Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long họp Văn phòng EOC phòng chống dịch do vi rút Zika

20/02/2016 | 10:01 AM

 | 


Sáng ngày 16/2/2016 đã diễn ra cuộc họp nhằm phòng chống dịch do vi rút Zika tại Văn phòng EOC, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
 
 
 
 
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi rút Zika, ngay sau dịp nghỉ lễ Tết Bính Thân 2016, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp Văn phòng EOC về việc phòng chống dịch bệnh do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì, với sự tham dự của các thành viên trong Văn phòng EOC, Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Quản lý môi trường y tế, Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, đại diện Bộ Công an, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại diện Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Ký (US CDC),... cùng đông đảo các phóng viên đến từ những cơ quan thông tấn báo chí tại Hà Nội.

Buổi họp hướng tới mục tiêu cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh do vi rút Zika trên thế giới và thống nhất phối hợp giữa các Bộ, ban ngành, các đơn vị hữu quan để phòng ngừa dịch bệnh này xâm nhập vào Việt Nam.

Báo cáo tại buổi họp, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết tính đến ngày 16/02/2016, đã có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo các trường hợp nhiễm vi rút Zika, trong đó đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong  tại Venezuela và 2 trường hợp tử vong tại Brazil.

Hiện nay, Việt Nam đã triển khai tốt các hoạt động giám sát, chẩn đoán và điều trị cũng như kế hoạch ứng phó trong trường hợp vi rút Zika xâm nhập Việt Nam. Về mặt giám sát, Bộ Y tế đã thực hiện giám sát tại cửa khẩu, giám sát tại cộng đồng. Viện Pasteur Tp.HCM đã lấy mẫu tại 8 điểm giám sát trọng điểm ở khu vực phía nam và dự định xét nghiệm 1200 mẫu nhằm phát hiện liệu có vi rút trong cộng đồng hay không. Về truyền thông, tiếp tục tập trung tuyên truyền người dân tiêu diệt bọ gậy/lăng quăng, diệt trừ muỗi để loại trừ nguy cơ gây bệnh. Về tập huấn, Bộ Y tế tăng cường hoạt động tập huấn cũng như giám sát các ca bệnh trên thực tế.

Đại diện US CDC quan ngại về việc khó phát hiện bệnh do vi rút Zika do các biểu hiện lâm sàng không rõ ràng. US CDC cũng cho biết tới nay chưa có bằng chứng khẳng định mối liên quan nào giữa chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và việc sử dụng hóa chất  pyriproxyfen diệt ấu trùng muỗi, hóa chất này cũng đã được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng trong những năm qua. US CDC đánh giá rất cao khả năng giám sát và phát hiện bệnh dịch ở Việt Nam, tiêu biểu một số đơn vị như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Hồ Chí Minh. Ngoài ra, US CDC khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam những vấn đề cần thiết để phát hiện, giám sát và điều trị bệnh. 

Tại buổi họp, Đại diện WHO nhấn mạnh các bệnh viện nhi tại Việt Nam nên có những phương án phòng bệnh do vi rút Zika lây truyền ở thai phụ, cần có những hoạt động tuyên truyền thông tin và khuyến khích khám thai định kỳ từ tháng thứ 2 của thai kỳ nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc căn bệnh này.

Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là mối nghi ngờ hóa chất pyriproxyfen gây ra chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu và chưa có kết luận chính thức. Cục Quản lý môi trường y tế cho biết hóa chất pyriproxyfen được cấp phép tại Việt Nam chỉ sử dụng trong công trình xây dựng, hệ thống nước thải và tuân theo khuyến cáo của WHO, hoàn toàn không cho phép sử dụng ở hệ thống nước sinh hoạt.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Cục Quản lý môi trường y tế tiếp tục theo dõi, giám sát về hóa chất pyriproxyfen, nếu có kết luận của WHO về ảnh hưởng của chúng lên thai nhi cần ngừng việc lưu hành ngay lập tức và có những phương án thích hợp đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Thứ trưởng cũng khẳng định Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp đa ngành với các Bộ, ngành, các tổ chức y tế quốc tế tại Việt Nam, thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh, giám sát cửa khẩu để phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh, tăng cường hoạt động của văn phòng EOC, tăng cường các hoạt động đáp ứng phòng chống dịch, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, xét nghiệm, chẩn đoán và điều tra dịch tễ ca bệnh, chuẩn bị đủ sinh phẩm, vật tư y tế cho các viện, bệnh viện,... 

Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị dự phòng ngành y tế cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cửa khẩu, đặc biệt quan tâm đến các hoạt động tập huấn, xét nghiệm và điều trị bệnh.

Bộ Y tế mạnh mẽ khuyến cáo người dân nên chủ động theo dõi thông tin cập nhật về dịch bệnh trên các website chính thức của ngành y tế, tuân thủ các quy định về y tế, hạn chế đi đến các vùng có dịch lưu hành, đặc biệt là phụ nữ có thai hoặc có ý định mang thai, chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh và sẵn sàng phối hợp với cán bộ y tế trong các hoạt động cần thiết khi có dịch bệnh xảy ra. Danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch đã được công bố chính thức trên website của Cục Y tế dự phòng và Bộ Y tế.
 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế