Điểm tin y tế ngày 01/6/2019

02/06/2019 | 06:30 AM

 | 

 

  1. Người Việt chi tỉ USD ra nước ngoài chữa bệnh

Có người tìm đến các bệnh viện (BV) có tiếng ở những nước có nền y học tiên tiến và đã được chữa khỏi bệnh. Nhưng cũng không ít bệnh nhân sống dở chết dở tại các BV nước ngoài, mất tiền tỉ mà bệnh tình càng trầm trọng, rốt cuộc lại phải về Việt Nam chữa trị…Câu chuyện người Việt ra nước ngoài chữa bệnh không phải là mới. Tại hội nghị triển khai công tác năm 2019 mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lần đầu tiên công bố con số: "Mỗi năm người Việt chi khoảng 2 tỉ USD ra nước ngoài khám chữa bệnh". Có người tìm đến các bệnh viện (BV) có tiếng ở những nước có nền y học tiên tiến và đã được chữa khỏi bệnh. Nhưng cũng không ít bệnh nhân sống dở chết dở tại các BV nước ngoài, mất tiền tỉ mà bệnh tình càng trầm trọng, rốt cuộc lại phải về Việt Nam chữa trị…

Tiếc nuối cho những ca xuất ngoại sai lầm

Nói đến những ca bệnh "xuất ngoại" không may mắn, tôi vẫn nhớ trường hợp một phụ nữ có thai bị rau tiền đạo, BV Phụ sản Trung ương chỉ định phải mổ lấy con và cắt tử cung. Nhưng chị ấy nghe theo lời "cò mồi" nên đã ra nước ngoài để chữa bệnh, chi phí hết 1 tỉ đồng.

Bác sĩ nước ngoài cũng mổ lấy thai, cắt tử cung như chỉ định của BV Phụ sản Trung ương, nhưng không hiểu vì sao, họ lại cắt luôn niệu quản của chị. Đến 23 Tết âm lịch, họ cho chị về Việt Nam và hẹn mồng 8 Tết sang khám lại.

Khi trở lại bệnh viện đó để tái khám, riêng tiền hội chẩn, bác sĩ nước ngoài yêu cầu chị phải nộp 12.000 USD, và nếu nối lại niệu quản thì chị sẽ phải mất 46.000 USD nữa. Thấy số tiền quá lớn và quá bất công (vì chính họ cắt niệu quản của chị), người mẹ này đã phải quay về Việt Nam, vào BV Việt Đức chữa trị.

Sau này tôi nghe các bác sĩ BV Việt Đức kể lại, thứ hai chị nhập viện BV Việt Đức, thứ ba chị được chỉ định mổ cấp cứu, thứ bảy chị đã được xuất viện. Tổng chi phí của chị tại BV Việt Đức hết 9 triệu. So với chi phí 1 tỉ đồng trước đó chị chi cho BV nước ngoài, mới thấy quyết định xuất ngoại của chị thật là sai lầm và đáng tiếc.

Vì sao có nhiều người Việt vẫn quyết định ra nước ngoài chữa bệnh, dù bệnh đó trong nước hoàn toàn chữa được? Phó Giáo sư (PGS) Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức cho rằng: "Đây là câu hỏi mà nhiều nhà quản lí, nhiều nhà hoạt động xã hội, nhiều bác sĩ trăn trở đi tìm lời giải. Tôi cảm thấy vừa bức xúc, vừa tiếc nuối cho người bệnh.

Trong lĩnh vực ngoại khoa của tôi, rất nhiều bệnh nhân đã ra nước ngoài chữa bệnh, và kết quả không thật sự mỹ mãn như người ta kỳ vọng. Trong số 62 bệnh nhân ghép gan tại BV Việt Đức, có 5 bệnh nhân ra nước ngoài rồi lại quay lại chỗ chúng tôi để ghép. Về mặt xã hội, ra nước ngoài chữa bệnh rất tốn kém, gấp 4 - 10 lần ở Việt Nam. Ví dụ ghép gan ở nước ngoài hết khoảng 6 tỉ thì ở Việt Nam chỉ hết khoảng 1,5 tỉ. Tôi hay nói đùa, "họ đã trả học phí một cách ngu ngốc".

Bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết kể, một GS người nước ngoài từng nói với ông rằng, ở Việt Nam, mặt bệnh rất phong phú và đông bệnh nhân, chính vì vậy, bác sĩ của Việt Nam sẽ giỏi vì được gặp nhiều "bệnh lý đa dạng".

Còn ra chữa bệnh tại một nước mà dân số rất ít, làm sao có đông bệnh nhân để cho bác sĩ "thực hành, thi thố". Ngành y là học thực hành, nếu chỉ ôm một mớ lí thuyết mà không có thực hành thì bác sĩ không bao giờ giỏi được. Đó là chưa kể, đặc điểm bệnh lí của người Việt Nam cũng rất khác.

Cùng một bệnh nhân là ung thư gan, ở nước ngoài qua tầm soát, họ phát hiện giai đoạn đầu của bệnh, khi đó u gan còn rất bé nên có thể đốt cũng hiệu quả. Nhưng u gan ở Việt Nam, khi bệnh nhân đến BV Việt Đức thì hầu hết đã di căn (số phát hiện sớm chỉ 5% - 10% ca bệnh), mà "phát hiện muộn thì ở Việt Nam hay ra nước ngoài cũng chịu".

  1.  Tặng trạm y tế xã máy siêu âm 3D

Ngày 29-4, Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Bộ Y tế vừa trao tặng Trạm y tế xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên) máy siêu âm màu 3D hiện đại, trị giá gần 1 tỷ Tguyễn đồng, từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Tại lễ trao tặng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến bày tỏ sự tin tưởng việc được trao tặng máy siêu âm màu 3D sẽ giúp Trạm y tế xã Cẩm Bình nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân địa phương.

  1.  Phát triển Y học gia đình - Bài 2: Đưa Y tế cơ sở trở thành 'Người gác cổng' mẫn cán

Mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất, có thể kịp thời phát hiện các dịch bệnh, triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh cơ bản cũng như quản lý sức khỏe cho mỗi người dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, mạng lưới y tế cơ sở chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Nhiều bệnh nhân vượt tuyến lên bệnh viện Trung ương điều trị không cần thiết vì bệnh hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến dưới.

Chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu

Con số thông kê cho thấy, hiện cả nước có 669 bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện với 78.481 giường; 354 phòng khám đa khoa khu vực với 4.437 giường; 4 nhà hộ sinh với 85 giường, 11.162 trạm y tế xã với 49.544 giường; 100% số xã có trạm y tế, khoảng 60% đã đạt Tiêu chí Quốc gia về y tế xã; khoảng 87,5% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 96% có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 95% thôn bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động. Cùng với đó, cả nước còn có hàng chục nghìn phòng khám tư nhân, 240 phòng khám bác sĩ gia đình, tư nhân.

