KẾT QUẢ CẢI CÁCH TÀI CHÍNH CÔNG TRONG QUÝ I/2023 CỦA MỘT SỐ BỘ, NGÀNH

14/07/2023 | 15:55 PM

 | 

Tài chính công là tổng thể các hoạt động thu, chi bằng tiền do Nhà nước tiến hành, phản ánh hệ thống các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ công nhằm phục vụ thực hiện các chức năng của Nhà nước và đáp ứng các nhu cầu, lợi ích chung của toàn xã hội. Trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021- 2030, tài chính công được xác định là một trong sáu nội dung của cải cách hành chính (cùng với cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số). Việc đặt cải cách tài chính công thành một nội dung của cải cách hành chính là một sự đổi mới tư duy về hành chính nhà nước và cải cách hành chính. Theo Báo cáo số 1337/BC-BNV ngày 27/3/2023 của Bộ Nội vụ, trong Quý 1/2023, hoạt động cải cách tài chính công của các Bộ,ngành, địa phương đạt được một số kết quả là:

Về quản lý nợ công, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện các giải pháp về quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trên cơ sở nguyên tắc quản lý nợ công là đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội với mức độ chi phí - rủi ro phù hợp; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong từng thời kỳ; thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước.

          Công tác quản lý, sử dụng tài sản công tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện trên cơ sở triển khai hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công. Bộ Tài chính đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, đẩy mạnh triển khai kết nối dữ liệu vào Kho cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản công. Việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại bộ, ngành, địa phương tiếp tục được Bộ Tài chính phối hợp, triển khai có kết quả.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương vào cuộc chủ động, theo đó đã đạt được những kết quả cụ thể. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 02/2023 đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (thấp hơn cùng kỳ năm 2022, đạt 8,61%). Trong đó vốn trong nước đạt 6,79% kế hoạch và đạt 7,24% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (thấp hơn cùng kỳ năm 2022, đạt 9,22%); vốn ngoài nước đạt 0,40% kế hoạch (cao hơn cùng kỳ năm 2022, đạt 0,20%); có 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 10%, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao như: Điện Biên (23,44%), Tiền Giang (21,04%), Lâm Đồng (20,31%); có 19/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Về đổi mới đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập: Bộ Tài chính đang tích cực rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Ngày 14/3/2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công (Tờ trình số 30/TTr-BTC), trong đó có đề xuất nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách ưu đãi khuyến khích xã hội hóa để triển khai thực hiện. 

Phòng KTTTHC, Văn phòng Bộ