó, ông Hồ Nghĩa Bính, Trạm trưởng trạm Chăn nuôi - Thú y TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An cho biết, từ ngày 15/3 đến 22/3, trên địa bàn thị xã Hoàng Mai phát hiện có 6 con lợn bị bệnh tại 5 xã, phường gồm: Quỳnh Lộc, Mai Hùng, Quỳnh Xuân, Quỳnh Liên và Quỳnh Lập.

Tất cả các con lợn bị bệnh đều được cơ quan thú y lấy mẫu đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy toàn bộ 6 mẫu đều âm tính với dịch tả lợn châu Phi.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, địa phương luôn tích cực trong công tác phòng chống dịch. Hiện nay, 10/10 phường, xã trên địa bàn TX Hoàng Mai đã lập chốt khử trùng trên các trục đường chính.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An khuyến cáo, người dân không được giấu dịch khi phát hiện lợn bị ốm hoặc chết không rõ nguyên nhân; không giết mổ, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khi phát hiện lợn dịch.

Với những hộ có lợn chết, tỉnh sẽ hỗ trợ 38.000 đồng/kg với lợn thịt và hơn 50.000 đồng/kg với lợn nái. Tỉnh chỉ đạo huyện trích ngân sách để hỗ trợ người chăn nuôi sớm nhất.

  1.  Cập nhật giá thị trường hàng ngày để đền bù, hỗ trợ phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi

Văn phòng UBND TP cho biết, tại cuộc họp trực tuyến UBND Thành phố với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi; phòng, chống dịch sởi, sốt xuất huyết và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học trên địa bàn Thành phố,  Chủ tịch UBND Thành phố đã kết luận chỉ đạo cụ thể nhiều phần việc quan trọng...

Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở NN&PTNT khẩn trương rà soát, chuyển giao thiết bị cho các địa phương (còn thiếu) để phục vụ công tác tiêu hủy lợn bệnh.

Về cơ chế giá lợn hơi hiện nay thấp hơn giá đền bù: giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT, Sở Công Thương cập nhật, công bố thông tin giá thị trường lợn hơi, thông báo đến UBND các quận, huyện, thị xã qua hệ thống thư điện tử trước 10h sáng hàng ngày làm căn cứ lập biên bản, xác định mức bồi thường cho người dân có lợn bị bệnh Dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy, đồng thời thông báo rộng rãi, công khai cho người dân biết, không để vi phạm quy trình xử lý việc đền bù hỗ trợ. 

Giao UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi, nhất là các hộ nhỏ lẻ biết, chủ động phòng tránh bệnh dịch trên cơ sở thực hiện có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học; phổ biến rộng rãi các biểu hiện về bệnh dịch để người dân biết. Khi có bệnh dịch xuất hiện, lợn có biểu hiện bị sốt, phải báo ngay chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn), cán bộ thú y; khẩn trương lấy ngay mẫu xét nghiệm. 

Khi phát hiện ổ dịch, triển khai đồng bộ ngay tất cả các biện pháp phòng, chống, xử lý bệnh dịch, xác định nguồn gốc lây lan, không để lây lan ra diện rộng. Thực hiện ngay các biện pháp tiêu hủy lợn bệnh dịch theo đúng quy trình, thủ tục; tổ chức thực hiện chốt, chặn, kiểm soát toàn bộ đường ra vào nơi diễn ra ổ dịch trong vòng 30 ngày, sau đó mới công bố hết dịch.

Đối với những địa bàn và các cơ sở chăn nuôi lợn chưa phát hiện bệnh dịch: Các địa phương, Sở NN&PTNT và các đơn vị phổ biến các biện pháp chăm sóc đàn lợn đúng quy trình, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thức ăn tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể; tập trung thực hiện các giải pháp về môi trường, vệ sinh chuồng trại, kiểm tra các nguồn thức ăn; tuyên truyền để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin không “tẩy chay” thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn. 

Diệt bọ gậy, lăng quăng phòng sốt xuất huyết

Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế là đầu mối hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã tập trung tuyên truyền về cách phát hiện và các biện pháp phòng chống dịch bệnh và lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh, yêu cầu các chủ động đưa con em đi tiêm đầy đủ (kể cả những đối tượng trong diện tiêm chủng đang tạm trú trên địa bàn).

Các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học chủ động phối hợp chặt chẽ các đơn vị y tế trong việc triển khai công tác phòng chống dịch trong trường học. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và các đơn vị y tế trực thuộc theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phun hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết (tổ chức cách ly, điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, xử lý triệt để khu vực phát sinh bệnh nhân, ổ dịch theo quy định, không được để dịch bùng phát, lan rộng)...

UBND quận, huyện, thị xã phát động phong trào và triển khai thực hiện tới các tổ dân phố, các hộ gia đình, khu công cộng, cơ quan, xí nghiệp, trường học, công trường xây dựng triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và loăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi ngay từ tháng 3/2019; đảm bảo kinh phí kịp thời, đầy đủ cho công tác phòng chống dịch.

Giám sát chặt vệ sinh an toàn thực phẩm trường học

Về việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học, Chủ tịch UBND TP giao Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã yêu cầu các tổ chức, đơn vị, tập thể, cá nhân cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm, nước uống cho các trường học phải công bố công khai minh bạch nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm cho Ban Giám hiệu và giáo viên; mời cha mẹ học sinh cùng tham gia giám sát thực phẩm cung cấp cho nhà trường để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ tại các bữa ăn bán trú trong nhà trường.

Trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm phải thông báo ngay cơ quan y tế tại địa phương và Sở Y tế để có biện pháp xử lý, phân luồng người bệnh điều trị, tuyên truyền, động viên kịp thời để người nhà, phụ huynh bình tĩnh phối hợp cơ quan y tế trong xử lý ngộ độc thực phẩm...

  1.  Thị xã Phú Mỹ và huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu): Bùng phát dịch lở mồm long móng trên heo

Ngày 23-3, ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết đã phát hiện và tiêu hủy 457 con heo mắc bệnh lở mồm long móng trên 2 địa bàn thị xã Phú Mỹ và huyện Xuyên Mộc.

Theo đó, giữa tháng 3-2019, đàn heo 76 con của gia đình ông Nguyễn Hồng Phúc (khu phố 1, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ) có dấu hiệu phát bệnh nên cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với bệnh lở mồm long móng.

Từ đó đến nay phường Hắc Dịch đã có 7 hộ chăn nuôi phải tiêu hủy 325 con heo mắc bệnh. Còn tại huyện Xuyên Mộc, dịch lở mồm long móng đã xảy ra trên đàn heo của 6 hộ chăn nuôi tại địa bàn 4 ấp thuộc các xã Bưng Riềng, Bông Trang, Hòa Hội và Xuyên Mộc với tổng số heo phải tiêu hủy là 132 con.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số heo mắc bệnh chủ yếu chưa qua tiêm phòng, dịch bệnh đang có chiều hướng lây lan nhanh và thị xã Phú Mỹ đã công bố dịch tại phường Hắc Dịch. Hiện các ngành chức năng đã phun khử trùng và thành lập 3 trạm liên ngành cùng 6 chốt kiểm soát động vật ra vào vùng dịch để ngăn ngừa lây lan.

19. Nhổ răng khôn có được hưởng BHYT không?

Tôi có đóng bảo hiểm y tế đầy đủ hàng năm, vậy cho tôi hỏi khi tôi nhổ răng khôn có được hưởng BHYT không? (Nguyễn Thị Thành, Hà Tĩnh).

Trả lời:

Theo quy định tại Luật bảo hiểm y tế 2008 25/2008/QH12 được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 14 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014:

Người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí sau đây:

- Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con;

- Vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật này trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Theo như quy định trên đây thì khám, chữa bệnh trường hợp được hưởng bảo hiểm y tế. Theo như bạn trình bày thì bạn muốn nhổ răng khôn. Thì tùy theo trường mà khi nhổ răng khôn bạn có được hưởng bảo hiểm y tế không.

+) Nếu bạn đi nhổ răng khôn thuộc trường hợp bệnh lý tức là đi chụp khám và nhổ răng theo chỉ định của bác sĩ thì bạn sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám và nhổ răng.

+) Nếu bạn đi nhổ răng không theo chỉ định của bác sĩ thì sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế.

Lưu ý là đối với trường hợp như trồng răng, tráng men sứ, lấy cao răng sẽ không được quỹ bảo hiểm y tế chi trả vì đây là các dịch vụ mang tính chất thẩm mỹ.

  1.  BS bệnh viện Bạch Mai xuất hiện trong buổi thuyết giảng chùa Ba Vàng làm lệch lạc tâm lý người bệnh

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (trưởng khoa Nhiễm thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM), việc bác sĩ Nguyễn Hồng Phong xuất hiện trong buổi thuyết giảng chùa Ba Vàng nói rằng bệnh nhân khỏi bệnh sau khi đến chùa có thể gây lệch lạc tâm lý người bệnh. Tối 21/3, đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) đã tổ chức buổi pháp thoại được phát trực tiếp trên trang facebook và website của chùa, có hàng trăm người tham dự.

Trong buổi pháp thoại này, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã mời một số phật tử lên chia sẻ. Một trong số đó là bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội. Trong clip được lan truyền, vị bác sĩ bệnh viện Bạch Mai khuyên người dân lên chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) chữa bệnh sẽ khỏi khiến dư luận xôn xao.

