Điểm tin y tế ngày 23/3/2019

24/03/2019 | 12:00 PM

 | 

  1. THÔNG TIN Y TẾ TRONG NƯỚC

 

Sỹ Thành – Hà Phương

1. Vingroup ký kết hợp tác chiến lược với DKSH

Công VinFa (thành viên Tập đoàn Vingroup) và Tập đoàn DKSH (Thụy Sỹ) - nhà cung cấp Dịch vụ Phát triển thị trường hàng đầu thế giới đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược.

Ngày 21-3, tại Hà Nội, Công VinFa và Tập đoàn DKSH - nhà cung cấp Dịch vụ Phát triển thị trường hàng đầu thế giới đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược.

Mục tiêu của hợp tác nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế, góp phần đưa tinh hoa dược Việt vươn ra thế giới, đồng thời cung cấp các dịch vụ hậu cần quan trọng khác.

Hai bên sẽ hợp tác trong việc nhập khẩu dược phẩm để cung cấp ra thị trường.VinFa và DKSH cũng sẽ tìm kiếm các nhà sản xuất dược phẩm công nghệ cao trên thế giới để đưa các thuốc tiên tiến về sản xuất tại Việt Nam, góp phần bình ổn thị trường. Thông qua mạng lưới sẵn có, VinFa và DKSH cũng hướng đến việc xuất khẩu thuốc nội, đặc biệt là các sản phẩm thuốc dân gian, gia truyền được sản xuất theo công nghệ tiên tiến, đưa tinh hoa y học cổ truyền ra nước ngoài.

DKSH sẽ chuyển giao quy trình, công nghệ; hỗ trợ đào tạo nhân viên cho VinFa đảm bảo hệ thống của VinFa đáp ứng được cả 3 tiêu chí: tiêu chuẩn của Bộ Y tế; yêu cầu của các hãng dược phẩm quốc tế và chuẩn mực quốc tế.

Ngoài ra, DKSH hiện đang là đối tác của Vingroup trong lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng. Do đó, việc hợp tác giữa VinFa và DKSH sẽ mở thêm cơ hội cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khác cho các công ty thành viên của Vingroup.

Với việc phát huy tối đa thế mạnh mỗi bên, quan hệ hợp tác sẽ mang lại tiềm năng phát triển không chỉ trong lĩnh vực hai bên hợp tác mà còn cả các lĩnh vực khác mà VinFa và DKSH đang hoạt động không chỉ tại thị trường Việt Nam mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

Tại lễ ký kết, ông Stephen Ferraby, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn DKSH - Phụ trách Đối ngoại và Đầu tư chiến lược toàn cầu, Thành viên Ban Điều hành Tập đoàn cho biết: “Với sự hiện diện lâu dài ở Việt Nam, DKSH đã là đối tác đáng tin cậy cho nhiều khách hàng trong nhiều lĩnh vực. Chúng tôi mong muốn cùng hợp tác với Vingroup, một trong những doanh nghiệp danh tiếng nhất tại Việt Nam, để cùng nhau đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chăm sóc sức khỏe và ngành hàng tiêu dùng tại một trong những thị trường năng động nhất của Châu Á.”

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup nói: “Với tầm nhìn trở thành doanh nghiệp dược Việt mang tầm quốc tế phục vụ nhu cầu của người Việt, VinFa và DKSH mong muốn mang đến cho cộng đồng các sản phẩm, giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện, chất lượng cao và dịch vụ chuẩn mực nhất. Hợp tác với DKSH sẽ giúp VinFa thực hiện một cách hiệu quả và nhanh chóng mục tiêu này, nâng các hợp tác trong các lĩnh vực khác giữa hai tập đoàn lên tầng cao mới, góp phần đưa tinh hoa y học cổ truyền Việt Nam ra thế giới”.

Thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa VinFa và Tập đoàn DKSH sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, nhằm hiện thực hóa khát vọng vươn tầm quốc tế trong mọi lĩnh vực Tập đoàn Vingroup đang hướng tới.  

2. Đà Nẵng thiếu vắc-xin tiêm chủng dịch vụ

Trong khi vắc-xin tiêm chủng dịch vụ 6 trong 1 tại Đà Nẵng đang "cháy" hàng thì loại vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem và thậm chí là 4 trong 1 cũng đang bị thiếu hụt do cầu vượt cung như hiện nay. 

Trước thông tin vắc-xin 5 trong 1 dịch vụ đang khan hàng, nhiều người dân đã tranh thủ đưa con đến cơ sở tiêm chủng thuộc Trung tâm Phòng chống bệnh tật TP. Đà Nẵng để chờ tiêm chủng cho con. Qua theo dõi các kênh thông tin về vắc-xin, người tỏ ra lo lắng khi các loại vắc-xin 6 trong 1, 5 trong 1 và  4 trong 1 cũng đang bị thiếu hụt do cầu vượt cung như hiện nay. 

Chị Huỳnh Thị Kim Huệ- Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng: “Bé mình hiện tại tiêm đã được 3 mũi rồi, chờ đợi đến mũi này cứ cách 1 tháng là chích cho bé 1 mũi này. Còn lại 1 mũi tới lại năm sau mới chích lại được cho bé.” 

Chị Nguyễn Thị Duy Ny- Quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng: “Mình  theo dõi hoài, hỏi người này người kia rồi trên trang web nữa, nhưng mà nói chung là nó khó khăn lắm, k biết làm cách nào để ít bữa nữa các chị em khác là dễ hơn trong việc theo dõi vắc-xin này?

Ghi nhận, tại điểm tiêm chủng dịch vụ thuộc Trung tâm Phòng chống Bệnh tật TP. Đà Nẵng trong thời điểm hiện tại cũng chỉ đáp ứng khoảng 200 liều vắc-xin 5 trong 1/ngày. Do nguồn cung  vắc-xin dịch vụ cho trẻ khan hiếm, nên nhiều người dân tỏ ra lo lắng. Bởi, khi vắc-xin bị gián đoạn như hiện nay sẽ kéo theo thời điểm tiêm chủng vàng của trẻ cũng bị gián đoạn. 

Anh Lê Văn Bang- Quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng: “Thuốc dịch vụ ở đây mà nó chậm như rứa thì sẽ qua cái thời gian tiêm chủng vàng của bé.Tức là sẽ đụng những cái mũi sau này như sởi, sẽ qua cái thời điểm vàng của trẻ.”

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng, vắc-xin phòng 6 trong 1 và 5 trong 1 hiện chỉ đáp ứng nhu cầu trong 1 hoặc 2 ngày tới. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên cho các bé có độ tuổi từ 2 tháng đến 1 tuổi tiêm  đủ 3 mũi cơ bản tại trạm y tế xã, phường theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. 

BS Trần Bảo Ngọc- Trung tâm Phòng chống bệnh tật TP. Đà Nẵng: “Khi mà 3 mũi cơ bản hoàn thành trước 1 tuổi thì vẫn là cái thời gian tốt nhất. Còn nếu với những trẻ quá 1 tuổi thì chúng ta cũng có những cái phương án là có thể tiêm những cái mũi rời, hoặc là tiêm ở dạng 4 trong 1, 5 trong 1 dịch vụ. Tuy nhiên, những cái dạng vacxin như 4 trong 1 hay 5 trong 1 như lúc nãy mình có chia sẻ thì nó cũng k phải là có thường xuyên. Cái thứ 2 với cái tâm lý chần chừ như hiện nay thì trẻ co nguy cơ nếu như dịch bệnh nó bùng phát  thì trẻ chưa được đảm bảo bảo vệ trước cái nguy cơ này.”

Theo khuyến cáo của ngành Y tế Đà Nẵng, phụ huynh không nên quá hoang mang khi hết vắc-xin dịch vụ. Thay vì tâm lý chờ đợi, hãy chủ động tiêm phòng cho trẻ ngay tại địa phương./.

3. Bất thường việc yêu cầu dừng xét nghiệm sán heo

Có nhiều bất thường xung quanh việc Bộ Y tế buộc dừng lấy mẫu xét nghiệm sán heo.

Việc Bộ Y tế đột ngột yêu cầu dừng lấy mẫu xét nghiệm elisa tìm ấu trùng sán heo tại Bắc Ninh đã tạo nên nhiều luồng ý kiến. Bộ Y tế đã ở đâu khi để hơn 5.000 gia đình vất vả đưa con đi xét nghiệm trong sáu ngày vừa qua?

Có khoảng 200 bé được phát hiện có nhiễm ấu trùng sán heo có phải thừa? Và có gì khuất tất khi Bộ Y tế lại cấm xét nghiệm sán heo trong khi người dân có nhu cầu?

Dù luồng ý kiến nào thì đối tượng bị đặt nghi vấn vẫn là Bộ Y tế, bởi tính không minh bạch xung quanh quyết định này.

Sáu ngày trước, ngày 15-3, có khoảng 430 gia đình ở Bắc Ninh ra Hà Nội xét nghiệm tìm sán heo, với những dấu hiệu đầu tiên của một sự vụ báo hiệu sẽ rất nóng.

Cụ thể đã có 2/3 mẫu máu của học sinh mầm non được xét nghiệm dương tính với ấu trùng sán heo, phụ huynh ở khu vực liên quan đã ngừng cho con ăn bữa ăn tại trường vì nghi ngờ tuồn thịt bẩn và ùn ùn ra Hà Nội, nhưng Bộ Y tế và Sở Y tế Bắc Ninh đều im lặng.

Rõ ràng khi có nhiều trẻ em "dương tính với ấu trùng sán heo" thì cha mẹ các cháu phải lo lắng. Phụ huynh có con nhỏ có tâm lý muốn bảo vệ con mình là điều đương nhiên và họ tiếp tục đưa con đi xét nghiệm.

Nhiều gia đình đưa con đi từ 3h sáng, đến bệnh viện khi trời chưa sáng, ngoài sán heo, họ còn xét nghiệm sán chó và sán lá gan, chi phí xét nghiệm mỗi cháu xấp xỉ 1 triệu đồng, chưa kể tiền xe và công cha mẹ đưa các con đi.

Trên 5.000 mẫu xét nghiệm đã lấy, trên 1.500 mẫu đã trả cho phụ huynh, chi phí gia đình và Sở Y tế Bắc Ninh đã chi trả ít nhất lên tới 3-4 tỉ đồng. Đùng một cái, ngày 21-3, Bộ Y tế đột ngột yêu cầu dừng xét nghiệm, các cháu có kết quả dương tính không cần phải điều trị nếu không có các biểu hiện của bệnh.

Sáu ngày vừa qua Bộ Y tế ở đâu (ngoài cuộc làm việc chớp nhoáng chiều 19-3) khi cha mẹ hoang mang, lo lắng cho những đứa con bé bỏng của mình? Nhiều bà mẹ, ông bố đã bật khóc sau khi con có kết quả dương tính với ấu trùng sán heo.Họ thật sự lo lắng.

Có ai có thể ngồi im trong nghi ngờ mà không làm gì cả? Nhưng không một ai giải thích, không một ai đồng hành, ngoài những lời vu vơ là "không phải lo lắng vì đây không phải là bệnh cấp tính, không phải cấp cứu...".

Trong khi đó, tuần qua là tuần khủng hoảng thật sự đối với những phụ huynh có con nhiễm sán heo, cần xử trí ra sao, nên hay không nên điều trị...

Bộ Y tế với đội ngũ chuyên gia, với 2 bệnh viện/viện đầu ngành về ký sinh trùng ngay ở Hà Nội hoàn toàn không ứng xử quyết liệt, minh bạch. Và cha mẹ và các cháu thì bơ vơ, không biết tin ai, có xét nghiệm miễn phí rồi vẫn phải ra Hà Nội vì "không tin".

Đến ngày 21-3, bỗng dưng bộ cấm xét nghiệm.Thực tế đã và sẽ còn những cuộc khủng hoảng như thế này, liệu Bộ Y tế có coi đây là một bài học?

4. Xuất hiện nhiều chủng cúm gia cầm nguy hiểm mới

Triển khai kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025, Bộ NN&PTNT cùng các tổ chức thế giới nhận định virus cúm gia cầm tiếp tục biến đổi và xuất hiện nhiều chủng nguy hiểm mới.

Sáng 22.3, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị thảo luận cùng với các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)... về việc triển khai kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm (CGC) giai đoạn 2019 – 2025.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, CGC là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đã gây thành dịch ở gia cầm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.Nhiều người bị nhiễm bệnh, chết và có nguy cơ trở thành đại dịch ở người. Khi dịch bệnh xảy ra sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ gia cầm, nhất là việc xuất khẩu sản phẩm gia cầm của Việt Nam sang các nước.

Các chuyên gia cũng cảnh báo về các chủng virus cúm mới, trong đó có virus cúm A/H5N8, A/H7N9 đã lưu hành ở một số nước, mặc dù chưa lưu hành ở Việt Nam nhưng cũng cần cảnh giác.

