Thông tin sưu tầm ngày 25/08/2020

25/08/2020 | 15:12 PM

 | 

50. Tiết kiệm gần 6.500 tỷ đồng qua dịch vụ công trực tuyến

 

Dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm tổng chi phí xã hội lên tới 6.490 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng Cổng dịch vụ công quốc gia giúp tiết kiệm 3.036 tỷ đồng/năm.

Đây là thông tin được Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp”, diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh chiều nay, 12-6.

Hội nghị được Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Australia (thông qua chương trình đối tác chiến lược Australia - Ngân hàng Thế giới) tổ chức, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện các bộ, ngành trung ương, đại diện lãnh đạo các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang; đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp khu vực phía Nam.

Từ sự lan tỏa mạnh mẽ sau khi hội nghị lần thứ nhất, thông qua hội nghị lần thứ hai này, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan mong muốn tiếp tục giới thiệu những lợi ích của Cổng dịch vụ công quốc gia với cộng đồng doanh nghiệp.

Những tiện ích tập trung vào các nhóm thủ tục hành chính đã vận hành thông suốt cùng một số tính năng đặc biệt như: Thanh toán trực tuyến, gửi phản ánh kiến nghị cho Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước, tra cứu thông tin quy trình, thủ tục cũng như giới thiệu các phương án, kế hoạch phát triển tiếp theo để thu hút các sáng kiến, góp ý từ doanh nghiệp.

Theo số liệu do bộ phận vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, tại thời điểm ngày 18-5-2020, Cổng dịch vụ công quốc gia có trên 37 triệu lượt truy cập hệ thống; trên 142.000 tài khoản đăng ký (trong đó hơn 1.100 tài khoản của doanh nghiệp), tiếp nhận và hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi, trên 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; tích hợp 405 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 232 dịch vụ công dành cho doanh nghiệp.

Đến ngày 11-6, có gần 42,5 triệu lượt truy cập, trên 164.000 tài khoản đăng ký (trong đó có 1.729 tài khoản của doanh nghiệp, tăng trên 600 tài khoản - tốc độ tăng khá nhanh so với giai đoạn 6 tháng trước đây); hỗ trợ trên 13.400 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp; đã tích hợp, cung cấp 512 dịch vụ công trực tuyến (trong đó có 288 dịch vụ công cho doanh nghiệp).

Qua tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia, các doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục tại tất cả các bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến nhiều dịch vụ, nghĩa vụ tài chính liên quan.

Quá trình giải quyết các thủ tục thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia không chỉ được thông tin tới các doanh nghiệp, mà Văn phòng Chính phủ cũng tiếp nhận thông tin để đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong khâu giải quyết.

Hiện tại, Cổng dịch vụ công quốc gia vẫn đang trong quá trình tiếp tục tích hợp các dịch vụ công, cải tiến, phát triển để phục vụ ngày một hiệu quả hơn cho người dân, doanh nghiệp, cả về quy trình nghiệp vụ của cổng và giao diện, độ tiện lợi cho người dùng…(642) (1,5)

                                                   (Nguyễn Lê- http://www.hanoimoi.com.vn/)

 

51. Hơn 1.500 thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4

Ngày 11-6, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Báo cáo số 158/BC-UBND về công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2020 của thành phố.

Theo báo cáo, kết quả công tác cải cách hành chính của thành phố được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao. Chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội năm 2019 tiếp tục xếp hạng rất cao, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố (SIPAS) đạt trên 80%, hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố.

Đáng chú ý, trong tình hình dịch Covid-19, các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành công việc theo chỉ đạo của UBND thành phố và Trung ương, bảo đảm việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính, việc tiếp công dân và các nhiệm vụ chuyên môn thực hiện liên tục, không bị gián đoạn.

Thành phố cũng thực hiện tốt công tác chuẩn hóa thủ tục hành chính, kiểm soát việc công bố thủ tục hành chính. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã ban hành 18 quyết định công bố thủ tục hành chính; 100% các quyết định công bố thủ tục hành chính sau khi ban hành đã được công khai theo quy định.

Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 1.501/1.659 thủ tục hành chính. Số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công thành phố đạt hơn 930.000 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 91%.

