Điểm tin y tế ngày 05/7/2019

06/07/2019 | 09:12 AM

 | 

1. Việt Nam tham dự sự kiện thể thao cộng đồng tại Geneva

Đoàn đại biểu Bộ Y tế Việt Nam, do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu tới Geneva để tham dự Đại hội đồng WHO lần thứ 72 và cũng đã tham dự vào sự kiện thể thao cộng đồng.

Các đại biểu Bộ Y tế Việt Nam và Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva tham dự sự kiện thể thao cộng đồng do WHO tổ chức. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)

Ngày 19/5 tại Geneva của Thụy Sĩ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức sự kiện thể thao cộng đồng mang tên “Từ lời nói đến hành động: Thách thức sức khỏe cho mọi người” lần thứ hai.

Sự kiện thể thao ngoài trời này khuyến khích sự tham gia của đông đảo người dân, mọi lứa tuổi, tùy khả năng của mỗi cá nhân, với các “thử thách” đi bộ, chạy trên các quãng đường từ 3-8km.

Trước đó, sự kiện thể thao ngoài trời lần thứ nhất của WHO đã diễn ra vào tháng 5/2018 với sự tham dự của hàng ngàn người, hoạt động thể thao cộng đồng.

Phát huy thành công đó, sự kiện do WHO tổ chức vào năm nay cũng đã thu hút sự tham gia của đông đảo các cộng đồng dân cư tại địa phương; trong đó có thành viên các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Geneva, cũng như các đại biểu tham dự Đại hội đồng WHO lần thứ 72, diễn ra từ ngày 20-28/5 tại Geneva.

[Có khoảng 30% người Việt trưởng thành thiếu vận động thể lực]

Đoàn đại biểu Bộ Y tế Việt Nam, do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu tới Geneva để tham dự Đại hội đồng WHO, cũng đã tham dự vào sự kiện thể thao này.

Ngoài ra, các cán bộ, nhân viên Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác, do Trưởng Phái đoàn, Đại sứ Dương Chí Dũng, dẫn đầu, cũng tham gia “thách thức sức khỏe cho mọi người.”Phát biểu tại sự kiện thể thao ngoài trời này, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khỏe và đặc biệt hoạt động thể chất, rèn luyện sức khỏe cho tương lai lành mạnh, bền vững.

Ngoài ra, WHO cũng muốn nhấn mạnh mục tiêu đảm bảo cho mọi người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế cần thiết và ghi nhận vai trò quan trọng của thành phố Geneva, trung tâm y tế, sức khỏe toàn cầu.

Sự kiện thể thao của WHO còn có sự tham gia của Đệ nhất phu nhân Kenya, Margaret Kenyatta; bà Cynthia Germanotta, người đấu tranh cho sức khỏe tâm thần, đồng sáng lập Tổ chức Born This Way, mẹ của nữ ca sỹ nổi tiếng Lady Gaga; cùng nhiều vận động viên thể thao như vận động viên điền kinh Thụy Sĩ Tadesse Abraham, nhà vô địch môn marathon của Kenya, Mary Keitany, tay đua xe công thức người Thụy Sĩ Romain Grosjean..../.

 

2.Bác sĩ đi bộ hưởng ứng hành trình "Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác"

 (Công lý) - Chiều 19/5, Hội thầy thuốc trẻ tổ chức lễ phát động hành trình "Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2019” và cuộc thi “Đi bộ vì sức khỏe” tại Vườn hoa Lý Tự Trọng, (Ba Đình, Hà Nội).

Tới tham dự chương trình có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Kidong Park; Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và các lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cùng 2500 y bác sĩ, đoàn viên thanh niên và hàng ngàn người dân tham gia khám bệnh, sàng lọc.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Văn Thuần, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, đây là năm thứ 10 Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức hoạt động khám chữa bệnh đồng loạt trên cả nước, năm nay Hành trình với chủ đề “Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì một Việt Nam khỏe mạnh”.

Với các hoạt động như khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho nhân dân, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong cả nước; tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, mổ mắt miễn phí cho người cao tuổi, phẫu thuật dị tật bẩm sinh cho trẻ em; khám sàng lọc bệnh mạn tính.

Ông Trần Văn Thuần đưa chỉ tiêu dự kiến của hành trình năm nay với 20.000 thầy thuốc trẻ tham gia khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 300.000 người. Mổ mắt miễn phí cho 1.000 người cao tuổi, tập huấn các phương pháp sơ, cấp cứu cơ bản cho 5.000 giáo viên của 700 trường mầm non, tiểu học trong toàn quốc. Đồng thời vận động hội viên, thanh niên hiến máu tình nguyện, tiếp nhận được 20.000 đơn vị máu.Có mặt tại buổi lễ, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc đối với cộng động xã hội, thể hiện quyết tâm của ngành Y tế trong phòng chống tác hại của phòng chống, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm, ngăn chặm tác hại của rượu bia, đặc biệt khi kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ xem xét về dự thảo Bộ luật này.

Cũng nhân dịp này, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Y tế, Văn phòng tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) cũng phát động cuộc thi “Đi bộ vì sức khỏe – Walk for your health”, chương trình này nằm trong chuỗi hoạt động “Walk your talk” do Tổ chức Y tế thế giới phát động trên toàn cầu.

Chương trình được tổ chức trong vòng 100 ngày và dự kiến bắt đầu từ ngày 28/6/2019 đến hết ngày 5/10/2019. Đây là sáng kiến đã được đưa ra tại trụ sở của WHO tại Geneva. Sáng kiến này nhằm thúc đẩy lối sống lành mạnh tại nơi làm việc và phản ánh cam kết của nhân viên y tế, thúc đẩy chiến lược toàn diện cho một nơi làm việc lành mạnh và giải quyết các vấn đề sức khỏe, bao gồm hoạt động thể chất, sức khỏe và an toàn và dinh dưỡng nghề nghiệp.

Được biết, tại lễ phát động, các đại biểu sẽ tham gia đi bộ 4 km quanh khu vực đường Thanh Niên (Hà Nội) dự kiến riêng trong ngày 19/5, hơn 100.000 người dân sẽ được khám bệnh, sàng lọc và cấp phát thuốc miễn phí và hơn 50.000 người, chủ yếu là cán bộ ngành Y tế và thanh niên sẽ đi bộ 10.000 bước chân hưởng ứng chương trình “Đi bộ vì sức khỏe” , vì một Việt Nam khỏe mạnh.

Với 02 hoạt động chính này, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam sẽ nhận 02 kỷ lục Việt Nam - “Chương trình có số người được khám bệnh, sàng lọc bệnh mạn tính nhiều nhất trong 01 ngày” và “Chương trình đi bộ có số người tham gia nhiều nhất trong 01 ngày”.

3. Khảo sát kết quả 10 năm thực hiện Quyết định 221-QĐ/TW của Ban Bí thư tại Bộ Y tế

Ngày 17/5/2019, tại Bộ Y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đã có buổi làm việc với Đoàn khảo sát kết quả 10 năm thực hiện Quyết định 221-QĐ/TW 

Ngày 17/5/2019, tại Bộ Y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đã có buổi làm việc với Đoàn khảo sát kết quả 10 năm thực hiện Quyết định 221-QĐ/TW, ngày 27/4/2009 của Ban Bí thư khóa X về ban hành “Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân” do đồng chí Nguyễn Văn Tùng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Trưởng đoàn.

Báo cáo 10 năm thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TW, ngày 27/4/2019 của Ban Bí thư Khóa X về ban hành “Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân” tại Bộ Y tế, đồng chí Hà Anh Đức, Phó Chánh Văn phòng Bộ cho biết: Triển khai Quyết định số 221-QĐ/TW ngày 27/4/2009 của Ban Bí thư khóa X, ngày 23/3/2010 Đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế và Đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã ký kết Chương trình phối hợp công tác trong triển khai các nhiệm vụ chính trị và giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân.

Trên cơ sở các nội dung của Chương trình đã ký kết, trong những năm qua vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai hiệu quả việc giải quyết những vấn đề nhạy cảm, bức xúc trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ Y tế luôn chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc xây dựng và trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành các Đề án, Nghị  quyết, Chỉ thị của Đảng quan trọng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm, công tác phòng, chống HIV/AIDS, phát triển nền Đông y Việt Nam, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020; công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Đặc biệt, trong năm 2017 Bộ Y tế đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ xây dựng và trình  Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương tuyên truyền các quan điểm, cơ chế, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác y tế qua các hoạt động: Phối hợp xây dựng tài liệu đào tạo, tập huấn; Phối hợp tổ chức các Hội nghị, tập huấn và cung cấp thông tin tuyên truyền các chính sách nổi bật của Ngành Y tế; Phối hợp tổ chức truyền thông, cập nhật thông tin thời sự về công tác xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế; các vấn đề nóng, nhạy cảm trong các lĩnh vực của Ngành Y tế (khám chữa bệnh, an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế, phòng chống HIV/AIDS, dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dược, y dược cổ truyền, môi trường y tế…); đưa tin, nhân rộng các gương điển hình trong Ngành Y tế, những tấm gương thầy thuốc đã hy sinh thầm lặng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Trong giai đoạn từ 01/7/2012 đến ngày 30/5/2018 Bộ Y tế tiếp nhận 954 lượt công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kịp thời giải quyết thỏa đáng cho nhân dân; Tiếp nhận tổng số 7303 đơn khiếu nại, tố cáo, bao gồm: 920 đơn khiếu nại, 1193 đơn tố cáo, 5010 đơn khác, 180 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Y tế.Toàn bộ đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được thụ lý và giải quyết theo đúng trình tự, thời gian theo quy định.

Năm 2013, Bộ Y tế đã thiết lập đường dây nóng Ngành Y tế (1900.9095) để tiếp nhận phản ánh của người dân về thực trạng và chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Ngoài ra tất cả các cơ sở y tế đều phải công khai đường dây nóng của đơn vị để thuận tiện cho người dân phản ánh và giải quyết bức xúc của người bệnh...

Tại Buổi làm việc, các đại biểu của Đoàn khảo sát và Bộ Y tế đã tập trung trao đổi, thảo luận các ý kiến nhằm nâng cao hơn nữa kết quả phối hợp giữa Bộ Y tế và Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TW.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng cho biết: Những năm qua Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế đã rất quyết liệt trong việc thực hiện quyết định 221-QĐ/TW, ngày 27/4/2019 của Ban Bí thư Khóa X cũng như các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Sau 10 năm thực hiện Bộ Y tế đã đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, tồn tại cần được khắc phục trong thời gian tới. Bộ Y tế đánh giá cao các ý kiến nhận xét và góp ý của đoàn công tác. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Ban Tuyên giáo Trung ương, các Sở Y tế, các cơ sở y tế, các đơn vị trong Ngành để triển khai tốt hơn nữa các nhiệm vụ và tăng cường truyền thông, xử lý nhanh chóng, chính xác các bức xúc của nhân dân, của người bệnh. Đồng thời sẽ chủ động phối hợp, giải quyết nhanh đối với các thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận...

4.Phát động Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác

Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác - Tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2018 có khoảng 6.000 thầy thuốc trẻ tham gia khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 100.000 người.

Ngày 19.5, tại Bảo tàng Quang Trung (H.Tây Sơn, Bình Định), Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (Hội LHTN VN), Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tỉnh đoàn Bình Định phối hợp tổ chức Lễ phát động cấp Trung ương “Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác - Tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” năm 2018.

Tham dự lễ phát động có ông Lê Kim Toàn, Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Định; ông Nguyễn Phi Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN VN; chị Nguyễn Thị Thu Vân, Phó chủ tịch thường trực Hội LHTN VN; GS.TS Trần Văn Thuấn, Phó chủ tịch Hội LHTN VN, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, và sự góp mặt của 1.000 hội viên, thanh niên, y, bác sĩ trẻ...

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác - Tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm nay diễn ra từ ngày 12 đến 19.5 tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Dự kiến có khoảng 6.000 thầy thuốc trẻ tham gia khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 100.000 người, mổ mắt miễn phí cho 500 người cao tuổi, tổ chức tập huấn các phương pháp sơ cấp cứu cơ bản cho 5.000 giáo viên của 700 trường mầm non, tiểu học trong toàn quốc, có 50.000 trẻ em tham gia Ngày hội rửa tay bằng xà phòng phòng chống dịch bệnh.

Ban Tổ chức cũng vận động hội viên, thanh niên hiến máu tình nguyện, dự kiến tiếp nhận được 13.000 đơn vị máu, tặng bình lọc nước sạch diệt khuẩn cho hơn 50 điểm trường tiểu học và mẫu giáo…

“Đây là hoạt động thể hiện y đức của người thầy thuốc Việt Nam, không quản ngại khó khăn gian khổ, đi đến nơi nhân dân cần. Đất nước còn nhiều khó khăn, nhiều nơi nhân dân còn chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế, tinh thần tình nguyện của thanh niên Việt Nam, trong đó có đội ngũ thầy thuốc trẻ góp phần xóa đi sự mất cân bằng về chăm sóc y tế, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân”, GS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 20 suất quà (gồm 1 triệu đồng tiền mặt và máy đo huyết áp) cho 20 gia đình chính sách; trao 20 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho 20 học sinh H.Tây Sơn; tặng 1 bể bơi di động trị giá 30 triệu đồng để Tỉnh đoàn, Hội LHTN, Hội đồng Đội tỉnh Bình Định tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho các em thiếu nhi.

Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và các nhà hảo tâm cũng phối hợp tặng các điểm trường tiểu học trên địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Lạng Sơn, mỗi trường 3 bộ bình lọc nước dung tích 20 lít, có khả năng lọc cặn bẩn và vi khuẩn giúp cho các em có nguồn nước sạch thuận tiện cho sinh hoạt.

Sau khi kết thúc Lễ phát động, tại khuôn viên Bảo tàng Quang Trung đã diễn ra các hoạt động như: Khám bệnh phát thuốc miễn phí cho người dân; Tập huấn phương pháp sơ cấp cứu giáo viên mầm non, tiểu học; Ngày hội rửa tay bằng xà phòng; Tập huấn phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích cho học sinh; Ngày hội hiến máu tình nguyện và tư vấn hiến tạng cho hội viên, thanh niên…

  1. "Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác" xác lập 2 kỷ lục Việt Nam

ANTD.VN - Chỉ riêng trong ngày 19-5, hơn 100.000 người dân trên cả nước được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và hơn 50.000 người đã tham gia đi bộ 10.000 bước chân hưởng ứng chương trình “đi bộ vì sức khỏe”… Đây là 2 kỷ lục mới ở Việt Nam.

Chiều nay, 19-5, nhân kỷ niệm 129 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiết thực triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cùng Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động “Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe công đồng” năm 2019 và cuộc thi “Đi bộ vì sức khỏe – walk your health”.

Lễ phát động được diễn ra ở tất cả 63 tỉnh/ thành trên cả nước. Tại Hà Nội, lễ phát động diễn ra tại Vườn hoa Lý Tự Trọng (đường Thanh Niên, quận Ba Đình), với sự tham dự của ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Phước Lộc – Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, ông Kidong Park – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam…

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam – Giám đốc Bệnh viện K cho biết, đây là năm thứ 10, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức hoạt động khám chữa bệnh đồng loạt trên cả nước, năm nay Hành trình với chủ đề “Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì một Việt Nam khỏe mạnh”.