TS Kenjiro Inui, đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam, cho biết: Virus cúm gia cầm luôn biến đổi và tạo ra nhiều chủng khác nhau, mỗi chủng virus có một dạng, đặc tính khách nhau, đang tiếp tục là mối đe doạ ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo TS Jeffrey McFarland – Giám đốc Chương trình Cúm của CDC tại Việt Nam, chúng ta phải tăng cường giám sát dịch tễ tại các ổ dịch để phát hiện sớm các loại virus mới xuất hiện và đang lưu hành, bởi khi virus biến đổi thì sẽ có nguy cơ tạo ra đại dịch. Thực tế trong lịch sử, đại dịch cúm nguy hiểm nhất đã xuất hiện vào năm 1918 với chủng virus cúm A/H1N1 đã khiến 4 triệu người tử vong.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025". Mục tiêu của Kế hoạch nhằm kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh CGC xảy ra và lây lan diện rộng; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống; tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của CGC đối với sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và các hoạt động thương mại của Việt Nam. 

5. TT-Huế: Đàn lợn rừng tại khu nghỉ dưỡng nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Việc xét nghiệm mẫu lợn rừng bị bệnh tại Thừa Thiên- Huế cho kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Chiều nay (22.3), ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu lợn rừng bị bệnh được nuôi ở Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Alba Thanh Tân (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) cho thấy những con lợn này dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, vào chiều 21.3, cơ quan chức năng huyện Phong Điền và tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tiến hành lấy mẫu và tiêu hủy 9 con lợn rừng bị bệnh tại Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Alba Thanh Tân.  

Số lợn này nằm trong đàn lợn rừng 47 con của khu nghỉ dưỡng, được nuôi để phục vụ khách du lịch tham quan. Vào ngày 20.3, nhận thấy 9 con lợn trong đàn xuất hiện các triệu chứng ốm, bỏ ăn nên người làm tại khu nghỉ dưỡng đã báo cho cơ quan chức năng.

Như vậy, đây là ổ dịch tả lợn châu Phi thứ hai được phát hiện ở Thừa Thiên- Huế chỉ trong ít ngày. 

Trước đó, có 3 con lợn nái của vợ chồng ông Tạ Hồng Uẩn và bà Hà Thị Hồng ở thôn Hiền An, xã Phong Sơn bị chết do mắc dịch tả lợn châu Phi. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 3 con lợn nái bị chết cùng 2 con lợn nái còn sống của gia đình ông Uẩn. 

Theo ông Trịnh Đức Hùng, rất có thể nguồn dịch tả lợn châu Phi đã lây đến đàn lợn ở xã Phong Sơn theo đường du khách.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, cơ quan chức năng đã lập thêm 6 chốt kiểm dịch trên địa bàn huyện Phong Điền. Việc tiêu độc, khử trùng, in tờ rơi về cách phát hiện, phòng ngừa dịch tại huyện cũng đã được triển khai trên diện rộng.

6. Sơn La: Huyện thứ 3 xuất hiện dịch tả lợn châu Phi

Ngày 22/3, tại bản Hải Sơn I, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo báo cáo của lực lượng chức năng, ngày 20/3, tại gia đình ông Phạm Văn Quyết, bản Hải Sơn I, phát hiện 7 con lợn ốm chết với triệu chứng: sốt cao, da màu đỏ tím, có các nốt ban ở bụng, hậu môn xuất huyết…

Ngày 22/3, tại gia đình ông Lương Văn Đông, bản Hải Sơn cũng phát hiện 1 con lợn ốm chết.

Ngay sau khi nhận được thông tin, cán bộ thú y, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục thú Y vùng I xét nghiệm, đồng thời, yêu cầu gia đình tiêu hủy lợn nghi mắc bệnh dịch tả châu Phi.

Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, huyện Sông Mã đã nhanh chóng khoanh vùng dịch, lập thêm các chốt kiểm dịch đi vào xã và khu vực có dịch. Tập trung vật tư xử lý, thu gom, tiêu hủy 43 con lợn nhiễm bệnh.

Đến thời điểm hiện tại, Sông Mã là huyện thứ 3 của tỉnh Sơn La xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lực lượng chức năng của huyện đã cùng chính quyền địa phương tập trung vật tư, phương tiện tăng cường các biện pháp bảo vệ vật nuôi, không để tiếp xúc với các mầm bệnh. Tăng cường các chốt kiểm dịch, phun tiêu độc khử trùng các phương tiện qua lại, tránh để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

7. Nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi từ sử dụng "nước rác"

Theo Tổ chức Thú y thế giới, việc sử dụng thức ăn dư thừa chưa được xử lý nhiệt chiếm đến 60% nguồn gây xâm nhiễm và lây lan dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh, việc tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các hộ dân hay thu gom từ các quán hàng để chăn nuôi lợn đang khá phổ biến.

Là địa bàn tiếp giáp thành phố Vinh nên hầu hết người dân ở xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) đều chăn nuôi lợn bằng thức ăn thừa từ các cửa hàng ăn uống (hay còn gọi là "nước rác"). Việc tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi lợn khá phổ biến, nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (khoảng từ một vài con đến vài chục con trở lại), vừa tiết kiệm được kinh phí, thịt lại dễ tiêu thụ.

Theo anh N.V. H, một hộ chăn nuôi ở xã Hưng Tây, chất lượng thịt của loại lợn nuôi theo hình thức này ngon hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng vì “sạch”, chỉ ăn thức ăn thừa, không thức ăn tăng trọng”. Nhà anh H. nuôi 30 con lợn, trung bình mỗi ngày anh mua khoảng 10 thùng nước rác (loại 20 lít) ở các cửa hàng ăn uống với giá từ 5.000 -10.000 đồng/thùng .

Hộ ông Nguyễn Đức T. ở xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) từ hàng chục năm nay nuôi lợn theo hình thức tận dụng thức ăn thừa từ các hộ dân trong xã, các quán hàng trong huyện. Luôn duy trì khoảng 5 - 6 con lợn nái và 70 con lợn thịt, trung bình mỗi ngày ông gom 35 thùng nước rác về làm thức ăn cho lợn.

Ông Tâm cho biết: “Nuôi lợn theo hình thức này chi phí đầu tư thấp, lợn lớn chậm sau 3 - 4 tháng mới có thể xuất chuồng nhưng không sợ lỗ, trung bình mỗi năm gia đình thu lãi cả trăm triệu đồng”.

Bà Bá Thị Dung - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: “Hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều tận dụng thức ăn thừa từ các quán hàng để chăn nuôi lợn, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi bùng phát hiện nay, chúng tôi tập trung tuyên truyền để người dân thận trọng hơn trong việc lựa chọn thức ăn cho lợn; quán triệt tận các hộ dân khi thức ăn thừa lấy về phải xử lý qua nhiệt (nấu sôi) rồi mới cho lợn ăn”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thú y, thức ăn thừa chứa nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh ở lợn bởi nguồn gốc thực phẩm ở các nhà hàng, quán ăn nhỏ lẻ không được kiểm soát chặt.

Mặt khác, là thức ăn thừa để ôi, thiu từ ngày này qua ngày khác có thể có mầm bệnh dịch tả lợn. Việc vận chuyển thức ăn thừa, lấy từ nhiều quán hàng khác nhau cũng làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh trên lợn. Vì vậy, việc sử dụng thức ăn thừa để chăn nuôi lợn cần được cân nhắc, nhất là khi bệnh dịch tả đang bùng phát hiện nay. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn sinh học, tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh cho lợn đúng lịch thú y, cho lợn ăn đầy đủ dưỡng chất...

8. Bắt gần 8 tạ nem chua, chả vận chuyển lậu trên xe khách

 Lô hàng nem chua và chả vận chuyển từ Hà Nội vào TPHCM tiêu thụ nhưng chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch và hạn sử dụng vừa bị cơ quan chức năng ngăn chặn, tiêu hủy.

Ngày 22/3 ông Trần Khương Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Chăn nuôi, TPHCM cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với đội kiểm tra liên ngành phát hiện và kịp thời ngăn chặn một lô thực phẩm gồm nem và chả vận chuyển từ Hà Nội vào TPHCM tiêu thụ.

Theo đó, qua kiểm tra phương tiên xe khách mang biển kiểm soát 29B-61679 lưu thông trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức do tài xế Nguyễn Văn Sơn điều khiển, cơ quan chức năng phát hiện nhiều thùng xốp chứa thực phẩm gồm nem và chả trên xe. Tổng khối lượng hàng hóa sau kiểm tra xác định là 790kg.

Làm việc với đội kiểm tra, tài xế không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch của lô hàng trên.Mặt khác, toàn bộ lô hàng không có ngày sản xuất, hạn sử dụng. Tài xế xe khách khai nhận được thuê vận chuyển lô hàng trên từ Hà Nội vào Sài Gòn tiêu thụ, điểm đến là Bến xe Miền Đông.

Do không xuất trình được các giấy tờ chứng nhận đối với lô hàng nên lực lượng thanh tra đã tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính 8,5 triệu đồng đối với chủ phương tiên.

Ý thức được việc vận chuyển các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc sẽ gia tăng nguy cơ phát tán dịch bệnh đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi đang bùng phát ở nhiều tỉnh thành trên cả nước nên tài xế xe khách đã tự nguyên tiêu hủy toàn bộ lô hàng trên.

9. Không được bao biện với các sai phạm về an toàn thực phẩm!

Vụ việc hàng trăm trẻ mầm non Thanh Khương (tỉnh Bắc Ninh) cho kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn sau nghi ngờ thịt mà trẻ ăn trong trường có nhiễm sán những ngày qua đã gây xôn xao dư luận. Từ câu chuyện này, không ít người đặt ra câu hỏi việc giám sát của các cơ quan quản lý về bếp ăn học đường được thực hiện ra sao? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phong (ảnh), Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Dù chưa có cơ sở khẳng định DN cung cấp suất ăn cho trẻ là nguyên nhân chính khiến hàng trăm trẻ ở Bắc Ninh nhiễm sán lợn, song việc nhà trường này không lưu mẫu thức ăn cho trẻ là một minh chứng cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong quản lý thực phẩm tại các trường học hiện nay. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Vụ trường mầm non Thanh Khương không thực hiện lưu mẫu thức ăn là vi phạm pháp luật, điều này không có gì cần bàn cãi. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, không chỉ riêng về lấy mẫu, mà về nguồn gốc cung cấp thực phẩm, vệ sinh cơ sở, dụng cụ, trang thiết bị, người chế biến thực phẩm đều phải bị xử lý nghiêm.

Theo Luật An toàn thực phẩm, việc quản lý thực phẩm trường học là của UBND các cấp, và UBND các cấp thường phân cấp cho cơ quan y tế. Cơ sở muốn đạt điều kiện cung cấp bữa ăn trường học ngoài việc có giấy phép kinh doanh, phải có thêm giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong trường hợp nhà trường tự nấu nướng và cung cấp suất ăn, cần có cam kết với cơ quan chức năng và vẫn cần đảm bảo đủ điều kiện về dụng cụ nấu ăn, bát đĩa, nguồn nguyên liệu... Luật An toàn thực phẩm cũng quy định điều kiện với bếp ăn tập thể, trong đó có bếp ăn trường học, phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được cung cấp thực phẩm cho trường học.

Về nguyên tắc thì kể cả đủ giấy phép hay chỉ cam kết vẫn phải đi kiểm tra (hậu kiểm), nhưng quan trọng nhất vẫn là vai trò của ban giám hiệu và ban phụ huynh nhà trường.

Cũng ý kiến cho rằng với vụ việc ở trường Thanh Khương cần khởi tố hình sự về tội vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm để làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Vụ việc nêu trên nếu lỗi thực sự về phía DN cung cấp thức ăn, việc khởi kiện là đương nhiên do đã gây ra những hệ lụy xã hội rất nguy hiểm, hỗn loạn cho xã hội, gây ảnh hưởng niềm tin đối với ngành Giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, muốn khởi kiện được DN cung cấp suất ăn, cơ quan chức năng cần chứng minh được việc đơn vị cung cấp thịt và nhà trường tiếp nhận thực phẩm biết được số hàng đó không đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, mà vẫn cố ý cho trẻ sử dụng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng phải trưng cầu giám định số trẻ đã nhiễm sán để xem xét tỉ lệ tổn hại về vật chất, tinh thần, sức khỏe của nạn nhân làm căn cứ xác định hậu quả thiệt hại do hành vi cung cấp thực phẩm bẩn gây ra.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể khẳng định DN cung cấp suất ăn là nguyên nhân chính khiến cho trẻ mắc sán lợn, do vậy để nói rằng có nên khởi tố hay không chúng ta cần phải chờ kết luận từ phía cơ quan chức năng. Song trên hết, quan điểm của Cục An toàn thực phẩm là với những sai phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện cần phải xử lý nghiêm để tạo sự răn đe với những cơ sở làm ăn kém chất lượng, chộp giật, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết.

Như ông đã nói là hiện DN không còn lưu mẫu để cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc thanh, kiểm tra, xét nghiệm, vậy có cách nào phát hiện vi phạm của doanh nghiệp? Qua vụ việc này cho thấy hiện trong công tác kiểm soát thực phẩm vẫn còn nhiều lỗ hổng, thưa ông?

Không thể nói không lưu lại mẫu thì không có căn cứ để xác định và không có cở sở để xử lý. Chưa cần biết mẫu thực phẩm đó có nhiễm sán, có chất độc hay không, thì việc DN không lưu lại mẫu đã bị xử lý.

Về quản lý an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, các cơ quan quản lý không thể giám sát được 100% các trường, vì thế vẫn cần vai trò giám sát của ban phụ huynh nhà trường, của ban giám hiệu, phụ huynh học sinh trong việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.