Mạng lưới y tế cơ sở, nhất là tuyến xã, phường có vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân. Với 11.162 trạm y tế xã, phường, thị trấn, đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và kịp thời phát hiện các dịch bệnh; triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh cơ bản; quản lý sức khỏe cho mỗi người dân… Y tế cơ sở có vai trò tích cực, có mô hình mạng lưới rộng lớn và thực hiện tốt vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu. Những thành tựu của y tế cơ sở Việt Nam triển khai thời gian qua được tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới vì có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp đến tận xã, phường, thậm chí tới cả y tế thôn bản, đạt nhiều mục tiêu thiên nhiên kỷ.

Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới cơ sở y tế này chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Nhiều bệnh nhân vượt tuyến lên bệnh viện Trung ương điều trị không cần thiết vì bệnh hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến dưới.

Theo thống kê có đến 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã.

“Nguyên nhân của tình trạng trên là do y tế cơ sở chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhiều người dân chưa quan tâm đến dự phòng, nâng cao sức khỏe, chỉ đến khi có bệnh mới chịu đi chữa. Bên cạnh đó, phần lớn các trạm y tế chưa quản lý bệnh mạn tính, quản lý sức khỏe một số đối tượng ưu tiên. Số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít. Bình quân các trạm y tế xã mới chỉ thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản và số lượng cũng rất hạn chế…”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế chỉ rõ.

Nền tảng của hệ thống y tế Việt Nam

Trên thế giới, mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình được chú trọng phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và được người dân tin tưởng lựa chọn. Vai trò của y tế cơ sở rất quan trọng, được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; đồng thời là tuyến đầu, “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất. Y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Chính vì thế, việc triển khai trạm y tế xã phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với 6 nguyên tắc: liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả.

  1. Viêm gan B lây lan nhanh hơn HIV gấp 100 lần, dùng chung bát đũa có lây?

Việt Nam được coi là “ổ dịch” của viêm gan B với khoảng 15 triệu người mắc. Loại virus này có khả năng lây nhiễm cao hơn HIV từ 50-100 lần.

Chưa có thuốc chữa, là nguyên nhân gây ung thư gan

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B cao, chiếm 15-20% dân số, tương đương khoảng 15 triệu người, chủ yếu là viêm gan mạn tính.

Viêm gan B mạn là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến xơ gan và ung thư gan. 90% trường hợp mắc viêm gan B diễn tiến âm thầm nên dễ bị bỏ qua, khi bệnh nhân có triệu chứng thường đã ở giai đoạn muộn.

Đây là căn bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ mắc cao, dễ lây truyền song đến nay nhận thức của người dân về viêm gan B còn nhiều hạn chế, do đó tỉ lệ mắc mới viêm gan B ở nước ta vẫn ở mức cao, thêm 30.000 ca mỗi năm.

GS Nguyễn Văn Mùi, nguyên PGĐ BV Quân y 103, Chủ tịch Hội đồng xây dựng phác đồ điều trị viêm gan virus áp dụng trên toàn quốc cho biết, viêm gan B có đường lây nhiễm giống với HIV nhưng khả năng lây lan của HBV cao gấp 50- 100 lần virus HIV nếu không có biện pháp phòng ngừa.

Theo GS Mùi, viêm gan B mạn tính được chia thành 2 thể bệnh: Thể người lành mang bệnh (hay còn gọi là viêm gan B thể ngủ) và viêm gan B thể hoạt động. Ở “thể ngủ”, virus chỉ tạm thời không hoạt động, vẫn có thể bùng phát tái hoạt động bất cứ lúc nào, nhất là khi sức đề kháng kém, khả năng chống chọi với virus bị giảm.

Nếu virus “ngủ yên”, chưa phá huỷ tế bào gan, xét nghiệm men gan vẫn bình thường nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác qua đường máu hoặc đường tình dục. Do đó dù không phải điều trị thuốc nhưng người bệnh cần kiểm tra sức khoẻ định kỳ, duy trì lối sống khoa học và có biện pháp phòng chống lây nhiễm virus viêm gan B cho người khác.

Khi virus ở thể hoạt động, gây ra tổn thương tế bào gan, người bệnh buộc phải điều trị tích cực theo phác đồ với thuốc nhằm kìm hãm sự phát triển của virus viêm gan, ngăn chặn nguy cơ biến chứng thành xơ gan hoặc ung thư gan

Tuy nhiên hiện nay, viêm gan B chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Các phác đồ điều trị hiện nay chỉ có thể ngăn ngừa sự nhân lên của virus, ngăn chặn nguy cơ biến chứng thành xơ gan, ung thư gan.

Chính vì vậy, người mắc viêm gan B thường phải chấp nhận thời gian điều trị kéo dài, có thể là 1-2 năm, thậm chí đến vài chục năm hoặc cả đời. Chi phí điều trị viêm gan B mỗi năm trung bình từ 60 – 200 triệu đồng.

Dùng chung bát đũa có lây?

GS Mùi cho biết, đến nay đa số người dân vẫn hiểu lầm rằng, virus viêm gan B có thể lây khi dùng chung bát đũa, khăn mặt, bắt tay, ôm hôn người bệnh... Điều này gây ra sự kỳ thị trong cộng đồng đối với bệnh nhân viêm gan B. “Viêm gan B lây qua đường máu là chủ yếu (truyền máu, dùng chung kim tiêm), từ mẹ sang con hoặc quan hệ tình dục không an toàn”, GS Mùi nhấn mạnh.

Thống kê tại Việt Nam cho thấy, 90% trẻ bị nhiễm virus viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm viêm gan B mạn tính. Cụ thể, trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh từ 10-90% nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B. Đặc biệt trong trường hợp mẹ có xét nghiệm HBsAg+ và HBeAg+ thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm virus viêm gan B. Tại Việt Nam, khoảng 10-12% phụ nữ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B mãn tính.

Do đó, để hạn chế bệnh lây lan, GS Mùi cho rằng cần nâng cao nhận thức của người dân về viêm gan B để kiểm soát bệnh.

Hiện nay, việc tầm soát viêm gan B khá dễ dàng, chỉ cần test nhanh đã có thể cho kết quả một người có mắc bệnh hay không. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh cũng không trầm trọng. Người bệnh có thể học tập, sinh hoạt bình thường, sống chung hoà bình với virus viêm gan B đến hết đời.

Dù bệnh lây lan mạnh nhưng hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều nước đã có vắc xin ngừa viêm gan B. Với trẻ nhỏ sinh ra từ người mẹ có virus viêm gan B thể hoạt động cần được tiêm huyết thanh trong vòng 24 giờ đầu tiên, đủ 3 mũi trong 6 tháng sau đó sẽ giúp giảm tới hơn 90% nguy cơ lây lan viêm gan B từ mẹ sang con.

Ở người lớn chưa có kháng thể với viêm gan B (AntiHBs âm tính), sẽ được tiêm văcxin viêm gan B 3 mũi theo trình tự 1 - 2 - 3, trong đó mũi 2 cách mũi đầu 2 tháng và mũi 3 cách mũi đầu 3 tháng. Có thể tiêm nhắc lại sau mỗi 5, 10 năm hoặc khi xét nghiệm không thấy còn kháng thể.