Ngay tại lễ phát động ở cấp Trung ương (diễn ra tại Hà Nội), hơn 100 thầy thuốc trẻ cùng Đoàn viên thanh niên Thủ đô sẽ triển khai các hoạt động khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 2.000 người dân, tổ chức khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp và xét nghiệm tiểu đường, khám sàng lọc ung thư vú cho 200 phụ nữ cùng nhiều hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Đặc biệt, hưởng ứng hoạt động “hạn chế tối đa sử dụng rượu bia”, tại sự kiện, Bệnh viện Việt Đức tổ chức tập huấn sơ cấp cứu cơ bản cho người dân khi bị hoặc chứng kiến tai nạn giao thông, đồng thời tuyên truyền thông điệp sử dụng rượu, bia là nguyên nhân gây bệnh không lây nhiễm, giảm sử dụng rượu, bia giảm là giảm đột quỵ, giảm tử vong.

Cũng nhân dịp này, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Y tế, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và Công đoàn Ngành Y tế đã phát động Cuộc thi “Đi bộ vì sức khỏe – Walk for your health” - chương trình này nằm trong chuỗi hoạt động “Walk your talk” do WHO phát động trên toàn cầu.

Tại lễ phát động, các đại biểu sẽ tham gia đi bộ 4 km quanh khu vực tổ chức, cùng lúc đó hoạt động này cũng được diễn ra tại 63/63 tỉnh/ thành trên cả nước.

Dự kiến riêng trong ngày 19-5, hơn 100.000 người dân trên cả nước sẽ được khám bệnh, sàng lọc và cấp phát thuốc miễn phí và hơn 50.000 người, chủ yếu là cán bộ ngành Y tế và thanh niên sẽ đi bộ 10.000 bước chân hưởng ứng chương trình “Đi bộ vì sức khỏe” , vì một Việt Nam khỏe mạnh.

PGS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, với 2 hoạt động chính này, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Văn phòng đại diện WHO tại Việt Nam sẽ nhận 2 kỷ lục Việt Nam, gồm: “Chương trình có số người được khám bệnh, sàng lọc bệnh mạn tính nhiều nhất trong 1 ngày” và “Chương trình đi bộ có số người tham gia nhiều nhất trong 1 ngày”.

6.Hai nghìn người được khám miễn phí sàng lọc bệnh không lây nhiễm

QUANG THÁI

Chiều 19-5, khoảng 2.000 người đã được khám sàng lọc bệnh không lây nhiễm và cấp phát thuốc miễn phí trong lễ phát động “Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” diễn ra tại Vườn hoa Lý Tự Trọng (Hà Nội).

Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát động Cuộc thi "Đi bộ vì sức khỏe - Walk for your health".

Hoạt động này nhằm thúc đẩy lối sống lành mạnh, giải quyết vấn đề về sức khỏe để giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.

Trong chiều nay (19-5), hơn 100 thầy thuốc trẻ đã tiến hành khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm như: Xét nghiệm tiểu đường, tăng huyết áp, ung thư vú…

Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ thành phố Hà Nội Lê Anh Tuấn cho biết: “Việc khám sàng lọc miễn phí bệnh không lây nhiễm là cơ hội để các bác sĩ trẻ giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài việc thăm khám, đội ngũ y bác sĩ còn tư vấn cho người dân cách phòng chống bệnh, để nâng cao chất lượng sống”.

“Thời gian tới, Hội Thầy thuốc trẻ thành phố Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động thăm khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người dân”, Thạc sĩ Lê Anh Tuấn cho biết thêm.Ông Nguyễn Chí Thiết (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Tôi đến đây từ sớm để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn. Tôi thấy hoạt động khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí này rất ý nghĩa”.

“Tôi hy vọng, Bộ Y tế sẽ tổ chức nhiều hoạt động khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn”.

Việc khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân, được y bác sĩ tiến hành một cách khẩn trương, với mong muốn khám cho nhiều người.Dự kiến, trong hôm nay, các y bác sĩ sẽ khám sàng lọc bệnh không lây nhiễm và cấp phát thuốc miễn phí cho khoảng 2.000 người.

Song song với hoạt động khám bệnh miễn phí, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức tập huấn sơ cứu cho người dân khi chứng kiến tai nạn giao thông.

Thông qua việc tập huấn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã truyền thông điệp: “Sử dụng rượu, bia là nguyên nhân chính gây bệnh không lây nhiễm”, nhằm hạn chế tối đa sử dụng rượu bia.

7.50.000 người tham gia đi bộ 10.000 bước

Chiều 19-5, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức Lễ phát động “Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác - tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” năm 2019 và cuộc thi “Đi bộ vì sức khỏe - Walk for your health”.

Tham dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các đại sứ quán, 500 y, bác sĩ và gần 2.000 đoàn viên, thanh niên.

Hành trình năm nay diễn ra từ ngày 1-5 đến ngày 28-6, với chủ đề “Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì một Việt Nam khỏe mạnh”, hướng tới kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và chào mừng Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp.

Hành trình năm 2019 đặt ra chỉ tiêu: 20.000 thầy thuốc trẻ tham gia; 300.000 người dân được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; 60.000 người được khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm; 500.000 người được cung cấp kiến thức và vận động sinh hoạt thể chất; mổ mắt miễn phí cho 1.000 người cao tuổi; tập huấn các phương pháp sơ cứu, cấp cứu cơ bản cho 5.000 giáo viên của 700 trường mầm non, tiểu học trong toàn quốc; 50.000 trẻ em tham gia Ngày hội rửa tay bằng xà phòng phòng, chống dịch bệnh; tiếp nhận được 20.000 đơn vị máu.

Ngay sau lễ phát động, các đại biểu tham gia đi bộ hưởng ứng chương trình “Đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày”. Đồng thời, 100 thầy thuốc trẻ cùng đoàn viên, thanh niên Thủ đô đã triển khai các hoạt động khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 1.000 người dân; tổ chức khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp và xét nghiệm tiểu đường; tổ chức khám sàng lọc ung thư vú cho 200 phụ nữ cùng nhiều hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Đặc biệt, hưởng ứng hoạt động “Hạn chế tối đa sử dụng rượu bia”, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức tập huấn sơ cứu, cấp cứu cơ bản cho người dân khi bị, hoặc chứng kiến tai nạn giao thông; đồng thời tuyên truyền thông điệp sử dụng rượu, bia là nguyên nhân gây bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác hại rượu, bia chính là phòng, chống ung thư cùng các bệnh mãn tính nguy hiểm khác.
Cũng trong chương trình, Ban tổ chức đã trao 10 suất quà, tổng trị giá 100 triệu đồng cho bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng thời, tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đồng loạt diễn ra các hoạt động hưởng ứng, với 50.000 người tham gia đi bộ 10.000 bước vì sức khỏe, vì một Việt Nam khỏe mạnh; khám bệnh, sàng lọc và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 100.000 người dân…

Dịp này, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Y tế, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát động Cuộc thi “Đi bộ vì sức khỏe - Walk for your health”. Chương trình được tổ chức trong vòng 100 ngày và dự kiến bắt đầu từ ngày 28-6 đến ngày 5-10.

8.Đầu tư tiền tỉ, bệnh nhân vẫn... lèo tèo

Nằm gần các bệnh viện, cơ sở y tế lớn, nên các trạm y tế tại TP.HCM đìu hiu, gần như không có người bệnh.

Vắng bóng bệnh nhân

9 giờ ngày 9.5, PV Thanh Niên đến TYT P.9 (Q.10), đối diện Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 và gần đó còn có BV Nhân dân 115, BV Q.10... Tại trạm đang có 3 - 4 nhân viên, nhưng không có bệnh nhân (BN) nào. PV xin gặp trưởng trạm thì người này đang đi với đoàn liên ngành kiểm tra thực phẩm.

 

 

Theo các nhân viên, trạm có 5 người, gồm 1 bác sĩ (BS) trẻ mới ra trường. Mỗi tháng nơi này khám 30 - 35 BN, gần 80 ca bệnh mãn tính, tiêm chủng 50 trẻ; còn lại công việc chủ yếu là làm chương trình quốc gia và chống dịch, mỗi người “ôm” 3 - 4 mảng.

“Lúc trước cũng có BN là trẻ em và người lớn tuổi đến khám, nhưng dần dà ít người đến vì thiếu… thuốc. BN đến khám xong phải lên BV quận nhận thuốc nên ít người đến”, một nhân viên nói.

Trước đó, ngày 8.5, PV đến TYT P.12 (Q.5), chỉ cách BV Chợ Rẫy vài chục bước chân và rất gần BV Răng Hàm Mặt T.Ư, BV Đại học Y Dược, BV Hùng Vương... 14 giờ, tại đây không một bóng BN ra vào, bên trong 2 nhân viên ngồi nói chuyện. Trưởng TYT đang họp trên phường.

Theo các nhân viên, trạm có 5 người, chủ yếu làm các chương trình quốc gia như tiêm vắc xin, chống dịch, quản lý bệnh mạn tính...; còn khám chữa bệnh(KCB) thì lâu lâu mới có người đến rửa vết thương, thay băng… và 1 tháng tổng cộng chỉ KCB, tiêm chủng cho khoảng 40 người. Trong tủ thuốc của trạm có vài viên giảm đau hạ sốt, thuốc cấp cứu... 

“Muốn KCB cũng không được vì trạm không có BS chỉ định”, nhân viên ở trạm nói và cho biết họ phải làm các chương trình y tế nhưng mỗi tháng lương chưa đến 6 triệu đồng; một ngày đêm trực chỉ có 25.000 đồng.

 “Thay băng 70.000 đồng/lần, nhưng trạm chưa bao giờ dám lấy 70.000/lần nên kêu BN ra ngoài mua bông băng, trạm chỉ lấy tiền công 20.000 đồng/người. Còn đo huyết áp thì miễn phí. BN đến TYT chủ yếu là người nghèo”, y sĩ Nguyễn Thanh Thảo, Trạm trưởng TYT P.12 (Q.5), chia sẻ.

10 giờ ngày 15.5, TYT P.Bến Thành (Q.1, cách BV đa khoa Sài Gòn không xa) không một BN. Y sĩ Trương Thị Thanh Thúy, Trưởng trạm, cho biết trạm có 7 người, bao gồm 1 BS. Mỗi ngày trạm KCB 7 - 8 người như viêm họng, cao huyết áp, chăm sóc vết thương… Khi không có BN thì mọi người ở đây làm các chương trình quốc gia. Do trạm chưa ký hợp đồng với bảo hiểm y tế nên BN đến khám thì được kê toa và ra ngoài mua thuốc. Nhân viên kiêm nhiệm nhiều việc, có người vừa làm xét nghiệm, kiêm thủ quỹ thu tiền và làm luôn các chương trình quốc gia, kể cả trưởng trạm cũng làm đủ thứ, nhưng lương người cao nhất chỉ 6 - 7 triệu đồng/tháng, còn trung bình là 4 - 5 triệu đồng/tháng. Gần 11 giờ có một nam BN đến TYT hỏi thuốc viêm họng, được BS khám, kê toa và đề nghị… ra ngoài mua thuốc. Tiền khám miễn phí. Từ sáng đến 11 giờ ngày 15.5, TYT P.Bến Thành phục vụ 3 BN đến KCB.

Lãng phí nếu không đổi mới cách làm

Trước thực trạng các TYT phát triển không đồng đều, đặc biệt là TYT trung tâm TP vắng BN, mới đây, tại buổi khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM lấy ý kiến góp ý về 8 năm thực hiện luật KCB, có đại biểu cho biết nhiều cử tri thắc mắc TP.HCM có nên giữ mỗi phường/xã có một TYT không, vì các BV trên địa bàn dày đặc?PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, giải thích: TP có 319 TYT phường/xã trực thuộc 24 trung tâm y tế quận, huyện. Ngoài chức năng KCB ban đầu, các TYT còn nhiều chức năng: phòng chống dịch bệnh, y tế công cộng, quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia và lập hồ sơ và quản lý sức khỏe điện tử của từng người dân trên địa bàn. “Mỗi TYT trung bình có 6 - 7 nhân viên, với một khối lượng công việc không nhỏ.

Việc tồn tại TYT cho mỗi phường, xã là bắt buộc, thậm chí cần bổ sung nhân lực cho TYT theo quy mô dân số của mỗi phường, xã vì sắp tới việc quản lý hồ sơ sức khỏe sẽ quản lý tại TYT nên khối lượng công việc rất lớn”, ông Thượng nói.

Tồn tại là “bắt buộc”, nhưng cứ để TYT đìu hiu BN vậy có lãng phí? PGS-TS Thượng cho rằng cách cũ trong hoạt động KCB tại các TYT làm mất niềm tin và khó thu hút người dân đến KCB ban đầu. Đó là do không có BS thường trực tại TYT.

Thứ đến là thiếu phương tiện chẩn đoán, thiếu thuốc nên TYT phải giới thiệu người bệnh đến BV để lãnh thuốc; phân công cố định BS về TYT công tác, nhưng do thu nhập thấp nên khó tuyển và khó giữ chân; BS công tác KCB tại TYT cảm giác “đơn lẻ một mình” trong hoạt động KCB; chưa đa dạng hóa phương thức KCB...

“Sở Y tế TP cũng đã họp các chuyên gia đầu ngành để đánh giá và kết luận: TYT có nhiều chức năng quan trọng và cần phải có hoạt động KCB, như quản lý bệnh mạn tính không lây nhiễm (tăng huyết áp, tiểu đường...), các chương trình mục tiêu quốc gia (lao, phong, HIV, tâm thần), chương trình tiêm chủng, y tế học đường, dinh dưỡng cộng đồng...; nhưng phải đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng KCB. Muốn vậy đòi hỏi phải có nguồn lực, lộ trình thực hiện và dứt khoát không làm theo cách cũ”, ông Thượng nói.

Cụ thể, theo lãnh đạo Sở Y tế, sẽ đổi mới hoạt động TYT theo nguyên lý y học gia đình. Tại các TYT được chọn thí điểm, đầu tư đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhất là nguồn nhân lực BS, kết nối BS của TYT với BS chuyên khoa tại các BV tuyến trên. Khi thí điểm hiệu quả thì sẽ triển khai cho các TYT còn lại.

Đầu tư tiền tỉ, bệnh nhân vẫn... lèo tèo

Tại TP.HCM, TYT P.Tân Quý (Q.Tân Phú) được Bộ Y tế chọn làm TYT điểm đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. TYT này được đầu tư bài bản, có 2 BS trực KCB để thu hút BN, nhưng quý 1/2019 trạm chỉ khám được 1.573 BN, tính ra mỗi ngày chỉ có khoảng 17 BN.

Ngoài TYT P.Tân Quý được Bộ Y tế đầu tư thì ngành y tế TP.HCM cũng chọn 23 TYT ở 23 quận/huyện để thí điểm mô hình tương tự, mỗi TYT được đầu tư 1,7 tỉ đồng sửa chữa cơ sở vật chất, chưa kể đầu tư trang thiết bị. TYT P.13 (Q.Bình Thạnh) là nơi đầu tiên của TP thí điểm và từ tháng 11.2018 đến nay mỗi ngày trung bình tại TYT này có 20 - 30 BN đến KCB. Ngoài ra còn các BN vãng lai đến trị cảm sốt, đau dạ dày, khớp… “Trước giờ người dân không biết TYT làm gì nên không đến và TYT chủ yếu là tiêm chủng. Sau này, khi trạm được đầu tư, mỗi ngày có 2 - 3 BS trực KCB thì BN biết và đến từ từ. Qua hoạt động cho thấy TYT rất cần thiết cho người già, người neo đơn”, BS Lê Hoài Nam, Trưởng TYT P.13 (Q.Bình Thạnh), nói.

Một mô hình khác được TP cho thí điểm là xã hội hóa TYT. Phòng khám đa khoa DHA Medic đầu tiên đặt tại TYT P.11 (Q.3) và sau đó mở rộng ra một số quận huyện khác. Tuy nhiên, đến nay số BN đến các điểm này vẫn chưa được như kỳ vọng.

Thực tế nêu trên đặt ra cho TP bài toán đổi mới TYT cần được cân nhắc kỹ hơn, nếu không sẽ lại trở nên lãng phí.

9. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp chẩn đoán, điều trị hiệu quả hơn

Tại hội nghị ứng dụng các giải pháp thông minh trên nền tảng số vào quản lý bệnh viện tổ chức chiều 18/5 tại TP.HCM, TS-BS Bùi Quốc Thắng, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị về trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo TS-BS Thắng, khi y học hiện đại phát triển, tất cả quá trình khám bệnh, chẩn đoán và điều trị đều phải dựa trên bằng chứng cụ thể gọi là y học thực chứng. Để đánh giá hiệu quả của việc chẩn đoán và điều trị, các phương pháp thống kê y học phát triển mạnh mẽ hỗ trợ cho nghiên cứu, giúp người thầy thuốc hiểu rõ hơn về bệnh lý và làm cơ sở để cải tiến các phương pháp điều trị.

Các kết quả này được viết thành báo cáo và chia sẻ trên các tạp chí khoa học, giúp các bác sĩ trẻ tiếp cận được những kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn với độ tin cậy cao.Đặc điểm của y học thực chứng là nghiên cứu trên càng nhiều bệnh nhân thì khả năng ứng dụng kết quả càng cao. Tuy nhiên, việc mở rộng nghiên cứu đa trung tâm và xử lý lượng thông tin y khoa lớn (big data) gây khó khăn cho các nhóm nghiên cứu, bên cạnh đó việc nhiều nhóm khác nhau cùng thu thập số liệu cho một công trình thì sự sai sót do yếu tố con người là điều có khó tránh khỏi.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào ngành y, các thiết bị y tế hiện đại ghi nhận thông tin y tế ngày càng chính xác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) xử lý big data sẽ giúp quá trình chẩn đoán, điều trị hiệu quả hơn.

TS-BS Thắng dẫn chứng, đầu năm 2019, lần đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện 115 TP.HCM ứng dụng thành công hệ thống Modus VTM vào phẫu thuật thần kinh. Đây không phải là dùng robot để phẫu thuật mà là sử dụng một thiết bị chụp cộng hưởng từ (MRI) tại chỗ giúp bác sĩ nhìn rõ phẫu trường và tiếp cận nhanh chóng khối u.

Nhưng chính cỗ máy robot Modus VTM đã dùng AI xử lý hình ảnh, nhận diện vị trí dụng cụ mổ và hình thái khối u để điều chỉnh các góc phẫu trường thích hợp giúp phẫu thuật viên có thể định vị chính xác tránh những sai lầm trong lúc thao tác. Việc phẫu thuật được tiến hành nhanh hơn, hiệu quả hơn, giảm nguy cơ tai biến, tuy nhiên kỹ năng của phẫu thuật viên vẫn đóng vai trò quan trọng trong thành công của ca mổ.Hệ thống IBM Watson for Oncology là một minh chứng cho việc ứng dụng AI phân tích lượng lớn thông tin y học từ hàng triệu bệnh nhân ung thư tại 230 bệnh viện ở 13 quốc gia trên thế giới và kết hợp với các báo cáo nghiên cứu liên quan tới kết quả điều trị giúp gợi ý những phác đồ thích hợp. Bộ Y tế vì vậy đã lập hội đồng đánh giá hiệu quả của hệ thống này vào giữa tháng 11-2018.

Kết quả ban đầu cho thấy, việc gợi ý phương pháp điều trị của hệ thống và bác sĩ là khá tương đồng, chứng tỏ rằng hệ thống IBM Watson for Oncology có ưu điểm là nhanh chóng đưa ra phác đồ điều trị gợi ý với độ chính xác cao sau khi nhập vào đầy đủ thông tin. Điều này có ích trong việc đào tạo nâng cao năng lực thực hành cho các bác sĩ trẻ, nhưng chưa thể thay thế bác sĩ trong giai đoạn hiện nay. Tuy vậy, các hệ thống tương tự ngày càng được nghiên cứu và phát triển.

"Tuy AI hiện tại chỉ tham gia với vai trò tư vấn, đào tạo trong y khoa, chưa thể thay thế vai trò của bác sĩ; nhưng ứng dụng AI để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng cho thấy những lợi ích rõ ràng hơn, thông qua việc chẩn đoán sớm bệnh lý từ các triệu chứng gợi ý giúp điều trị kịp thời, tránh tai biến và giảm chi phí y tế", TS-BS Thắng nhấn mạnh.

  1. Quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế vẫn nhiều khó khăn

Mặc dù tốc độ bao phủ bảo hiểm y tế đang phát triển tích cực, tuy nhiên quá trình thực hiện chích sách bảo hiểm y tế vẫn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc cần sớm phải được tháo gỡ nhằm đạt mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.  

Tại hội nghị Giao ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) quý I/2019, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã cùng thảo luận đánh giá khái quát công tác quản lý Nhà nước và công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2018 và quý I/2019, chính sách BHYT có nhiều thay đổi với nhiều Nghị định, Thông tư mới, quan trọng trong lĩnh vực này được ban hành như: Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT; Thông tư số 15/2018/TT-BYT và Thông tư số 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá dịch vụ KCB trong một số trường hợp…

Ngoài ra, có nhiều văn bản, đề án khác cũng đang được xây dựng, hoàn thiện như: Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 146/2018/NĐ-CP; Thông tư bổ sung, sửa đổi Thông tư 30 về danh mục thuốc BHYT; Thông tư hướng dẫn việc thanh toán chi phí KCB theo định suất; Đề án sửa đổi Luật BHYT; Thông tư hướng dẫn thẩm định điều kiện ký hợp đồng KCB ban đầu, chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng và một số trường hợp thanh toán chi phí KCB…

Báo cáo từ BHXH Việt Nam còn cho biết, đến hết quý I/2019 cả nước có 83,4 triệu người tham gia BHYT; hơn 41,7 triệu lượt KCB BHYT, tăng 1,47 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2018; số chi KCB BHYT là 22.697 tỷ đồng, tăng 794 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, tỷ lệ liên thông dữ liệu KCB BHYT toàn quốc đã đạt 97,82%. Hồ sơ gửi lên hệ thống đúng ngày đạt 79,3%, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh những thuận lợi, quá trình thực hiện chính sách BHYT gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Nghị định 146/2018/NĐ-CP và Thông tư số 39/2018/TT-BYT hiện có 2 mẫu giấy chuyển tuyến KCB BHYT theo quy định cũ và mới; chưa rõ trong việc xác định tiêu chí KCB theo yêu cầu. Mặt khác, khó khăn trong xác định tổng mức thanh toán KCB BHYT; vướng mắc trong thanh toán đối với phẫu thuật sử dụng phương pháp vô cảm gây tê hay quy định cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề KCB tại cơ sở y tế tư nhân của bác sĩ đang công tác tại bệnh viện công lập…

BHXH Việt Nam là cơ quan được giao tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, vì vậy, đánh giá về công tác thực hiện chính sách BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ông Phạm Lương Sơn cho hay, qua thực tế, BHXH Việt Nam đã phát hiện một số tồn tại, vướng mắc và luôn kịp thời kiến nghị Bộ Y tế và các đơn vị liên quan để tìm cách khắc phục, tháo gỡ. Theo đó, đối với những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, phía BHXH Việt Nam luôn mong muốn Bộ Y tế sớm chỉ đạo, phối hợp cùng giải quyết.Theo ông Phạm Lương Sơn, trên cơ sở các văn bản, ý kiến thảo luận, trao đổi, thống nhất giữa 2 ngành, cần sớm có văn bản hướng dẫn để các địa phương, cơ sở y tế thực hiện. Đặc biệt, các phương án xử lý cần phải linh hoạt, nhất quán, khả thi cao, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh và quản lý an toàn, hiệu quả quỹ BHYT.

Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện BHXH Việt Nam đang thực hiện tốt việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành với nguồn dữ liệu tập trung toàn quốc. Do đó, việc chia sẻ thông tin giữa hai ngành là rất có giá trị. Tuy nhiên, trong chia sẻ thông tin, các đơn vị của Bộ Y tế cần xác định rõ số liệu, thông tin cần chia sẻ đảm bảo nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm thời gian, nguồn lực của hai ngành.

Còn đối với giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách BHYT, trong đó tập trung vào các hạn chế về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, danh mục thuốc, vật tư y tế, đấu thầu thuốc tập trung, điều trị nội trú, tổ chức hoạt động của các phòng khám đa khoa khu vực… Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện Bộ Y tế đang yêu cầu các Vụ, Cục của Bộ này khẩn trương phối với các đơn vị liên quan của BHXH Việt Nam rà soát, giải quyết ngay các vướng mắc để báo cáo lãnh đạo hai ngành.

Bộ Y tế thống nhất với BHXH Việt Nam cùng chung sức tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT để hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.

  1. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi bằng BHYT

Chiếm trên 11% trong tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), người cao tuổi được Nhà nước quan tâm chăm sóc sức khỏe thông qua việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng từ 80 tuổi trở lên.

Việt Nam đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng, tỷ lệ người cao tuổi gia tăng nhanh, bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Theo đó, tỷ lệ người cao tuổi tham gia BHYT trên tổng số đối tượng chiếm trên 11% và tăng dần qua các năm. Năm 2016 cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT cho người cao tuổi là 8,8 triệu người; năm 2017 là 9,8 triệu người và năm 2018 là trên 11 triệu người (con số này chưa bao gồm đối tượng người cao tuổi là thân nhân quân nhân do BHXH Bộ Quốc phòng cấp thẻ BHYT).

Là nhóm đối tượng đã suy giảm nhiều về thể lực sau thời gian dài lao động và cống hiến, người cao tuổi là nhóm có tần suất khám chữa bệnh (KCB) và chi phí KCB bình quân cao hơn các nhóm đối tượng khác do bệnh ở tuổi già chủ yếu là các bệnh mạn tính (như tim mạch, huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, thoái hóa khớp…) phải điều trị suốt đời và điều trị nhiều bệnh cùng lúc; tính chất bệnh nặng... Thời gian qua, quỹ khám, chữa bệnh BHYT đã bảo đảm tốt quyền lợi cho người cao tuổi có BHYT.

Cụ thể, năm 2017, có 52,8 triệu lượt KCB của người cao tuổi (chiếm tỷ lệ 31,4% số lượt KCB trên toàn quốc), với chi phí là 35.500 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40,2% tổng chi toàn quốc). Năm 2018, ước tính có khoảng 57 triệu lượt KCB của người cao tuổi (chiếm tỷ lệ khoảng 34% số lượt KCB trên toàn quốc).

Với đặc điểm thể chất, người cao tuổi cần có những dịch vụ y tế đặc thù phù hợp với mô hình bệnh tật của người cao tuổi là các bệnh mạn tính, cần được điều trị theo dõi tại tuyến y tế gần nơi cư trú đó là các trạm y tế xã phường. Đồng thời, cần có các chuyên ngành riêng điều trị các bệnh lý của người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam mới có duy nhất 1 bệnh viện chuyên khoa khám chữa bệnh cho người cao tuổi là Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Các cơ sở y tế tuyến dưới chưa phát triển các dịch vụ theo hướng chuyên sâu cho người cao tuổi mà cùng chung với các bệnh nhân mắc bệnh nội khoa, ngoại khoa, các chuyên khoa khác.

Vừa qua Bộ Y tế đã triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản tại Trạm y tế xã theo Thông tư 39, Danh mục thuốc điều trị các bệnh tại tuyến y tế cơ sở được mở rộng, theo đó các bệnh mạn tính được quản lý theo dõi tại đây, tạo thuận lợi cho người cao tuổi trong khám và điều trị các bệnh mạn tính tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn. Bộ Y tế cũng đang triển khai mô hình bác sỹ gia đình sẽ giúp cho việc theo dõi điều trị các bệnh của người cao tuổi tại nhà được tốt hơn. Một số bệnh viện đã triển khai các Khoa, các Trung tâm điều trị các bệnh liên quan đến người cao tuổi: đột quỵ, Anzeimer…

Như vậy, dịch vụ khám chữa bệnh BHYT đối với người cao tuổi ở Việt Nam đã được quan tâm hơn nhưng vẫn còn những hạn chế cần phải được nghiên cứu khắc phục, tạo thuận lợi hơn nữa cho người bệnh cao tuổi, nhất là tuyến y tế cơ sở tại các vùng nông thôn.

Hiện các bệnh mạn tính cũng đã được triển khai, tập huấn chuyển giao từ các bệnh viện, thực hiện cung ứng thuốc theo gói DVYT cơ bản tại TYT xã, giúp người cao tuổi thuận lợi hơn trong KCB, kịp thời điều trị các bệnh mạn tính cũng như các bệnh của người cao tuổi gần nơi cư trú, đồng thời giúp giảm chi phí cơ hội do đi lại, vận chuyển … cho người cao tuổi và gia đình.

Để bảo đảm tốt nhất việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, việc mở rộng, sớm hoàn thành tỷ lệ bao phủ BHYT đến 100% đối tượng này có ý nghĩa quan trọng. Hiện người cao tuổi đang tham gia BHYT theo các đối tượng: Người cao tuổi là người trên 60 tuổi, vẫn đang làm việc tại các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp: người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHYT cho người cao tuổi; Người cao tuổi thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông lâm ngư diêm nghiệp có mức sống trung bình... tham gia BHYT theo nhóm đối tượng hộ gia đình; Người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên được ngân sách nhà nước cấp thẻ BHYT. Tại một số địa phương đã cấp ngân sách mua thẻ BHYT cho người cao tuổi từ 75 đến dưới 80 tuổi. Thời gian tới, để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với người cao tuổi cần có giải pháp huy động sự hỗ trợ từ các nguồn khác hoặc có lộ trình giảm dần độ tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí cho người cao tuổi…

Để thuận tiện khi khám, chữa bệnh BHYT và được chăm sóc sức khỏe tốt hơn đối với người cao tuổi, hiện đối tượng này được đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện thuận tiện với nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB. Người cao tuổi được đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến trung ương khi có khả năng đáp ứng được việc tiếp nhận đăng ký KCB ban đầu. Riêng đối với người cao tuổi trên 80 tuổi được đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiệu quả hơn khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phải sớm triển khai các chuyên ngành điều trị các bệnh đặc thù tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Đối với một số bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch, tiểu đường…thì tập huấn, chuẩn bị đầy đủ điều kiện triển khai chương trình quản lý bệnh mãn tính tại tuyến y tế cơ sở tất cả các địa phương. Đồng thời, Bộ Y tế sớm có quy định pháp lý về hoạt động của mô hình bác sỹ gia đình giúp quản lý điều trị hiệu quả các bệnh thông thường, các bệnh mạn tính cho người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng

12.Nắng nóng - dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại

Thời gian gần đây, thời tiết tại miền Bắc đang có nhiều thay đổi thất thường, nắng nóng khiến nền nhiệt tăng cao gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của người dân. Thời tiết thay đổi cũng tạo điều kiện thuận lợi khiến các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát trở lại.