Thành phố cũng đã xây dựng và vận hành cổng dịch vụ công thành phố, hệ thống một cửa dùng chung ba cấp giúp cho việc tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân thuận tiện, tiết kiệm, đồng thời giúp cơ quan quản lý kiểm soát việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tốt hơn. Tính đến ngày 24-5-2020, có 88 dịch vụ công đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 34%. 

6 tháng cuối năm 2020, thành phố Hà Nội chú trọng đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; tăng cường các hình thức thông tin, tương tác với người dân; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Đặc biệt, thành phố đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và cung ứng dịch vụ công, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, coi đây là giải pháp đột phá để hiện đại hóa hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, là cơ sở để tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính các cấp…(560) (1,5)

(Hiền Thu- http://www.hanoimoi.com.vn/)

52. Thúc đẩy mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành tạo điều kiện cho khởi nghiệp, đầu tư trong nước và đón nhận làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài chảy về; thúc đẩy mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử...

Đây là những nội dung chính trong kết luận do Văn phòng Chính phủ mới thông báo về chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ, các nhiệm vụ cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, yêu cầu người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ trung ương đến địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy những mặt đạt được trong công tác cải cách hành chính; đổi mới tư duy, nhận thức, coi công tác này là khâu có ý nghĩa quan trọng, đột phá nhằm thúc đẩy chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu tinh giản biên chế 10% giai đoạn 2015-2021 theo Nghị quyết số 39-NQ/TƯ; hoàn thành sớm mục tiêu sắp xếp các đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 trong năm 2020.

Phó Thủ tướng yêu cầu đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch, khơi thông nguồn lực kinh tế; tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa" liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, không gắn với địa giới hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đến tháng 6-2020 hoàn thành việc gửi nhận văn bản điện tử tại 4 cấp chính quyền, nâng tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng theo chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ...(546) (1,5)

(Trí Thư-http://www.hanoimoi.com.vn/)

53. Người dân hài lòng với 4 dịch vụ công lĩnh vực tư pháp

Tin từ Bộ Tư pháp cho biết, theo khảo sát do Văn phòng Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nghiên cứu, xây dựng nhằm xác định các yếu tố tác động đến sự hài lòng của người dân đối với 4 dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, gồm: Hộ tịch, lý lịch tư pháp, công chứng và chứng thực cho thấy nhiều kết quả khả quan.

Cụ thể: Có tới 25/28 chỉ tiêu rất quan trọng/quan trọng để đánh giá mức độ hài lòng của người dân với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực tư pháp đạt tỷ lệ từ 94% trở lên. Trong đó, có 6 chỉ tiêu đạt tỷ lệ hơn 99%, như: Công chức ứng xử thân thiện; không gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc; không có sự ưu ái đối với người thân quen trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ...

Ngoài ra, có 13 chỉ tiêu đạt tỷ lệ 96-98%, chủ yếu liên quan tới kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công, như: Linh hoạt trả kết quả sớm hơn cho người dân khi có nhu cầu chính đáng; trong trường hợp có sai sót hoặc không trả kết quả đúng hạn có thư xin lỗi; hỗ trợ miễn, giảm mức phí/lệ phí cho người nghèo, người khuyết tật…

Khảo sát nói trên được tiến hành tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: Hà Nội, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Nam, Đồng Tháp và thành phố Hồ Chí Minh.(267) (1)

 (Hà Phong- http://www.hanoimoi.com.vn/)

 

54. Đề nghị chuyển giao phần mềm dịch vụ công trực tuyến cấp, đổi giấy phép lái xe mức độ 4

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc thực hiện phối hợp thí điểm triển khai phần mềm dịch vụ công trực tuyến cấp, đổi giấy phép lái xe mức độ 4 tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Để thực hiện thí điểm triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp, đổi giấy phép lái xe mức độ 4 tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Chính phủ và bảo đảm việc quản lý, vận hành thống nhất về phần mềm và quy trình nghiệp vụ cấp, đổi giấy phép lái xe trên phạm vi cả nước, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất: Sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam cập nhật, nâng cấp, xây dựng phần mềm thì chuyển giao phần mềm về cho Sở khai thác, sử dụng như đối với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố khác.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ thực hiện việc chuyển đổi dữ liệu của thành phố Hà Nội và điều chỉnh quy trình nghiệp vụ cho phù hợp với hệ thống phần mềm nghiệp vụ chung của cả nước.