  1. Cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ích phế khang, Bona

Cục ATTP, Bộ Y tế vừa có thông tin cảnh báo cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ích phế khang, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bona trên một số website và trang mạng xã hội.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, các sản phẩm này do Công ty Cổ phần Truepharmco (Địa chỉ: số 122, ngõ 143 đường Nguyễn Chính, Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) sản xuất, công bố và chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm.

Đây là các thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, tuy nhiên hiện nay trên một số website và trang mạng xã hội các sản phẩm này đang được quảng cáo như thuốc chữa bệnh – vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo trong lĩnh vực y tế. Trong khi các cơ quan chức năng đang xử lý các vi phạm nêu trên, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị người tiêu dùng cần cảnh giác với các thông tin nêu trên.

  1.  Cần ghi nhãn dinh dưỡng để kiểm soát bệnh không lây nhiễm

Để góp phần hạn chế tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm, thời gian tới Bộ Y tế sẽ khuyến khích nhà sản xuất chủ động công bố ghi nhãn dinh dưỡng cho người tiêu dùng dễ nhận biết tổng năng lượng, đạm, béo, tinh bột và muối, đường…, ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết.

Theo ông Trương Đình Bắc, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng gia tăng các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư. Ước tính cứ trong 10 ca tử vong ở Việt Nam thì có gần 8 ca tử vong là do bệnh không lây nhiễm.

Đặc biệt trong số 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp ở cộng đồng hiện nay có tới gần 60% chưa được phát hiện bệnh và trên 80% chưa được quản lý điều trị; trong tổng số hơn 3 triệu người bị đái tháo đường thì có gần 70% chưa được phát hiện bệnh và trên 70% chưa được quản lý điều trị thuốc.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ bệnh không lây nhiễm là do đô thị hóa, kinh tế phát triển, dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng trong lối sống và chế độ ăn uống của người dân. Những thay đổi bao gồm sự chuyển đổi từ thực phẩm truyền thống sang thực phẩm chế biến nhiều chất béo, muối, đường và từ lao động thể lực sang ít hoạt động thể chất.

Thực phẩm, chế độ ăn uống và tình trạng dinh dưỡng, bao gồm thừa cân-béo phì là một trong các yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh không lây nhiễm. “Các nghiên cứu cho thấy, ăn ít rau và trái cây ước tính là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày ruột; 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ; 11% số trường hợp đột quỵ. Ăn nhiều muối là nguy cơ của đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác”, ông Trương Đình Bắc thông tin.

Theo số liệu điều tra quốc gia của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy hơn 1/2 người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Bên cạnh thói quen ăn mặn, các nghiên cứu cũng cho thấy, người Việt rất thích đồ ngọt, trong đó có uống nước ngọt. Năm 2016 Việt Nam tiêu thụ hơn 4 tỷ lít nước ngọt, trong đó, nhiều nhất là trà uống liền với hơn 2 tỷ lít; tiếp theo là đồ uống có ga (hơn một tỷ lít), sau đó mới đến nước uống thể thao, nước tăng lực, nước ép trái cây; tỷ lệ thừa cân béo phì ở Việt Nam tăng nhanh từ 12% năm 2010 lên gần 16% dân số năm 2015. Do đó, việc tăng cường dinh dưỡng hợp lý và xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh là một trong các ưu tiên hàng đầu trong dự phòng và kiểm soát bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Thói quen ăn uống và tiêu dùng thực phẩm của người Việt Nam là một trong những yếu tố nguy cơ cần phải được thay đổi. Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra các khuyến cáo về cung cấp hệ thống tiêu chí dinh dưỡng Nutrient Profiling là cách phân loại thực phẩm một cách khoa học dựa trên các thành phần dinh dưỡng với mục tiêu phòng chống bệnh tật và tăng cường sức khỏe, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cần phải có được môi trường thực phẩm an toàn như: Tạo môi trường thực phẩm lành mạnh yêu cầu sự hiểu rõ về thực trạng tiêu thụ các thực phẩm phổ biến như thực phẩm được chế biến và đóng gói sẵn; Cần ghi nhãn dinh dưỡng bao gồm có công bố về thành phần muối (natri), tổng đường và chất béo, giúp người tiêu dùng hiểu được thành phần của thực phẩm; Thiết lập hệ thống phân loại thực phẩm để xác định các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe; Cần có các quy định về hạn chế về tiếp thị các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.

Hiện tại Việt Nam mới chỉ có quy định về hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa và hướng dẫn ghi nhãn dinh dưỡng. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ bắt buộc ghi tên sản phẩm, xuất xứ sản phẩm, hạn sử dụng, một số thành phần dinh dưỡng bắt buộc như giá trị năng lượng, hàm lượng protein, chất béo, cacbohydrat tiêu hóa được, đường tổng số. Hiện tại, chưa bắt buộc các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường thực phẩm lành mạnh như một số nước trong khu vực châu Á.

  1.  Thu hồi trên toàn quốc 4 lô thuốc chống dị ứng kém chất lượng

 Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu đình chỉ lưu hành thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với thuốc chống dị ứng viên nén bao phim Cetirizine tablets 10mg.Cụ thể, Cục Quản lý Dược vừa nhận được kết quả của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương về việc kiểm nghiệm thuốc viên nén bao phim Cetirizine tablets 10mg (SĐK: VN-19406-15). Kết quả xét nghiệm mẫu thử cho thấy, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan và định lượng.Sản phẩm trên do Công ty Windlas Biotech Private Limited (Ấn Độ) sản xuất, Công ty CP dược phẩm Trung ương - Codupha nhập khẩu.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty CP dược phẩm Trung ương – Codupha phối hợp với nhà cung cấp và phân phối thuốc phải gửi thông báo, tiến hành thu hồi toàn bộ những lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên. Đồng thời gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược.

Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi lô thuốc Cetirizine, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này, xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành. Được biết, trước đó, Cục Quản lý Dược nhận được Văn thư số Pant 1/ Plant 2/ Plant 3 của Công ty Windlas Biotech Private Limited (India) về việc đề nghị thu hồi thuốc. Theo đó, Công ty đã xác định 02 lô thuốc Viên nén bao phim Cetirizine tablets lOmg (cetirizine lOmg), SĐK: VN-19406-15, số lô: WCH7007E và WCH7008E, NSX: 25/8/2017, hạn dùng: 24/8/2020 không ổn định về chất lượng, đã quyết định đình chỉ xuất khẩu và tiến hành thu hồi toàn bộ 02 lô thuốc đã nhập khẩu vào Việt Nam. Công ty đề nghị tiếp tục thu hồi toàn bộ các lô thuốc gần nhất đã nhập khẩu vào Việt Nam, bao gồm các lô: WCH7005E, WCH7006E, WCPI7007E và WCII7008E.