Xem nhiều nhất

Gia tăng dịch bệnh

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến nay toàn thành phố đã ghi nhận hơn 1.100 trường hợp mắc sởi. Một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Trì. Đối với sốt xuất huyết, đến nay đã có 204 trường hợp mắc bệnh và 228 trường hợp mắc tay chân miệng. Có 6 ổ dịch tay chân miệng tại Đống Đa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thạch Thất, trong đó ổ dịch nhiều bệnh nhân nhất là tại xã Phù Lưu Tế (Mỹ Đức) với 8 bệnh nhân mắc.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, tính đến nay, các quận, huyện đều đã hoàn thành chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết đợt 1. Toàn thành phố tổ chức được 375 chiến dịch vệ sinh môi trường tại cộng đồng, kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tại gần 100 trường học từ mầm non đến đại học, trên đại học.

Theo các chuyên gia y tế, các dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới vẫn có nhiều diễn biến phức tạp và có nhiều nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam như cúm A/H7N9, MERS-CoV. Trong khi đó, một số bệnh có vaccine dự phòng như sởi, ho gà, bạch hầu vẫn có nguy cơ xảy ra ở người. Đáng lo ngại, dịch bệnh lưu hành địa phương như sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ tiếp tục gia tăng do thời tiết, khí hậu thuận lợi cho virus gây bệnh sinh sôi, phát triển.

PGS. TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho hay: thời tiết nắng nóng, mưa nhiều sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát triển, đặc biệt là sốt xuất huyết. Mùa hè là thời gian gia tăng các hoạt động đi lại, du lịch, buôn bán, vận chuyển gia cầm cũng làm lây lan các bệnh truyền nhiễm như: cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, viêm não,…

Theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - có tới 10 loại bệnh truyền nhiễm dễ gia tăng và lây lan nhanh trong thời tiết nắng nóng gồm cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, lỵ, thuỷ đậu, adeno virus, lỵ amip, rubella, viêm não virus, trong đó, người dân cần đặc biệt chú ý tới dịch sởi. Cũng theo ông Trần Đắc Phu, Tổ chức Y tế Thế giới vừa đưa ra cảnh báo về số trường hợp mắc sởi trong 3 tháng đầu năm 2019 trên thế giới đã tăng lên 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam nằm trong bối cảnh chung của thế giới.

Nhiều bệnh nhân đột quỵ phải nhập viện

PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai - cho biết: trong những ngày nắng nóng đầu tiên của mùa hè, có ngày bệnh viện vừa tiếp nhận tới vài chục ca đột quỵ vào để cấp cứu. Số lượng bệnh nhân nặng không ngừng tăng vọt khiến các bác sĩ phải làm việc cật lực từ sáng sớm đến tối muộn.

Không chỉ với người mắc các bệnh lý nền mà ngay cả đối với người trẻ, hoạt động thể lực cường độ cao cũng mắc đột quỵ. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, trong đợt nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, có một nam bác sĩ trẻ (đang làm việc tại một bệnh viện của Hà Nội) khi đang đá bóng ngoài trời nắng bất ngờ ngã lăn ra sân, ngất xỉu rồi nhanh chóng rơi vào trạng thái hôn mê. Bệnh nhân được chẩn đoán phình mạch máu não. Mặc dù đã tiến hành cấp cứu ngay lập tức nhưng không thể cứu sống và đã tử vong ngay sau đó.

Theo các bác sĩ, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, điều kiện khắc nghiệt làm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ phát huy, tác động mạnh mẽ đến người bệnh, khiến nguy cơ đột quỵ cao hơn. Bên cạnh đó, thời tiết nóng bức sẽ gây căng thẳng, khó chịu, người bệnh quên uống thuốc, ngại đi khám... dẫn đến tình trạng bất ổn tăng lên.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng còn gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ nhỏ. Theo thông tin tại một số cơ sở y tế nhi khoa trên cả nước, số lượng bệnh nhi nhập viện để điều trị các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp không ngừng tăng cao.

Thời gian tới, dự báo tình hình nắng nóng gay gắt trên cả nước sẽ tiếp tục diễn ra. Các bác sĩ khuyến cáo, mỗi người phải biết bảo vệ mình trong điều kiện môi trường nắng nóng khắc nghiệt. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 16 giờ là thời điểm nhiệt độ môi trường tăng cao nhất trong ngày, người dân nên hạn chế đi lại, vận động ở ngoài trời nếu không thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, cần chú ý mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng.

Để chủ động phòng, chống các bệnh liên quan đến đường tiêu hoá trong thời tiết nắng nóng, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai - khuyến cáo người dân nên tuân thủ việc ăn chín, uống chín, uống nhiều nước và bổ sung hoa quả để tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, không nên uống quá nhiều nước đá lạnh; không nên nằm quạt, máy lạnh lâu, hạn chế đi ra ngoài đường ngoài trời nóng, vào lúc nhiệt độ cao khi không thật cần thiết.

Bên cạnh đó, biện pháp để phòng bệnh tốt nhất chính là tiêm chủng. Theo ông Trần Đắc Phu, hiện nay, các bệnh thường xuất hiện trong mùa hè phần lớn đã có các vaccine phòng bệnh. Do đó, người dân cần quan tâm hơn tới vấn đề này. Bởi nếu ngừng tiêm chủng hoặc tiêm chủng tỷ lệ thấp thì thành quả khống chế, loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong hàng chục năm qua ở nước ta sẽ bị phá vỡ và dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại, lây lan nhanh trên diện rộng, đe doạ đến sức khoẻ của người dân và của cả cộng đồng.

“Nếu tiêm chủng tỷ lệ thấp hoặc ngừng tiêm chủng thì hàng rào miễn dịch bị phá vỡ, tỷ lệ tiêm chủng thấp, không đủ người có miẽn dịch trong cộng đồng, mầm bệnh dễ dàng lây lan nhanh. Khi đó, tất cả nhũng người chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh. Những trẻ chưa đủ điều kiện để tiêm chủng (chưa đến tuổi tiêm chủng, trẻ đang mắc bệnh nặng, trẻ trong giai đoạn tạm hoãn tiêm chủng, trẻ chống chỉ định tiêm vaccine…) sẽ bị tấn công với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao”. 

 

 

13. Bệnh sởi trên toàn cầu tăng cao và khuyến cáo phòng tránh cho người dân Việt Nam

Theo Cục Y tế Dự phòng - Bô Y tế, bệnh sởi trên thế giới, trong đó có Việt Nam phát triển mạnh từ đầu năm tới nay. Cơ quan này khuyến cáo cộng đồng cần có các cách thức phòng tránh hiệu quả với bệnh sởi.

Bệnh sởi tăng cao trên toàn thế giới

Một số liệu thống kê chưa đầy đủ trên toàn thế giới cho thấy, ngay trong những tuần đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi có xu hướng tăng cao tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 4 tháng đầu năm 2019, 170 nước trên thế giới đã ghi nhận các ổ dịch sởi với ít nhất 112.163 trường hợp mắc, trong đó có nhiều nước có số trường hợp mắc cao như: Công hòa dân chủ Congo, Madagascar, Sudan, Ethiopia, Yemen, Ukraine, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Myanmar, Philippines, Thailand and India, Pakistan, và Brazil.

Đánh giá của WHO cho thấy, số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, đặc biệt tại châu Phi cao nhất tới 700%, so với cùng kỳ năm 2018. Sự gia tăng số mắc sởi đã thành xu hướng rõ ràng trên phạm vi toàn cầu với các ổ dịch sởi tại nhiều quốc gia. Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra việc e ngại sử dụng vắc xin phòng sởi là mối đe dọa lớn toàn cầu. 

Quốc gia có nền y học phát triển hàng đầu trên thế giới như Hoa Kỳ, sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi, ngay trong đầu năm 2019 đã ghi nhận các ổ dịch sởi tại 22/50 bang với 695 trường hợp mắc; đây là số trường hợp mắc cao nhất trong vòng 25 năm qua kể từ năm 1994, trong khi đó Hoa Kỳ đã công bố loại trừ bệnh sởi từ năm 2000. Nguyên nhân bệnh sởi gia tăng mạnh ở Hoa Kỳ là do tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp, mới đạt khoảng 91,9% so với yêu cầu đạt tối thiểu 95% để ngăn ngừa sự lây lan của vi rút sởi.

Còn tại Madagascar đã ghi nhận hơn 69.000 trường hợp mắc sởi với 1.200 trường hợp tử vong liên quan đến sởi, đây là vụ dịch sởi lớn nhất tại Madagascar từ trước đến nay; tại Ukraine đã ghi nhận hơn 72.000 trường hợp mắc, trong khi đó cả năm 2018 tại Ucraina ghi nhận 53.218 trường hợp mắc và năm 2017 ghi nhận 4.782 trường hợp mắc; Philippines ghi nhận 28.362 trường hợp mắc, trong đó có 389 trường hợp tử vong.

Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có 9 quốc gia đã công bố loại trừ bệnh sởi, tuy nhiên trong năm 2019 đều đã ghi nhận các trường hợp mắc sởi như: Australia, Brunei Darussalam, Cambodia, Hong Kong SAR (China), Macao SAR (China), Japan, New Zealand, Hàn Quốc và Singapore.

Khuyến cáo của WHO về bệnh sởi

WHO khuyến cáo, sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nhất thế giới, với khả năng cực kỳ nghiêm trọng.

Trong năm 2017, năm gần đây nhất có ước tính, nó đã gây ra gần 110 000 ca tử vong. Ngay cả ở các nước thu nhập cao, các biến chứng dẫn đến nhập viện trong một phần tư trường hợp và có thể dẫn đến tàn tật suốt đời, từ tổn thương não và mù lòa đến mất thính giác.

Bệnh gần như hoàn toàn có thể phòng ngừa được thông qua hai liều vắc-xin an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, trong vài năm, phạm vi bảo hiểm toàn cầu với liều vắc-xin sởi đầu tiên đã bị đình trệ ở mức 85%. Điều này vẫn còn thiếu 95% cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh và khiến nhiều người, trong nhiều cộng đồng gặp nguy hiểm. Bảo hiểm liều thứ hai, trong khi tăng, ở mức 67 %.

Ngoài ra, các phương pháp phù hợp để đảm bảo các dịch vụ tiêm chủng đáp ứng nhu cầu của mọi người - đảm bảo rằng các phòng khám có thể tiếp cận được với mọi khu vực, vào đúng thời điểm và cho tất cả các nhóm dân cư - đặc biệt là những người phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và bất lợi.
Phạm vi bảo hiểm của liều vắc-xin thứ 2 cũng cần tăng trên toàn cầu, để tối đa hóa sự bảo vệ của người dân chống lại căn bệnh này. Ngày nay, 25 quốc gia vẫn cần thực hiện phần thứ 2 trong chương trình tiêm chủng thiết yếu của họ.

Bệnh sởi phát triển mạnh ở Việt Nam

Vào thời điểm đầu tháng 3/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Chỉ thị về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi.

Theo Chỉ thị này, Bộ Y tế nhận định bệnh sởi đã gia tăng mạnh ở Việt Nam từ tháng 10/2018. 

Theo đánh giá của Bộ Y tế, ở nước ta đã có 59/63 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi rải rác, chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc sởi ở người lớn. Trong số các trường hợp mắc sởi có đến 98,7% có tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi. Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp và những đô thị có dân số di biến động lớn nên có nguy cơ cao bùng phát dịch. 

Phòng tránh bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

3. Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể và đến những nơi tập trung đông người ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh. 

4. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

5. Người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần chủ động đi tiêm vắc xin sởi (vắc xin sởi, MR, MMR) tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.  

14. Nhiều ca mắc viên não Nhật Bản, bác sĩ cảnh báo nguy hiểm

Liên tiếp nhiều trường hợp mắc viêm não Nhật Bản phải nhập viện điều trị trong tình trạng nặng. Bác sĩ cảnh báo viêm não Nhật Bản đang gia tăng trở lại, đe dọa sức khỏe những người chưa được chủng ngừa trong cộng đồng.

Thập tử nhất sinh vì chưa được chích ngừa

Ngày 18/5, tại khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM đang điều trị cho trường hợp bệnh nhi Lê Quốc H. (11 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng). BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa cho hay: “khoảng 2 tuần trước, bệnh nhân có biểu hiện sốt, nhức đầu ở ngày thứ 2 của bệnh bé tiếp tục sốt cao, rối loạn tri giác, lơ mơ, không tiếp xúc. Bệnh nhi được gia đình đưa đến Bệnh viện tỉnh Lâm Đồng cấp cứu sau đó tiếp tục chuyển xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới”.

Khi vào viện, bệnh nhi đã trong tình trạng mê sâu, suy hô hấp, nguy kịch tính mạng. Bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp, hồi sức đồng thời thức hiện các xét nghiệm tìm tác nhân, chụp MRI, phối hợp điều trị nội khoa tích cực. Các kết quả kiểm tra hình ảnh và xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi bị tổn thương thân não vùng đồi thị do vi rút. Xét nghiệm vi sinh xác định bệnh nhi dương tính với viêm não Nhật Bản B.Sau 2 tuần điều trị tích cực, bệnh nhi vẫn trong tình trạng mê sâu, thang điểm glasgow đánh giá tri giác đạt khoảng 6 điểm (bình thường là 15 điểm). Phân tích chuyên môn của BS Tứ Quí cho thấy, đây là ca bệnh rất nặng, việc điều trị rất khó khăn, thời gian nằm viện kéo dài. Nếu bệnh nhân may mắn qua nguy kịch cũng sẽ phải đối mặt với di chứng thần kinh khiến trẻ rơi vào tình trạng sống thực vật suốt phần đời còn lại.

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ thân nhân bệnh nhi được biết, khu vực gia đình sinh sống ở khu vực nông thôn. Do hoàn cảnh kinh tế nên cha mẹ bệnh nhi ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế. Từ khi chào đời đến nay, bệnh nhi mới chỉ được chích các loại vắc xin thông thường trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chưa chích ngừa vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản.

Bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh

Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm trùng của não do vi rút gây ra với các triệu chứng thường gặp gồm nhức đầu, nôn ói, sốt, lú lẫn và co giật. Tình trạng này xảy ra khoảng 5 đến 15 ngày sau khi nhiễm.

Lợn và chim hoang dã là nguồn chứa vi rút gây viêm não Nhật Bản, bệnh đa số truyền qua muỗi đặc biệt ở loài muỗi culex (còn gọi là muỗi ruộng) nên nhóm đối tượng mắc bệnh thường tập trung ở vùng ngoại ô thành phố, nông thôn. Viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng dịch thường xảy ra vào các tháng mùa hè, thời điểm chim di trú và mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Thống kê sơ bộ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho thấy, từ đầu năm đến nay tại đây đã tiếp nhận, điều trị khoảng 20 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. BS Phan Tứ Quí cho hay, viêm não Nhật Bản là bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong lên tới 30%, tỷ lệ di chứng chiếm khoảng 50%. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên bác sĩ chỉ tiến hành điều trị triệu chứng. Một ca viêm não Nhật Bản nặng phải tiến hành hồi sức, thở máy, dịch truyền, điều trị rối loạn tuần hoàn, bội nhiễm, kháng sinh… thời gian điều trị kéo dài, chi phí có thể tốn cả trăm triệu nhưng khả năng bình phục rất thấp.Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng bệnh đã có vắc xin phòng ngừa, từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin viêm não Nhật Bản. Sau thời gian trên, chiến lược truyền thông được đẩy mạnh, tỷ lệ chích ngừa trong cộng đồng ở mức cao nên số ca nhiễm bệnh giảm thấp. Tuy nhiên, từ những năm 2015 trở lại đây, số ca viêm não Nhật Bản ở cả trẻ em và người lớn đang gia tăng trong cộng đồng.  

BS Tứ Quí khuyến cáo cộng đồng, ngoài việc chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, ngủ mùng, không để bị muỗi đốt thì vắc xin phòng bệnh là giải pháp hiệu quả để tránh nguy cơ mắc viêm não Nhật Bản.