Đối với hệ thống phần mềm dịch vụ công “Đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông Vận tải cấp” mức độ 3 và “Cấp giấy phép lái xe quốc tế” mức độ 4, đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp tài khoản để Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khai thác, sử dụng trên phần mềm dịch vụ công đang triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khảo sát, đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng, đường truyền và phần mềm hiện hành, từ đó có giải pháp, phương án nâng cấp, điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với yêu cầu để thí điểm cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến.

Việc nâng cấp phần mềm thí điểm cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2020. Trong đó, có hạng mục đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông Vận tải cấp (mức độ 4) thuộc nhóm dịch vụ công thiết yếu, có số lượng đối tượng thực hiện cao. Bộ Giao thông Vận tải được yêu cầu tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia vào quý II-2020. (460) (1,5)

(Tuấn Lương-http://www.hanoimoi.com.vn/)

 

55. Coi trọng đào tạo công nghệ thông tin để đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử

Chiều 26-5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020 và việc cập nhật thông tin trên ứng dụng thông minh Hà Nội SmartCity.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự.

Trước ngày 1-7-2020, hoàn thành việc tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia

Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Hà Nội đã xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành. Trong đó, thành phố duy trì, khai thác sử dụng thường xuyên hệ thống họp trực tuyến; nhất là trong đợt phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua đã khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống họp trực tuyến để triển khai các cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đến cấp xã. Cơ sở hạ tầng CNTT phát triển đến cấp huyện và cấp xã, phục vụ yêu cầu giải quyết công việc và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho công dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị CNTT đã được lắp đặt để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các khu dân cư...

Từ năm 2016 đến nay, thành phố tập trung triển khai 4/6 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi về dân cư, quản lý doanh nghiệp, quản lý bảo hiểm và tài chính. Thành phố tiếp tục triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành ở các lĩnh vực: Đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư qua mạng; giáo dục và đào tạo; giao thông vận tải; xây dựng; y tế; tài nguyên và môi trường; nông nghiệp...

Đáng chú ý, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển các ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đó có việc triển khai Cổng dịch vụ công thành phố cung cấp các dịch vụ trực tuyến công mức độ 3, 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố triển khai đến 22 sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn...

Đến nay, tổng số thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 1.501/1.659 thủ tục hành chính (trong đó thành phố hiện có 1.808 thủ tục hành chính), đạt 91%. Đáng chú ý, từ ngày 26-10-2018 đến ngày 24-5-2020, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên hệ thống thông tin một cửa điện tử thành phố là 3.458.474 hồ sơ, trong đó có 691.694 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến, đạt 20%.

Theo ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng UBND thành phố, hiện Hà Nội có 261 dịch vụ công trực tuyến và tính đến ngày 24-5, có 88 dịch vụ công đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 34%. Để đạt mục tiêu đến hết ngày 30-6-2020 hoàn thành việc tích hợp 173 dịch vụ công còn lại lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng UBND thành phố đã làm việc với đại diện VNPT Hà Nội và Tập đoàn VNPT (đơn vị tư vấn triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia) thống nhất phương án, kế hoạch triển khai, bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

Về triển khai ứng dụng Cổng thông tin thành phố (Hà Nội SmartCity), đến nay, Hà Nội đã cập nhật lưu trữ dữ liệu của 22.790 người thuộc diện quản lý, giám sát liên quan đến dịch Covid-19. Tính đến ngày 24-5-2020, đã có 15.810.379 lượt truy cập xem bản đồ dịch trên ứng dụng; 57.370 tài khoản được đăng ký sử dụng trên hệ thống (trong đó có 12.851 tài khoản thành viên các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thuộc 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn được khởi tạo và đang khai thác sử dụng trên hệ thống); 696.347 lượt tải ứng dụng trên 2 nền tảng di động iOS và Android; tiếp nhận, xử lý 2.632 phản ánh, kiến nghị của người dân về các lĩnh vực như: Y tế (dịch Covid-19), giao thông, an ninh, môi trường...

