TỈNH THÁI NGUYÊN CHUYỂN ĐỔI SỐ GẮN KẾT VỚI CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TẠI ĐỊA PHƯƠNG[1]

29/09/2022 | 15:39 PM

 | 

 

 

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm để hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, ngày 31/12/2020 Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và đã lấy ngày 31/12 hằng năm là ngày chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có khoảng 2.500 tuyến truyền dẫn nội tỉnh, 100% các tuyến truyền dẫn cáp quang và được xây dựng đến các xã; 100% cơ quan, tổ chức, 99% khu vực dân cư được kết nối internet băng rộng (cáp quang và 3G, 4G, 5G) đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin, bảo đảm điều kiện kỹ thuật, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp;

Trung tâm Điều hành đô thị thông minh IOC với 11 nền tảng công nghệ số; ứng dụng công dân số Thái Nguyên “C-ThaiNguyen” được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2021 đến nay đã có gần 230.000 lượt cài đặt, sử dụng; việc phát triển nền tảng xã hội số với tên gọi "Thai Nguyen ID" nhằm mục đích xây dựng và phát triển một hệ sinh thái trên môi trường số hoàn toàn lấy người dân là trung tâm, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp những tiện ích số hữu hiệu nhất phục vụ cuộc sống hàng ngày, tăng cường thêm kênh tương tác giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp bằng công nghệ số.

Thực hiện Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung chỉ đạo việc đầu tư trang thiết bị cho Bộ phận một cửa các cấp, trong đó ưu tiên bố trí máy tính nối mạng phục vụ tổ chức, cá nhân đến giao dịch, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trang bị hệ thống camera theo dõi; máy lấy số xếp hàng tự động; các màn hình cảm ứng để tra cứu thông tin, kết quả giải quyết TTHC. Duy trì việc cung cấp 100% TTHC đủ điều kiện mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh… từ đó góp phần quan trọng vào công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu người dân, doanh nghiệp, tạo nên môi trường hành chính công khai, minh bạch; góp phần nâng tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến của tỉnh từ 30% đến nay đã đạt 67%.

Để hiện thực hóa mục tiêu thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, bảo đảm nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan hành chính nhà nước, tỉnh đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử, hoàn thành việc xây dựng “Phần mềm số hóa và quản lý kết quả giải quyết TTHC”, thực hiện cấp trên 6.400 chữ ký số cá nhân chuyên dùng Chính phủ cho các cơ quan nhà nước của tỉnh, trong đó 100% cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức tham gia trực tiếp vào quá trình giải quyết TTHC được cấp và hướng dẫn sử dụng chữ ký số. Từ ngày 01/6/2022 tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh đã thực hiện việc số hóa hồ sơ, giấy tờ trong tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Tỉnh Thái Nguyên được chọn là đơn vị điểm triển khai thực hiện Đề án 06. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đảng viên, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang với sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề ánh 06; đồng thời chỉ đạo Bộ phận một cửa các cấp thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết với 25 dịch vụ công này từ ngày 01/7/2022.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành cung cấp 22/25 dịch vụ công thiết yếu; Tích hợp thông tin BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) vào thẻ căn cước công dân (CCCD) để phục vụ khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt bằng mã QR-code; Thực hiện cấp 58.816 tài khoản định danh điện tử cho công dân; cấp 982.460 CCCD gắn chip (đạt 94,53%); thực hiện khởi tạo dữ liệu ban đầu cho trên 1,3 triệu người dân trên phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử; cập nhật trên hệ thống tiêm chủng 2.987.755/3.117.204 mũi tiêm thực tế; triển khai thí điểm việc số hóa, nhập thông tin Sổ hộ tịch trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại 4 phường, xã và ngày 04/8/2022 sau khi đánh giá tỉnh đã tổ chức triển khai mở rộng trên địa bàn tỉnh; Đã kết nối xong ứng dụng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc giúp xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết TTHC lĩnh vực thuế đối với thủ tục đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là cá nhân không kinh doanh trên Cổng DVCQG có kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với CSDLQG về dân cư.

 

[1] Hội nghị đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, Văn phòng Chính phủ ngày 15/9/2022



Tin liên quan