Với trách nhiệm của Cục An toàn thực phẩm, chúng tôi không có quyền hạn thanh, kiểm tra mà chỉ tổng hợp báo cáo của các địa phương, đánh giá, kiểm tra theo đúng chức năng, do vậy muốn việc quản lý an toàn thực phẩm tốt, chặt chẽ, rất cần vai trò sát sao trong quản lý của các chính quyền địa phương, UBND cấp xã, phường, bởi đây là lực lượng gần cơ sở nhất.

Dù là lực lượng gần cơ sở nhất nhưng hiện nay việc giám sát chất lượng của các bếp ăn tập thể của chính quyền địa phương còn nhiều bất cập. Theo ông, chúng ta có cần bổ sung thêm các quy định để giám sát chất lượng bữa ăn ở trường học được chặt chẽ hơn?

Quy định hiện hành về quản lý an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học theo tôi không thiếu, nhưng quan trọng là ý thức thực hành khi chế biến thực phẩm. Ngay tại các gia đình, hiện vẫn còn những thói quen chưa đúng như để thực phẩm đã chế biến trong môi trường bình thường dẫn tới ôi thiu, gây rối loạn tiêu hóa.

Đặc biệt, không thể có cơ quan chức năng ngày nào cũng đi kiểm tra bếp ăn tại các nhà trường vì lực lượng không đủ, do đó mỗi nhà trường cần chú ý tới chất lượng bữa ăn của học sinh trường mình, phải chú ý trong khâu lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu và tổ chức chế biến, cung cấp cho các cháu. Không ở đâu giám sát tốt hơn chính nhà trường và phụ huynh.

Bên cạnh đó, về phía cơ quan chức năng quản lý an toàn thực phẩm tại các địa phương cần làm tốt hơn nữa vai trò cung cấp thông tin. Theo đó, khi có sự việc xảy ra, các thông tin phải rất minh bạch, khách quan, kịp thời và không bao biện.Sự việc đúng như thế thì phải yêu cầu và xử lý, còn nếu không đúng thì phải giải thích một cách kịp thời, chính xác và khoa học.

Xin cảm ơn ông!

10. Kiểm soát gắt gao nguồn gốc thịt heo

Sức mua heo tại các chợ giảm mạnh, trong khi tại các siêu thị lại tăng lên nhanh chóng.

Dịch tả heo châu Phi gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi Việt Nam. Đáng chú ý thông tin dịch tả heo khiến nhiều người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng, thậm chí loại bỏ thịt heo khỏi thực đơn của gia đình.

Trước tình hình trên, các siêu thị, doanh nghiệp, trang trại đang căng mình để kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng thịt heo. Họ còn bố trí người kiểm soát, kiểm dịch 24/24 giờ nhằm đảm bảo không để lọt thịt heo dịch bệnh đến tay người tiêu dùng (NTD).

Người cười, kẻ khóc ròng

Theo khảo sát của chúng tôi, sức tiêu thụ thịt heo ở kênh truyền thống giảm mạnh. Tiểu thương tại nhiều chợ lẻ trên địa bàn TP.HCM cho biết dịch tả heo châu Phi khiến việc buôn bán ế ẩm.

Bà Nhi, tiểu thương chợ Gò Vấp, than thở: “Tôi bán thịt heo mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ lại ế ẩm như hiện nay do nhiều người không mua thịt heo. Ngay cả các mối lâu nay thường lấy thịt heo về làm chả lụa nay cũng ngừng.Có hôm tôi vừa bán vừa cho vẫn không hết hàng, có ngày lỗ 700.000 đồng. Do lỗ nhiều quá nên hôm qua tôi tạm nghỉ bán”.

Không chỉ chợ bán lẻ mà lượng heo về chợ đầu mối cũng đang giảm dần. Theo ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cách đây 10 ngày lượng heo hơi về chợ mỗi đêm bình quân 4.300 con nhưng ba ngày gần đây giảm chỉ còn 3.600 con/đêm. Giá heo hơi giảm từ 44.500 đồng/kg xuống 42.500 đồng/kg, heo mảnh cũng giảm từ 60.000 đồng/kg xuống còn 56.000 đồng/kg.

“Ban quản lý chợ đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm cung cấp nguồn thịt heo đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân. Ví dụ, chúng tôi phối hợp với Ban An toàn thực phẩm TP.HCM không chỉ kiểm tra vấn đề liên quan đến dịch tả heo châu Phi mà còn về chất lượng heo như vi sinh, chất cấm, lở mồm long móng...” - ông Lê Văn Tiển khẳng định.

Sức mua ở chợ giảm nhưng ở các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng uy tín lại tăng lên. Đại diện Saigon Co.op cho biết hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trên cả nước ghi nhận sức mua thịt heo tươi an toàn tăng trung bình hơn 20%. Những ngày thường tiêu thụ trung bình 45-50 tấn thịt heo/ngày, các ngày cuối tuần 60-70 tấn/ngày.

Chị Hoài (Tân Bình, TP.HCM), một khách hàng đang mua thịt heo ở siêu thị, nói: “Ban đầu khi nghe tin có dịch tả heo châu Phi, tôi rất lo lắng. Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi được biết dịch này không lây sang người. Hơn nữa, thịt heo bán tại các siêu thị được kiểm soát gắt gao, có nguồn gốc, xuất xứ… nên cũng yên tâm hơn”.

Căng mình kiểm soát thịt heo

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho hay hiện nay nguồn thịt heo đang bán trên hệ thống chủ yếu nhập từ các đầu mối uy tín như Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy, SagriFood,… Hầu hết thịt heo từ các nguồn này đều đạt chuẩn VietGAP nên NTD có thể an tâm.

Đặc biệt từ khi có thông tin về bệnh dịch, Saigon Co.op đã ngay lập tức áp dụng hàng loạt biện pháp kiểm soát nguồn thịt tốt nhất có thể. Chẳng hạn bên cạnh việc tăng tần suất kiểm soát, hệ thống Saigon Co.op còn tổ chức kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm bất ngờ tại các siêu thị để đảm bảo an toàn khi bán đến NTD.

Đại diện hệ thống siêu thị Lotte Mart cũng thông tin tất cả sản phẩm thịt heo khi nhập vào siêu thị đều phải có kiểm dịch thú y hằng ngày theo từng lô hàng. Bên cạnh đó, khi nhận hàng siêu thị có bộ phận kiểm tra hàng hóa một lần nữa mới được chính thức nhập hàng vào siêu thị. “Khách hàng hoàn toàn có thể an tâm mua thịt heo” - Lotte Mart khẳng định.

Tuy vậy, đại diện Lotte Mart mong muốn cơ quan chức năng tăng cường thông tin để NTD hiểu rõ về dịch tả heo.Từ đó không quay lưng ngoảnh mặt với thịt heo. Bởi khi NTD ngại ăn thịt heo có thể kéo theo nhiều hệ lụy về sau cho người chăn nuôi, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi heo cả nước.

Đừng hốt hoảng, quay lưng với thịt heo

Về phía doanh nghiệp cung ứng hàng cho các siêu thị và cửa hàng, đại diện Vissan khẳng định đã áp dụng nhiều giải pháp để NTD yên tâm sử dụng thịt heo. Ví dụ, Vissan cam kết cung cấp 100% thịt heo và sản phẩm chế biến từ thịt heo an toàn thông qua nguồn nguyên liệu an toàn.

Nguồn cung nguyên liệu heo hơi cho Vissan chủ yếu từ TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.Đây là những vùng hoàn toàn không có dịch bệnh, đồng thời có nhiều hoạt động thương mại buôn bán, tiêu thụ heo và sản phẩm làm từ heo nên kế hoạch ứng phó với bệnh dịch tả rất nghiêm ngặt.

Bộ Công Thương cũng vừa phát đi khuyến cáo NTD không nên hoang mang trong việc sử dụng thịt heo trong điều kiện dịch bệnh. Thay vào đó chỉ nên cẩn trọng trong việc lựa chọn nguồn hàng bằng cách đến các địa điểm bán thực phẩm sạch, an toàn, các quầy hàng bán thịt heo đã được cơ quan thú y kiểm dịch đầy đủ theo quy định.

“Chăn nuôi heo đang chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Tổng sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng từ trang trại đã tăng lên 70%-75% năm 2018. Điều này giúp hạn chế được nguy cơ lây lan bệnh và góp phần kiểm soát dịch bệnh tốt hơn” - Bộ Công Thương khẳng định.

11. Dịch tả lợn châu Phi: Hội vào cuộc tuyên truyền phòng chống

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nhằm cung cấp các kiến thức về bệnh dịch, cách phòng, chống bệnh vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn triển khai công tác phòng chống bệnh DTLCP cho 588 cán bộ Hội chuyên trách của Hội Nông dân tỉnh, huyện và Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân các xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Trong tháng 3, Hội Nông dân cơ sở trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp Phòng NNPTNT  huyện, Trạm Thú y huyện, các doanh nghiệp tổ chức 135 lớp tập huấn về: Diến biến, tình hình bệnh DTLCP và các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch; Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi lợn an toàn sinh học cho 6.750 lượt cán bộ, hội viên nông dân.

Qua các buổi tập huấn, cán bộ, hội viên nông dân đã hiểu được, bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh. Bệnh này chỉ xuất hiện trên loài lợn, không gây bệnh cho các loài động vật khác và không lây sang người. Bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh và có thể lây lan gián tiếp qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ, quần áo có chứa chất mang virus.

Hiện nay, chưa có vaccine và thuốc điều trị DTLCP, vì vậy giải pháp chính là phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ phạm vi nhỏ và chưa lây lan ra diện rộng. Khi phát hiện lợn có triệu chứng của DTLCP, người dân, cơ sở chăn nuôi cần phải báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, kiểm soát không để dịch lây lan trên diện rộng.

Đặc biệt đối với các vùng có dịch đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân trong vùng dịch; tiến hành rắc vôi bột và phun hóa chất để tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi mỗi ngày 3 lần.Khi phát hiện lợn ốm hoặc chết phải báo ngay cho lực lượng chức năng để xử lý. Đồng thời, các hộ dân trong vùng có dịch tạm ngừng việc giết mổ, buôn bán lợn và các chế phẩm từ lợn...

Ông Đinh Hồng Thái - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh  Ninh Bình yêu cầu các cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện, chủ tịch Hội Nông dân các xã, phường, thị trấn tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến tất cả các cơ sở chăn nuôi lợn, góp phần cung cấp thông tin để người dân chủ động phối hợp phòng chống dịch bệnh và các chủ cơ sở chăn nuôi, giết mổ lợn thực hiện nghiêm “5 không” theo quy định của Luật Thú y: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn, lợn chết; không vứt lợn chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn chăn nuôi dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

12. Hà Nội: Trường mua máy test, chủ động nhắn phụ huynh kiểm tra thực phẩm mùa dịch

 Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi và sán lợn ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh gây xôn xao vừa qua, một số trường học ở Hà Nội chủ động mua máy test thực phẩm hoặc nhắn tin để phụ huynh tham gia giám sát chất lượng an toàn thực phẩm phục vụ bữa ăn của học sinh. 

Mời phụ huynh kiểm tra nguồn cấp thực phẩm

“Ban giám hiệu nhà trường kính mời phụ huynh tham gia giám sát chất lượng an toàn thực phẩm cung cấp cho nhà trường phục vụ ăn trưa cho các con. Thời gian 5h30 vào các buổi sáng trong tuần. Phụ huynh nào có thể bố trí được, xin đăng kí để ban giám hiệu sắp xếp”.

Trên đây là tin nhắn của một nhóm phụ huynh, Trường tiểu học Đặng Trần Côn (quận Thanh Xuân) gửi đến các thành viên để chủ động kiểm tra nguồn thực phẩm cho học sinh.

Động thái này khiến nhiều phụ huynh hoan nghênh bởi sau khi thông tin sán lợn ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh và tình hình dịch tả lợn châu Phi đang gây lo lắng cho nhiều gia đình.

Cô Nguyễn Thị Ngân Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) cho biết, trường đang thực hiện theo thực đơn “Bữa ăn học đường” để đảm bảo dinh dưỡng cho các con.

“Ngay cả những khi không có dịch, việc quản lý thực phẩm bán trú được nhà trường đặc biệt quan tâm.

Theo đó, tầm 5h30 sáng, thành viên Ban giám hiệu gồm Hiệu trưởng, Hiệu phó, Ban quản lý bán trú và đại diện phụ huynh kiểm tra việc giao nhận thực phẩm. Ngoài ra, còn có thêm đoàn kiểm tra đột xuất trong những thời điểm căng thẳng về dịch dã”, cô Bình cho biết.

Bà Chu Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Khương Mai (quận Thanh Xuân) cũng cho hay, nhà trường luôn đặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu.

Đặc biệt, không chỉ cán bộ, các thành viên Ban giám hiệu mà nhà trường luôn khuyến khích và mong muốn các phụ huynh giám sát thực phẩm để yên tâm hơn với bữa ăn của trẻ.

Trường chủ động mua máy test thực phẩm

Trước nguy cơ dịch bệnh, để tuyệt đối an toàn, Trường Phổ thông Liên cấp Olympia gửi thông báo đến toàn thể phụ huynh học sinh về việc sẽ thay đổi thực đơn từ ngày 11/3 để chuyển sang các thực phẩm khác. Nhà trường cũng mong muốn được thông cảm vì sự thay đổi này.

“Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên, bộ phận dinh dưỡng Olympia sẽ thay đổi thực đơn các ngày có món ăn được chế biến từ thịt lợn sang các loại thực phẩm khác như thịt bò hoặc thịt gà hoặc thủy hải sản cho phù hợp.

Thực đơn này bắt đầu áp dụng từ ngày 11 tháng 3 năm 2019 cho đến khi có thông tin hết bệnh dịch”, thông báo viết.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo nhà trường, Phòng GD&ĐT trên địa bàn Hà Nội cho biết, không “tẩy chay” thịt lợn.Thay vào đó, các đơn vị chủ động mua các thiết bị test thực phẩm trước khi nhận hoặc gia tăng “siết” đầu vào. 

Theo hiệu trưởng một trường trên địa bàn quận Hoàng Mai, Phòng GD&ĐT quận chủ trương không tẩy chay thịt lợn nhưng siết chặt đầu vào.

Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cũng cho hay, không chỉ thời điểm này mà lúc nào, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Hiện tại, Phòng chủ trương không “tẩy chay” thịt lợn bởi có những nguồn lợn sạch vẫn nên tiêu thụ cho bà con nông dân mà các em cũng được cung cấp đủ chất.

Tuy nhiên, đơn vị này yêu cầu các đơn vị giám sát chặt chẽ nguồn hàng. “Bình thường, các trường có một cán bộ ban giám hiệu, một cán bộ y tế và một đại diện phụ huynh tham gia vào quá trình giao nhận thực phẩm, kiểm tra bếp ăn bán trú lấy mẫu lưu kết quả hàng ngày.

Riêng đợt này, trước nguy cơ cao dịch bệnh hoành hành, quận còn tăng cường cả cán bộ phòng chống dịch”, ông Hữu khẳng định.

Cũng theo ông Hữu, để chủ động, thậm chí nhiều trường còn tự mua các loại máy test thực phẩm nhanh tại chỗ để giám sát khi giao nhận thực phẩm.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, đơn vị này không khuyến cáo các trường tẩy chay thịt lợn mà yêu cầu kiểm soát chặt chẽ đầu vào.

Sở cũng đã có các văn bản hướng dẫn, các công văn gửi đến các trường yêu cầu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm trường học. 

13. Thu hồi hai lô sản phẩm Go Lean Detox vì chứa chất cấm

 Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hai lô thực phẩm bảo vệ sức khỏe Go Lean Detox phải thu hồi, ngừng lưu hành vì có chứa chất cấm.

Cục An toàn thực phẩm ban hành Quyết định số 145/QĐ-ATTP  về việc thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty TNHH Mat Xi S.G, địa chỉ: Số J29 đường Võ Thị Sáu, KP7, phường Thống Nhất, Tp Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Go Lean Detox: số lô 1509012408, NSX 10/07/2018, HSD: 10/07/2019 kết quả kiểm nghiệm dương tính với Sibutramin; hàm lượng phenolphtalein: 4,55mg/kg buộc phải thu hồi.

Lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Go Lean Detox: số lô 1509005781, NSX: 01/09/2018, HSD: 01/09/2019 kết quả kiểm nghiệm dương tính với Sibutramin; hàm lượng phenolphtalein: 4,38mg/kg cũng bị thu hồi.

Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu  Công ty TNHH Mat Xi S.G chịu trách nhiệm việc thu hồi 02 lô sản phẩm thực phẩm vi phạm nêu trên đồng thời chỉ đạo các Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh /thàh phố Bắc Ninh, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Chi cục An toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố để kiểm tra giám sát trên địa bàn.  Người tiêu dùng đã mua hoặc các cửa hàng đang kinh doanh 02 lô sản phẩm thực phẩm nêu trên không sử dụng và chuyển ngay cho cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tỉnh/thành phố. Đối với hành vi vi phạm của Công ty TNHH Mat Xi S.G, Cục An toàn thực phẩm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

14. Thu hồi giấy tờ sản xuất, lưu hành, quảng cáo nhiều thực phẩm chức năng liên quan với Tiểu đường hoàn

Như vậy sau quyết định thu hồi TPBVSK Tiểu đường hoàn ngày 4/3, Cục An toàn thực phẩm mới đây đã ra quyết định thu hồi toàn bộ giấy tờ chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực của 7 sản phẩm và thu hồi Giấy phép quảng cáo của 7 sản phẩm khác liên quan với công ty Difoco và Lotuz. 

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành các Quyết định thu hồi hiệu lực Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm/ Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo của Công ty Cổ phần Difoco (địa chỉ: 13 đường 19B - Phường Bình Trị Đông B - Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh) và Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz (địa chỉ: Số 4 Trương Quốc Dung, P. 8, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) kể từ ngày 12/3/2019, cụ thể như sau:

Thu hồi hiệu lực Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:

- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP số 000980/2016/ATTP-CNĐK ngày 31/8/2016 của Chi nhánh Công ty Cổ phần Difoco (địa chỉ: 276/17/2 Mã Lò, Khu phố 6 - Phường Bình Trị Đông A - Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh).

- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP số 000014-CC/2018/ATTP-CNĐK ngày 05/01/2018 của Chi nhánh Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz (địa chỉ: 33/47 Nguyễn Công Hoan, Phường 7, Quận Phú Nhuận - Thành phố Hồ Chí Minh).

Thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm/ Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm của các sản phẩm thực phẩm sau:

 

Thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận nội dung quảng cáo của các sản phẩm sau:

 

15. Hà Tĩnh thông tin trường hợp bị cắt vòi trứng khi mổ ruột thừa

Theo Sở Y tế Hà Tĩnh việc bệnh nhân bị cắt một bên vòi trứng về mặt chuyên môn, kíp mổ xử lý hoàn toàn đúng.

Sở Y tế Hà Tĩnh vừa họp cùng lãnh đạo của 2 Bệnh viện đa khoa thị xã Hồng Lĩnh và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cùng các thành phần liên quan để làm rõ trường hợp chị Trần Thị Hóa (sinh năm 1988, trú tại Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh) bị cắt bỏ một bên vòi trứng khi cắt ruột thừa.

Sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia, tham khảo tài liệu chuyên môn, ý kiến phát biểu các thành viên dự họp, chủ trì cuộc họp kết luận:

Đối với việc có hay không bệnh nhân bị viêm ruột thừa và chửa ngoài tử cung cùng một thời điểm: Căn cứ vào các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng, các hình ảnh trong cuộc mổ cho thấy việc bệnh nhân được chẩn đoán (sau mổ) là viêm ruột thừa/chửa ngoài tử cung (bên phải) là đúng. Đối với bệnh nhân bị chửa ngoài tử cung thì việc cắt vòi trứng là theo phác đồ chuyên môn. Về việc mổ lần 3 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, kíp mổ xử lý đúng, kịp thời, chính xác.

Chị Trần Thị Hóa bị cắt một bên vòi trứng nhưng người nhà người bệnh không biết: về mặt chuyên môn, kíp mổ xử lý hoàn toàn đúng. Tuy nhiên việc không thông báo cho người nhà là chưa đúng với quy định của Bộ Y tế.

Đối với việc bệnh nhân bị chảy máu sau phẫu thuật là sự cố không mong muốn, có thể xảy ra đối với bất cứ loại phẫu thuật nào, với bất cứ phẫu thuật viên nào.

Về việc phát ngôn trái chiều giữa các thầy thuốc của hai bệnh viện trên, bản thân hai bác sĩ đã tự nhận sai khi có những phát biểu chưa đúng mực, gây nên hiểu nhầm nhau.

Sở Y tế Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo Bệnh viên đa khoa Hồng Lĩnh thăm hỏi, động viên tinh thần với chị Trần Thị Hóa; Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục theo dõi sát sức khỏe và miễn toàn bộ viện phí cho chị Hóa trong thời gian điều trị tại đây.

Được biết, hiện tại tình trạng sức khỏe chị Trần Thị Hóa đang tiến triển tốt, bệnh nhân đã ăn, uống được, đi lại tốt và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Trước đó, vào ngày 12/3, chị Trần Thị Hóa có dấu hiệu đau bụng, được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa thị xã Hồng Lĩnh cấp cứu. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán chị Hóa bị viêm ruột thừa và được chỉ định mổ ruột thừa.

Theo gia đình, đầu giờ chiều cùng ngày, chị Hóa được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa.Sau khi mổ, chị Hóa bị trướng bụng, máu ra nhiều và khó thở nên bệnh viện phải phẫu thuật lại lần 2, cắt một bên vòi trứng nhưng không thông báo cho bệnh nhân và gia đình.

Ngày 13/3, chị Hóa được đưa tới Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh trong tình trạng nhợt nhạt, đau nhiều vùng bụng. Bác sĩ đã lấy que thử thai nhưng chỉ hiện lên một vạch, không có thai và chẩn đoán chị Hóa bị nhiễm trùng, nhiễm độc, viêm phúc mạc sau 2 ngày mổ nên đã tiến hành mổ.

Trước khi đưa bệnh nhân vào phẫu thuật lần 3, các bác sĩ cho biết chị đã bị cắt một bên vòi trứng. Trong khi các bác sĩ Bệnh viện đa khoa thị xã Hồng Lĩnh sau đó giải thích là trong khi mổ phát hiện bệnh nhân mang thai ngoài tử cung nên cắt luôn vòi trứng.

Tiêm 20 loại nước ép hoa quả vào tĩnh mạch, phụ nữ suýt chết Một phụ nữ trung niên tại Trung Quốc suýt mất mạng vì nảy ra ý tưởng tự tiêm vào tĩnh mạch mình hỗn hợp hơn 20 loại nước ép trái cây.

16. Đình chỉ hoạt động phòng khám 709 Giải Phóng

Sở Y tế Hà Nội vừa có quyết định đình chỉ hoạt động Phòng khám 709 Giải Phóng vì không đủ điều kiện nhân lực, chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh theo quy định.

Ngày 9/1/2019, Sở y tế Hà Nội đã có quyết định số 48/QĐ-SYT về việc đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh đối với phòng khám 709 tại đường Giải Phóng, phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai – TP. Hà Nội).

Quyết định của Sở Y tế Hà Nội nêu rõ: Đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh đối với phòng khám 709 Giải Phóng trực thuộc Công ty TNHH đầu tư quản lý Thiên Long do bà Ngô Ánh Phương là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phòng khám.

Lý do đình chỉ phòng khám này được Sở Y tế Hà Nội chỉ rõ: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đảm bảo về điều kiện nhân lực, quy trình chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

Theo đó, Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này không được hoạt động khám bệnh, chữa bệnh kể từ ngày ban hành quyết định này cho đến khi bổ sung, hoàn thiện các điều kiện hoạt động theo quy định, có báo cáo bằng văn bản gửi về Sở y tế, được Sở y tế kiểm tra, giám sát lại, cho phép tiêp tục hoạt động bằng văn bản nếu cơ sở đủ điều kiện.

Trước đó, sau loạt bài Báo Gia đình Việt Nam phản ánh về hàng loạt sai phạm tồn tại ở nhiều  phòng khám trên địa bàn Hà Nội, ngay sau đó Sở y tế Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra và đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của nhiều cơ sở khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, nhiều phòng khám sau khi bị đình chỉ, thu hồi giấy phép nhưng vẫn lén lút hoạt động, bất chấp quy định của cơ quan chức năng. Thậm chí, nhiều phòng khám còn “vẽ bệnh” để trục lợi tiền của người bệnh lên đến cả chục triệu đồng.

Vậy nên, khuyến cáo các bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh uy tín đang được cấp phép hoạt động để tránh “tiền mất, tật mang”.

17. BS nói chuyện ở chùa Ba Vàng, Bệnh viện Bạch Mai sẽ 'gặp báo chí' ngày 25-3

Trong cuộc "pháp thoại" của trụ trì chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) Thích Trúc Thái Minh tối 21-3, nhiều người xôn xao khi thấy sự có mặt của một bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện cho biết sẽ gặp gỡ trả lời báo chí vào ngày 25-3 tới.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ xuất hiện trong cuộc "pháp thoại" của chùa Ba Vàng, Quảng Ninh với "đại chúng" tối 21-3 là N.H.P., bác sĩ khoa nhi bệnh viện này.

Tại buổi pháp thoại, sau khi bác sĩ P. chia sẻ về hiệu quả "chữa bệnh" cho bệnh nhân đến chùa Ba Vàng, sư thầy có nói bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện xác nhận bác sĩ P. đang làm việc tại đây, nhưng cho rằng những gì bác sĩ P. phát biểu là hoàn toàn với tư cách cá nhân.

"Khi bác sĩ trao đổi về "phương pháp chữa bệnh tại chùa" và gây xôn xao, bệnh viện đã liên hệ với bác sĩ nhưng hiện chưa liên hệ được. Chúng tôi sẽ có cuộc gặp gỡ với báo giới vào ngày 25-3 để giải thích đầy đủ" - đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Tuy bệnh viện không liên hệ được, nhưng hôm nay 22-3, tài khoản Facebook của bác sĩ có cập nhật status mới. Trong đó, bác sĩ P. nói luôn nhắc bệnh nhân hai điều: Tuân thủ phác đồ bác sĩ đưa ra vì nó là y học và luôn lạc quan, hướng đến điều tốt đẹp. "Không tiền nào chuyển đổi được nhân quả" - bác sĩ P. viết.