 Coi trọng đào tạo công nghệ thông tin

Sau khi giải đáp 10 vấn đề mà các sở, ngành đặt ra, phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung ghi nhận những kết quả đạt được của Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020.

Theo Chủ tịch UBND thành phố, mặc dù có một số chỉ tiêu chưa hoàn thành, song việc triển khai ứng dụng CNTT trên địa bàn góp phần quan trọng vào việc giúp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội (đứng thứ 9 năm 2019, tiếp tục duy trì vị trí trong tốp 10), nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của thành phố. Ứng dụng CNTT giúp liên thông thủ tục hành chính các cấp phường, xã, quận, huyện với thành phố và liên thông với Văn phòng Chính phủ, cho thấy việc xây dựng hệ thống một cửa phục vụ người dân, doanh nghiệp được thực hiện đúng hướng.

Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động, điều hành, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Nội vụ rà soát và thực hiện đào tạo về CNTT với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng ai chưa được đào tạo sẽ được tiếp tục bổ sung đào tạo và trình độ tương đương với có chứng chỉ ứng dụng tin học trình độ C. Đồng thời, những người đã được đào tạo được cập nhật kiến thức về CNTT hằng năm, từ đó góp phần chuẩn hóa cán bộ CNTT để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Nhấn mạnh nguồn nhân lực CNTT là vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong xây dựng và phát triển đất nước cũng như Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng, bổ sung chương trình học về CNTT, chú trọng những ngành công nghệ nòng cốt như trí tuệ nhân tạo, 3D, tự động hóa... để trình Thành ủy, Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và có thể đưa thành môn học trong năm học mới. (1.190) (2,5)

(Thanh Hà-http://www.hanoimoi.com.vn/)

56. Cơ hội cho ứng dụng trực tuyến trong nước

Theo thống kê, trung bình mỗi tuyến cáp quang biển gặp sự cố 1 lần/năm. Sự cố trên tuyến AAG (Asia America Gateway) mới đây lại “rơi” vào lúc cả nước đang thực hiện cách ly xã hội, nhu cầu sử dụng ứng dụng trực tuyến gia tăng nên gây ra không ít phiền toái với người dùng. Song qua đây cũng cho thấy cơ hội để phát triển ứng dụng trực tuyến trong nước.

Theo số liệu từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), sự cố trên tuyến AAG khiến các nhà mạng trong nước bị sụt giảm đáng kể băng thông đi quốc tế. Trong đó Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) bị mất 1.140Gb; Tập đoàn FPT bị mất 550Gb; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) bị mất 370Gb.

Chị Nguyễn Ngọc Trâm (ngõ 169 Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết, từ khi tuyến cáp này gặp sự cố, việc truy cập các ứng dụng trực tuyến của nước ngoài thường xuyên bị “treo” nhất là vào buổi tối. Cùng ý kiến này, anh Nguyễn Anh Quân (nhà CT10A, Khu đô thị Đại Thanh, huyện Thanh Trì) đề nghị, các nhà mạng cần bảo đảm chất lượng dịch vụ như cam kết, thay vì tăng thêm dung lượng khuyến mãi mà khách hàng không truy cập được.

Ngay sau khi xảy ra sự cố trên tuyến AAG, một số nhà mạng bị ảnh hưởng đã định tuyến lưu lượng sang các hướng cáp quang biển và cáp quang trên đất liền khác. Ông Tô Dũng Thái, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, ngoài giải pháp san tải lưu lượng sang các tuyến cáp quang khác để bảo đảm dịch vụ cung cấp cho khách hàng, VNPT đã có phương án cùng với đối tác nước ngoài đầu tư thêm tuyến cáp quang mới.

Theo ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông, sự cố trên tuyến AAG xảy ra, người dân khi dùng ứng dụng của các nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, YouTube sẽ bị khó khăn. Tuy nhiên, các ứng dụng trực tuyến do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển sẽ không bị ảnh hưởng vì đặt máy chủ và “chạy” trên cáp quang trong nước.