Hiện vắc xin viêm não Nhật Bản là loại vắc xin dịch vụ nhưng chi phí rất rẻ (khoảng 100.000 đồng cho 3 mũi). Cộng đồng cần chích ngừa vào các thời điểm: mũi thứ nhất lúc 12 tháng tuổi trở lên (người trưởng thành cũng cần chích); mũi 2 chích sau mũi đầu 1 tháng; mũi thứ 3 sau mũi thứ hai 12 tháng. Ở nhóm bệnh nhi sau 3 đến 4 năm cần tiêm nhắc một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

  1.  Nhiều người nhập viện vì say nắng, say nóng, bác sĩ khuyến cáo cách xử trí

ANTD.VN - Trong những ngày nắng nóng vừa qua, tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã tiếp nhận một số trường hợp đang đi ngoài đường bị say nắng, say nóng, sốc nhiệt, được người dân đưa vào cấp cứu.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bệnh nhân say nắng, say nóng thường gặp vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm và hay xảy ra với những người phải làm việc hoặc đi quá lâu ở ngoài trời nắng, nhiều tia nắng chiếu thẳng vào vùng cổ, gáy. 

Khi bị sốc nhiệt, người bệnh không chỉ sốt cao, mặt mũi đỏ, vã mồ hôi, mạch nhanh, có biểu hiện rối loạn thần kinh (mất phương hướng, ảo giác, lẫn lộn, co giật, hôn mê...) mà còn có nguy cơ để lại những tổn thương não không thể hồi phục, thậm chí tử vong.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện cho biết, vào các đợt nắng nóng gay gắt, khoa tiếp nhận không ít trường hợp đang đi ngoài đường nóng thì ngất xỉu, sốc nhiệt, được người dân đưa vào cấp cứu.

Đáng chú ý, không chỉ trẻ em, người già bị đổ bệnh do nắng nóng mà ngay cả những thanh niên khỏe mạnh cũng phải nhập viện vì say nắng, say nóng, thậm chí đã ghi nhận những ca tử vong, tổn thương não vì nắng nóng.

Trước điều kiện thời tiết hiện nay, PGS.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo, để phòng tránh say nắng, say nóng, sốc nhiệt có hiệu quả, người dân cần lưu ý:

- Hạn chế đi, làm việc ngoài trời nắng vào thời điểm nắng nóng gay gắt nhất (từ 11-15h hàng ngày).

- Luôn uống thật nhiều nước, không để khi cảm thấy khát mới uống nước.

- Mặc áo dài tay, mũ rộng vành chống nắng khi phải ra ngoài đường.

- Khi phát hiện người có dấu hiệu say nóng, say nắng với những biểu hiện choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... cần nhanh chóng đưa người bệnh đến chỗ thoáng mát, sau đó cởi bớt quần áo, cho uống nước có pha muối (đường, hoặc nước chanh, nước bột sắn dây...) và chườm lạnh cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng...

- Nếu thấy người bệnh có tình trạng nặng như: buồn nôn, nôn, sốt cao hoặc hôn mê, cần gọi điện cho xe cấp cứu hoặc chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

16.  Hà Nội nóng hơn 40 độ C, tia cực tím liên tục vượt ngưỡng nguy hiểm

Tuệ Anh

Ngày 19/5, theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nền nhiệt Hà Nội tăng, trời nắng nóng gay gắt từ sáng đến chiều. Nhiệt độ cao nhất được dự báo hơn 40 độ C.

Thực tế ngoài trời, nhiệt độ có thể lên đến 47 độ C. Đợt nắng nóng này kéo dài đến hết ngày 19/5 ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và đến ngày 20/5 ở các tỉnh ven biển trung và Nam Trung Bộ.

Thông tin từ trang Weather Online (Anh) cũng cho hay hôm nay, tại Hà Nội tia cực tím (UV) ở mức 11, TP.HCM chỉ số ở mức 9. Các bác sĩ cảnh báo tia cực tím từ mức 3 trở lên đã có thể gây ung thư da và các bệnh về mắt.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi chỉ số tia UV từ mức 11 trở lên có nguy cơ làm bỏng da nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ.

Theo bác sĩ Lê Thanh Hiền, khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, ung thư da có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nắng nóng là một trong những nguyên nhân đã được chứng minh gây ra bệnh ung thư da.

Ung thư da có 3 loại ung như tế bào đáy, ung thư tế bào gai, ung thư tế bào hắc tố, cả 3 loại đều có liên quan tới tia cực tím. 

Ngoài ra, tia cực tím có thể gây tai biến về mắt khi không đeo kính bảo hộ. Các tế bào bao bọc mắt có thể bị phá hủy do tia nắng, nhất là khi phản chiếu dội lên từ mặt xi măng, cát hay nước.

Hơn thế, nắng nóng cũng tác động rất nhiều đến sức khỏe người dân, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết thời tiết nắng nóng là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đột quỵ. 

"Đột quỵ phải có yếu tố nguy cơ, các điều kiện mới xảy ra. Các yếu tố nguy cơ phải kể đến cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, rối loạn nhịp tim, hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, béo phì... Nếu bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ, gặp điều kiện thờ tiết nắng nóng, dễ bị đột quỵ”, bác sĩ Chi cho biết.

Đặc biệt, đột quỵ không phải chỉ gặp ở người già, nhiều bệnh nhân trẻ tuổi cũng mắc phải, nhất là những người không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.

Để phòng các bệnh lý nguy hiểm do thời tiết nắng nóng, đặc biệt những ngày gần đây khi nhiệt độ cao kỷ lục, bác sĩ Hiền khuyến cáo người dân hạn chế ra đường làm việc vào khoảng thời gian có ánh nắng cường độ mạnh từ 10h-14h. Khi đi nắng, người dân cần phải dùng mũ rộng vành, áo dài, khẩu trang; dùng kem chống nắng đúng cách.

17. Nắng nóng hơn 40 độ: Chỉ số ung thư đang ở mức cao khủng khiếp

TPO - Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đang trải qua những ngày nắng nóng, bức xạ tia cực tím ở mức rất cao. Bác sĩ cảnh báo nguy cơ ung thư da và ảnh hưởng đến mắt nếu cơ thể không được bảo vệ khi đi ngoài trời nắng.

Tại Hà Nội và TPHCM, bức xạ tia UV (tia cực tím) từ hiện tượng thời tiết cực đoan đang ở mức rất cao (10). Từ 11 giờ đến 15 giờ mỗi ngày là thời điểm bức xạ tia cực tím ở mức nguy hiểm nhất.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, chỉ số tia cực tím ở mức từ 8 đến 10 là ở mức rất cao, với mức UV này nếu bị nắng chiếu trực tiếp khoảng 25 phút, làn da của cơ thể người sẽ bị bỏng. Nếu chỉ số UV là 11+ (quá cao) trong khoảng 10 phút bị nắng chiếu trực tiếp da sẽ bị bỏng.

BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức cho hay: “Bức xạ cực tím (Ultraviolet radiation) là thành phần trong ánh sáng mặt trời trong đó quan trọng nhất là tia cực tím A và B (UVA và UVB) có thể gây tổn thương DNA của tế bào da. Khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô, xạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Ngoài ảnh hưởng trên da, tia cực tím còn có thể gây các vấn đề cho mắt như cườm. Chỉ số tia cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cho cơ thể con người càng lớn”.

Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi PGS. Andrew White - chuyên gia về sinh y học tại Đại học Cornell, Ithaca, New York, Mỹ đã phát hiện rằng, khi các tế bào gốc melanocyte tích tụ một số đột biến di truyền, chúng sẽ trở thành những tế bào ung thư. Khi tiếp xúc với tia cực tím (UV), các tế bào bạch cầu sẽ giải phóng melanin màu nâu đậm đến màu đen để bảo vệ da khỏi tia nắng. Nhưng trong tế bào gốc melanocyte đã đạt và vượt ngưỡng đột biến di truyền, do kích thích bởi ánh sáng mặt trời chúng sẽ phát triển thành khối u.

Các nhà khoa học giải thích rằng, một gene có tên Hgma2 xuất hiện trong da khi tiếp xúc với tia UV. Khi Hgma2 xuất hiện nó cho phép các tế bào gốc, tế bào sắc tố di chuyển từ nơi chúng nằm ở gốc của nang lông đến bề mặt da, hoặc biểu bì nơi chúng giải phóng melanin. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng hai nhóm chuột được tạo ra đột biến tế bào gốc melanocyte để kiểm tra vai trò của Hgma2 trong sự phát triển của u ác tính. Kết quả cho thấy, những con chuột đột biến tế bào gốc và gene Hgma2 phát triển khối u ác tính, trong khi các con chuột có đột biến và gene Hgma2 đã lành, lại vẫn khỏe mạnh.

Để hạn chế những tác động nguy hiểm do tia cực tím gây ra, các bác sỹ khuyến cáo người dân nên chủ động sắp xếp công việc, hạn chế ra đường vào khung giờ có bức xạ tia cực tím cao (từ 10 giờ đến 16 giờ mỗi ngày) nếu không có việc cần thiết. Trẻ em và người già là nhóm cần được bảo vệ trước hiện tượng thời tiết cực đoan bởi ngoài tác động của tia cực tím thì thời tiết nắng nóng rất dễ khiến người lớn tuổi và trẻ em mắc bệnh.

Trường hợp bắt buộc phải ra ngoài trời khi nắng nóng cần tận dụng bóng cây râm mát, mang nón, khẩu trang đội đầu, che mặt, mang trang phục quần áo dài tay che cho da càng nhiều càng tốt, chủ động bảo vệ cơ thể bằng các loại kem chống nắng, mang kính mát để bảo vệ mắt. Ngay cả khi đi tắm biển, hồ bơi vào giờ nắng gắt cũng nên dùng kem chống nắng và kính mát do tia cực tím vẫn có thể xuyên thấu qua nước, bề mặt nước, cát đều có thể gây phản xạ tia cực tím.

  1. Khám, sàng lọc tim miễn phí cho trên 2.200 trẻ em

Trong 2 ngày 18 và 19/5, tại Bệnh viện Quân y 5 (thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), Viettel Ninh Bình, Quỹ Tấm lòng Việt, Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Quân y 5, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức khám, sàng lọc bệnh tim miễn phí cho hơn 2.200 trẻ em dưới 16 tuổi tại tỉnh Ninh Bình theo chương trình “Trái tim cho em”.

Việc khám, sàng lọc đã phát hiện 80 trường hợp mắc bệnh tim, trong đó có 41 trường hợp chỉ định mổ. Dịp này, các trường hợp bị bệnh tim chỉ định mổ có hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ được Ban tổ chức trực tiếp hướng dẫn hoàn thiện thủ tục xin trợ giúp để được chương trình tài trợ phẫu thuật miễn phí.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Hùng, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, qua việc khám, sàng lọc trong hai ngày cho thấy, số lượng trẻ mắc bệnh tim tại địa phương khá cao, với tỷ lệ khoảng 50 đến 60 cháu mắc trên 1.000 cháu khám; có nhiều bệnh lý phức tạp. Vì vậy, hoạt động khám, sàng lọc góp phần giúp phát hiện và điều trị kịp thời cho các em nhỏ mắc bệnh tim.

Bác sỹ Hùng khuyến cáo, trẻ có các triệu chứng, biểu hiện như thường hay bị ho, thở khò khè tái đi tái lại nhiều lần; thở khác thường như thở nhanh, lồng ngực bị rút lõm khi hít vào; trẻ hay bị sưng phổi, viêm phế quản; có biểu hiện bú chậm hoặc không thể chấm dứt bữa bú; trẻ chậm lớn, da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi, thường rất dễ mệt; môi, lưỡi, đầu ngón tay tím xanh hoặc hay hụt hơi khi gắng sức, thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Đây là lần đầu tiên, chương trình “Trái tim cho em” được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình. Sau hơn 10 năm triển khai, chương trình đã hỗ trợ phẫu thuật thành công cho hơn 4.500 em nhỏ dưới 16 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức 53 chương trình khám, sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho hơn 100.000 trẻ em nghèo trên toàn quốc. Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy việc phát hiện và điều trị sớm bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo giúp các em sớm có cơ hội chữa trị kịp thời, có một trái tim khỏe mạnh để tiếp tục sống và vững bước vào đời; đồng thời chia sẻ khó khăn giúp các gia đình vươn lên trong cuộc sống.

19. Sở y tế Bình Dương yêu cầu bệnh viện kiểm tra và giải trình sau bài viết "Gia đình bệnh nhân ký cam kết từ chối mổ, xin chuyển viện vì nghi bác sĩ chỉ định phẫu thuật quá chủ quan"

Sau khi báo Phụ nữ Sức khỏe đăng tải bài viết "Gia đình bệnh nhân ký cam kết từ chối mổ, xin chuyển viện vì nghi bác sĩ chỉ định phẫu thuật quá chủ quan" Sở Y tế Bình Dương đã có công văn yêu cầu bệnh viện xử lý và báo cáo giải trình.

Ngày 17/5, bác sĩ Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng nghiệp vụ Y, Sở Y tế Bình Dương cho biết, sau khi báo Phụ nữ Sức khỏe đăng tải bài viết "Gia đình bệnh nhân ký cam kết từ chối mổ, xin chuyển viện vì nghi bác sĩ phẫu thuật chỉ định chủ quan" ngày 24/4, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương đã ký công văn yêu cầu Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo kiểm tra, xử lý, báo cáo giải trình gửi kèm hồ sơ bệnh án cho Sở y tế chậm nhất vào ngày 17/5.

Tại buổi tiếp xúc, sau khi Sở Y tế Bình Dương có công văn yêu cầu bệnh viện Hoàn Hảo báo cáo, bác sĩ Châu Thành Long, Giám đốc điều hành bệnh viện Đa Khoa Hoàn Hảo khẳng định: "Viêm ruột thừa là một bệnh lý phức tạp, triệu chứng không điển hình, nên khi chẩn đoán, bác sĩ nghĩ nhiều trường hợp này. Tuy nhiên, việc phẫu thuật lại rất chặt chẽ. Chúng tôi đã điều trị và theo dõi cho bệnh nhân 10 tiếng. Việc chuyển bệnh nhân từ cấp cứu lên khoa Ngoại để tiếp tục theo dõi, chứ chưa hẳn là sẽ mổ.

Tôi nghĩ đây là sự hiểu lầm. Lỗi là do bác sĩ tư vấn chưa kỹ, vụ việc sẽ đơn giản nếu ngày 22/4, khi chúng tôi chỉ định cho bác sĩ Tiền gặp và giải thích cho gia đình người bệnh hiểu rõ nội dung trên thì không hiểu sao bác sĩ Tiền lại giải thích như vậy? Chúng tôi cũng sẽ yêu cầu bác sĩ Tiền giải trình về vấn đề này."

Ngày 16/5, anh Tần Lê Bắc người nhà bệnh nhân Tần Thị Ngọc T. khẳng định: "Dù không muốn làm khó dễ bác sĩ, bệnh viện, nhưng đến nay vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau nên để tránh những trường hợp tương tự thì bệnh viện, bác sĩ cần phải kiểm thảo và làm rõ vấn đề để rút kinh nghiệm. Chưa kể hơn một tháng trôi qua, nhưng phía bệnh viện Hoàn Hảo vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng hay có một lời thăm hỏi đến con tôi."

Trước đó theo phản ánh từ gia đình bệnh nhân Tần Thị Ngọc T. (8 tuổi, ngụ tại Dĩ An, Bình Dương), ngày 15-4, bé T. bị đau bụng, kèm theo nôn ói, đã được gia đình đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo.