18. Chuyên gia y tế lên tiếng về thông tin “cúng vong chữa khỏi bách bệnh“

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng trên thực tế đã có những bệnh nhân vì tin lễ lạt, mê tín dị đoan, cúng bái mà bỏ lỡ mất cơ hội điều trị bệnh... 

Những ngày qua, phóng sự phản ánh chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) tuyên truyền về cái được gọi là thỉnh pháp “oan gia trái chủ” đang gây xôn xao dư luận. Theo lý giải của ngôi chùa này, mọi bệnh tật, xui xẻo trong cuộc sống đều do oan hồn gây ra. Muốn hết, muốn khỏi phải cúng vong, phải cúng dường, phải công đức...

Mới nhất, trong buổi pháp thoại chiều 21/3, trụ trì chùa Ba Vàng cũng đã mời rất nhiều bệnh nhân lên chia sẻ về quá trình bệnh tật của mình, không ít người tin rằng mình đã khỏi bệnh sau khi thỉnh “oan gia trái chủ”.

Theo đó, thông qua cái gọi là thỉnh pháp “oan gia trái chủ”, có thể chữa khỏi nhiều loại bệnh tật từ mãn tính đến nan y như ung thư, viêm họng, đau lưng, dị ứng... Ví như đau xương khớp do 4 kiếp trước hay giết mèo nên kiếp này bị vong mèo theo báo oán cho đau nhức toàn thân. Muốn khỏi thì phải tu tập ít nhất 49 ngày kèm công đức 3 triệu đồng.

Bị ung thư vú, 42 kiếp trước không chăm sóc em gái, lại làm nhiều việc ác như cướp đất nên kiếp này, vong về oán cho phải bệnh. Muốn khỏi, phải đóng vào chùa 7,1 triệu đồng...

Kiểu chữa bệnh rất phản khoa học này đã được “người nhà chùa” Ba Vàng rao giảng, tuyên truyền cho rất nhiều người dân.

Trước những thông tin trên, nhiều chuyên gia y tế đã cho rằng trên thực tế đã có những bệnh nhân vì tin lễ lạt, mê tín dị đoan, cúng bái mà bỏ lỡ mất cơ hội điều trị bệnh .

PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K cho rằng không thể chấp nhận việc tuyên truyền cúng bái, lễ lạt có thể khỏi bệnh.

Theo Phó giám đốc Bệnh viện K, đúng là mỗi người có bệnh phải đều “vái tứ phương” thật nhưng cũng phải có căn cứ khoa học. Nếu cúng lễ mà khỏi bệnh thì không còn ai đến đến bệnh viện thăm khám và điều trị

“Tại Bệnh viện K cũng đã gặp không ít các trường hợp bị ung thư, đang điều trị nhưng rồi bỏ ngang đề về nhà cúng bái, điều trị thuốc nam. Đến khi bệnh trở nặng, quay lại đã quá muộn, lúc đó bác sĩ chỉ có thể điều trị giảm nhẹ triệu chứng”- PGS.TS Lê Văn Quảng kể.

PGS.TS Lê Văn Quảng nhấn mạnh: Với bệnh ung thư, cần điều trị theo đúng phác đồ với các phương pháp khoa học đã được chứng minh như phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, điều trị nhắm trúng đích...

Trước thông tin một số bệnh nhân ung thư cho rằng mình đã khỏi bệnh sau khi thỉnh “oan gia trái chủ”, Phó giám đốc Bệnh viện K cho rằng thông tin này cần xem xét kĩ càng, kiểm tra lại xem bệnh nhân chẩn đoán ung thư ở đâu?.

GS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K - Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho rằng, bệnh được lý giải từ chuyện "kiếp trước" là duy tâm và khẳng định chữa bệnh theo như thỉnh pháp là phản khoa học, bởi thỉnh vong không những không chữa được bệnh mà còn có nguy cơ khiến những người mắc bệnh bỏ qua giai đoạn sớm mà nhẽ ra y học, khoa học có thể chữa được.

Nhất là với bệnh nhân ung thư, phương pháp này đẩy người bệnh đến giai đoạn muộn màng, tước đi cơ hội may mắn để có thể chữa bệnh. Như vậy là lừa gạt, mang tính chất trục lợi trên niềm tin và cơ thể của người bệnh

Tại BV Tâm thần TƯ, PGS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc BV cũng cho biết, tại đây từng tiếp nhận trở lại rất nhiều bệnh nhân bị tâm thần, đang điều trị rồi bỏ giữa chừng về cúng bái, làm lễ. Khi quay lại bệnh viện thì bệnh nhân đều nặng hơn. Trên thực tế cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân đến viện nói thường xuyên bị “ma nhập”, bị “điều khiển” nhưng sau đó nhờ phác đồ điều trị khoa học, bệnh nhân đã khoẻ mạnh trở lại.

19. Gia tăng bệnh nhân lao kháng thuốc ở Hà Tĩnh

Năm 2018, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh phát hiện 18 bệnh nhân lao kháng thuốc, nâng số bệnh nhân lao kháng thuốc đang được quản lý điều trị hiện lên 31 người. Bệnh nhân lao kháng thuốc ngày càng gia tăng trở thành mối đe dọa lớn đối với công tác phòng, chống căn bệnh này.

Ngày càng nhiều bệnh nhân mắc lao kháng thuốc

Đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh vì mắc lao kháng thuốc, chị Phan Thị C. T. (21 tuổi, xã Kỳ Phong, Kỳ Anh) cho biết: “Ban đầu thấy ho, sốt về chiều, cứ tưởng bị cảm nên tôi ra hiệu thuốc tây mua mấy liều về uống, nhưng mấy ngày sau thấy ho càng nhiều, người mệt mỏi, vã mồ hôi, không có tý sức nào nữa. Đi khám mới biết là mình bị mắc lao, nên được giới thiệu về Bệnh viện Phổi tỉnh”.

Được biết, sau qua trình thực hiện các bước kiểm tra, các bác sỹ Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh kết luận, chị T. đã mắc phải lao kháng thuốc. Hiện nay, chị T. đã điều trị đến tháng thứ 6, các triệu chứng ho đã giảm nhiều, nhưng cơ thể vẫn còn mệt.

Bệnh nhân Phạm B. M. (58 tuổi, Thạch Mỹ, Lộc Hà) phát hiện mình bị lao, song do không tuân thủ nguyên tắc điều trị nên ông bị lao kháng thuốc. “Khi thấy ho, khạc có đờm kéo dài, tôi đến bệnh viện khám thì phát hiện bị lao. Điều trị một thời gian thấy bệnh đỡ hơn nhiều, nhưng về nhà tôi lại chủ quan, không uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ, nên bệnh trở nặng, đến bệnh viện khám lại thì mới biết mình bị lao kháng thuốc”.

Theo báo cáo từ Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, năm 2018, toàn tỉnh có 829 bệnh nhân lao các thể được phát hiện, trong đó có tới hơn 80% là lao phổi. Bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm Gen - Xpert cho 764 bệnh nhân lao, phát hiện 18 bệnh nhân lao kháng thuốc, nâng số bệnh nhân lao kháng thuốc đang được quản lý điều trị lên con số 31 người.

Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân khiến bệnh nhân mắc lao kháng thuốc ngày càng gia tăng là do bệnh nhân lao mặc cảm nên giấu bệnh, không đến các cơ sở y tế có chuyên khoa lao mà tự mua thuốc ngoài điều trị. Bên cạnh đó có một số bệnh nhân lao không dùng thuốc đủ liều lượng hàng ngày hoặc điều trị không đủ thời gian.

Cần tuân thủ nguyên tắc điều trị để phòng tránh lao kháng thuốc

Bệnh lao kháng thuốc nếu không tuân thủ điều trị sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh và có thể lây truyền vi khuẩn lao kháng thuốc cho những người xung quanh. Bởi vậy, cần sớm phát hiện và tuần thủ nguyên tắc điều trị để phòng tránh lao kháng thuốc.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Quảng - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, bệnh lao nếu phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ thì sẽ khỏi hoàn toàn. Khi thấy một trong các dấu hiệu như: ho liên tục trong vòng 1 tháng, khạc ra đờm, ho ra máu, đau nhói ở ngực khi hít vào, thở ra, sốt cao kéo dài nhiều ngày, đặc biệt thường sốt cao về chiều muộn, đổ mồ hôi nhiều về đêm, đột nhiên giảm cân đột ngột, mệt mỏi thường xuyên..., thì nên đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa lao để được khám và điều trị kịp thời.

Qua tìm hiểu được biết, các trường hợp lao kháng thuốc vào điều trị ở Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh là do bệnh nhân điều trị bằng thuốc không đúng quy định, không dùng đủ liều lượng hàng ngày, không đủ thời gian...

Để không phải mắc lao kháng thuốc, theo khuyến cáo của bác sỹ, những bệnh nhân đang điều trị bệnh lao tại bệnh viện hoặc xong giai đoạn điều trị tấn công tại bệnh viện, khi về cộng đồng điều trị ngoại trú cần tuân thủ uống thuốc đều đặn theo lời khuyên của bác sĩ. Không uống các loại thuốc nam, thuốc bắc thay thế; trong quá trình điều trị, bệnh nhân nên cách ly với người nhà và người xung quanh để tránh lây lan ra cộng đồng. Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn trên 20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao; 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động

20. Tỷ lệ mắc lao tại Việt Nam giảm khoảng 3,8% hàng năm

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban hoạt động phòng, chống lao năm 2018 và phương hướng hoạt động năm 2019 của Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Phòng, chống lao quốc gia diễn ra ngày 22/3 tại Hà Nội.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thời gian qua, công tác phòng, chống lao mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể, bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng chính trên toàn cầu. WHO ước tính, năm 2017, trên toàn cầu có khoảng 10 triệu người mới mắc lao hàng năm (khoảng 9-10 triệu người); 9% trong số đó có đồng nhiễm lao/HIV.

Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong do lao, và có thêm khoảng 300.000 ca tử vong do đồng nhiễm lao/HIV. Tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp và đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia. Năm 2017, trên toàn cầu ước tính tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc là 3,5% trong số bệnh nhân mới và là 18% trong số bệnh nhân điều trị lại.

PGS.TS Lê Văn Hợi, Phó Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao quốc gia cho biết, xu hướng dịch tễ bệnh lao trên toàn cầu nói chung đang có xu hướng giảm với tỷ lệ mắc lao mới giảm trong khoảng thời gian dài và có tốc độ giảm khoảng 2%/năm. Trong Chiến lược kết thúc bệnh lao đã được ban hành, WHO đã đưa ra mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trên toàn cầu đến năm 2020 giảm 20% số người bệnh mắc lao mới và 35% số người tử vong vì lao so với năm 2015; đến năm 2025 sẽ giảm tương ứng là 50% và 75%. Như vậy, tốc độ giảm những ca mắc mới sẽ cần phải tăng lên từ 4-5% mỗi năm vào năm 2020 và tăng lên 10% vào năm 2025.

Tháng 3/2019, tại Hội thảo phân tích tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam, WHO và Chương trình chống lao quốc gia đã ước tính tỷ lệ mắc lao tại Việt Nam giảm khoảng 3,8% hàng năm (từ 2007-2017), tỷ lệ lao mới mắc giảm khoảng 3% hàng năm và tỷ lệ tử vong do lao giảm khoảng 4% hàng năm.

Hiện nay, trên cả nước có 48/63 tỉnh, thành đã thành lập bệnh viện Phổi, bệnh viện Lao và bệnh Phổi.  Chương trình chống lao quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.

Riêng trong năm 2018, số liệu phát hiện của Chương trình chống lao quốc gia có xu hướng giảm về số bệnh nhân lao các thể (3.657 bệnh nhân). Số bệnh nhân lao mới có bằng chứng vi khuẩn học giảm so với năm 2017 (1.051 bệnh nhân).

Về hoạt động điều trị, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới được duy trì (87,2%) đạt mục tiêu của WHO đề ra là trên 85%, tuy nhiên con số này chưa đạt được mục tiêu của Chương trình chống lao quốc gia là trên 90%.

Bên cạnh đó, duy trì và tiếp tục triển khai hệ thống thu thập, quản lý thông tin, báo cáo trên internet từ tuyến tỉnh và mở rộng triển khai ở trên 857 huyện và các điểm tương đương; triển khai thành công việc lập Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống lao hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Theo báo cáo của WHO, năm 2018, Việt Nam đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 15 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Hiện vẫn chưa tầm soát hết các đối tượng nghi lao kháng đa thuốc, tỷ lệ người được xét nghiệm trong số nghi kháng đa thuốc còn hạn chế tại nhiều địa phương. Tỷ lệ điều trị thành công ở một số địa phương chỉ ở mức 68%, chưa đạt được chỉ tiêu 76% như kế hoạch.

Bên cạnh đó, sự hợp tác để phát hiện lao trẻ em giữa Chương trình chống lao quốc gia và các cơ sở nhi khoa ở tỉnh và huyện chưa thường xuyên và chưa hiệu quả. Địa bàn triển khai rộng, thiếu cán bộ cả về số lượng và năng lực. Ngoài ra, công tác chống lao trong trại giam còn nhiều khó khăn như thiếu nhân lực, chưa sử dụng hiệu quả trang thiết bị chẩn đoán và điều trị lap trong khi tỷ lệ bệnh lao, lao kháng đa thuốc, đồng nhiễm lao/HIV trong trại giam cao, công tác phát hiện còn thấp…

21. Mỗi năm gần 900 người chết vì ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang nằm trong nhóm các bệnh ung thư thường gặp nhất trong số các ung thư tiết niệu. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng trên 1.500 ca mắc mới và gần 900 trường hợp tử vong.