Thực tế, trong thời gian qua, các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, FPT đã đưa ra các giải pháp, ứng dụng trực tuyến để phục vụ khách hàng làm việc, học tập từ xa, tại nhà trong thời gian chống dịch Covid-19 và thực hiện cách ly xã hội. Trong đó phải kể đến VNPT với giải pháp hội nghị truyền hình trực tuyến (VNPT-Meeting) phục vụ các cơ quan, doanh nghiệp. Theo ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển dịch vụ (Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone), VNPT đã kết nối 80 phòng họp từ Văn phòng Chính phủ tới 28 điểm cầu là các bộ, ngành, địa phương; cũng như đã triển khai giải pháp này tới hàng nghìn khách hàng là cơ quan, doanh nghiệp.

Trong khi đó, bà Lê Hà, Trưởng phòng Marketing Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Tập đoàn Viettel) cho biết, đã triển khai 700 điểm cầu truyền hình trực tuyến để Bộ Y tế thiết lập hệ thống cầu truyền hình với 23 bệnh viện lớn. Đặc biệt, Viettel cũng vừa triển khai cầu truyền hình trực tuyến phục vụ hội nghị ASEAN 3 trong các ngày 8 và 9-4 vừa qua.

Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Huy Dũng nhận xét, có những phần mềm phục vụ phòng, chống dịch được làm xong chỉ trong vòng 48 giờ. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia xây dựng ứng dụng độc đáo, mới lạ, hiệu quả, đi trước so với thế giới, cho thấy năng lực của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam rất lớn. Dịch Covid-19 không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để doanh nghiệp phát triển ứng dụng trực tuyến và người dùng trải nghiệm ứng dụng do doanh nghiệp trong nước phát triển.(705)(1,5)

(Việt Nga- http://www.hanoimoi.com.vn/)

 

57. Khẩn trương kết nối, tích hợp 249 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 1392/UBND-THCB nêu chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện tốt việc triển khai kết nối, tích hợp dịch vụ công trực tuyến thành phố trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu thực hiện tiếp nhận các dịch vụ công trực tuyến của thành phố đã được tích hợp, kết nối trên Cổng dịch vụ công quốc gia đúng thời gian quy định, tránh để tình trạng chậm trễ trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

Văn phòng UBND thành phố được giao chủ trì, phối hợp với các sở: Du lịch, Quy hoạch - Kiến trúc, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Giao thông - Vận tải, Công Thương, Ngoại vụ, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa và Thể thao, Xây dựng, Công an thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai kết nối, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với 249 dịch vụ công trực tuyến.

Văn phòng UBND thành phố cũng cần tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát, đề xuất danh mục, lộ trình các dịch vụ công trực tuyến sẽ kết nối, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong tổng số dịch vụ công trực tuyến của thành phố theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện. (294)(1)

(Tiến Thành-http://www.hanoimoi.com.vn/)

 

58. Triển khai chính quyền điện tử tại thành phố Hà Nội: Đột phá từ dịch vụ công trực tuyến

Với 1.448/1.818 thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4, thành phố Hà Nội đã tạo ra sự đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử, mang lại sự thuận tiện, nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp. Để phát huy kết quả đó, thành phố tiếp tục quan tâm, đề ra những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập.

Dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 đạt 81%

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tích cực thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Ngay sau khi Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ “Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025” được ban hành, cùng với việc đổi mới phương thức phục vụ, Hà Nội tập trung gắn ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính.  

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, năm 2019, đã có 121 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở và 18 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp huyện được bãi bỏ; 24 thủ tục hành chính đã được rút ngắn thời gian giải quyết với tổng số 116 ngày làm việc so với quy định; đơn giản hóa 9 điều kiện đầu tư, kinh doanh… Tương tự, Quận ủy Long Biên đã chủ động đẩy mạnh cải cách hành chính, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước thời hạn đạt 99,4%.

Đáng chú ý, năm 2019, UBND thành phố quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đưa tổng số thủ tục hành chính của toàn thành phố còn 1.818 thủ tục (cấp sở là 1.508; cấp huyện là 220; cấp xã là 90).