Mặc dù bác sĩ Nguyễn Hồng Phong đã lên tiếng nói rằng mình không và chưa bao giờ ủng hộ thỉnh pháp “oan gia trái chủ” của chùa Ba Vàng. Ngược lại, bác sĩ luôn khuyên những bệnh nhân của mình tin vào Y học và phải tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của các bác sĩ đưa ra. Thế nhưng, những phát ngôn này vẫn khiến nhiều người bức xúc, cho rằng điều này sẽ khiến người bệnh có suy nghĩ lệch lạc, không còn tin vào y học hiện đại.

Vị bác sĩ xuất hiện trong buổi pháp thoại tại chùa Ba Vàng tối 21/3 gây xôn xao dư luận.

Trao đổi với PV, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết: “Những ngày qua, tôi có biết thông tin sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng. Việc bác sĩ Nguyễn Hồng Phong nói có thể chữa khỏi bệnh khi đi chùa là vô căn cứ, ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh, khiến người bệnh lầm tưởng rằng cứ đến chùa đó sẽ chữa được bách bệnh, nếu bệnh nhân đi thẳng đến chùa thì sẽ ra sao? Chưa kể bệnh nặng còn có thể nguy hiểm đến tính mạng khi không kịp đến bệnh viện”.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, không có một cơ sở khoa học hay phương pháp chữa bệnh bằng “thần thánh” nào được chấp thuận.

“Việc đi chùa chỉ khiến người bệnh có tinh thần vui vẻ, an tâm chữa bệnh, còn đây không phải là phương thuốc điều trị đặc hiệu”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, khi phát hiện bị bệnh, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh theo đúng phác đồ, cơ sở khoa học. Tuyệt đối không nên tin vào việc chữa bệnh tại chùa.  

Chùa Ba Vàng giữa "tâm bão" dư luận những ngày qua.

Trước đó, ngày 20/3, báo chí phản ánh thông tin "truyền bá việc vong báo oán" tại chùa Ba Vàng. Ngay sau đó, bộ Văn hóa yêu cầu địa phương làm rõ sự việc; Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đề nghị địa phương chấn chỉnh việc thuyết giảng "vong báo oán" tại cơ sở này. 

Tối 21/3, đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng tổ chức buổi nói chuyện trước hàng trăm phật tử, phát trực tiếp trên Facebook, thừa nhận tổ chức lễ oan gia trái chủ ở chùa, quả quyết "vong đi theo con người báo thù rất nhiều, khiến con người bị bệnh tật, vợ chồng bất hòa, mâu thuẫn... Vì vậy, cần có pháp thỉnh oan gia trái chủ để thỉnh nó ra".

Trụ trì chùa Ba Vàng cũng nói việc này mang lại nhiều lợi ích cho con người, các phật tử tham gia là tự nguyện, việc đóng tiền làm lễ không phải do nhà chùa yêu cầu mà "theo đề nghị của vong".

Liên quan đến vấn đề này, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh ngày 22/3 có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh khẳng định, trụ trì chùa Ba Vàng phải chịu trách nhiệm về những hoạt động thuyết giảng "trục vong, bắt ma" của bà Phạm Thị Yến (Chủ nhiệm câu lạc bộ Cúc vàng tập tu lục hòa chùa Ba Vàng).

Cùng ngày, Giáo hội tỉnh Quảng Ninh cũng có văn bản báo cáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nêu rõ trong các cuộc họp thường kỳ, nhiều thành viên đã góp ý chân thành về việc tổ chức "trục vong" với đại đức Thích Trúc Thái Minh.

21. Khuyên bệnh nhân lên chùa chữa bệnh là đã phản thầy, đồng nghiệp và lừa bệnh nhân rồi đó, BS Phong!

Để bảo vệ một người thầy đang bị dư luận lên án và chính giới Phật giáo cũng phản đối, bác sĩ Phong lại chấp nhận nói những điều không có căn cứ khoa học, là anh ta đã phản bội rất nhiều người thầy đã và đang dạy anh ta ở Đại học Y Hà Nội cũng như ở Bệnh viện Bạch Mai, phản bội các đồng nghiệp và rất nhiều bệnh nhân.

Tôi ngạc nhiên khi thấy một bác sĩ của Bệnh viện (BV) Bạch Mai xuất hiện tại buổi live stream của chùa Ba Vàng tối 21/3, cùng một số người khác khẳng định việc cúng “oan gia trái chủ” là hiệu quả, nhằm “phản pháo” những thông tin mà Báo Lao động đưa ra. Tôi ngạc nhiên hơn khi vị bác sĩ tên là Nguyễn Hồng Phong cho biết anh ta đã gặp một số bệnh nhân mặc dù điều trị đúng phác đồ nhưng vẫn không khỏi, nên đã khuyên họ tìm đến chùa Ba Vàng và sau một thời gian đến chùa, khi khám lại, thì “điều thần kỳ đã xảy ra, tôi chỉ dùng 2 liều men tiêu hóa đã ổn định hoàn toàn".

Sau khi bác sĩ Phong nói, lập tức nhà sư Thích Trúc Thái Minh nhấn mạnh: “Anh Phong đã chứng kiến nhiều bệnh nhân đến khám không ra bệnh, nên anh đã gợi ý cho các bệnh nhân về thỉnh “oan gia trái chủ” và đã khỏi bệnh luôn. Anh Phong xác thực điều đó". Đứng sát phía sau nhà sư, bác sĩ Phong đã tỏ ra hoàn toàn đồng tình với những lời sư Minh nói.

Tôi không hiểu sao một người đã học 6 năm Đại học Y Hà Nội, đã làm ở BV Bạch Mai, là dấn thân vào con đường cứu chữa người bệnh bằng khoa học, lại có thể ủng hộ cúng “oan gia trái chủ” vừa phản khoa học, vừa phản giáo lý nhà Phật? Lẽ nào anh ta không biết rằng với tư cách một bác sĩ ở BV hàng đầu Việt Nam, lời xúi giục của anh ta sẽ tác động tới rất nhiều bệnh nhân. Sẽ có nhiều người không đến BV chữa bệnh nữa, mà tìm đến Ba Vàng để “thỉnh oan gia trái chủ”. Mà anh ta biết rất rõ việc bệnh nhân bỏ qua thời gian vàng, hay không tuân thủ phác đồ điều trị, hậu quả có thể chết người. Là bác sĩ, anh ta phải biết rất rõ rằng tuyên truyền ốm đau là do “15 kiếp trước làm Công an xã”, bị ung thư là “do 42 kiếp trước đi cướp đất, không chăm em” nên phải đóng vào chùa 7,1 triệu mới khỏi bệnh, là những điều hết sức xằng bậy, nhưng vẫn ủng hộ!

Bác sĩ Phong hẳn biết rõ, rằng nhiều năm qua, Nhà nước cũng như ngành Y tế phải đầu tư rất nhiều, truyền thông rất nhiều để người dân, nhất là các vùng núi vùng cao, rời xa các hủ tục, mê tín dị đoan, để đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh, thì anh ta lại đi ngược lại chủ trương này.

Đáng trách hơn khi hôm sau, trên báo chí, bác sĩ này giải thích nguyên nhân xuất hiện như vậy là vì nể thầy. Một số người vội cho rằng anh ta là học trò hết lòng với thầy nên đã chấp nhận hy sinh vì thầy!? Về việc này, một bạn đã bình luận rằng “Con người minh trực thì không thể chọn lầm thầy. Có tri thức để biết đúng sai, tốt xấu, mà không phân định được thì thật đáng tiếc. Trong trường hợp liên quan đến sức khỏe con người, thì việc bác sĩ Phong nói những điều phản khoa học, đồng nghĩa với cái ác vì sẽ làm hại nhiều người vừa lạc hậu vừa đáng thương vì bệnh tật”.

Để bảo vệ một người thầy đang bị dư luận lên án và chính giới Phật giáo cũng phản đối, bác sĩ Phong đã chấp nhận nói những điều không có căn cứ khoa học, là anh ta đã phản bội rất nhiều người thầy đã và đang dạy anh ta ở Đại học Y Hà Nội cũng như ở Bệnh viện Bạch Mai, phản bội các đồng nghiệp và rất nhiều bệnh nhân.

Những lời nói của bác sĩ Phong vẫn đang khiến cộng đồng phẫn nộ. Một người cho biết là người quen của bác sĩ Phong còn “hé lộ” hai bệnh nhân mà bác sĩ Phong khuyên về chùa Ba Vàng thỉnh “oan gia trái chủ" bị u não và nhiễm trùng máu. Điều này khiến tôi thêm ngạc nhiên bởi trong buổi live stream tối 21/3, bác sĩ Phong cho biết sau khi bệnh nhân đi chùa về khám lại, anh ta “chỉ dùng 2 liều men tiêu hóa là bệnh nhân đã ổn định hoàn toàn”. Trời ơi, bệnh nhân u não và nhiễm trùng máu mà dùng men tiêu hóa để điều trị ư? Để chứng minh cho điều mình nói, bác sĩ Phong nên công khai danh tính bệnh nhân để các giáo sư bác sĩ cùng xem lại hồ sơ bệnh án và tổ chức… học hỏi!

Trước những gì bác sĩ Phong nói, BS. Wynn Huỳnh Trần (Tổ chức Y khoa phi lợi VietMD, Mỹ) cho rằng bác sĩ trẻ này đã dùng những quan điểm phản khoa học để giải thích bệnh lý và có thể khiến nhiều người, kể cả những người trong ngành Y, hiểu sai về chăm sóc tâm linh trong y khoa.