Con số này được đưa ra tại hội thảo chuyên đề "Ung thư bàng quang - chẩn đoán và điều trị" do Bệnh viện Bình Dân TP.HCM tổ chức ngày 22-3. 

Hội thảo có sự góp mặt của các giáo sư đầu ngành Niệu khoa của Bệnh viện Bình Dân và Viện đại học Tsukuba (Nhật Bản).

Theo số liệu của Tổ chức ghi nhận Ung thư thế giới GLOBOCAN 2018, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.502 trường hợp mắc mới và 883 trường hợp tử vong do ung thư bàng quang.

PGS.TS.BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng - phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân - cho biết ung thư bàng quang nằm trong nhóm các bệnh ung thư thường gặp nhất. Đây cũng là ung thư thường gặp nhất trong số các ung thư tiết niệu.

Việc phát hiện và điều trị bướu bàng quang ở giai đoạn sớm giúp tăng tỉ lệ sống còn, tăng chất lượng sống sau điều trị.

Trong năm 2018, Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận điều trị ung thư bàng quang cho 1.873 trường hợp và phẫu thuật cho 1.812 trường hợp. Trong đó nhiều trường hợp bướu bàng quang đã ở giai đoạn tiến triển, bướu xâm lấn cơ khiến người bệnh buộc phải chấp nhận cắt toàn bộ bàng quang và phần phụ.

Độ tuổi thường phát hiện bệnh ung thư bàng quang là trên 50, 60 tuổi. Đáng lưu ý, trong thời gian gần đây ghi nhận nhiều trường hợp ung thư bàng quang ở độ tuổi mới ngoài 30, cá biệt có trường hợp mới hơn 20 tuổi.

Ung thư bàng quang có các triệu chứng không đặc hiệu nên dễ bị bỏ sót như rối loạn đi tiểu, tiểu máu, tiểu nhiều lần, tiểu gắt, nhiễm trùng tiểu…Đặc biệt bướu bàng quang dễ bị nhầm lẫn bệnh lý không ác tính khác ở bàng quang và đường tiết niệu nói chung như viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu…

Theo bác sĩ Hoàng, các yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang là hút thuốc lá, làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với hóa chất (đặc biệt là hóa chất nhuộm), nhiễm trùng niệu tái đi tái lại, sỏi đường tiết niệu không điều trị đầy đủ làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.

Hiện nay việc ứng dụng nội soi ống mềm niệu quản với bước sóng ngắn NBI đã hỗ trợ các bác sĩ hiện sớm ung thư bàng quang dạng phẳng, tăng tỉ lệ phát hiện ung thư bàng quang giai đoạn sớm, giảm tỉ lệ sót bướu bàng quang nhờ tăng độ nhạy, tăng tương phản giữa mạch máu….

Ngoài ra việc kết hợp với kỹ thuật cắt đốt nội soi En - bloc cho phép lấy trọn khối bướu khu trú trong bàng quang qua nội soi niệu quản, ít xâm lấn, hạn chế mất máu và tổn thương các mô lành, giúp điều trị triệt căn bướu bàng quang ở giai đoạn sớm cho nhiều người bệnh.

"Việc điều trị sớm giúp người bệnh sẽ tránh được những thương tổn nặng nền về thể chất và tâm lý do bướu bàng quang tiến triển, xâm lấn cơ như phải phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang và các cơ quan lân cận như tuyến tiền liệt, một phần niệu đạo ở nam giới, cắt toàn bộ tử cung, buồng trứng, vòi trứng và một phần âm đạo ở nữ giới" - bác sĩ Hoàng nói.

22. Bộ Y tế khảo sát mức độ hài lòng của bà mẹ sinh con tại viện

Cục Quản lý khám chữa bệnh lấy ý kiến để hoàn thành bộ khảo sát hài lòng của bà mẹ, trẻ em điều trị tại bệnh viện.

Ngày 21/3, Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức phổ biến, lấy ý kiến khảo sát độ hài lòng lĩnh vực bà mẹ, trẻ em cho các Sở Y tế, bệnh viện sản, nhi khu vực phía Nam.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết những năm qua xảy ra không ít sự cố sản, nhi với nhiều vụ kiện lớn khiến người dân giảm niềm tin ở cơ sở y tế. Bộ Y tế nhiều lần cùng các bệnh viện, cơ quan tố tụng vào cuộc để xem xét từng trường hợp, tìm hướng giải quyết.

Theo ông Khuê, kế hoạch khảo sát ý kiến người mẹ sinh con tại bệnh viện, khảo sát nuôi con bằng sữa mẹ nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em.

Bộ tiêu chí khảo sát đã được một số bệnh viện thử nghiệm, đang tiếp tục lấy ý kiến để chỉnh sửa trước khi ban hành chính thức.

Các mẫu khảo sát chú trọng các tiêu chí như quy trình khám và nhập viện, cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ, thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế, y bác sĩ có gợi ý bồi dưỡng không...

Thạc sĩ Đỗ Hồng Phương, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, đơn vị hỗ trợ xây dựng mẫu khảo sát, cho biết đo lường mức độ hài lòng của bệnh nhân giúp tìm ra những lỗ hổng trong dịch vụ chăm sóc.

Điều này giúp cơ sở khám chữa bệnh hiểu được liệu họ đã đáp ứng sự mong đợi của bệnh nhân, còn yếu kém ở khâu nào để đặt ra các tiêu chuẩn và có biện pháp cải thiện.

"Kết quả điều trị của bệnh nhân gắn liền với sự hài lòng của họ. Việc khảo sát cũng giúp toàn bộ nhân viên của cơ sở y tế chèo thuyền theo cùng một hướng lấy người bệnh làm trọng tâm", bà Phương chia sẻ.

23. Kỹ thuật mới sau 5 phút cấy máu phát hiện tác nhân gây bệnh

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện vừa đưa vào sử dụng hệ thống cấy máu liên hoàn, sinh học phân tử cho phép chỉ sau 5 phút cấy máu đã phát hiện tác nhân gây bệnh.

Đồng thời, hệ thống cũng tự động kết nối kháng sinh đồ, cho kết quả để bác sĩ chẩn đoán, điều trị chính xác chỉ sau 1 giờ đồng hồ. Kỹ thuât mới cũng cho phép  xác định tác nhân gây viêm màng não nhanh, xác định được 28 căn nguyên khác nhau trong 1 lúc, rút ngắn thời gian chẩn đoán giúp bác sĩ không phải điều trị theo kinh nghiệm, cho kết quả điều trị tốt nhất.

Ngày 21/3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đưa vào sử dụng hai dịch vụ kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm là hệ thống máy chụp cộng hưởng từ MRI 3.0; hệ thống máy cấy máu công suất lớn kết hợp danh vi khuẩn nhanh, làm kháng sinh đồ tự động và hệ thống xác định đa tác nhân vi sinh vật bằng kỹ thuật sinh học phân tử. Các hệ thống máy mới này được đặt tại BV Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại Đông Anh.

“Việc chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh có ý nghĩa quyết định với hiệu quả điều trị, giúp bác sĩ không phải điều trị bao vây, theo kinh nghiệm. Xác định chính xác căn nguyên chỉ trong vòng 1 tiếc giúp bác sĩ ra y lệnh điều trị chuẩn xác theo căn nguyên bệnh, tỉ lệ điều trị khỏi tăng lên”, GS Kính cho biết.

Đặc biệt, hệ thống máy cấy máu công suất lớn kết hợp định danh vi khuẩn nhanh, làm kháng sinh đồ tự động và hệ thống xác định đa tác nhân vi sinh vật bằng kỹ thuật sinh học phân tử với ưu điểm vượt trội là rút ngắn thời gian xét nghiệm từ đó giảm thời gian phải sử dụng kháng sinh hạn chế ảnh hưởng tới người bệnh (giảm tới 60% xét nghiệm).

Hệ thống máy chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 là kỹ thuật hiện đại, bệnh nhân không bị ăn tia X, với chất lượng hình ảnh tốt, giúp phát hiện sớm ung thư các bộ phận, phát hiện bệnh lý thần kinh, gan mật, tiêu hóa, tiểu khung….Thậm chí có những trường hợp không cần dùng thuốc cản quang vẫn cho chất lượng hình ảnh tốt, giúp các thầy thuốc chẩn đoán chính xác bệnh.

Giáo sư Kính cũng cho biết thêm, các máy mới này đang được đưa vào trong danh mục để bảo hiểm y tế chi trả.

24. TP.HCM sắp có ngân hàng sữa mẹ đầu tiên

Sự ra đời của ngân hàng sữa mẹ là điều kiện thuận lợi đẩy mạnh văn hóa nuôi con bằng sữa mẹ trong những năm tháng đầu đời.

BV Từ Dũ TP.HCM vừa chính thức vận hành hệ thống thanh trùng sữa mẹ của ngân hàng sữa mẹ (NHSM) đầu tiên tại TP.HCM. Đây là NHSM thứ 2 của Việt Nam sau NHSM đầu tiên tại BV Sản – Nhi Đà Nẵng.

Đề án xây dựng NHSM của BV Từ Dũ đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM vì giá trị thiết thực của nó trong thúc đẩy văn hoá nuôi con bằng sữa mẹ.

Để hình thành được NHSM đạt chuẩn quốc tế, ngoài sự trợ giúp về kỹ thuật của các chuyên gia thuộc tổ chức FHI360 (Alive & Thrive), BV Từ Dũ đã trải qua nhiều giai đoạn từ khảo sát, đánh giá năng lực, tính khả thi, trình độ của đội ngũ nhân viên y tế trong công tác tiếp nhận và ứng dụng các kỹ thuật sàng lọc.

Tiếp đó là các giai đoạn như kiểm chuẩn, thanh trùng, nguồn sữa mẹ được hiến tặng, truyền thông…., cho đến chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, huấn luyện kỹ thuật. Xây dựng quy trình hoạt động của thiết bị theo chuẩn mực quốc tế của một ngân hàng sữa mẹ.

Từ năm 2014, được sự hỗ trợ của Cơ quan viện trợ Ireland (Irish Aid), cùng với UNICEF, tổ chức Alive & Thrive đã có nhiều hoạt động vận động chính sách nhằm thúc đẩy thực hành nuôi con bằng sữa mẹ tại Việt Nam. Cụ thể như: cấm tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng.

Thông qua tổ chức Alive&Thrive, từ năm 2017, Cơ quan viện trợ Ireland đã tài trợ mỗi năm 650.000 euro để thực hiện dự án NHSM tại 4 nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Dự án tập trung vào việc hỗ trợ kỹ thuật cho các BV và hoàn thiện kỹ năng hướng dẫn sản phụ cho con bú mẹ ngay từ khi bé vừa chào đời.

Theo kế hoạch của BV Từ Dũ, sau thời gian vận hành thử nghiệm và sau khi chính thức được thẩm định, BV sẽ chính thức đưa NHSM đi vào hoạt động từ ngày 10-4.

25. Bác sĩ tuyến trên hội chẩn qua ứng dụng y tế

Khi cần sự trợ giúp chuyên môn, chỉ cần vào ứng dụng hội chẩn, các bác sĩ chuyên khoa ở bệnh viện tuyến cuối tư vấn ngay tại chỗ mà không cần phải chuyển tuyến.

Sở Y tế TP.HCM cho biết Trạm Y tế P.15 (Q.Tân Bình) vừa chính thức ra mắt hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu cho người dân trên địa bàn theo nguyên lý y học gia đình.

Đây là trạm y tế thứ 6 của TP hoạt động theo nguyên lý này. Nơi đầu tiên được thí điểm là trạm y tế P.13 (Q.Bình Thạnh).

Theo phân công của Sở Y tế TP, các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện Trưng Vương, Hùng Vương, Nhi Đồng 1 sẽ phụ trách hỗ trợ chuyên môn cho hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu của trạm y tế P.15 (Q.Tân Bình).

Trạm y tế P.15 còn được tăng cường thêm bác sĩ của Bệnh viện Q.Tân Bình, thông qua chương trình luân phiên bác sĩ, đảm bảo luôn có ít nhất hai bác sĩ khám, chữa bệnh cho người dân.

Trạm còn nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách do Sở Y tế TP phân bổ để cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị cần thiết cho khám chữa bệnh ban đầu từ nguồn kết dư quỹ Bảo hiểm y tế thành phố.

Với sự hỗ trợ chuyên môn này, khi cần sự trợ giúp chuyên môn, các bác sĩ tuyến dưới chỉ cần vào "apps hội chẩn" để được các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện tuyến cuối tư vấn. Người dân khi đến khám cũng dễ dàng trao đổi và nghe lời khuyên của bác sĩ tuyến cuối mà không cần phải chuyển tuyến.

26. TP.HCM có trạm cấp cứu bằng xe hai bánh thứ 3

Sau Bệnh viện đa khoa Sài Gòn và Q.2, đến lượt Bệnh viện Q.Thủ Đức gia nhập vào mạng lưới cấp cứu bằng xe hai bánh.