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ thông tin, tính đến cuối tháng 12-2019, tổng số thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 là 1.448/1.818 thủ tục hành chính (đạt 81%). Trong đó có 297 dịch vụ công trực tuyến mức 4, là mức độ dịch vụ công trực tuyến cao nhất hiện nay, cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến và việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện.

Cùng với đó, thái độ, tinh thần, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được giám sát chặt chẽ hơn trước. Anh Bùi Mạnh Hải (xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì) làm thủ tục đăng ký kết hôn qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho biết: “Chỉ cần nhập các dữ liệu ngay trên điện thoại là có thể hoàn tất hồ sơ, nên tôi thấy rất thuận tiện”.

Những ngày gần đây, do dịch Covid-19 nên tại nhiều bộ phận “một cửa”, lượng công dân giao dịch hành chính giảm. Do đó, các cán bộ, công chức, viên chức có nhiều thời gian hơn để hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bà Trần Thị Châu Loan, công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) cho biết: "Nhiều công dân, nhất là lớp trung và cao tuổi chưa nắm rõ quy trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên chúng tôi tập trung hướng dẫn để họ sử dụng thành thạo, từ đó tạo sức lan tỏa đến các thành viên khác trong gia đình và cộng đồng...

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, bất cập

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố Hà Nội để đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố trong ứng dụng công nghệ thông tin năm 2019, thông qua kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2020 (ngày 12-2-2020), đại diện một số sở, ngành cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, việc xây dựng chính quyền điện tử còn gặp khó khăn, bất cập. Đó là một số nơi còn lúng túng, chưa linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Công tác cải cách thủ tục hành chính chưa được triển khai theo hướng tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, lấy đó làm trung tâm phục vụ. Những thủ tục hành chính hiện bắt buộc phải có chữ ký, con dấu thì chưa được Chính phủ quy định số hóa chữ ký nên vẫn phải chuyển giấy tờ… 

Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) Trần Thu Thúy cho hay, UBND phường đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết một số vấn đề như: Nghẽn mạng internet; một số thủ tục hành chính có phần mềm chưa phù hợp với hồ sơ giấy tờ trên thực tiễn; việc đánh giá tiến độ giải quyết hồ sơ ở một số lĩnh vực còn chưa chính xác…

Còn theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ, Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố đã đề ra 26 mục tiêu trong năm 2020. Trong đó, thành phố từng bước phấn đấu hoàn thiện, duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4, trong đó tối thiểu 35% dịch vụ công trực tuyến mức 4...

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố nêu rõ, mục tiêu cơ bản năm 2020 của thành phố là tích hợp toàn bộ các thông tin thủ tục hành chính, dịch vụ công vào một cổng thông tin để người dân sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ có những tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, công tác cải cách hành chính và ứng dụng dịch vụ công, nhất là dịch vụ công trực tuyến phải được thực hiện quyết liệt để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch và hỗ trợ người dân thực hiện các giao dịch hành chính…

Với những kết quả và nỗ lực thực hiện, Hà Nội tiếp tục chứng tỏ là địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.(1.096)(2,5)

(Mai Hữu- Hiền Thu-http://www.hanoimoi.com.vn/)

 

 

59. Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng văn hóa công vụ thực chất

Với chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng văn hóa công vụ, hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực, nâng cao tính chuyên nghiệp của cơ quan công quyền. Để thực hiện điều này, thành phố sẽ siết chặt kỷ cương trong thực thi công vụ, khơi dậy tinh thần tự giác của mỗi cán bộ, công chức.

Thực hiện “4 xin - 4 luôn”

Anh Trần Thành Công (ngụ phường Tân Định, quận 1) cho biết, do làm kinh doanh nên anh thường xuyên tiếp xúc cơ quan công quyền để thực hiện các thủ tục hành chính. “Bây giờ, mỗi khi đến các cơ quan nhà nước, tôi không còn cảm giác căng thẳng như trước. Cán bộ, công chức hiện nay rất thân thiện, từ chỗ xa cách đã trở nên gần gũi hơn”, anh Công chia sẻ.