Một số đồng nghiệp của bác sĩ Phong bày tỏ: “chữa bệnh cho bệnh nhân không khỏi, sau đó bệnh nhân đi chữa nơi khác thì phải xem lại trình độ của bác sĩ, xem lại việc chẩn đoán bệnh đã đúng chưa? Nếu bị u não, nhiễm trùng máu và có báo cáo hội chẩn viện thống nhất chẩn đoán mà vẫn bất lực nhưng lên chùa xong về uống 2 liệu trình men tiêu hóa khỏi bệnh thì… trời ơi tin được không? Còn nếu vẫn cố tình cho là đúng thì mời Ban thẩm định của thế giới gồm các giáo sư tiến sĩ nổi tiếng thẩm định và chuẩn bị trao giải Nobel cho chùa Ba Vàngvà bác sĩ Phong là vừa!”

Một người khác nêu ý kiến: “Nếu không làm rõ danh tính 2 người mắc bệnh nan y mà BV bó tay, được bác sĩ giới thiệu lên Ba Vàng lại khỏi, thì bác sĩ Phong có thể mắc tội lợi dụng lòng tin để tiếp tục đưa hàng ngàn người nữa vào vòng mê muội.

Một số người trách sư Thích Trúc Thái Minh đã kéo Phong vào tâm bão khi giới thiệu Phong làm ở Bệnh viện Bạch Mai, tôi cho rằng đổ lỗi cho sư Minh việc này là không sòng phẳng. Bởi hơn ai hết bác sĩ Phong hiểu rất rõ, rằng chính vì anh ta là bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai nên mới được sư Minh gọi tới, thì lẽ nào sư Minh lại không sử dụng “con bài” này?

Bác sĩ Phong cũng biết rõ rằng với tư cách một bác sĩ ở BV Bạch Mai, phát ngôn của anh ta sẽ tác động đến dư luận, đặc biệt là ảnh hưởng đến hình ảnh của Bệnh viện cũng như ngành Y tế. Vì thế, chính bác sĩ Phong phải chịu trách nhiệm về mọi hành động của mình. Nếu không tự cải chính trước công luận và xin lỗi các thầy cô giáo cùng đồng nghiệp, bác sĩ Phong nên cởi áo blu để về chùa Ba Vàng làm việc thì hơn. Hơn nữa làm thế là đã phản bội lại thầy, đồng nghiệp, bệnh nhân và người dân lương thiện rồi đó, bác sĩ Phong ơi!

22. Một nông dân sắm ôtô chở bệnh nhân nghèo miễn phí

Ông Vương Văn Hồng Xích đã quyết định sử dụng số tiền dành dụm của gia đình và vay mượn thêm ngân hàng, mua một chiếc ôtô, vừa phục vụ việc đi lại của gia đình, vừa chở miễn phí cho bệnh nhân nghèo đến bệnh viện...

Thấy bà con nghèo ở địa phương mỗi khi đi bệnh viện khám, chữa bệnh bằng xe máy của gia đình, vừa không đảm bảo việc chở người bệnh, vừa chậm trễ đối với nhiều trường hợp cấp cứu, ông Vương Văn Hồng Xích, một nông dân ở thôn Phước Điền, xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, đã quyết định sử dụng số tiền dành dụm của gia đình và vay mượn thêm ngân hàng, mua một chiếc ôtô, vừa phục vụ việc đi lại của gia đình, vừa chở miễn phí cho bệnh nhân nghèo đến bệnh viện...

Mỗi khi Trạm Y tế xã Hải Thành điện thoại có bệnh nhân cần được chuyển lên tuyến trên cấp cứu, điều trị, ông Xích đều luôn sẵn sàng và không lấy bất kỳ một đồng tiền công hay chi phí xăng xe. Bác sĩ Lê Thị Hoa, Trạm trưởng Y tế xã Hải Thành nói rằng, chiếc xe của ông Xích không chỉ giúp bà con nghèo trên địa bàn xã giảm được chi phí trong đi lại, khám điều trị bệnh, mà quan trọng hơn là đã kịp thời đưa nhiều bệnh nhân bị ốm đau, tai nạn trong tình trạng nguy kịch đến bệnh viện cấp cứu.

Trước đây, khi làm nghề lái xe đường dài, tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp bị TNGT, nhưng do không có phương tiện để đưa đi cấp cứu kịp thời, đã tử vong rất thương tâm. Nghĩ lại ở quê cũng có rất nhiều người ốm đau, nhưng không có phương tiện cấp cứu kịp thời nên tôi đã bàn bạc với gia đình vay thêm tiền để mua xe, ngoài việc đi lại, còn phục vụ hoàn toàn miễn phí cho bà con nghèo ở đây”, ông Xích bộc bạch.

Cùng với thời gian, những dòng ghi chú trong cuốn sổ nhật ký cứu thương của ông Xích càng dày thêm. Những chuyến xe ấm áp tình người của ông và gia đình đã giúp được nhiều người vượt qua cơn nguy kịch trong những giây phút hiểm nghèo.

23. Hơn 100 tình nguyện viên dọn rác bảo vệ môi trường

Trong khuôn khổ Chiến dịch Giờ Trái đất 2019, ngày 23-3, tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hơn 100 tình nguyện viên đến từ dự án “Năng lực xanh cho cộng đồng” đã cùng “thử sức” với công nhân vệ sinh của Công ty Môi trường Đô thị TP Hồ Chí Minh để trải nghiệm hoạt động dọn rác trên kênh.

Theo Công ty Môi trường Đô thị, trung bình mỗi ngày, lượng rác thải công ty vớt trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khoảng 10 tấn (tăng 10 - 15%/năm). Phần lớn, đây là rác thải sinh hoạt của các hộ dân sống dọc tuyến kênh và một phần khác do người dân buôn bán vãng lai đổ thẳng xuống kênh. 

Từ nhiều năm qua, Công ty Môi trường Đô thị đã phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh, Ban tổ chức Chiến dịch Giờ Trái đất thực hiện rất nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân sống dọc tuyến kênh không xả rác xuống kênh. Tuy nhiên, tình trạng vứt rác xuống kênh vẫn còn phổ biến. 

Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng và Công nghệ môi trường, Công ty Môi trường Đô thị nhấn mạnh: “Nhiều trường hợp, công nhân công ty rất vất vả mới vớt được lượng lớn rác thải công nghiệp hoặc đồ nội thất có kích thước lớn bị vứt bỏ xuống kênh. Các loại rác thải này, công ty phải sử dụng thiết bị chuyên dụng mới có thể vớt được”. 

Không chỉ bị ô nhiễm do rác thải, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nói riêng và hệ thống kênh rạch TP Hồ Chí Minh còn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải sản xuất, y tế và sinh hoạt chưa qua xử lý, thải thẳng ra kênh. Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho thấy, tổng lượng nước được khai thác, cấp sử dụng trên địa bàn TP khoảng 1.850.000 m³/ngày, với lượng nước thải vào khoảng 1.750.000 m³/ngày. Còn với nước thải sản xuất, hiện cũng chỉ mới kiểm soát được một phần. Cụ thể, 18/18 KCX-KCN có nhà máy xử lý nước thải (XLNT) tập trung với lưu lượng xử lý bình quân 49.370 m³/ngày...

Chương trình “Thử thách dọn rác” thực hiện trong khuôn khổ Chiến dịch Giờ Trái đất 2019, các tình nguyện viên mong muốn gửi đến cộng đồng thông điệp bảo vệ môi trường hết sức mạnh mẽ - “Hãy ngừng xả rác và bảo vệ nguồn nước sạch”. Đó cũng chính là bảo vệ sự sống, sức khoẻ của mỗi chúng ta. 

Tiếp tục chương trình, sáng 24-4, tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức), 100 tình nguyện viên cũng sẽ phối hợp cùng đơn vị thu gom rác để thực hiện tiếp thử thách dọn rác tại các khu vực xung quanh chợ.

24. Phẫu thuật thành công cho 4 trẻ bị tim bẩm sinh

Các bác sĩ Đơn nguyên Tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, vừa phẫu thuật và đóng kín dị tật còn ống động mạch cho 4 bệnh nhi bị tim bẩm sinh.

Hai bệnh nhi được phẫu thuật tim hôm 23/3 là B.T. (4 tháng tuổi), T.K. (18 tháng tuổi) và và 2 bệnh nhi được can thiệp tim mạch là Đ.M. (8 tuổi), T.H. (27 tháng tuổi).

Sau hơn 6 giờ, bốn ca phẫu thuật và can thiệp thành công tốt đẹp. Hiện, mạch và huyết áp bệnh nhi ổn định. Sau phẫu thuật, bệnh nhi được theo dõi đặc biệt tại Trung tâm Tim mạch của bệnh viện.

Bác sĩ Trịnh Trương Tuyên, phụ trách Đơn nguyên, cho biết bệnh còn ống động mạch là tình trạng tồn tại ống nối giữa động mạch phổi và động mạch chủ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh còn ống động mạch có thể khiến lượng máu chảy qua tim tăng cao, gây suy yếu cơ tim, từ đó dẫn đến nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm.

Với những trẻ sinh non, ống động mạch có thể mất nhiều thời gian hơn để đóng hoàn toàn (một vài tuần). Nếu sau thời gian này nó vẫn mở, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh còn ống động mạch.