Thuốc viên nén bao phim Cetirizine tablets 10mg thuộc nhóm thuốc chống dị ứng và dùng trong các trường hợp quá mẫn cảm. Chỉ định điều trị triệu chứng các biểu hiện dị ứng: Viêm mũi dị ứng, sổ mũi theo mùa và không theo mùa. Các bệnh ngoài da gây ngứa do dị ứng, bệnh mề đay mạn tính, viêm kết mạc dị ứng./.

  1.  Bắt số lượng lớn máy hút thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc

Chiều 30-4, Công an TP Huế (TT-Huế) cho biết, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an thành phố vừa phát hiện một lượng lớn máy hút thuốc lá điện tử và các phụ kiện liên quan không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình tại địa bàn, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an TP Huế bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh Gia Minh Vape (địa chỉ: 36 đường Nguyễn Trãi, phường Thuận Hòa, TP Huế). Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện 101 máy hút thuốc lá điện tử, 93 thân máy, 12 đầu đốt, 10 cục sạc pin và 237 chai tinh dầu các loại phục vụ hút thuốc lá điện tử không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ cũng như bản công bố chất lượng sản phẩm theo quy định.

Theo Công an TP Huế, hiện nay nhiều thanh thiếu niên đang đua đòi, tìm mua thuốc lá điện tử để hút theo trào lưu mới. Tuy nhiên, thuốc lá điện tử chưa được Bộ Y tế cấp phép, chưa có các cơ quan chức năng kiểm định độ an toàn, chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, loại thuốc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe đối với người sử dụng. Hiện, Công an TP Huế đã tạm giữ toàn bộ số hàng trên, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

  1.  BHYT góp phần chăm sóc toàn diện sức khỏe người cao tuổi

Là nhóm đối tượng đã suy giảm nhiều về thể lực sau thời gian dài lao động và cống hiến, người cao tuổi là nhóm có tần suất khám chữa bệnh (KCB) và chi phí KCB bình quân cao hơn các nhóm đối tượng khác do bệnh ở tuổi già chủ yếu là các bệnh mạn tính phải điều trị suốt đời và điều trị nhiều bệnh cùng lúc; tính chất bệnh nặng... Thời gian qua, quỹ khám, chữa bệnh BHYT đã bảo đảm tốt quyền lợi cho người cao tuổi có BHYT.

Tỷ lệ người cao tuổi tham gia BHYT tăng dần qua các năm

Theo đó, tỷ lệ người cao tuổi tham gia BHYT trên tổng số đối tượng chiếm trên 11% và tăng dần qua các năm. Năm 2016 cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT cho người cao tuổi là 8,8 triệu người; năm 2017 là 9,8 triệu người và năm 2018 là trên 11 triệu người (con số này chưa bao gồm đối tượng người cao tuổi là thân nhân quân nhân do BHXH Bộ Quốc phòng cấp thẻ BHYT).

Là nhóm đối tượng đã suy giảm nhiều về thể lực sau thời gian dài lao động và cống hiến, người cao tuổi là nhóm có tần suất KCB và chi phí KCB bình quân cao hơn các nhóm đối tượng khác do bệnh ở tuổi già chủ yếu là các bệnh mạn tính (như tim mạch, huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, thoái hóa khớp…) phải điều trị suốt đời và điều trị nhiều bệnh cùng lúc; tính chất bệnh nặng... Thời gian qua, quỹ khám, chữa bệnh BHYT đã bảo đảm tốt quyền lợi cho người cao tuổi có BHYT.

Cụ thể, năm 2017, có 52,8 triệu lượt KCB của người cao tuổi (chiếm tỷ lệ 31,4% số lượt KCB trên toàn quốc), với chi phí là 35.500 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40,2% tổng chi toàn quốc). Năm 2018, ước tính có khoảng 57 triệu lượt KCB của người cao tuổi (chiếm tỷ lệ khoảng 34% số lượt KCB trên toàn quốc).

Với đặc điểm thể chất, người cao tuổi cần có những dịch vụ y tế đặc thù phù hợp với mô hình bệnh tật của người cao tuổi đó là các bệnh mạn tính, cần được điều trị theo dõi tại tuyến y tế gần nơi cư trú đó là các trạm y tế xã phường. Đồng thời, cần có các chuyên ngành riêng điều trị các bệnh lý của người cao tuổi.

Bảo đảm tốt nhất việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi

Vừa qua Bộ Y tế đã triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản tại trạm y tế xã theo Thông tư 39, Danh mục thuốc điều trị các bệnh tại tuyến y tế cơ sở được mở rộng, theo đó các bệnh mạn tính được quản lý theo dõi tại đây, tạo thuận lợi cho người cao tuổi trong khám và điều trị các bệnh mạn tính tại trạm y tế xã, phường, thị trấn. Bộ Y tế cũng đang triển khai mô hình bác sỹ gia đình sẽ giúp cho việc theo dõi điều trị các bệnh của người cao tuổi tại nhà được tốt hơn. Một số BV đã triển khai các khoa, các Trung tâm điều trị các bệnh liên quan đến người cao tuổi: đột quỵ, Anzeimer… Như vậy, dịch vụ khám chữa bệnh BHYT đối với người cao tuổi ở nước ta ngày càng được quan tâm hơn.

Hiện nay, gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BYT quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở. Triển khai Thông tư này giúp cho người tham gia BHYT, trong đó có người cao tuổi được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản này ngay tại nơi sinh sống, tránh tình trạng quá tải đối với tuyến trên khi chỉ điều trị các bệnh thông thường.

Các bệnh mạn tính cũng được triển khai, tập huấn chuyển giao từ các BV, thực hiện cung ứng thuốc theo gói DVYT cơ bản tại TYT xã, giúp người cao tuổi thuận lợi hơn trong KCB, kịp thời điều trị các bệnh mạn tính cũng như các bệnh của người cao tuổi gần nơi cư trú, đồng thời giúp giảm chi phí cơ hội do đi lại, vận chuyển, …cho người cao tuổi và gia đình.

Bảo đảm tốt nhất việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, việc mở rộng, sớm hoàn thành tỷ lệ bao phủ BHYT đến 100% đối tượng này có ý nghĩa quan trọng. Hiện nay, người cao tuổi đang tham gia BHYT theo các đối tượng: Người cao tuổi là người trên 60 tuổi, vẫn đang làm việc tại các đơn vị, tổ chức, DN: người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHYT cho người cao tuổi; Người cao tuổi thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông lâm ngư diêm nghiệp có mức sống trung bình... tham gia BHYT theo nhóm đối tượng hộ gia đình; Người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên được ngân sách Nhà nước cấp thẻ BHYT.

  1.  Quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1807/SYT-KHTC về thực hiện Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế.

Thực hiện Công văn số 1602/UBND-KGVX, ngày 23-4-2019, của UBND Thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND, ngày 09-4-2019, của HĐND Thành phố, để việc triển khai, thực hiện đảm bảo kịp thời đúng quy định, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Thành phố thực hiện tuyên truyền để người dân hiểu việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện giá thị trường đối với các dịch vụ công có sự kiểm soát của Nhà nước; chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh về cơ bản không làm ảnh hưởng nhiều đến người thuộc hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách xã hội, người thuộc hộ cận nghèo vì các đối tượng này đã được Nhà nước mua hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT, về cơ bản chi phí khám, chữa bệnh đã được BHYT thanh toán; tạo sự đồng thuận của người dân khi tham gia khám chữa bệnh nhằm mục đích thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân.