Ngày 22-3, Bệnh viện Q.Thủ Đức chính thức gia nhập vào mạng lưới cấp cứu bằng xe hai bánh do Trung tâm cấp cứu 115 phối hợp với Sở Y tế TP.HCM triển khai. Như vậy đến nay TP.HCM có tất cả 3 trạm cấp cứu bằng loại hình này.

Q.Thủ Đức có đặc điểm đông dân cư và giao thông tắc nghẽn thường xuyên. Do đó việc bệnh viện đầu tư trang bị thêm 9 xe cấp cứu 2 bánh được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu cấp cứu tại nhà cho người dân trên địa bàn.

Ngoài việc ra mắt trạm cấp cứu hai bánh, sáng cùng ngày, Bệnh viện Q.Thủ Đức cũng đã ra mắt thêm 2 trạm cấp cứu vệ tinh 115 đặt tại phòng khám đa khoa Linh Xuân và Linh Trung, trực thuộc bệnh viện. Như vậy, hiện nay đơn vị đã tham gia 3 trạm vào mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh 115 của TP, nâng tổng số trạm cấp cứu lên 31 trạm.

Sở Y tế TP cho rằng bằng việc phát triển mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh 115 và loại hình xe cấp cứu 2 bánh chuyên dụng, xây dựng hệ thống điều hành mạng lưới cấp cứu thông minh… là những hoạt động đang được đơn vị cùng các bệnh viện đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. 

"Đây là hướng đi phù hợp với yêu cầu cấp cứu trong bối cảnh đường sá chật chội, kẹt xe thường xuyên", lãnh đạo Sở Y tế khẳng định.

27. Cứu sống bệnh nhân 67 tuổi bị ngưng tim nguy kịch

Ông Trần Hái (67 tuổi, ở Sóc Trăng) vừa được các y, bác sĩ kịp thời cứu sống khi nhập viện trong tình trạng bị ngưng tim.

Chiều 22.3, bác sĩ Thạch Khuôn, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng, cho biết bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân 67 tuổi bị ngưng tim, rất nguy kịch đến tính mạng.

Theo người nhà bệnh nhân, sáng 21.3, sau khi ra quán uống cà phê về nhà, ông Trần Hái (ở ấp Châu Thành, thị trấn Lịch Hội Thượng, H.Trần Đề) bị đau ngực trái, khó thở. Gia đình tức tốc đưa ông Hái đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng cấp cứu.

Bác sĩ Khuôn cho biết, lúc nhập viện, tình trạng ông Hái rất nguy kịch, nhịp tim không còn đập, cơ thể yếu ớt.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, thành sau biến chứng block nhĩ thất độ 2. Ngay lập tức, bệnh viện đã huy động nhiều y, bác sĩ đã tích cực cấp cứu cho bệnh nhân, như: nhồi tim, đặt đường truyền, đặt đường dây buồng tim bên phải để tạo ra nhịp tim. Đồng thời, luồn ống thông tim vào mạch vành bị tắc, đưa thẳng 2 stent khai thông mạch vành bị nghẽn.

Sau gần 1 giờ đồng hồ cấp cứu, ông Hái đã dần phục hồi sức khỏe.

Theo bác sĩ Khuôn, trong trường hợp này nếu không kịp thời cấp cứu, chỉ cần chậm khoảng 5 phút là bệnh nhân có khả năng tử vong.

Hiện ông Hái đang được điều trị tại bệnh viện .

28. Xuyên đêm cứu thuyền viên tàu nước ngoài bị viêm ruột thừa cấp

Sáng ngày 22/3, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã đưa bệnh nhân Michael Samorin về đến Đà Nẵng và chuyển đến bệnh viện để tiếp tục điều trị.

Trước đó, vào lúc 17h10 ngày 21/3, tàu Maran Taurus quốc tịch Hy Lạp trên hành trình đi Singapore, khi đi ngang qua vùng biển biển Việt Nam tại vị trí 15004 N -112039 E phía Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa thì thuyền viên Michael Samorin (42 tuổi, quốc tịch Philippin) phát các triệu chứng đau dữ dội vùng hạ sườn phải không rõ nguyên nhân.

Tàu không có khả năng chăm sóc y tế cho bệnh nhân nên thuyền trưởng tàu Maran Taurus đã liên lạc yêu cầu cơ quan chức năng của Việt Nam có giải pháp hỗ trợ y tế cho bệnh nhân Michael Samorin.

Tiếp nhận thông tin từ tàu Maran Taurus, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam yêu cầu tàu Maran Taurus phối hợp chạy theo hải trình hướng về Đà Nẵng, phát báo động cho Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực sẵn sàng phương tiện triển khai cấp cứu, đồng thời phối hợp cùng Trung tâm cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng triển khai tư vấn y tế cho tàu.

Các bác sĩ cho biết, triệu chứng của bệnh nhân Michael Samorin rất nguy hiểm, nhiều khả năng bị viêm ruột thừa cấp, cần sớm được tiếp cận y tế và đưa về bờ để điều trị khẩn cấp. Trước tình thế cấp bách trên, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã điều tàu SAR 412 khẩn trương rời bến cấp cứu thuyền viên tàu Maran Taurus. Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng cũng cử một ê kíp bác sĩ cùng trang thiết bị cùng đi theo tàu.

Sau nhiều giờ hành trình với tốc độ tối đa, đến 1h45 ngày 22/3, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã tiếp cận tàu Maran Taurus và triển khai cấp cứu. Sức khỏe của bệnh nhân Michael Samorin lúc này đã có chuyển biển xấu, cơn đau đã lan sang vùng hố chậu phải, bệnh nhân được ê kíp cấp cứu ổn định tình trạng và đưa sang Tàu SAR 412 để chăm sóc y tế tích cực và khẩn trương đưa về bờ.

Đây là ca cấp cứu thứ hai tại vùng biển Hoàng Sa được Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam triển khai thực hiện trong tháng 3.

29. Náo nhiệt ngày hội hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới 2019

 Trong 3 ngày từ 20 đến 22/03 năm 2019, chương trình khám và tư vấn sức khoẻ răng miệng miễn phí “Cùng P/S Bảo vệ Nụ cười Việt Nam” diễn ra tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Tp.HCM đã thu hút hàng trăm trẻ em tham dự.

Nhằm hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới, nhãn hàng P/S thuộc Công ty TNHH Quốc tế Unilever phối hợp cùng Hội Răng hàm mặt Việt Nam (VOSA) và các ban, bộ ngành có liên quan tổ chức chương trình với chủ đề “Cùng P/S Bảo vệ Nụ cười Việt Nam”.

Chương trình năm nay khởi động bằng hàng loạt các hoạt động sôi nổi tại hai thành phố lớn Hồ Chí Minh và Hà Nội.Không chỉ quy tụ đông đảo các nha sĩ trên toàn quốc, đây còn là nơi tạo điều kiện để các em học sinh được tư vấn và khám bệnh miễn phí. Thông qua đó, lan toả thông điệp: “Đánh răng sáng & tối để ngừa sâu răng”, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe răng miệng cho toàn dân, bảo vệ toàn diện nụ cười Việt Nam.

Lễ khai mạc tại TP HCM diễn ra trong không khí náo nhiệt với nhiều hoạt động thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Đặc biệt, tiết mục đồng diễn “Nhớ đánh răng sáng tối nha” với sự xuất hiện của hơn 50 bé giúp truyền tải thông điệp của sự kiện một cách vô cùng dễ thương và dễ nhớ.

Và để cung cấp thông tin và hướng dẫn trẻ em cũng như những người cao tuổi cách chăm sóc răng miệng hợp lý, chương trình còn tổ chức 2 hội thảo với quy mô lên đến 400 người cùng các hoạt động nhận quà khác được tài trợ từ nhãn hàng P/S.

Từng tạo được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng vào ngày ra mắt 01/06/1998, đến nay, hành trình “P/S Bảo vệ Nụ cười Việt Nam” đã trở thành người bạn đồng hành quan trọng của nha học đường, khi có đến hàng trăm ngàn trường hợp được khám chữa răng miễn phí, giảm chi phí phẫu thuật chỉnh hình răng, phát bàn chải và kem đánh răng miễn phí cho các học sinh tiểu học và các buổi gặp gỡ tuyên truyền về kiến thức răng miệng,…

Là một trong những chương trình điển hình thuộc Kế hoạch Phát triển Bền vững (USLP) của Unilever, “P/S Bảo vệ Nụ cười Việt Nam” đã và đang góp phần đáng kể trong việc cải thiện cuộc sống cho cộng đồng với mục tiêu mang “nụ cười Việt” đến với 23 triệu người trong năm 2020. Hơn thế, việc thu hút đông đảo học sinh và phụ huynh tham dự trên khắp cả nước cũng là minh chứng rõ nét cho ảnh hưởng tích cực mà chiến dịch mang lại trong nhận thức của mọi người suốt nhiều năm nay.

30. Bé trai sinh non nặng 500gr, vừa bằng bàn tay người lớn được nuôi sống kỳ diệu

Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM vừa nuôi dưỡng thành công một bé trai sinh non 25 tuần tuổi, chỉ nặng 500gr.

Ngày 22/3, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM cho biết, bệnh viện đang nuôi sống một trẻ sơ sinh chỉ cân nặng 500 gram.

Bé trai là con của chị M.K.E. (ngụ tại TP.HCM) được Bệnh viện Nhân dân Gia Định chuyển gấp sang Bệnh viện Nhi đồng 2 vì sinh non do mẹ hở eo tử cung khi mới 25 tuần tuổi thai.

Cân nặng của bé lúc sinh chỉ có 500 gram. Cả người bé to vừa bằng bàn tay người lớn, toàn thân đỏ hỏn, da căng mọng, thở yếu ớt. 

Cả bác sĩ và gia đình đều biết hy vọng sống sót của bé là rất mong manh nhưng với kinh nghiệm đã từng nuôi sống thành công trẻ sơ sinh chỉ mới 24 tuần tuổi thai với cân nặng lúc sinh là 660gr, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cố gắng hết sức, thực hiện mọi biện pháp tốt nhất.

Theo chia sẻ của các bác sĩ, khó khăn nhất với bé là có nhiều cơn ngưng thở cần hỗ trợ áp lực dương do các cơ quan đều chưa trưởng thành trong khi không có dụng cụ nào vừa cỡ vì bé quá nhẹ cân. 

Bé cũng đã trải qua hàng loạt các thử thách như các đợt nhiễm trùng, thiếu máu và nhiều biến chứng của sinh non...

Nhờ sức sống mãnh liệt, tình yêu thương vô bờ bến của ba mẹ ngày đêm da kề da bé cùng nguồn sữa mẹ đầy đủ dưỡng chất, đã giúp bé tăng dần cân nặng và sức đề kháng. 

Sau gần 3,5 tháng điều trị, chăm sóc bé đã đạt được cân nặng 2,12kg (tuổi thai hiệu chỉnh 38 tuần). Đến nay, bé đã được xuất viện.

31. Cứu sống bé trai bị hóc mảnh đồ chơi xúc xắc nhiều tháng

Ngày 23-3, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết các bác sĩ vừa cứu sống bé trai C.M.D., 11 tháng tuổi, ngụ ở Phú Yên có dị vật nằm giữa khí quản và thực quản.

Bé D. nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong bệnh cảnh sốt 7 ngày, thở khò khè. Bé được chụp X-quang, CT Scanner... nhưng không phát hiện dị vật.

Các bác sĩ nghi bé bị viêm đường hô hấp trên nên điều trị kháng sinh một tháng cho bé, nhưng tình trạng bé không cải thiện mà vẫn thở khò khè nhiều.

Các sĩ khoa hô hấp nghi ngờ bé có vấn đề về đường thở và nội soi hô hấp chỉ phát hiện một lỗ dò trong khí quản. 

Hội chẩn toàn bệnh viện, các bác sĩ quyết định đóng lỗ dò và khi đó phát hiện dị vật là mảnh nhựa nằm giữa khí quản và thực quản, gây tổn thương cả thực quản và khí quản. Mất khoảng 7 giờ phẫu thuật, các bác sĩ mới lấy ra được dị vật và tái tạo thực quản cho bệnh nhi.

Khi đưa dị vật cho người nhà xem, người nhà cho biết đó là mảnh nhựa nằm trong đồ chơi xúc xắc của trẻ em. Theo các bác sĩ, bé D. đã bị hóc dị vật ít nhất từ 3 tháng trước đó trong khi gia đình không hay biết.

Sau khi được phẫu thuật 4 ngày, bệnh nhi được cai máy thở và hiện đang hồi phục khá tốt. Các bác sĩ đánh giá đây là một trường hợp rất hiếm gặp vì mãi mới phát hiện dị vật.

II. THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI

32. Chủng virus cúm gia cầm mới xuất hiện sát nách Việt Nam

Tổ chức Nông lâm quốc tế (FAO) cho biết virus cúm gia cầm H7N4 đã xuất hiện ở Campuchia. Chủng cúm mới này trước đó được phát hiện ở Trung Quốc vào năm 2018. FAO đánh giá chủng cúm gia cầm mới này có thể xuất hiện ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào, do đó Việt Nam cần phải duy trì năng lực phòng nghiên cứu, phát hiện, phòng ngừa.