Bệnh còn ống động mạch có thể được chẩn đoán thông qua một số triệu chứng lâm sàng bao gồm các dấu hiệu tim mạch như nghe được tiếng thổi tim qua ống nghe, bé có huyết áp thấp. Các dấu hiệu hô hấp bao gồm trẻ thở nhanh, không thể cai máy thở do cơ thể giữ CO2, thiếu oxy.

Để được chẩn đoán chính xác, bé cần được siêu âm để đo kích thước tim, tỷ lệ nhĩ trái/động mạch chủ và nhiều chỉ số khác. Cha mẹ nên cho con đi khám sức khỏe, nếu thấy trẻ có các biểu hiện dễ mệt mỏi, không tăng cân, hay bị khó thở, thở nhanh, da xanh, tím tái.

Việc đưa triển khai thành công kỹ thuật trên sẽ giúp việc xử lý các ca bệnh tim khẩn cấp dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian can thiệp bệnh nhi, mang lại cơ hội sống cho nhiều trẻ sơ sinh mắc căn bệnh hiểm nghèo.

25. “Thỉnh oan gia trái chủ” chữa bệnh là phản khoa học

Liên quan đến các thông tin truyền bá về việc có thể "thỉnh oan gia trái chủ" chữa khỏi được bệnh ung thư tại Chùa Ba Vàng, PGS, TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K khẳng định “Điều trị ung thư có căn cứ khoa học. Do đó, việc chữa bệnh bằng cách cúng bái, giải oan là phản khoa học”.

Tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), không ít người bệnh đã mê muội, tin vào những trò mê tín dị đoan như "thỉnh oan gia trái chủ" chữa nhiều loại bệnh, trong đó có cả bệnh ung thư.

Theo website cá nhân của đại đức Thích Trúc Thái Minh trụ trì và bà Phạm Thị Yến, một phật tử tại chùa Ba Vàng phát đi nhiều clip nói rằng, bệnh trên thân là do nghiệp, bệnh ung thư là do tiền kiếp là “đa số làm cho người khác uất ức tận cùng đại chúng. Đây là gốc làm cho ung thư. Còn ngọn là sát mạn chúng sinh nhiều”.

Cách chữa bệnh được bà Phạm Thị Yến chia sẻ là thông qua "thỉnh oan gia trái chủ”, có thể chữa khỏi nhiều loại bệnh tật từ mãn tính đến nan y như ung thư, viêm họng, đau lưng, dị ứng...

Thông tin này đã khiến giới y khoa rất bức xúc, cho rằng đây là hành vi lừa gạt trắng trợn, là trục lợi trên nỗi đau của người bệnh.

GS. Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K khẳng định, đây hoàn toàn là mê tín dị đoan và việc chạy theo cách chữa bệnh mê tín sẽ làm cho người bệnh bỏ qua cơ hội vàng để được phát hiện và chữa trị sớm, càng để lâu, bệnh càng nặng lên, khó cứu chữa.

“Sự việc ở chùa Ba Vàng ở một góc độ nào đó có thể khẳng định là đang lừa người bệnh để trục lợi”, GS. Đức nói.

Về việc tin vào cúng giải oan, Phó giám đốc Bệnh viện K khuyến cáo, về mặt tâm linh, mọi người có thể đi chùa chiền giải tỏa tâm lý thoải mái chứ không thể dựa vào đó để chữa bệnh.

Liên quan đến việc nhiều người tin vào việc “thỉnh oan gia trái chủ” chữa bệnh, hiện dư luận đang rất “nóng” khi bác sỹ N.H.P. đang công tác tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai ủng hộ việc này bằng cách dẫn chứng hai trường hợp chữa khỏi bệnh sau khi lên chùa Ba Vàng tu tâm dưỡng tính, làm việc thiện.

Thông tin này lại càng khiến nhiều chuyên gia y tế bất bình, cho rằng đây là việc hoàn toàn vô căn cứ. Bác sỹ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, việc sau khi lên chùa "thỉnh oan gia trái chủ", sau đó khỏi bệnh, hợp thuốc là vô căn cứ.

Theo bác sỹ Sơn, từ trước đến nay, tại Việt Nam đã có không ít các vụ việc chữa bệnh bằng cách mê tín, thổi, sờ, giẫm, đạp,… đã được báo chí đưa tin là lừa đảo, không có thật. Việc "thỉnh oan gia trái chủ" theo tôi cũng là một hiện tượng tương tự như vậy.

Về mặt bệnh lý, để được xác định đúng và đưa ra hướng điều trị phù hợp, bệnh nhân phải được khám và chẩn đoán dựa trên các cơ sở khoa học. Tùy theo từng chuyên khoa sẽ có sự kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền và tâm lý liệu pháp. Nhưng dù là phương pháp hay sự kết hợp nào, người bệnh cũng phải tuân thủ theo phác đồ bác sỹ điều trị.

Còn bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết khi chuẩn đoán phải ra căn nguyên bệnh, hội chẩn, làm xét nghiệm. Đi chùa chỉ phục vụ mục đích cho bệnh nhân an lòng, không thể đưa người bệnh vào đó để chữa bệnh bằng một phương pháp "thần thánh" nào cả.

Lãnh đạo Bộ Y tế là ông Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, ông chưa nắm được sự việc cụ thể, mới biết qua báo chí. Bộ Y tế cần nhận được văn bản của các đơn vị liên quan để tiến hành kiểm tra, xác minh.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, chữa bệnh theo các phương pháp mê tín dị đoan là trái pháp luật. Luật Khám bệnh, Chữa bệnh cũng quy định rõ việc nghiêm cấm hành vi sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh.

Dự kiến ngày mai 25/3, Bệnh viện Bạch Mai- nơi bác sỹ nêu trên đang công tác sẽ có buổi trả lời chính thức các cơ quan báo chí về vụ việc.

26.PHÚ THỌ: NGƯỜI PHỤ NỮ NGỘ ĐỘC THUỐC GÂY TÊ SUÝT CHẾT KHI ĐANG RÚT CHỈ VẾT KHÂU

Sau khi dùng thuốc gây tê novocain 15 phút, bệnh nhân xuất hiện nổi mẩn đỏ toàn thân, run người , tím tái hai bàn tay nên nhanh chóng được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Trưa ngày 23/3, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu một bệnh nhân trong tình trạng buồn nôn, khó thở, run người, ban đỏ khắp cơ thể.

Bệnh nhân là chị T.T.H. (40 tuổi, xã Phú Mỹ, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) bị ngộ độc thuốc tê.

Người nhà bệnh nhân cho biết, chị H. bị ngã xe máy cách đây 12 ngày, đã được đưa đến một cơ sở y tế trên địa bàn để xử trí khâu vết thương. Đến sáng ngày 23/3, bệnh nhân đi rút chỉ vết khâu.

Tại cơ sở, nhân viên y tế cho chị H. dùng 1 ống novocain (thuốc gây tê) để thực hiện thủ thuật. Thế nhưng sau khi dùng thuốc gây tê khoảng 15 phút thì bệnh nhân xuất hiện nổi mẩn đỏ toàn thân và được cho dùng thuốc solumedrol 1 ống, dimedrol 2 ống, 1 adrenalin (tĩnh mạch). Sau khi dùng thuốc được 3 phút, bệnh nhân xuất hiện run người, tím 2 bàn tay. Ngay sau đó bệnh nhân được đưa vào BV Đa khoa Hùng Vương cấp cứu.

Qua chẩn đoán, tại BV, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê novocain và nhanh chóng truyền thành dòng nhũ dịch Lipofundin 20% giải độc nhanh cho bệnh nhân.

Sau khi truyền 1 chai Lipofundin 20% tình trạng nguy kịch đã được kiểm soát, huyết áp bệnh nhân giảm dần về giới hạn cho phép, liều dùng nhũ dịch Lipofundin tiếp tục được duy trì và sau khi truyền hết chai thứ hai bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, không còn cảm giác buồn nôn, đau đầu, khó thở. Bệnh nhân được chuyển phòng hồi sức tích cực theo dõi sát trong các giờ tiếp theo. Theo các bác sĩ, hiện nay thuốc tê novocain là thuốc được sử dụng rộng rãi đến tận các phòng khám, trạm y tế, thậm chí người dân bình thường cũng có thể mua tại các hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sỹ. Điều đáng cảnh báo là rất nhiều người đã phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc thuốc này. 

Điều nguy hiểm nữa là các biến cố xảy ra khi sử dụng thuốc gây tê này thường được quy cho “sốc phản vệ” mà ít khi nghĩ tới nguyên nhân do ngộ độc thuốc, dẫn tới phương pháp xử trí cấp cứu ban đầu sai lầm. Vì vậy, với các bác sĩ cần chú ý, việc chẩn đoán phân biệt giữa sốc phản vệ và ngộ độc thuốc gây tê là cực kỳ quan trọng.

  1.  Liều lĩnh trao đôi mắt cho nhân viên... spa

Sau cắt mí tại một spa ở Hà Nội, cô gái trẻ gặp biến chứng nguy hiểm, máu tuôn suốt 8 tiếng nên phải nhập viện.

Máu mắt chảy 8 tiếng sau nhấn mí

Cách đây 3 ngày, Bệnh viện E tiếp nhận một nữ bệnh nhân trẻ tuổi vào viện trong tình trạng khu vực mắt chảy máu liên tục.

Cùng ngày nhập viện, cô gái 19 tuổi quê Thái Nguyên tới một spa ở Cầu Giấy, Hà Nội cắt mí, nhấn mí. Tuy nhiên, sau cắt mí, cô gái trẻ vô cùng hoang mang lo lắng khi mí mắt cứ chảy máu không ngừng liên tục trong vòng 8 tiếng dù trước đó, nhân viên spa khẳng định "chỉ sưng và chảy máu ít thôi”.

Quá hoảng sợ, cô đã vào viện cấp cứu tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E. BS Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa cho biết, bệnh nhân này đã gặp biến chứng trong phẫu thuật cắt mí mắt với đường cắt không đều, không chính xác, không tạo nếp mí mắt rõ ràng.

Trước đó, tại Bệnh viện Mắt Trung ương liên tục tiếp nhận những trường hợp bị tai biến sau khi thẩm mỹ nhấn mí mắt, trong đó có những bệnh nhân biến chứng nặng loét giác mạc, đứng trước nguy cơ mùa lòa nếu không được điều trị kịp thời.

Theo thống kê, gần như tuần nào Bệnh viện Mắt Trung ương cũng tiếp nhận vài trường hợp, cá biệt có khoảng thời gian đơn vị này điều trị gần 10 ca chỉ trong vài ngày vì tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ mắt. Chủ yếu bệnh nhân là các bạn trẻ từ 20 - 30 tuổi, nhập viện trong tình trạng 2 mắt sưng do viêm áp xe mi mắt, bị biến chứng thải loại chỉ thẩm mỹ hoặc bị hở chỉ khâu, đầu chỉ cọ sát vào giác mạc, gây viêm loét, thủng nhãn cầu.

Có trường hợp bị gãy đầu kim trong quá trình nhấn mí mắt nhưng cơ sở làm đẹp không thông báo cho khách hàng, đến khi biến chứng nặng, bệnh nhân đến Bệnh viện Mắt Trung ương, được chỉ định chụp CT, mới phát hiện ra. Hầu hết những trường hợp này đều làm đẹp tại những cơ sở không được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí là nhấn mí tại những quán gội đầu, spa, làm móng... Đơn cử, trường hợp bệnh nhân nữ 28 tuổi, vào viện vì mắt phải nhìn mờ đau nhức. Trước đó 6 tháng, bệnh nhân đã được phẫu thuật nhấn mí. Khám mắt với kính hiển vi, lật mi bằng dụng cụ chuyên dụng các bác sĩ thấy: Bệnh nhân có loét trợt giác mạc rộng, lộ chỉ khâu nhấn mí cũ. Nguyên nhân khiến bệnh nhân bị đau mờ mắt là do kỹ thuật nhấn mí không chuẩn đã làm lộ chỉ ở kết mạc mi trên, đầu chỉ cọ sát liên tục lên lòng đen (giác mạc) gây loét trợt một vùng rộng. Vi khuẩn cũng tranh thủ tấn công cả cho mi, kết mạc và giác mạc. Các bác sĩ đã tiến hành can thiệp lấy chỉ khâu lộ, kháng sinh, chống viêm, tăng cường dinh dưỡng giác mạc.

Một trường hợp khác cũng là một "tín đồ" của phẫu thuật nhấn mí, bệnh nhân đã được mổ hai lần và vẫn chưa thể hài lòng vì mắt kích thích sưng nề, ra gỉ nhiều. Mắt phải có nhiều ổ viêm trên kết mạc ứng với những mũi chỉ khâu nhấn mí bị lộ. Giác mạc loét trợt rộng khiến bệnh nhân nhìn mờ và chói cộm trường diễn.

Các bác sĩ Khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện Mắt Trung ương phải nhặt bỏ tất cả đám chỉ khâu mủn và nhiễm khuẩn cũ, tạo lại nếp mí cho bệnh nhân qua đường mổ kinh điển bằng chỉ không tiêu.

Bác sĩ kinh nghiệm cũng có thể gặp mạch máu lớn

BS Nguyễn Đình Minh cho biết, mí mắt rất giàu mạch máu, ngay cả các bác sĩ phẫu thuật giàu kinh nghiệm đôi khi cũng gặp mạch máu lớn. Cần phải xử lý nhanh, cầm máu bằng dao đốt điện chuyên dụng và có các biện pháp cấp cứu hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, nếu người làm phẫu thuật cắt mí này không nắm rõ giải phẫu sẽ vô tình cắt vào cơ nâng mi sẽ gây sụp mí. Sau khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cắt mí, mắt có thể gặp các biến chứng như mí mắt bị trợn do cắt da quá nhiều, mắt không nhắm kín được như ban đầu.

"Khi gặp phải những biến chứng này, việc khắc phục sẽ vô cùng khó khăn. Thêm nữa, vùng mí mắt có nhiều tổ chức mỡ, nếu như nhiễm trùng sẽ rất khó điều trị và lâu dài", BS Nguyễn Đình Minh nói.

Theo BS Nguyễn Đình Minh, phẫu thuật thẩm mỹ cắt mí mắt hay tạo mắt 2 mí ít phức tạp nhưng không chủ quan, có thể làm ở bất cứ đâu không lo biến chứng.

Phẫu thuật tạo hình nếp mí mắt sẽ giúp mắt to, rõ, đẹp hơn. Để thực hiện cắt mí mắt, trước hết, bác sĩ sẽ đo và vẽ nếp lằn mi, sau đó rạch da liên tục theo đường vẽ, cắt bỏ một phần mô dưới da rồi tạo mắt 2 mí bằng cách tạo sự liên kết giữa cân cơ nâng mi với da qua các mũi khâu rời.

Bác sĩ thực hiện dưới 3 cách: Nhấn mí, cắt mí và cắt mí toàn bộ. Ngay sau phẫu thuật thẩm mỹ cắt mí mắt, có thể sẽ thấy hiện tượng sưng, phù nề nhiều hơn bấm mí. Lúc này, đừng quá hốt hoảng.

Phương pháp cắt mí áp dụng cho những người có mắt một mí hoặc có mí mắt nhưng không rõ ràng, hay những trường hợp bị thừa da mí trên, gây tụ mỡ nhiều ở hốc mắt. Cắt mí sẽ giúp tạo liên kết giữa da và sụn, mí sẽ bền, sẹo sẽ được giấu dưới nếp mí.

Để tránh những tai biến trong phẫu thuật tạo hình mí mắt, BS Minh khuyến cáo: Phẫu thuật cắt mí mắt bắt buộc thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có bằng cấp và có chuyên môn cao. Trong quá trình phẫu thuật cắt mí mắt, có thể gặp phải những biến chứng không lường trước được. Đồng tình quan điểm này, BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương lưu ý các chị em khi quyết định can thiệp làm đẹp phải chọn kỹ thuật viên, phẫu thuật viên phải là người được đào tạo, có chứng chỉ, văn bằng hợp pháp. Cơ sở có uy tín, có thẩm quyền. Chọn nhà cung cấp uy tín, chọn vị trí tiêm chuẩn.

Cơ sở thực hiện cũng phải đảm bảo vô cảm tốt, không để bệnh nhân giãy giụa, ưu tiên bảo vệ nhãn cầu. Có dụng cụ chuyên dụng để lật mi, phòng khi đường khâu đi quá sâu. Khi có tai biến thì nên dừng phẫu thuật đúng lúc, chuyển cơ sở tuyến cao hơn.

28. Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Xét nghiệm dù dương tính với giun sán vẫn không có giá trị

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng dù việc xét nghiệm trẻ dương tính với nhiễm giun sán thì cũng không có giá trị. Điều này chỉ dẫn đến tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhiều người...

Dương tính với giun sán vẫn không có giá trị điều trị 

Liên quan đến thông tin nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh, khiến nhiều phụ huynh hoang mang, vất vả đưa con lên Viện Sốt rét và Viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) để khám bệnh và làm xét nghiệm. Tuy nhiên, bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh BV Nhi Đồng 1, cho rằng việc này không cần thiết, không những tốn tiền mà còn khiến tâm lý hoang mang và lo lắng lan rộng hơn cho người dân.

Bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh BV Nhi Đồng 1, cho biết dịch tả lợn không liên quan đến sán lợn. Giun sán có mặt rất nhiều trong môi trường sống như trong đất, trong phân, thức ăn tái, chưa chín...

Mặt khác, không phải sán lợn mới lên não, mắt, ra da, rất nhiều loại sán khác cũng tương tự. Đặc biệt, sán chó, sán mèo, các loại giun nằm trong ốc sên vẫn có thể đi lạc lên cơ quan đầu não như viêm màng não, liệt tay chân, thị lực kém, nhiều nhất vẫn là nhóm ăn ốc sên (ốc ma).

Việc sán lợn đi lạc vào "cơ thể" hoàn toàn phụ thuộc khi chúng ta ăn đồ sống tái, ăn rau có chứa ký sinh trùng, vệ sinh không sạch.... Tuy nhiên, đi xét nghiệm dù dương tính đi nữa có nhiều khả năng nhiễm những giun sán thông thường, chưa hẳn là do nhiễm sán lợn.

Thông thường, bệnh nhân có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da như nổi sần, hôn mê, co giật, yếu liệt chi... BS nghi ngờ do ký sinh trùng hoặc những bệnh lý liên quan khác đều cho xét nghiệm. Trường hợp, nếu kết quả xét nghiệm dương tính như các trường hợp nhiễm giun sán ở Bắc Ninh thì cũng không có giá trị bởi mục tiêu xét nghiệm để điều trị là không có.