Giao các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức tập huấn, phổ biến nội dung Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30-11-2018 của Bộ Y tế, Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND đến tất cả cán bộ, viên chức, người lao động liên quan để thu đúng theo giá dịch vụ của HĐND đã ban hành, không thu thêm của người bệnh chi phí đã tính trong giá (trừ các chi phí vật tư, hóa chất, chưa tính vào giá phần đồng chi trả theo quy định của người bệnh có thẻ BHYT hoặc phần chệnh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan BHXH và giá khám chữa bệnh theo yêu cầu). Công khai bảng giá dịch vụ bằng các chất liệu như bảng mica hoặc bảng điện tử..., treo ở nơi nhiều người qua lại và thuận tiện để người bệnh biết, thực hiện.

Các cơ sở y tế tiếp tục sắp xếp, bố trí khoa khám bệnh hợp lý, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chất lượng phục vụ người bệnh, tiếp tục cải cách TTHC trong hoạt động khám chữa bệnh, nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng CNTT, rà soát và điều chỉnh quy trình tiếp đón, quy trình khám, lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... tăng cường và hợp đồng thêm hoặc điều chỉnh nhân lực để tăng số bàn khám, phòng khám với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, đáp ứng yêu cầu của người dân, đổi mới phong cách và thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Phát triển kỹ thuật chuyên môn, đẩy mạnh thực hiện luân phiên người hành nghề khám chữa bệnh, mô hình bệnh viện vệ tinh; Đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, máu, dịch truyền, vật tư tiêu hao đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người bệnh. Kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và điều trị của bệnh viện. Kiểm soát việc kê đơn, sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, chỉ định dịch vụ kỹ thuật và việc tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh.

Thực hiện nghiêm các quy định về chuyên môn y tế, đặc biệt là việc chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú; chuyển tuyến, chỉ định sử dụng dịch vụ, thuốc, vật tư theo đúng quy định, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ. Đẩy mạnh thực hiện ký cam kết đổi mới phong cách và thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Trách nhiệm của các cơ sở khám, chữa bệnh về quản lý nguồn thu: Thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thu đúng quy định, cải tiến khâu thu và thanh toán tiền ra viện để giảm thời gian chờ đợi, tạo điều kiện cho người bệnh được thanh toán trong ngày sau khi ra viện. Cải tiến khu vực tiếp đón, bố trí nhân viên hướng dẫn người bệnh và người nhà làm các thủ tục khám bệnh, chữa bệnh. Không được thu tiền đối với người nhà vào thăm nuôi người bệnh dưới các hình thức như tiền áo vàng, tiền quần áo người nhà bệnh nhân (do giá dịch vụ ngày giường đã bao gồm các chi phí điện, nước, vệ sinh buồng bệnh của người nhà bệnh nhân).

  1.   Từ 1-5, Hà Nội tăng giá dịch vụ y tế với những đối tượng không có BHYT

Từ 1-5-2019, Hà Nội sẽ điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập thuộc thành phố. Bệnh nhân vào điều trị trước ngày 1-5-2019 và ra viện sau ngày 1-5-2019 tiếp tục được áp dụng mức giá hiện hành trước thời điểm thực hiện mức giá mới.

Danh mục, giá các dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc quỹ BHYT chi trả gồm: 10 dịch vụ khám chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện. Từ 1-5 tới, giá dịch vụ y tế áp dụng đối với trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT sẽ được áp dụng mức giá tối đa theo Thông tư 37/2018/TT-BYT của Bộ Y tế. Mức giá này cơ bản chỉ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở vào giá, từ 1.150.000đ lên 1.390.000đ.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện Hà Nội có 86,7% dân số đã tham gia BHYT, chỉ có 13,3% người dân chưa tham gia, đây là đối tượng có mức sống ổn định, thuộc nhóm tham gia BHYT tự nguyện.

Do vậy, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này chỉ tác động đến đối tượng không tham gia BHYT, không ảnh hưởng nhiều đến trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách xã hội…

  1.   Người lao động được nghỉ giữa giờ 30 phút liên tục

Người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục trong điều kiện làm việc bình thường. Nếu làm việc theo ca liên tục 6 giờ trở lên trong ngày thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính để trả lương... Đây là 1 trong những điểm mới quy định tại Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vừa được Bộ Lao động, Thương binh và xã hội công bố.

Theo đó, Điều 110 quy định, người lao động làm việc theo thời giờ làm việc bình thường quy định tại Điều 106 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục; trường hợp làm việc ban đêm được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục. Trong trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục 6 giờ trở lên trong ngày thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính để trả lương.

Ngoài thời gian nghỉ theo quy định nói trên, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao ngắn và ghi vào nội quy lao động.

Về nghỉ chuyển ca, Dự thảo Bộ Luật Lao động quy định, người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.

Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.

Dự thảo cũng cho phép nười sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần, nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

Mỗi 5 năm làm việc được tăng thêm 1 ngày phép

Theo Dự thảo, người lao động có đủ 12 tháng làm việc trong 01 năm cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành sau khi lấy ý kiến của Bộ Y tế hoặc người lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành sau khi lấy ý kiến của Bộ Y tế.

Người lao động chưa đủ 12 tháng làm việc trong 01 năm cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng đã làm việc.

Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hàng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết.

Cứ 60 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hàng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 114 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Điều 116 quy định, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp: Kết hôn (nghỉ 03 ngày); Con kết hôn (nghỉ 01 ngày); Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết (nghỉ 03 ngày.)

Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

Ngoài các quy định nói trên, người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

  1.   Năm nay sẽ kiểm toán chuyên đề về tự chủ bệnh viện công lập

VOV.VN - Hiện nay giá dịch vụ y tế mới tiệm cận được 2 trong 4 yếu tố chi phí. Tuy nhiên, trong cơ sở y tế công lập vẫn tồn tại nhiều hoạt động dịch vụ.

Bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, Bệnh viện Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh đã dừng việc thu 30.000/1 ngày đối với người chăm nuôi bệnh nhân. Tuy nhiên, vấn đề tự chủ tài chính vẫn “nóng” khi tại các bệnh viện công lập, giá dịch vụ theo yêu cầu mỗi nơi một kiểu và vẫn có những khoản thu gây tranh cãi.

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng chuyên ngành 3, Kiểm toán Nhà nước khẳng định: “Năm nay sẽ kiểm toán chuyên đề về tự chủ bệnh viện”.