Trước cảnh báo này, tại Hội nghị triển khai kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 do Cục Thú y tổ chức ngày 22-3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng không thể lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch.

Theo kế hoạch do Thủ tướng phê duyệt hồi giữa tháng 2-2019, công tác thú ý sẽ tập trung ngăn chặn không để các nhánh, các chủng virus mới nguy hiểm lây nhiễm vào Việt Nam. Với các chủng hiện tại, cần tiêm phòng tối thiểu 80% tổng đàn.Cố gắng giảm thiểu hoặc không phát sinh các ca bệnh cúm gia cầm ở người.

Dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện tại Việt Nam vào cuối năm 2003, sau đó lan rộng ra cả nước. Giai đoạn 2007-2013, mỗi năm phải tiêu hủy 200.000 gia cầm và có tới 42 người lây, tử vong vì chủng virus này. Từ giữa 2014, dịch được kiểm soát tốt, giảm số gia cầm phải tiêu hủy mỗi năm còn 90.000 con,  không có bệnh nhân tử vong vì cúm A/H5N1 nữa.

33. Kỹ thuật thay van tim không phẫu thuật

Thay vì phẫu thuật, bệnh nhân được bác sĩ đưa van qua ống thông vào mạch máu đến tim. Được phát triển từ một thập kỷ trước, thay van động mạch chủ qua đường ống thông (Transcatheter Aortic Valve Replacement, TAVR) là một thủ thuật ít xâm lấn, đưa van nở đi qua ống thông vào mạch máu đến tim và đặt bên trong van cũ. TAVR thường chỉ áp dụng cho người có nguy cơ tử vong cao sau phẫu thuật. 

Gần đây, hai nghiên cứu về TAVR đăng trên New England Journal of Medicine chỉ ra thủ thuật này hiệu quả vượt trội so với lựa chọn phẫu thuật, ngay cả với bệnh nhân có ít nguy cơ tử vong. 

Theo AP, nghiên cứu thứ nhất của bác sĩ Mack và bác sĩ Martin Leon từ Đại học Columbia, New York (Mỹ) xem xét khoảng 1.000 bệnh nhân đã được phẫu thuật hoặc được đặt van nở.Sau một năm, 15% nhóm phẫu thuật tử vong, bị đột quỵ hoặc cần phải nhập viện lại. Tỷ lệ này ở nhóm không phẫu thuật là 8,5%.

Nghiên cứu thứ hai do tiến sĩ Jeffrey J. Popma từ Trung tâm Y Tế Beth Israel Deaconess, Boston dẫn đầu, thực hiện trên 1.400 bệnh nhân được phẫu thuật hoặc đặt van nở. Sau hai năm, 6,7% nhóm phẫu thuật và 5,3% nhóm không phẫu thuật tử vong hoặc đột quỵ.

Tiến sĩ Joseph Cleveland, bác sĩ phẫu thuật tim Đại học Colorado không tham gia hai nghiên cứu trên nhận định thay van tim mà không cần phẫu thuật là điều tuyệt vời. Chưa kể, tổng chi phí cho việc đặt van nở sẽ thấp hơn so với phẫu thuật vì thời gian theo dõi tại bệnh viện được rút ngắn và ít phức tạp hơn.

Tuy vậy, tiến sĩ Cleveland cho rằng vẫn cần tìm hiểu thêm về loại van này để xem liệu nó có bền và hoạt động hiệu quả như van được thay bằng phẫu thuật hay không.

34. Dịch Ebola lây lan ở CHDC Congo

Theo Reuters, Bộ Y tế CHDC Congo ngày 20-3 cho biết, Bunia, thành phố lớn thứ hai ở miền đông CHDC Congo với số dân gần một triệu người đã ghi nhận ca nhiễm Ebola đầu tiên là một trẻ sơ sinh sáu tháng tuổi. Hiện cơ quan chức năng nước này đang xem xét nguồn lây bệnh khi sức khỏe cha mẹ của trẻ sơ sinh đều không có dấu hiệu bất ổn. Như vậy, dịch Ebola vẫn tiếp tục lây lan tại quốc gia Trung Phi này bất chấp nỗ lực ngăn chặn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cơ quan chức năng địa phương.

Tháng 2 vừa qua, người đứng đầu WHO cho biết, dịch Ebola đã bị cô lập tại hai khu vực và nhiều khả năng dịch bệnh này chấm dứt vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, WHO cảnh báo an ninh bất ổn tại khu vực miền đông đã cản trở nỗ lực của cơ quan này trong việc phòng, chống dịch bệnh lây lan.

Kể từ tháng 2 đến nay, đã có năm trung tâm điều trị Ebola bị tiến công.Tình trạng bạo lực khiến nhóm nhân đạo Lực lượng biên giới MSF của Pháp tạm dừng các hoạt động tại tâm dịch.

Kể từ khi bùng phát trở lại tại CHDC Công-gô hồi tháng 8-2018 đến nay, dịch Ebola đã làm 610 người chết và 370 người bị lây nhiễm. Ðây là đợt dịch gây chết người lớn thứ hai trong lịch sử.Ðợt dịch Ebola Tây Phi năm 2013 - 2016 đã làm hơn 11 nghìn người chết.

Liên hợp quốc cho biết, tại Uganda, trong một tuần qua đã có 265 người bị ngộ độc, trong đó có ba người chết, do sử dụng thực phẩm hỗn hợp tăng cường của Chương trình lương thực thế giới (WFP). WFP và giới chức địa phương đã kêu gọi người dân ngừng ăn loại thực phẩm nêu trên cho đến khi có thông báo mới. Hiện, các cuộc điều tra đang được tiến hành.

Thực phẩm "Ngũ cốc cao cấp" đã được WFP phân phối ở Uganda trong hơn 10 năm qua, nhằm ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng. Ngoài ra, sản phẩm này còn được đưa tới nhiều quốc gia khác sau khi trải qua khâu kiểm soát chất lượng.

35. Mỹ thử nghiệm thành công cách chữa bệnh hồng cầu hình liềm nan y

Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố kết quả tích cực của dự án thử nghiệm điều trị lâm sàng bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm bằng phương pháp can thiệp gen, qua đó lần đầu tiên mở ra hy vọng chữa lành căn bệnh gây đau đớn này cho hàng chục triệu người gốc Phi trên toàn thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, các nhà khoa học tại Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIH) đã áp dụng phương pháp cấy gen từ tế bào hồng cầu khỏe mạnh vào cơ thể của 9 bệnh nhân mắc chứng thiếu máu hồng cầu hình liềm.

Sau một thời gian, kết quả cho thấy lượng hồng cầu khỏe mạnh đã dần thay thế số hồng cầu hình lưỡi liềm, giúp người bệnh không còn những biểu hiện lâm sàng của căn bệnh nan y trên.

Đánh giá về kết quả của phương pháp mới, Giám đốc NIH Francis Collins cho rằng đây là một bước đột phá trong quá trình nghiên cứu chữa trị chứng thiếu máu hồng cầu hình liềm - căn bệnh dẫn đến tình trạng không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để mang oxy đi khắp cơ thể.

Trước đó, giới y học thế giới chưa tìm ra cách chữa căn bệnh này mà chỉ dừng lại ở việc kiểm soát triệu chứng và thực hiện các biện pháp giảm đau cho bệnh nhân.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người mắc bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm đa số đến từ châu Phi hoặc có dòng máu liên quan đến nguồn gốc Đại chủng Phi (Negroid), hiện sinh sống rải rác tại khu vực Địa Trung Hải, Saudi Arabia, quần đảo Caribe, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Riêng tại Mỹ, có khoảng 80.000 đến 100.000 gốc Phi bị mắc chứng bệnh di truyền này.

Thông thường, các tế bào hồng cầu có hình tròn và có thể di chuyển dễ dàng qua các mạch máu, giúp vận chuyển oxy đến các bộ phận của cơ thể.Khi bị thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm, các tế bào này biến thành hình lưỡi liềm và trở nên cứng và dính.

Những tế bào mang hình dạng bất thường có thể gặp khó khăn khi di chuyển trong các mạch máu nhỏ, và có thể làm chậm hoặc ngăn chặn lưu lượng máu và oxy đến các bộ phận của cơ thể. Tình trạng này dẫn đến các mô và cơ quan bị tổn hại do không được cung cấp đủ máu.

Biến chứng của bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm bao gồm: bệnh về thận và mắt, hoại tử chân, đột quỵ và nhiễm trùng nhiều nơi như viêm tủy xương, viêm phổi. Trong trường hợp nặng, tủy xương sẽ ngừng sản xuất ra hồng cầu và khiến khoảng 18% bệnh nhân tử vong.

36. Phát hiện thuốc có khả năng làm giảm sự lây lan của bệnh sốt rét

Các nhà khoa học vừa tình cờ tìm ra một phương pháp để giải quyết bệnh sốt rét.Họ phát hiện ra rằng muỗi mang mầm bệnh sốt rét sẽ chết nếu chúng hút máu của một người đã uống ivermectin, một loại thuốc chống ký sinh trùng được sử dụng rộng rãi để điều trị chấy và ghẻ.

Nghiên cứu mới đã được thử nghiệm xem liệu phương pháp mới này thực sự có thể ngăn chặn sự lây lan của bệnh sốt rét bên ngoài phòng thí nghiệm hay không. Tuy nhiên, vẫn còn khá sớm cho nghiên cứu.

Một thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy số cơn sốt rét ở trẻ em có thể giảm 20% nếu toàn bộ dân số được sử dụng một loại thuốc gọi là ivermectin cứ sau ba tuần/ lần, báo cáo trên tạp chí y khoa The Lancet cho biết.

"Ivermectin làm giảm các trường hợp mắc bệnh sốt rét mới. Nó có thể được sử dụng cùng với các loại thuốc điều trị sốt rét để chống lại sự lây truyền của bệnh”, nhà nghiên cứu Brian D Foy thuộc Đại học bang Colorado, cho biết.

Nghiên cứu được thực hiện trên khoảng 2.700 người, trong đó có 590 trẻ em, từ tám ngôi làng ở Burkina Faso trong khoảng thời gian 18 tuần trong mùa mưa 2015. Trong số những người tham gia đủ điều kiện, tất cả đều được tiêm một liều ivermectin cộng với 400mg thuốc chống giun, trong khi 1.447 người sau đó được tiêm thêm 5 liều ivermectin trong ba tuần.

Các nhóm được sử dụng thêm liều ivermectin đã giảm 20% các đợt sốt rét ở mỗi đứa trẻ, giảm từ 2,49 xuống còn 2 trường hợp trên mỗi trẻ. Số trẻ em không bị sốt rét nhiều hơn gấp đôi trong nhóm nhận được thuốc và cũng có rất ít tác dụng phụ của thuốc.

Mặc dù công việc tiếp theo là cần thiết trước khi chúng ta thấy điều này được triển khai hoàn toàn, nhưng đó là bằng chứng cho thấy ivermectin có thể được sử dụng trong các tình huống để giúp chống lại bệnh sốt rét.

37. Phát minh loại gel chữa lành tổn thương giác mạc không cần phẫu thuật

Các nhà khoa học Mỹ vừa nghiên cứu và phát triển thành công một loại gel dính có thể làm liền vết thương hoặc vết loét trên giác mạc của mắt, nhờ đó bệnh nhân không cần phẫu thuật.

Loại gel nói trên chứa các hóa chất kích hoạt bằng ánh sáng, không chỉ có tác dụng làm liền vết thương mà còn giúp tái tạo phần tổn thương.

Đây là loại gel trong suốt, dẻo, dính khi đựng trong lọ thuốc hoặc xilanh, nhưng khi tiếp xúc với ánh sáng xanh trong một thời gian ngắn sẽ rắn lại để thích hợp với các đặc tính của giác mạc nguyên thủy, và các tế bào giác mạc sẽ dần phát triển hòa vào gel dính.

Trong nghiên cứu thử nghiệm, các nhà khoa học sử dụng gel bao phủ 20% vết thương giác mạc rộng 3mm, và chiếu sáng trong 4 phút để gel gắn chắc vào vết thương.

Một ngày sau đó, các nhà khoa học quan sát thấy bề mặt của mắt trong suốt, mịn và không bị viêm.

Theo thời gian, các mô đã được tái tạo và các mô mới rất ít khác biệt so với mô nguyên thủy.

Theo bà Reza Dana, Giáo sư nhãn khoa tại Đại học Y khoa Harvard, đồng chủ trì công trình nghiên cứu trên, các nhà khoa học muốn vật liệu này khiến các tế bào giác mạc khớp với chất kết dính và tái tạo theo thời gian để dần hình thành thứ giống tế bào giác mạc nguyên thủy hết mức có thể.

Các nhà khoa học dự kiến bắt đầu thử nghiệm lâm sàng để áp dụng công nghệ này với các bệnh nhân trong khoảng 1 năm tới.

Công trình đã được đăng trên tạp chí Science Advances số ra ngày 20-3.

Tổn thương giác mạc là nguyên nhân phổ biến dẫn tới các ca suy giảm thị lực trên toàn thế giới, theo đó mỗi năm có hơn 1,5 triệu ca mắc bệnh mù giác mạc mới.

Một số trường hợp phải tiến hành cấy ghép giác mạc, song có thể gây ra một số biến chứng hậu phẫu, trong đó có nhiễm trùng hoặc đào thải không tiếp nhận giác mạc cấy ghép.


Thăm dò ý kiến