Đến khoảng 18 giờ, bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo thông báo cho gia đình bé T. sẽ tiến hành mổ và yêu cầu gia đình bé T đóng tiền mổ, ký cam kết mổ…”

Thấy bác sĩ chỉ định mổ mà chưa tái khám, sử dụng kết quả từ trước đó đã lâu (4 tiếng) nên gia đình bé T. không an tâm.  Sau ít phút suy nghĩ, gia đình bé T. đã xin chối mổ, yêu cầu xuất viện, chuyển sang một bệnh viện khác để điều trị. Sau đó, bé T. được chuyển vào bệnh viện Đa khoa Quận Thủ Đức (cách bệnh viện Hoàn Hảo tầm 3km) để điều trị.

Sau khi chuyển tới bệnh viện Quận Thủ Đức, bác sĩ kết luận bệnh nhân Tần Thị Ngọc T. bị nhiễm trùng đường ruột. Sau đó, bé T. được cho dùng thuốc, không phẫu thuật và đến ngày 19/4 được xuất viện.

  1.  Cán bộ, đoàn viên Đường sắt khu vực Sài Gòn tham gia hiến máu nhân đạo

Trong các ngày 16 và 17.5, tại TPHCM, Đoàn Tiếp viên Đường sắt Phương Nam và Công đoàn Xí nghiệp toa xe Sài Gòn đã tổ chức Hiến máu nhân đạo.  

Gần 200 cán bộ, đoàn viên Công đoàn, người lao động Đoàn Tiếp viên Đường sắt Phương Nam, Xí nghiệp toa xe Sài Gòn và các đơn vị đường sắt khu vực Sài Gòn đã hưởng ứng tham gia.

Đây là hoạt động nhằm Hưởng ứng phong trào hiến máu nhân đạo do Bộ Y tế và Hội chữ thập đỏ TPHCM phát động, cùng góp phần vào nỗ lực chung của toàn xã hội về xây dựng ngân hàng máu, đáp ứng nhu cầu khi cần máu cấp cứu đột xuất tại các bệnh viện, hỗ trợ cho người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Công đoàn Xí nghiệp toa xe Sài Gòn khen thưởng đoàn viên công đoàn Xí nghiệp đã có trên 10 lần tham gia hiến máu nhân đạo.

 Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực của Đoàn Tiếp viên Đường sắt Phương Nam, Xí nghiệp toa xe Sài Gòn trong Tháng công nhân và Tháng An toàn vệ sinh lao động năm 2019, tô đẹp thêm nét đẹp truyền thống nhân ái, nghĩa tình của cán bộ, công nhân lao động ngành Đường sắt Việt Nam.

Việc tổ chức hiến máu nhân đạo không chỉ thu hút sự hưởng ứng của cán bộ, nhân viên Đoàn Tiếp viên, Xí nghiệp toa xe Sài Gòn mà còn nhận được sự quan tâm tham gia của nhiều đơn vị đường sắt khu vực Sài Gòn như Công ty CP vận tải Đường sắt Sài Gòn, Công ty CP Đường sắt Sài Gòn, Công ty CP TTTH ĐS Sài Gòn, Phòng Điều hành vận tải ĐS Sài Gòn, Chi Nhánh vận tải ĐS Sài Gòn, Ga Sài Gòn.

Cán bộ, đoàn viên công đoàn Đoàn Tiếp viên Đường sắt Phương Nam tham gia hiến máu.Với thông điệp “Máu là món quà của cuộc sống; Hãy cùng nhau thắp sáng lên ngọn đuốc từ lòng nhân ái vì phong trào Hiến máu tình nguyện; Mỗi giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại; Hiến máu cứu người một nghĩa cử cao đẹp”, buổi hiến máu nhân đạo ngày 16.5 tại trụ sở Đoàn Tiếp viên Đường sắt Phương Nam đã tiếp nhận 149 đơn vị máu (tương đương 37,25 lít máu) được hiến tặng từ 119 cán bộ, nhân viên, người lao động.

Buổi hiến máu nhân đạo cứu người lần thứ XV ngày 17.5 do Công đoàn Xí nghiệp toa xe Sài Gòn tổ chức đã tiếp nhận được 105,5 đơn vị máu (tương đương 26,3 lít máu) được hiến tặng từ 74 cán bộ, nhân viên, người lao động Xí nghiệp toa xe Sài Gòn, Công ty CP vận tải ĐS Sài Gòn.

Cũng trong sáng 17.5, Công đoàn Xí nghiệp toa xe Sài Gòn đã khen thưởng 7 cán bộ, đoàn viên công đoàn Xí nghiệp đã có trên 10 lần tham gia hoạt động nhân đạo, nghĩa tình này.

21.Hơn 200 cán bộ Việt Úc Bạc Liêu tham gia hiến máu nhân đạo

(Dân Việt) Nhằm chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập công ty Việt - Úc Bạc Liêu trong tháng 5 này, công ty đã phát đi thông điệp, “Mỗi giọt máu trao đi, một cuộc đời ở lại”. Ngay sau khi phát động, toàn bộ cán bộ công nhân viên Việt Úc tại Bạc Liêu đã tích cực hưởng ứng với hơn 200 cán bộ, nhân viên đăng ký hiến máu nhân đạo.

  Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp và mang ý nghĩa nhân đạo lớn. Mỗi giọt máu, mỗi trái tim là một tấm lòng nhân ái để cứu giúp những bệnh nhân có cơ hội sống hoặc kéo dài sự sống. Với ý nghĩa thiêng liêng đó và được sự thống nhất với Ban lãnh đạo của Tập đoàn Việt -  Úc, vào ngày 18.5, Tập đoàn phối hợp với Hội Chữ Thập Đỏ Thành phố Bạc Liêu xây dựng kế hoạch Hiến máu tình nguyện với chủ đề: "VIỆT ÚC - KẾT NỐI TRÁI TIM" tại công ty Cổ Phần Việt Úc Bạc Liêu với sự tham gia của toàn thể các cộng sự làm việc tại Bạc Liêu (gồm Công ty TNHH Việt Úc Nhà Mát, Công ty Cổ Phần Việt Úc Bạc Liêu và Chi Nhánh Công ty Cổ Phần Việt Úc Bạc Liêu). Chương trình đã được diễn ra hết sức thành công tại hội trường Việt Úc Bạc Liêu.

Hằng giờ, hằng ngày, trên cả nước có rất nhiều bệnh nhân gặp phải những hoàn cảnh khó khăn bởi không đủ lượng máu kịp thời cung cấp cho những ca cấp cứu, vì thế họ cần lắm những giọt máu nghĩa tình. Với thông điệp: “Mỗi giọt máu trao đi, một cuộc đời ở lại”, toàn bộ cán bộ công nhân viên Việt Úc tại Bạc Liêu đã tích cực hưởng ứng. Cụ thể, với hơn 200 người đăng ký tham gia hiến máu, trong đó có 138 người hiến máu (gồm 55 túi máu 250ml, 63 túi máu 150ml). Lượng máu này sẽ được bổ sung vào các ngân hàng máu cho bệnh viện, giúp giảm bớt những khó khăn cũng như áp lực của ngành y tế đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng máu trên cả nước.

Với hành động nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa lớn, Tập đoàn Việt – Úc hy vọng sẽ thắp lên “ngọn lửa” và lan tỏa những giọt máu ấm tình sẻ chia được trao đi để đem lại sự sống cho bao người khác. Chương trình diễn ra thành công, mở đường để Tập đoàn Việt – Úc tiếp tục triển khai các chương trình mang tinh thần nhân đạo và nghĩa cử cao đẹp trong những đợt tiếp theo.

22.Hơn 200 người dân Sơn Kim 1 được khám, cấp thuốc miễn phí 

Sáng 19/5/, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hương Sơn tổ chức chương trình khám sàng lọc, phân loại, quản lý thông tin người khuyết tật tại cộng đồng ở xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn).

Trong buổi sáng, đã có hơn 200 người già, người khuyết tật được các y, bác sỹ khám, đo huyết áp, phát thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh thấp khớp, thần kinh, cao huyết áp, tiêu hóa; lấy máu xét nghiệm để phát hiện các bệnh tật...

Các bác sỹ còn tư vấn sức khoẻ, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, thể dục dưỡng sinh; cách uống thuốc, nhận biết các dấu hiệu bệnh thường gặp và tự chăm sóc sức khỏe...; cấp thuốc miễn phí hỗ trợ điều trị với tổng giá trị 25 triệu đồng.

Chiều 28/2, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh phối hợp với Thị đoàn, Hội Chữ thập đỏ thị xã Kỳ Anh tổ chức khám, tư vấn và cấp phát thuốc cho các đối tượng là người nghèo, gia đình chính sách tại phường Kỳ Trinh.

Thế Tuấn

  1. Người Việt đầu tiên được chữa gãy xương theo phương pháp Italy

Bị gãy nhiều điểm trên cánh tay, nữ bệnh nhân 78 tuổi được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai phối hợp chuyên gia Italy phẫu thuật ít xâm lấn.

Bệnh nhân vào viện với chẩn đoán đa gãy xương, gãy phức tạp đầu trên xương cánh tay bên phải, gãy đầu dưới xương cẳng tay cả hai bên. Nếu phẫu thuật mổ mở một lúc cả 3 vị trí, bà phải chịu một cuộc phẫu thuật lớn, gia tăng đau sau mổ, nguy cơ nhiễm trùng cao, thời gian điều trị kéo dài.

Giáo sư Stefano Gumina, chuyên gia hàng đầu của Italy về phẫu thuật khớp vai, cùng bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống, Bệnh viện Bạch Mai quyết định áp dụng kỹ thuật cố định ngoại vi, ít xâm lấn, giúp bảo tồn chỏm xương cho bệnh nhân.

Ca mổ ngày 16/5 thành công, bệnh nhân đang hồi phục nhanh chóng.

Phó giáo sư Đào Xuân Thành, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống, cho biết kỹ thuật bảo tồn chỏm xương bằng phương pháp ít xâm lấn qua da là kỹ thuật chuyên sâu áp dụng điều trị các trường hợp gãy phức tạp đầu trên xương cánh tay. Phương pháp này lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.

Thông thường với những chấn thương đầu trên xương cánh tay, bác sĩ sử dụng kỹ thuật kết hợp xương mổ mở vít. Trường hợp gãy nặng, vỡ chỏm xương nhiều thì phải thay khớp vai.

Phương pháp mới, chuyên gia sử dụng kỹ thuật bảo tồn chỏm xương bằng phương pháp ít xâm lấn qua da, không phải mở ổ gãy. Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng do quá trình liền xương diễn ra nhanh hơn.

Kỹ thuật mới này giúp người bệnh có thêm lựa chọn chất lượng dịch vụ cao, chi phí hợp lý mà không phải ra nước ngoài chữa bệnh.

  1. Các nạn nhân bị thương trong vụ cháy khí mê tan đã qua cơn nguy kịch

(PLVN) - Trong 5 nạn nhân vụ cháy lò do cháy khí mê tan, ngoài 2 người tử vong thì 3 nạn nhân bị bỏng nặng được đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cấp cứu kịp thời hiện các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Vào lúc 5h40 ngày 18/5, tại lò dọc vỉa mức -100/-90 vỉa 14, khu Hà Ráng thuộc Công ty Than Hạ Long (Quảng Ninh) xảy ra vụ cháy khí mê tan khiến 2 người tử vong tại chỗ và 3 người bị bỏng nặng.

Tại bệnh viện, các bệnh nhân đều trong tình trạng tỉnh, phần da trên nhiều bộ phận cơ thể bị bỏng nặng, tổn thương độ II, III, da phồng rộp, sưng nề đau đớn. 

Trong đó, 2 trường hợp nghiêm trọng đang nằm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, nặng nhất là anh Nguyễn Đình C (44 tuổi) bị bỏng độ II, III hơn 30% cơ thể và anh Vũ Công C (55 tuổi) bị bỏng 20% cơ thể độ II, III. Bệnh nhân nhẹ nhất là anh Đoàn Trọng Q (37 tuổi) bị bỏng độ I, II vùng mặt và cẳng tay 2 bên, hiện đang được theo dõi và điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình.

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ của khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Chấn thương chỉnh hình đã có mặt phối hợp cấp cứu, hội chẩn để đánh giá tổn thương và đưa ra phương án điều trị tối ưu nhất. Bệnh nhân được điều trị tích cực, làm sạch tổn thương, băng gạc vô trùng, sử dụng phối hợp chống sốc, giảm đau kháng viêm, truyền dịch, chống phù nề… trong môi trường cách ly đảm bảo an toàn. 

Thời điểm xảy ra vụ việc đang trong giờ sản xuất của ca ba, nhóm công nhân đang thực hiện nhiệm vụ củng cố, thu hồi than thì gặp sự cố cháy khí mê tan, gây nên vụ tai nạn thương tâm trên.

25. Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa

Nhằm đáp ứng nhu cầu trong công tác điều trị các bệnh về mắt và hướng đến “một thế giới không mù lòa”, nhiều năm qua, Bệnh viện Mắt Thanh Hóa không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, đầu tư trang thiết bị máy móc, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong công tác khám và điều trị các bệnh về mắt.

Theo bác sĩ CKII Lê Viết Tâm, phó giám đốc bệnh viện, để nâng cao chất lượng khám và điều trị các bệnh về mắt cho người dân, ngoài việc đầu tư trang thiết bị, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa vào trong quy trình tiếp nhận khám bệnh, quản lý hồ sơ bệnh án... bệnh viện còn tăng cường ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào công tác khám, tư vấn điều trị bệnh, như: Kỹ thuật cắt dịch kính điều trị bệnh lý bán phần sau; chụp mạch ký huỳnh quang không thuốc bằng phần mềm OCT- A; kỹ thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc... Riêng kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc là kết quả của việc thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa” do Bệnh viên Mắt Thanh Hóa chủ trì thực hiện. Đề tài này được triển khai thực hiện từ tháng 6-2016 đến tháng 6-2018 với mục tiêu cơ bản là ứng dụng thành công kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc tại bệnh viện. Thông qua việc thực hiện đề tài, nhiều bác sĩ, điều dưỡng viên của bệnh viện được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Trong đó có 4 bác sĩ được đào tạo là phẫu thuật viên ghép giác mạc, 1 bác sĩ đào tạo gây mê hồi sức và 3 điều dưỡng viên phục vụ nhiệm vụ phẫu thuật. Cả 8 bác sĩ, điều dưỡng viên sau khi được đào tạo đều nắm vững các kỹ thuật, có khả năng độc lập giải quyết tốt mọi việc từ khám sàng lọc, chẩn đoán, phẫu thuật, theo dõi và điều trị bệnh nhân sau phẫu thuật. Đặc biệt, sau khi học tập chuyển giao kỹ thuật các phẫu thuật viên đã thực hiện phẫu thuật và điều trị thành công cho 32 trường hợp bệnh nhân bị bệnh lý giác mạc do các nguyên nhân khác nhau tại bệnh viện. Với kết quả này, Bệnh viện Mắt Thanh Hóa là bệnh viện chuyên khoa mắt tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc.