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay, nhiều bệnh viện công lập được tự chủ tài chính. Trong khi Bộ Y tế chưa quy định mức trần giá dịch vụ theo yêu cầu nên mỗi nơi một giá, tiền có nơi lên tới hơn 500.000 đồng/1 lượt và tiền giường lên tới 1.500.000 đồng/1 ngày khám đêm. Bên cạnh đó, có những khoản thu gây tranh cãi như: thu tiền người chăm nuôi bệnh nhân, thu thêm tiền nếu sử dụng dịch vụ y tế ngoài giờ hành chính… Ông có bình luận gì về điều này? 

Ông Lê Đình Thăng: Năm 2019 này, Kiểm toán Nhà nước tổ chức kiểm toán chuyên đề tự chủ đối với cơ sở khám chữa bệnh công lập. Đây là một chuyên đề lớn trong phạm vi toàn quốc. Ngoài kiểm toán nhà nước chuyên ngành thực hiện việc này, còn có kiểm toán các khu vực tham gia đối với bệnh viện địa phương, tuyến tỉnh, tuyến huyện. Đây cũng là dịp nhìn nhận lại toàn bộ cơ chế tự chủ của bệnh viện công lập, không chỉ là vấn đề tiền (giá dịch vụ) mà còn là thực hiện nhiệm vụ của bệnh viện, trong đó có tổ chức bộ máy, đặc biệt là tự chủ tài chính, trong đó đi sâu vào kiểm toán nguồn thu, quản lý chi tiêu, để từ đó kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có chính sách quản lý phù hợp, vừa đảm bảo quyên được tự chủ của các bệnh viện, giảm được ngân sách Nhà nước cấp cho các bệnh viện, nhưng phải tăng được chất lượng dịch vụ y tế mà người dân được thụ hưởng. Chúng tôi cho rằng, mở rộng dịch vụ y tế chất lượng cao để người dân được thụ hưởng là vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta cần hướng đến 

Phóng viên: Quan điểm của ông như thế nào về tình trạng, trong một bệnh viện công lập tồn tại 2 “chế độ” là khám chữa bệnh BHYT và khám chữa bệnh theo yêu cầu. Làm thế nào để người bệnh BHYT không bị phân biệt đối xử, thưa ông?

Ông Lê Đình Thăng: Đây là một vấn đề đã tồn tại khá lâu và ở các cấp hiện nay (từ bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh đến tuyến Trung ương). Trong một bệnh viện luôn luôn có 2 chế độ. Một là chế độ bảo hiểm y tế. Hai là dịch vụ y tế theo yêu cầu. Trong bệnh viện công lập cũng chưa rõ ràng, đâu là công, đâu là tư và đâu là liên kết công tư nhưng trong thực hiện cơ chế tự chủ thì theo quy định của nhà nước hiện nay, phải tính đúng tính đủ chi phí cấu thành giá viện phí và lộ trình từ này đến 2020 phải tínhh đủ 4 yếu tố chi phí, đó là chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí quản lý và chi phí khấu hao.

Hiện nay giá dịch vụ y tế mới tiệm cận được 2 trong 4 yếu tố chi phí. Tuy nhiên, trong cơ sở y tế công lập vẫn tồn tại nhiều hoạt động dịch vụ. Cần đối xử bình đẳng với tất cả bệnh nhân, dù bệnh nhân đó khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hay khám chữa bệnh dịch vụ. Phải tiến tới dịch vụ hoàn hảo hơn, đó là trả bảo hiểm y tế theo các gói dịch vụ y tế và bệnh nhân đến bệnh viện được đối xử bình đẳng, chứ không nên phân biệt đối xử.

Phóng viên: Do chưa có quy định cụ thể về điều kiện được thực hiện dịch vụ theo yêu cầu nên tại một số bệnh viện công lập, khu vực khám chữa bệnh dịch vụ ngày càng được mở rộng để tăng nguồn thu, trong khi khu vực khám chữa bệnh BHYT vẫn chật chội, quá tải, bệnh nhân vẫn phải nằm ghép. Theo ông cần có biện pháp quản lý vấn đề này như thế nào?

Ông Lê Đình Thăng: Đây là một hiện tượng có thật hiện nay. Bệnh viện phải tự thu để đáp ứng nhu cầu chi, nảy sinh áp lực tăng nguồn thu để đáp ứng nhu cầu chi tiêu. Đây là một áp lực có thật và các bệnh viện phải làm như vậy. Để quản lý tốt vấn đề này, theo tôi trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước, cần có chính sách cho phép các bệnh viện được thu những khoản nào, không được thu những khoản nào và phải công khai các khoản thu này ra sao.

Việc công khai các khoản thu này phải gắn liền với chất lượng dịch vụ phải được nâng lên, để người dân, người bệnh và xã hội giám sát. Như thế mới đảm bảo được công bằng. Còn giá dịch vụ khác nhau giữa các bệnh viện, đó cũng là việc bình thường vì cơ sở vật chất mỗi bệnh viện khác nhau, thương hiệu khác nhau. Nhưng phải có cơ chế giám sát, cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh việc các bệnh viện lạm thu, thu nhiều nhưng dân không được hưởng dịch vụ tương xứng với số tiền mà họ bỏ ra. Đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải giám sát.

  1.   Chất lượng dược liệu đông y: “Siết” từ nguồn cung

Trước tình hình kinh doanh dược liệu ngày càng phức tạp, việc tăng cường công tác quản lý, xử lý có hiệu quả hoạt động kinh doanh dược liệu, đặc biệt là dược liệu đông y nhập lậu, không rõ nguồn gốc vô cùng cần thiết.

Nhiều vụ vi phạm

Xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là một trong những chợ đầu mối dược liệu đông y lớn nhất miền Bắc, được TP. Hà Nội công nhân đạt danh hiệu làng nghề truyền thống thuốc Nam - Bắc. Đến nay, xã có 80 hộ kinh doanh cá thể thuộc Hiệp hội Làng nghề với sản phẩm dược liệu chủ yếu được thu mua ở các tỉnh phía Bắc và nhập khẩu từ Trung Quốc, cung cấp cho thị trường Hà Nội và toàn quốc. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, lãnh đạo xã Ninh Hiệp thừa nhận, việc kiểm soát nguồn nhập thuốc rất khó bởi qua rà soát, chỉ có 41 hộ kinh doanh dược liệu có giấy chứng nhận và đăng ký kinh doanh, số còn lại sơ chế thủ công tại hộ gia đình.

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, tình hình kinh doanh dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền diễn ra phức tạp. Các hành vi vi phạm tinh vi, đa dạng; chủ yếu là không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng sơ chế...

Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, từ năm 2018 đến nay, lực lượng QLTT thành phố đã kiểm tra, xử lý 35 vụ vi phạm; trong đó phạt hành chính 303,85 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 550,693 triệu đồng. Nguyên nhân dẫn đến những vi phạm ngày càng lớn trong lĩnh vực này, đại diện Cục QLTT Hà Nội cho rằng, việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế, mới chỉ dừng ở xử lý hành chính, chưa truy tố trước pháp luật những vụ việc lớn có tính chất điển hình… Việc kiểm tra dược liệu ở một số cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền cũng chỉ bằng cảm quan; điều kiện bảo quản dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu còn sơ sài. Trong khi đó, hệ thống quy trình, quy phạm về đảm bảo chất lượng dược liệu còn thiếu; các văn bản pháp quy về quản lý chất lượng dược liệu chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế.