Việc trẻ vừa ăn và phát hiện trẻ bị nhiễm giun sán là hoàn toàn không có khả năng xảy ra, vì trẻ có thể bị nhiễm giun sán trước đó và từ nhiều nguồn khác nhau như từ việc trẻ thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo, ăn rau sống, ăn tái, hoặc vệ sinh không được sạch sẽ...

Nên sổ giun định kỳ

BS Khanh nhấn mạnh định kỳ từ 3 đến 6 tháng, sổ giun 1 lần, phải có thói quen ăn chín uống sôi, dùng thực phẩm an toàn... Đối với trẻ nhỏ, không nên cho trẻ ôm chó, mèo vì trong phân nước miếng chó mèo có ký sinh trùng hoặc con nít bò dưới đất, đất nhiễm ký sinh trùng....

Tất cả giun sán khi xâm nhập vào cơ thể, đòi hỏi có thời gian ủ bệnh, cơ thể mới tạo ra lượng kháng thể chứ không thể hôm nay ăn, ngày mai có kháng thể xâm nhập vô máu theo chu trình kích thích cơ thể tạo kháng thể, có loại cả mấy tháng sau khi xét nghiệm mới có kết quả nhiễm giun sán.

Theo BS Khanh, hiện nay cái người ta đang bàn là muốn biết nguồn gốc nhiễm giun sán từ đâu, việc này khó tìm. Có thể trẻ do ăn ở đâu đó rồi chứ không hẳn là do ăn heo bị tả lợn mà ra.

Dấu hiệu khi nhiễm sán heo là khi trẻ đi tiêu, sán sẽ tự đi ra theo đường phân hoặc trẻ bị sụt cân, suy dinh dưỡng. Trường hợp nguy hiểm hơn, sán lợn có thể "lạc" lên não làm trẻ co giật, hôn mê, nổi sần trên da thì nên đưa trẻ đến BV thăm khám và xét nghiệm.

Vì đôi khi trẻ không phải nhiễm giun sán, mà có thể trẻ đang bị một bệnh lý nền nào khác.

Theo BS Khanh, nếu nghi ngờ ăn phải gì đó mà có thể nhiễm giun sán thì phụ huynh không nên hoang mang, lo lắng chạy ngược chạy xuôi để làm xét nghiệm, thăm khám mà nên cho trẻ uống thuốc sổ giun. Đối với giun sán thì nên dùng albendazol, mebendazol, pyrentel; nhiễm sán lợn thì nên dùng Praziquantel hay albendazol.

Tính đến sáng 18-3, đã có 209 bé tại Bắc Ninh xét nghiệm dương tính sán lợn.

29. Nhiều kỹ thuật phát hiện ung thư vú sớm: Hy vọng mới cho bệnh nhân

Mới đây, đơn vị chẩn đoán hình ảnh tuyến vú - Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai ứng dụng thành công kỹ thuật Chụp Xquang tuyến vú phát hiện ung thư vú sớm và kỹ thuật hút chân không loại bỏ hoàn toàn tổn thương vú, mở ra nhiều hi vọng cho bệnh nhân ung thư vú.

Chia sẻ với báo chí, GS.TS Phạm Minh Thông, Giám đốc Trung tâm Điện quang, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới, với trên 1 triệu trường hợp mới mắc hàng năm. Tại Việt Nam, tỷ suất mắc bệnh chuẩn hoá theo tuổi tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỉ gần đây, từ 13,8 năm 2000 lên 29,9/100.000 phụ nữ năm 2010. Tỷ lệ mắc mới hằng năm trên cả nước lên tới 12.533 ca, chiếm trên 20% số ca ung thư ở nữ giới.

Trước đây, hầu hết các bệnh nhân phát hiện ung thư vú ở giai đoạn muộn, khi các triệu chứng lâm sàng đã rõ ràng, khiến tiên lượng bệnh kém. Việc sàng lọc ung thư vú phát hiện những u nhỏ, tổn thương không sờ thấy giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú. Các chuyên gia khẳng định: Ung thư vú nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn. Chụp Xquang tuyến vú là phương thức cơ bản nhất trong sàng lọc ung thư vú, đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú gây ra qua những thử nghiệm lâm sàng có đối chứng.

Chụp Xquang tuyến vú (Mammography) là kỹ thuật sử dụng chùm tia X cường độ thấp chiếu vào các mô tuyến vú để thu lại các hình ảnh tại tuyến vú. Phương pháp này giúp phát hiện các bất thường, khối u ở giai đoạn sớm ngay cả khi bệnh nhân chưa sờ và cảm nhận thấy. Chụp Xquang vú đã được chứng minh có hiệu quả trong phát hiện sớm ung thư vú, đặc biệt là loại carcinôm ống tuyến vú tại chỗ, nghĩa là chưa xâm lấn. Với giai đoạn này khả năng trị khỏi hoàn toàn là rất cao và trong đa số trường hợp có thể phẫu thuật bảo tồn tuyến vú cho người bệnh.

Đơn cử trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị T. (56 tuổi, ở Hà Nội) – một bệnh nhân đã được điều trị ung thư vú thành công tại Bệnh viện Bạch Mai nhờ điều trị sớm. Chị T. chia sẻ: “Tôi phát hiện bệnh hoàn toàn tình cờ, không có triệu chứng, biểu hiện gì. Đợt đó khi đến viện để kiểm tra sức khỏe, bác sĩ khuyên tôi nên chụp Xquang tuyến vú và không ngờ phát hiện có vấn đề. Sau khi được siêu âm 3D kiểm tra, sinh thiết và làm giải phẫu bệnh phát hiện chính xác khối u ở giai đoạn sớm, tôi đã được điều trị hóa chất và mổ cắt khối u tại bệnh viện Bạch Mai. Đến nay tôi hoàn toàn khỏe mạnh và bản thân không thấy sự thay đổi nào”.

Tại Trung tâm điện quang (TTĐQ) - Bệnh viện Bạch Mai, ngoài các kỹ thuật giúp chẩn đoán bệnh lý tuyến vú đã triển khai một số kỹ thuật can thiệp tuyến vú dưới hướng dẫn của hình ảnh như: Chọc hút tế bào kim nhỏ dưới siêu âm, sinh thiết kim lõi dưới Xquang và siêu âm, sinh thiết có thiết bị hút chân không dưới hướng dẫn của siêu âm và Xquang; và điều trị loại bỏ tổn thương tuyến vú bằng kỹ thuật sinh thiết có hỗ trợ hút chân không dưới hướng dẫn của siêu âm. Kỹ thuật này đã triển khai tại TTĐQ từ năm 2018, và đã thực hiện được trên hơn 100 bệnh nhân. Đây là một kỹ thuật hiện đại, có nhiều ưu điểm, ít xâm hại, giảm tối đa tổn thương nhu mô lành lân cận, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.

Chị Trương Thị Minh T. (68 tuổi, ở Nghệ An) là bệnh nhân đã được hút bỏ u xơ bằng kỹ thuật sinh thiết hút chân không dưới hướng dẫn của siêu âm cho biết: “Thật tuyệt vời khi thực hiện kỹ thuật tôi không hề cảm thấy một chút đau đớn nào. Các bác sỹ tại TTĐQ đã tư vấn rất cẩn thận và đầy đủ, khối u của tôi đã được loại bỏ hoàn toàn, vết sẹo trên ngực nhỏ và hầu như không nhìn thấy. Bản thân tôi rất phấn khởi và không còn lo lắng”.

TS.BS Nguyễn Thu Hương, Trưởng nhóm chẩn đoán hình ảnh vú (TTĐQ) cho biết: Với phương pháp này, bác sĩ sử dụng kim sinh thiết dưới hướng dẫn siêu âm có đường kính lớn (11-8G), có thiết bị hỗ trợ hút chân không để lấy mẫu bệnh phẩm, cho kết quả giải phẫu bệnh tốt hơn hoặc để lấy toàn bộ tổn thương lành tính. Thời gian thực hiện nhanh, bệnh nhân có thể ra viện trong ngày, có thể sinh hoạt bình thường sau 1 ngày, chỉ gây tê tại chỗ, hầu như không để lại sẹo. Tất cả các tổn thương tuyến vú lành tính gây ảnh hưởng cho bệnh nhân đều có thể sử dụng phương pháp này, với kích thước khối u dưới 3cm có thể lấy bỏ toàn bộ tổn thương trong 1 lần can thiệp.

Chia sẻ thêm về kỹ thuật này, PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước đây khi chưa có phương pháp sinh thiết hút chân không, bệnh nhân phải trải qua cuộc tiểu phẫu với đường rạch ở vú bằng hoặc lớn hơn kích thước khối u. Vì thế, sẹo để lại ở ngực phụ thuộc kích thước khối u, thường từ 2-5 cm.

Hiện Bạch viện Bạch Mai đã thành lập một team work (các bác sĩ làm việc theo nhóm) chuyên về ung thư vú gồm bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ giải phẫu bệnh, bác sĩ ngoại khoa và bác sĩ ung bướu. Các bệnh nhân có bệnh lý tuyến vú nghi ngờ ung thư hoặc có bệnh lý vú phức tạp đều được đa chuyên khoa hội chẩn, đánh giá giai đoạn bệnh để đưa ra phác đồ và phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân. Các bác sĩ cũng cho biết, tất cả phụ nữ trên 40 tuổi đều có chỉ định chụp Xquang để sàng lọc ung thư vú. Với những phụ nữ dưới 40 tuổi nhưng có nguy cơ cao (mang gen đột biến BRCA1, BRCA2, trong gia đình có người bị ung thư vú, phụ nữ béo phì, tiểu đường, không sinh con, không cho con bú): Nên chụp Xquang vú sớm hơn 5 năm so với khuyến cáo.