Chị Hồ Thị Lệ Thanh, Phó Trưởng bộ phận tiếp nhận hồ sơ, UBND quận 1 cho biết, cán bộ ở đây được quán triệt phải luôn thực hiện phương châm “4 xin - 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. “Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, sự hài lòng của người dân là thước đo trách nhiệm công vụ của người cán bộ”, chị Hồ Thị Lệ Thanh chia sẻ.

UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức thành phố. Theo đó, cán bộ, công chức không mặc quần jean, áo thun khi đi làm; trong thời gian làm việc không dùng thiết bị giải trí, không nói tục… Thêm nữa, có những quy định rất chi tiết như khi giao tiếp với người dân qua điện thoại, cán bộ phải xưng tên, chức danh, chức vụ, cơ quan công tác; đặc biệt, trao đổi phải ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc, không gắt gỏng, không nói trống, không ngắt điện thoại đột ngột.

Tại UBND quận 12, xây dựng văn hóa công vụ không chỉ từ thái độ của cán bộ, công chức mà còn từ không gian, tiện ích tại cơ quan công quyền. Cụ thể, UBND quận đã xây dựng văn phòng làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Ban Tiếp công dân theo hướng hiện đại, sử dụng năng lượng sạch, có hệ thống cây xanh xung quanh, có đầy đủ các thiết chế phục vụ người dân như: Nhà vệ sinh, nước uống, khu vực chờ, khu vực hướng dẫn, khu vực niêm yết, tra cứu thông tin…

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, phương châm phục vụ người dân của quận là khi người dân đến cơ quan công quyền trước tiên phải cảm thấy thoải mái, sau đó cảm nhận sự thân thiện, gần gũi, cởi mở, lễ phép của cán bộ phục vụ. Khi người dân và cán bộ phục vụ không còn khoảng cách thì mọi việc sẽ diễn ra dễ dàng, trơn tru.

Phục vụ với tinh thần tự giác

Ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân đạt tỷ lệ khá cao (trên 90%) ở các sở như: Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo… Để có được kết quả trên, các sở này đã khơi dậy được tinh thần năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới hình thức tổ chức, phương thức phục vụ người dân.

Đơn cử, tại Sở Giáo dục và Đào tạo, người dân đánh giá cao, hài lòng nhiều nhất ở chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên và kết quả chăm sóc, giáo dục tại các nhà trường. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, qua đó phát huy tối đa năng lực, sự sáng tạo của từng cán bộ, giáo viên.

Tuy nhiên, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức vẫn sẽ là chủ đề mà cả hệ thống chính quyền cần tiếp tục tạo chuyển biến trong thời gian tới. Đây cũng chính là yêu cầu đặt ra của các cấp chính quyền thành phố trong xây dựng văn hóa công vụ.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng văn hóa công vụ là vấn đề rất cấp bách nhưng cũng vô vàn khó khăn. “Chìa khóa” để xây dựng văn hóa công vụ chính là cái “tâm”, tinh thần tự giác của từng cán bộ, công chức. Cả hệ thống chính quyền cần khơi dậy tinh thần này. Bên cạnh đó, phải bảo đảm điều kiện sống của cán bộ, công chức. Khi điều kiện sống được bảo đảm, người cán bộ sẽ toàn tâm cống hiến cho công việc.

Nhằm góp phần hình thành phong cách ứng xử, tạo lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện quán triệt tinh thần văn hóa công vụ đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị. Trong năm 2020, thành phố sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, công chức, viên chức có thành tích, gương mẫu trong thực hiện văn hóa công vụ. Thành phố cũng sẽ lấy tiêu chí về sự hài lòng của người dân trong văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Liên quan đến vấn đề trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang cho biết, trong các nguyên nhân mà người dân chưa hài lòng khi giải quyết thủ tục hành chính có thái độ phục vụ của cán bộ, công chức chưa tốt. Do đó, cán bộ, công chức cần giải thích, hướng dẫn cặn kẽ với tinh thần phục vụ người dân. Qua đó, đồng chí đề nghị mỗi cán bộ, công chức cần suy nghĩ về trách nhiệm của mình để phục vụ người dân tốt hơn, bằng chính cái tâm của mình.(1.148)(2,5)

(Nguyễn Lê-http://www.hanoimoi.com.vn/)



Tin liên quan