Tăng cường kiểm soát

Theo thống kê, mỗi năm, cả nước sử dụng khoảng 60.000 tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ sản xuất thuốc trong nước; còn lại 75% vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Để tăng cường quản lý chất lượng dược liệu, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, trong thời gian tới, Cục QLTT Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra; xử lý điểm kinh doanh, tập kết, tàng trữ, vận chuyển dược liệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc số lượng lớn; tiếp tục công tác tuyên truyền, ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn...

Tuy nhiên, để đấu tranh, xử lý có hiệu quả hoạt động kinh doanh dược liệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, cần có sự phối hợp giữa lực lượng chức năng các tỉnh có cửa khẩu biên giới và lân cận như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang… tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hiệu quả hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ dược liệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc ngay từ đầu nguồn cung cấp, nhập khẩu.

Bên cạnh đó, để kiểm soát thị trường đông dược, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế về quản lý nguồn dược liệu nhập khẩu, các ngành chức năng cần tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhà nước cũng cần tập trung phát triển các vùng sản xuất dược liệu trong nước, góp phần hạn chế các loại đông dược không bảo đảm chất lượng nhập lậu từ nước ngoài. Quý I/2019, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 6 vụ vi phạm kinh doanh dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

  1.  Thầy thuốc ở nơi... “sinh đẻ theo mùa”

VHO-  Không ai vận động, áp đặt nhưng ở đây mọi người dù có trình độ hay chưa biết chữ đều tự nguyện “sinh đẻ theo mùa” để tránh khi sinh nở gặp cơn lũ chặn đường vài chục km từ nhà tới trạm xá... Thế nhưng bệnh tật, tai nạn đến với họ có theo mùa không và thầy thuốc ở cái vùng “sinh đẻ theo mùa” này làm việc ra sao?

 Chúng tôi tìm về xã Moray, huyện Sa Thầy (Kon Tum) trong dịp Hội Sân khấu tổ chức đi thực tế…Vào mùa mưa thì… thôi rồi, nước sông Sa Thầy, Pôcô dâng lên cô lập nhiều vùng, đi cấp cứu họa chỉ có trực thăng mới có thể! Nói thế thôi chứ giả dụ nếu có trực thăng thì tìm ra bãi đáp cũng còn là cả một vấn đề.

“Chiêu đãi các bác một chầu mát xa”

Chúng tôi đến Moray vào mùa khô nhưng các anh ở Binh đoàn 15 dù quý khách đến mấy cũng không dám dùng xe sang ngoài việc đưa đi bằng xe U oát để “bò” vào đấy. Có bận trong xã có người bị sốt rét, bệnh xá gọi cấp cứu nhưng xe cứu thương sa lầy phải gọi xe khác đến kéo. Xe đến kéo chưa kịp tới nơi cũng bị sa lầy. Gọi tiếp xe thứ ba nữa thì vừa mất hơn một ngày. Thôi thì trót ốm đau phải cố, còn cái gì tránh được thì quyết mà tránh. Tránh dễ nhất là chuyện sinh sản. Thế là ở đây có luật bất thành văn mà không ai dám “lách luật” là chị em phải đẻ vào mùa khô, chứ đẻ vào mùa mưa nhỡ làm sao thì thời hiện đại cũng bó tay... chấm com.

Lúc lên xe, nhiều anh chị em lòng đều phơi phới trên chiếc xe lăn êm đường nhựa, phóng mắt nhìn ra hai bên ngút ngàn rừng cao su, hồ tiêu, cà phê, để nắng gió Tây Nguyên ùa vào đầy cảm xúc. Lại còn reo lên khi qua những địa danh lịch sử thời kháng chiến như Đắc Tô, Tân Cảnh đầy máu lửa giờ đẹp một cách hiện đại. Thế nhưng rẽ vào đường 14C có 50 km thì đi phải mất 4 tiếng đồng hồ. Nước trên núi đổ xuống băm nát đường như thể ở thành phố người ta làm gờ giảm tốc. Xóc kinh khủng khiến già trẻ trên xe không ai dám ngồi mà cứ chân ấn xuống sàn xe, tay bíu chặt chỗ nào có thể bíu được. Lúc này mới hiểu câu nói của trung úy Vương, trợ lý tuyên huấn đi cùng đoàn khi bắt đầu lên xe “Anh Vấn (lái xe) hôm nay sẽ chiêu đãi các bác một chầu mát xa miễn phí!”. Nhà văn Bích Ngân đùa: “Ở đây chắc không ai dám bệnh”. Đạo diễn Nguyễn Văn Bộ tán thành, “bệnh nhân cấp cứu đến được bệnh viện chắc các bác sĩ phải mất nửa ngày để sắp xếp lại tim gan lòng phổi cho thứ tự rồi có chữa gì mới chữa”. Mệt thế nhưng khi đến với công ty 78, lòng chúng tôi dịu lại. Đứng trên thung lũng Moray dưới chân núi Chư Moray thỏa sức ngắm núi sông hùng vĩ ai cũng như quên hết những cú xóc nảy người, những cái vặn mình răng rắc trên xe qua chặng đường “mát xa miễn phí”. Không biết có phải vì cảnh núi sông hay tình người ở đây làm những khó khăn vất vả bỗng trở nên nhỏ bé.

Công ty 78 chúng tôi đến là đơn vị quân đội làm kinh tế ngang một lữ đoàn có 2 con dấu, hai tư cách pháp nhân riêng. Làm kinh tế thì là “Công ty 78” nhưng quản lý nhân sự, bổ nhiệm lại theo “Đoàn 78”. Bộ đội đeo sao có mà công nhân quốc phòng cũng có lại thêm cả công nhân lao động là đồng bào dân tộc ở các đội sản xuất. Là ai thì những người chúng tôi gặp đều có nụ cười chân thành cởi mở...

Mỗi lần như thế bon làng như có hội

Bệnh xá 78 nằm ở phía bắc sông Sa Thầy sát biên giới Campuchia bắt vào sông Pôcô chảy ngược sang nước bạn rồi đổ vào dòng Mêkông. Các thầy thuốc ở đây quản lý sức khỏe của chừng 4 ngàn người trên một địa bàn to hơn tỉnh Thái Bình. Xã Moray đã 2 lần nhận danh hiệu AHLLVTND và những thầy thuốc ở đây có phải cũng là những anh hùng với những chiến công thầm lặng?

Họ là những thầy thuốc mặc áo lính nhưng nhiệm vụ của những chiến sĩ quân y ở đây đâu chỉ khám chữa bệnh cho CBCS trong đơn vị mà quan trọng hơn cả là phối hợp khám chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc, góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu như ốm đau không nhờ thầy thuốc mà nhờ thầy mo cúng Giàng, cúng con ma. Bệnh xá 78 ở Moray là một trong 5 bệnh xá của Binh đoàn 15 có sự đầu tư của Bộ Y tế được Quân y Binh đoàn xây dựng với chủ trương kết hợp quân dân y. Có thể nói mô hình quân dân y kết hợp đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, nơi biên giới hải đảo là một trong những ví dụ đẹp nhất, sinh động nhất của sự sáng tạo và ưu việt của nền y tế nước ta, Bệnh xá 78 nằm trong cái “mạch” ấy, tiếp thu sự hỗ trợ chi viện của Quân y Binh đoàn, Bệnh viện 15, các cơ quan y tế dân sự và tại cái điểm heo hút sát biên giới này lại tỏa sáng, là niềm tin cậy của đồng bào. Số lượng bệnh nhân đến khám ở đây cứ năm sau nhiều hơn năm trước và sự đông dần ấy cũng là điều kiện tốt để thầy thuốc thêm kinh nghiệm, trau dồi tay nghề, nâng cao trình độ.

II. Thông tin y tế quốc tế

  1.  Anh điều tra vụ hàng trăm bệnh nhân chết sớm trong bệnh viện

Ngày 30/4, cảnh sát Anh đã mở một cuộc điều tra bệnh viện Gosport War Memorial Hospital ở miền Nam nước này do phát hiện hàng trăm bệnh nhân được cho là đã chết quá sớm sau khi được kê đơn thuốc giảm đau mạnh.

Cảnh sát đang kiểm tra hồ sơ chăm sóc các bệnh nhân đã qua đời từ năm 1987-2001. Một đánh giá trong năm 2018 đã phát hiện trên 450 người đã qua đời một thời gian ngắn kể từ khi nhập viện, và 200 người khác "có thể" cũng đã được kê đơn thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid.

Nhân viên cảnh sát Nick Downing, người đã xem xét các phát hiện trên, cho biết: "Đây là một vụ việc rất phức tạp và nhạy cảm mà nhiều gia đình đã phải trải qua trong hơn 30 năm qua". Ông Downing bày tỏ hy vọng việc cảnh sát tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ sẽ an ủi được mọi người.

Trả lời phỏng vấn Đài BBC, một người nhà bệnh nhân, bà Maggie Cheetham bày tỏ rất muốn biết tại sao dì của bà là Ethel Thurston đã được kê "một loạt thuốc giảm đau" và "ai đó phải chịu trách nhiệm" vì đã giết chết bệnh nhân. Bà Thurson đã qua đời năm 1999 khi 78 tuổi, sau khi nhập viện.

Cuộc điều tra tại Anh diễn ra ít lâu sau khi Bộ Tư pháp Mỹ và Bộ Y tế và dịch vụ con người thông báo 60 người, trong đó có 53 nhân viên y tế, đã bị cáo buộc có hành vi kê đơn và phân phối bất hợp pháp những thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, bao gồm các loại thuốc phiện, các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, kể cả morphin. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tư pháp William Barr Mỹ nhấn mạnh "đại dịch" lạm dụng thuốc giảm đau gây nghiện là cuộc khủng hoảng dược phẩm tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Viện Nghiên cứu lạm dụng dược phẩm Mỹ cho biết trên 70.000 người dân nước này đã tử vong do lạm dụng thuốc vào năm 2017, trong đó có 47.000 người là nạn nhân của các loại thuốc có gốc từ thuốc phiện và 28.400 người chết vì sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau có chứa ma túy và các loại thuốc tương tự.

  1.  Có tới 26 người thiệt mạng trong 1 ngày vì virus Ebola tại CHDC Congo

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Bộ Y tế Congo ngày 29/4 công bố số ca tử vong lớn nhất từ trước đến nay vì virus Ebola ở nước này, theo đó có tới 26 trường hợp chết vì virus Ebola chỉ trong một ngày. Theo bộ trên, 26 trường hợp tử vong mới được xác nhận tại tỉnh Bắc Kivu trong ngày 28/4. Đây là con số lớn nhất ghi nhận trong 1 ngày khi dịch Ebola bùng phát tại nước này.

Bộ trên cho biết, kể từ khi dịch Ebola bắt đầu, tổng cộng có 957 trường hợp đã tử vong và 411 người được chữa lành. Trong đó, ít nhất 33 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh trong quá trình chăm sóc bệnh nhân và họ cũng nằm trong số những người đã chết.

Các chiến dịch phòng chống Ebola thường bị cản trở bởi tình trạng mất an ninh và bạo lực do các nhóm vũ trang chiếm đóng khu vực này. Một bác sĩ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) người Cameroon đã bị những kẻ tấn công vũ trang sát hại hôm 19/4 trong khi đang làm việc với nhóm chống Ebola tại Bệnh viện Đại học Butembo. Đây là dịch Ebola nghiêm trọng nhất trong lịch sử, sau đợt dịch  năm 2014 cướp đi sinh mạng của trên 11.000 người ở Tây Phi.

  1.  Quan chức y tế Mỹ cảnh báo bệnh sởi có thể hoành hành trở lại

Ngày 29/4, các quan chức y tế Mỹ cảnh báo về khả năng bệnh sởi mà quốc gia này từng tuyên bố đã loại trừ có thể sẽ hoành hành trở lại nếu không kiểm soát được các khu vực đang có dịch bùng phát.

Phóng viên TTXVN tại Washington đưa tin, ngày 29/4, các quan chức y tế Mỹ cảnh báo về khả năng bệnh sởi mà quốc gia này từng tuyên bố đã loại trừ có thể sẽ hoành hành trở lại nếu không kiểm soát được các khu vực đang có dịch bùng phát. Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các ca mắc sởi ở Mỹ tiếp tục tăng cao.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến ngày 26/4, đã có 704 trường hợp bị mắc sởi được xác nhận tại 24 bang của Mỹ, vượt xa con số kỷ lục trước đó là 667 trường hợp trong năm 2014.

Các quan chức y tế cho biết bệnh sởi đã được tuyên bố “bị diệt trừ” ở Mỹ vào năm 2000, tuy nhiên bệnh này đã bùng phát trở lại và phần lớn các ca mắc sởi rơi vào những trẻ em chưa được tiêm phòng vắcxin do những thông tin sai lệch từ các nhóm chống tiêm phòng tuyên truyền trong các nhóm dễ bị tổn thương. Có khoảng 500 ca mắc sởi được xác định là chưa tiêm phòng vắcxin.

Trong khi kêu gọi các gia đình đưa con đi tiêm phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar khẳng định những gì đang diễn ra toàn toàn có thể tránh được và các loại vắcxin an toàn bởi đây là những sản phẩm y tế được được nghiên cứu nhiều nhất. Số lượng lớn các ca mắc sởi trong năm nay chủ yếu là các khu vực có dịch ở bang Washington nơi tuyên bố dịch vào ngày 26/4 với tổng số 72 ca và hai khu vực khác là ở thành phố New York và bang New York. Hiện dịch sởi đang lan truyền nhanh chóng ở California, nơi hàng trăm sinh viên đại học đang được cách ly sau khi tiếp xúc với một với một sinh viên bị nhiễm sởi.


Thăm dò ý kiến