Hàng tháng, sau khi sạch kinh, các chị em nên tự sờ hai tuyến vú của mình, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu gì bất thường thì cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

II. THÔNG TIN QUỐC TẾ   

30. Người phụ nữ bị kê nhầm thuốc phá thai, phản ứng của bác sĩ khiến ai cũng 'sôi máu'

Sau 8 năm dài mới mang thai, người phụ nữ bị sốc khi phát hiện mình bị sảy vì khinh suất khó chấp nhận của nữ bác sĩ.

Tháng 2, một phụ nữ họ  Zhang đến từ Jiangxi, Trung Quốc phát hiện ra mình đang mang thai và đã đến bệnh viện để kiểm tra. Nữ bác sĩ xác nhận rằng Zhang thực sự đang mang thai và tình trạng sức khỏe của cô đang tốt, theo Sinchew.

Người mẹ 31 tuổi sau đó được kê đơn thuốc bổ sung dành cho phụ nữ mang thai. Thật không may, sau khi uống thuốc, Zhang bị đau bụng dữ dội trong đêm và thậm chí bị chảy máu vùng kín. Cô lập tức được đưa đến một bệnh viện khác. Các bác sĩ thông báo Zhang đã bị sảy thai.

Điều tra cho thấy hóa ra loại thuốc mà bác sĩ ở bệnh viện đầu tiên kê cho Zhang là thuốc phá thai. Đáng buồn thay lúc này mọi cách cứu vớt sai lầm đều vô vọng.

Sau vụ việc, Zhang và gia đình đã tới gặp bác sĩ kia và bất ngờ hơn khi người phụ nữ này dửng dưng nói cô ta đã viết nhầm tên thuốc.

Zhang rất tức giận vì nữ bác sĩ đã không hề tỏ ra  một chút hối hận, chỉ thừa nhận mình viết sai tên thuốc.

Được biết đây là lần thứ 2 Zhang mang thai, sau 8 năm và gia đình rất chờ đón em bé thứ 2 này.

  1.  Nga thử nghiệm vắc xin chống lao mới

Mới đây, tại Nga, một loại vắc xin chống bệnh lao được bào chế và đang được các bác sĩ Nga thử nghiệm lâm sàng, có thể được hoàn thành ngay trong năm 2019.

Vắc xin này, đã chứng minh tính hiệu quả của nó trong các thử nghiệm tiền lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu tiên.

Trong năm nay, sẽ hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và sẽ có loại vắc xin phòng lao dùng cho người lớn. Đây là sản phẩm của Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học mang tên N. F Gamaleya.

Tại Nga, một loại vắc xin chống bệnh lao được bào chế và đang được các bác sĩ Nga thử nghiệm lâm sàng, có thể được hoàn thành ngay trong năm 2019. (Ảnh: Internet)

Cũng tại một diễn biến khác cho thấy, các nhà khoa học Nga rất coi trọng việc bào chế vắc xin chống lại bệnh lao là rất quan trọng, bởi vì, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có 10 triệu người bị nhiễm bệnh lao, 1/10 trong số đó là trẻ em. Mỗi ngày, bệnh lao giết chết gần 4.400 người.

Các số liệu thông kê ở Nga cho thấy năm 2018, trên 61.500 người mắc bệnh lao ở Nga, tỷ lệ này thấp hơn 7,7% so với năm 2017, và tiêm chủng đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm số người mắc bệnh lao.

32. Tốn gần 1 triệu đô la chữa bệnh vì không tiêm vắc-xin uốn ván

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) báo cáo trường hợp một bé trai 6 tuổi tại Oregon đã phải nhập viện điều trị vì mắc uốn ván do bố mẹ cậu bé từ chối tiêm vắc-xin cho cậu hồi nhỏ.

Vì bỏ qua một liều vắc-xin uốn ván trị giá 30 USD, bố mẹ cậu bé phải trả tới 811.929 USD tiền viện phí sau khi cậu bé mắc bệnh.

Khi đang chơi đùa bên ngoài trang trại ở Oregon năm 2017, cậu bé đã bị ngã trầy xước trán. Cha mẹ cậu bé đã làm sạch và khâu cẩn thận tại nhà nhưng 6 ngày sau khi bị ngã, cậu bé bắt đầu kêu khóc, nghiến răng, co thắt cơ. Sau đó có các triệu chứng khó thở buộc cha mẹ cậu phải gọi cấp cứu và đưa vào nhập viện. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cậu bé bị nhiễm trùng uốn ván khiến cậu bé trở thành trường hợp đầu tiên ở Oregon bị nhiễm trùng uốn ván sau hơn 30 năm qua, theo báo cáo được công bố mới đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC).

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra nhưng có thể phòng ngừa được nhờ vắc- xin uốn ván. Các vi khuẩn C.tetani sống trong đất xâm nhập cơ thể thông qua các vết thương hở. Sau khi vào cơ thể, chúng sẽ phun vào máu vật chủ một loại độc tố cực kỳ mạnh. Độc tố này có thể nhanh chóng làm tê liệt cơ bắp và gây ra những cơn co thắt liên tục. Các cơn co thắt bắt đầu từ hàm khiến bệnh nhân không ăn không nói, khó khăn trong việc uống nước. Những cơn co thắt này sau đó có thể lan đến ngực, lưng và ruột dẫn đến gãy xương đau đớn, khó thở và thậm chí mất hoàn toàn sự kiểm soát ruột. Uốn ván là một căn bệnh tàn bạo gây ra những tổn thương nghiêm trọng trên cơ thể người. Ngay cả khi được điều trị, 10% nạn nhân của vi khuẩn C.tetani cũng sẽ tử vong.

Trên thế giới, chúng ta đã có một loại vắc-xin phòng uốn ván từ những năm 1920, nhờ vắc-xin này con người gần như đã xóa sổ được căn bệnh uốn ván ở các quốc gia có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt. Mũi tiêm uốn ván đầu tiên nên bắt đầu từ khi 2 tháng tuổi và nên được tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm.

Tuy nhiên, trong trường hợp cậu bé này đã không được tiêm vắc-xin phòng ngừa uốn ván. Khi được đưa tới bệnh viện, cơ hàm của cậu bé đã bị co thắt, mặc dù rất khát nước nhưng cậu bé không thể mở miệng để uống. Cậu bé được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) nơi cậu được tiêm vắc-xin uốn ván cũng như thuốc kháng thể chống lại vi khuẩn. Những kháng thể này được lấy từ những người đã từng được tiêm phòng uốn ván. Bệnh nhân nhỏ tuổi này được chăm sóc trong căn phòng tối với thiết bị bịt tai vì bất cứ sự kích thích âm thanh nào cũng làm cho cơ bắp cậu co thắt đau đớn. Đồng thời, máy thở cũng được sử dụng để trợ thở, kết hợp với sử dụng các loại thuốc để kiểm soát cơ bắp, điều trị huyết áp. Sau 47 ngày ở lại ICU, cậu bé tiếp tục được chăm sóc, theo dõi tại buồng phục hồi với hóa đơn y tế hơn 800.000 đô-la (tương đương 19 tỷ đồng), cậu bé đã có thể khôi phục chức năng của các chi và cơ thể.

Các bác sĩ cho biết, đây là trường hợp bệnh nhi mắc uốn ván đầu tiên được báo cáo ở Oregon trong vòng 30 năm. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến 2015, đã có 197 trường hợp uốn ván và 16 trường hợp tử vong được báo cáo khắp nước Mỹ. Một số trường hợp bệnh nhân được cứu sống nhưng phải chịu chi trả mức phí rất lớn, lên tới gần 1 triệu USD. Judith Guzman - Cotrill, Giáo sư nhi khoa tại Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon, tác giả nghiên cứu này cho biết, trường hợp của cậu bé 6 tuổi ở Oregon là một lời nhắc nhở quan trọng của việc tiêm chủng vắc-xin, đặc biệt là vắc-xin cho bệnh uốn ván.

TS. William Schaffner, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm học tại Đại học Vanderbilt, người không tham gia nghiên cứu cũng cho biết, nhiễm trùng uốn ván của cậu bé là một tai nạn “hoàn toàn có thể phòng ngừa được”. Và quyết định của cha mẹ cậu bé không cho con mình tiêm mũi vắc-xin uốn ván lần thứ hai chính là nguyên nhân gây ra “thảm kịch” này, TS. Schaffner nhấn mạnh.

Việc tiêm vắc-xin phòng uốn ván là việc làm cần thiết vì nếu trẻ em được tiêm phòng vắn-xin này thì nguy cơ nhiễm trùng uốn ván sẽ giảm 95% và nguy cơ tử vong giảm 99%. Vì vậy, theo các chuyên gia, cách duy nhất để bảo vệ bản thân là tiêm vắc-xin.

  1.  Hi vọng mới từ ca chữa khỏi bệnh HIV/AIDS hi hữu

Mới đây, một người đàn ông dương tính HIV sinh sống ở Anh đã trở thành người thứ 2 trên thế giới chữa khỏi virus HIV, sau khi tiến hành phương pháp cấy các tế bào gốc tủy xương từ một người hiến tạng có gen đột biến kháng HIV. Đây là gen hiếm gặp, được gọi là CCR5-delta 32. 