Đánh giá về kết quả phẫu thuật ghép giác mạc, bác sĩ CKII Lê Viết Tâm, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa” cho biết: Đối với kết quả bảo tồn nhãn cầu, trong nghiên cứu có 1 trường hợp viêm loét giác mạc đã thủng được chỉ định ghép giác mạc bảo tồn nhãn cầu. Kết quả, sau ghép bệnh nhân không những bảo tồn được nhãn cầu mà còn tăng thị lực đáng kể, từ ánh sáng + trước mổ lên đếm ngón tay (ĐNT) 4m sau 3 tháng. Đối với kết quả độ trong mảnh ghép, trong số 32 mắt được ghép giác mạc và theo dõi ít nhất 3 tháng, tỷ lệ mảnh ghép trong đạt 90,6%. Về thị lực, sau mổ 1 tuần thị lực đa số còn ở mức thấp với 22 mắt có thị lực dưới ĐNT 3m (chiếm 68,8%), chỉ có 8 bệnh nhân đạt mức thị lực từ ĐNT 3m đến dưới 1/10 (chiếm 25%) và 2 bệnh nhân có thị lực từ 1/10 đến dưới 3/10. Sau mổ 1 tháng, tỷ lệ mắt có thị lực ở mức mù lòa giảm xuống còn 36,7% (so với 100% trước phẫu thuật). Tỷ lệ mắt có thị lực từ ĐNT 3m đến dưới 1/10 là 43,3%. Có 6 mắt đạt mức thị lực từ 1/10 đến dưới 3/10 (chiếm tỷ lệ 20%). Sau mổ 2 tháng tỷ lệ mắt có thị lực ở mức mù lòa tiếp tục giảm còn 31%. Có 9 mắt đạt thị lực từ ĐNT 3m đến dưới 1/10 và 7 mắt đạt thị lực từ 1/10 đến dưới 3/10. Đặc biệt, có 4 mắt có thị lực từ 3/10 trở lên, trong đó có 1 mắt đạt thị lực cao nhất 5/10. Sau mổ 3 tháng số mắt có thị lực ở mức mù lòa giảm còn 13,8% (so với 100% trước phẫu thuật). Số mắt có thị lực thấp thuộc nhóm từ ĐNT 3m đến dưới 1/10 cũng giảm còn 6 mắt và đã có 6 mắt đạt mức thị lực trên 3/10, trong đó mắt đạt thị lực cao nhất là 6/10. Như vậy, tỷ lệ thành công của phẫu thuật tính tại thời điểm 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng lần lượt là 93,8%, 90,6% và 90,6%. Cũng theo bác sĩ Tâm, toàn bộ 32 trường hợp ghép giác mạc trong nghiên cứu đều được mổ gây mê và không có tai biến gây mê. Trong quá trình phẫu thuật chỉ có 3 trường hợp xuất huyết mống mắt do cần tách dính mống mắt khỏi giác mạc và mắt trước thủy tinh thể (chiếm 9,4%). Các biến chứng khác như vở thủy tinh thể, thoát dịch kính không xảy ra.

Từ thành công trên, hiện nay Bệnh viên Mắt Thanh Hóa đang phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương thành lập chi nhánh ngân hàng mắt tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa; tuyên truyền rộng rãi nhằm tăng cường hiểu biết của người dân về bệnh lý giác mạc, phương pháp điều trị ghép giác mạc; huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cho các bệnh nhân ghép giác mạc để có thêm nhiều bệnh nhân bị bệnh lý giác mạc được chữa trị. Thực tế cho thấy, bệnh lý giác mạc xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở trẻ em và những người đang trong độ tuổi lao động. Phẫu thuật ghép giác mạc là giải pháp duy nhất để giảm tỷ lệ mù lòa do bệnh lý giác mạc gây ra. Song, ghép giác mạc là một kỹ thuật cao đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu của đội ngũ nhân viên y tế cùng trang thiết bị hiện đại, không phải cơ sở y tế nào cũng đáp ứng được. Tuy nhiên, với sự quan tâm của ngành chức năng cùng sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, Bệnh viện Mắt Thanh Hóa đã thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc. Kết quả này đã góp phần nâng cao vị thế của bệnh viện, xây dựng bệnh viện trở thành địa chỉ uy tín về chăm sóc mắt cho nhân dân trong tỉnh, giúp người dân được tiếp cận công nghệ điều trị hiện đại ngay tại địa phương, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh và giảm áp lực cho tuyến trên. Phong Sắc

26.Sản phụ miền Tây suýt chết vì hội chứng HELLP

- Sản phụ mang thai 23 tuần tuổi, thai lưu được chuyển đưa đến viện trong tình trạng lơ mơ. Bác sĩ đã kịp thời cấp cứu giữ lại tính mạng cho sản phụ.

Ngày 19/5, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, tiếp nhận trường hợp chị N.T.L., (33 tuổi, ngụ Tân Châu, An Giang) được chuyển đến từ tuyến dưới trong tình trạng lơ mơ, thai lưu 23 tuần.

 

 

Sau khi kiểm tra, bác sĩ nhận định sản phụ mang thai 23 tuần ngưng tiến triển, hội chứng HELLP, suy thận mạn. Ê-kíp hội chẩn khẩn cấp, bác sĩ chỉ định phẫu thuật khẩn cấp để chấm dứt thai kì để cứu sống sản phụ.

Sau 30 phút được đẩy vào phòng mổ, ca phẫu thuật thành công, bác sĩ đồng thời cho bệnh nhân lọc thận cấp cứu để giảm nguy cơ khi tình trạng suy thận kèm theo.

Hiện, bệnh nhân đã tỉnh,, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, đang được theo dõi, điều trị, chăm sóc tại khoa Sản.

Hội chứng HELLP là tình trạng bệnh lý rất nặng, có nguy cơ diễn tiến nặng dẫn đến rối loạn đông máu, suy gan... có thể đe dọa sức khỏe của sản phụ trong thai kỳ, đòi hỏi các bác sĩ phải xác định đúng, xử trí kịp thời để cứu sống bệnh nhân.

II. THÔNG TIN QUỐC TẾ

  1.  WHO báo động bệnh sởi bùng phát toàn cầu

(PLVN) - Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, bệnh sởi đang gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu trong ba tháng đầu năm 2019. Tổ chức này cảnh báo, số lượng người nhiễm sởi đang bùng phát ở quy mô mạnh nhất trong lịch sử nhân loại. 

Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất thế giới. Bệnh sởi có thể gây mất thính lực, rối loạn chức năng não, đặc biệt là ở trẻ em, và thậm chí có thể gây tử vong đối với trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ sơ sinh còn quá nhỏ chưa thể tiêm chủng.

Ở giai đoạn cuối là phát ban xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao. Bệnh dễ lây truyền qua không khí, qua tiếp xúc nước mũi, nước bọt người bệnh. Hiện không có điều trị đặc hiệu đối với bệnh này, do vậy tiêm phòng vắc xin là biện pháp tốt nhất cho trẻ em.

WHO cũng bày tỏ lo ngại cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi đang bị thụt lùi trong bối cảnh số ca mắc phải căn bệnh này tăng mạnh mẽ. Trong ba tháng đầu năm 2019, WHO thu thập dữ liệu từ 170 quốc gia, ghi nhận được 112.163 ca nhiễm sởi trên toàn thế giới.

Trong khi đó cùng thời điểm này vào năm 2018, con số này chỉ là 28.123 ca ở 163 quốc gia. Song WHO lưu ý rằng dữ liệu này mới chỉ là tạm thời và vẫn chưa đầy đủ, bởi ước tính trong 10 ca bị nhiễm trên toàn cầu chỉ có một ca được báo cáo với cơ quan này, nên con số thật sự còn lớn hơn rất nhiều.

Thoạt đầu, bệnh sởi nghe có vẻ không mấy nguy hiểm, nhưng đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm nhiễm trùng phổi và não, dễ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Theo thống kê, trong năm 2018, khoảng 136.000 người đã tử vong vì căn bệnh này. Trước đó, năm 2017, bệnh đã gây ra gần 110.000 ca tử vong. 

Theo WHO, những đợt bùng phát bệnh sởi lớn đang xảy ra ở nhiều quốc gia, trên khắp các khu vực. Trong đó, khu vực châu Phi tăng tới 700%, châu Mỹ tăng 60%, châu Âu tăng 300%, Trung Đông tăng 100%, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương tăng 40%.

Ở châu Phi, chỉ riêng tại Madagascar, từ tháng 10/2018 - 3/2019, đã có gần 67.000 ca mắc bệnh sởi và hơn 920 trường hợp tử vong. Theo WHO, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở Madagascar là 47%, làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và tử vong do nhiễm sởi. Hiện chỉ có 22/26 triệu người dân Madagascar được tiêm phòng sởi. 

Tại Nhật Bản, từng được WHO tuyên bố xóa sổ bệnh sởi, tuy nhiên hơn 200 ca nhiễm sởi được ghi nhận kể từ đầu năm. Đứng đầu tỷ lệ mắc bệnh sởi tại châu Âu là Ukraine, với hơn 72 ngàn trường hợp. Giới chức Ukraine xác định nguyên nhân dịch sởi bùng phát là do quá trình tiêm phòng bị ngắt quãng trong thời gian dài. Giới chuyên gia y tế cũng nêu lên thực trạng khá phổ biến ở nước này là nhiều bậc cha mẹ từ chối tiêm vắc xin cho trẻ do không tin tưởng vắc xin và bác sĩ.  

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), số ca mắc sởi ở Mỹ đã tăng vọt  với 90 trường hợp mới được báo cáo chỉ trong một tuần. CDC cho biết, một trong những nguyên nhân là do những người không được tiêm phòng hoặc chưa được kiểm tra đến từ những nước có virus sởi đang lưu hành, hoặc người sống ở Mỹ đến một nơi có bệnh sởi và bị nhiễm bệnh. Nguyên nhân thứ hai làm gia tăng số lượng người mắc bệnh sởi là việc không tiêm vắc xin phòng ngừa.

Một nguyên nhân khác khiến số người mắc bệnh sởi tại Mỹ tăng mạnh là do sự nhận thức không đầy đủ của một số bác sĩ. “Do sự thành công của việc tiêm phòng vắc xin sởi, nên nhiều bác sĩ chưa bao giờ gặp bệnh nhân mắc sởi và không nhận ra những dấu hiệu của bệnh này khi khám chữa cho bệnh nhân”, một chuyên gia nói. 

Cùng với WHO, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng lên tiếng báo động dịch sởi bùng phát ngày càng đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng trẻ em. Bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước, các chuyên gia y tế, cộng đồng thế giới…hỗ trợ cung cấp vắc xin cho các nước thu nhập thấp, đồng thời phải có lập trường mạnh mẽ hơn chống lại thông tin sai lệch về việc tiêm chủng sởi trên toàn cầu.

WHO cũng nhận định xu hướng mắc sởi gia tăng đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu, không chỉ ở các nước thu nhập thấp mà tại cả các quốc giàu có, nơi tỷ lệ tiêm vắc xin thường cao, song tỷ lệ người mắc sởi cũng gia tăng.

Nguyên nhân chủ yếu do quan điểm sai lệch về việc tiêm vắc xin và thái độ chủ quan về hệ miễn dịch của mình. Thậm chí có nơi còn nổi lên phong trào “nói không với vắc xin”, vì xuất phát từ thông tin “tiêm vắc xin ngăn ngừa sởi có thể bị mắc bệnh tự kỷ”. Còn tại các nước đang phát triển, do hệ thống y tế hoạt động kém hiệu quả nên tỷ lệ được tiêm vắc xin phòng sởi thấp.

Bà Katherine O’Brien, Giám đốc phụ trách về miễn dịch, tiêm chủng và sinh học của WHO nhận định, thế giới đang đi ngược lại những nỗ lực phòng tránh sởi vì phong trào tẩy chay vắc xin. Việc thụt lùi không phải do không có công cụ phòng tránh mà là do thất bại trong chiến dịch vận động tiêm chủng. Theo bà O’Brien, dịch sởi dù xảy ra ở một khu vực nhỏ cũng đem đến nguy cơ lớn, bởi virus cũng như các mầm bệnh khác dễ dàng vượt qua mọi biên giới.

Bên cạnh đó, việc phong trào tẩy chay vắc xin lan truyền mạnh như hiện nay được cho là còn vì lạm dụng mạng xã hội như Facebook. Facebook đang bị lợi dụng triệt để nhằm lan truyền các thông tin bài vaccine nhằm vào đối tượng dễ bị tổn thương là phụ nữ mang thai. Theo một báo cáo tại Anh, có tới gần 50% số phụ huynh có con nhỏ đã đọc được thông tin về “chống vắc xin” trên mạng xã hội.  

Trước trào lưu này, nhiều chuyên gia y tế lên tiếng yêu cầu Facebook phải có hành động kịp thời. Facebook cho hay đang tìm các biện pháp bổ sung để chống lại vấn nạn trên, bao gồm giảm hoặc gỡ bỏ loại nội dung này khỏi những gợi ý, giáng cấp nội dung tẩy chay vaccine trong kết quả tìm kiếm, đồng thời bảo đảm thông tin chính xác được chia sẻ.

  1. Người hầu gái phát tán dịch thương hàn ở Mỹ 100 năm trước

Typhoid Mary làm lây lan bệnh thương hàn cho ít nhất 51 người vào đầu thế kỷ 20 do nấu nướng không đảm bảo vệ sinh.

Typhoid Mary tên thật là Mary Mallon, sinh ngày 23/9/1869, tại Cookstown, một ngôi làng nhỏ ở phía bắc Ireland. Quê hương của Mary là một trong những khu vực nghèo nhất Ireland. Tên gọi Typhoid Mary được đặt cho bà sau này, ghép tên của bà Mary và bệnh thương hàn (typhoid).

Năm 1883, Mary di cư đến New York (Mỹ) với mong muốn bắt đầu một cuộc sống mới. Bà sống cùng người dì và xin làm giúp việc cho một số gia đình giàu có nhờ tài nấu nướng.

Năm 1906, sáu thành viên gia đình chủ ngân hàng Charles Warren mắc bệnh thương hàn sau chuyến nghỉ mát ở Vịnh West Oyster tại Long Island. Điều này khiến giới thượng lưu New York vô cùng ngạc nhiên bởi thương hàn được xem là căn bệnh của khu ổ chuột, gắn liền với sự đói nghèo và mất vệ sinh.

Lo ngại dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh, người cho gia đình Warren thuê nhà trong kỳ nghỉ quyết định nhờ George Soper, một chuyên gia vệ sinh để điều tra nguyên nhân. Kết quả cho thấy từ nguồn nước đến thức ăn cung cấp đều đảm bảo vệ sinh. 

Tuy nhiên, Soper phát hiện người hầu gái Mary đã nấu ăn cho nhà Warrens vài tuần trước khi các thành viên phát bệnh. Nghiên cứu lịch sử làm việc của người phụ nữ Ireland, Soper còn biết rằng 7 gia đình từng thuê Mary làm việc cũng có người bị thương hàn. Tổng cộng, Mary liên quan đến 22 trường hợp mắc bệnh thương hàn, trong đó một người tử vong.

Các bác sĩ giả thuyết rằng Mary đã phát tán vi khuẩn thương hàn do không rửa kỹ tay trước khi xử lý thức ăn. Tuy nhiên, nhiệt độ cao khi nấu ăn sẽ giết chết vi khuẩn nên giả thuyết này không hợp lý.

Cuối cùng, Soper tìm thấy câu trả lời trong một món tráng miệng nổi tiếng của Mary: kem tươi với đào. Những miếng đào không được nấu chín nên nhiều khả năng là con đường lây lan của mầm bệnh.

Với kết quả điều tra của Soper, Sở Y tế thành phố New York ra lệnh bắt Mary vào năm 1907. Các mẫu thử từ cơ thể người phụ nữ dương tính với vi khuẩn thương hàn. Trong quá trình thẩm vấn, bà cũng thừa nhận không bao giờ rửa tay trước khi nấu ăn vì cho rằng điều này không quan trọng.

Mary bị giam trong căn nhà gỗ trên đảo North Bother, ngoài khơi bờ biển Bronx, chỉ có một con chó làm bạn. Bà than: "Tôi không bao giờ mắc bệnh thương hàn và luôn khỏe mạnh. Tại sao tôi lại bị trục xuất và sống trong sự giam cầm đơn độc giống như người mắc bệnh phong". 