 “Bệnh nhân London”

Theo hãng tin CNN, trường hợp của bệnh nhân này được công bố trên tạp chí Nature và sắp tới sẽ được trình bày tại một hội thảo về HIV ở Seattle, Mỹ. Hiện danh tính của người đàn ông này chưa được tiết lộ, nhưng các các bác sĩ gọi anh ta là “bệnh nhân London”. 

Báo cáo về trường hợp “bệnh nhân London” được công bố sau trường hợp đầu tiên “bệnh nhân Berlin” hơn 10 năm trước. Được biết, một người Mỹ tên Timothy Brown, được chữa khỏi HIV về cơ năng và được gọi là “bệnh nhân Berlin” do anh này cũng được điều trị bằng phương pháp CCR5 tương tự ở Đức năm 2007 và không còn HIV.

Anh Timothy Brown từng sống ở Berlin nhưng đã trở về Mỹ và theo các bác sĩ, cho đến bây giờ, anh là người duy nhất được cho là đã được chữa khỏi HIV, loại virus gây ra bệnh AIDS.

Theo Giáo sư Ravindra Gupta, trưởng nhóm nghiên cứu và đang giảng dạy tại Khoa truyền nhiễm và miễn dịch của Đại học London chia sẻ, “Từ sự thuyên giảm virus HIV gần như hoàn toàn ở “bệnh nhân London”, chúng tôi đã chứng minh cho mọi người thấy rằng “bệnh nhân Berlin” không phải là trường hợp dị thường. Bằng những phương pháp chữa bệnh tương tự, chúng tôi đã giúp họ loại bỏ HIV ra khỏi cơ thể”. 

Bệnh nhân London” được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2003 và bắt đầu dùng thuốc để kiểm soát sự lây nhiễm vào năm 2012. Người đàn ông đã phát triển bệnh ung thư hạch Hodgkin vào năm đó. Năm 2016, tình trạng bệnh ngày càng rất yếu do ung thư. Các bác sĩ đã quyết định tìm nguồn tạng phù hợp vì đây là cơ hội sống cuối cùng của anh ta. Người hiến tạng - một người lạ - có gen đột biến gọi là “CCR5 delta 32”, có khả năng kháng HIV. 

Gần 3 năm sau khi được cấy các tế bào gốc tủy xương từ một người hiến tạng có đột biến gien hiếm gặp và miễn nhiễm HIV – và sau hơn 18 tháng kể từ khi ngừng sử dụng đặc trị chống HIV – các xét nghiệm có độ nhạy cảm cao vẫn cho thấy không có dấu vết nào của việc nhiễm HIV trước đây ở người đàn ông này. “Chúng tôi không thể đo được virus. Hoàn toàn không phát hiện có virus nữa”, Giáo sư Ravindra Gupta vui mừng thông báo.

Khi nhận được thông tin từ “bệnh nhân London”, bác sĩ Gero Hutter, người đã điều trị cho “bệnh nhân Berlin” và hiện là Giám đốc Trung tâm y tế Cellex ở thành phố Dresden, Đức, đã gọi trường hợp mới là “tin tuyệt vời” và là “một mảnh ghép trong bức tranh điều trị HIV”.

“Kể từ sau khi “bệnh nhân Berlin” được chữa khỏi gần như hoàn toàn, phương pháp điều trị CCR5 đã trở thành chủ đề trong nghiên cứu HIV. Và trường hợp mới của “bệnh nhân London” sẽ tiếp hỗ trợ hơn nữa cho các nhà nghiên cứu trên con đường tìm ra phương pháp chữa trị HIV”, bác sĩ Gero Hütter nói.  

Không chỉ 2 trường hợp trên, mới đây bác sĩ Bjorn Jensen thuộc Đại học Düsseldorf cũng đã công bố về trường hợp bệnh nhân thứ 3. Giống như “bệnh nhân London”, bệnh nhân của bác sĩ Bjorn Jensen cũng đã trải qua hóa trị ung thư nhẹ, không tiến hành trị xạ, tiếp đó cũng cấy ghép tế bào gốc tủy xương từ một người hiến tặng có đột biến gen hiếm gặp khả năng kháng virus HIV tự nhiên (CCR5). Hiện đã 3 tháng kể từ khi điều trị, các bác sĩ đã không còn thấy sự hiện diện của virus HIV.

Dấu mốc y học

Vào năm 1995, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra lý do tại sao HIV có thể quay trở lại ngay cả khi nó dường như đã bị đánh bại. Virus chôn vùi một phần của chính nó trong các ổ chứa tiềm tàng của cơ thể, nằm ngủ như một cách “dự phòng”.

Năm 1996, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng liệu pháp khoáng retrovirus (ART) có thể ức chế virus và ngăn chặn nó hồi sinh, nếu thuốc được sử dụng một cách nghiêm ngặt. Nhưng một khi thuốc bị ngừng lại, virus sẽ nhanh chóng hồi sinh. Do vậy, các chuyên gia ca ngợi CCR5 là một “dấu mốc” quan trọng, là bước tiến tuyệt vời trên con đường tìm kiếm phương pháp điều trị HIV hoàn hảo nhất. 

Các nhà khoa học đã lạc quan một cách thận trọng rằng trường hợp của “bệnh nhân London” đã có phần khác biệt hơn so với “bệnh nhân Berlin” và đó có thể là dấu hiệu của sự tiến bộ. So với Brown, “bệnh nhân London” được hóa trị nhẹ nhàng hơn để chuẩn bị cho ca ghép, không tia xạ và chỉ có phản ứng nhẹ với việc ghép.

Tuy nhiên, đa số chuyên gia cho rằng phương pháp điều trị này nếu có thể áp dụng cho tất cả bệnh nhân sẽ rất tốn kém, phức tạp và rủi ro. Để thực hiện với các bệnh nhân khác, việc khó nhất là tìm được người hiến tạng phù hợp, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số những người hiến tạng, hầu hết là người gốc Bắc Âu - mang gen đột biến CCR5 có khả năng kháng virus. Không chỉ vậy, các nhà khoa học cũng cho biết hiện chưa rõ liệu gen đột biến CCR5 có phải là chìa khóa duy nhất, có vai trò làm mất các tế bào nhiễm HIV hay không.

 “Chúng tôi đã chữa khỏi HIV, nhưng chúng tôi cũng hy vọng một ngày nào đó sẽ có một phương pháp nào toàn diện, khả thi hơn trong việc loại bỏ virus ra khỏi cơ thể. Hiện tại, thế giới nên tin tưởng vào những loại thuốc hỗ trợ có hiệu quả. Bởi như vậy mọi người sẽ sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn”, Sharon Lewin - chuyên gia Viện Doherty (Úc), đồng Chủ tịch ban Cố vấn nghiên cứu về chữa bệnh của Hiệp hội AIDS Quốc tế nói.

Quay trở lại với “bệnh nhân Berlin”, ông Timothy Ray Brown, người đã không có HIV trong suốt 12 năm mà không cần dùng thuốc, cho biết ông muốn gặp “bệnh nhân London” chưa rõ danh tính mới được công bố. Ông kêu gọi bệnh nhân này ra công khai vì”điều đó sẽ rất hữu ích cho khoa học và mang lại hy vọng cho những người có HIV”.

 “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có cách chữa khỏi bệnh trong cuộc đời mình. Bây giờ ông đang dành cả cuộc đời để làm việc với các nhà nghiên cứu và nhà hoạt động về HIV, một trải nghiệm hài lòng mà ông cảm thấy có trách nhiệm. Tôi cảm thấy có trách nhiệm giúp các bác sĩ hiểu điều ấy đã xảy ra như thế nào để họ có thể thúc đẩy khoa học tiến lên”, ông nói thêm.

12 năm kể từ trường hợp đầu tiên được chữa khỏi HIV, ngày 5/3 các bác sĩ London tuyên bố đã giúp bệnh nhân thứ hai hết bệnh. Ngày 7/3, tại Hội nghị về Retrovirus và Nhiễm trùng Cơ hội tại Seattle (Mỹ), nhóm nhà nghiên cứu Hà Lan báo cáo người HIV thứ ba được chữa trị có biệt danh "bệnh nhân Dusseldorf".

Chia sẻ với New Scientist, bà Annemarie Wensing tại Trung tâm Y tế Đại học Utrecht thuộc nhóm nghiên cứu cho biết giống hai ca đầu tiên, "bệnh nhân Dusseldorf"  từng phẫu thuật ghép tủy. Sau ba tháng dừng sử dụng thuốc kháng virus, kết quả sinh thiết ruột và hạch bạch huyết của bệnh nhân không còn dấu hiệu nhiễm HIV.

Tuy vậy, vẫn còn rất sớm để khẳng định "bệnh nhân Dusseldorf" hay bất kỳ bệnh nhân nhiễm HIV nào khác hoàn toàn khỏi bệnh.

Ông Javier Martinez-Picado thuộc Viện Nghiên cứu AIDS IrsiCaixa, Barcelona (Tây Ban Nha) tiết lộ hiện hai bệnh nhân khác cũng đang trải qua quy trình cấy ghép tủy xương và tiếp tục dùng thuốc kháng virus. Nếu cơ thể hai người này có phản ứng tương tự, hoàn toàn loại bỏ virus HIV ngay sau khi dừng thuốc kháng virus như ba trường hợp kể trên thì rất có thể các bác sĩ đã thật sự tìm ra phương pháp chữa trị căn bệnh thế kỷ.


Thăm dò ý kiến