Năm 1910, Sở Y tế New York ra điều kiện thả Mary nếu bà thề không bao giờ nấu ăn nữa. Người phụ nữ đồng ý. 

Năm 1915, dịch thương hàn bùng phát tại Bệnh viện Phụ sản Manhattan Sloane khiến 25 người mắc bệnh và hai người tử vong. Dịch bệnh bắt nguồn từ căn bếp của bệnh viện mà người đảm nhận nấu nướng không ai khác chính là Mary. Hóa ra, sau khi được thả, Mary vẫn tiếp tục nấu ăn trong các khách sạn, nhà hàng, bệnh viện với tên giả Mary Brown. Vụ việc bị phát hiện, Mary một lần nữa bị đưa ra đảo North Brother.Tổng cộng, Mary được cho là lây truyền thương hàn cho 51 người, trong đó ba trường hợp tử vong. Theo Soper, con số thực tế có thể cao hơn nhiều bởi bà còn dùng tên giả.

Đáng ngạc nhiên là Typhoid Mary luôn mang một hình ảnh khỏe mạnh. Bà chưa từng xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh thương hàn như sốt, đau đầu và tiêu chảy. 

Lần bị bắt giữ thứ hai, Mary trải qua 23 năm như một tù nhân giam lỏng cô lập. Người trên đảo được dặn không bao giờ nhận gì từ Mary, dù chỉ là cốc nước.

Từ đó đến cuối đời, Mary chỉ nấu ăn cho chính mình. Ngày 11/11/1938, bà trút hơi thở cuối cùng vì bệnh viêm phổi.

  1. Phát hiện về các tế bào beta giúp điều trị khỏi bệnh tiểu đường

Các nhà khoa học Anh xác định được rằng khi bị bệnh tiểu đường một số tế bào beta không còn sản xuất insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu, mà thay đổi cơ chế hoạt động tiết ra somatostatin, một chất đặc trưng của tế bào delta. Và các nhà khoa học đã tìm được cách để các tế bào delta biến đổi trở lại thành tế bào beta và bắt đầu sản xuất insulin.

Theo academic.oup.com, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học ở Đại học Exeter, Anh, đã chỉ ra rằng các tế bào beta (beta cell) sản xuất insulin có thể thay đổi chức năng của chúng khi bị bệnh tiểu đường. Và sự thay đổi này có thể đảo ngược được.

Đây là nghiên cứu đầu tiên về bệnh tiểu đường không phải trên tế bào động vật, mà là trên tế bào người. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng hệ thống trao đổi thông tin giữa các tế bào, hướng dẫn protein cách hành xử, đã bị rối loạn khi bị bệnh tiểu đường.

Những thay đổi dẫn đến thực tế là một số tế bào beta không còn sản xuất insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu, mà thay vào đó lại tiết ra somatostatin, một chất ngăn chặn sản xuất các hormone quan trọng, bao gồm cả chính insulin.

Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu những gì xảy ra với các tế bào beta của người khi tiếp xúc với môi trường mô phỏng bệnh tiểu đường thể 2. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng cái chết của tế bào beta, xảy ra ở cả 2 thể bệnh tiểu đường, có liên quan với những tác động tiêu cực của môi trường vi mô.

Tuy nhiên, giờ đây đã trở nên rõ ràng rằng trên thực tế, một số tế bào beta không bị chết. Nhóm nghiên cứu lần đầu tiên đã phát hiện ra rằng một số trong số chúng chỉ đơn giản không còn là tế bào beta.

Chúng bắt đầu sản sinh ra một loại hormone khác gọi là somatostatin. Chất này là đặc trưng của một loại tế bào khác, tế bào delta (delta cell). Do đó, khi nghiên cứu về bệnh tiểu đường, các nhà khoa học không còn thấy các tế bào beta đã thay đổi và coi chúng đều là tế bào delta.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích mô tụy ở những người mắc bệnh tiểu đường thể 1 hoặc thể 2. Điều này cho thấy rằng họ có nhiều tế bào delta hơn mức cần thiết. Điều này khiến các nhà khoa học cho rằng một số tế bào sản xuất insulin thực sự vẫn còn sống và chỉ đơn giản là thay đổi các cơ chế hoạt động sống.

Ở giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã điều tra lý do tại sao các tế bào có thể thay đổi cơ chế hoạt động của chúng. Hóa ra, vấn đề là các thông điệp mà các tế bào trao đổi với nhau bằng các phân tử RNA.

Một phân tích về các tế bào tuyến tụy của những người mắc bệnh tiểu đường thể 2 cho thấy khoảng 1/4 các gien có cấu trúc thông tin bị nhiễu loạn. Các nhà khoa học cho rằng đây có thể là lý do khiến các tế bào hoạt động theo kiểu khác đi.

Nhưng điều quan trọng nhất là các nhà nghiên cứu đã có thể đảo ngược những thay đổi này. Họ đã xử lý các tế bào bằng nhiều chất khác nhau, khôi phục môi trường của chúng. Sau đó, các tế bào delta biến đổi trở lại thành tế bào beta và bắt đầu sản xuất insulin.

Một kỹ thuật như vậy có thể cứu giúp hàng triệu người khỏi bệnh tiểu đường trong tương lai. Nhưng sự phát triển của liệu pháp này đòi hỏi nghiên cứu sâu hơn sẽ cho phép hiểu được sự tinh tế của cơ chế chuyển đổi các tế bào thuộc loại này sang loại khác.

30. Hệ quả khôn lường nạn ô nhiễm không khí

Suyễn, ho, dị ứng, ung thư, đột quỵ… Nhiều nghiên cứu gần đây báo động tác động trực tiếp của ô nhiễm không khí với sức khỏe con người.

Các hoạt động giao thông xe cộ và khói bụi từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch được cho những nguồn gây ô nhiễm không khí chính. Một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí The Lancet khẳng định 13% các trường hợp bệnh suyễn mới ở trẻ em có liên quan trực tiếp đến vấn nạn ô nhiễm từ khí thải xe ô tô.

Cuối tháng 10/2018, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo tác động của ô nhiễm không khí với sức khỏe cộng đồng. Định chế y tế quốc tế đưa ra nhiều con số thống kê ấn tượng. Mỗi năm, ô nhiễm không khí cướp mất 7 triệu sinh mạng trên thế giới.Mỗi ngày trên thế giới, gần 93% trẻ em dưới 15 tuổi hít phải không khí ô nhiễm làm tổn hại đến tình trạng sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ em. Trong số này, WHO tổng kết có khoảng 630 triệu trẻ dưới 5 tuổi và khoảng 1,8 tỷ trẻ dưới 15 tuổi.

Vẫn theo WHO, riêng trong năm 2016, khoảng 600.000 trẻ nhỏ tử vong vì các chứng viêm nhiễm đường hô hấp cấp tính do ô nhiễm không khí gây ra. Còn tại Pháp, nghiên cứu do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc thực hiện cùng với nhiều tổ chức quốc tế khác ghi nhận hơn 75% trẻ nhỏ hít thở không khí độc hại, dẫn đến hiện tượng gia tăng số lượng các trường hợp mắc chứng dị ứng và nhiều căn bệnh về đường hô hấp không lây nhiễm.

Trẻ nhỏ, nạn nhân đầu tiên

Riêng về căn bệnh suyễn, theo ước tính, trên thế giới có khoảng 250 triệu người phải hứng chịu căn bệnh quái ác này. Ngoài các yếu tố di truyền, ô nhiễm không khí cũng là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng số ca mắc suyễn tại các khu đô thị.

Dù vậy, ông Denis-André Charpin, trường đại học Aix-Marseille, giáo sư chuyên khoa về phổi – dị ứng, cho rằng đó còn do cách sống của người dân đô thị. “Cách sống của người dân đô thị xa rời với nguồn gốc nông thôn. Các vùng nông thôn bao giờ cũng có những yếu tố mang tính phòng ngừa. Ví dụ, mối tiếp xúc giữa con người với các loài gia súc, gia cầm trong trang trại.

Việc sinh sống tại những nơi này giúp cho đứa trẻ có được một hình thức phòng chống các chứng bệnh suyễn và nhiều chứng dị ứng khác”.

Các chuyên gia tại Pháp ghi nhận số ca bệnh suyễn cấp cứu gia tăng đột biến mỗi lần tình trạng ô nhiễm tại các thành phố lên đỉnh điểm, đặc biệt là đối với trẻ em. Hơn nữa, độ tuổi trẻ nhỏ mắc chứng suyễn ngày càng sớm, thậm chí có cả những trường hợp trẻ sơ sinh bị suy hô hấp cấp tính.

Vẫn theo giải thích của chuyên gia Denis-André Charpin, cơ thể trẻ nhỏ vẫn còn mong manh. Hệ hô hấp chưa hoàn chỉnh để có thể đủ sức bảo vệ trẻ nhỏ trước các loại hợp chất ô nhiễm độc hại lơ lửng trong không khí.

“Có nhiều nguyên nhân. Nhưng trước hết, trẻ em có nhịp thở nhanh hơn người lớn trong khoảng từ 20-25 vòng/phút, người lớn là 12. Thứ hai, trẻ nhỏ thấp bé, hít thở sát đất, do vậy rất gần với các ống xả khói của xe hơi hơn.

Thứ ba, phế nang của trẻ nhỏ đang trong quá trình phát triển. Từ lúc sinh cho đến ba tuổi, những phế nang gia tăng số lượng. Cho đến 25 tuổi, các phế nang gia tăng thể tích và phát triển. Do vậy, cũng dễ hiểu đây là nhóm người dễ bị tổn thương trước yếu tố rủi ro này”.

Hậu quả dài hạn

Bên cạnh bệnh suyễn và các chứng dị ứng hô hấp, báo cáo của UNICEF Pháp cảnh báo ô nhiễm không khí có thể sẽ có những tác động trở lại lên quá trình sản sinh các phế nang và làm rối loạn chức năng miễn dịch của cơ thể. Ô nhiễm không khí làm gia tăng nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh phổi khác về sau, cũng như là những bệnh lý về mạch máu cấp tính như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.

Ông Denis-André Charpin giải thích: “Ngoài ra còn có viêm phế quản mãn tính do việc bị phơi nhiễm các chất gây ô nhiễm thường xuyên. Đây là một hiện tượng suy yếu phế quản mãn tính. Đôi khi còn có cả hiện tượng dị dạng phế quản nhất là tại các nước đang phát triển, những quốc gia vẫn còn duy trì hiện tượng mà người ta gọi là dùng nhiên liệu sinh khối (combustion biomasse).

Nghĩa là dùng nhiên liệu này trong những nơi ở sơ sài, đốt rác thải, các loại cây cỏ, chất thải hữu cơ để sưởi ấm, nấu bếp… Những hoạt động này tạo ra các loại khói độc hại. Rồi còn có cả ô nhiễm không khí trong nhà nữa. Đây là một hiện tượng rất đáng lo ngại, vì chúng có thể làm tổn hại đến phế quản và gây ra một triệu chứng gọi là giãn phế quản, có thể dẫn đến chứng lao phổi hay ung thư phổi”.

Điều đáng lo nhiều phân tử hạt bụi ô nhiễm có kích thước cực kỳ nhỏ có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp. Phụ nữ trong quá trình mang thai hít phải loại bụi ô nhiễm này có nguy cơ sinh non. Các chuyên gia còn cho rằng không khí ô nhiễm có thể làm chậm quá trình phát triển tâm thần cũng như là các chức năng vận động của trẻ nhỏ.

“Trong bộ máy hô hấp, phế quản là lối đi vào cho các chất ô nhiễm không khí. Một khi chúng được phát tán, nhất là trong các phế nang, các phân tử hạt bụi sẽ đi vào trong máu. Từ máu, các hạt bụi ô nhiễm sẽ lan truyền khắp cơ thể. Điều này giải thích các tác động lên não, các động mạch của tim, các mạch máu của chân…

Khi một người phụ nữ có mang hít phải thứ bụi ô nhiễm này, thì khí ô nhiễm đó được chuyển đến bào thai thông qua lá nhau. Ở cấp độ thai nhi, đương nhiên chúng sẽ tác động trở lại đến trọng lượng và sự phát triển của đứa trẻ sắp ra đời”.

 

  1. 'Bắt giữ' các tế bào khối u đang lưu thông trong máu

Các nhà khoa học Mỹ đã phát triển được thiết bị có khả năng bắt giữ các tế bào khối u đang lưu thông trong dòng máu bệnh nhân với hiệu quả tối đa, giúp các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, đồng thời tiên lượng được khả năng tái phát và tiến triển của bệnh.

Theo tạp chí Lab on a Chip, các nhà khoa học ở Đại học Georgia (Mỹ) đã phát triển được thiết bị có khả năng bắt giữ các tế bào khối u đang lưu thông trong dòng máu bệnh nhân với hiệu quả tối đa.

Các tế bào khối u lưu thông (circulating tumor cells - CTC) là các tế bào được giải phóng từ tổn thương khối u nguyên phát vào hệ thống mạch máu hoặc hệ bạch huyết của người bệnh. Chúng gây ra sự xuất hiện của di căn - các ổ bệnh lý thứ phát. Việc sớm phát hiện ra chúng góp phần điều trị kịp thời và kéo dài cuộc sống của bệnh nhân, nhưng các phương pháp phát hiện hiện đại chỉ tìm thấy một số lượng nhỏ tế bào đó, không cho phép chẩn đoán chính xác ở giai đoạn đầu khi bệnh chớm phát. Một thiết bị mới của các chuyên gia từ Đại học Georgia, giải quyết vấn đề này.

Phương pháp của họ dựa trên sự tương phản của các tế bào nhiễm từ hóa trong cái gọi là ferrofluid tương thích sinh học (biocompatible ferrofluid - một dạng huyền phù hạt nano từ tính - magnetic nanoparticle suspension). Một thiết bị có kích thước nhỏ gọn trích xuất các tế bào khối u lưu thông từ máu người bệnh bằng cách sử dụng từ trường. Nhà nghiên cứu Yang Liu, giải thích về nguyên tắc hoạt động của thiết bị như sau: ở giai đoạn đầu tiên, bộ lọc loại bỏ khỏi máu các mảnh vụn vượt quá 0,05mm. Ở giai đoạn thứ hai, các quả bóng từ tính gắn kết với bạch cầu được đánh dấu. Bước thứ ba là phân tách các tế bào khối u lưu thông và các tế bào bạch cầu được đánh dấu.

Máu được truyền qua các kênh mảnh hơn sợi tóc người. Các hạt từ tính được thêm vào đó để kết dính bạch cầu. Ở trạng thái này, máu đi vào vùng từ trường chứa các tế bào bạch cầu nhiễm từ ở trung tâm dòng máu, còn các tế bào khối u lưu thông tách ra ở các rìa và rơi vào các kênh dành riêng cho chúng. Nhờ vậy, các nhà sinh học có thể phân lập 99% các tế bào khối u chứa trong một mẫu máu.

Theo các tác giả của công trình, phương pháp này giải quyết vấn đề phân loại các tế bào khối u lưu thông khác nhau, điều mà các phương pháp trước đó đã bỏ qua. Khi xác định được các phân nhóm tế bào ung thư, các bác sĩ mới quyết định phác đồ điều trị. Hơn nữa, điều này cũng cung cấp thông tin về khả năng tái phát và tiến triển của bệnh. Hiện tại, các chuyên gia đang tập trung vào việc cải tiến để thiết bị thuận tiện hơn khi sử dụng trong phòng khám.Điểm tin y tế 


Thăm dò ý kiến